Đừng kể tới những năm tháng tuổi đời xanh như lá mới nơi quê nhà, thuở
tập tành viết lách. Truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên quê hương thứ hai, được
đăng trên tạp chí Văn với vài lời giới thiệu của cố nhà văn Mai Thảo, đến bây
giờ đã gần ba mươi năm.
Xuất bản được bốn tác phẩm. Ba tập truyện đầu, tổng cộng là ba mươi sáu
truyện ngắn, lẫn tạp ghi. Mỗi tập truyện cách nhau đến chín năm. Nếu chia
đều số truyện cho hai mươi bảy năm thì mỗi năm tôi chỉ viết được một
truyện. Tội nghiệp quá, sức viết của tôi!
Tôi chỉ nhẩm tính con số này khi
sửa lại phần tiểu sử, tác giả và tác phẩm, chuẩn bị cho cuốn truyện dài đầu
tay. Bởi vì đây là tác phẩm thứ tư, ra đời chỉ cách hai năm, sau cuốn sách thứ
ba. Nói vậy, không phải là tôi đã viết nhanh hơn.
Truyện dài mang tên "Sương Ký Ức" được khai bút từ rất lâu, nhưng nhiều chuyện
không vui xảy ra khiến tôi không còn hứng thú. Tôi ngừng viết, bỏ hẳn bản thảo
qua một bên, mặc dù đã viết được sáu chương… Cuối cùng, truyện được hoàn tất
trong vòng sáu tháng. Chữ nghĩa từ tim óc viết ra làm sao có thể dễ dàng dứt bỏ.
Những người bạn văn từng viết truyện dài đã nói với tôi : viết
truyện dài dễ hơn truyện ngắn. Điều này đúng sai tôi chưa biết. Tôi chỉ mới
trải nghiệm trên một trăm bảy chục trang giấy. Nhưng quả thật chữ nghĩa đã đẩy
đưa, dẫn người viết đi đến những cảnh huống, những nơi chốn không định trước.
Nếu tôi nhớ không lầm, có lẽ cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã nói điều này trong
một bài phỏng vấn.
Theo suy nghĩ của tôi, khi viết truyện dài phải có cảnh sống, đối thoại linh động của
các nhân vật mà qua đó độc giả có thể thấy cá tính của từng người. Là cây viết
chuyên viết những truyện buồn, dàn trải nội tâm. Nên với truyện dài, tôi tránh
những độc thoại quá lê thê, cố gắng đào sâu vào đối thoại. Và điều này, đôi khi
làm tôi cảm thấy như mình đã đánh mất văn phong của mình.
Có lẽ chẳng một tác giả nào hoàn
toàn vừa ý với những gì đã viết ra, sau khi in ấn. Tôi thành công ở những
truyện ngắn hay truyện dài mới vừa xuất bản? Tất cả do độc giả thẩm định. Nhưng
độc giả là ai?
Chắc chắn người viết nào cũng có độc giả. Nhiều ít thì có trời biết.
Thời cộng tác với báo Văn, Văn Học, những vị chủ bút nay đã quá vãng, thỉnh thoảng có vị gửi E.mail
cho tôi, chuyển những lời khen của một độc giả nào đó. Thường các độc giả này
là bạn thân thiết của chủ bút. Tôi biết tên họ nhưng chưa từng gặp mặt bao giờ.
Viết, cũng cho tôi được nhiều điều hạnh phúc. Vì quả đất tròn một cách thú vị theo từng nhịp quay của nó.
Sinh
thời, nhà văn chủ bút Nguyễn Xuân Hoàng
có gửi cho tôi một E.mail. Chỉ có một câu ngắn ngủi, chẳng ăn nhập gì đến văn
chương chữ nghĩa.
"Anh Dũng muốn liên lạc với
ML, anh nhớ Cưng và má lắm." ML có nhận ra là ai không?
Tôi nhận ra ngay người đã viết giòng
nhắn tin. Người thân thiết với gia đình mới có thể biết Cưng là tên gọi ở nhà của ông anh thứ.
Người tìm tôi không phải là độc giả.
Vô tình anh đến nhà người bạn, thấy trên bàn có tạp chí Văn số đặc biệt
"Bảy nhà văn nữ ở Pháp". Tò mò mở ra coi, nhìn hình chân dung các tác
giả, anh nhận ra tôi. Riêng tôi, nghe tên Dũng là cả một hồi ức tuổi trẻ quay
về. Mối thâm tình giữa anh và gia đình không bao giờ tôi quên. Trong chút vốn
liếng kiến thức nào đó tôi có được trong những năm học hành ở nhà trường, ít
nhiều cũng có sự góp phần quý giá của anh.
Đó là khoảng thời gian mới có E.mail và không phải ai cũng biết xử dụng
điện thư, những văn minh của ngành tin học. Người ta vẫn còn liên lạc bằng thư
viết tay, hay điện thoại khi tìm kiếm, tìm hiểu gì đó. Bây giờ thì con người có
thể tìm nhau dễ dàng qua một khung kính, trên một vài mạng lưới thông tin hiện
đại mà không phải nhờ tới người thứ ba. Không phải đăng báo, nhắn tin.
Anh Dũng ở Virginia. Phải chăng
Virginia là đất lành cho tôi bay về rong chơi mỗi lần đặt chân đến Hoa
Kỳ ? Vì nơi này tôi có người bạn văn, khá là thân thiết.
Có người tìm mình từ một trang báo không phải là niềm vui duy nhất trong
cõi "sống và viết" (1) của
tôi. Tôi nhận thêm một tin nhắn khác, không bằng điện thư, mà qua messenger trên facebook. Một người cũng ở
Virginia. Một người lạ, với nick-name
không bỏ dấu. Hình đại diện của facebooker này chỉ là gương mặt một chú chó Nhật, lông xù xinh xắn. Một người
quả là yêu thú vật, nên hình ảnh được đăng lên trang nhà toàn hình chim chóc,
muông thú. Tất cả những Status đưa lên chỉ viết bằng tiếng Anh. Nhưng những lời
gửi cho tôi trong messenger của cô hay cậu này làm tôi bồi hồi. Một thứ tiếng
Việt ròng, không sai trật chữ nào, ngay cả dấu chấm, dấu phẩy.
Sau vài lần qua lại tôi mới biết đó là một phụ nữ nhỏ tuổi hơn tôi, cô gọi
tôi bằng chị. Gọi bằng chị bởi cô biết rất rõ năm tháng tôi được sinh ra. Cô
nói với tôi, mẹ em là bạn thân của ba mẹ chị. Mẹ em đọc báo thấy hình chị và
muốn liên lạc với chị được không ạ?
Tên của mẹ cô, tôi có nghe loáng thoáng những khi má tôi kể những chuyện xa
xưa, quãng đời ở miền Trung, một tỉnh lỵ nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Một
khoảng đời không hề có trong ký ức tôi. Vì sống nơi đó không lâu, gia đình đã
dời đi nơi khác.
Mẹ em là bạn của ba mẹ chị! Ấy chỉ là một cách nói của người tìm tôi trên facebook. Như các anh chị của tôi, tôi phải gọi người độc giả này bằng chị. Chị Hảo!
Chuyện cả bảy
mươi năm về trước ở Đà Nẵng. Nơi có một cư xá mang tên là Cư Xá Hoả Xa gồm mười
sáu gian nhà. Nhà tôi số 1, nhà chị Hảo số 2. Ba chị và ba tôi là đồng nghiệp,
nhân viên của sở hoả xa. Nhà nào cũng đông con. Lũ trẻ con của hai nhà cộng lại
cả chục đứa. Chúng chơi thân với nhau, chạy qua chạy lại thân tình như họ hàng.
Sinh thời, ba tôi là một nhiếp ảnh gia. Ông chụp hình cho đám con của mình,
luôn anh em nhà chị Hảo. Chị có gửi cho
tôi xem hình mấy anh em nhà chị chụp với anh chị của tôi. Những tấm hình không
có tôi, vì tôi chưa ra đời. Những đứa con của hai nhà có một tuổi thơ tuyệt
đẹp.
Tôi không thể tưởng tượng ra cư dân trong khu cư xá với 16 gian nhà, thời
đó họ dễ thương, sống đầm ấm với nhau như thế nào? Nhưng nghe rằng ba tôi mỗi
bận đi làm xa, mua quà về đều mua cho cả xóm. 16 bao nhãn, 16 giỏ sò. Quà cáp
đồng đều không thiếu nhà nào. Thời xa xưa hình như tình người bao la đậm đà hơn
thời này.
Ba tôi là một người đầy nhân đức lại vắn số. Việt Minh đã đặt chất nổ trong
toa tầu khiến ông tử nạn cùng với những người Pháp trên đường đi công tác. Bằng
một tuỳ bút, tôi có viết về câu chuyện đau thương này. Truyện mang tên
"Chuyến Tàu Cuối Năm", đăng trên báo xuân của tạp chí "Trẻ"
cách đây hai năm. Qua những lời văn, độc giả Hảo đã nhìn ra tôi. Chị đã có ý
muốn tìm tôi từ lúc đó. Và năm nay bài viết về Tết của tôi xuất hiện. Đặc biệt
kỳ này có hình chân dung thật to của tác giả. Không trật vào đâu được! Vì thế
mới có cái message của Quỳnh, con gái chị gửi cho tôi.
Ba tôi mất lúc tôi chỉ được vài tháng tuổi. Chị Hảo là người bế bồng tôi.
Nhà sát vách nên chị chạy qua chạy lại giúp má tôi, trông nom tôi và làm những
việc lặt vặt, ngay cả chuyện tắm rửa cho tôi.
Chị thương má tôi goá bụa khi mới ba mươi tuổi. Thương tôi mồ côi, mồ
cút. Thương sự ra đi đột ngột, thảm khốc của ba tôi. Ngày nhỏ tôi hay khóc, hở
chút là mếu máo. Chị qua nhà bế bồng dỗ dành tôi mãi…
Chị Hảo đã nói với tôi như thế trong cuộc điện đàm. Còn chị Dung tôi, người
chị cả đang sống nơi quê nhà dặn em:
- Em hãy trân trọng chị Hảo, chị ấy thương em lắm. Chị vẫn nhớ những câu
nựng nịu của chị Hảo khi bồng bế em. Nan Nan ơi, Nan Nan của chị!
Tôi sụt sùi trong mỗi câu chuyện được hai người bạn ấu thời ôn lại. Và cảm
động khi nghe Quỳnh, con gái chị Hảo nói: giờ em mới biết là mẹ em thương chị
lắm. Hèn gì cô út của em xưa bà cũng nựng "Na Na của mẹ".
Tôi rưng rưng khi nhìn những tấm hình xưa do Quỳnh gửi. Trong hình, có đứa
bé là tôi còn được bế bồng. Sau lưng ảnh là những lời thương yêu má tôi viết
tặng chị Hảo mà chị giữ cho tới bây giờ.
Sau khi ba tôi mất, gia đình phải rời khỏi khu Cư Xá Hoả Xa, dọn về Đà Lạt
sinh sống. Đà Nẵng đối với tôi xa vời, tôi chỉ biết nơi đó có cái xã mang tên
Thạc Gián và Đà Nẵng còn được người Pháp đặt là Tourane. Từng đó hiển hiện trên
giấy khai sanh của tôi.
Nhưng từ hôm đó, ba người phụ nữ đã giúp tôi thấy lại chút gì khoảng đời
thơ dại của mình, qua những tấm hình được trân trọng giữ lại của người ở
Virginia, người ở Biên Hoà. Hình ghi dấu một thời đất nước bị đô hộ nhưng thanh
bình êm ấm.
Tôi cũng có một tấm hình không biết mình độ tuổi nào? Hình tôi ôm con búp bê nhựa, hai con mắt híp lại như vừa khóc xong. Có phải đó là lúc chị Hảo dỗ dành, cho tôi con búp bế? Tôi mường tượng nhiều thứ và tôi lại giọt ngắn giọt dài.
Độc giả của mình
là ai, họ độ tuổi nào? Câu hỏi ít nhiều
cũng được đặt ra từ những người cầm bút.
Độc giả tôi biết rõ nhất là những người bạn, người quen của mình. Những
người tôi hân hạnh ký sách cho họ. Tôi thường nghe họ nói rằng, qua những câu
chuyện tôi viết, họ thấy "background" của họ, tìm lại được mình qua
văn chương của tôi.
Những độc giả "người quen" này đa số trạc tuổi tôi. Tất nhiên là không nhiều lắm. Nhưng ít
hay nhiều cũng chỉ là vui với chữ. Chữ nói lên những tâm tư, cảm xúc qua những
gì nhìn thấy, xảy ra trong cuộc sống của
ta và người. Có lẽ đó là những lời tự an ủi của một nhà văn.
Và bây giờ tôi không ngờ mình lại có một độc giả gần chín mươi tuổi. Tuy rằng là một người thân. Nhưng nghĩ lại đi, nếu người độc giả mang tên Hảo này không đọc kỹ từng chữ, từng câu. Không theo dõi diễn biến của câu chuyện nhà văn kể ra, thì làm sao bà có thể nhận ra người viết là con bé Nan Nan mà bà từng bế bồng hơn sáu mươi năm về trước, rồi nhất quyết đi tìm.
Vẫn có những người đọc ở mọi lớp tuổi mà chúng ta không hề biết.
Nhà
văn ơi! Hãy tin và tiếp tục viết. Chúng ta không hề cô đơn.
Đặng Mai Lan