Trương Vũ
ÔNG
GIÀ BA TRI
Thời
còn trẻ, tôi nghe nhiều người gọi các ông già khó tính, và cố chấp là “ông già
Ba Tri”. Tôi không biết tại sao có thành ngữ đó, nhưng chính tôi, về sau, vẫn
dùng nó để chỉ một số nhân vât có tính cách như vậy. Chỉ cách đây vài năm tôi mới
biết “ông già Ba Tri” là một người có thật. Theo một số tài liệu, tên ông là
Thái Hữu Kiểm hay Cả Kiểm, sống vào đầu thế kỷ 19. Vì những phán quyết bất công
đối với dân huyện Ba Tri, ông cùng với vài ông già khác, đi bộ hơn ngàn cây số,
suốt ba tháng, ra tới kinh thành Huế nộp đơn kiện lên vua Minh Mạng, đòi lại
công bằng cho người dân Ba Tri. Thành ngữ “ông già Ba Tri” từ đó trở nên phổ biến
để chỉ những ông già cứng cỏi, kiên trì bảo vệ công lý. Tuy nhiên, dần theo thời
gian, thành ngữ này có biến đổi ý nghĩa và do đó nhiều khi được dùng hơi khác. Bây
giờ, tôi mong thành ngữ này chỉ nên được dùng để chỉ những con người có cốt
cách như ông Cả Kiểm. Nghĩa là, cứng cỏi, kiên trì, quyết tâm bảo vệ công lý
cho đến cùng.
Trong
thời gian ở Bến Tre, khách sạn tôi ở cách huyện Ba Tri khoảng hơn 40 cây số.
Nơi đó cũng nổi tiếng về sân chim Vàm Hồ, một địa điểm du lịch vùng này. Cách
đây ba hôm, tôi ngỏ ý với các cháu ở Lễ Tân là tôi cần người lái xe đưa đến huyện
Ba Tri. Các cháu đề nghị tôi không nên đi vì mùa này chim đã đi nơi khác, không
còn gì để tham quan. Tôi nói: “Không sao, chú chỉ muốn gặp mấy ông già Ba Tri”,
các cháu cười nhưng rồi cũng kiếm cho tôi người lái xe. Sáng hôm sau, tôi đến
huyện Ba Tri. Người hướng dẫn tôi là một giáo viên hồi hưu. Trước tiên, ông dẫn
tôi đến bờ sông, cho biết đây là nhánh sông Ba Lai, một trong chín nhánh của Cửu
Long thân yêu, nguồn sống của Miền Nam. Rồi, ông dẫn tôi đi vào khu rừng nguyên
sinh. Cây cối trong rừng thu hút tôi. Vì là nguyên sinh, nó không giống cây cối
bên ngoài, nó trưởng thành theo cách của nó, đẹp theo cách của nó. Có cây tra
nhưng không giống cây tra ở Viện Pasteur Nha Trang mà ngày còn nhỏ tôi thường
trèo tường hái trộm trái để ăn. Có cây bàng nhưng không như cây bàng trước nhà
tôi năm xưa. Có những cây tôi không nhớ tên nhưng thân cây cuồn cuộn đẹp lạ
lùng. Rừng không lớn lắm nhưng đường gập ghềnh và thường phải khom người xuống
nên khi ra khỏi rừng tôi khá mệt. Ông giáo chặt một trái mít nhỏ, cắt vỏ cho
tôi ăn rồi chặt dừa cho tôi uống. Ông hiền lành, rất hiếu khách. Chúng tôi trao
đổi nhau nhiều chuyện. Tại sao nước sông Ba Lai mặn và nhiều lúc cạn dòng? Tại
Trung Quốc xây nhiều đập ở thượng nguồn, và đóng mở tùy ý. Ảnh hưởng ra sao? Có
nhiều năm, mùa màng tan hoang, có năm mùa màng tốt trở lại, tùy cách ứng xử của
Trung Quốc ở thượng nguồn. Ông giáo chỉ tôi xem một thân cây bưởi mục, cho biết
mảnh đất này trước đây là một vườn bưởi rộng 6 mẫu tây, bây giờ chẳng còn gì cả.
Chuyện tang thương của đồng bằng sông Cửu Long được bạn tôi, Bác Sĩ Ngô Thế
Vinh, viết nhiều, cảnh giác nhiều, kêu cứu nhiều ròng rã hơn 30 năm. Ông giáo không
đọc sách của Ngô Thế Vinh nhưng ông cũng tỏ ra rất bực mình khi nói về những
con đập được Trung Quốc xây ở thượng nguồn và cách ứng xử của họ. Nhưng còn
cách ứng xử của mình trong chuyện này thì sao? Ông không rõ lắm nhưng ông tin
là những con đập Trung Quốc xây sẽ trở thành chuyện “gậy ông đập lưng ông” cho
họ. “Đập lưng” như thế nào? Thật khó biết nhưng có nhiều giả thuyết.
Khi
ngồi nghỉ mệt, uống mỗi người một lon Heineken, ông giáo thố lộ đôi lời về đời
sống của ông. Nhà nghèo, trở thành một giáo viên cấp 2 là một nỗ lực lớn và ông
rất hãnh diện về điều đó. Tôi chia sẻ với ông niềm hãnh diện này. Bây giờ về
hưu, ông kiếm thêm thu nhập bằng cách thổi bong bóng bán ngoài chợ. Tôi thực sự
cảm phục ông. Sau khi từ giã ông, tôi nhờ cháu tài xế cho đi một vòng huyện Ba
Tri. Nhà cửa ở đây còn mang nhiều hình bóng cũ, cho tôi lại cái cảm giác như về
thăm quê ngoại ở Vạn Giã năm xưa. Những người tôi gặp đều hiền lành, chất phát,
rất dễ mến.
Tôi
không gặp được “Ông Già Ba Tri”. Các cháu ở Lễ Tân cười tôi cũng phải.