Khánh Minh tâm sự: “Với
riêng tôi, Lục Bát thân thuộc như hơi thở. Cha mẹ tôi kể thường ru tôi ngủ bằng
những câu thơ lục bát. Như thế thì chưa biết nói đã được nhạc Lục Bát ấp ủ
trong từng hơi thở đầu đời. Cứ thế mà bén rễ, ăn sâu vào cảm thức, cho đến khi
bật ra thành câu thuở chập chững làm thơ…
Và tôi đã cảm nhận rằng Lục
Bát, dù mang nét chân phương như ca dao, vè, hay đầm đẫm nét sang cả của một
Sáu Tám thâm viễn u u, thì ở mỗi tính cách, Lục Bát vẫn có sức quyến rũ riêng.
Tôi đã gom lại những bài Lục
Bát của mình để có được một tặng phẩm nhỏ này như một tri ân Lục Bát, như quả
thu được từ hoa lời ru của cha mẹ, như sợi tằm chắt chiu gửi cho Đời cho Người…”
– Nguyễn Thị Khánh Minh
(Sant a Ana, một ngày Thu,
2022)
Khánh Minh có lần cho biết,
trong bài phòng vấn của Lê Thị Huệ trên gio.o.com :
Tôi vẫn luôn luôn viết từ cảm xúc tức thời
của mình, về những điều tôi chợt thấy, hay về những điều ám ảnh và trở đi trở lại
trong ý nghĩ mình, và tôi thường diễn đạt theo một thi pháp trong sáng nhất,
trong sáng với nghĩa dễ hiểu, không nhiều ẩn dụ. Tôi mong là người đọc thơ tôi
cảm được cái Thơ của nó không qua suy nghĩ. Một cái hiểu và cảm tức thì.
(gio.o.com).
Nhiều người cho rằng Lục bát
thì “dễ làm mà khó hay”, nên phải làm mới, đưa kỹ thuật hàn lâm vào để nâng cao,
để có thứ lục bát “đầm đẫm nét sang cả của một Sáu Tám thâm viễn u u” thì tôi
chịu thua! Theo tôi, làm mới lục bát đúng là một chuyện không dễ và… không cần. Nó là một thứ tiếng nói. Tiếng
nói Việt. Cho nên cách tân lục bát để “hàn lâm” nó chỉ gây thêm khổ cho cả người
thơ và người đọc.
Nhiều bài lục bát hàn lâm,
sang cả u u, tôi ráng hiểu, thấy khâm phục, nhưng lạ, sao không thấy hay! Đành
cười mình dốt đặc! Hay, với tôi là cái đọng lại, cái ngẩn ngơ sau những câu chữ
buột miệng, tình cờ… kiểu như thò tay ngắt một cọng ngò, thương anh đứt ruột giả
đò ngó lơ… Phải, thứ lục bát của ca dao tôi, của tâm hồn tôi. Nó quê mùa, nó
chơn chất. Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà… nó cứ trơn tuột như vậy,
bước xuống vườn cà để làm gì? Để hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay. Ai bảo nó là lục bát. Ai bảo nó không là lục
bát. Ba đồng một miếng trầu cay/ Sao anh không hỏi những ngày còn không/ Bây giờ
em đã có chồng… Vậy đó. Nó cứ tuồn tuột. Mà nó bứt rứt, mà nó thốn đau, mà nó
đay nghiến, mà nó dằn vặt… có khi đến trọn
đời. Với tôi, còn là thứ lục bát con cò mà đi ăn đêm, trông trời trông đất
trông mây… toàn là những nỗi đau, nỗi mong, nỗi đợi. Lục bát như vậy nó không cần
đi vào sang cả u u, phải vật vả truy tìm, mà nó đi thẳng vào tim với rung động
sáu cách...!
tháng năm là mộng đang đi… của
Khánh Minh là một tập thơ luc bát lạ, nó vừa “sang cả u u” lại vừa “chơn chất
thật thà”, đầy những kỷ niệm nhỏ to với bạn bè khắp chốn. Bởi nó là mộng. Mộng
thấy quê nhà là nét dễ mến nhất, khánh minh nhất. Mộng thấy biển xanh. Thấy
bóng nắng. Thấy cổ tỉnh. “Vằng vặc một tấm lòng/ Giếng xưa trăng rọi bóng” (trạm
trạm nhất phiến tâm/ minh nguyệt cổ tỉnh thủy. Nguyễn Du).
Vòng
tay mở rất quê nhà
Trông
lên đôi mắt đã là quê hương
(2008)
Tôi biết nhà thơ muốn viết
đã nhòe quê hương…
(Tháng năm là mộng đang đi)
Và ta hiểu nỗi cô đơn dằng dặc
thế nào trong cảnh sống xa quê của một người có tấm lòng “cổ tỉnh”.
Nói thầm
Gọi thầm
Hát thầm
Luôn luôn như thế
Lặng câm
Một mình
Như cơn sốt nặng làm kinh
Bật lên tiếng gọi thình
lình. Giữa đêm
Thì ra vì quá lặng im
Sợ quên. Nên gọi. Để tìm
mình thôi
(Nói thầm)
Bỗng nhớ Thanh Tâm Tuyền hơn
nửa thế kỷ trước:
Tôi
gọi tên tôi cho đỡ nhớ
Thanh
Tâm Tuyền Thanh Tâm Tuyền.
(Tôi
không còn cô độc, 1956)
Không dừng ở đó, tháng
năm là mộng đang đi lại là nỗi tìm về.
Về
trong tiếng gọi cội nguồn
Một tâm xao động. Một hồn tịch nhiên
Lắng
vào lời của vô biên
Nghe
trong ta nở một miền cỏ hoa.
(NHƯ)
Lắng
vào lời của vô biên/ Nghe trong ta nở một miền cỏ hoa. Phải
rồi. Đó mới chính là Khánh Minh. Là nghe tiếng gọi cội nguồn, là nghe lời nói của
vô biên, là đã trở về với Như Lai thực tướng.
Thầy Phước Hậu năm xưa (1862-1949)
đã ghi nhắc:
“Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Năm nay nghĩ lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.”
***
Tôi thử đi tìm ca dao trong lục
bát Khánh Minh. Có đó.
Vậy
mà mình đã quên nhau
Lời
ca dao cũ vọng đau tháng ngày
Sẻ
chia một thoáng gừng cay
Muối
tình phai giữa biển đầy lãng quên
(Gừng cay muối mặn)
Ôi, biển đã hết mặn rồi sao?
Gừng đã không còn cay nữa sao?
Lúc đầu tôi định chỉ trích
vài câu trong Bùa Quê thôi mà không cầm lòng được, đành trích nguyên bài “Lá
bùa hộ mệnh” này. Và như vậy tôi mới thấy nhà thơ rõ hơn, ngôn ngữ “bùa mê thuốc
lú” rõ hơn.
Quen
hơi bóng nắng tre xanh
Cho
ngơ cho ngẩn khi mình đi xa
Ếm
vào chân nỗi nhớ nhà
Đường
chông chênh lạ vẫn à ơi quê
Cứ
như ai dắt bước về
Chợp
con mắt lại bùa mê bóng làng
Hàng
cau xanh biếc thời gian
Mầu
hoa bí vẫn nở tràn giấc mơ
Bước
non bước biển bây giờ
Mênh
mông một khoảnh ao xưa, là nguồn
Lá
bùa hộ mệnh – quê thơm –
Chở
tim đồng nội, che rơm rạ lòng
Biển
khơi, nhớ ngụm giếng trong
Nắng
mười phương, vẫn hương đòng lúa hoa
Núm quê chiu chắt con xa…
(Bùa
Quê)
2006
Không
chỉ vậy, thấm đẫm nơi Khánh Minh còn là cõi Phật, với Nghiệp, với nhân quả, với
“mũi tên nào để vết thương/ thôi thì đau, để nhẹ nhàng cái vay”.
Mũi tên nào để vết thương
Thôi thì đau, để nhẹ nhàng cái vay
Hạt vơi đong nỗi hạt đầy
Ơn trời, mưa bóng mưa mây thôi mà
Đi đi. Đường hãy còn xa…
(Dặm
trường)
Tôi
cũng nghĩ vậy. Đi đi. Đường hãy còn xa.