Tôi
đọc Dòng Sông Định Mệnh khi tác phẩm
này đăng từng kỳ trên tạp chí Sáng Tạo. Hồi
ấy tôi mới ngoài hai mươi, làm giáo viên bậc tiểu học tại một ngôi trường quê,
cách thị xã Tuy Hoà 15km về phía bắc. Trường xây trên một ngọn đồi thấp, kề bên
quốc lộ 1A và đường sắt, nhìn xuống cánh đồng Đá Ràng, giữa đồng là ga Hòa Đa.
Trường
có 5 giáo viên, Hiệu trưởng cũng dạy lớp, chúng tôi sống với nhau rất thân thiết.
Học trò thì ngoan hiền, chăm chỉ. Lương bổng tương đối thoải mái trong chi dụng.
Cuộc sống khi vào đời, vào nghề thật là hạnh phúc. Năm người chúng tôi không ai
biết nhậu, không ai biết một môn bài bạc nào, cờ tướng thì vào hạng vịt cả, cho
nên có phần nghiêng về chuyện sách báo. Tôi và anh Phan Anh – Hiệu trưởng, hơn
tôi một tuổi – thường vào Tuy Hoà đem về các loại tạp chí Bách Khoa, Phổ Thông, Sáng Tạo
… Không nhớ rõ đã có Hiện Đại chưa,
chưa có Thời Nay và Văn …
Tôi
đọc một cách thích thú mỗi kỳ tạp chí một chương Dòng Sông Định Mệnh và mong chờ kỳ tiếp. Ở tuổi đó, tôi rất yêu mến
những gì nhẹ nhàng, lãng mạn, của văn chương Doãn Quốc Sỹ, cả những tiểu đề,
nghe sao dễ thương đến thế! Con sống dài
đi tìm ánh trăng mười sáu – Thuyền ơi thuyền, trôi về nơi đâu – Khúc quành cũ con sông xưa – Đêm trăng thuyền về
bến cũ … Thật tuyệt vời…
Tác
phẩm chưa xuất bản thành sách, khi đăng hết trên Sáng Tạo, tôi gỡ ra đóng thành tập. Một đồng nghiệp cùng quê với
Phan Anh từ Bình Định vào chơi, hỏi tôi: Nghe Phan Anh nói bạn nhiều sách hay,
cho mượn đọc với. Tôi đưa ngay tập Dòng
Sông Định Mệnh. Đọc xong, anh ta nói: Sách thật hay, lồng trong câu chuyện
tình yêu là một giai đoạn lịch sử và hình ảnh quê hương. Nhưng câu bạn viết
cũng đúng.
Đó
là ở cuối chương VIII, dưới câu: Con sông dài như chẳng bao giờ gặp biển, tôi
viết: “Xin đừng đọc nữa. Xin dừng lại đây
để có một ấn tượng đẹp nguyên vẹn”. Thật tình tôi muốn Thiệu vẫn luôn luôn
là người cô đơn đi tìm nhánh sông, vì Yến chính là Tình Yêu.
(Rất
tiếc tập sách này tôi đem về đặt trong tủ sách gia đình ở quê, đã bị “thiêu huỷ
vì chiến cuộc”!)
Nhiều
năm sau, tôi tiếp tục đọc Doãn Quốc Sỹ và tìm hiểu thêm về Con Người nhà văn. Bạn
tôi, Vũ Dzũng, Bắc di cư, đồng tác giả bài thơ Chuyên Đi Dài nói là học trò ông thời trung học.
Tối
1/2/2023 vừa rồi, Nguyễn Đình Hiếu và Doãn Cẩm Liên trên đường từ Quảng Ngãi
vào Sài Gòn ghé Tuy Hoà tặng tôi quyển Dòng
Dông Định Mệnh in năm 2020, có chữ ký tác giả. Tôi nhớ vài năm trước đây đọc
thấy nhà văn đã gần tuổi 100, hỏi Hiếu:
Cụ Doãn nay đã 100 chứ? Chữ ký vẫn giống chữ ký trong một bài trên Bách Khoa số Xuân. Lật sách thấy ghi
ngày sinh 17/2/1923 (mồng hai tết Quý Hợi) vậy cụ đã 101 rồi.
Rất
tiếc, Hiếu và Liên chỉ ghé vội vàng mấy phút, khi tôi đang muốn nói nhiều điều,
cũng để xác nhận những gì đã nghe. Dầu sao, tôi cũng rất vui được gặp tại tác
phẩm yêu thích đã đọc thời trai trẻ tràn đầy vui tươi thơ mộng. Quý nhất là có
chữ ký tác già.
Và
tôi vẫn giữ nguyên cảm nghĩ ngày xưa… Hai nhánh sông vẫn phân ly, Thiệu vẫn cô
đơn trên con thuyền cô đơn, trôi về nơi đâu, nơi đâu… để … không ra tới biển…
(3-2-2023)