Sunday, January 29, 2023

2775. HOÀNG KIM oANH Tản mạn với DÃ QUÌ TRẦM LẶNG cùng BAN MAI



Từ số đầu tiên của Đặc san văn học Quán Văn 001 ra mắt ngày 1 tháng 10 năm 2011, lần đầu tiên tôi được đọc Ban Mai, một trong ba tác giả nữ hiếm hoi trên 31 tác giả có mặt trong tập san này, cũng với bài viết được lấy tên cho tập tùy bút và phê bình xuất bản hôm nay, Dã quỳ trầm lặng. Bài viết ngắn chỉ 7 trang khổ 13,5 x 20 của tập san nhưng mang trong nó bao nhiêu là vui buồn riêng chung được tác giả lồng trong một chuyến đi về đến xứ sở ngàn hoa, với bao nhiêu là khuôn mặt có tên lẫn không tên, những gặp gỡ có hẹn lẫn không hẹn… Không gian cũng chuyển dịch liên tục: Đà Lạt- Cali- Quy Nhơn, miên man theo dòng hồi tưởng của nhân vật kể chuyện “tôi’. Có cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Đinh Cường-Thân Trọng Minh ở Đà Lạt. Có buổi trình diễn ở hội trường đại học Quy Nhơn 1998 của Trịnh Công Sơn và những người bạn, rồi những đắng cay tác giả gặp phải khi làm đề tài về Trịnh Công Sơn… Ký ức và thực tại lồng vào nhau, đan xen quấn quýt, chưa gỡ hết lớp này đã xoắn xít những sự kiện tiếp theo, ngồn ngộn thông tin và cảm xúc. Cảm nhận ban đầu ấy dường như ngày càng rõ nét qua Biết đâu nguồn cội (2015) và hôm nay, Dã quỳ trầm lặng (2019). Đầy sự kiện và cảm xúc. Đầy liên tưởng và hoài niệm. Theo thời gian và những chuyến đi trong, ngoài nước, ghi nhận của Ban Mai cũng mang nhiều màu sắc viễn du thú vị bất ngờ.

Mặc dù bản thảo tôi đã được gửi qua email từ Jul 29 và nhiều bài tôi đã đọc không chỉ một lần trong các số Quán VănBiết đâu nguồn cội với nhiều niềm đồng cảm đặc biệt, nhưng cầm trên tay tập tuỳ bút và phê bình này với sắc vàng ươm dã quỳ bạt ngàn quyến rũ do Đinh Trường Chinh vẽ bìa và phụ bản... được trao từ tay chủ biên Nguyên Minh, tôi vẫn bị cuốn hút háo hức một cách lạ lùng, đến nỗi dẹp cả những việc đang dang dở, đắm chìm cùng sắc vàng mê hoặc mà tôi đã mấy mùa lỡ hẹn ấy...

Hơn 400 trang sách thật ra không có bông Dã quỳ nào, chỉ có Mimosa. Mà cũng đúng thôi, có lẽ chỉ là sắc màu dã quỳ trong tâm thức tác giả chăng, vì tháng 8 đâu phải mùa của loài hoa này. Nhưng vì sao tác giả chọn "Dã quỳ trầm lặng" đặt tên cho tác phẩm thứ 3 này? Không phải “thầm lặng” cam chịu một cách bị động yếu đuối mà hoàn toàn chủ động, như một sự chọn lựa cách thế viết và sống của mình: "trầm lặng". Dã quỳ được coi là loài hoa dại nhưng tràn đầy sức sống mãnh liệt, biểu tượng cho tình yêu chung thủy, một loài hoa kiêu hãnh không bao giờ chịu khuất phục. Phải chăng Ban Mai cũng ngầm mượn biểu tượng ý nghĩa của loài hoa hoang dại có tên wide-sunflowers này gửi đến người đọc thông điệp cầm bút của mình? Phải chăng cũng chính là một sự lựa chọn, một tâm thế nhập cuộc đầy suy tư nhưng cũng đầy bản lĩnh của một người đã đi qua những thăng trầm được mất buồn vui thế sự và điềm tĩnh ngắm nhìn nó bằng đôi mắt bao dung, xa xót, ngậm ngùi, lẫn nhiều tiếc nuối khôn khuây...

Những vạt dã quỳ Đà Lạt vàng rực trong tưởng tượng có lẽ đã theo tác giả suốt hành trình văn chương và bè bạn phải chăng bắt nguồn từ cái trầm mặc lạnh buồn của bức tranh anh Đinh Cường tặng cô ở Đà Lạt ngày ấy...

Tác phẩm còn thơm mùi giấy mới Dã quỳ trầm lặng dày 409 trang, in đẹp, trình bày thanh thoát trang nhã, được chia làm hai phần: 37 Tuỳ bút và 13 bài Phê bình văn học. Một phụ lục “Ban Mai trò chuyện với tác giả Kinh Khuya". Trong 220 trang tuỳ bút, người đọc có thể bắt gặp hình ảnh quê hương xưa và nay trong tâm thức khắc khoải nhớ thương ray rứt lặng trầm của người viết. Trong cô gái nhỏ ấy – cũng là nhân vật xưng tôi - ở cả hai thể loại luôn có hai thế giới: Hôm qua - Hôm nay, Trẻ thơ - Người lớn, Cái đã có - Cái đã mất...; Cũng như luôn có hai lựa chọn đồng hành: Chấp nhận - Phản kháng. Ranh giới không gian địa lý được mở rộng đến mênh mông khắp ba miền Nam, Trung Bắc, trong đó có nhiều miền tác giả và bè bạn Quán Văn đặt chân qua trong "Huế, ngày mưa" (tr.37), "Hà Nội ba mươi sáu phố phường" (tr.27), "Đất phương Nam" (tr.158)... Và tất nhiên, tuy không gọi tên ra, nhưng Quy Nhơn chôn nhau cắt rốn của tác giả, mọi khoảnh khắc sáng, trưa, chiều, tối đến đêm khuya cứ hiện hữu qua nhiều ký ức đẹp đã phôi pha: "Quê nhà tôi", "Người cha", "Mái nhà xưa", "Xuân xưa", "Tiếng rao đêm", "Phú xích lô"... Những cuộc đời, những số phận trong cơn cuồng phong của lịch sử đắng chát qua từng dòng chảy sự kiện rất thực và nhức nhối tận cùng. Lồng trong những ký ức đó là hình ảnh sinh hoạt nền nếp của một gia đình miền Nam trước 1975. Tùy bút là thể loại cho phép người viết được thả trôi cảm xúc, để cho ngòi bút tuỳ theo ý thích của mình, không bị bó buộc chủ đề gì cả, thường là miêu tả cảm xúc của tác giả về vấn đề nào đó… Tùy bút của Ban Mai còn đậm chất ký của báo chí bởi ngồn ngộn sự kiện liên tục chồng chất trong mạch cảm xúc. Đồng thời cũng mang dáng dấp tự truyện. Có vẻ như tác giả hoàn toàn ý thức điều đó. Tự truyện của Ban Mai nhìn rộng ra lại không chỉ là câu chuyện của một cá nhân mà nhiều truyện còn mang chất tư liệu lịch sử dẫn dắt mạch liên tưởng của người đọc về cả một giai đoạn không thể nào quên trên đất nước mình trước và sau 1975.

Ban Mai cũng là ngòi bút không ngừng chuyển dịch. Mỗi chuyến đi, tác giả đều nhặt nhạnh ghi giữ lại nhiều cảm nhận sắc sảo cả về văn chương lẫn lịch sử vùng miền ấy. Bên cạnh nhiều vùng đất quê hương Nam, Trung, Bắc từng đặt dấu chân, Dã quỳ trầm lặng còn được bổ sung so với Biết đâu nguồn cội một loạt bài viết từ thực tế những chuyến du hành (cũng có thể nói là độc hành) qua khắp nhiều nước Châu Âu và để lại dấu ấn trong ngòi viết sắc sảo tả mà như kể, như bình của Ban Mai trong "Thánh địa xứ Lourdes", "Paris – mùa hạ", "Đức quốc – Đêm có màu xanh thẫm", "Lạc vào xứ thần tiên", "Thành phố cổ Salzburg", "Một tuần trên đảo Palma Tây Ban Nha"... Một Châu Âu đẹp lộng lẫy như cổ tích, mà cũng đầy biến động âu lo, mỗi vùng miền đều có những sức hút lạ lùng giúp người đọc khám phá thêm một Châu Âu gần hơn, thực hơn và đậm chất văn hóa hơn qua góc nhìn của Ban Mai, một tâm hồn luôn khát khao vươn tới cái đẹp và những giá trị nhân bản của con người.

Phần Phê bình (tr.226-409) tuy dung lượng số trang, số bài có ít hơn phần dành cho Tuỳ bút nhưng mỗi đối tượng được chăm chút, trau chuốt công phu hơn hẳn. Đó là kết quả đọc và cảm nhận văn chương kiểu đi tìm trầm tích. Ban Mai chắt lọc từng dòng, đắn đo từng nhận định khi đặt các tiêu đề bài viết của mình. Kiến thức văn chương chắc, rộng (có lẽ nhờ ham đọc sách từ nhỏ và... điều kiện gia đình có tiệm bán sách). Kinh nghiệm đọc sẵn có kết hợp với thực tế tiếp cận đối tượng nghiên cứu, trực tiếp lẫn gián tiếp, chấm phá hay tỉ mỉ,... của tác giả đều đem lại cho mỗi chân dung một nét độc đáo theo cách cảm, góc nhìn riêng của Ban Mai. Tương tự như phần tùy bút - tự truyện, phê bình cũng không rập khuôn theo một công thức bó buộc nào. Song cũng có thể thấy rõ sự nhập cuộc của người viết luôn được thể hiện trong trang viết tuy không đậm đặc như phần tùy bút. Những khuôn mặt của văn chương miền Nam trước đây và một số cây bút thế hệ sau trong - ngoài nước hiện lên khá đa dạng qua cách nhìn cảm thông, ngưỡng mộ của tác giả Dã quỳ trầm lặng: “Nguyễn Bắc Sơn - gã giang hồ hảo hán”, “Cung Tích Biền và Xứ động vật màu huyết dụ”, “Nguyễn Đức Sơn - lão quái dị trên đồi Phương Bối”, “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam”, “Lữ Quỳnh - Nơi đâu là chốn quê nhà”… Tâm thế đồng điệu, tri âm giúp cho chân dung buồn và đẹp của các cây bút trên dù chỉ là một vài lát cắt nhưng đều mang những giá trị nhân văn sâu sắc trong nền chung là bức tranh u ám khốc liệt của chiến tranh. Thử đọc một đoạn tác giả viết về những dằn vặt trong tác phẩm Lữ Quỳnh: “Ta là ai? Quê hương ta ở đâu? Chỗ đứng của ta trong thế gian này là gì?” (tr.265) và đau đớn nhận ra “Như một con thú hoang, họ ngụp lặn trong một cuộc sống mà không biết đâu mới là chốn quê nhà.” (tr. 266). Dụng công của tác giả cũng được dồn nén ở các đoạn kết. Nhiều phần kết trong các bài viết đều pha chút màu sắc triết luận ngậm ngùi: “Chiến tranh rồi sẽ qua đi, có những nỗi đau theo thời gian sẽ khép lại, nhưng với một đứa con lai bị bỏ rơi từ hai phía thì nỗi đau về cuộc chiến mãi mãi là vết thương nhức nhối theo suốt cuộc đời.” (tr.266).

Tôi thích những trang viết đầy đặn về cây bút Quán Văn vừa có tác phẩm trình làng xúc động “Đặng Châu Long – một thế hệ vong thân”. Không ngờ gia tài văn chương của anh phong phú qua nhiều thể loại thơ, ký, tản văn và cả dịch thuật... Ban Mai còn đi vào tận cùng mọi ngóc ngách tiểu sử, đời sống để lý giải phong cách viết đằm thắm mượt mà, phong cách sống trầm tĩnh điềm đạm mà ân tình của tác giả. Cùng cách nhìn đó, Ban Mai viết về “Mang Viên Long - một thế hệ buồn”cũng đầy cảm thông và trân trọng. Tuy nhiên, hai cụm từ thế hệ vong thân hay thế hệ buồn tác giả đặt tựa cho bài nhận định về cuộc đời và văn chương hai tác giả không khỏi để lại trong lòng người đọc một chút băn khoăn khó phân biệt ranh giới của hai khái niệm này. Bởi cả hai cùng miêu tả lại tiểu sử, chiến tranh, những bi kịch mất mát và sự vượt qua chính mình để vẫn là chính mình. Vong thân là khái niệm căn bản trong triết học Hegel, một triết gia duy tâm nổi tiếng người Đức vào cuối thế kỷ thứ XIX. Theo GS Nguyễn Văn Trung, “Vong thân bày tỏ tình cảnh con người đánh mất hay bị mất bản thân, bản ngã của mình. Mất ở đây không phải là không còn nữa, vì bị tan vỡ, trở thành không có nhưng là bị biến thể. Bản thân vẫn còn có, nhưng bị tách khỏi mình, trở thành khác mình và hơn nữa trở thành xa lạ, đối lập với chính mình.” (Đưa vào Triết học, phần 5, Nxb Nam Sơn, 1972). Có lẽ bởi những tâm trạng tự thuật thành lời của tác giả Đặng Châu Long: “Tôi có gì vui khi dòng sống tôi đã biến đi vào năm tôi hai mươi lăm tuổi (…) Tôi không còn chiếm hữu khát khao tôi mà chỉ còn lại gió chướng đời, từ dạo ấy. (…) Cho đến ngày cuối…tôi mất hẳn tôi. Tôi đã tự biến mất tôi bằng những cơn lặng lẽ đớn đau dù tôi vẫn là tôi khi sống cùng người, những người khốn khổ quanh tôi.” (tr.245)? Tôi lại nghĩ về khái niệm The Lost Generation- Thế hệ mất mát trong văn chương Hoa Kỳ mà Ernest Hemingway viết về thế hệ những con người bị mất mát cả thể xác lẫn tâm hồn sau khi đi qua chiến tranh…

Tác giả cũng dành nhiều trang yêu mến cho nhà văn nữ đặc biệt, nhà văn Milano- Italy và mối duyên hi hữu đã thành “con dâu Tây Sơn”, “con gái QV”, cây bút yêu mến của Quán Văn trong: “Elena Pucillo Truong – từ sông PO đến sông CÔN”. Ngoài những nhận xét về con người, cuộc đời được tác giả cho là viết theo cảm xúc tình bạn, tôi cho rằng đoạn kết đầy chất văn mượt mà này hoàn toàn khách quan và chính xác:

“Từ Đông sang Tây, từ dòng sông Po mềm mại, chảy qua những ngôi nhà đầy sắc màu rực rỡ nước Ý, với màu hồng tím của những ô cửa sổ đầy hoa đến dòng sông Côn êm đềm chảy trên đất Bình Định, hai bên bờ sông đồng lúa xanh biếc sau những ngôi nhà mái ngói, ruộng cải nở hoa vàng óng là một kết nối kỳ diệu cho sự thăng hoa nghệ thuật của anh chị Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong.

Chính yêu thương đã kết nối yêu thương.”

                                                             (Dã quỳ trầm lặng, tr.254)

Hai bài “Đặng Thơ Thơ – Hành trình đi tìm bản kinh thánh cuối và "Trần Vũ và Giáo sĩ trong thế giới huyền ảo" là hai bài phê bình dầy dặn cả về dung lượng kiến thức lẫn sự khám phá mới mẻ thực sự làm tôi ấn tượng, cách giới thiệu phân tích cuốn hút của Ban Mai khiến tôi tìm đọc nhiều hơn Đặng Thơ Thơ, cũng như đưa tôi tìm đến văn chương Trần Vũ từ khi xuất hiện trên Quán Văn. Hai bài cuối khá bất ngờ là phê bình về 2 tác phẩm thuộc nền văn học Trung Hoa: Ma chiến hữu của Mạc Ngôn và Chốn xưa của Lý Nhuệ khá công phu đặt trong mối liện hệ hai nước trong tình hình Trung Quốc không ngừng xâm lấn biển Đông của chúng ta hiện nay là một cách đọc có ý thức đặc biệt của người viết, rất đáng trân trọng. Ý thức đó thật ra được gửi gấm bàng bạc trong nhiều trang viết của Ban Mai cả ở phần tùy bút khi chua chát, đớn đau buột lên trong một câu kết: “Chiến thuyền của cha ông, nay đã vỡ.” (tr.181)

Bi kịch Trịnh Công Sơn cũng là một day dứt triền miên trong từng dòng chữ của Ban Mai. “Với cái nhìn tỉnh táo, Trịnh Công Sơn đã nhận ra thân phận “nô lệ da vàng” của người Việt trong chiến tranh” (tr.318) (...) Chúng ta hãy tự hỏi: thân phận da vàng người Việt ngày nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa? (tr.320). Nhức nhối. Thống thiết. Làm sao có thể quên hình ảnh đớn đau, phẫn nộ Trịnh Công Sơn từng dự cảm và khắc khoải:

Người nô lệ da vàng
Ngủ quên, ngủ quên trong căn nhà nhỏ
Đèn thắp thì mờ
Ngủ quên, quên nước quên non
Ngủ quên, quên đã bao năm
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do.
(Đi tìm quê hương - 1967)

Ôi định mệnh chăng? Đêm dài trên quê hương tôi, thân phận nhược tiểu của người dân Việt triệu triệu năm xưa triệu triệu năm này ngơ ngác bao lần nỗi nhức nhối da vàng...

Đặt tên khá ấn tượng, miêu tả tự nhiên, phân tích bình luận chừng mực, văn phong mượt mà tinh tế giàu cảm xúc, cảm nhận có chiều sâu và phảng phất niềm hoài cổ, phản kháng thực tại... chạm đến nhiều phận đời, nhiều góc khuất của tâm hồn là sức hút những trang tuỳ bút của Ban Mai.

Song, tiêng tiếc một chút, có bài tuỳ bút nếu gọi là phê bình có lẽ tác giả sẽ đi sâu những giá trị văn chương và chân dung Nguyễn Mộng Giác hơn trong "Nụ cười bình yên", hay có bài gọi là phê bình nhưng 6 trang chỉ nhận định lướt qua về tiểu sử, đề tài, nhân vật khoảng 2 trang, trọng tâm còn lại nghiêng về con người, cuộc đời tác giả hơn là tác phẩm... (tr. 249-254). Cũng tiêng tiếc một chút nữa, những tản văn ngắn ngắn chỉ hơn 2 trang, nếu được chắt lọc hơn hoặc gộp lại theo một tư tưởng chủ đề tập trung hơn sẽ không tản mạn, chuyển tải nhiều hơn nữa những câu chuyện đời chuyện người và thông điệp người viết muốn gửi đến bạn đọc cũng có độ sâu lắng hơn.

Gấp sách lại, điều Dã quỳ trầm lặng gửi đến người đọc có lẽ không dừng ở chuyện chữ nghĩa. Những day dứt tức tưởi, những hoài niệm yêu thương, những khát khao khắc khoải, những hy vọng thâm trầm, dịu dàng rực rỡ màu dã quỳ cứ đọng lại trong tôi...

Yêu mến Dã quỳ trầm lặng và tác giả của nó chính là ở phần chìm của tảng băng ấy.


Hoàng Kim Oanh