Năm Nhâm Dần sắp hết, năm Quý Mão đã lấp ló
bên hiên nhà. Trong cái lạnh thấu xương của những ngày cuối đông, mọi người bỗng
thấy thời gian qua mau. Mặc cho Ông Hổ gặm mối căm hờn trong cũi sắt, con thú
cưng của nhiều gia đình cứ nhởn nhơ đi lại trong nhà. Nó còn bạo gan đi vào ca
dao:
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
Chuột đâu có làm tổ trên cây cau mà mèo trèo
lên làm gì? Mà làm giỗ sao lại mua mắm muối? Dù có nhiều cách giải thích khác
nhau, ta nên xem đây chỉ là một bài đồng dao thuần tuý, trước hết nhằm củng cố
cho trẻ em những hiểu biết thường thức từ gần đến xa, từ cụ thể đến trừu tượng,
trong bước đầu các cháu làm quen với sự vật hiện tượng tự nhiên và xã hội xung
quanh mình.
Con vật trong nhà đó lại rủ rê nhau đột nhập
cả kho tàng tục ngữ, thành ngữ, ca dao khác.
-
Chó giữ nhà, mèo bắt chuột:
ai cũng có nghề nghiệp chuyên môn của mình, đừng tị nạnh nhau, đừng can thiệp
vào công việc của nhau.
-
Chó treo, mèo đậy: Thức ăn
treo cao để tránh chó ăn, đậy kỹ không để mèo lục, ý khuyên cảnh giác cửa nẻo
phòng trộm cắp.
-
Chẳng biết mèo nào cắn mỉu
nào: nghĩa bóng nói mỗi người đều có sở trường riêng, chưa chắc ai đã hơn ai.
-
Chửi chó mắng mèo: tức giận,
mắng chửi vu vơ.
-
Giấu như mèo giấu cứt: chê
người giấu diếm thứ gì, điều gì quá kỹ.
-
Không có chó bắt mèo ăn cứt:
phải dùng một người không đúng khả năng, sở trường của người ta.
-
Mèo ốm bắt chuột cống: chỉ
người tuổi trẻ tài cao, làm được những việc mà người lớn làm không nổi.
-
Mèo mù vớ cá rán: vận may bất
ngờ đến với kẻ đang túng quẫn.
-
Mèo đến nhà thì khó, chó đến
nhà thì sang: một quan niệm mê tín thời xưa còn truyền lại.
-
Mèo già hoá cáo: người già sống
lâu đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu, người mới đầu làm việc gì thì rụt rè,
nhút nhát nhưng lâu năm thì tinh ma, ranh mãnh.
-
Mèo khen mèo dài đuôi: tự đề
cao, khen ngợi.
-
Mèo mả, gà đồng: hạng người
vô lại, trai trộm cắp, gái lăng loàn.
-
Mỡ để miệng mèo: đặt trước mặt
người ta thứ mà người ta đang thèm.
-
Như mèo thấy mỡ: giễu người
tỏ vẻ hăm hở trước thứ đang thèm muốn.
-
Tiu nghỉu như mèo cắt tai:
thất vọng, buồn rầu không muốn nói năng, không muốn làm gì.
-
Lèo nhèo như mèo vật đống
rơm: nói dai, nói đi nói lại để van xin.
-
Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt:
càng mất quyền lợi địa vị cao càng đau khổ hơn người ở địa vị thấp.
-
Im ỉm như mèo ăn vụng: ám chỉ
những kẻ cố tình che giấu tôi lỗi của mình, cố im lặng tuyệt đối, hoặc những kẻ
hễ thấy lợi là giấu diếm hưởng một mình, không cho ai hay biết.
-
Chuột cắn dây buộc mèo: làm
ơn cho kẻ có thể hại mình.
-
Con mèo con mẻo con meo / Muốn
ăn thịt chuột phải leo xà nhà: muốn ăn thì phải làm.
-
Mèo lại hoàn mèo: bản chất
thế nào thì vẫn thế ấy, khó thay đổi.
-
Mèo nằm xó bếp: chỉ kẻ lười
biếng.
-
Rình như mèo rình chuột: ngồi
rình một cách chăm chú, kiên nhẫn.
-
Chó chê mèo lắm lông: mình
cũng xấu kém lại chê người khác xấu kém.
-
Mèo già khóc chuột: chỉ kẻ đạo
đức giả.
-
Con mèo con chó có lông /
Cây tre có mắt nồi đồng có quai: Câu ca dao nghe qua tưởng là giản dị vì đã nói
lên những chuyên đương nhiên, ai cũng hiểu, ai cũng biết. Mèo chó có lông, tre
có mắt, nhưng nồi đồng có quai thì đâu có phải là đương nhiên. Thử tìm hiểu
thêm thì mới vỡ lẽ: Quảng Nam Phú Tập Ký Sự của Mai Thị do Lê Đăng Hiển sao lục
đời Minh Mạng có ghi việc Ông Bùi Tá Hán, đô tướng Quảng Nam dinh ( tức vùng đất
bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần của Phú Yên hiện
nay) dạy dân Quảng Nam cách sinh hoạt thường ngày như xây nhà ba gian tám cột,
đào giếng, khuyên phụ nữ thôi mặc quần không đáy mà mặc quần có ống như nam giới,
phải làm nồi đồng có quai ở cổ để tiện việc bưng lên bưng xuống. Nguồn gốc sâu xa là vậy nên hiểu đúng câu ca
dao này cũng thật nhiêu khê.
Mỏi mệt với kho tàng văn học dân gian, mèo
tìm chút thoải mái hơn với thơ, trước hết là thơ cho trẻ em.
Mèo con đi học.
Hôm
nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ
mang một cái bút chì,
Và
mang một mẩu bánh mì con con.
Thơ Phan Thị Vàng Anh ( đã đưa vào sách lớp 1
)
Chú mèo mướp
Chú
mèo mướp
Thích
leo trèo
Trèo
không khéo
Nên nằm
khoeo!
Thơ Phạm Văn Tịnh ( đã đưa vào sách lớp 2 )
Mèo đi lạc đến miền quá khứ
Gặp
Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ:
Bóng
nắng dọi trứng gà trên vách, thằng bé tri trô
Hạt
mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó.
Rồi
Nguyễn Trãi với Quốc Âm Thi Tập và bài MIÊU:
Lọ
vằn sinh lạ mãi phương Tây
Phụng
sự Như Lai trộm phép thầy
Hơn
chó được ngồi khi mặt bếp
Tiếc
hùm chẳng bảo chuốc leo cây.
Đi: nào
kẻ cấm buồng the kín
Ăn:
đợi ai làm bàn soạn đầy
Khó
liền say chẳng nỡ phụ
Nhân
chưng giận chuột phải nuôi mày.
Mèo lại đi nữa và diện kiến Cử Trị với Vịnh
con mèo:
Mấy
từng đài các sải chân leo
Nhảy
lẹ chi hơn bằng giống mèo
Vuốt
nanh đã có vàng khoe sắc
Vằn
vện đành không bụi đóng meo
Trăm
tuổi hồn dần về chín suối
Nắm
lông để lại giúp trò nghèo.
Chừng như không hiểu thấu thơ cổ, Mèo tìm đến
thơ hiện đại.
Đây rồi, ông thầy dạy triết làm thơ:
Hôm
nay Nga buồn như một con chó ốm
Như
con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi
mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để
anh giận sao chẳng là nước biển.
Nguyên Sa.
Đi nữa, Mèo gặp Đoàn Văn Cừ:
Ông
lão nằm chơi ở giữa sân
Tàu
cau lấp lánh ánh trăng ngần
Thằng
cu đứng vịn bên thành chõng
Ngắm
bóng con mèo quyện dưới chân.
(
Trăng hè )
Rồi tới Hoàng Nhuận Cầm:
Ta
đã đi như mèo trên phố vắng
Gọi
tên con như gọi các thiên thần
Có một
nốt chưa bao giờ con biết tới
Là nốt
buồn cha đã nuốt thay con.
(
Nhớ ngày mai )
Và còn Đoàn Mạnh Phương nữa:
Chuột
đuổi nhau trên căn gác cũ
Mắt
mèo hoang lấp lánh như sao
Gió
như muốn gọi nhau thành bão
Chém
vào đêm những nhát ngọt ngào
( Đêm tối trời).
***
Cái
tính ưa đi hoang nên Mèo muốn đi xa nữa. Thôi ráng chiều vậy.
Mời sang đất nước hình lục lăng đọc lại truyện
cổ của Charles Perrault ( 1628-1703), Le
Chat Botté, tức là Con mèo đi hia:
Câu
chuyện bắt đầu với việc một bác thợ săn già qua đời và để lại gia tài là một cối
xay gió, một con lừa và một con mèo cho ba người con trai. Người con trai cả
giành lấy cối xay gió, người anh hai có được con lừa, còn phần của người em út
là con mèo. Nhưng đó không phải là một con mèo bình thường, nó biết nói- yêu cầu
chàng út cho nó một đôi hia và đã được đáp ứng. Nhất quyết muốn cho chủ mình được
giàu sang, mèo đã dùng mưu bẫy được một con thỏ trong rừng rồi đem đến biếu nhà
vua coi như một món quà đến từ chủ của mình, hầu tước xứ Carabas,một tước hiệu
do mèo đặt ra. Ngày lại ngày, mèo đi săn và nuôi sống được chủ của mình. Bên cạnh
đó nó còn đem dâng nhà vua những con mồi săn được, lúc thì một cặp gà gô, khi
thì một con thỏ béo tốt, cứ thế trong vòng vài tháng,
Một
hôm, khi thấy đã đến lúc, mèo đi hia thuyết phục chủ mình đi ra bờ sông tắm khi
biết nhà vua và công chúa sắp đi qua đây. Thực vậy, một lát sau xe của đức vua
đến, mèo nói với nhà vua là chủ nhân của mình, hầu tước xứ Carabas, bị trộm mất quần áo khi
đang tắm, thực ra mèo đã giấu quần áo của chàng sau tảng đá. Nhà vua nghe vậy,
truyền cho người hầu lấy một trong số những bộ quần áo của mình cho chàng mặc
và đưa chàng ngồi chung xe. Khoác lên mình bộ quần áo của nhà vua, chàng út
trông chẳng khác gì một nhà quý tộc khôi ngô và lập tức lọt vào mắt xanh của
công chúa.
Con mèo đã chạy nhanh về phía trước theo con đường mà xe nhà vua sắp đi
qua. Trên đường, gặp bất cứ người nông dân nào đang gặt lúa hay đang chăn gia
súc, đốn củi, mèo yêu cầu những người đó nói với nhà vua rằng mảnh đất này thuộc
về hầu tước xứ Carabas,
nếu không họ sẽ gặp hoạ. Tiếp đó, mèo chạy đến một toà lâu đài lộng lẫy, hơn cả
cung điện nhà vua, là nơi ở của một mụ phù thuỷ tàn ác có thể tự biến mình
thành các sinh vật khác nhau. Theo lời sai bảo của mèo, phù thuỷ biến thành một
con sư tử rồi cuối cùng biến thành một con chuột. Khi đó mèo vồ lây chuột và
nhai ngấu nghiến. Khi nhà vua đến toà lâu đài, ngài rất thán phục trước sự giàu
sang của hầu tước xứ Carabas
và liền gả công chúa cho chàng. Sau đó, mèo đi hia sống cuộc đời hạnh phúc
nhưng chỉ bắt chuột như một thú tiêu khiển.
Mèo còn muốn phiêu lưu thêm chút nữa. Rời nước
Pháp bay tuốt sang Nam Mỹ gặp nhà văn Paolo Coelho. Ông có cuốn sách về sự điên
rồ ( Veronika quyết định chết ) với bài
Tầm quan trọng của con mèo trong Thiền định
Một thiền sư vĩ đại của Thiền, người phụ
trách tu viện Mayu Kagi, có một con mèo là niềm đam mê của mình trong cuộc sống.
Vì vây, trong các lớp thiền, ông thường giữ con mèo bên cạnh - để tận dụng tối
đa công việc của mình. Một buổi sáng, ông chủ, người đã khá già, qua đời. Đệ tử
tốt nhất của ông đã thay thế ông.
-
Chúng ta sẽ làm gì với con
mèo? Ông hỏi các nhà sư khác.
Như một sự tôn vinh ký ức của người hướng dẫn
cũ của họ, chủ mới quyết định cho con mèo tiếp tục tham gia các lớp học Thiền.
Một số đệ tử từ các tu viện lân cận, đi qua
nơi đó, phát hiện ra ràng tại một trong các tu viện nổi tiếng nhất của khu vực,
một con mèo đã tham gia vào các buổi thiền. Câu chuyện bắt đầu lan truyền.
Nhiều năm trôi qua và các chuyên luận kỹ thuật
bắt đầu xuất hiện về tầm quan trọng của mèo trong Thiền định. Một giáo sư đại học
đã phát triển một luận án, được cộng đồng học thuật chấp nhận, rằng một con mèo
có khả năng tăng sự tập trung của con người và loại bỏ lượng tiêu cực. Và, vì vậy,
trong cả một thế kỷ, con mèo được coi là một phần thiết yếu của nghiên cứu Phật
giáo ở khu vực đó.
Cho đến khi một bậc thầy xuất hiện, người bị dị
ứng với lông động vật, đã quyết định bỏ con mèo khỏi các bài tập của mình với
các sinh viên.
Có một phản ứng dữ dội nhưng ông chủ mới nhấn
mạnh, vì ông là một người hướng dẫn xuất sắc, các sinh viên tiếp tục đạt được
tiến bộ tương tự, bất chấp sự vắng mặt của con mèo.
Dần dần, các tu viện - luôn tìm kiếm những ý
tưởng mới và đã mệt mỏi vì phải nuôi rất nhiều mèo, bắt đầu loại bỏ các động vật
khỏi các lớp học. Trong hai mươi năm, những lý thuyết cách mạng mới bắt đầu xuất
hiện - với những tiêu đề rất thuyết phục như ra mắt Tầm quan trọng của việc Thiền
định mà không cần mèo, hay Cân bằng vũ trụ Thiền bởi Will Power Alone, Không có
sự giúp đỡ của Động vật.
Một thế kỷ nữa trôi qua, và con mèo đã rút
hoàn toàn khỏi các nghi thức Thiền định trong khu vực đó. Nhưng hai trăm năm là
cần thiết để mọi thứ trở lại bình thường, bởi vì trong suốt thời gian này,
không ai hỏi tại sao con mèo lại ở đó.
***
Mèo của chúng ta còn muốn đi nữa. Lần này
sang Bắc Mỹ gặp Nhà văn Edgar Allen Poe, với truyện Con mèo đen ( The Black
Cat ).
Truyện là lời thú tội của nhân vật xưng Tôi.
Tôi muốn kể lại câu chuyện của cuộc đời mình xoay quanh “ con mèo đen “.
Thuở nhỏ, anh ta vốn là cậu bé nhút nhát, nhân hậu, yêu thú vật. Khi lớn lên,
anh ta uống rượu rồi dần dần trở nên hung bạo hành hạ thú vật và đánh đập vợ.
Tôi khoét mắt, treo cổ
con mèo đen tên Pluto, vốn là vật nuôi trước đây anh ta rất yêu quý.Hoả hoạn xảy
ra, trên bức tường cháy loang lỗ hiện ra gương mặt con mèo khổng lồ và nút dây
thắt cổ. Tôi hối hận và tìm kiếm con mèo trong các quán rượu.
Một hôm, anh ta tìm được một con mèo đen giống
hệt Pluto, cũng bị khoét mắt nhưng nó có một đốm trắng ở cổ. Anh ta đem con mèo
về nuôi và hứa sẽ yêu quý nó. Nhưng khi say rượu, anh lại chán ghét con mèo.
Một hôm khác, trên đường xuống hầm, bị con
mèo quấn chân, anh ta định giết con mèo nhưng bị người vợ cản lại, nhân vật Tôi
đã giết vợ và chôn xác sau bức tường trong hầm. Bốn ngày sau, cảnh sát đến
điều tra. Anh vô cùng tự tin dẫn cảnh sát xuống hầm và gõ vào bức tường mới xây
để chứng minh vô tội, thì có tiếng mèo kêu. Thì ra lúc chôn xác vợ,anh đã chôn
luôn con mèo vào đó.
***
Mèo của
chúng ta rùng mình trước câu chuyện có phần kinh dị. Hơn nữa,cuộc phiêu lưu đã
khá lâu, từ lúc đi ra khỏi hang chuột nên nó quyết định trở về để tiếp tục trèo
lên cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Mèo trở về, chuẩn bị nhận bàn giao từ ông ba
mươi.
Và bạn đọc, nãy giờ theo con mèo đi xa rồi,
cũng về đi, chuẩn bị cúng giao thừa, đón năm mới.
Xin tạm biệt.
THÂN TRỌNG SƠN.
Xuân Quý Mão.