Tuesday, January 17, 2023

2760. TRẦN HUIỀN ÂN Cúp đầu ăn Tết.

Google images

 

Chợt nhìn vào gương, nhớ thơ Bùi Giáng:

                  Cầm gương lên hỏi. Tóc bạc thưa rằng…

Lại nhớ thơ Phan Khôi:

                  Mối sầu như tóc bạc. Cứ cắt lại dài ra.

Gần tết rồi, tóc đã dài như mối sầu ngày tháng, nhưng trời lạnh quá, không muốn ra đường, nằm nhớ chuyện ... xưa.

 Trước đây, trên tạp chí Bách Khoa, ông Cung Giũ Nguyên, một nhà văn Việt Nam từng viết tiểu thuyết bằng chữ Tây có bài tạp bút với nhan đề rất ngộ: Từ rê sang rẽ. Thoạt nhìn không biết tác giả nói chuyện gì. Đọc mới hiểu đó là tâm trạng của những cậu trai vừa lớn, từ cúp tóc ca-rê chuyển sang cúp tóc rẽ.

Đó là những cậu trai bắt đầu bước vào trường trung học như ông Huy Cận tiền chiến tả:

                  Tựu trường đó lòng tôi vừa bắt gặp

                  Nỗi xôn xao thầm lặng ở trong rương

                  Của chàng trai mười lăm tuổi vào trường

                  Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽ

                  Người bạn nhỏ cho lòng tôi theo ghé

                  Không nỗi gì  có thể vuốt ve hơn

                  Đêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn

                  Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát…


         Lòng các cậu lúc ấy quả là thơm ngát và cũng đầy ngỡ ngàng, bởi sân trường lớp học đều khác lạ vô cùng. Chính nơi đây các cậu đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ, để sau này giữa đường đời gai góc cứ bồi hồi hồi tưởng.

         Trẻ con bây giờ để tóc dài lúc còn tí xíu. Thời chúng tôi ở bậc tiểu học đều hớt ca-rê (hớt vuông), chung quanh sát nhẵn, chỉ phía trước còn được vài phân tóc. Hớt tóc gọi lá cúp đầu. Cả tổng không có một tiệm cúp đầu. Hàng tháng một ông thợ cúp dưới Dinh mang đồ nghề lên cúp dạo. Thường ông lên trước ngày chợ phiên, buổi chiều ấy đi cúp trong xóm, sáng ra cúp ở chợ. Chợ làng tôi họp phiên vào ngày hăm chín, năm nào tháng chạp có ba mươi thêm một phiên nữa gọi là chợ Tết. Ông thợ cúp ở lại đây hai ngày để mọi người cùng được cúp đầu ăn tết. Ông mượn chiếc ghế ngồi đặt nơi gốc cây, treo tấm gương lên, coi chỗ nào thuận tiện thì đặt chiếc va li mây đồ nghề, mở ra. Mọi người vây quanh, hết người lớn đến trẻ con, tuy không sắp hàng cũng chờ đợi theo thứ tự.

Ông thợ cúp nghỉ nhờ ở nhà tôi, anh em tôi hớt tóc ngay trong bóng mát sân nhà, khỏi phải chờ đợi. Sợ nhất là khi ông thợ đưa mũi kéo từ bên này qua bên kia chấn một đường vòng trước trán, dấu hằn vào da, rồi ông lấy cái lược tròn bằng tre cà lên đầu đau diếng!

         Tóc hớt ngắn như thế nên muốn để dài phải qua một thời gian dưỡng rẽ khá lâu mới có thể chải được. Có mái tóc rẽ rồi, chưa dám để vậy ra đường. Đứng trước gương chải chuốt, ngắm nghía, im lặng mỉm cười thích thú, xong đưa hai bàn tay lên xoa cho rối bù lại cho đỡ ngượng, có vẻ ta đây không cần làm đẹp, không cần sửa soạn gì, đâu đã bận tâm cạo mặt chải tóc.

         Tôi nghĩ, có thể xem người thợ hớt tóc đối xử với ta thế nào để suy ra cuộc đời cũng đối xử với ta như thế. Qua cái thời kéo chấn, lược cà, tưởng thoát nạn, không may tôi bị một ông thợ hớt tóc khi cạo mặt được vài đường không gạt ra ngoài mà bôi ngay lên mặt. Tất nhiên là mặt tôi. Xong đâu đấy mới cạo lại cho sạch. Nhìn vào gương thấy mặt đầy những đường bẩn mà không dám nói, vì ông thợ đáng tuổi bậc chú, hớt tóc đẹp, lại là người có chữ nghĩa, từng làm thư ký huyện đường (bị sa thải), nghe nói thảo văn thư hay, đánh máy giỏi, mười ngón tay rào rào bay lượn chứ không mổ cò như đa số, lại thêm tính khí cao ngạo…

         Năm hai mươi tuổi tôi vẫn là cậu trai non choẹt nhưng vừa xuất thân trường sư phạm, vài tháng nữa là làm ông giáo, có thể là Hiệu trưởng trường Tiểu học không biết chừng, về nghỉ hè chờ sự vụ lệnh, vẫn đến hớt tóc chỗ ông thợ quen ấy. Ông hớt cho tôi cẩn thận, nhẹ nhàng, như sợ đau từng chân tóc, hỏi chuyện thời sự Á Âu, gọi người vào kéo quạt cho mát (loại quạt lớn bằng cái quạt lúa, treo trên trần nhà, thời đó thị trấn huyện lỵ chưa có điện). Lại khui lưỡi dao cạo mới, bảo rằng tôi là người dùng đầu tiên.

         Tôi thích hớt tóc ở tiệm quen để khỏi phải mất công nói rõ ý của mình thế nào. Nhưng dù muốn dù không phải đến lúc cạo mặt mới được thoải mái. Nhắm mắt lại lơ mơ ngủ, nghe lưỡi dao mỏng vuốt nhẹ làn da. Giấc ngủ lơ mơ trên ghế hớt tóc bao giờ cũng là giấc ngủ tuyệt vời, vì trước đó các ông thợ hớt tóc thường nói và hỏi hàng trăm thứ chuyện. Hình như mười ông thợ hớt tóc đều am hiểu thời sự cả mười, độ tám ông am hiểu về báo chí, độ sáu ông am hiểu phong tục lễ giáo và ít nhất cũng có bốn ông am hiểu văn thơ. Họ luôn luôn có đủ đề tài trao đổi với khách. Cho nên muốn tìm hiểu dư luận thì tiệm hớt tóc và quán cà phê là hai nơi lý tưởng.

Gần đây thấy lớp thợ hớt tóc trẻ không nói chuyện với khách, chỉ đưa báo cho khách xem và im lặng làm công việc. Đây cũng là một điểm mới trong làng nghề vậy. Cũng như việc đánh giá tay nghề qua dụng cụ cũng khác, ngày trước phải hớt bằng tông-đơ mới là chính thợ, hớt bằng kéo là thợ nhà quê bắt chước, bây giờ khi cần hớt cao, hớt thật sát mới dùng tông-đơ điện ủi nhẹ, với những mái tóc hớt thấp thợ khéo chỉ tỉa bằng các loại kéo.

         Nói vui kiểu dân gian thì hớt tóc là một nghề không có tổ có pháp, hỏi ai là tổ, không biết, sách vở nào truyền dạy, không thấy, chỉ hướng dẫn bằng cách thực tập, cầm tay chỉ việc. Cũng không thể nhận hàng để dành khi nào rảnh thì làm thêm, làm xắp như các nghề khác. Nhưng là một nghề có quyền đè đầu đè cổ thiên hạ mà lại được thiên hạ trả tiền.  

TRẦN HUIỀN ÂN