Dòng chữ cuối trong cuốn tiểu thuyết “The Waves” (ấn hành năm 1931) của Virginia Woolf là một khát vọng chiến thắng Tử Thần bằng một hành động tự ném bỏ thân tâm cho tan vỡ tất cả những gì gọi là cái tôi đang là, để tự thấy như những đợt sóng tan vỡ nơi bờ kia: “Chống lại ngươi, tôi tự ném chính mình, không khuất phục và không nhượng bộ, Hỡi Thần Chết! Sóng vỡ trên bờ.” (Against you I fling myself, unvanquished and unyielding, O Death! The waves broke on the shore.) Hình ảnh đó y hệt như trong Thiền sử Trung Hoa: lên cao tới đầu sào trăm trượng và bước thêm một bước.
Virginia Woolf không phải
thiền sư, chỉ là một nhà văn người Anh; bà đọc rất nhiều, suy nghĩ thâm sâu
trong bầu không khí Phật giáo, tự ý thức mình đang mang bệnh tâm thần rối loạn
lưỡng cực, và rồi để lại cho đời sau nhiều tác phẩm lớn.
Trong tuần qua, nhà thơ Trịnh
Y Thư vừa phát hành một sách mới nhan đề “Căn Phòng Riêng,” dịch từ
nguyên bản tiếng Anh, Virginia Woolf, A Room of One’s Own, nxb Harcourt,
1991. Theo lời dịch giả Trịnh Y Thư, ấn bản 2023 của bản dịch để phổ biến ở hải
ngoại là bản được sửa chữa và tăng bổ từ hai ấn bản đã in trong các năm 2009 và
2016 tại Việt Nam. Tập tiểu luận văn học này của Virginia Woolf (1882-1941) như
dường trải qua gần 100 tuổi, vì sách ấn hành lần đầu là năm 1929, nhưng các vấn
đề nêu lên đều rất mới, như vị trí người cầm bút nữ chỉ là bóng mờ trong ngôi
làng của các nhà văn, hay yêu cầu của Woolf rằng người sáng tác phải lìa hẳn
“cái tôi” khi cầm bút, hay người sáng tác văn học cần có “khối óc lưỡng tính
[nam/nữ]” (nghĩa là lìa cá tính, hay lìa ngã thể?) – nghĩa là tất cả những gì rất
mực táo bạo đối với người sáng tác văn học Việt Nam.
Trong Lời Người Dịch, Trịnh
Y Thư giải thích:
“Suốt thời gian gần trăm
năm qua, từ ngày xuất bản năm 1929, cuốn Căn phòng riêng của Virginia Woolf vẫn
được xem là tập tiểu luận văn học có tầm ảnh hưởng rất lớn bởi tính cách đặt vấn
đề của nó. Nó là cuốn sách được nhật báo Le Monde của Pháp quốc xếp hạng thứ 69
trong số 100 cuốn sách hay, giá trị, đáng đọc nhất thế kỷ XX. Kỳ thực, nó là cuốn
sách đặt nền móng cho Nữ quyền luận trong hai lĩnh vực tư tưởng và phê bình văn
học. Cuốn sách được hình thành dựa trên loạt bài thuyết trình Woolf đọc trước cử
tọa toàn phái nữ tại hai trường cao đẳng dành riêng cho phụ nữ, Newham và
Girton, thuộc trường đại học danh tiếng Cambridge của Anh quốc, vào năm 1928,
xoay quanh chủ đề “Phụ nữ và sáng tác văn học.”
Trong cuốn sách, Woolf tường
tận truy nguồn qua sách vở, thư tịch viết trong mấy thế kỷ qua, và xác quyết về
những bất công người phụ nữ phải gánh chịu trong suốt chiều dài lịch sử trên gần
như mọi bình diện của cuộc sống như văn hóa, chính trị, giáo dục, xã hội, tài
chính...” (CPR, trang 11-12)
Duyên khởi của bản dịch? Trả
lời phỏng vấn của nhà văn Trần Vũ, với bài viết trên tạp chí Diễn Đàn Thế Kỷ –
nhan đề "Trần Vũ thực hiện Phỏng vấn Tết Đinh Dậu 2017: Trịnh Y Thư, nét
linh diệu của sự bất toàn" – dịch giả họ Trịnh giải thích:
“Về cuốn Căn Phòng Riêng
của nữ sĩ người Anh Virginia Woolf, sở dĩ tôi dịch là do lời mời cộng tác của
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thông qua nhà xuất bản Tri Thức ở Hà Nội. Woolf là
một trong những tiểu thuyết gia lừng lẫy của thế kỷ XX, và theo chỗ tôi biết
thì đấy là tác phẩm đầu tiên của bà được dịch sang tiếng Việt. Mặc dù cuốn sách
là tổng hợp những bài giảng về đề tài “Phụ nữ và sáng tác văn học” chứ không phải
một tác phẩm tiểu thuyết, nhưng qua cuốn sách độc giả Việt Nam đã có cơ hội làm
quen với bút pháp “dòng ý thức” rất đặc trưng của bà. Cuốn sách đặt nền móng
cho cao trào Nữ quyền phát triển mạnh suốt thế kỷ XX, và câu hỏi của Woolf đặt
ra trong cuốn sách, “Liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên những tác phẩm tầm
vóc như của Shakespeare không?” cho đến ngày nay vẫn chưa có câu trả lời…”
Có thực rằng, suy nghĩ của
Virginia Woolf thuần túy là chuyện về sáng tác của nhà văn nữ? Không phải thuần
túy như thế. Nếu chúng ta nhìn lại đề tài do Woolf nêu ra, có rất nhiều điểm
nhìn nêu lên từ Phật Giáo. Điều này cho thấy có thể là Woolf đã chịu ảnh hưởng
từ tư tưởng bình đẳng và vô ngã Phật Giáo. Nhà văn Virginia Woolf sinh năm 1882
– thời kỳ cuối thế kỷ 19, ngay tại nơi rất cấp tiến là London, giáo dục phụ nữ
thuần túy là từ gia đình. Chính từ hoàn cảnh này, nhà văn Virginia Woolf ý thức
về thân phận phụ nữ và đã có những suy nghĩ thâm sâu về nữ quyền.
Xã hội Anh cuối thế kỷ 19 phần
lớn vẫn giữ thành kiến là: con gái phải ở nhà, con trai được đi học. Trong khi
các cậu bé được vào trường học, rồi vào nội trú rồi vào đại học, cô bé Virgnia
may mắn sinh trong gia đình trung-thượng lưu, nên được học đầy đủ tại nhà: học
từ mẹ tiếng Latinh, tiếng Pháp và lịch sử, trong khi học toán học từ cha. Thân
phụ của Virginia Woolf là ông Leslie Stephen có một thư viện khổng lồ, có phần
lớn sách kinh điển văn học – theo những người viết về tiểu sử của Virginia
Woolf. Ông Leslie Stephen cho con gái quyền tự do đọc bất cứ sách nào ưa thích,
và từ các trang sách kinh điển từ thư viện đó, một nhà văn Virgnia Woolf hình
thành. Và vấn đề bà thấy rất minh bạch, rằng cần có nữ quyền trong mọi vấn đề,
trước tiên là giáo dục, và riêng trường hợp của bà là vấn đề phụ nữ trong cương
vị người sáng tác văn học. Chỉ tới khoảng tuồi từ 15 đến 19, Virginia Woolf đã
có thể theo đuổi giáo dục đại học.
Sau đó, trong độ tuổi từ 15
đến 19, Virginia Woolf theo đuổi giáo dục đại học tại phân khoa phụ nữ ở Đại học
King's College London. Nơi đây, Woolf say mê học tiếng Hy Lạp, tiếng Latinh, tiếng
Đức, tiếng Anh, Văn học Cổ điển. Cũng tại trường này, Woolf bắt đầu tham gia
vào phong trào đấu tranh cho quyền của phụ nữ. Bà kết hôn với Leonard Woolf năm 1912. Virginia Woolf có bệnh tâm thần
rối loạn lưỡng cực, đã tự sát bằng cách tự trầm xuống sông năm 1941, lúc đó
đang ở tuổi 59.
Thư viện riêng của hai ông
bà Leonard Woolf và Virginia Woolf có khoảng 4,000 đầu sách, thuộc sở hữu của
Leonard Woolf cho tới khi ông từ trần năm 1969. Các học giả nghiên cứu về nhà
văn Virginia Woolf đã chú trọng vào tủ sách riêng này, để suy đoán về ảnh hưởng
và sở thích đọc của nhà văn nữ kiệt xuất này. Thư viện riêng này ban đầu là từ
một phần trong tủ sách của thân phụ bà, là ông Leslie Stephen. Nhật ký, thư từ
và các tác phẩm đã xuất bản của bà – cả hư cấu và phi hư cấu – cho thấy rằng
Virginia Woolf vẫn tiếp tục đọc đi đọc lại những cuốn sách từ thư viện của cha
bà trong suốt cuộc đời bà. Trong tủ sách riêng này, cũng có sách toán học, khoa
học, Kinh Thánh Ky Tô Giáo, nhiều sách về lịch sử Tích Lan (vì ông Leonard
Woolf từng là công chức hoàng gia tại Tích Lan), sách về chủ nghĩa xã hội, về
thuyết tiến hóa của Darwin, và cả sách về Phật Giáo.
Một số học giả nói rằng cuốn tiểu thuyết "To the Lighthouse” (ấn hành năm 1927) có nhiều suy nghĩ theo tư tưởng Phật Giáo. Truyện này lấy bối cảnh vào hai ngày cách nhau mười năm. Cốt truyện tập trung vào gia đình Ramsay về chuyến viếng thăm ngọn hải đăng và những căng thẳng gia đình. Một trong những chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết là cuộc đấu tranh trong quá trình sáng tạo đã bủa vây họa sĩ Lily Briscoe khi cô phải vật lộn để vẽ giữa những sóng gió bi kịch gia đình. Truyện cũng suy tưởng về thời gian trôi qua và cách phụ nữ bị xã hội ép buộc phải cho phép đàn ông lấy đi sức mạnh tình cảm từ họ.
Theo nhà phê bình Ann
Gelder, tiểu thuyết này là về vô thường, về nỗ lực sống với hiện tại, về cố gắng
trở thành hòn đảo trong biển cả dữ dội (cả trong thời gian và trong suy nghĩ của
chúng ta), và đó là các hình ảnh rất Phật Giáo (sống với hiện tại, sống như hòn
đảo trong dòng biển cả…)
Trong tiểu thuyết "To
The Lighthouse" có nhân vật nữ được gọi là Mrs. Ramsay, cũng là nhân vật
chính, nơi hiển lộ một trầm lặng, sâu thẳm và vô hạn. Có phải nhân vật nữ này
là một phần của tác giả Virginia Woolf? Tác giả mô tả rằng bà Ramsay có một nhu
cầu muốn được trầm lặng, và là một thái độ sống rất Phật tử, một trạng thái tịch
lặng được mô tả gần với sơ Thiền:
“Để im lặng; để được ở một
mình. Tất cả những cái đang là và những cái đang làm, lan tỏa ra, âm vang, đã bốc
hơi; và một người bị thu nhỏ lại, với một cảm giác trang trọng, để trở thành
chính mình, một lõi bóng tối hình miếng gỗ nêm, một thứ gì đó vô hình đối với
người khác. Mặc dù bà vẫn tiếp tục đan và ngồi thẳng, nhưng chính vì vậy bà cảm
thấy mình là chính mình; và bản ngã này đã buông bỏ những ràng buộc của nó, được
tự do cho những cuộc phiêu lưu kỳ lạ nhất. Khi đời sống chìm xuống trong một
khoảnh khắc, phạm vi trải nghiệm dường như [lan xa] vô hạn.”
Cũng đặc biệt là tiểu thuyết
“Mrs. Dalloway” (ấn hành năm 1925). Truyện tập trung vào nỗ lực của
Clarissa Dalloway, một phụ nữ trung niên trong xã hội, để tổ chức một bữa tiệc,
ngay cả khi cuộc đời của bà song song với cuộc đời của Septimus Warren Smith, một
cựu chiến binh thuộc tầng lớp lao động đã trở về từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất
mang theo những vết sẹo tâm lý sâu sắc. Trong đó hiển lộ một ý thức về Khổ đế
và những trùng trùng duyên khởi trong cách kể truyện và trình bày theo dòng ý
thức để nhìn về thế giới trong và ngoài tâm thức – nơi đây, trong khi thế giới
phương Tây nhìn thế giới như một cái gì độc lập ngoài tâm, thế giới phương Đông
lại nhìn trong và ngoài đều tương tác tương liên như các tấm gương tâm của từng
nhân vật trùng trùng soi chiếu, phản ánh lẫn nhau.
Chúng ta cũng có thể trích dẫn
nhận định của Sawyer James Henry, từ bài
viết nhan đề "Virginia Woolf in the River: The Intersection of
Relativity and Modern Buddhism in Mrs. Dalloway" trong tạp chí
International Journal of Undergraduate Research and Creative Activities, nơi phần
tóm lược (abstract) của bản PDF:
“Thời kỳ hiện đại đã mở
ra nhiều lý thuyết khoa học và triết học có ảnh hưởng đáng chú ý đến nghệ thuật,
văn học, tâm lý học và triết học. Những khám phá như thuyết tương đối tổng quát
của Einstein đã truyền cảm hứng cho các nhà thần học, triết gia và nhà tâm lý học
tập trung vào các khái niệm mới về bản thân, căn cước, thời gian, thực tế và trải
nghiệm của con người. Những thay đổi trong hiểu biết của con người đương đại được
phát triển đồng thời với sự gia tăng du lịch toàn cầu và trao đổi trí tuệ giữa
các nước phương Tây và phương Đông. Kết quả là, các nhà văn, triết gia và nghệ
sĩ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến Phật giáo và các niềm tin triết học phương
Đông khác. Virginia Woolf, trong khi tự nói là một người vô thần, chịu ảnh hưởng
sâu sắc của triết học phương Đông này và cũng thông thạo các lý thuyết khoa học
đương thời. Dựa trên phê bình văn học và tiểu sử của Virginia Woolf, tôi dò
theo những giao thoa giữa niềm tin triết học phương Đông và lý thuyết khoa học
phương Tây xuyên qua cách kể truyện theo dòng ý thức của bà Dalloway bằng cách
phân tích cả những gì và về cách thế nào mà mọi thứ được từng nhân vật trải
nghiệm. Trong tiểu thuyết, sự kết hợp dòng ý thức của từng nhân vật đan vào
nhau và tạo ra một môi trường bất dung hòa trong đó những khoảnh khắc đơn lẻ trong
cái hiện tiền được trải nghiệm thông qua tâm của nhiều nhân vật, trong khi họ đồng
thời điều hướng các khoảng thời gian trong quá khứ trong ý thức truyện kể của
cá nhân họ. Xuyên qua việc phân tích hình thức kể truyện và dòng ý thức kể truyện
trong tiểu thuyết “Mrs. Dalloway” của Virginia Woolf, có thể dò ra tác động của
các triết học phương Đông và các lý thuyết khoa học phương Tây trong quá trình
khám phá những nhận thức nội tại và ngoại tại về các hiện thực.” (1)
Chúng ta cũng có thể nhìn thấy
tư tưởng Phật Giáo trong tiểu thuyết “The Waves” (ấn hành năm 1931) của
Virginia Woolf. Tiểu thuyết "The Waves” kể về một nhóm sáu người bạn mà những
suy tư của họ, gần giống với những lời ngâm thơ (recitatives) hơn là độc thoại
nội tâm, đã tạo ra một bầu không khí giống như làn sóng giống như một bài thơ
văn xuôi hơn là một cuốn tiểu thuyết lấy cốt truyện làm trung tâm, nơi đó là một
khát vọng bước tới vô ngã, xa lìa ràng buộc của ngã thể.
Trên tạp chí The Montréal
Review (số tháng 2/2012), nhà văn Emily Burns Morgan qua bài viết nhan đề
"Virginia Woolf, Buddhism, And Hermione Lee's Biography Of The
Artist" đã ghi nhận, trích:
“Tôi đã đọc Virginia
Woolf từ thời trung học, và đọc lại với mức độ tập trung và kỹ càng hơn trong
năm năm qua. Nhưng khi tôi đọc The Waves lần đầu tiên, khi đang sống ở Thái Lan
và đang nghiên cứu về Phật giáo, tôi đã có một thấu thị hiển linh: không chỉ
tôi là một Phật tử, mà Virginia Woolf cũng là một Phật tử! Cái nhận thức này bao
trùm toàn bộ tiểu thuyết The Waves, gắn kết mọi thứ lại với nhau – những tới và
lui của những làn sóng "xen kẽ" lặp đi lặp lại, sự tan quyện vào nhau
của các nhân vật, một hiện thế tương liên đang là (a la inter-being), những ám
chỉ gợi nhớ về tiền kiếp và khát vọng muốn phá vỡ để thoát khỏi chuỗi dây xích
của ngã thể. Woolf đang diễn đạt trong tiểu thuyết những gì tôi đã đọc và nghe
trong các kinh sách và bài giảng Phật giáo mà tôi đã tìm kiếm.” (2)
Và bây giờ, xin mời bạn tìm
đọc những suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời và về văn học (và một vài ảnh hưởng Phật
giáo) trong tập tiểu luận văn học “Căn
Phòng Riêng” mà Trịnh Y Thư đã tuyệt vời chuyển ngữ. Đây là một cuốn sách cần
nên đọc đối với tất cả những độc giả quan tâm về văn học, về sáng tác và về con
người.
Sách đã có bán trên Barnes
& Noble, 216 trang, bìa cứng, giá bán: US$25.00. Xin vào:
https://www.barnesandnoble.com/
Và gõ chữ tìm: Can phong
rieng, virginia woolf
Hoặc liên lạc với dịch giả
Trịnh Y Thư, hiện cũng là Chủ Bút Việt Báo, qua email sau:
–
Phan Tấn Hải
GHI CHÚ:
(1) Henry, S.J., 2020.
Virginia Woolf in the River: The Intersection of Relativity and Modern Buddhism
in Mrs. Dalloway. International Journal of Undergraduate Research and Creative
Activities, 12(1), pp.1–9. DOI: https://ijurca-pub.org/articles/abstract/10.7710/2168-0620.0311/
(2) Emily Burns Morgan.
Virginia Woolf, Buddhism, And Hermione Lee's Biography Of The Artist. The
Montréal Review. https://www.themontrealreview.com/2009/Virginia-Woolf-Buddhism-and-Hermione-Lee-Biography-of-the-Artist.php
PHOTO:
Trong
buổi mừng sách mới tại tòa soạn Việt Báo, từ phải: Hằng Nguyễn, Trịnh Y Thư, Huỳnh
Kim Quang, Nguyễn Thanh Huy, Phan Tấn Hải, Hòa Bình.