HÔM NAY, NGÀN SAU
Ngàn năm sau khi trái đất hãy còn
Xin gió nhớ qua rừng ru chim ngủ
Từ ghềnh thác sẽ hồng lên hơi thở
Của giống Da Vàng thời buổi chiến chinh
Hồn các anh khi đó rất lênh đênh
Cánh vừa mọc nhưng thiên đường đã mất
Ai sẽ nhớ ngày xưa trên trái đất
Chuyện đau thương làm đỏ cả núi rừng?
Hàng triệu người ghì súng trấn biên cương
Một buổi sáng kia máu hồng trên cỏ...
Hỡi những kẻ đang vui trong thành phố
Xin ra đây nhìn hơi thở giống nòi
những lời buồn còn thoi thóp trên môi
Vầng trán rộng ngăm đen màu sương gió.
Vai trĩu nặng ba lô đầy thương nhớ
Từng đứa con trai gục chết trên rừng
Bỏ lại đàng sau tất cả mùa xuân
Ai sẽ tiếc thương anh bằng nước mắt?
Ai sẽ đến giáo đường ngày chủ nhật
Gọi tên anh nho nhỏ trước bàn thờ?
Ai sẽ buồn cho đến nỗi ngẩn ngơ
Khi với tuổi anh hồng hoang lửa đỏ
Hỡi những kẻ đang vui trong thành phố
Xin ra đây nhìn bằng hữu các người...
Ngàn năm sau trái đất còn xinh tươi
Các anh đã biến thành loài chim quý
Chim sẽ hót những lời ca uỷ mị
Như nhớ chuyện buồn thời chiến tranh.
(Thơ miền Nam thời chiến, tập 1, Thư ấn quán tái
bản 2007, trang 318-9)
Tôi không biết bài thơ được sáng tác năm nào nhưng có lẽ là những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Bức chân dung những người lính vừa “bỏ lại đàng sau tất cả mùa xuân", “cánh vừa mọc nhưng thiên đường đã mất" không phải là những nét vẽ thông thường mà được khắc, được chạm bằng trái tim đớn đau đẫm lệ của một người đồng đội bất hạnh phải chứng kiến cảnh tượng "hàng triệu người ghì súng biên cương/một buổi sáng kia máu hồng trên cỏ."
Nhiều cung bậc cảm xúc liên tục trào lên trong tiếng nấc.
"Ngàn năm sau khi trái đất hãy còn
Xin gió nhớ qua rừng ru chim ngủ"
Tất nhiên, đương nhiên “khi trái đất còn” - mà điều này gần như là
chân lý tuyệt đối- G.i.ó sẽ nhớ, sẽ ru mãi ngàn năm khúc ngợi ca tôn
vinh những người con Việt Nam Da Vàng thời buổi chiến chinh đã mãi
hoá thân vào núi sông qua suối qua rừng qua ghềnh qua thác…
Ừ. Thì lý thuyết là vậy.
Rồi sự hy sinh đau đớn thảm khốc ấy sẽ theo thời gian trăm năm, ngàn năm chìm vào quên lãng ư? Chuyện “giống Da Vàng thời buổi chiến chinh” hôm nay, trăm năm sau, ngàn năm sau… có ai còn nhớ? Những câu hỏi dồn dập điệp cấu trúc đặt ở đầu câu gằn lên xót đau không dứt: “Ai sẽ nhớ...?” “Ai sẽ tiếc...?” “Ai sẽ đến...?” “Ai sẽ buồn...?” cứ xoáy tận tâm can…
Những chàng thiếu niên
ấy quá trẻ, quá hồn nhiên trong sáng, tuổi của họ không phải sinh ra
để chết. Cuộc đời vừa mở ra bao khát vọng, ước mơ hoài bão và
trách nhiệm còn căng tràn nhựa sống, chưa kịp tung bay đã gãy cánh ra
đi… Tức tưởi biết chừng nào?
“Hồn các anh khi đó rất lênh đênh
Cánh vừa mọc nhưng thiên đường đã mất"
Họ đó, phơi phới tuổi thanh xuân "từng đứa con trai" vừa phải
"bỏ lại đàng sau tất cả mùa xuân". Họ đó, "tay còn thơm
mùi giấy mới học trò", vậy mà 'gục chết trên rừng" và máu
anh "hồng trên cỏ", máu anh "làm đỏ cả núi rừng"...
Đâu chỉ là cái chết của một người lính! Đâu phân biệt bên này-bên kia! Tôi nghe nghẹn xót tim anh nỗi tang tóc của cả “giống Da vàng". Tâm thức giống nòi - diễn ngôn kháng cự chiến tranh, qua hệ thống ngôn ngữ hình ảnh đồng loại máu đỏ da vàng này không khó tìm trong những vần thơ lính viết giữa chiến trường trong toàn tập Thơ miền Nam thời chiến gần 1800 trang sưu tập (T1và T2) với 406 ngòi bút tiêu biểu. Hãy đọc những trang kiêu bạc bi hùng đầy hào sảng ngậm ngùi của Tô Thuỳ Yên, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Dương Quang, Phan Xuân Sinh, Luân Hoán... Khi chạm mũi súng đối mặt trong đêm mưa tiền đồn, khi ở bìa rừng, khi nơi bến lạ…hay khi chén chú chén anh tiễn nhau đi vào cõi chết, người lính nào sắt đá đến đâu cũng chợt chùng xuống tận cùng bi kịch kiếp người, bi kịch cả giống nòi... Để rồi vượt lên tất cả những điều thắng thua vô nghĩa và cái chết phi lý đợi chờ trước mặt, những chàng trai trẻ vai hãy còn “trĩu nặng ba lô đầy thương nhớ" (LQ) trong vô thức nhận ra sự xa lạ với chính mình còn hơn cả Meursault trong L'Étranger (Albert Camus)... . Anh đã "chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò, không hận thù, nằm chết như mơ" (TCS) mà không ai biết trước đó, gang tấc, phút giây... Ngạo nghễ nhìn cái chết của mình như một tất yếu lịch sử những chàng trai trót sinh ra trong thời loạn. Có nghĩa gì hai chữ tử sinh, gặp đây, thôi thì "chắt cho nhau giọt rượu sót" hỏi làm gì câu hỏi khó..., loạn tâm...
Phía phía rừng tràm xanh mịt mịt
Sông không bờ, trời cũng không chân
Người thuở trước tìm vàng khẩn đất
Tiêu xác thân, để lại oan hồn
Ngày nay, ta bạn đến đây nữa
Đất thì không khẩn, vàng không tìm...
Bạn nhủ ta: đừng hỏi khó
Uống mất ngon vì chuyện loạn tâm
Ta chắt cho nhau giọt rượu sót
Tưởng đời sót chút thiếu niên đây
Giờ cất quân, đưa tay bắt
Ước cõi âm còn gặp để say.
(Anh hùng tận, Tô Thuỳ Yên)
Có lẽ nhận thức được định mệnh nghịch lý đó mà thơ các anh nâng niu biết bao sự sống, và khát vọng hoà bình cũng khắc khoải biết chừng nào...
Tôi hỡi tôi xin đừng chết nhé
Bóng Hoà Bình thấp thoáng ở miền Nam
(Nhắc đến Ma Lâm, Nguyễn Bắc Sơn)
Và ai may mắn vượt làn tên mũi đạn đêm qua thì sự sống
sót sáng nay anh cũng nhận diện như một nỗi hoang mang:
Sáng nay ta đốt lửa trên đồi
lửa soi ta nhìn ta sống sót
lòng mặc áo sương nên lòng quá lạnh
mắt mở từng đêm nên mắt quá sâu
Ôi đêm qua đạn mưa súng bão
ta là ai giữa đồ trận săn người?
(Lửa trên đồi, Nguyễn Dương Quang)
Ngợi ca máu đỏ ư? Ngợi ca cái chết ư? Giữa “đồ trận săn người” số phân, đâu phải ta là kẻ bày ra…
Không thể.
Thương xót ư?
Không đủ.
"Hỡi những kẻ đang vui trong thành phố
Xin ra đây nhìn hơi thở giống nòi
những lời buồn còn thoi thóp trên môi
Vầng trán rộng ngăm đen màu sương gió"
...
Hỡi những kẻ đang vui trong thành phố
Xin ra đây nhìn bằng hữu các người...
Ôi sự vô tình của con người. Ôi sự xoá nhoà của thời gian.
Họ cứ vui. Họ vẫn vui.
Cái chết của những người lính trẻ ra đi khi chưa kịp sống rồi sẽ tan
theo gió theo mây ư? Có còn “Ai gọi tên anh nho nhỏ trước bàn
thờ?" Có còn “Ai sẽ buồn cho đến nỗi ngẩn
ngơ?"...
Ôi chỉ còn là những câu
"chuyện ngày xưa trên trái đất"... thôi sao???
Tôi chợt liên tưởng đến cái chết giữa đại dương của các thuỷ thủ trong Oceano Nox và sự lãng quên mà Victor Hugo từng đau đớn:
Et
quand la tombe enfin a fermé leur paupière,
Rien ne sait plus vos noms,
pas même une humble pierre
Dans l’étroit cimetière où
l’écho nous répond,
Pas
même un saule vert qui s’effeuille à l’automne,
Pas
même la chanson naïve et monotone
Que
chante un mendiant à l’angle d’un vieux pont!
“Và
đến lúc khép rồi nấm mộ
Chẳng
còn ai biết nữa tên anh
Hòn đá
trong nghĩa địa vắng tanh
Cả gốc
liễu mùa thu trút lá
Và cả
người hành khất bên cầu
Hát
điệu buồn, ai nhớ anh đâu”
Hỡi những kẻ đang vui trong thành phố, sao có thể lạnh lùng vô cảm đến nhẫn tâm... Xin ra đây... Xin ra đây...nhìn hơi thở giống nòi, nhìn bằng hữu của các người...
Tôi đã lặng người đọc
những dòng thơ này. Hình như tôi đã từng có lần dị ứng với mùa
xuân. Tôi thấy trong "Hôm nay, ngàn sau" hình ảnh cậu tôi
trở về trong màu cờ từ chiến trường Chương Thiện cũng khi còn rất
trẻ... Hình như tôi đã từng tức giận vì mọi người chung quanh thản
nhiên đón tết sau hai tháng ba tôi vĩnh viễn ra đi. Những ký ức nặng
nề riêng tư về cái chết của người thân, của cô em tội nghiệp hoả
táng ngay sáng 30 tết làm tôi co lại với thế giới chính mình. Và
trong cái rộn ràng của mùa xuân tôi như người lạc lõng, tôi bỗng thậm
ghét cái kẻ là tôi cũng đang hớn hở vui vẻ nói cười những lời chúc
tụng xã giao rỗng tuếch vô hồn...
Xin lỗi mùa xuân, xin lỗi những nụ cười, xin lỗi những
niềm vui...
Chỉ có chút riêng tư thôi tôi đã không kềm lòng nổi... Còn tác giả
bài thơ này, một người từng có mặt ở chiến trường, đã bao nhiêu lần
chịu đựng cảnh tượng đau lòng khi chứng kiến đồng đội trút hơi thở
cuối cùng trên tay mình:
"những lời buồn
còn thoi thóp trên môi
Vầng trán rộng ngăm đen
màu sương gió""
Bài thơ thứ 2 trong 7 bài thơ được chọn vào tuyển tập Thơ miền Nam
thời chiến Tập 1 này là Ngọn đuốc nào như một sự an ủi bổ
sung cụ thể hơn, khẳng định hơn nữa về giá trị cao quý của sự hy
sinh:
"có ngọn nước nào
làm xanh đồng ruộng
bằng giọt máu hồng anh đã trao cho?"
"quê hương vẫn trên một dòng nước mắt
bởi niềm đau lở lói khắp thân mình
bom đạn đó mảnh vùi sâu đáy đất
hoa màu nào đủ sức nhuộm cây xanh"
Có lẽ vì vậy mà thơ Lữ Quỳnh luôn buồn. Cho dù là cái buồn nhẹ nhàng “trong vắt” cuả một “cõi thơ lăng lẽ”. Tác giả Nguyên Giác từng tự hỏi: “phải chăng đó là những nỗi buồn lặng lẽ, rất mực lặng lẽ, được chép lại trên giấy thật vội để không kịp trở thành những niềm vui”. Thơ Lữ Quỳnh luôn tự giải thoát ám ảnh chiến tranh bằng những giấc mơ... Có những câu tôi đọc lên rồi cứ lặng lẽ bồi hồi trước những lời trần tình, tự giãi bày chân thành đến cảm động:
"tôi ngồi đó thân già như cổ thụ
nỗi cô đơn làm chảy máu tâm hồn
quá khứ đó trong từng đêm thức ngủ
và bây giờ lòng cũng lửa vây quanh"
...
Ám ảnh giăng mắc làm
sao những câu thơ đi qua hai thế kỷ của những người lính trên đất nước
Việt Nam. Mỗi câu thơ nghe như một tiếng lòng nhỏ máu. Và quá khứ như
một bóng ma lẩn khuất vẫn từng đêm chập chờn thức ngủ. Hội chứng
này đâu chỉ riêng anh. Cả một thế hệ mỗi người một vết cắt nông sâu,
không sao thoát nổi cái bóng ký ức của chính mình. Cái Hôm Nay trong
bài thơ hôm nay đã thành quá khứ, đã là Hôm Qua. Nhưng hình như anh
vẫn đi lùi về miền quá khứ ấy nhiều hơn thực tại trong những trắng
đêm dồn nén nỗi niềm chìm giữa những cơn mơ cháy bùng thương yêu vô
bờ:
"ước gì tôi thành ngọn đuốc giữa đường
soi sáng vết thương trên lòng đất mẹ."
Cho dẫu cuối cùng nhà thơ cũng phải tự vỗ về mình: chiến tranh và cái chết rồi sẽ như một huyền thoại, các anh rồi sẽ hoá thân bất tử thành một loài chim quý nhắc nhớ ngàn sau đời đời câu chuyện hôm nay..., nhưng đọc lại thơ Lữ Quỳnh, sao dư âm vẫn chua xót nghẹn ngào quá đỗi:
"Ngàn năm sau trái đất còn xinh tươi
Các anh đã biến thành loài chim quý
Chim sẽ hót những lời ca uỷ mị
Như nhớ chuyện buồn thời chiến tranh."
Vâng. Chỉ là chuyện buồn thời chiến tranh.
Thị Nghè, 2.1.2020