Có những
nơi ta chỉ đi qua một lần, suốt đời không trở lại, mà suốt đời nhớ mãi… Tôi đã
nghĩ như vậy vào một buổi chiều trên con đường cát bụi từ trang trại Quán Tre của
người bạn đi ra, không rõ ở hướng nào, hai bên là những khóm tầm vông lá xanh,
rực rỡ nắng vàng. Và một buổi trưa trong rừng cao su thân thẳng cành cao, những
đường dao rạch xiên xiên, những dòng máu thảo mộc rưng rưng chảy trắng. Tôi đã
chú ý quan sát phong cảnh cố ghi nhận từng chi tiết vào tiềm thức. Đúng như
tiên liệu, tôi chưa có một lần trở lại nơi này…
Có những
nơi, mới thoạt nghe trong một hoàn cảnh nào đó lòng ta đã dành sẵn những cảm
tình và ôm ấp mãi cái cảm tình ấy, nuôi dưỡng cho nó mỗi ngày một thêm lớn, chăm
chút nó cho mỗi ngày một thêm đẹp…
Dòng địa
chỉ ngắn gọn ghi ở bìa 3 cuốn lịch tay nhỏ: Số nhà … Đông Hòa, Dĩ An… Ghi địa
chỉ nhưng nài nỉ đừng tìm đến. Người không đến nhưng thư từ, sách báo đến và có
hồi âm, bạn mong muốn mai sau thành một dược sĩ…Tất nhiên là những vần thơ được
hình thành, dù hay dù dở, vì trong mỗi con người đều tàng ẩn một nhà thơ…
Ta thuở ấy áo xanh
màu cỏ mật.
Chiều bâng khuâng
hồn bách thảo ngẩn ngơ…
Thế nhưng những biến cố này rồi những biến cố khác liên
tiếp liên tiếp, đường càng xa khi bóng đổ ngược chiều, đến một ngày nhìn lại
như xa lắc xa lơ…
Nhớ thuở ấy lòng
ta đầy mộng ảo
Nữa mai sau người
áo đỏ khăn vành
Lối cỏ dại là con
đường phương thảo
Nhịp cầu tre là
nét vẽ đan thanh
Cuộc đời nếu toàn những thuở ấy thì vui sao được, vì đằng sau những thuở ấy luôn luôn là những nét buồn.
Thuở ấy một lần đọc thơ Mạc Phong Luân:
Mà thấy chênh vênh
mấy nhịp cầu
Ngõ về Tân Trụ ngõ
về đâu?
Hỡi ôi, Bình Lập
buồn xa vắng
Thương nhớ ngày
qua của buổi đầu!
Cái buổi đầu này nào phải của tôi, thế nhưng với sự đồng
cảm trong thơ, tự nhiên tôi yêu hai
tiếng Tân Trụ, hai tiếng Bình Lập, mong ước có ngày đặt chân lên
vùng đất này, tưởng tượng rằng đây là nơi cảnh trí phong quang, con người thuần
hậu.
Muôn hoa hàm tiếu xinh
tươi nụ
Sông núi lừng hương nhụy rỡ ràng…
Phải tích tụ bao nhiêu căn để có được duyên…Đêm
ngồi ở nhà người bạn vừa quen tại Tân An tôi mới vỡ lẽ rằng đang ngồi trên đất
Bình Lập thưởng thức món đặc sản cháo cá rau đắng. Hôm sau có dịp đến cầu treo
Nhật Tảo, phía đông xa xa được biết là nơi Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu Pháp,
lửa hồng kinh ngạc đất trời. Đi phà qua sông Vàm Cỏ Tây. Chiếc phà nhỏ, chạy êm
êm hiền lành như sông nước. Sân bóng trên ruộng vừa gặt xong, vừa đốt, màu tro
đen cả những đôi chân cầu thủ và làm rõ thêm lằn vôi rắc trắng. Rải rác trong đồng
từ Tân Trụ qua Tầm Vu nhiều vườn dừa, vườn thanh long, nhiều ngôi mộ xưa xây bằng
đá ong nhuộm màu sương gió.
Vì những câu thơ Mạc Phong Luân chăng mà tôi có cảm tưởng
như về lại quê mình sau bao nhiêu năm xa cách, lòng bình thản nhẹ nhàng, lâng
lâng như đi vào cõi thanh hư. Dòng sông, nhịp cầu, bến phà, những ngả đường, ruộng
đồng, vườn tược, cây trái…tất cả đều gần gũi thân thiết…
Nhà ông Bảy An ở Tầm Vu, có lẽ là tiêu biểu cho
kiểu nhà nông thôn Nam Bộ. Rộng và thoáng, chạm trổ ở đầu cột, đầu kèo. Trong
sân có cây tùng, cây bá, hoa mai, hoa trang, chung quanh là vườn, ngoài nữa là
ruộng. Ông Bảy An hỏi tôi nghe nói đến Tầm Vu từ lúc nào?
Tôi nói: Từ câu ca dao Gái Tầm Vu một xu ba đứa.
Ông Bảy cười: Lạ, ai cũng nghe từ câu đó. Nhưng mà ông
Tám nên lưu ý: Trai Thủ Thừa cỡi ngựa xuống
mua…Cỡi ngựa xuống, đâu phải đi bộ.
Ông Bảy chỉ cho tôi xem cành đào sau tết nở lứa hoa thứ
nhì và bảo :
- Đây chính là hoa
đào năm ngoái còn cười gió đông…Không phải những hoa đào còn sót lại từ năm
ngoái mà là cây hoa đào năm ngoái nay lại nở hoa, mấy bữa nay tôi thấy thú vị với
ý nghĩ này mà chưa biết nói với ai…
Nghe ông Bảy An
nói vậy tôi không khỏi nhớ đến bài thơ tuyệt diệu của Thiền sư Mãn Giác về một
cành mai đêm qua nở trước sân, lại nhớ đến truyện Nhị Độ Mai, nghĩ rằng đây là nhị độ đào.
Lối về không hiểu
vì sao qua Đông Hòa, Dĩ An…Đường đang mở rộng, xe
cộ chen chúc ngược xuôi đầy bụi bặm. Nhà cửa xây mới tầng tầng bên nhau. Biết
bao nhiêu nước chảy qua cầu từ thuở ấy:
Em thánh thiện cô
học trò chủ nhật
Yêu thần tiên và
chữ nghĩa dại khờ…
Con số đó có phải là con số cũ, người ở đây có phải là
người xưa? Mười nụ hoàng lan có còn
tròn trĩnh, hay mỗi bút tay ngà cũng đọng dấu thời gian?
Tôi trở lại Sài Gòn làm một cá nhân nhỏ bé không ai biết
đến trong dòng người qua cầu Bình Lợi…
Ôi, cái
hồn của Xứ Sở, cái ý nhị thâm trầm của một Vùng Đất… càng làm cho ta yêu quý
hơn khi nơi đó có một Con Người, có một Tấm Lòng thông cảm cùng ta. Và mỗi ngày
ở, mỗi đêm nằm ta sẽ nhận biết thêm một chút để hiểu hơn về chính ta cái thời
thanh xuân thuở ấy…
Mạc
Phong Luân viết:
Bài thơ tâm sự buồn
cho mấy
Chỉ đổi người ta một
nụ cười !
Đối với tôi, luôn luôn đi tìm một sát na đốn ngộ, mỗi khi
đứng trước ngả đường không khỏi phân vân thầm hỏi: Ngõ về Tân Trụ? Ngõ về đâu?
Lại mong mỏi những dòng tản mạn này nếu có được một nụ cười
xa vắng thì thật là thiên triệu hạnh phúc.