Sunday, December 11, 2022

2706. SONG THAO Tử vì đạo


Lễ kính các thánh tử đạo Việt Nam được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật thứ hai của tháng 11. Năm nay nhằm vào Chúa Nhật 13/11. Trong kỳ phong thánh vào ngày 19 tháng 8 năm 1988, có tất cả 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam được Giáo Hoàng Jean Paul II chính thức phong thánh. Trong 117 vị này chỉ có 96 vị người Việt gồm 37 linh mục, 14 thầy giảng, 1 chủng sinh. Còn lại là giáo dân trong đó chỉ có một phụ nữ là thánh Anê Lê Thị Thành. Còn 21 vị khác không phải là người Việt. Đó là các thừa sai qua Việt Nam truyền đạo gồm 11 vị gốc Tây Ban Nha: 6 giám mục và 5 linh mục dòng Tên. Mười vị gốc Pháp: 2 giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris.


Tất cả 117 vị này bị hành hình chỉ vì họ nhất định không chối đạo. Họ hy sinh từ năm 1733 tới 1862. Nếu ghép vào các triều đại thì có 2 vị bị giết vào thời chúa Trịnh Doanh, 2 vị thời chúa Trịnh Sâm, 2 vị dưới thời vua Cảnh Thịnh, 58 vị dưới thời vua Minh Mạng và 50 vị dưới thời vua Tự Đức.


Đó là những vị được phong thánh vào năm 1988. Nếu tính số người tử vì đạo thì con số lớn hơn nhiều. Theo ước tính thì trong hai thế kỷ 18 và 19, có khoảng từ 130 ngàn tới 300 ngàn tu sĩ và giáo dân Việt Nam tử đạo tất cả.


Lễ phong thánh đã được cử hành trọng thể tại Vatican vào ngày 19/6/1988. Nhà cầm quyền Việt Nam phản đối buổi lễ này vì cho rằng trong số những vị được phong thánh có nhiều người là tay sai của đế quốc. Họ cấm người Việt Nam trong nước qua Vatican tham dự buổi lễ long trọng này. Con số khoảng trên 8 ngàn con dân đất Việt có mặt tại Vatican trong dịp này toàn là những người Việt sống tại hải ngoại.

Khi tin về ngày tổ chức lễ phong thánh vừa được loan báo, các khách sạn lớn chung quanh Vatican đã nhộn nhịp nhận đặt phòng. Một năm trước ngày lễ, tất cả các phòng đã được đặt hết. Người ta dự đoán số người tham dự khoảng 5 ngàn. Ba tháng trước lễ, con số người Việt dự tính về Vatican tham dự đã lên tới 8250 người từ 27 nước tại Á châu, Úc châu, Âu châu và Mỹ châu. Lần đầu tiên cái nôi của giáo hội công giáo chật ních con dân đất Việt. Họ tràn ngập các tiệm ăn, tiệm bán đồ kỷ niệm. Áo dài Việt Nam đầy màu sắc được nhiều người, cả phái nam lẫn phái nữ, hãnh diện mặc và di chuyển trên khắp đường phố. Nhưng Việt Nam nhất là cuộc rước kiệu các thánh tử đạo vào ngày hôm trước lễ phong thánh. Đức Ông Trần Ngọc Thụ mô tả : “Cuộc rước kiệu là một cảnh tượng hết sức tân kì và vô cùng ngoạn mục, nhất là trước con mắt người ngoại quốc. Họ trèo lên tường, lên đế cột đèn điện, lên ghế cá nhân để bàn tán, chiêm ngưỡng. Đây là công lao vượt mức trong việc chuẩn bị, may sắm, tập dượt, từ ca nhạc đến đoản kịch, nghi lễ…đủ mọi bộ môn theo truyền thống văn hóa dân tộc. Phải ca ngợi và thán phục tinh thần phục vụ tối đa của các giáo dân Việt Nam tại Mỹ châu trong dịp này. Từng đoàn quý ông mặc áo thụng màu xanh, từng đoàn quý bà mặc áo dài nhung, gấm màu đỏ; rồi đồng phục màu vàng của các ca đoàn, của 50 em thiếu nhi trong ban vũ đến từ Portland. Đấy là chưa kể đến các thiếu nữ trong đội lính thú thời xưa với binh phục nón cối xà cạp đỏ và Ban Văn Tế, đội chiêng trống, lọng chầu…với y phục nghi lễ Á Đông. Người bản xứ rất thích thú trước hoạt cảnh một vị hương chức trong y phục đại lễ cổ truyền với khăn xếp màu đỏ, cứ tiến một bước lại lui một bước, và trịnh trọng điểm một dùi trống lên mặt chiếc đại cổ (trống lớn) do hai chàng thanh niên vạm vỡ khiêng trên vai. Lúc 21 giờ đêm, từ Điện Vatican, chứng kiến cuộc rước kiệu này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II  đã cho lệnh mở cửa sổ Văn phòng để đích thân ban phép lành cho đoàn con Việt Nam đang diễn hành trên Quảng trường Thánh Phêrô”.


Ngày lễ phong thánh, mười ngàn người Tây Ban Nha và bốn ngàn người Pháp, hai quốc gia có các thánh tử đạo tại Việt Nam cũng được phong thánh trong ngày hôm nay, hợp cùng các giáo dân địa phương tới chật ních quảng trường thánh Phê-Rô. Đại lễ do Đức Giáo Hoàng chủ tế với 28 Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục đồng tế. Ba ca khúc Việt Nam được hát bằng tiếng Việt do ca đoàn tổng hợp Việt Nam tại Mỹ trình bày trong buổi lễ gây sự chú ý của mọi người. Đó là các ca khúc: “Ngày Vinh Thắng” của Linh mục Ngô Duy Linh, “Khúc Trầm Hương” của Dao Kim và “Tiếng Nhạc Oai Hùng” của Hải Linh.


Đại lễ phong thánh này là kết quả của những nỗ lực bắt đầu từ ngày 25/8/1985 khi vào lúc 10 giờ đêm, Hồng Y Trịnh văn Căn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, lúc đó đang ở Roma, tới gặp Đức Ông Trần Ngọc Thụ. Ngài nói: “Vấn đề nhiêu khê chính là vấn đề xin phong thánh cho các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam. Trước kia, rồi đến đời Đức cố Hồng Y Trịnh Như Khuê, đã 4 lần xin các vị ngoại quốc đảm nhiệm, nhưng rồi vẫn chưa tới đâu. Tuy nhiên, đây là vấn đề tha thiết và khẩn trương. Ngày nay đã có nhiều linh mục Việt Nam tại Rôma, trong số đó, có cha và cha đã có kinh nghiệm nhiều năm tại Tòa Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn, tôi muốn giao công tác này cho cha không biết cha có nhận lời hay không”. Đức Ông Thụ run sợ trước một nhiệm vụ to tát nhưng đức vâng lời đã khiến cha cúi đầu nhận. Như có sửa soạn từ trước, Hồng Y Trịnh văn Căn rút từ trong túi áo một văn thư đã đánh máy, đóng dấu và ký sẵn. Lá thư ủy nhiệm cho cha Thụ làm Cáo Thỉnh Viên vụ án phong thánh các chân phúc tử đạo Việt Nam. Ngày hôm sau, Hồng Y Căn về lại Hà Nội sau khi căn dặn cha Thụ: phải làm trong thinh lặng, không làm rùm beng và phải hoàn tất nhanh, tối đa là hai năm. Khi đó tại Việt Nam có tất cả 41 Giám mục nhưng vì hoàn cảnh, chỉ có một mình Hồng Y Căn ký vào bản thỉnh nguyện.


Trong 600 ngày miên man làm việc sau đó, cha Thụ đã phải nhờ tới sự cộng tác của ba Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, Pháp và Phi Luật Tân, để tạo thêm sức mạnh cho cáo thỉnh phong thánh. Ba Hội Đồng Giám Mục  này đã làm thêm ba cáo thỉnh riêng hỗ trợ cáo thỉnh của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội Công Giáo Vatican mới có một vụ xin phong thánh tới 117 vị cùng một lúc.


Tôi có cái may mắn được gần gũi Hồng Y Trịnh văn Căn, linh hồn của cuộc phong thánh tử đạo Việt Nam, khi ngài còn là phó xứ Hàm Long. Khi đó tôi còn học tại trường tiểu học Trần văn Thưởng trong khuôn viên nhà thờ, đồng thời tham gia ban giúp lễ và ca đoàn nhà thờ Hàm Long. Tối ngày ở nhà thờ, tôi được cha Căn coi như...bạn. Có chuyện gì cần cha đều kêu tôi. Thường thì cha nhờ chép lại các bản dịch sách đạo mà cha dịch hồi nào tôi không hay. Ban…chép sách này thường gồm vài học sinh mà cha Căn chọn lựa. Hồi đó học sinh được nghỉ học ngày thứ năm, chúng tôi thường tới phòng cha ngồi chép. Cha lại quả công lao bằng các loại kẹo bánh ngon tuyệt vời. Vì đó là các thứ làm tại Tây. Bánh kẹo Tây thơm ngon mê tơi. Cha Căn tướng tá cao lớn, da ngăm đen, nhưng có nụ cười thật hiền. Khi cha lên làm Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc, bên hông nhà thờ Lớn, thì tôi cũng theo học tại đây. Cha con đoàn tụ. Tôi ra vào phòng hiệu trưởng như người nhà! Cho tới khi di cư, tôi theo gia đình vào Nam, cha ở lại. Tôi vẫn theo dõi tin tức của cha. Cha được thụ phong Giám Mục, rồi Hồng Y.

Trong cáo thỉnh phong thánh, cha Anrê Dũng Lạc được đứng tên đại diện các chân phước. Không biết đây có phải là ý kiến của Hồng Y Trịnh văn Căn, trước đó đã từng là Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc không? Trong bài giảng ngày lễ phong thánh, Đức Giáo Hoàng Jean Paul II đã đặc biệt nhắc tới cha Anrê Dũng Lạc: “Trong các vị Tử Đạo hôm nay, đi tiền phong có Thánh Vinh Sơn Liêm, dòng Đa Minh là người Việt tử đạo đầu tiên năm 1733. Rồi tới Linh mục Anrê Dũng Lạc, sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo khó, bên lương, từ nhỏ đã phải "bán" cho một thầy giảng dậy giáo lý, nhưng rồi Chúa cho tới chức Linh mục năm 1823, đựơc bổ nhiệm chánh xứ và đương nhiên trở thành nhà truyền giáo trong nhiều địa hạt. Nhiều lần đã bị lao tù, nhưng vẫn được giáo dân tốt lành đem tiền chuộc về, trong khi bản thân ngài mong chờ đựơc chết vì Chúa. "Những người chết vì Đức Tin - ngài nói – thì lên Thiên Đàng thẳng rẵng; tại sao chúng ta cứ phải ẩn náu, phải tốn tiền đút lót cho quan quyền: thà để cho chúng tôi bị bắt và rồi tử đạo có phải hơn không?". Thực ra, vẫn một ý chí hăng say và được ơn Chúa nâng đỡ, ngài đã anh dũng chịu trảm quyết tại Hà Nội ngày 21-12-1839”.


Tôi nhớ mang máng là tại nhà thờ Kẻ Sét, trong khuôn viên ngay trước nhà thờ có hai ngôi mộ giả của hai vị tử đạo. Một của cha Dũng Lạc, một của cha Martino Tạ Đức Thịnh. Tôi không chắc chắn trí nhớ của tôi khi đó còn là một bé trai mới bảy tám tuổi nên cố tìm kiếm. Thế hệ cha mẹ tôi đã về với Chúa hết nên tôi mất một nguồn tin chắc chắn đã biết. Tôi hỏi một số anh chị em thế hệ tôi, không ai còn nhớ. Vào hỏi Google, chàng cũng làm lơ. Thôi thì cứ cho mình nhớ đúng cho vui. Vui vì sau này tôi lại là học sinh của trường Dũng Lạc, Hà Nội. Vui hơn vì cha thánh Martino Tạ Đức Thịnh, một trong 117 vị được phong thánh, là tiền bối dòng tộc của tôi.


Làng Giáp Bát quê tôi chỉ cách Hà Nội 6 cây số về phía Nam, nay đã sát nhập vào Hà Nội. Thánh Martino Tạ Đức Thịnh là dân chính gốc làng Giáp Bát, thuộc xứ Kẻ Sét. Ngài sanh năm 1760 tại làng, khi đó gần kinh thành Thăng Long, cách nơi đặt trụ sở truyền giáo của linh mục Alexandre De Rhodes khoảng 3 cây số. Ngày đó sông Kim Ngưu chảy qua địa phận làng dẫn vào kinh thành và con đường cái quan cũng đi qua làng nên việc truyền đạo rất thuận lợi. Làng Giáp Bát, nôm na gọi là Làng Tám, thuộc xứ Kẻ Sét, là một làng công giáo toàn tòng nằm giữa các làng khác phần lớn không phải công giáo. Linh mục Thịnh mà gia đình chúng tôi thường gọi là “cụ thánh Thịnh”, là con thứ tám trong một gia đình có 9 người con. Khi tới tuổi trưởng thành, gia đình tìm mai mối để ngài lập gia đình thì ngài từ chối và đi tu. Ngài chịu chức linh mục vào thời vua Cảnh Thịnh. Vốn thông minh và có kiến thức sâu rộng, ngài được làm thư ký cho Giám mục Jacques Longer. Khi vua Gia Long kinh lý Hà Nội, cha Thịnh được tháp tùng Giám mục Longer yết kiến vua. Nhưng tới khi vua Minh Mạng tuần du Hà Nội, Giám mục Longer đã cử linh mục Thịnh tới yết kiến nhưng không được nhà vua tiếp vì vua vốn không ưa đạo công giáo.

Linh mục Thịnh sống rất giản dị. Khi đi thăm giáo dân, cha không cho phép dọn cỗ bàn đón tiếp long trọng. Thấy nơi nào đường xá lầy lội, cha đã giúp dân sửa sang. Ai làm sai, ngài không phạt mà nhỏ nhẹ khuyên bảo. Cha cũng đặc biệt chú ý vào việc uốn nắn, xây dựng cho trẻ em biết sống đạo đức.


Khi đang làm cha xứ tại Trình Xuyên, cha Thịnh bị ung nhọt bên má, rồi lan xuống cằm, miệng, máu mủ chảy ra rất hôi hám. Một giáo dân đã đưa cha tới Kẻ Báng, gần Nam Định, nơi có một thày lang giỏi, chữa cho ngài. Khi đó là thời vua Minh Mạng đang cấm đạo. Tổng Đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh cho người tới Kẻ Báng dò la vì được mật báo làng này có chứa linh mục công giáo. Cha đã được giáo dân che giấu. Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh tức giận cử cả ngàn binh lính đến vây và cướp phá làng. Cha bèn ra đầu thú. Thấy cha già nua bệnh tật, Tổng Đốc dụ cha “quá khóa” tức bước qua thánh giá rồi sẽ tha. Cha từ chối. Cha bị đóng gông giải về Nam Định. Bữa đó là ngày 31/5/1840. Cha bị giam tại Trại Lá. Tổng Đốc lại dụ dỗ nhưng cha vẫn lắc đầu. Cha bị phơi nắng cả ngày không được uống nước. Sau 5 tháng giam cầm, tra khảo, đe dọa, dụ dỗ không có kết quả, vị Tổng đốc khép án trảm quyết. Án được chuyển về kinh đô, vua Minh Mạng châu phê y án và lệnh cho thi hành ngay. Ngày 8/11/1840, cha Thịnh bị chém đầu. Lính phải chém tới ba lần đầu ngài mới rơi xuống. Thân xác ngài được chôn cất tại Vũ Điện, sau cải táng về chôn tại Kẻ Sét.

Gia đình tôi có một cơ ngơi khá rộng rãi nằm bên ngoài làng Giáp Bát, ngay bên đường xe lửa và quốc lộ. Từ quốc lộ có một con đường đất ngoằn ngoèo dài khoảng 300 thước tới cổng làng. Trong khuôn viên nhà có một gian thờ “cụ thánh Thịnh”. Gian thờ này khá rộng, phía trước là một lớp cửa ván gồm nhiều thanh ván ghép lại, có thể mở riêng từng tấm. Ngoại trừ những dịp lễ, gian thờ này luôn đóng kín rất tối tăm. Đây là nơi lý tưởng cho lũ trẻ chúng tôi chơi trốn tìm tuy sự âm u khiến không đứa nào dám vào một mình. Giữa gian thờ có một bàn thờ bề thế sơn son thếp vàng. Giữa bàn thờ là một chiếc hộp có hai cánh cửa mở giống như nhà tạm để mình thánh Chúa tại các nhà thờ. Hồi nhỏ lũ trẻ chúng tôi không được tới gần bàn thờ nên không biết bên trong chiếc hộp này chứa đựng gì. Khi chiến tranh Pháp Việt xảy ra, gia đình tôi phải tản cư như mọi người. Khi hồi cư vào năm 1947, vì lý do an ninh, gia đình tôi lên ở Hà Nội, khu chợ Hôm. Lần đầu theo người lớn về thăm thú lại nhà cũ, tôi thấy nhà cửa tan hoang. Gian thờ rộng mở toang hoác, bàn thờ bị phá nát. Tôi không biết mọi người lom khom tìm kiếm cái chi dưới đất mà có vẻ rất căng thẳng. Cuối cùng, vật thất lạc cũng được tìm ra. Mảnh xương của cụ thánh Thịnh được cất giữ tôn kính trong chiếc hộp giữa bàn thờ. Đây là lần đầu tôi thấy dấu tích thánh này. Đó là một vuông vải gấm nhỏ được may thành hình vuông, mỗi bề khoảng hai đốt ngón tay. Mặt trên cùng là một miếng kính có thể nhìn thấy mẩu xương thánh bên trong. Tôi không biết mẩu xương này sau đó được cất giữ ra sao.


Năm 2001, lần đầu tiên tôi trở về thăm làng. Không còn những con đường đất ngoằn ngoèo, không còn cây gạo nơi cửa làng, không còn nghĩa địa làng mà hồi nhỏ tôi phải chạy mỗi khi đi ngang qua. Tất cả đã thay đổi. Chỉ còn lại ngôi nhà thờ và mảnh ao tròn phía trước. Tôi vào nhà thờ. Bên phía trái có một bàn thờ kính thánh Martino Thịnh nho nhỏ.


Khi viết bài này tôi mới biết tin mới nhất là vào ngày thứ bảy 5/11/2022 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Vũ văn Thiên đã về xứ Kẻ Sét khánh thành đền thánh tử đạo Martino Tạ Đức Thịnh, nằm cách nhà thờ 50 thước. Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã nói trong bài giảng: “Chúng ta ở đây đều là hậu duệ thiêng liêng do máu Thánh tử đạo sinh ra, cụ thể là Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh (1760-1840) – tử đạo quê hương. Ngài đã dùng chính mạng sống của mình để xác tín đức tin và nhờ đó chúng ta có hồng ân đức tin và có cộng đoàn giáo xứ đầy sức sống như ngày hôm nay”.


Cuối lễ, mọi người đã được hôn kính xương thánh. Tôi bỗng rưng rưng nghĩ tới mẩu xương thánh năm xưa vương vãi dưới đất sau những tan tác của chiến tranh. Cuối cùng, một mảnh thân xác của  “cụ thánh Thịnh” đã được tôn kính trong một ngôi đền dành riêng cho vị thánh tổ tiên của dòng họ tôi. Tính từ ngày ngài mất vào năm 1840 tới ngày có được một ngôi đền riêng kính ngài năm 2022, thời gian là 182 năm!

SONG THAO

11/2022


Bên trong đền kính thánh Martino Tạ Đức Thịnh vừa được khánh thành ngày 5/11/2022