Esward Paul Jones (1950 - ) viết truyện ngắn
và tiểu thuyết. Tiểu thuyết The Known World của ông đã đoạt giải Pulitzer Prize
(2004) và International Dublin Literary Award (2005).
Những giải thưởng khác:
1993: Awarded PEN/Hemingway Award, tiểu thuyết
Lost in the City
1994: Awarded Lannan Literary Award for
Fiction, Lost in the City
2003: Nominated National Book Award, tiểu
thuyết The Known World
2003: Awarded National Book Critics Circle
Award, The Known World
2005: Awarded MacArthur Fellowship
2007: Nominated PEN/Faulkner Award, tiểu thuyết
All Aunt Hagar's Children
2010: Awarded PEN/Malamud Award cho truyện ngắn
Sinh quán ở Washington D.C. tốt nghiệp đại học
Virginia. Năm 2009, ông được mời dạy chương trình sáng tác ở đại học George
Washington.
NGÀY KHAI TRƯỜNG
Vào một buổi sáng tháng Chín không mấy khác
biệt, rất lâu trước khi tôi biết xấu hổ về mẹ mình, bà nắm tay tôi, cùng nhau
đi xuống đại lộ New Jersey, đưa tôi đến trường học ngày đầu tiên. Mặc áo đầm
mùa hè ca-rô màu xanh da trời và xanh lá cây, điểm rải rác màu vàng, trắng và
nâu. Sáng hôm đó, mẹ đã sửa soạn mái tóc tôi gần một giờ đồng hồ, thắt bím đi,
thắt bím lại, đến nổi đau cả da đầu. Bất cứ khi nào, quay mặt lại thật nhanh,
mũi ngửi thấy thoang thoảng mùi dầu Dixie Peach. Bây giờ, không biết bằng cách
nào, mùi đó trở thành dễ chịu. Tôi sẽ ngửi nhiều lần nữa trước khi buổi sáng chấm
dứt. Tất cả mỗi bím tóc đều có một thanh kẹp màu xanh gần ở đuôi bím. Mỗi con
rít xoắn lại thành cứng rắn khác thường, sẽ giữ như vậy cho đến đêm đi ngủ,
chuyện này chưa bao giờ xảy ra cho tôi. Bụng uống đầy sữa và bột yến mạch với
đường nâu. Giống như những thứ khác đang mặc, xì-líp và quần lót mới tinh màu
xanh nhạt. Ba chiếc quần lót xếp trong túi nhựa, bên ngoài có hình cô bé đang
nhảy. Để ngăn tiếng tôi than vãn, mẹ đã
chấm vào sau tai một chút nước hoa cay nồng của bà, món quà sau cùng ba đã tặng
cho mẹ trước khi ông nhạt nhòa trong ký ức. Vì không thể ngửi được, chỉ nghe lời
mẹ nói, đã xức dầu thơm ở đó. Tôi cũng mang tất màu vàng có đường viền đen trắng
chung quanh ở bên trên. Đôi giày là niềm thích thú nhất, một loại phép lạ sáng
chế bằng da đen. Khi mũi giày bị tróc trong lớp học vào lúc gần trưa, khiến
lòng tôi tan nát.
Mang theo bút chì, đồ gọt bút, một máy tính
nhỏ mười xu có bìa lốm đóm trắng đen. Mẹ không nghĩ một cô bé đi trường mẫu
giáo cần những thứ như vậy. Sở dĩ, tôi được mang theo vì tiếp tục cằn nhằn vòi
vĩnh, và vì đây là món quà từ những hàng xóm đã tặng, Mary Keith và Blondelle
Harris. Hai cô này đã chăm sóc hai đứa em gái nhỏ của tôi cho đến khi mẹ về. Tôi
quý trọng họ như mẹ và các chị. Một hôm đang chơi đùa, tình cờ nghe một đứa trẻ
lớn, trò chuyện với đứa trẻ khác, gọi cô Mary và cô Blondelle bằng một tên
khác, nghe rất mới lạ. Đúng, đây là mẹ tôi: Khi tôi vui miệng lập lại tên gọi mới
lạ với một trong hai đứa em, mẹ đã tát vào miệng tôi và tên gọi đó đã văng mất
nhiều năm qua.
Dọc theo đại lộ New Jersey, trẻ em đi đông đảo
trên vỉa hè. Trong khu phố tôi ở, có nhiều bạn bè cùng lứa, nhưng không thấy ai
quen. Chúng tôi băng qua đại lộ New York, ngang qua đường Pierce, qua đường L
và K, vẫn không thấy một ai biết tên tôi. Đến đường I, giữa New Jersey và đường
Third, chúng tôi bước vào trường tiểu học Seaton, một tòa nhà mang vẻ mặt buồn
bã, tàn sắc theo thời gian, đối diện với nhà thờ mà mẹ tôi thường đi lễ, Mt.
Carmel Baptist.
Ngay bên trong cửa trước, những phụ nữ tiếp
tân mặc y phục đen đang chào đón phụ huynh và học sinh. Một phụ nữ tiếp chúng
tôi đeo xâu ngọc trai dày như những viên bi lớn, dài xuống gần thắt lưng. Bà ra
vẻ đã quen biết tôi suốt kiếp, vỗ vai, nựng cằm. bao bọc quanh bà một mùi thơm,
tôi chỉ biết không phải mùi cây Dành Dành. Khi trả lời câu hỏi của bà, mẹ nói,
chúng tôi cư ngụ ở 1227 đại lộ New Jersey. Thoạt đầu, dường như bà cố hình dung
nơi chúng tôi ở, rồi bà lắc đầu, nói, chúng tôi đã đến lầm chỗ, chúng tôi nên đến
trường Walker Jones.
Mẹ lắc đầu nguầy nguậy. “Tôi muốn con tôi đi
học ở đây. Nếu muốn học nơi khác, tôi đã đưa con đến đó.” Bà ta tiếp tục có những
cử chỉ như đã quen biết tôi từ lâu, nhưng vẫn nói với mẹ, chúng tôi không thuộc
vào khu vực học đường của trường Seaton. Mẹ tôi không bị thuyết phục, tiếp tục
trong vài phút, mẹ hỏi bà vì sao tôi không được nhận vào trường này. Trong nhiều
Chủ nhật tôi có thể nhớ, có lẽ, kể cả những Chủ nhật còn trong bào thai, khi đến
nhà thờ Mt. Carmel, mẹ chỉ trường Seaton đối diện bên kia đường. “Con sẽ đến đó
học và tìm hiểu toàn thể thế giới.” Nhưng một trong những cảnh vệ của trường đã
nói không, và không một lần nữa. Tôi học được điều này từ mẹ: Một người càng được
nâng cao mức kính trọng – trong mắt mẹ, thầy giáo ở mức độ khá cao - thì mẹ càng ít cho phép họ lấn ép mình. Nhưng
sau cùng, nhìn thấy trong mắt mẹ, cánh cổng trường đóng lại. Mẹ nắm tay tôi dẫn
ra khỏi tòa nhà. Trên bậc thang xuống, chúng tôi ngừng lại mỗi khi có người đi
ngang qua ở hai bên.
“Mẹ, con có đi học không?”
Thoạt đầu bà làm thinh, rồi nắm lấy tay tôi,
bước xuống thang cấp thật nhanh, như chớp mắt đã đến gần đại lộ New Jersey. Mẹ
nói: “Một con khỉ không ngăn chận được buổi trình diễn.”
Walker-Jones là trường học mới và lớn hơn,
nhìn là thích ngay. Nhưng không nằm đối diện với nhà thờ của mẹ, tảng đá của
bà, một trong những mối liên hệ giữa bà và Chúa. Tôi cảm được lòng nghi ngờ của
mẹ khi bà lơ đãng xoa ngón tay cái lên mu bàn tay. Chúng tôi tìm lối vào thính
đường đông đảo, nơi có ghế kim loại màu xám sắp giữa phòng. Dọc theo tường bên
trái thấy bàn và ghế, đều có người lớn hay trẻ em đang ngồi. Đâu đó, một đứa nhỏ
đang khóc, tiếng gào vượt lên âm thanh bàn tán sôi nổi của nhiều người. Rải rác
trên nền nhà hàng trăm mảnh giấy trắng, người đi qua lại giẫm đạp, không hề
nghĩ đến việc lượm lên. Chứng kiến sự thiếu quan tâm này, tôi đâm ra thấy sợ.
Mẹ hỏi một phụ nữ ngồi ở bàn viết, “Đây có phải
là nơi đăng ký học hay không?”
Cô ngẩng mặt lên từ tốn như đã nghe quen câu
hỏi này quá nhiều lần. Cô gật đầu. Người cô nhỏ thó gần bằng cô bé đứng bên cạnh.
Tóc cô cuộn trong những cuốn tóc làm bằng tiền giấy, một đô la chỗ này, năm đô
la chỗ kia. Tóc đứa con gái có nhiều lọn nhưng một số bắt đầu rũ xuống, nhìn thấy
vui vui. Trên bàn bên cạnh cô, một cuốn sổ ghi chép loại lớn, cho những học
sinh trung học, cô nhìn tôi rồi nhìn xuống trang sổ, đứa con gái đặt tay lên cuốn
sổ tỏ vẻ thuộc về quyền của nó. Tay bên kia cầm một vài bút chì có gắn cục tẩy.
“Đây là đơn để ghi danh?” mẹ lấy một mẩu giấy
trên bàn và hỏi cô ta. “Cần điền hết đơn này phải không?”
Người phụ nữ trả lời, đúng rồi, nhưng chỉ cần
điền một tờ thôi.
Mẹ nói, “Tôi hiểu rồi,” nhìn quanh căn phòng
rồi hỏi, “Nếu không gì trở ngại, cô có thể giúp tôi không?”
Cô hỏi lại ý mẹ tôi muốn nói gì. “Cái đơn
này, cô có thể giúp tôi điền vào không?”
Cô ta vẫn chưa rõ ý mẹ.
Mẹ nhìn tôi, rồi nhìn qua nơi khác, “Tôi
không đọc được. Tôi không biết đọc không biết viết, muốn nhờ cô giúp giùm.” Tôi
quen hết những cách nhìn của mẹ, nhưng cái nhìn này còn mới đối với tôi. “Vậy
cô có thể giúp tôi không?”
Cô đồng ý, bất chợt, cô biểu lộ vẻ sung sướng,
hài lòng với mọi chuyện. Cô điền cho xong đơn của con gái. Chúng tôi tránh ra để
chờ đợi. Nhìn ánh mắt của đứa con, lúc đó, mẹ tôi như kẻ bệnh. Cho đến lúc cô mẹ
cầm đơn dẫn đứa con ra phía trước thính đường, đứa con không ngừng quay lại
nhìn mẹ. Tôi trừng mắt nhìn lại. Mẹ nói, “Đừng nhìn nữa, con biết làm chuyện tốt
hơn mà.”
Một bà tiếp tân trong y phục đen đưa cô con
đi. Cô mẹ quay trở lại, xem chừng cách giúp đỡ chúng tôi.
Mẹ trả lời những câu hỏi cô ta đọc từ lá đơn.
Bắt đầu từ tên họ của tôi, tiếp theo tên chính rồi tên lót. Đây là trường học,
tôi nghĩ, mẹ đang đi học, bà từ từ phát âm đọc từng chữ từng tên. Đây, đúng là
mẹ tôi: Khi các câu hỏi tiếp tục, mẹ lấy ra từ cuốn sổ tay, hết thông tin này
sang tài liệu khác, giống như chúng sẽ chứng minh quyền tôi được đi học, như thể
bà đã dành dụm chúng cho đến giờ phút này. Thật vậy, bà lấy ra giấy tờ nhiều
hơn tôi đã từng thấy bà làm những công việc khác: Giấy khai sinh, hồ sơ rửa tội,
thư bác sĩ liên quan đến lần tôi bị bệnh đậu mùa, biên lai tiền thuê nhà, hồ sơ
tiêm thuốc chủng, thư về các khoảng tiền chính quyền trợ cấp, thậm chí, luôn cả
giấy đăng ký hôn phối của bà. Mỗi tờ giấy đều liên quan đến đời sống năm tuổi của
tôi. Ở đây chỉ cần một ít thông tin, nhưng điều này không quan trọng. Mẹ tiếp tục
lôi ra các tài liệu với mục đích của nhà ảo thuật lôi ra một dãy khăn quàng nối
nhau. Bà có kinh nghiệm, tiền là khởi đầu và kết thúc của mọi thứ trên cõi đời.
Khi người phụ nữ chấm dứt, mẹ đưa ra năm mươi xu, cô ta nhận lấy không do dự.
Chúng tôi là những người cuối cùng trong phòng.
Mẹ đưa đơn cho một bà ngồi trước sân khấu, bà
nhìn rồi viết điều gì lên một tấm thiệp trắng, đưa cho mẹ. Chẳng bao lâu, người
phụ nữ dẫn cô bé gái có lọn tóc rũ, xuất hiện sau lưng chúng tôi, nói chuyện với
bà ngồi viết thiệp, rồi tự giới thiệu với mẹ. Cô là thầy giáo của tôi. Cô nói
chuyện với mẹ, bà chăm chú nhìn cô.
Chúng tôi đi vào hội trường, mẹ quỳ xuống trước
tôi, môi run run nói, “Mẹ sẽ trở lại đón con lúc 12 giờ trưa. Con đừng đi đâu.
Cứ đợi ngay chỗ này. Nhớ nghe lời cô giáo.” Tôi chạm vào môi mẹ, ấn mạnh. Đây
là trò chơi cũ giữa chúng tôi. Mẹ đặt hai tay tôi xuống hai bên, việc này không
thuộc vào trò chơi. Bà đứng lên, nhìn cô giáo một thoáng rồi quay lưng bước đi.
Tôi thấy nơi mẹ vất một chiếc tất đêm hôm trước. Đôi giày bà vang dội âm thanh
trong hội trường. Bà băng qua cửa, vẫn còn nghe tiếng giày rất lớn. Ngay cả khi
cô giáo hướng dẫn tôi vào lớp học, giữa tất cả tiếng hát, tiếng nói của đám trẻ
trong thế giới này, tôi vẫn nghe tiếng chân mẹ rõ hơn hết.
NGU YÊN dịch từ nguyên tác THE FIRST DAY,