Ở đây,
tất cả đều đã cũ. Núi và sông, tất nhiên quá cũ và không ai biết có tự đời nào.
Ngọn tháp rêu phong, dầu so tuổi tác với núi sông không đáng bao nhiêu, cũng đã
là tháp cũ. Dưới chân núi, lượn theo bờ sông, con đường cũ, khuất bóng hàng tre
đầy những lá khô. Bến cũ, nơi bãi cát mỗi ngày mỗi bồi cao, bao năm rồi không
còn thuyền đậu. Chợ cũ, một khoảnh đất sỏi sạn, nơi chiều chiều trẻ con nô đùa.
Đình cũ, dấu tích còn sót lại dưới gốc si già là bức án phong xây gạch, con kỳ
lân đắp nổi đã long lở gần hết, thành con kỳ lân vừa mù vừa què. Chạy từ chợ cũ
đến bến cũ, chừng vài trăm mét, chính là phố cũ. Những bước tường đá xây dày,
những gian nhà lợp ngói âm dương.
Những
người dân phố cũ thường nhắc chuyện cũ nơi này, tất cả mang dáng vẻ sầm uất,
thanh lịch của một thời phủ lị.
Hồi ấy, chợ Dinh đông lắm, ca dao đã
ghi nhận:
Chợ phiên Dinh nẫu họp buổi
chiều
Cũng lắm người bán, cũng nhiều
người mua.
Hồi
ấy, những buổi xuân kỳ thu tế, những cuộc hát làng, tiếng trống từ mái đình,
sân đình vang lên, dàn trải theo làn nước mặt sông vọng mãi thật xa. Hồi ấy,
cây núi còn rậm rạp, những nhà ven chân núi thường bị bầy khỉ kéo xuống phá
phách. Cũng hồi ấy, những cậu học trò trốn học thường rủ nhau lên núi hái trái
cây và tìm nơi bóng mát ngồi nhìn khắp nơi. Kia là cửa sông, cồn Ngọc xanh
xanh, biển viền sóng trắng, kia là đồng ruộng, núi Chóp ở gần, núi Bia ở xa… Một
cái gì đó, bao la quá, mênh mông quá, ngập tràn những tấm lòng thơ ấu.
Phố
cũ bắt đầu tiêu điều từ ngày chiến tranh tiêu thổ. Những mái nhà nghiêng sụt,
những đoạn đường tróc lở. Nhưng cảnh hoang tàn ấy khiến cho nó có vẻ như cứng
cáp, gan góc, cố chịu đựng chờ dịp phục hồi tư thế.
Thật
ra, phố cũ cũng mấy lần toan tính vươn lên, để trẻ lại, để đổi mới. Một lần sau
đình chiến 1954. Một lần sau hòa bình 1975. Nhưng cuối cùng đành thú nhận sự
già nua của mình. Đất thì hẹp, đường thì cùng, phố cũ tiếp tục chìm trong quên
lãng, bởi nó nằm ngoài rìa bản đồ quy hoạch.
*
Chứng
nhân của phố cũ là một ông giáo già đã sống suốt cuộc đời ở đây. Những buổi
trưa rảnh rỗi, để trốn cái nóng bức, ông Giáo đem võng ra cột nơi gốc si đình
cũ hóng mát. Vừa đưa võng, vừa nghĩ vẩn vơ, tay ông cầm cành que nhỏ cạy lớp
rêu phong phủ đầy trên tượng kỳ lân. Dần dần con kỳ lân lộ rõ. Chột mắt, què
chân, nhưng khi đã sạch sẽ, tươm tất, nó vẫn còn vẻ oai phong.
Chiều
hôm ấy, ông Giáo trò chuyện với con kỳ lân hơi lâu. Bỗng một người dò dẫm qua
sân đình cũ. Người ấy cũng trạc tuổi ông Giáo, đôi mắt mờ lòa, mang cây đàn bầu,
sờ soạng ngồi xuống một rễ si lớn. Biết có người đâu đó, ông ta nói vài câu
bâng quơ để bắt chuyện, nhưng ông Giáo lặng thinh. Ông ta nâng cây đàn lên, đặt
đúng vị thế, thử dây.
Ông
Giáo nói:
-Ông
đừng đờn làm chi. Ở đây không có ai cả. Tôi không biết nghe đờn. Tôi cũng không
có gì.
Người
ôm đàn thấy vui vui. Ông ta đã nghe được tiếng nói, đoán được tuổi người. Ông
ta cười:
-Tôi
đờn không cần có ai, không buộc ai nghe, cũng không đòi ai phải có gì.
Thế
rồi, những ngón tay ông thoăn thoắt rung, nhấn… Tiếng đàn ngân lên. Người đàn lặng
lẽ đàn. Người nghe lặng lẽ nghe. Bản đàn dứt, cây đàn được gác qua một bên và
hai người bắt đầu hỏi thăm nhau. Câu chuyện dần dần đậm đà.
Ông
Giáo nói:
-Cây
đờn bầu này, còn gọi là nam cầm. Tục truyền, do Chưởng cơ lãnh Hình bộ sự là
Tôn Thất Dục chế ra. Ông Dục là người học rộng, có tài thao lược, ngay thẳng, bị
Trương Phúc Loan vu cho tội mưu phản. Vì không có chứng cớ, bị bãi về. Từ đó,
tuyệt nhiên không nói đến việc nước, chỉ ngày ngày làm thơ, ngâm vịnh, trau giồi
âm nhạc và thuật số. Cũng có thuyết nói, Trương Phúc Loan vu việc mưu phản cho
Tôn Thất Dục không có bằng chứng, bèn lấy việc làm súng riêng tạo ra cái cớ, bắt
giam. Ông ấy chết trong ngục.
Người
đánh đàn thở dài:
-Một
người như vậy mà bị hại!
-Một
người như vậy bị hại là lẽ đương nhiên.
-Lẽ
đương nhiên à? Đương nhiên ở chỗ nào? – Người đánh đàn thắc mắc.
Ông
Giáo đổi thế ngồi trên võng, đáp thong thả:
-Sống
trong thời ly loạn như thế, với kẻ cầm vận nước là Trương Phúc Loan thì Tôn Thất
Dục có rất nhiều tội. Học rộng là một tội. Có tài thao lược là một tội. Ngay thẳng
là một tội. Giỏi thuật số, âm nhạc, thơ phú, là một nghệ sĩ…bao nhiêu tội nữa.
Lộng thần có thể mua chuộc kẻ học rộng, tài cao, nhưng không thể mua chuộc người
ngay thẳng, không thể mua chuộc một nghệ sĩ chân chính. Tôn Thất Dục bị bãi chức,
hay phải nhận cái chết trong ngục là việc ắt phải đến, là lẽ đương nhiên vậy.
*
Hơn
nửa năm sau… Người đánh đàn quờ quạng theo ngõ hẻm đi vào nhà ông Giáo. Trước mặt,
sau lưng … bảy tám đứa trẻ tranh nhau dẫn đường, tranh nhau chỉ lối. Chào ông
Giáo xong, người đánh đản nói bằng tất cả sự tôn kính trọn vẹn:
-Tôi
đến để cảm ơn thầy giáo. Tôi định mua một gói trà đến tạ thầy, nhưng chạnh nghĩ
đồng tiền của tôi là đồng tiền hành khất, sợ như vậy thất lễ với thầy.
Ông
Giáo ngạc nhiên trước thái độ và lời lẽ người đánh đàn, dìu ông ta ngồi xuống
chiếc ghế thấp giữa vuông sân đã khuất nắng. Sau một tách trà mới pha do ông
Giáo mời, người đánh đàn nói:
-Thú
thật với thầy giáo, bấy lâu với cây đờn bầu này, những đồng tiền bố thí của bà
con cũng đủ nuôi tấm thân tàn phế. Nhưng tôi chỉ đờn để mà đờn thôi. Nói cho
đúng ra là chỉ để kiếm miếng cơm. Từ hôm được nói chuyện với thầy giáo nơi gốc
si đình cũ, được biết cây nam cầm do vị Chưởng cơ uyên bác, đức độ, đồng thời
cũng là một nghệ sĩ tài hoa chế ra, thì đầu óc tôi sáng suốt hẳn lên. Có những
buổi chiều, dò bước trên đồng vắng, bỗng tôi dừng lại, ngồi xuống vệ đường và
đánh đờn. Tôi lắng nghe và cảm thấy như tinh anh người xưa chiếu rọi vào tim
gan, dạy tôi rằng, dẫu là hành khất vẫn phải sống cho ra một con người. Tôi lại
nghĩ, cây nam cầm từng theo bước lưu dân, tổ tiên ta từ Phú Xuân đến Hà Tiên,
trải từng chặng sơn lam chướng khí, cọp sấu muỗi mòng, biết bao nhiêu nỗi buồn ẩn
trong niềm vui, và niềm vui nào cũng do những nỗi buồn tích lại. Vui và buồn, mồ
hôi, máu và nước mắt, đổ vào chỉ một dây này đây. Tôi đã mang đờn đi xa hơn, tận
các vùng quê hẻo lánh. Tôi đánh đờn cẩn trọng, được người nghe đờn cảm thông. Số
tiền bố thí tuy ít, có khi chỉ là một chén trà đã nguội, một nhúm thuốc rê mới
xắt, vừa sao còn hơi ấm, nhưng lòng tôi thanh thản hơn những khi lân la ở các
quán rượu, bám theo đám thực khách quyền thế và giàu có, đòi hỏi phải cho khá
khá mới chịu buông tha. Thật là nhục nhã! Chẳng trách được tiếng đờn của tôi
lúc ấy chỉ đơn điệu mấy âm thanh từng tưng ô trọc. Bây giờ, để tạ ơn thầy giáo,
tôi xin dạo qua đôi khúc để mong thầy thẩm định.
Người
đánh đàn ngưng lại, đầy xúc động. Ông Giáo định bảo rằng chính ông phải tạ ơn
người đánh đàn về bài học chiều nay ông vừa nhận được, ông muốn nói nhiều, cả
những điều chưa kịp nghĩ ra, nhưng người đánh đàn đã cho âm sắc ngân lên.
Qua
những hò xừ xang xế, ông Giáo kịp hiểu đó là điệu trường đoản cú ca, bài Đề tranh sơn thủy của Ngô Dung. Ông gật
gù dò theo…
Vầng đá trắng
Khóm thông già
Màu nhạt nhẽo
Vẻ đậm đà…
Không ra khỏi cửa năm ba bước
Xem hết non sông muôn dặm xa…
Người
đánh đàn chuyển sang điệu Tây giang nguyệt, bài Than việc đời…
Trên bến ngư tiều đầu bạc trắng
Trăng trong gió mát quen mùi
Một bầu trượu nhạt mượn làm
vui
Bao nhiêu chuyện kim cổ
Cùng nói để chung cười…
Bây
giờ đến điệu tứ đại cảnh, bài Gặp anh
hùng …
Người nghe đàn ngồi im. Người đánh đàn cũng quên hết, không biết là mấy ngón tay mình đang thoăn thoắt, dìu dặt. Chỉ có những âm thanh hò xừ xang xế cống liu… réo rắt hòa quyện trong bóng chiều tĩnh mịch. Cả hai đều không biết rằng sân nhà ông Giáo đang đông đảo những người dân phố cũ. Già có, trẻ có, kẻ đứng người ngồi, không một ai thở mạnh…
TRẦN HUIỀN ÂN