Friday, November 25, 2022

2688. DU TỬ LÊ Trịnh Y Thư, thơ ở quảng trường Siêu thực



DU TỬ LÊ

Trịnh Y Thư, thơ ở

quảng trường Siêu thực

 

Ghi nhận chung, cho thấy sự hiến cho trường phái thơ Siêu thực là một khó khăn, thử thách lớn. Cụ thể là phải nỗ lực “phi lý trí.” Do đấy, nó đòi hỏi nơi nhà thơ một bản lãnh hơn người và, một óc tưởng tượng không chỉ phong phú mà, hoàn toàn khác biệt. Mọi non tay, thiếu tự tin, đều bị loại khỏi trường phái thơ Siêu thực.

    

Tuy nhiên, gần đây, ở hải ngoại, những người yêu thơ đã được chào đón thi phẩm mới nhất của nhà thơ và cũng là một dịch giả tên tuổi, Trịnh Y Thư, với thi phẩm Phế tích của ảo ảnh. Khi chọn tựa sách này, chung cho cả tuyển tập thơ của mình, họ Trịnh đã dứt khoát cho thấy cõi-giới thi ca của ông mang tính siêu thực hoàn toàn. Nó không hề là sự tổng hợp hay còn dựa dẫm, liên hệ gần, xa tới thể loại thơ Tượng trưng, như định nghĩa căn bản về thể loại thơ Siêu thực.

    

Ngay phần thứ nhất, trong ba phần của Phế tích của ảo ảnh cũng đã chọn tiêu đề Phế tích của ảo ảnh để khẳng định bản lãnh của họ Trịnh với những câu thơ mới, lạ, gần như chưa hề có trong chiều dài thi ca Việt Nam, như:

 

ban mai hừng rỡ như mang dấu ấn của tội đồ

phát vãng từ thần kỳ huyền sử.

 

Hay:

 

nỉ non bờ giậu ao chuôm duềnh dọc

hay róc rách con trổ vắt ngang

 

Ngoài hình ảnh, ẩn dụ, liên tưởng như những cú đánh thình lình, bất ngờ, thẳng vào não bộ người đọc, Trịnh Y Thư còn đem vào thơ ông hai từ ghép rất mới là: “hừng rỡ” – Chiết tự hai tính từ này, chúng ta có: “hừng” bởi từ kép “hừng hực” và “rỡ” bởi từ kép “rạng rỡ” trong ngôn ngữ Việt.

    

Thi phẩm Phế tích của ảo ảnh không chỉ có hai từ ghép vừa kể mà, chúng đã xuất hiện khá nhiều trong thơ của ông. Vì thế, tôi cho chiết tự là bước đi cần thiết để chia sẻ những cảm nhận, rung động rất mới, lạ trong thơ của tác giả này.

    

Ngay ở trang thơ kế tiếp của Phế tích của ảo ảnh, Trịnh Y Thư đã mang đến cho người hai câu thơ đẹp, phản ảnh thực trạng chiến tranh, đang đưa nhân loại tới vực thẳm:

 

như thứ ngôn ngữ chiến tranh

đóng đinh vào tận thế

 

Và:

 

Chỉ còn sự cô độc

ôi tôi yêu nó biết bao

vang váng một linh hồn cô độc

 

Ở câu thơ trên, người đọc lại được gặp hai tính từ kép là: vang = chỉ sức dội; váng = chỉ lớp màng mỏng trên mặt nước.

 

Rồi:

 

Nơi tôi đứng chiều nay

những mái nhà nâu

những chiếc cầu lung linh bóng nước

sẽ tan biến cả và còn lại

chỉ là phế tích của ảo ảnh – rớt rơi.

 

Và, nhiều câu thơ sau đó, theo tôi, chúng đã được tác giả cố tình cho chúng gánh trên vai những hình ảnh mang ẩn dụ lạ lẫm:

 

Chiều đã xuống quảng trường nhức nhối lói

 

Ở câu thơ này, tác giả dùng cùng một lúc hai tính từ là “nhức nhối” và “lói.” Diễn giải một cách đơn giản thì đó là “sự nhức nhối lở, lói” – Hay nhức nhối khủng khiếp tới mức lở lói? Họ Trịnh nhấn mạnh thêm:

 

Vẫn biết sự thật là tiếng vọng thiên thu

nhưng hãy cho tôi hòa giải

bởi cuộc chiến với ký ức

là cuộc chiến với sự lãng quên

Ký ức như mộ phần người chết

hãy để nó vĩnh viễn nằm dưới đáy ngục sâu

đào lên chỉ thấy toàn hồn ma và xương xẩu kinh người

                                                                                  

Thi ca như tình yêu, nếu cảm nhận được bởi trái tim (vì tất cả sự phi lý của nó), chứ không phải từ bộ óc, chúng ta sẽ nhận được nhiều thú vị hay hoan lạc tinh thần từ cõi giới siêu thực mà họ Trịnh đã trân trọng mang lại cho người đọc.

    

Với Phế tích của ảo ảnh, thơ Trịnh Y Thư, trong suốt trên dưới 150 trang thơ, ở bất cứ khổ thơ ngắn dài nào của thi phẩm này, người đọc cũng gặp được rất nhiều những yếu tính của trường phái thơ Siêu thực; tới độ, không ít người đã phải thốt lên rằng thơ họ Trịnh có nhiều bài khó hiểu?!?

    

Tôi vẫn nghĩ, thi ca như tình yêu, cần phải được cảm bằng trái tim chứ không hoàn toàn bằng bộ óc. Việc phân tích những ẩn ngữ, hình ảnh tương tác gần, xa trong một bài thơ là công việc của nhà phê bình – tựa như chúng ta đứng trước một bức tranh. Cảm nhận của người xem tranh là sự mách bảo chính xác nhất, dẫn người thưởng ngoạn tới kết luận đẹp / xấu, hay / dở, chứ không phải là sự phân tích bức tranh từ kỹ thuật, đường nét, tới màu sắc.

    

Nếu chấp nhận được quan niệm ghi trên thì chúng ta sẽ có được khá nhiều thích thú bất ngờ, khi đọc thơ Trịnh Y Thư – nhất là khi đi tới những dòng chữ cuối mỗi bài thơ của ông:

 

Bởi tôi không thể dừng lại nơi đây

để đợi chờ Thượng đế

như ba lão già ngớ ngẩn ấy (…)

...

Hãy phó thác linh hồn

vào những đốm lửa vô âm

để biết mình vẫn sống

...

Trong giấc mơ những năm tháng lưu đày

tôi nhận ra nỗi đau tủi nhục

của kẻ sống trọn kiếp trong bóng đêm

...

Tôi muốn mặc cả với đêm yên

hãy cho tôi đầu thai

làm hòn cuội

nằm yên dưới lòng suối này

đến thiên thu

Tôi mặc cả với thiên nhiên

cho tôi chén đắng

nhưng đừng bao giờ

có một ngày như buổi sáng hôm nay

Tôi muốn cười vào mặt thần chết

có gì đâu ngoài cái vuốt vô biên

thân lạnh trở về ấm cũng về

ngoảnh mặt nhìn từ vô hạn

không bóng người lai vãng

 

Nói cách khác, thơ Siêu thực của họ Trịnh là một thứ lãng mạn mới mà, cốt lỗi là mối ràng buộc giữa con người, thiên nhiên, siêu hình… vốn ẩn tàng trong tiềm thức và những giấc mơ thoát khỏi sự trì kéo thô kệch của ý thức (mang tính chung của lý trí).

    

Phải chăng vì thế, họ Trịnh đã có một câu thơ mang tính định đề mà tôi rất thích trong số khá nhiều câu như thế của ông:

 

Chẳng ai nhảy qua được cái bóng của chính mình.

 

Du Tử Lê [1942-2019