Monday, November 21, 2022

2683. TRẦN HUIỀN ÂN Mũ lá mít - Ngựa chà tre.


Ở nhiều làng quê hai loại cây gần gũi nhất với con người là cây tre và cây mít.

 

Những hàng tre chạy dài dọc theo đồng ruộng rộc làng, đến mùa lúa chín lũ chim dồng dộc bay về kết ổ treo toòng teng. Những bụi tre rải rác theo đường xóm, gió đẩy mo tre bay lông lốc, con chim chìa vôi khoe đôi cánh mướt trên ngọn măng vòi lắc lay dưới màn mưa bụi xám.

 

Mít đứng chung với thơm thành vườn, vừa lấy trái vừa là cây che tàn cho thơm. Mít trồng chung quanh nhà, trồng trong sân. Gỗ mít màu vàng tươi thường dùng chạm khắc tượng Phật. Buổi chiều quét lá mít khô dồn nơi góc rào đốt rác, khói bay lên trắng đặc.

 

Trong sách Tập đọc cấp I hồi năm 1950-1952 có bài Vè con nít của Nguyễn Đình: Con nít con nít. Thân hình nhỏ xít. Đội mũ lá mít. Cỡi ngựa tàu cau. Đứa trước đứa sau. Đua nhau một lũ.

 

Trẻ con hái lá mít làm trâu bò chăn nuôi, làm tiền bạc mua bán và chằm những chiếc mũ đội đầu xinh xinh. 

 

Mũ lá mít thường chằm bằng gai thồ lồ, một loại gai cứng, dài khoảng 5 phân, nhọn bén. Đồng dao nói về thằng Lía có những câu như:

 

Thằng Lía là thằng Lía hoang

Nào ai dám chứa hổ mang trong nhà…

. . .

Thằng Lía là thằng Lía cồ

Bẻ gai thồ lồ chích đít thằng Lía.

 

Tương truyền Lía là chủ soái lục lâm thảo khấu từng làm quan quân khiếp đảm, dám bắt cả người thiếp yêu của Tổng đốc về sơn trại làm vợ, thế mà phải sợ gai thồ lồ chích đít, như vậy đủ biết giá trị loại gai này.

 

Đội mũ lá mít, cỡi ngựa tàu cau. Nhiều khi trẻ con dùng chà tre làm ngựa vì chà tre còn dễ tìm hơn tàu cau. Chẳng cần phải trau chuốt thêm thắt gì cho mất công, lấy một chà tre (cành tre) bứt sợi dây bìm bìm ở hàng rào cột làm dây cương, ta đã có con ngựa. Cho con ngựa vào giữa hai chân người, đó là cỡi ngựa. Một tay cầm dây cương, một tay cầm roi, ta cho ngựa phi qua gò cỏ. Thật ra là ta phi, nhưng đôi chân ta đã hoá thân vào chân ngựa. Ba bốn bạn đua nhau, ai chạy giỏi là con ngựa ấy thắng cuộc. Trên đường đua có thể chung quanh ta là hoa sim hoa mua nở tím, hoa găng nở vàng, hoa trang rừng nở đỏ.  Nắng hồng và gió mát làm ta ngây ngất say sưa. Tiếng chim bồ chao rộn ràng như tiếng nhạc thúc quân hòa theo nhịp chân ngựa. Ngựa ta là loại ngựa chạy chân reo, nước lớn nước nhỏ đều hay vô cùng.

 

Đọc Đường thi thấy trẻ con bên Tàu hồi xưa cũng cỡi ngựa chà tre. Thi hào Lý Bạch tả trong Trường Can hành:

 

Thiếp phát sơ phú ngạch

Chiết hoa môn tiền kịch

Lang kị trúc mã lai

Nhiễu sàng động thanh mai.

 

Nhớ lại ngày còn nhỏ…tóc thiếp vừa mới rủ xuống trán. Thếp bẻ hoa chơi trước cổng. Chàng cỡi con ngựa tre chạy lại, vòng quanh giường nghịch cành mai xanh… A! Té ra chàng thiếu niên này cỡi ngựa chà tre để đến với một nàng thiếu nữ cùng xóm, cả hai đều còn ngây thơ và sau đó không lâu, mười bốn tuổi nàng đã về làm vợ chàng, mặt thẹn thùng chưa từng hé mở.

 

Đồng cư Trường Can lý

Lưỡng tiểu vô hiềm sai

Thập tứ vi quân phụ

Tu nhan vị thường khai.

 

Thế thì trẻ con những ngôi làng miền quê của nước Việt Nam bé nhỏ đâu có khác gì trẻ con của nước Trung Hoa rộng lớn mênh mông với những thời Xuân thu chiến quốc lẫy lừng thanh sử, với những bài Đường thi tuyệt tác rực rỡ sáng ngời đầy kho tàng văn học.

Cũng đội mũ lá mít, cỡi ngựa chà tre.