Monday, November 14, 2022

2675. PHAN TẤN HẢI Bernice Bing: những nét vẽ Thiền

Bernice Bing (1936-1998)
 

Bà là một họa sĩ độc đáo. Nói độc đáo bởi vì, bà nổi bật trong kiểu rất riêng, với tài năng và đời sống không hề giống ai hết. Họa sĩ Bernice Bing (1936-1998) là một họa sĩ người Mỹ gốc Hoa, đồng tính nữ, hoạt động trong làng nghệ thuật Vùng Vịnh San Francisco Bay trong thập niên 1960s, có ảnh hưởng từ nền văn hóa Beats – kiểu phóng khoáng hippies có chất phản kháng xã hội – trong khi bản thân họa sĩ Bing chịu ảnh hưởng Thiền Tông, và đưa ảnh hưởng Thiền vào nét vẽ trừu tượng thư pháp mà Bing ảnh hưởng sau khi học với họa sĩ Nhật Bản Saburo Hasegawa. Làm thế nào trong một họa sĩ lại có rất nhiều yếu tố thiểu số như thế: gốc Á châu, đồng tính nữ, văn hóa Beats, và nét vẽ Thiền Tông?

 

Vậy mà, trong nhiều thập niên vừa qua, con người và tác phẩm của họa sĩ Bernice Bing y hệt như tàng hình. Cho tới bây giờ, gần ¼ thế kỷ sau khi từ trần năm 1998, Bing lại được vinh danh ở bảo tàng viện Asian Art Museum với cuộc triển lãm nhan đề “Into View: Bernice Bing” (Vào điểm nhìn: Bernice Bing) --- nơi đây triển lãm các bức tranh, các bản vẽ, và các trang trích từ nhật ký của Bing từ thời cuối thập niên 1950s tới giữa thập niên 1990s. Cuộc triển lãm hiện đang diễn tiến và sẽ kết thúc vào cuối tháng 5/2023.

 

Người giám quản cho cuộc triển lãm của Bing là Abby Chen, người năm 2018 được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên phụ trách về hội họa đương đại tại bảo tàng này, nhận định rằng cuộc triển lãm này cho thấy sự đầu tư của bảo tàng viện này đối với các họa sĩ Hoa Kỳ gốc Á chưa được công nhận đúng mức. Nghĩa là, theo ý người giám quản, tài năng của họa sĩ Bernice Bing lẽ ra cần được vinh danh thích nghi hơn.

 

Thê thảm tới mức, trong khi Tự điển Wikipedia viết về cuộc đời họa sĩ Bernice Bing bằng 9 ngôn ngữ (Anh văn, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy điển, Ukraine, Ả rập Ai cập, Ả rập, Hebrew [Do Thái], Welsh) nhưng không thấy tiếng Trung Hoa. Có phải chính phủ Bắc Kinh và cả chính phủ Đài Loan đã xem họa sĩ Bernice Bing y hệt như ngoại tộc, không xem bà như khúc ruột xa ngàn dặm?

 

Bernice Bing có tên tiếng Hoa, theo phiên âm là Lee Yu Bing (李玉冰)và cũng là Lý Ngọc Băng, đọc theo âm Việt. Bernice Bing sinh ngày 10 tháng 4/1936 tại Phố Tàu, San Francisco, California. Bà từ trần ngày 18/8/1998, hưởng thọ 62 tuổi. Tên đầy đủ của bà là Bernice Lee Bing, khi còn thơ ấu được gọi bằng tên đùa giỡn là “Bingo” – có cha là một di dân từ miền nam Trung Hoa, và mẹ sinh tại Hoa Kỳ. Khi Bing sáu tuổi, mẹ chết vì bệnh tim, để Bing bơ vơ với di sản văn hóa Trung Hoa rất nhạt nhòa. Không cha lẫn mẹ, Bing cùng với em gái, tên là Lolita, được đưa vào sống trong các nhà nuôi trẻ mồ côi da trắng. Và rồi cùng với em gái được đưa vào sống trong Ming Quong Home, một nhà tập thể cho các cô gái trẻ trong Phố Tàu của thành phố Oakland. Bing thỉnh thoảng có lúc được ra cư trú ở Oakland với bà ngoại, người khuyến khích Bing nên theo đường hội họa. Là một đứa trẻ nổi loạn, Bing không học giỏi lắm, thế rồi Bing chuyển sang đam mê học vẽ. Frieda Weinstein, người quản trị di sản Bernice Bing, nói rằng khi chưa tới tuổi thành niên, Bing đã ở tới 17 viện mồ côi khác nhau, bản thân từng bị lạm dụng và cũng từng bụi đời lang thang.

 

Sau khi tốt nghiệp trung học Oakland Technical High School năm 1955, bà nhận một học bổng National Scholastic Award để vào học đại học California College of Arts and Crafts (CCAC). Bà học trường này cùng với họa sĩ trừu tượng biểu hiện George Miyasaki và điêu khắc Manuel Neri. Trong thời gian học nơi đây, Bing học với các vị thầy như Nathan Oliveira (1928-2010), Richard Diebenkorn (1922-1993), và Saburo Hasegawa (1906-1957), vị sau này ảnh hưởng lớn với Bing. Là một họa sĩ sinh ra ở Nhật Bản, Hasegawa giới thiệu Bing với Thiền Tông Phật Giáo, với các triết gia Trung Hoa, trong đó có Lão Tử và nhà thơ Bạch Cư Dị, và với thư pháp truyền thống Đông phương.

 

Năm 1958, sau một học kỳ tại trường CCAC, Bing chuyển trường sang California School of Fine Arts, nơi bây giờ có tên là San Francisco Art Institute (Học Viện Mỹ Thuật San Francisco). Nơi đây, Bing học với hai họa sĩ trường phái trừu tượng biểu hiện Elmer Bischoff và Frank Lobdell, và rồi tốt nghiệp văn B.F.A. (Cử nhân Mỹ thuật) với danh dự năm 1959 rồi văn bằng M.F.A. (Thạc sĩ Mỹ thuật) năm 1961. Để tự mưu sinh trong khi học, Bing cũng giữ một xưởng vẽ ở North Beach trên lầu của tiệm ăn Old Spaghetti Factory, một nơi được giới nghệ sĩ ưa chuộng tụ tập.

 

Vào cuối thập niên 1950s và đầu thập niên 1960s, bầu không khí nghệ thuật vùng Vịnh liên tục sinh động, và Bing sống gần với nhiều họa sĩ nổi tiếng đó. Nhóm bạn của Bing, nhiều người là các họa sĩ trừu tượng nổi tiếng, trong đó có Joan Brown, Wally Hedrick, Jay DeFeo, Bruce Conner và Fred Martin.

 

Kim Anno, một giáo sư tại California College of the Arts và là một người cố vấn cho cuộc triển lãm tranh Bernice Bing, nhận định, “Bing sống xa lìa, cách biệt đối với những thành phần dư tiền lắm bạc.”

Frieda Weinstein, người đồng quản trị Di Sản Bernice Bing, kể rằng Bing trở thành một phần trong không khí nghệ thuật avant-garde (tiên phong, thử nghiệm, sáng tạo…) của San Francisco, ưa tụ tập lang thang với nghệ sĩ hút thuốc và nốc rượu Cognac.


Là một người trọn đời hiếu học, Bing tự học về vật lý lượng tử, say mê đọc về Carl Jung (nhà nghiên cứu nổi tiếng về tâm lý học, về ý thức và vô thức, về tôn giáo…) và năm 1967, Bing vào sống 9 tháng trong phong trào “ý thức nhân loại” tại viện Esalen Institute, tại thị trấn Big Sur, cùng với nhiều nghệ sĩ, trí thức khác. Từ thời đi học, Bing học Thầy Hasegawa về cảm nhận mỹ học và sống mỹ học với Thiền Tông. Nhưng chính tại viện Esalen, Bing được học thêm từ một chân trời Thiền Tông khác: Bing được Alan Watts dạy ngồi Thiền theo phương pháp Zen Nhật Bản để nhận ra tâm tỉnh thức, rỗng rang, lặng lẽ. Và rồi, Bing trở thành một Phật tử nhiệt tâm.

 

Bing, bản thân là một người viết nhật ký chuyên cần, tự chất vấn về nơi bà tùy thuộc: “Tôi, là một phụ nữ, là một người gốc Á châu, và là một đồng tính nữ trong một hệ thống của đàn ông da trắng – Nơi đâu tôi khởi đầu để hồi phục thực tại của tôi?” Câu hỏi đó trong nhật ký nổi bật trong bức chân dung tự họa, tay bà cầm một chiếc mặt nạ che mặt. Trong khi đó, bạn hữu và những người chung quanh mô tả Bing là một phụ nữ xinh đẹp nhưng ý chí vững vàng, ưa nói thẳng nhưng khiêm tốn, khôi hài nhưng phong thái quý tộc cao vời, theo lời của Weinstein.

 

Bing có nhiều năm trong đời hoạt động cộng đồng, soạn ra các chương trình sáng tạo mỹ thuật cho các khu phố, và khuyến khích người khác học vẽ. Sau khi xảy ra chuyện 5 người chết trong một vụ băng đảng gốc Hoa bắn nhau có tên là thảm sát ở tiệm The Golden Dragon tại Phố Tàu San Francisto năm 1977, Bing làm việc với các em thiếu niên ở Phố Tàu, dạy các em vẽ.


Khi được học bổng Fulbright Fellowship, Bing sang Trung Quốc năm 1984. Trong thời gian đó, Bing học thư pháp, và cách vẽ tranh bằng mực truyền thống. Thời gian này, tranh của Bing đậm nét Phật giáo và truyền thống Trung Hoa. Nhiều nhan đề tranh của Bing thời gian này liên hệ tới Kinh Pháp Hoa.

 

Vào đầu thập niên 1990s, Bing chẩn đoán có bệnh hemochromatosis (nhiễm sắc tố sắt mô) và bệnh lupus (lupus ban đỏ). Họa phẩm cuối cùng của bà có nhan đề “Epilogue” (Tái bút) vẽ trong các năm 1990-1995, chiều cao 1.8 meters và chiều rộng 7.3 meters đầy những màu sắc mãnh liệt và các đường mạnh mẽ. Trong khi vẽ tranh cuối đó, bà viết vào ngày 27/10/1992: “Tôi không có thể thay đổi thế giới. Điều duy nhất tôi có thể thay đổi là tôi. Và như thế có thể trọn một kiếp – không chỉ là kiếp sống hiện tại, nhưng sẽ là nhiều đại kiếp.” Chữ đại kiếp là khái niệm chỉ có trong Phật giáo, hàm nghĩa là nhiều không kể xiết, cũng hàm nghĩa là khi thân tâm tan rã, năm uẩn không còn trở về với cái có thể đếm được..

 

Sau đó, Bing lui về ngôi làng Philo, một nơi cảnh đẹp và xa xôi hẻo lánh, cách San Frncisco về phía bắc 120 dặm, nơi bà chăn dê, làm việc trong một tiệm bán thực phẩm hữu cơ và vẽ trong một căn chòi đổ nát.


Chú tâm vẽ, đối với Bernice Bing, cũng là một Thiền pháp. Bà viết năm 1964: “Tôi đôi khi đạt tới trạng thái giác ngộ này trong khi vẽ, nhưng điều này lại hiếm hoi… Tôi như dường không thể đưa cảm xúc mình vào tranh, khi tôi đạt tới cảm xúc trạng thái giác ngộ này.” Chỗ này chúng ta có thể suy đoán, khi Bernice Bing có cảm giác tới trạng thái giác ngộ, tức là khi nhìn thấy tâm rỗng lặng (cũng là tâm xa lìa các pháp) thì màu sắc đường nét cũng như dường biến mất.

 

Nhiều năm sau khi viết như thế, họa sĩ Bernice Bing ghi nhận về pháp Thiền tập của bà và tranh vẽ, vào năm 1989: “Trong pháp tu Phật pháp của tôi, tôi vẫn chưa học được cách buông bỏ cả mỹ thuật. Hình thức cao nhất của mỹ thuật là một phương tiện, một câu thần chú. Tôi còn mang gánh nặng về phương diện sắc tướng của hành vi vẽ tranh.” Có vẻ như bà ám chỉ tới Kinh Kim Cương, khi lời Đức Phật dạy là buông bỏ cả những cái được thấy và những cái được nghe. Trong khi đó, đối với họa sĩ, tranh vẽ là một phương tiện, là một cỗ xe chuyên chở, là một câu thần chú để bà làm cho trong lành hóa cõi nhân gian này, và để giải thoát tự thân người sáng tạo.

 

Theo học giả Lin Ma, họa sĩ Bernice Bing tiếp cận với cả 3 khuynh hướng Phật giáo: Thiền Tông, Nichiren (Nhật Liên Tông), và Nyingma Buddhism (Cổ Mật PG Tây Tạng). Thái độ ứng xử Phật học của Binh thể hiện qua cách tự nhìn chính mình trong suốt đời là, không để cho được nhìn qua căn cước người Mỹ gốc Hoa, cũng không muốn được xem như một đồng tính nữ, cũng không để cho được nhìn như một phụ nữ. Nghĩa là, vô ngã. Do vậy, công chúng không hề biết Bernice Bing một người đồng tính nữ. Chỉ tới một năm sau khi bà từ trần, trong cuộc triển lãm tưởng niệm 1999 do giới họa sĩ San Francisco tổ chức, lần đầu yếu tố đồng tính nữ được viết lên trong bài tưởng niệm.

 

Bernice Bing kể về Giáo sư Saburo Hasegawa, người dạy bà về Thiền Tông từ năm 1956, và nói rằng chính thập niên 1956-1966 đã cho bà những khám phá mỹ học Thiền và tư tưởng Đông phương. Trong nhật ký, Bing ghi rẳng Hasegawa là “ảnh hưởng thâm sâu đâu tiên về tư tưởng Đông phương.”


Bing kể lại về Thầy Hasegawa: “Ban đầu, Thầy chịu ảnh hưởng hội họa Châu Âu và rồi Thầy mới học Thiền. Thầy thực tập Thiền, và đưa thiền tập của Thầy vào trong họa phẩm. Tác phẩm của thầy là những gì trừu tượng như mộng, đẹp và phảng phất thư pháp. Thây giới thiệu tôi vào một toàn bộ không khí hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi không có khái niệm gì về gọi là một phụ nữ Á châu, và Thầy làm tôi bắt đầu suy nghĩ về cương vị đó, và cũng bởi vì Thầy nói bằng các ẩn dụ.

 

Và rồi, nhiều năm sau, họa sĩ Bernice Bing viết về mắt nhìn Thiền Tông của bà: “Tất cả thiên nhiên đều trong lành thanh tịnh, và đều trừu tượng một cách thanh tịnh, là sự hợp nhất tâm linh nối kết cả hai phần: những sắc tướng thiên nhiên được thấy và không được thấy.” (“All nature is pure, and purely abstracted, the spiritual union links both the seen and the unseen forms of nature.”) Hiển nhiên, tự thân bà đã có một cái nhìn của một bậc Thiền sư.

 

Thấy như thế, viết như thế, vẽ như thế, và sống như thế. Không có bao nhiêu người tới được nơi mắt nhìn thanh tịnh trừu tượng như bà, nơi trong kinh thường gọi là pháp nhãn thanh tịnh. Lý Ngọc Băng, còn gọi là Bernice Bing. Là như thế. Chỉ là như thế. Nơi đây, bà không muốn được định vị căn cước của bà theo bất cứ cách nào khả lượng của thế gian.

 

PHOTO 1:


Trái: Tranh “Chân dung tự họa với mặt nạ” (Bernice Bing, 1960). Giữa: Bernice Bing khoảng 1960s. Phải: Tranh “Vital Energy” (Bernice Bing, 1986)

  

PHOTO 2:


Hình trái: Bing năm 1965, đang hút thuốc lá. Phải: Tranh “Blue Mountain, No. 2” (Bernice Bing, 1966).

  

PHOTO 3:


Tranh Bernice Bing. Trái: “Dusk, 1987” (Bóng tối) ; giữa: “Lotus Sutra, 1986” (Kinh Pháp Hoa); phải: “Thư pháp trừu tượng, 1987.”

  

PHOTO 4:


Bernice Bing trong xưởng vẽ ở North Beach của bà năm 1961. (Photo: Charles Snyder / Bernice Bing Estate)

 

PHOTO 5:


Tranh Bernice Bing. Trái: “A Lady and a Road Map, 1962” (Một phụ nữ và một bản đồ lộ trình); phải: “Không đề, 1988.”

  

PHOTO 6


Tranh Bernice Bing. Trái: “Raging Wind, 1986” (Gió cuồn cuộn); Giữa: “Philosopher’s Stone, 1987” (Viên đá của triết gia); Phải: “Ideograph, 1989” (Hình biểu tượng).