Điểu hoàn nhân diệc chi
(Người vắng bóng rồi, chim đã bay)
Lý Bạch
Năm 1985, tôi ra khỏi tù cải tạo. Trên xe lửa từ Bắc vô Nam, bạn
đồng hành cũng là bạn đồng tù với tôi là anh Thi.
Có một nguyên tắc là trong tù không được hỏi nhau về gốc gác. Làm
gì, ở đâu, cấp bậc...? Và chuyện gia đình nữa. Ngay cả khi biết rõ về một người
nào đó, tuyệt đối cũng không cho người khác biết. Thế nên, trong tù, tuy cùng
chung lán, chung đội lao động, nằm cạnh nhau, tôi cũng không biết gì nhiều về
anh Thi. Khi lên xe lửa, tôi mới hỏi "Anh về đâu?" "Tôi về Sài
Gòn" "Vợ con còn ở đó?" "Có lẽ vậy". Nghe "Có lẽ
vậy", tôi thấy là có vấn đề nên ngưng ngay và tự giới thiệu "Tôi cũng
về Sài Gòn, ngã ba Cây Quéo" "Tôi về Hoàng Hoa Thám" "Vậy
là mình ở gần nhau". Trong tù anh Thi lúc nào cũng vui vẻ, nhưng khi ngồi
trên xe lửa, anh thường nhìn qua cửa sổ vẻ đăm chiêu. Mỗi hoàn cảnh, người tù
phải đối phó một cách riêng. Về đời, bao nhiêu khó khăn đang chờ đợi, khác hẳn
trong tù, vì bất lực nên phải gạt hết mọi suy nghĩ để cười mà sống. Người tù,
muốn sống sót, nhất là những người không được gia đình thăm nuôi như anh Thi,
phải đạt đến cái tâm cảnh của một thiền sư. Phải giữ tinh thần cho vững, phải quên
tất cả, không nghĩ đến những gì ngoài tầm tay của mình, phải biết cười với
người khác thì mới khỏi âu sầu, sinh bịnh, để rồi bị khiêng đi
chôn.
Gần tối, xuống xe lửa, chúng tôi đi bộ về nhà. Ngang qua một tiệm
phở, còn chút tiền, chúng tôi ghé vào. Thấy anh Thi có vẻ tư lự, tôi tìm cách
cho anh ta vui nên khi phở bưng ra, tôi xoa tay chào tô phở "Chà! Hơn mười
năm mới gặp lại mầy". Anh Thi chỉ mỉm cười nhưng cũng sốt sắng cầm đũa.
Trong lúc trò chuyện với chủ hàng phở, chúng tôi mới biết hôm đó là ngày ba
mươi tết. Khi ra đường, tôi đề nghị sẽ cùng đi đến nhà anh trước, để biết nhà,
sau nầy dễ thăm nhau, sau đó tôi mới về nhà mình. Anh ngần ngừ một lúc rồi đồng
ý. Đến đường Hoàng Hoa Thám, chúng tôi vào một con hẻm tối mù. Nhờ ánh đèn các
nhà hai bên, chúng tôi dò dẫm đi được một quãng ngắn thì anh Thi bảo "Anh
đứng đây chờ tôi. Trước đây chúng tôi ở nhờ bên gia đình vợ, hiện nay không
hiểu tình trạng ra sao" "Vâng. Có gì anh ra cho tôi hay" Nói thế
nhưng chờ anh ta đi được mấy bước, tôi cũng đi theo, không cho anh ta biết. Anh
ta đến một căn nhà gạch nhỏ, còn để đèn, tần ngần một lúc rồi gõ cửa, nách vẫn
kẹp cái bọc đồ tù. Một chị đàn bà bồng con đi ra, theo sau là một thằng bé trên
mười tuổi. Tôi nghĩ, nếu đó là vợ anh Thi, thì chị ta đã có chồng khác rồi, vì
đứa bé trên tay chị ta, độ vài tuổi, không thể là con anh Thi được. Chị đàn bà
nói gì đó. Anh Thi không trả lời, quay gót bước ra. Tôi lùi lại chỗ cũ, làm như
không thấy gì. Anh ta yên lặng qua mặt tôi. Tôi quay nhìn, thấy chị đàn bà bồng
con và thằng bé ra đường đứng nhìn theo. Ra đường lớn, anh Thi hỏi tôi
"Anh có thể cho tôi trọ đỡ một đêm được không?" Tôi sốt sắng
"Được chứ! Nhưng đây không phải nhà của tôi. Trước ba mươi tháng tư năm
1975, tôi đưa vợ con từ ngoài Trung vào ở nhờ người bà con, sau đó vợ con tôi
về lại ngoài Trung, sống với gia đình bên vợ. Tôi sẽ nói với chủ nhà, nếu họ
không chịu thì tôi với anh ra ngủ lề đường, rồi sẽ tính sau". Chúng tôi,
mỗi đứa ôm một gói đồ tù, quay lại ngã ba Cây Quéo. Khi tìm được nhà người bà
con thì thấy nhà đóng cửa, tắt đèn tối thui. Gõ cửa, không ai mở. Họ đi vắng cả
rồi.
Hai đứa tôi trở ra, lang thang xuống chợ Bà Chiểu xem chợ tết. Bánh trái, áo quần đầy chợ, tràn ra cả lề đường, người chen lấn nhau. Chúng tôi qua cầu Sắt, lên chợ Đa Kao, qua chợ Tân Định, ra đường Hai Bà Trưng rồi ngồi nghỉ mệt trên hiên nhà người ta. Chuyện trò một lúc, thấy đã khuya, chúng tôi lấy dép làm gối, rồi mặc cho muỗi đốt, chúng tôi vừa đói vừa mỏi chân, ngủ vùi một giấc. Hôm sau tỉnh dậy thì trời đã sáng. Ngày tết ở Sài Gòn, đường phố vắng hoe, chỉ mấy gia đình kinh tế mới ngủ lề đường gần đó đang cuốn chiếu, gấp mùng, bỏ vào bị cói, đem gửi đâu đấy rồi tản mác khắp nơi để kiếm sống. Hai đứa tôi ngồi vấn thuốc hút, chuyện trò một lúc thì đứng lên, đến chợ Tân Định, tìm vòi nước, súc miệng rửa mặt xong mua mỗi đứa một ổ bánh mì không nhân (rẻ tiền), vừa đi vừa trẹo trạo nhai. Thật ra, tôi và anh Thi cũng có vài người thân quen ở Sài Gòn, nhưng mồng một tết mà mang thân tàn ma dại đến nhà người ta, chẳng ai vui. Thời đó, ít ai dám rây với tù cải tạo. Đa số bà con, bạn bè, thấy tù là họ làm mặt lạ, chứa trong nhà thì sợ công an đến hỏi thăm. Suốt ba ngày tết, mỗi ngày chúng tôi chỉ ăn một ổ bánh mì không nhân, tối ngủ hiên nhà người ta, sáng dậy đi. Đi rã chân thì ngồi bên đường nghỉ một lúc rồi đi tiếp. Cứ lang thang mà chẳng biết đi đâu? Sài Gòn ngày tết vắng vẻ và buồn quá! Chiều mồng ba tết, chúng tôi quyết định trở lại nhà người bà con ở Cây Quéo. Hóa ra, gia đình đó vẫn ở chỗ cũ, những ngày cuối năm mọi người đều ra chợ bán dưa hấu. Họ đang cúng đưa ông bà. Chúng tôi được tiếp đón rất thân tình, vui vẻ. Họ đem thức ăn trên bàn thờ xuống, giục chúng tôi đi tắm. Anh con trai lớn biếu chúng tôi, mỗi người một bộ đồ, cũ nhưng sạch sẽ, mặc vào, soi gương, thấy như vừa lột xác, thành người văn minh, hoạt bát.
Trong lúc ăn uống, chủ nhà hỏi chuyện gia đình, hỏi dự định sinh
sống ra sao? Khi nghe anh bạn tôi nói bị vợ bỏ, không cho vô nhà, chủ nhà bảo,
nên thông cảm cho người đàn bà, chân yếu tay mềm, chồng bị tù không biết ngày
nào về hay bỏ xác trong tù, trong khi con cái phải cần cái ăn mới sống.
Lần đầu tiên, sau hơn mười năm, chúng tôi mới được thưởng thức một
bữa cơm ngon lành nhờ không khí thân mật, ân cần của gia đình ân nhân đó. Có
một tâm lý kỳ lạ mà phải mấy năm sau, người tù mới bớt bị ám ảnh, đó là thấy
dọn nhiều món ăn, cứ thắc mắc sao không để dành cho ngày mai mà lại dọn cả lên,
phí quá! Vì trong tù ngày nào cũng chỉ một ít khoai mì (hoạ hoằn mới có cơm),
cùng với ca nước muối, lõng bõng vài cọng rau. (Sau nầy qua Mỹ, sống sung túc,
trong bữa ăn chúng tôi cũng chỉ dọn vài món là tối đa). Sau bữa ăn, chủ nhà
bảo, chúng tôi cứ ở lại đây, khi nào có việc làm, kiếm được tiền thì muốn ở đâu
tùy ý. Chúng tôi xin được ngủ dưới đất hay sau hè cũng quí rồi. Chủ nhà cho
biết, nhà quá chật, nhưng có cái chuồng heo, nuôi heo nhưng bị bịnh dịch, đã
bán hết cả, bây giờ chuồng bỏ trống, sẽ gác trên vách chuồng một cái sạp, làm
chỗ ngủ tạm. Chủ nhà cũng quen với công an khu vực, hi vọng sẽ không bị làm khó
dễ.
Thế là chỉ vài tuần sau, chúng tôi đã có việc làm. Tôi bán vé số
bên đường chỗ Bộ Xã Hội cũ, trước nhà thờ Đức Bà. Anh Thi, vốn cao lớn, lúc ra
tù ốm trơ xương, sau nhờ được ăn uống đầy đủ, trở nên mạnh khỏe, nên hành nghề
đạp xích lô. Tất cả là nhờ mọi người trong gia đình đó tận tâm giúp đỡ. Sáng
sớm, chúng tôi dậy, ra đầu ngõ uống li cà phê rồi lên đường kiếm sống, buổi
chiều, chúng tôi về nhà ăn cơm. Mỗi tháng chúng tôi gửi chủ nhà ít tiền. Vợ tôi
được tin chồng ra tù, bèn dẫn con vào thăm. Vợ tôi khuyên nên ở lại Sài Gòn,
không khí dễ thở hơn (cô sẽ tìm cách vào với tôi sau), đừng về ngoài Trung,
chính quyền địa phương rất khó khăn. Bạn tôi thỉnh thoảng có đến trường gặp
thằng con, (là thằng bé mà tôi thấy hôm anh ta đến nhà vợ) cho ít tiền ăn quà
và dặn đừng cho mẹ nó biết. Anh ta dự định sẽ đón con về ở chung, nhưng không
cách nào thực hiện được vì chính bản thân anh ta còn chưa biết sẽ ra
sao?
Đến đầu năm 1990, có chương trình HO đi Mỹ. Với tôi thì lo hồ sơ
không khó khăn lắm, nhưng anh Thi thì bị kẹt vì vợ anh ta không cho mượn hộ
khẩu để làm giấy tờ. Anh ta đến năn nỉ vợ, hứa lập danh sách vợ, các con và cả
bà mẹ vợ nữa để cùng đi, khi đến Mỹ anh ta sẽ làm giấy li dị để chị ta về lại
Việt Nam làm hôn thú đón chồng sau qua Mỹ. Nhưng nói gì, chị ta cũng nhất quyết
lắc đầu, mời anh ta ra khỏi nhà. Không cho mượn là không! Cuối cùng nhờ chạy
chọt, hồ sơ anh ta cũng được chấp nhận, trong đó có tên thằng
con.
Nhờ người bạn tù vượt biên qua trước bảo trợ, gia đình tôi và anh
Thi được qua cùng tiểu bang, nhà gần nhau. Vừa đến Mỹ là anh Thi lăn lưng vào
việc kiếm tiền. Anh ta làm hai jobs "Tôi phải có một căn nhà cho con tôi.
Phải chuẩn bị tiền nong khi nó vào đại học. Lúc ở Việt Nam, nó đã bị đói khổ,
bị đánh đập, nay nó phải được đền bù". Thời đó, khoảng thập niên 1990, nhà
ở Mỹ còn rẻ. Bạn tôi mua nhà, sắm xe mới cho con, nhưng anh vẫn lùi xùi như lúc
còn ở Việt Nam. Anh ta đi làm từ sáng sớm, gần khuya mới về. Thằng con anh ta,
đi học về là đến thẳng nhà tôi ăn cơm. Vợ tôi còn bới thức ăn để nó mang về cho
bố nó.
Sau bao nhiêu năm tù đày, nay được đến xứ tự do cùng gia đình,
chúng tôi dốc hết sức lực còn lại để kiếm tiền cho con cái theo đuổi việc học
hành. Mục tiêu, ước vọng của chúng tôi là các con nên người, đủ sức đua chen
với đời. Khi đứa con anh Thi tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, theo đề
nghị của chúng tôi, anh ta chỉ làm một job. Buổi sáng, tôi và anh ta ra tiệm cà
phê ngồi chuyện trò, cuối tuần, chúng tôi nấu nướng, cùng với các bạn khác, ra
sau nhà ăn uống, chuyện trò.
Thấy anh Thi độc thân, chúng tôi dự định tìm cho anh ta một người
đàn bà, làm bạn, để giúp đỡ, nương tựa nhau trong quãng đời còn lại.
Vợ tôi có một cô bạn, chủ một tiệm nail (làm móng tay), tuổi trên
bốn mươi, chồng chết đã hơn năm năm nay, tính tình đàng hoàng, hiền lành, dung
nhan còn đẹp đẽ, hấp dẫn. Với chủ ý cho anh Thi và cô bạn tìm hiểu nhau nên mỗi
khi tổ chức ăn uống cuối tuần, chúng tôi mời cô ta đến chung vui, rồi làm như
vô tình, sắp xếp cho hai người ngồi gần nhau. Khi biết anh Thi còn cô đơn, cô
ta không còn e ngại, giữ kẽ nữa mà vui vẻ góp chuyện với mọi người. Anh Thi, đã
bớt trầm tư mà trở nên hoạt bát, lịch sự tiếp món ăn cho cô ta, đôi khi lại thì
thầm như có chuyện riêng tư với người đẹp. Khoảng vài tháng sau, theo thường
lệ, vợ tôi gọi điện thoại mời hai người đến dự bữa cơm gia đình thì cả hai đều
trả lời rằng bận việc, không đến được. Hóa ra họ đưa nhau đi nhà hàng. Cô bạn
tâm sự với vợ tôi "Em thấy vẻ mặt ảnh buồn buồn, em thương quá! Em mời ảnh
đi ăn riêng để tìm hiểu tâm sự ảnh, nhưng ảnh chỉ cười bảo, tính ảnh vậy thôi
chứ không có gì đáng nói" Vợ tôi trấn an "Chị đừng bận tâm. Mấy ông
"mất nước" lâu lâu xụ mặt, thở ra, nhưng sau đó lại vui vẻ như
thường. Ông xã em cũng vậy. Nhưng theo yêu cầu của chị, để em hỏi ông xã em, xem
anh ta có chuyện gì ấp ủ trong lòng mà không nói ra" "Chị có biết gì
về cô vợ trước của ảnh không? Theo ảnh kể thì cô ta đối xử rất tệ bạc với ảnh
khi ảnh đi tù về. Có thật vậy không?" "Chuyện nầy thì chắc chắn, vì
ông xã em ra tù cùng một ngày, cùng đến nhà vợ anh ta, ông xã em thấy tận mắt
chị ta đuổi ảnh, không cho vô nhà. Dù sao em cũng sẽ hỏi lại thằng con ảnh xem
nội vụ ra sao rồi sẽ báo với chị sau" "Em thương ảnh thì em cũng chấp
nhận hoàn cảnh, tâm sự của ảnh. Em chỉ muốn biết để an ủi ảnh, làm cho ảnh vui.
Chị biết không, khi có em bên cạnh, ảnh rất vui, thương em và chiều chuộng em
nhiều lắm" "Vậy thì được rồi. Biết ảnh thương yêu chị là đủ rồi.
Người đàn ông nào cũng vậy, mình hết lòng, hết dạ với họ thì dù có tâm sự,
chuyện riêng tư họ cũng bỏ hết mà về với mình, chỉ biết một mình mình thôi. Chị
yên tâm mà vui với ảnh. Cứ thắc mắc, lo lắng hoài chi cho mệt trí. Đời người có
bao lâu đâu. Vui lên đi chị ơi!" Cô bạn nhắc đến chuyện tư lự của anh Thi,
chúng tôi mới nhớ lại, khi đến nhà chúng tôi ăn cơm, nhiều lúc, đang chuyện
trò, anh ta bỗng nhiên ngưng nói, trông như người mất hồn. Ăn xong, anh ta mang
lon bia ra sau nhà, đứng một mình cả giờ đồng hồ.
Tuy nói thế nhưng vợ tôi cũng gọi thằng con anh Thi đến để hỏi về
mẹ nó ở Việt Nam hiện nay ra sao, có thường liên lạc với ba nó không? Thằng nhỏ
kể "Mấy lần mẹ con bên Việt Nam gọi điện thoại cho con, nhờ con thưa với
ba con, xin ba con tha thứ và bảo lãnh cho mẹ con qua đây để săn sóc cho ba
con. Mẹ con nói hiện nay ở Việt Nam, mẹ con không có khó khăn gì về đời sống,
chỉ sợ ba con đã lớn tuổi, khi đau ốm không ai săn sóc, lo cơm nước. Mẹ con có
dặn là đừng gởi tiền về, mẹ con không nhận đâu. Mẹ con cứ nhắc con thưa với ba
con nhiều lần mà con không dám. Một lần con chỉ thưa với ba con là mẹ con có gọi
điện thoại hỏi thăm. Chỉ mới chừng đó thôi mà ba con nổi nóng, ba con la
"Nói bà ấy đừng gọi điện thoại qua đây nữa" Một buổi tối, mẹ con gọi
điện thoại nhằm lúc ba con ở nhà, ba con bắt máy. Không biết mẹ con nói gì mà
ba con la hét vào máy như người nổi cơn điên "Xin xỏ gì? Lỗi phải gì? Bát
nước đổ xuống đất rồi, có hốt lại được không? Bà đừng hòng năn nỉ, khóc lóc vô
ích. Bà thử xét lại lương tâm bà đi. Từ nay tôi cấm bà không được gọi điện
thoại cho thằng con tôi, không được gọi điện thoại về nhà nầy. Bà nhớ chưa? Tôi
cấm bà. Tôi cấm bà!..." Ba con đập cái điện thoại bể tan rồi ngồi ôm đầu,
gục xuống. Con sợ quá, vào phòng đóng cửa lại. Từ đó, thỉnh thoảng mẹ con chỉ
gọi điện thoại cho con hỏi thăm chuyện ăn uống, sức khỏe ba con ra sao, nhưng
dặn đừng nói lại với ba con, sợ ba con giận" "Con có nói với mẹ con
về chuyện ba con có bạn gái chưa?" "Hôm trước con có kể là ba con vừa
quen được một bà, hai người thường đưa nhau đi ăn tiệm. Mẹ con hỏi tính tình
người đàn bà đó ra sao? Công việc làm ăn của bà ta thế nào? Có để ý săn sóc cho
ba con không hay chỉ đưa nhau đi ăn rồi ai về nhà nấy? Mẹ con hỏi nhiều lắm,
sau đó mẹ con nói cũng mừng cho ba con, mong cho hai người sống chung để ba con
có người săn sóc, lo lắng miếng ăn giấc ngủ. Ba con đi tù về, tuổi cũng lớn
rồi, sức khỏe suy yếu, cần có người đàn bà bên cạnh. Mẹ con vừa nói vừa khóc.
Không hiểu sao con cũng khóc theo. Con rất nhớ mẹ con nhưng ba con cấm con về
Việt Nam thăm mẹ con. Ba con giận mẹ con nhiều lắm" "Con có biết gì
về người chồng sau nầy của mẹ con không?" "Lúc con ở chung với mẹ
con, ổng chẳng tử tế gì với con. Bị bỏ đói và bị bợp tai, đá đít hoài, nhưng
con biết thân phận, im lặng chịu đựng. Lần trước, mẹ con gọi điện thoại kể với
con rằng hai người đã chia tay, ông ta đi đâu mất, không hề gặp lại. Con chỉ
nghe vậy thôi chứ không hỏi
thêm".
Vợ tôi gọi đến cô bạn kể rằng, Anh Thi coi bộ thù chứ không chỉ
giận cô vợ ở Việt Nam và đề nghị hai người nên về sống với nhau. Cứ đi ăn tiệm
rồi ai về nhà nấy mãi sao? Cô bạn nói "Có mấy lần ảnh mời em về nhà, nhưng
em cũng chỉ đến thăm một lát rồi về. Em có bàn với ảnh, nếu muốn sống chung thì
nên cưới hỏi đàng hoàng. Em không muốn bị dị nghị nầy nọ. Ảnh nói cũng được, nhưng
còn ngại, nếu cưới hỏi, làm hôn thú thì ảnh không muốn rắc rối chuyện của cải,
tài sản của em. Ảnh sợ mang tiếng mà các con em cũng không bằng lòng"
"Nếu vậy thì làm một buổi tiệc nho nhỏ ở nhà hàng, mời bà con, bạn bè đến
dự, coi như ra mắt để hợp thức hóa chuyện hai người sống chung
nhau"
Tiệc cưới hôm đó có khoảng năm mươi người tham dự, gồm bạn bè và
cả con cái của hai người. Thế là cô ta dọn về ở với anh Thi. Những ngày đầu,
hai người có vẻ hạnh phúc lắm. Cô ta thường gọi điện thoại kể chuyện sinh hoạt
trong gia đình, việc nấu nướng, săn sóc, chiều chuộng nhau. Hai người còn đưa
nhau đi du lịch bên Châu Âu nữa. Thấy họ vui vẻ, thân ái, quấn quít nhau như vợ
chồng trẻ, chúng tôi cũng mừng.
Nhưng rồi, khoảng một năm sau, cô ta gọi điện thoại tâm sự với vợ
tôi "Lối rày hình như ảnh trở lại vẻ suy tư, lơ đãng. Em nói chuyện với
ảnh cả buổi, ảnh ậm ừ mà chẳng biết em nói gì? Buổi tối, ăn cơm xong, ảnh đem
bia ra sau nhà, ngồi uống một mình, đến khuya mới vô. Em chẳng hiểu ra sao
cả!?" Vợ tôi tưởng chuyện chẳng có gì quan trọng nên an ủi "Ông xã em
cũng thường uống rượu một mình. Đàn ông đôi khi thích suy nghĩ những chuyện
trên trời dưới đất. Em cũng thường để cho ổng những phút riêng tư, coi như tôn
trọng họ vậy thôi chứ không sao đâu. Chị đừng để ý đến!"
Không ngờ, một buổi chiều, đi làm về, tôi thấy cô vợ của anh Thi
ngồi tỉ tê, mếu máo với vợ tôi. Hỏi ra mới biết là vì anh chồng uống rượu mà cô
ta giận, xách va li về nhà mình. Khi đi ngang nhà tôi, cô ta ghé vào tâm sự.
"Vợ chồng, tuy chưa sống với nhau đủ để có cái nghĩa thì cũng có cái tình.
Em thương ảnh, ảnh biết nên cũng tỏ vẻ chiều chuộng, săn sóc, lo lắng cho em,
nhưng em linh cảm như ảnh làm bổn phận. Em thấy như xa cách, như không thật
tình. Em với ảnh đâu còn trẻ dại, sống với nhau là để sau nầy nương tựa nhau,
giúp đỡ nhau trong lúc tuổi già, ốm đau, bịnh hoạn, vui buồn có nhau thì những
gì riêng tư thầm kín cũng nên cho nhau biết để an ủi, chia sớt nhau mới nhẹ
lòng. Vậy mà em hỏi. Sao ảnh buồn? Ảnh lắc đầu. Em giận quá mới nói "Em về
nhà, cho anh được yên tĩnh mà suy tư". Vậy là em xách va li về đây. Có lẽ
hồn vía ảnh bị cô, bà nào bắt mất rồi chị ơi!". Vợ tôi vọt
miệng "Dám ảnh bị hồn ma bóng quế nào ám rồi. Phải mời thầy đến cúng, cho
bùa trừ ma..." Tôi la vợ tôi "Em hay tin nhảm nhí!" Rồi tôi trấn
an cô vợ bạn "Vợ chồng trẻ nhìn tương lai toàn màu hồng, thấy cuộc sống dễ
dàng quá, nhưng đến tuổi gần về chiều thì mất tự tin, bị ám ảnh bởi tuổi già
với những bất trắc, bịnh hoạn, tử biệt sanh ly nên thường lo sợ, buồn phiền vu
vơ. Tôi với ông xã chị bị tù cả chục năm, tâm trí không còn bình thường nữa,
khi về với xã hội vẫn còn vụng về trong cư xử. Hơn nữa ảnh đã trải qua quá
nhiều đau khổ vì chuyện gia đình, nay có chị bên cạnh là một an ủi lớn cho ảnh.
Chị yên tâm. Ngoài chị ra, ảnh không thương yêu ai đâu. Nên trở về mà lo cơm
nước, kẻo ảnh bị đói tội nghiệp". Cô có vẻ xiêu lòng nhưng vẫn lắc đầu.
Tôi bảo "Hay là chị cứ ngồi đây. Tôi đến kêu ảnh qua rước chị".
Tôi ra xe, vợ tôi chạy theo, thì thầm "Tối nào cũng say mềm
rồi lăn ra ngủ! Hỏi ảnh có phải vì chuyện đó thì tìm cho ảnh ít thuốc" Tôi
phì cười "Cũng có thể. Để anh xem".
Tôi lái xe qua, đẩy cửa bước vào. Anh Thi đang ngồi uống bia, nhìn
cái TV., chỉ chiếu hình chứ không có tiếng nói. Cũng không chắc anh ta nhìn cái
màn hình hay nhìn vách tường sau TV. Tôi ngồi xuống bên cạnh. Anh ta mở cho tôi
một lon bia. Tôi yên lặng cầm lon bia. Một lát, tôi nói "Bà xã anh qua nhà
tôi...". Anh ta vẫn nhìn cái TV. "Tôi biết. Trước sau gì bả cũng bỏ
tôi. Tôi muốn xin lỗi bả từ lâu" "Tôi thấy hai người đâu có gì trở
ngại..." Anh ta lắc đầu như muốn xua đuổi một ý nghĩ, muốn ngăn mình đừng
nói ra một điều gì. Tôi nói "Qua nhà tôi đón bả về", rồi yên lặng chờ
đợi.
Anh Thi cầm lon bia lên nhưng lại để xuống, bàn tay rung lên nhè
nhẹ. Rồi bỗng anh ta ôm mặt, cúi
xuống.
Một lúc thật lâu, anh ta thở ra, giọng lạc hẳn "Tôi thương
nhớ vợ tôi. Tôi không thể nào nguôi thương nhớ vợ tôi".
PHẠM THÀNH CHÂU