Vừa
sanh ra con Bẹo đã bị thọt chưn bẩm sinh. Ông bà Hai Ớt thuộc giới thương hồ lấy
ghe làm nhà nên con Bẹo cũng theo ghe rày đây mai đó mà lớn lên. Thấy con tật
nguyền, nhưng tánh tình lại hồn nhiên, tươi thắm, ông Ớt càng thương con không
thua gì bà Thìn, vợ ông. Mỗi lần treo trái cây toòng teng trên cây bẹo, ông lại
bật cười nhớ lại vì đâu con gái rượu của hai ông bà có tên là Bẹo. Nguyễn Thị Bẹo.
Số
là một hôm ghe vừa de đít cặp vô bến sông Bảy Háp, Cà Mau thì trời mưa lắc rắc.
Ông Ớt đang loay hoay cột trái giác và lóng mía Lào trên cây bẹo thì bà Thìn nóng
ruột quơ lấy tấm áo mưa ì à ì ạch chạy ra che cho ông.
Thấy
cái bụng bầu vượt mặt lệt bệt chạy tới ông Ớt tuy thương vợ cũng phải nhăn mặt
la lên: "Chèn đéc ơi! Mưa gió dzầy bà còn chạy ra đây làm gì. Giùm ơn dzô đi.
Coi chừng cái bụng bầu bì kia kìa! Thiệt tình.". Bà Thìn cười giả lả:
"Hông sao mà. Ông ướt hết rồi nè". Vừa nói bà Thìn vừa đánh phạch cái
áo mưa ra, lầu bầu: "Mưa gì bất nhơn. Hổng đợi người ta treo cho xong trái
giác."
Mặc
dù mưa lưa thưa rớt hột đủ ướt sàn ghe nhưng cũng vừa đủ để bà bầu bất ngờ trợt
chưn té một cái "ạch" chỏng gọng, đầu thì đập vô cây bẹo nghe một cái
"bốp"..
Đầu
gối bể bánh chè, cái trán sưng chù vù khiến bà Thìn nằm ưởn cái bụng lên trời
la làng; đau đến nỗi bà nhăn quéo mặt nghiến răng rặn sao không biết lại tọt ra
một hơi hai cái bào thai non. Đáng lẽ theo lịch ông Ớt đánh dấu ngày đưa ông Táo
lên chầu Ngọc Hoàng bà Thìn mới chuyển bụng. Đằng này...
Ông
Ớt xưa nay vốn trầm tĩnh, ít nói thấy vợ té Sảy thai cũng quýnh lên, hối hả chạy
tới trước mũi ghe, gập người hướng xuống bến kêu cứu. Người Ca Mau vốn hiền lành
lại nhanh tay lẹ mắt, nghe tiếng la hớt hải mấy người dưới bến ba chưn bốn cẳng
ù lên ghe xúm đưa bà Thìn xuống đặt nằm lên xe ba gác chờ sẵn đạp thẳng vô nhà
thương, ông Ớt lạch bạch chạy theo, tay quệt nước mắt, tay vịn yên xe đẩy đi
cho lẹ.
Nhớ
lại cái ngày bà Thìn sảy thai, ông Ớt hết hồn. Hớp miếng nước trà nguội ngắt ông
chắc lưỡi thầm than:cũng may được ông trời thương - dù chỉ thương một nửa - giúp
cho mẹ tròn con vuông; chỉ tiếc cho cái thai thứ hai mất ngay khi lọt lòng, âu
cũng là phận số thiên định.
Rồi
lần theo năm tháng con Bẹo lớn lên trong niềm vui của hai ông bà. Ban ngày ông
bà Hai Ớt tất bật ngược xuôi khắp miền Lục Tỉnh Nam Kỳ, buôn bán đủ các mặt hàng
từ thực phẩm tới như yếu phẩm. Đêm về, thương con mọn, bà Ớt thắp đèn dầu dạy
con học hành. Tuy bị tật chưn nhưng đầu óc con Bẹo lại thông minh, sáng láng, học
đâu nhớ đó. Nhất là tánh tình con Bẹo suốt ngày cứ tíu ta tíu tít, cái giọng thì
trời ơi, cứ tươi roi rói, thánh thót theo câu hát, giòn tan theo điệu nhạc. Nó
không thích nhạc buồn, nghe cái giọng chim hót vui tươi rộn rã của nó, người trên
bến dưới thuyền đều khen con bé có giọng hát trời ban, cái bản mặt thì bầu bĩnh,
sáng rực đến dễ thương quá ể. Khi trở thành thiếu nữ, con Bẹo càng ngày càng trở
nên giỏi giang, quán xuyến cả việc bếp núc lẫn sổ sách chi tiêu cho hai ông bà.
Có
lần Bẹo đòi theo má lên bờ bổ hàng, ông Ớt không cho, nhưng bà Thìn nói chắc như
bắp có tui ông đừng lo. Bềnh bồng sông nước đã quen, lần đầu tiên đặt chưn lên
mặt đất Bẹo cảm thấy ngồ ngộ, là lạ, nhồn nhột dưới chưn. Lỗi tại mặt đất (nó cứng
quá má ơi, như Bẹo than), không bềnh bồng, mềm mại như nước khiến Bẹo phập phồng,
run chưn. Mà thiệt, Bẹo rụt rè bước chưa tới năm bước đã té nhào đầu. Cú té thiệt
tình, dù lúc đó bà Thìn có nắm chặt tay con, nhưng theo đà té Bẹo lôi cả bà chúi
nhủi xuống đất. Rốt cuộc Bẹo trẹo mắt cá, còn bà thì trầy một bên má.
Ở
nhà thương về, bị ông Ớt rầy quá mạng, biết lỗi, cả hai mẹ con đều nín thinh. Từ
đó, Bẹo ở luôn dưới ghe làm bạn với trăng sao, sông nước. Cũng như ông bà Hai Ớt,
Bẹo coi ghe là nhà, nước.là đất.
Tuy
lấy ghe làm nhà nhưng mỗi lần tết nhất nghe bạn hàng than nhớ nhà nhớ xứ quá mạng
khiến hai ông bà cũng xốn xang. Chiều về bên mâm cơm, ông Hai Ớt chạnh lòng
theo nỗi nhớ quê của bà Thìn ở Xóm Thủ, cạnh cửa sông Bồ Đề mà lâu lắm ông không
có dịp đưa bà về thăm.
Hồi
thanh niên còn búi tóc, anh Hai Ớt là thợ chuyên môn sửa chữa máy móc cho ghe
thuyền chết máy ở chợ nổi Cà Mau. Lúc đó cô Năm Thìn là khách thương hồ chuyên
buôn bán các loại đặc sản miền Tây, một hôm từ vàm rạch Đường Kéo xuôi ghe về tới
cầu quay Cà Mau thì lột dên..Sau khi rà xét máy móc dưới hầm ghe không thấy gì,
anh đề máy thử thì nghi dưới đáy ghe có vấn đề. Miệng ngậm ống nước thông hơi
anh lặn xuống mới phát giác chưn vịt bị nứt gần gảy đôi, anh cẩn thận tháo chưn
vịt đem về hàn khí đá.
Duyên
nợ ba sinh sao đó, mới gặp nhau cả hai đều bị... "sét đánh". Sau này
anh Hai Ớt thổ lộ anh thương cô Năm Thìn ở sự cần mẫn, tháo vác, chịu thương chịu
khó với nghiệp dĩ; còn cô Năm thì cảm mến anh Hai tuy có tài nhưng tánh tình thực
thà, chất phác. Dần hồi hai anh chị đến với nhau, gần gũi, đỡ đần nhau riết rồi
thành vợ thành chồng.
Từ
đó, anh Hai Ớt theo vợ chuyển qua nghiệp thương hồ rầy đây mai đó trên sông nước;
mê nghề đến độ ở tuổi về chiều mới được một mụn con.
*
* *
Trải
qua những cuộc bể dâu trong cuộc đời làm người, con Bẹo hồn nhiên, liến thoắng
ngày xưa nay đã là bà chủ nghiêm nghị, lịch lãm của một công ty xuất nhập cảng
nguyên liệu máy móc ghe tàu ơ Sài Gòn và ba chi nhánh ở Cần Thơ, Cà Mau và Châu
Đốc.
Bà
Chơn Nguyên (tức con Bẹo thọt chưn) có chồng không ai khác hơn là con trai trưởng
của ông chủ tiệm xuồng bè ở Cà Mau, chủ nhơn ông của anh thợ máy Hai Ớt ngày xưa.
Nhờ
có tài kinh doanh cộng với một phần nhỏ tài sản bên chồng, lần hồi bà Chơn Nguyên
tạo nên một cơ ngơi trải dài từ Sài thành cho tới miền Tây Nam phần. Điều đáng
ngưỡng mộ là càng giàu có, bà Chơn Nguyên càng hướng Phật. Khi đã thành công
ngoài đời, với tấm lòng bác ái bà âm thầm đóng góp, giúp đỡ người nghèo, người
sa cơ lỡ vận, trẻ mồ côi, nhất là những người dị tật như bà. Bà tự nguyện làm
việc đó miệt mài, tận tụy.
Không
phải vì dáng đi khập khễnh của bà Chơn Nguyên mà người ta không nể trọng bà. Ở
Xóm Thủ, quê mẹ của bà có một trường tiểu học mang tên Chơn Nguyên. Xóm Thủ cũng
là nơi an nghỉ của song thân bà là: ông Hai Ớt và bà Năm Thìn. Mỗi lần về viếng
mộ, bà Chơn Nguyên thường ngồi lặng ở đó hàng giờ. Cũng như về tới Cà Mau, đứng
trên cầu quay nhìn xuống bến đò bà bồi hồi nhớ lại chuyện sanh non trên ghe thuở
xa mờ. Những lúc đó, nước mắt của con Bẹo ngày xưa lại nghẹn ngào ứa ra để bà Chơn
Nguyên ráng nuốt ngược vào lòng mà thương cho đứa em song sanh yểu mệnh của mình.
Bà
Chơn Nguyên, pháp danh Mật Tịnh, mất năm 1969 tại Cà Mau. Bà có bốn người con,
cả bốn đều ăn học nên người và đều thành đạt trong thương trường Có điều, cô Xưa, cử nhơn văn chương, cô con gái
út của bà Chơn Nguyên, khi có chồng lại bỏ dạy theo chồng lênh đênh sông nước thương
hồ. Anh chị cản cách mấy cô cũng tỏn tẻn
cười" Út đi tìm ba má mờ. Hihi".
Sáng
nay ở chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ, ngồi trong mui ghe nhìn anh chồng dễ thương đang
treo lóng mía Lào trên cây bẹo thì trời đổ mưa.
Trời
mưa lắc rắc vừa đủ ướt cây bẹo.
PHAN NI TÁN