Sunday, November 6, 2022

2662. TRẦN HUIỀN ÂN Mùa mưa và chiếc áo tơi lá

Google images

  Mùa đông, mưa và gió, ướt và lạnh, gây nhiều trở ngại cho công việc của bao nhiêu người. Mùa đông không phải là mùa ít công việc hơn những mùa khác, thành ra người ta phải làm việc trong cảnh mưa gió dầm dề, dai dẳng. Nhiều người thay vì gọi mùa đông gọi là mùa mưa. Đúng ra thì mùa mưa ở Miền Trung là cao điểm của mùa đông.

Vào cái thời văn chương quốc ngữ mới bắt đầu, ở mỗi bài văn, quyển sách các cụ thường nêu tên hiệu trước tên chính một cách trịnh trọng, như: Ưu Thiên Bùi Kỷ, Đàm Xuyên Nguyễn Phan Lãng, Nông Sơn Nguyễn Can Mộng, Bưu Văn Phan Kế Bính, Nễ Giang Nguyễn Thiện Kế, Song An Hoàng Ngọc Phách v.v… Cụ Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến có tùy bút Mưa dầm vui cho ai? Mưa dầm buồn cho ai. Lúc chúng tôi đi học phải thuộc lòng những bài văn theo lối biền ngẫu này. Và một ngày mưa gió thầy đã gọi tôi lên đọc Mưa dầm… cho cả lớp lắng nghe.

Có hai cảnh mưa dầm vui và hai cảnh mưa dầm buồn. Cảnh vui của kẻ quyền chức giàu sang. Còn cảnh buồn, ấy là người đang thi hành công vụ nơi “quan sơn nghìn dặm, ra lầy vó ngựa, vào ướt bánh xe, gội gió tắm mưa, chân trời góc bể” rồi thì “chạnh lòng tha hương cố quận, đường đi lối lại ngổn ngang, nghĩ ra ngõ lợi đường danh, gót mỏi chân chồn chán ngán”! Và cảnh nhà nghèo “ củi đun bị ướt, mớ tắt mớ đỏ nhập nhèm, con trẻ cằn nhằn, cha già gắt gỏng”. Tác giả kết luận: “Như thế thì cảnh mưa dầm càng buồn và càng thê thảm vậy!”.

Đọc như thế nhưng chúng tôi không thấy có chút gì là buồn chán thê thảm, trái lại thấy vui vui vì nhịp đối trong câu văn và tưởng tượng ra cái cảnh đường xa gập ghềnh xe ngựa dưới mưa, có vẻ người hùng lắm, thật đáng mặt giang hồ lữ khách! Ở thôn quê hầu hết nhà nghèo nhưng không có cảnh củi đun bị ướt mớ tắt mớ đỏ nhập nhèm, trái lại bếp dụm bằng củi gộc to như bắp chân người, đỏ rực suốt ngày đêm. Dầm mưa cho đã rồi chạy về ngồi ấm, đặt hai bàn tay gần sát vào lửa, chà vuốt lên khuôn mặt lạnh, rồi nướng bắp, lùi khoai, rang hột mít, vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả. 

Hàng ngày đi học chúng tôi mang chiếc áo tơi chằm bằng lá buôn. Gọi là chằm áo tơi, cũng như chằm nón, chứ không phải may. Và mang áo tơi chứ không phải mặc. Chiếc áo tơi lá thô kệch, mang vào, đầu đội nón, trông như con kên kên, nhưng bảo đảm không hề bị ướt, và thật ấm. Mưa tạt phía nào che phía ấy. Mưa xối xào xào trên nón, trên tơi nghe càng vui tai. Cứ như thế ùa nhau thi nhau chạy trên những đoạn đường đất thịt nhờ nước mưa giội rửa dẽ chắc, sạch bong. Qua mấy trảng gò cỏ tươi xanh mượt, có những vũng nước đọng bằng cái nong, cái nia, sâu đến dưới đầu gối, cả bọn túm hai mí áo tơi lại, băng ào qua, nước tung tóe hai bên. Đứa này reo: ra lầy vó ngựa, đứa kia tiếp: vào ướt bánh xe, đứa khác: gội gió tắm mưa, đứa khác nữa: chân trời góc bể, bây giờ thành đồng thanh: chạnh lòng tha hương cố quận – đường đi lối lại ngổn ngang – nghĩ ra ngõ lợi đường danh - gót mỏi chân chồn chán ngán… Cứ như thế vừa reo hò, vừa rượt đuổi, vừa té nước… Thích thú vô cùng!

Áo tơi lá còn đắc dụng với những người đi cày, đi bừa, đi cấy, chụp nôm, đứng nhá, bơi sõng, chăn trâu bò… Khi cần, ta ngồi xuống, úp nón bên trên, áo tơi lá che chở ta như một pháo đài nhỏ. Thu mình trong đó, người lớn thì rít một hơi thuốc lá đậm đặc sảng khoái. Trẻ con thì trái chuối chín, khúc sắn luộc, nhẩn nha hương vị ngọt bùi.

Câu đố dân gian có nhiều câu rất mượt mà, rất trữ tình nói về áo tơi. Các nhà thơ tầng lớp trên thì ít nhắc đến nó, có lẽ do không gần gũi. Khi thất cơ lỡ vận họ chỉ nói tới “tả tơi áo cầu”. Ra công tìm tòi thì tuy ít nhưng vẫn có văn chương nói về áo tơi. Như trong bài liên ngâm Hồ Tây tức cảnh của bà chúa Liễu và các ông Phùng, Lý, Ngô:

                  Mơn mơn tay lái con chèo quế

                  Xàn xạt mình đeo chiếc áo tơi

Và cụ Đồ Chiểu khi bàn về thế thái nhân tình:

                  Mấy ai ở đặng hảo tâm

                  Nắng đun chót nón, mưa dầm tả tơi

Bây giờ những chiếc áo tơi lá không còn nữa. Có đủ loại áo mưa đẹp: kiểu pa-đờ-xuy, kiểu cánh dơi, kiểu cả bộ áo quần…đủ màu sắc, trơn, hoa… Thêm kiểu tiện lợi, mỏng dính, xếp gọn lại đút túi, giá rất rẻ. Chiếc áo tơi lá xấu xí, cồng kềnh, bất tiện, bị triệt tiêu là phải. Trường hợp của nó khác với chiếc nón lá, tuy phải nhường địa vị cho các loại mũ, nón lá còn đứng được với thời trang cổ truyền và dịch vụ du lịch.

Dẫu sao, nếu có linh hồn, chiếc áo tơi lá sẽ không buồn. Nói một cách văn chương, nó đã làm tròn sứ mạng trong một giai đoạn lịch sử khá dài của dân tộc. Rồi đây có lẽ nó chỉ còn lưu đọng trong ký ức những người lớn tuổi trong vài mươi năm nữa. Họ không khỏi chạnh nhớ đến nó vào những ngày mùa đông mưa dầm triền miên rả rích, ngồi nhìn ra sân thấy mình bất lực, với chút sức tàn không thể nào chạy nhảy nô đùa như hồi niên thiếu.     *  *  *


TRẦN HUIỀN ÂN