Năm 2002, tạp
chí Hợp Lưu tổ chức kỷ niệm 12 năm ngày chào đời của tạp chí này, tại Santa
Ana. Bùi Bảo Trúc, Nguyễn Hữu Liêm và tôi được mời đọc bài phát biểu. Trong bài
của mình, tôi nhấn mạnh đến sự thành tựu của “những suy nghĩ bình thường”. Xin
tóm tắt nội dung như sau.
Thời gian đó,
tôi đã rời Việt Nam được hơn 25 năm, trong một chuyến vượt biển đầy gian nan. Tôi
lần lượt chứng kiến những đổi thay kinh hoàng của thế giới, nói chung, và của
Việt Nam, nói riêng. Cũng như cảm nhận biết bao thay đổi ngay chính trong
tôi. Sáu tháng trước, tôi có trở về thăm
quê hương. Thoạt tiên, tôi không nhận ra
những con đường cũ, không nhận ra bất cứ một khuôn mặt quen thuộc nào trên những
con đường đó. Tôi có cái cảm giác của một
anh Rip Van Winkle, một buổi đẹp trời xách súng đi săn, khi mệt nằm lăn ra ngủ,
lúc tỉnh dậy thấy râu dài tới rún, tóc bạc phơ, cỏ dại phủ kín nòng súng đã rỉ
sét. Nhìn quanh, chẳng còn thấy làng mạc thân quen. Cuối cùng thì anh thợ săn
cũng hiểu, thực ra làng mạc của anh vẫn còn đó, nó chỉ khác đi theo thời gian
thôi. Và, cuối cùng rồi, tôi cũng gặp lại
rất nhiều người thân yêu cũ. Tôi gặp lại
dì tôi, các chị tôi, các cháu tôi, các thầy giáo, bạn bè, và những học trò cũ.
Trong khung cảnh ấy, cái anh Rip Van Winkle, là tôi, dĩ nhiên vô vàn xúc động.
Có rất nhiều điều để nói với nhau, có những phút cùng nhau im lặng, cũng như,
có không ít câu hỏi đã được đặt ra.
Trong dịp về
thăm quê hương đó, tôi đi nhiều nơi, từ Nam ra Bắc. Tôi gặp nhiều bạn bè mới
trong giới cầm bút. Rất nhiều người trong số này có bài vở đăng tải trên Hợp
Lưu, hoặc tích cực ủng hộ sự hình thành của tạp chí Hợp Lưu. Tôi có nêu lên một câu hỏi. Câu hỏi thật ra rất
tầm thường, vô duyên nữa là khác. Đó là, tại sao ở trong nước không có một tạp
chí như tạp chí Hợp Lưu ở hải ngoại? Ý tôi muốn nói đến một tạp chí văn học
đăng tải những sáng tác, những tiểu luận bằng tiếng Việt thuần túy dựa trên giá
trị văn chương và trí thức, mà không coi trọng cái địa chỉ hay nghề nghiệp
trong quá khứ cũng như hiện tại của người viết. Tôi nhận được nhiều câu trả lời
tế nhị, hầu hết là để giúp tôi tự tìm ra lời giải. Cái lời giải mà mãi đến lúc ấy,
qua nhiều lần tự vấn, tôi vẫn không mảy may hài lòng. Tôi từng nghĩ, một câu hỏi
đơn giản như thế, dựa trên những suy nghĩ bình thường như thế, nhưng để tìm được
câu trả lời, sao mà gian nan và phức tạp đến vậy! Tôi nhắc lại câu chuyện trên
chỉ để nhân đó trình bày một số suy nghĩ tản mạn xung quanh sự ra đời, cùng bao
nhiêu rắc rối, thăng trầm, và những thành tựu của tạp chí Hợp Lưu ở hải ngoại.
Vào lúc đó, Hợp
Lưu bước sang năm thứ mười hai, số ra mắt phát hành đầu tháng 10, 1991. Đây là khoảng thời gian mà không một người Việt
Nam nào có thể quên được, kể từ sau biến cố 1975. Cái dấu ấn của 1975 đang trở
thành mờ nhạt so với bao biến cố mới. Thế giới đang rung chuyển. Rung chuyển đến
độ có những quyền lực tưởng chừng như bất tận, vụt chốc tan biến. Có những đổi
thay chính trị và xã hội tưởng chừng chỉ có trong mơ bỗng trở thành hiện thực,
cũng như, có những cái từ hiện thực trở về lại trong mơ. Và, dĩ nhiên, cũng có
những ước mơ thay đổi, đặc biệt đối với người Việt, vẫn luôn luôn chỉ có trong
mơ.
Văn học Việt
Nam hải ngoại được hình thành và nuôi dưỡng bởi những nhà văn lưu vong và những
người yêu văn học, ngay từ những năm đầu tiên người tỵ nạn Việt Nam định cư
trên đất nước này. Nó trải qua rất nhiều khó khăn trong những năm đầu, và dần
dà đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Những thành tựu ấy, phần lớn, do sự đam mê
của người viết, và dĩ nhiên, do tài năng của họ. Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật do
Võ Phiến chủ biên và sau đó, tạp chí Văn Học do Nguyễn Mộng Giác phụ trách (những
chủ biên sau cùng là Hoàng Khởi Phong, Trịnh Y Thư, Cao Xuân Huy), đã có những
cống hiến đáng kể cho những thành tựu đầu tiên này. Sau biến cố Đông Âu 1989,
nhiều nhà văn Việt Nam, trong hay ngoài nước, qua tác phẩm, biểu lộ sự nhạy cảm
của họ về những đổi thay chắc chắn phải có của nhân loại trong những ngày sắp tới.
Trong giới cầm bút hải ngoại, bắt đầu có những nỗ lực nhằm tạo một môi trường sinh
hoạt văn học và nghệ thuật vượt trên những mâu thuẫn chính trị giữa nhà văn
trong và ngoài nước. Một môi trường để mọi người có thể đón nhận tác phẩm của
người khác chỉ dựa trên giá trị văn chương và tầm nhìn của tác giả. Cần nhắc lại
là dù ở thời điểm 1989, ở hải ngoại, các khuynh hướng bảo thủ vẫn còn nhiều, và
luôn tạo những lực đối kháng mạnh đối với thành phần cấp tiến. Thế nhưng, không
đầy một năm sau, tạp chí Hợp Lưu (TCHL) ra đời. Chủ biên là nhà văn/họa sĩ
Khánh Trường, với sự cộng tác tích cực của nhiều nhà văn, trí thức nổi tiếng
như Trần Vũ, Phan Tấn Hải, Phạm Việt Cường, Thụy Khuê, Đặng Tiến, Võ Đình, v.v...
TCHL phát hành
mỗi hai tháng một số. Bài vở được lựa chọn dựa trên giá trị văn học nghệ thuật,
không phụ thuộc vào địa chỉ cư trú của tác giả trong quá khứ cũng như hiện tại.
TCHL đã trải qua rất nhiều khó khăn, do thiếu hụt tài chánh, nhân sự cùng
phương tiện, nhưng hình thức và nội dung của HL vẫn luôn luôn được chăm sóc tối
đa. Nhìn trọn 72 số báo của 12 năm qua, rất khó ai biết được số nào đã thành
hình vào những lúc khủng hoảng nhất của tạp chí. TCHL đã chịu nhiều áp lực
chính trị và dư luận từ nhiều thành phần khác nhau trong cộng đồng, về nội dung
hay chủ trương được gọi là “giao
lưu văn hóa” của tạp chí này. Những áp lực đó không nhỏ. Tuy nhiên, HL vẫn biểu
lộ được tinh thần đa nguyên của một sinh hoạt văn học có khuynh hướng tiếp thu
những ý thức khác nhau về nghệ thuật, và, đã tập trung được nhiều nhất về bài vở
của những tác giả được đánh giá cao của văn học VN hiện đại, kể cả trong lẫn ngoài nước.
Những thành tựu
của TCHL kể trên, thật ra chỉ là thành tựu của những người yêu văn học nghệ thuật,
muốn làm văn học nghệ thuật bằng sự đam mê, bằng tinh thần sáng tạo, nhưng đồng
thời cũng bằng những suy nghĩ rất bình thường của con người, cho đời sống cá
nhân, và đời sống cộng đồng. Yêu văn học nghệ thuật thì cố làm cho được những
tác phẩm tốt, làm cho tới nơi, làm một cách bền bỉ. Yêu tác phẩm của mình thì
cũng phải biết tôn trọng tác phẩm của người khác. Muốn dành cho mình cái tự do
được suy nghĩ theo cách của mình, được làm văn học theo cách của mình, thì cũng
phải biết tôn trọng tự do của người khác, được suy nghĩ theo cách của họ, và
làm văn học nghệ thuật theo cách của họ. HL chỉ có nghĩa là hợp lại một cách
bình đẳng những giá trị khác nhau và để người đọc, người thưởng ngoạn phê phán
hay chọn lựa từng công trình riêng lẻ. Và, văn hóa thì phải giao lưu. Không có
thứ “văn hóa ao tù”.
Sự thành tựu của
HL 12 năm qua chỉ là sự thành tựu của những suy nghĩ bình thường, của rất nhiều
người yêu thương văn học nghệ thuật một cách bình thường. Nhưng sự thành tựu đó
chắc chắn sẽ không có được như chúng ta đã chứng kiến, nếu nó thiếu vắng một
người. Tôi muốn nói đến người chủ biên của tạp chí suốt 12 năm qua. Anh là một
chủ biên tuyệt vời, một họa sĩ nhiều năng lực, một nhà văn có tài. Làm bất cứ
công việc gì anh cũng hết lòng với công việc đó. Hết lòng với tạp chí của anh,
hết lòng với hội họa, hết lòng với bạn bè. Rất nhiều cái để khen ngợi anh, cả
cái hết lòng của anh với những chuyện không liên quan gì đến công việc anh đang
làm... Người ta đã nghe nói rất nhiều về một Khánh Trường (KT) viết, vẽ, làm
báo, người ta cũng đã nghe nói không ít về một KT giang hồ, bạt mạng trong ăn
nhậu, trong giao du, trong những quan hệ...
- nói theo ngôn ngữ của anh - linh tinh... Nhưng ở đây, tôi muốn ngợi
khen anh một điều: nhờ nỗ lực của KT suốt 12 năm qua mà chúng ta có được tạp
chí Hợp Lưu, một thành tựu và là một trong những niềm kiêu hãnh của văn học Việt
Nam Hải Ngoại.
Trên đây là nội
dung bài phát biểu của tôi cách đây 20 năm. TCHL, sau KT đến một vài chủ biên
khác mà lâu dài nhất là Trần Vũ, và sau cùng là Đặng Hiền đã không còn nữa.
Không còn nữa như một tạp chí giấy với những thành tựu đã kể trên. Trong nước, đến
nay cũng chẳng có một tạp chí giấy nào với tinh thần “hợp lưu” và với sự tham dự
nồng nhiệt của giới văn học nghệ thuật, như TCHL đã từng có. Trong nước, Văn
Đoàn Độc Lập có nỗ lực lớn, tạo tinh thần đó, nhưng vẫn còn bị giới hạn vào sự
đóng góp chưa hoàn toàn tích cực của đông đảo giới cầm bút trong nước. Tôi chưa
có được câu trả lời hoàn toàn thỏa đáng cho thắc mắc của mình đã nêu ra trước
đây, là “tại sao trong nước không có một tạp chí như Hợp Lưu?”.
Hai mươi năm của
thời đại này nhiều biến đổi lắm. Biến đổi
nhanh đến chóng mặt. Chuyện “giao lưu văn hóa” không còn là vấn đề nhạy cảm như
trước. Nhưng, cũng có những biến đổi ngược chiều. Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn,
vào những năm đầu của tỵ nạn có ba nhà sách bán sách báo tiếng Việt. Ngày nay,
không còn nhà sách nào. California là tiểu bang có đông người tỵ nạn nhất, hình
như chỉ còn một. Trong giới cầm bút hải ngoại, có câu nói đùa “ngày nay chỉ có
nhà văn đọc sách lẫn nhau”. Câu nói đùa nhưng chắc không xa sự thật bao nhiêu.
Lâu nay, tôi
biết Khánh Trường thường xuyên ra vào bệnh viện. Sau này, thỉnh thoảng ghé vào
FaceBook của anh, cũng luôn nghe kể chuyện ngồi xe lăn ra vào bệnh viện. Tuy
nhiên, cũng biết, trong điều kiện sức khỏe có như thế nào, anh vẫn tiếp tục vẽ,
viết và nói năng rất thẳng tính. Sự thẳng tính này cùng với những đam mê cuồng
nhiệt của anh khiến tôi luôn hoài niệm về một thời rất đẹp của TCHL. Đó là một
diễn đàn cho những tranh cãi nhiệt tình và thẳng thắn về các vấn đề gay go nhất
của văn hóa, văn học nghệ thuật VN. Những tranh cãi sôi nổi này đã tạo nên những
nét sinh động cần thiết cho một nền văn học đang vươn tới những giá trị cao,
trong một hoàn cảnh đặc biệt của một cộng đồng có khá nhiều va chạm phức tạp.
Sinh hoạt Văn
học Việt Nam hiện nay rất cần những nỗ lực như của Khánh Trường hơn 30 năm trước.
Trương
Vũ
Virginia, tháng 9.2022
Nguồn: Tạp chí NGÔN NGỮ số 22, tháng 11/2022