Quê tôi ở miền Trung, là một thành phố nhỏ, nằm bên bờ một giòng sông. Con sông nầy phát nguyên từ dãy Trường Sơn. Về mùa mưa, nước lũ tràn xuống, ngập mấy đường phố, ngập luôn nhà cửa, cây cối làng mạc bên kia bờ đối diện. Tuổi thơ của tôi chỉ còn lại trong ký ức những mùa lũ lụt đó. Năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Các thành phố đều tản cư về vùng quê, thực hiện "Vườn không nhà trống". Người dân Việt sục sôi lòng yêu nước, quyết hi sinh tất cả để đánh đuổi thực dân Pháp. Ba tôi đưa cả gia đình gồm mẹ tôi và hai chị em tôi, từ thành phố ngược sông lên tận thượng nguồn, vào một vùng thôn quê hẻo lánh cùng sống với đồng bào. Thời đó, người thành thị tản cư đến đâu cũng được đồng bào mở rộng vòng tay, khoai sắn, rau mắm có nhau. Ba tôi gửi cả gia đình cho đồng bào địa phương rồi lên đường cầm súng chiến đấu.
Thanh
Phước, là vùng chúng tôi tản cư, toàn núi non, trồng khoai, sắn, bắp, chỉ có
vài lõm nhỏ có nước trồng lúa, nhưng chẳng được bao nhiêu. Thế nên bữa
"cơm" nào cũng chỉ có khoai, sắn với mắm. Lúc đó tôi còn quá nhỏ,
khoảng năm, sáu tuổi nên không biết ba tôi làm chức vụ gì trong kháng chiến,
nhưng mỗi lần đi công tác, ghé qua nhà, ông thường cưỡi ngựa và mang súng lục
bên hông. Đối với chúng tôi cũng như bọn trẻ hàng xóm, con ngựa quả là một con
vật kỳ lạ và oai hùng. Nó rất cao, da màu xám nâu, hay gục gặc đầu và dậm chân.
Chúng tôi đứng xa mà ngắm chứ không dám đến gần, sợ ngựa đá chết. Tôi còn nhớ
có ai đó bảo rằng, con ngựa khi ngủ vẫn đứng, hễ ngựa ngủ mà nằm là ngựa đang
bị bịnh. Đến bây giờ tôi vẫn tin như thế. Khi ba tôi lên ngựa, giật cương, nó
ngẩn đầu lên, bốn chân nhịp bước, lóc cóc trên
đường quê và khuất dạng ở một ngã rẽ, hai chị em tôi lặng người vì xúc
động, không biết con ngựa đưa ba chúng tôi đi đâu?
Nhà
chúng tôi lợp tranh, gần chuồng trâu của chủ nhà, rất nhỏ, chỉ đủ một chiếc
giường tre cho mẹ tôi và chị em tôi nằm và một cái bếp đầy tro. Vợ chồng chủ
nhà, khoảng bốn mươi tuổi, là những người chất phác, hiền lành. Ông ta tên Tuần
Đa, có lẽ thời trước là tuần đinh hay gì đấy. Bà vợ ốm và đen, ngày nào cũng
thế, từ nương rẫy về là ra sau nhà cho heo ăn. Họ nuôi hai con heo nái ốm nhom,
khi có chửa lại mập phệ, lưng vòng xuống, bụng gần chạm đất. Chỗ bếp lúc nào
cũng có một nồi cám heo, tôi thường moi trong nồi đó, tìm những củ khoai bằng
ngón tay, bỏ mồm ăn cho đỡ đói bụng. Chủ nhà có hai người con. Một cô gái lớn,
tên Liễu độ mười lăm, mười sáu và người em trai chúng tôi gọi là chú Mạnh, mỗi
sáng chú thường đưa hai con trâu đi ăn cỏ trong núi. Tôi còn nhớ, khi chúng tôi
đi học, phải lội bộ một quãng xa, quanh co đường núi. Trường làm dưới tàng cây,
có mấy cái hầm núp máy bay ngay cạnh lớp học, hễ nghe tiếng u u từ rất xa của
máy bay Pháp là học trò được lùa xuống hầm ngồi.
Mẹ
tôi với hai đứa con thơ dại (chị tôi lúc đó khoảng mươi tuổi), nhờ vả đồng bào
mãi cũng không được, mà ai cũng khó khăn
nên có lẽ ba tôi gợi ý, khoảng năm 1951, mẹ tôi dẫn con hồi cư, về lại thành phố.
Về
thành phố, mẹ tôi phải lăn lưng vào xã hội buôn bán nuôi con. Cuộc sống quá khó
khăn, chị tôi chỉ mới hơn mười tuổi cũng phải xuống chợ phụ giúp mẹ tôi buôn
bán, chỉ có tôi được đi học. Mẹ tôi lấy chồng sớm, có hai con mà tuổi chưa đến
ba mươi. Bà vẫn ở vậy nuôi con, chờ chồng. Thỉnh thoảng, mẹ tôi được tin (bí
mật) ba tôi từ Thanh Phước (vùng tản cư trước đó), nhắn về lời hỏi thăm. Mẹ tôi
chỉ ậm ừ mà không nhắn gửi gì, sợ mật thám Pháp biết, bà cũng không dám tỏ lộ
nhớ nhung, lưu luyến. Chồng đi kháng chiến thì coi như đã thuộc về Tổ Quốc rồi,
bà không được làm yếu lòng người ra đi.
Học
xong trung học, tôi vào Sài Gòn thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh. Sau bốn năm
đèn sách, tôi tốt nghiệp ngạch Đốc Sự, được bổ đi làm phó quận hành chánh. Được
vài năm thì miền Nam sập tiệm, năm 1975. Tôi đi (tù) cải tạo sáu năm, về Sài
Gòn làm đủ nghề. Bán vé số, đạp xích lô, sửa xe đạp lề đường.
Mẹ
tôi tưởng ba tôi đã tập kết ra Bắc năm 1954, nên bà vẫn hi vọng và chờ đợi. Đến
năm 1975, một số bạn của ba tôi đi kháng chiến trở về thành phố, nhưng ba tôi
vẫn bặt tăm. Hỏi các bạn ba tôi thì họ bảo, lúc đó, ba tôi làm tình báo, thỉnh
thoảng giả dạng người đui mù, ghẻ lở làm ăn mày, vào thành phố, để do thám, sau
đó bị Pháp bắt, tra tấn đến chết. Mẹ tôi nghe thế buồn và thất vọng. Bà quẩn
trí và bịnh chết sau đó ít lâu.
Năm
1990 tôi và vợ con đi Mỹ theo diện HO. Đến Mỹ, tiếng tây, tiếng u không rành,
lại lớn tuổi, sức khỏe kém, tôi chỉ làm được những việc lao động chân tay làng
nhàng. Lương không đủ chi phí, vợ chồng tôi phải làm gấp đôi thời gian mới giải
quyết được nhiều nhu cầu cần thiết cho cuộc sống. Đến nay thì đứa lớn đã tốt
nghiệp đại học, có việc làm ổn định, có thể giúp đỡ các em cho vợ chồng tôi
được nhẹ gánh phần nào. Chúng tôi giảm bớt công việc để có chút thì giờ nghỉ
ngơi.
Khi
tâm trí đã bớt lo lắng cho cuộc sống, chúng tôi mới nghĩ đến quê hương, bà con
thân quyến nơi quê nhà. Tôi gọi điện thoại cho chị tôi ở Việt Nam, báo sẽ về
Việt Nam và rủ chị về thăm Thanh Phước, nơi chúng tôi tản cư năm 1946, thăm bà
con, xóm giềng. Ngoài mục đích thăm viếng, chúng tôi hi vọng đồng bào ở đó biết
được chút tin tức nào về ba tôi chăng?
Chúng
tôi đi tản cư thời còn rất nhỏ, chẳng biết gì ngoài một số địa danh và tên
những người trong gia đình chủ nhà cho chúng tôi dựng nhà trú ngụ. Dù vậy chúng
tôi vẫn hi vọng, hăng hái lên đường. Hai chị em đón thuyền máy từ thành phố lên
Thanh Phước rất sớm, gần trưa thì đến nơi. Cảnh vật hoàn toàn khác xa với những
gì chúng tôi còn nhớ. Hai bên bờ sông, vách đá dựng đứng, phải ngẩn đầu lên mới
thấy đỉnh núi. thuyền ghé vào một bến sông, vắng vẻ, đìu hiu. Trên bờ chỉ có
vài ngôi nhà tranh, dựa vào chân núi, quanh mỗi nhà là vạt đất trồng khoai
lang, khoai mì (sắn). Chị em tôi lên bờ, ngơ ngác, không hiểu thuyền có cập bến
đúng nơi không? Người chủ thuyền chỉ một lối mòn dẫn vào rừng "Cứ theo
đường mòn đó, đi quanh hẽm núi độ vài cây số, qua khỏi đèo là thấy làng Thanh
Phước, không xa lắm nhưng đường khó đi. Dân trong đó sống cô lập, không thích
giao tiếp với bên ngoài. Nếu tìm không ra người thân thì trở lại đây, chờ chúng
tôi. Chúng tôi lên chợ huyện, độ năm giờ chiều sẽ ghé đón" Vừa theo lời
người chủ thuyền vừa theo linh tính, chị em tôi men theo con đường vòng vèo
trên núi để vào thung lũng. Khi vừa xuống đồi thì một làng nhỏ hiện ra với
những nhà tranh rải rác có hàng rào tre dày đặc vây quanh. Chúng tôi cứ theo
đường làng mà hỏi thăm nhà ông bà Tuần Đa. Nhà nào cũng không có người lớn, có
lẽ đã vào rẫy, chỉ có vài đứa trẻ ngơ ngáo chẳng hiểu chúng tôi hỏi ai?! Sau
mới vỡ lẽ là những người ngày xưa, nay không còn nữa. Chị tôi hỏi một bà già,
nhà cô Liễu, là tên con gái của ông Tuần Đa, bây giờ độ sáu bẩy chục tuổi, thì
được biết chỉ cách đó một quãng đường ngắn. Khi đến nơi, chúng tôi thấy nhà cửa
không thay đổi mấy. Vẫn cái chuồng trâu bên cạnh vạt sắn mà trước đây là nhà
của chúng tôi. Vẫn ngôi nhà tranh ba gian và căn nhà ngang có bếp, chuồng heo
và là chỗ sinh hoạt của gia đình chủ nhà.
Chúng
tôi bước vào sân. Một con chó nhỏ chạy ra, vừa ngoắc đuôi vừa sủa gâu gâu. Chị
tôi lên tiếng "Có ai trong nhà không?" Có người nói vọng ra "Có
tôi!" Rồi một người đàn bà, tuổi trên sáu mươi, ốm và cao, mặc đồ đen từ
nhà ngang bước ra. Chị tôi kêu lên "Có phải cô là cô Liễu không?"
Người đàn bà vẻ tò mò "Phải! Bà con đây hỏi tôi có chuyện chi không?"
Chị tôi cười "Con nhớ cô mà cô không nhớ tụi con. Cô biết tụi con là ai
không?" Cô Liễu nhìn mặt từng người, khi thấy tôi thì hai mắt cô mở to, vẻ
kinh ngạc, bàng hoàng. "Xin lỗi, anh có phải là anh Bằng không? Hay là con
anh Bằng?" Tôi cười "Dạ, con là con của ba con" Cô bước tới, vịn
hai vai tôi nhìn sửng, nước mắt ứa ra "Trời ơi là trời! Sao hai cha con
giống nhau quá sức? Dì tưởng là ba con hiện về. Mà ba con lúc đó còn trẻ hơn
con bây giờ nữa. Trẻ lắm. Độ trên ba mươi thôi" "Dạ, con bây giờ trên
năm mươi rồi" Cô xoa đầu tôi như với một em bé và cười "Dì thấy con,
dì nhớ ba con. Vô nhà. Đứng chi ngoài nầy hoài, mỏi chân. Vô đây!" Chúng
tôi theo cô vô nhà. "Hai đứa bây ở lại ăn cơm với dì nghe. Ở thành phố ăn
sướng, về đây ăn khổ với gia đình dì một bữa. Rau mắm cho biết mùi nhà
quê". Chúng tôi vào, ngồi trên một phản gỗ cũ ở nhà trên. Cô Liễu lấy cái
quạt bằng mo cau quạt cho chị em tôi. Tôi hơi ngạc nhiên. Chúng tôi chỉ là
người tản cư đến ở nhờ trong vườn cô, cách nay đã gần năm mươi năm, đã thành
người xa lạ, sao cô lại vui mừng, tử tế đến như vậy? Cô không hề biết tôi là
Việt kiều để giả vờ thân tình mà hi vọng quà cáp. Chị tôi thật sự cảm động
"Xin cô đừng bận tâm. Tụi con khổ quen rồi, ăn uống sao cũng được. Bây giờ
cô kể cho tụi con nghe chuyện gia đình cô. Chắc ông bà Tuần (ba mẹ cô) không
còn nữa? Nhà vắng vẻ quá! Chú Mạnh ra sao? Con cái, gia đình cô ra sao?"
"Cậu Mạnh cũng lớn tuổi rồi, cũng con cháu đầy nhà, nhà gần đây, ăn uống
xong dì đưa đi thăm. Con gái dì dạy học, chồng nó cũng là thầy giáo, mấy đứa
cháu ngoại đi học ngoài trường huyện. Tụi nó cũng sắp về rồi. Dì chỉ có một đứa
con gái. Chồng dì, thời kháng chiến chống Pháp, coi như mất tích năm năm ba
(1953). Nó sinh ra không thấy mặt cha, chỉ thấy tấm hình. Dì ở vậy nuôi
con" Rồi cô thở dài "Bây giờ thì coi như ổn định rồi. Con cháu đầy
đủ. Chỉ có dì, bịnh già, thuốc men hoài cũng vậy..." Chị tôi nói "Bây
giờ tụi con sống cũng đắp đổi, không nghèo khổ lắm đâu. Mời cô về thành phố ở
chơi với tụi con mấy bữa, nhân dịp đưa cô đi bác sĩ, coi có bịnh gì thì chữa
cho cô. Mẹ tụi con mất rồi, bây giờ tụi con coi cô cũng như mẹ, cô đừng ngại.
Thời tản cư, ông bà Tuần cũng như cô, chú trong gia đình nầy đối xử với gia
đình tụi con quá tốt. Con tuy còn nhỏ nhưng cũng nhớ sự giúp đỡ đó. Mẹ con cứ
nhắc hoài về lòng tốt của gia đình cô" Cô cười "Thời đó thì ai cũng
khổ, gia đình dì cũng áy náy lắm vì chẳng giúp đỡ được gì cho gia đình các con.
Hai con định ở lại đây chơi mấy bữa hay chiều nay về? Nhà dì quê mùa, không dám
ép, để mấy đứa bây tùy ý. Nhưng dù sao cũng ăn bữa cơm rồi hãy về. Ngồi đó chơi
để dì đi bắt con gà làm thịt, ở đây chẳng có chợ búa, mua bán gì cả" Chị
tôi vui vẻ theo cô xuống bếp bắt gà làm thịt, tôi thì ngồi nhìn vơ vẩn trong
nhà. Nhà thôn quê nào cũng giống nhau, căn giữa làm nơi thờ phượng, trước bàn
thờ có bàn nước để tiếp khách, hai bên là giường hay phản, thường chỉ để cho
đàn ông ngủ. Tôi nhìn lên bàn thờ thấy mấy tấm di ảnh, trong đó có hình ba tôi.
Thật tâm, tôi cũng chỉ biết ba tôi qua tấm hình để thờ ở nhà tôi, chứ trong ký
ức, tôi chỉ nhớ dáng ba tôi cao lớn, oai hùng, mắt sáng, đeo súng lục bên lưng
và cưỡi một con ngựa xám. Tôi thắp nhang, cúng lạy rồi cắm vào bát nhang. Tôi
thấy sau bức hình ba tôi có một gói ny lông nhỏ. Tôi tò mò thò tay lấy, mở ra, thì thấy đó là chiếc áo đàn ông. Áo
bằng vải ka-ki trắng nhưng bạc màu, sờn mòn, có vài miếng vá, có lẽ là của ba
tôi được gia đình nầy giữ làm kỷ niệm. Tôi để lại chiếc áo sau tấm hình rồi
xuống bếp hỏi cô Liễu "Cô làm sao có được hình ba tụi con mà thờ hay quá
vậy?" Cô đang đun bếp quay lại giải thích "Thời kháng chiến cũng có
chụp hình, nhưng hình chụp chỉ bằng lóng tay. Ba con để lại tấm hình đó cho gia
đình dì. Khi được tin ba con mất tích, dì đem tấm hình đó xuống chợ, nhờ người
ta vẽ lớn để thờ" "Cô biết ba tụi con mất khi nào không?"
"Khi gia đình các con hồi cư về thành phố, thỉnh thoảng ba các con đi công
tác thường ghé về ngủ lại ở căn nhà cũ của gia đình con bỏ lại. Chừng mươi
ngày, nửa tháng ghé một lần. Ăn uống nhà dì, ngủ lại, sáng hôm sau là đi. Bao
giờ cũng đi lúc gần sáng" "Cô có biết ba con làm chức vụ gì trong
kháng chiến không?" "Dì không hỏi nhưng đoán chừng ba con làm lớn
lắm. Cưỡi ngựa, đeo súng lục đâu có phải nhỏ. Đôi khi ba con có kể chuyện thành
phố. Dì không hiểu sao ba con lại biết chuyện thành phố? Sau nầy ba con mất
tích, có người ghé qua đây báo tin cho dì. Dì cũng hiểu lờ mờ rằng mỗi lần bộ
đội đánh trại lính Pháp, ba con thường giả làm ăn mày, vào thành phố dọ xét
trước. Không hiểu ba con bị Pháp bắt hay tử trận. Không ai cho dì biết rõ! Đó
là vào khoảng năm năm ba (1953), gia đình dì lấy ngày cuối cùng còn thấy ba con
làm ngày giỗ".
Tôi
bỏ lên nhà trên rồi bước ra sân đứng ngó mông. Cảnh thôn quê với núi rừng, êm
ả, thanh bình, chỉ có tiếng chim kêu trong bụi cây, tiếng gió rì rào ở hàng
tre. Tôi đoán chừng cả thôn chỉ khoảng vài mươi nóc gia. Thôn trang hẻo lánh
nầy như ở một thế giới khác, rất xa xưa, như chuyện cổ tích. Chung quanh là núi
cao chót vót, thành bức tường, ngăn cách với thế giới bên ngoài. Thật giống như
trong một truyện truyền kỳ. Có một làng nọ, người dân tự động kéo vào một thung
lũng nằm sâu trong rừng núi trùng điệp để tránh chiến tranh. Cả trăm năm sau,
có người lạc vào đấy, dân làng hỏi "Ông vua gì đấy còn làm vua
không?"...
Đang suy nghĩ vẩn vơ, tôi bỗng nghe tiếng chào
"Chào chú!" Tôi quay lại. Đó là một chị đàn bà tuổi khoảng bốn mươi,
đang dẫn xe đạp vô nhà. Có lẽ là con gái cô Liễu đi dạy về, vào bằng ngõ sau
nên tôi không thấy. Chị ta trẻ hơn tôi chưa đến mươi tuổi mà lại kêu tôi bằng
chú! Tôi chào lại "Chào chị!" Chị ta cười, giọng thân mật "Mời
chú vô nhà!" Tôi thấy, dưới chiếc nón, gương mặt chị ta rất quen. Quen
thuộc đến độ như người thân thiết. Chị ta bỗng dừng bước, nghiêng nón quay nhìn
tôi, vẻ ngạc nhiên. Từ đôi mắt long lanh của chị ta, tôi nhận được những tín hiệu vui mừng, đầy
bao dung và triều mến. Tôi linh cảm như chúng tôi có một liên hệ thân thiết nào
đó. Nhưng tôi biết chắc chưa hề gặp chị ta bao giờ. Tôi cười "Tôi đứng chờ cơm. Trong nhà nấu nướng
xong tôi mới vào" Chị ta không nói gì, dẫn xe vô nhà. Tôi nghe chị ta hỏi
"Mấy đứa nhỏ chưa về hả mẹ?" Rồi có tiếng chào hỏi, cười nói của mấy
người đàn bà sau bếp. Một lúc, tôi nghe tiếng cô Liễu gọi tôi "Con vô đây
dì nói chuyện nầy cho nghe. Hay lắm!" Tôi đi vào, cô nắm tay tôi kéo đến
trước một chiếc tủ đứng, tủ có cánh cửa là một gương soi lớn, có thể thấy được
từ đầu đến chân. Cô bảo "Cứ đứng đây chờ dì" Tôi không hiểu gì cả,
nhưng vẫn nghe lời cô, đứng yên đấy. Rồi cô xuống bếp lôi chị tôi lên,
đứng sau lưng tôi. Cô lại kêu vọng vào
trong phòng, "Thay đồ xong chưa? Ra đây mẹ bảo chuyện nầy". Chị đàn
bà lúc nãy từ trong phòng đi ra. Chị ta mặc một bộ bà ba trắng. Cô Liễu đẩy chị
đàn bà tới, đứng cạnh tôi. Rồi cô dùng tay ép đầu tôi và đầu chị đàn bà tựa vào
nhau, giống như người thợ chụp hình, sửa soạn chụp hình kỷ niệm cho hai người
yêu hay đôi vợ chồng. Chị đàn bà tựa người và đầu vào tôi, nhìn tôi trong
gương, yên lặng cười và chờ đợi. Chúng tôi không biết cô định làm gì nữa đây?
Bỗng chúng tôi nghe cô khóc, giọng nghẹn ngào "Nhìn vô gương coi thử. Hai
đứa con có giống nhau không?" Bấy giờ tôi mới để ý và kinh ngạc. Tuy là
nam và nữ, nhưng tôi và chị đàn bà lại giống nhau như khuôn đúc. Từ gương mặt,
đôi mắt, lông mày, chiếc mũi cho đến miệng cười.
Cô
vẫn khóc và nói tiếp "Các con nhìn anh em nhau đi. Chị em, anh em ruột
thịt đoàn tụ nhau. Cùng cha khác mẹ đó!"
PHẠM THÀNH CHÂU