Nhờ ông Hồ Đình
Nghiêm viết trên Facebook tôi mới biết ngày đầu tháng 10 là ngày của người cao
niên. Tiếng Mỹ của ngày này là International
Day of Older Persons. Thường chúng ta gọi những older persons là người già nhưng với sự lịch thiệp ngày nay người
ta kêu là cao niên. Dù sao, cái loại người phế thải mà cũng còn được nhớ tới là
vui rồi. Khi loan báo tin vui này, ông Hồ Đình Nghiêm điểm danh: “Ở khu chăm nói tiếng mẹ đẻ, tôi thân thiết với hai nhà thơ: Luân Hoán,
Hoàng Xuân Sơn. Hai nhà văn: Võ Kỳ Điền, Song Thao. Tôi gọi bốn vị bằng anh, vì
tôi tri thiên mệnh trong khi họ thuộc dạng cổ lai hy. Họ chẳng thích nuôi râu,
chứ nếu thả giàn để râu ria ra rậm rạp thì e “bác Hồ” phải nể mặt tủi hờn đọ
không lại kính nhi viễn chi”.
Anh em viết
lách nơi đây còn có thêm hai ông nữa là Trang Châu và Lưu Nguyễn. Ông nào cũng
đã vượt qua ngưỡng “cổ lai hy”. Toàn là thứ quý hiếm! Vậy là có sáu anh “cổ lai
hy” và một anh “tri thiên mệnh”. Nói theo kiểu bỗ bã thì anh nào cũng già hết
rồi, bút đã cùn, mực đã cạn. Già hung và già chưa hung. Ông Hồ (ý nói Hồ Đình
Nghiêm) là người “trẻ” nhất. Gọi là trẻ nhưng cũng đã đủ tiêu chuẩn xếp vào
hạng “cao niên”. Cái xứ Montreal này là xứ lạnh, dư thừa tuyết trắng vào mùa
đông. Tuyết là thứ chỉ đẹp khi nhìn từ xa. Sống với tuyết cực lắm. Áo trong áo
ngoài, áo dạ áo len, quần ba bốn lớp, giầy bốt lót chân. Ông Hoàng Xuân Sơn kể
khổ:
40 năm xỏ giầy mang ủng
không dám. chưa quen cái lạnh tràn
hồn tóp teo dưới tầng áo xống
bận, hay đừng đều cũng hở hang
Mùa đông
những người cao tuổi như chúng tôi teo tắt lẩn trốn. Tất cả ngồi ôm cái lò sưởi
trong nhà, ngại ra ngoài cà phê cà pháo với nhau. Tuổi trẻ họ thách thức cái
lạnh, đi ra đi vào như thường tình, giầy vải bước mạnh bạo trên tuyết như giỡn.
Giới cao tuổi, mang giầy bốt đế gồ ghề chống tuyết mà đôi khi vẫn lăn kềnh ra
lề đường. Điểm hết mặt anh em chúng tôi, hình như chưa có người nào tránh được
chuyện vồ ếch ngoài đường. Năm nào như năm nấy, chưa xoạc cẳng như bà Hồ Xuân
Hương được coi như trúng số. Người có cái té nhớ đời nhất, nực cười thay, lại
là chú Hồ, người ít thâm niên sống trên đời nhất trong bọn viết lách chúng tôi.
Cú vồ đã đưa chú vô nằm bệnh viện mà tay vẫn nắm chú ếch!
Năm 1993, nhà
thơ Đỗ Nghê, tức bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, đã ghé qua Montreal chúng tôi. Ông đã ghi
lại trong bài thơ “Mới Hôm Qua Thôi”. Tôi trích vài đoạn.
Họ ngồi đó
Hói đầu
Bạc trắng
Móm sọm
Nhăn nheo
Mới hôm qua thôi
Nào vương
Nào tướng
Nào tài tử
Nào giai nhân
Ngựa xe
Võng lọng
……..
Ngoài kia
Tuyết bay
Trắng xóa
Ngoài kia
Dòng sông
Mênh mông
Mênh mông…
Năm 1993,
cách đây gần ba chục năm. Tôi nhớ chúng tôi không gặp nhà thơ Đỗ Nghê. Có lẽ
ông qua thành phố này vào những ngày đông giá, thời gian chúng tôi rụt cổ co
vòi. Vậy những con người trong thơ của ông chắc không phải hình hài chúng tôi.
Thiệt may!
Dù măng sữa
nhất trong bọn, chú Hồ Đình Nghiêm vẫn dư sức được liệt vào hạng cao tuổi. Vậy
tất cả đều được có phúc có phần trong ngày này, một ngày được Liên Hiệp Quốc
đặt để đàng hoàng chứ không phải thứ cha căng chú kiết. Ngẫm ra cũng khoái cái
bụng, nhưng nếu biết trên thế giới này có ngày ong, ngày kiến, ngày trà, ngày cà
phê thì cái vui đã bị khoét đi một khúc. Dù sao, cái thứ tưởng đã bị bỏ vào kho
mà còn được mang ra đánh bóng, ban cho một ngày ghi nhớ, kể ra cũng nên hỉ hả.
Ngày
14/12/1990, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày
1/10 hàng năm làm ngày Quốc Tế Người Cao Tuổi. Không phải bỗng nhiên mà Liên
Hiệp Quốc OK ngày này cái một mà đã có sự bàn thảo từ tám năm trước. Năm 1982,
họ đã tổ chức tại Áo một đại hội thế giới về tuổi già với sự tham gia của trên
ba ngàn đại biểu từ hầu hết các nước trên thế giới. Hội nghị thông qua chương
trình giúp đỡ các ông già bà cả trên toàn thế giới trong sáu lãnh vực: sức khỏe
và ăn uống, nhà ở và môi trường, gia đình, dịch vụ và bảo trợ xã hội, việc làm,
nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi về cuộc sống.
Ngày quốc tế
người cao tuổi đầu tiên được tổ chức vào ngày 1/10/1991. Nhân dịp này, Liên Hiệp
Quốc ra một thông báo: “Nội dung và lãnh vực hoạt động nhân Ngày Quốc Tế về
Người Cao Tuổi, tùy theo điều kiện của
mỗi quốc gia, có thể đề cập đến các lãnh vực cụ thể gồm: sự cống hiến của người
cao tuổi trong khoa học, văn học, nghệ thuật, thể thao và phát triển xã hội;
những hoạt động hữu ích trong phạm vi gia đình, cộng đồng, học đường và thương
mại. Bên cạnh đó, cần biểu dương những đóng góp trong nhiều lãnh vực đối với
cộng đồng, cũng cần đề cập đến nghĩa vụ của xã hội đối với người cao tuổi, nhất
là những người đang gặp khó khăn trong đời sống do tuổi cao, sức yếu”.
Anh em chúng
tôi, vừa vác nặng tuổi trên vai, vừa cầm chắc cây viết trong tay, còn ti toe
chi được thì cứ ti toe. Người nào cũng run run gõ bàn phím. Nếu có thể được, in
tí sách cho vui. Vui theo đúng nghĩa. Sách bi chừ là thứ rất tế nhị. In ra cho
vui, tiêu thụ chán lắm. Muốn tặng cũng phải dò ý, chỉ sợ làm phiền người khác.
Cứ như kiểu in ngày xưa, mỗi lần phải cả vài ngàn bản, chí ít cũng phải trên
500 cuốn, thì bó tay. Cách in hiện đại, in từng cuốn, không cần bỏ tiền ra
nhiều. Nhưng tiền dàn trang, tiền vẽ bìa, phí tổn gửi sách, vẫn còn là trở ngại
với cái túi tiền già. Chỉ nhờ bạn bè, người vẽ bìa chùa như ông Khánh Trường,
người dàn trang free, may ra sách mới
ló mặt ra với đời được. Nhưng thời buổi này, sách đang…già đi, đang trên con
đường vào vùng phế thải, người đọc có vẻ hững hờ với sức nặng của sách. Người
ta đọc sách điện tử, vừa gọn vừa tiện dụng. Thời buổi này không ai còn luyến
lưu với mùi giấy mới, mùi mực in khi cầm trong tay một cuốn sách mới. Sách như
một thứ cổ vật, chỉ có giá trị với những người sưu tầm đồ cổ tẩn mẩn lỗi thời.
Sinh hoạt của các tác giả nằm trên các trang mạng, trên Facebook. Một thứ mì ăn
liền, ồn ào được vài ngày rồi chui xuống mộ huyệt.
Nhìn quanh,
chúng tôi như những cổ vật còn vất vưởng trên trần thế, đợi ngày có chuyến bay.
Đôi khi ngồi nghĩ lại những ngày xưa, buồn thấm ruột. Thời gian cứ lừng lững
trôi một cách đáng ghét. Ông nhà thơ Hoàng Lộc nổi sùng:
bà ngày xưa như thế
bà bây giờ như vầy
thời gian, đồ chó chết
sủa mòn hình hài nhau
……..
chào bà không ra tiếng
bà chào cũng hụt hơi
giọng hai ông bà lão
nghe quá chừng chướng tai
hỏi nhau có khỏe không
đều nghe rằng chẳng khỏe
hỏi chồng con vợ con
cười sún răng chẳng nói
mình ngày xưa là thế
sao ra nông nỗi này?
thời gian, đồ chó đẻ
làm mình thành ri đây
Ông Hoàng Lộc
nổi sùng, mắng mỏ thời gian là chuyện của ổng. Thời gian là anh tổ sư làm lơ,
xá chi chút lên ruột của anh nhà thơ chân yếu tay mềm. Cái thứ mà nhà thơ rủa
là “đồ chó đẻ” chi phối mỗi người chúng ta. Chẳng ai mà không bị bào mòn, chỉ
khác nhau cường độ. Nhưng cũng có những người coi thời gian như pha, tuổi có
thêm nặng nhưng tâm hồn vẫn nhẹ nhàng phơi phới. Càng già càng dẻo càng dai. Cụ
Nguyễn Công Trứ khi “mái tuyết đã phau phau” mà vẫn cưới nàng hầu là một thí
dụ.
Trong trần thế duyên duyên nợ nợ
Duyên cũng đành mà nợ cũng đành.
Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một với mình là hai
Càng già càng dẻo càng dai!
Cụ Nguyễn xưa
rồi, chuyện “càng già càng
dẻo càng dai”
mới toanh là chuyện của hai cụ Ralph Insinger, 87 tuổi, và cụ Roz Lewy, 81 tuổi.
Cả hai đã hưu và đều góa. Họ ở cách xa nhau 1500 dặm. Người Boston, tiểu bang
Massachusett, kẻ Palm Beach Gardens, tiểu bang Florida. Con chim bắc cầu ô
thước chính là con gái của cụ bà Lewy. Cô là một luật sư ở Boston mà cụ ông
Insinger là một thân chủ. Cô có cảm tình với ông này vì “ông nhắc tôi nhớ đến
cha tôi”. Cô mời mẹ tới Boston chơi để giới thiệu hai người. Cụ Lewy, đã có tới
6 đứa cháu, gật đầu liền. Họ gặp nhau và ông Insinger thấy “tim đập nhanh hơn”.
Ba người cùng nhau đi thăm các viện bảo tàng, các phòng tranh. Tháng 2 năm
2019, ông Insinger bay qua Florida. Ông kể: “Chúng tôi đi thăm nơi này nơi kia,
đi ăn tiệm và nói chuyện tâm đắc với nhau”. Xa nhau, họ trao đổi với nhau hơn
200 e-mail. Trong một mail, cụ Insinger viết: “Mặt trời chưa
mọc nhưng ánh trăng của em đã làm cho bữa nay thành một ngày rực rỡ”. Thư trao
đổi giữa họ đầy những câu chữ và vần thơ rất thơ mộng của một cặp tình nhân
nhất định không chịu khuất phục trước tuổi già. Tất cả các e-mail này đã được
in trong cuốn sách “Beyond Beyond: A
Chance Encounter, an Online Courtship, and the Language of Love”. Các cụ
muốn cua bồ cao tuổi có thể mua cuốn này về tham khảo. Họ đã tổ chức đám cưới
vào tháng 9 năm 2020. Trên chiếc bánh cưới chỉ ghi vỏn vẹn hai chữ: “Ah...Love!”. Ôi tình yêu! Cụ Insinger
cho biết tại sao có hai chữ này: “Nó diễn tả cảm xúc của tôi với Roz. Chúng tôi
cảm thấy mỗi người là một món quà tặng cho người kia”.
Tôi muốn nhắc ông Hoàng Lộc là với
những tâm hồn còn sũng tình yêu, thời gian không phải là “đồ chó đẻ” mà chỉ là
những con số vô nghĩa. Mà nhắc ông Hoàng Lộc về tình yêu là chuyện chở củi về
rừng. Ông Hoàng Lộc vẫn được anh em viết lách khâm phục những vần trăng hoa. Thơ
ông chưa bao giờ hết đẫm tình, từ thuở
nào tới giờ.
em cứ hoài tơ tóc
với anh
sớm mai đời cho tới
hoàng hôn
trăm năm rồi tới
trăm năm nữa
hai đứa còn nhau
mãi được còn.
“Trăm năm rồi tới trăm năm nữa”, hai
cụ Insinger và Lewy chỉ đáng xách dép cho bạn tôi!
SONG THAO
10/2022