Sunday, October 16, 2022

2633. NGUYỄN QUANG CHƠN Nói láo

Không hiểu sao bây giờ thấy người ta “nói láo” nhiều quá. Nói láo “đa cấp”, nặng nề trên mọi tầng lớp…

 

Nhan nhản trên tivi, trên mạng xã hội, trên báo chí. Người láo với người. Quan láo với dân. Doanh nghiệp láo với khách hàng. “Đồng chí” láo với “đồng chí”. Thầy tu láo với đạo hữu… Thật là một xã hội đã bị MẤT NIỀM TIN vì láo!…

 

Ông tiến sĩ này, ông giáo sư nọ nhơn nhơn quảng cáo “siêu thuốc” chữa bệnh từ gout đến tiểu đường, đến yếu sinh lý, cứ như là thần dược. Ông quan đăng đàn dạy dân liêm khiết chưa được mấy hôm thì vào tù vì tham nhũng, hối lộ, như ông bí thư HD, ông bộ trưởng TTTT…, đến như ông viện trưởng lý luận trung ương cũng vào tù nốt thì quả thật, ở xã hội này sự “chân thật” không còn chỗ đứng!…

 

Tôi ngạc nhiên khi chứng kiến (nghe) nhiều người bạn (thân) tôi nói láo. Một ông làm quan đang nhậu cùng tôi, điện thoại đến, ông ra dấu im lặng và nói dối tỉnh bơ “đang trên đường đến xã X để làm việc”. Một người bạn đi xe cùng tôi, có phone đến hỏi đi với ai, anh bảo đi một mình. Một cô gái thêu dệt oang oang về chuyện gia đình làm tôi tá hoả, bởi mình cũng là người trong cuộc, trong câu chuyện. Tôi hỏi họ cơ duyên gì mà phải nói láo, chỉ nhận cái cười trừ!…

 

Hình như láo là một thói quen, nên họ thấy bình thường, không xấu hổ. Hay cứ tưởng, anh láo thì tôi cũng láo. Hay đời này láo cả, mình không láo thì mình thành thằng hâm. Láo miết đến khi họ cũng tin chuyện phịa của mình là sự thật….

 

Ông Goebbels Đức quốc xã dạy dỗ cứ nói láo ngày này sang ngày khác thì chuyện láo sẽ thành chuyện thật, bộ máy tuyên truyền của các nước độc tài hiện nay cũng áp dụng chính sách này. Ngày xưa mẹ thầy Tăng Sâm phải bỏ khung dệt chạy ra chợ xem con mình có giết người không cũng vì những tin láo (fake news) cứ dồn dập đến tai!….

 

Từ nhỏ tôi đã được gia đình và thầy cô dạy dỗ không nói láo. Đã thuộc lòng bài “Lời mẹ dặn” của nhà thơ Phùng Quán “ Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai ngon ngọt nuông chìu, cũng không biến yêu thành ghét!…”. Rồi lớn chút nữa, đọc “Những người khốn khổ” của Victor Hugo thấy mấy vị nữ tu vì cứu Jean Valjean mà nói láo với thanh tra Javert. Mới biết rằng nói láo mà không gây thiệt hại ai, thậm chí cứu giúp được người khốn khổ thì nói láo không tội lỗi….

 

Bạn và tôi chắc chắn cũng nhiều lần nói láo chứ chẳng phải không. Nói láo với ba mẹ để chạy chơi với bạn. Nói láo với bạn để khỏi đến một cuộc gặp có những người ta không thích. Nhậu với bạn nói láo vợ là đi công chuyện, những cái láo chẳng hại ai!…

 

Tôi có khiếu kể chuyện. Những câu chuyện thật qua tôi kể giống như hư cấu, người lạ thì bảo tôi bịa, người trong cuộc thì biết rằng đó là sự thật 100%. Như ông nhà văn NNNg trong Paris By Night, ông kể chuyện tiếu lâm mặt tỉnh bơ mà ai cũng cười, còn mấy anh hề thọc lét chỉ làm người ta nhột nách, bực mình!….

 

Hồi còn làm việc, anh em nói, giới thiệu sản phẩm (marketing) là phải nói láo. Tôi bảo với anh em rằng điều đó là sai, không đúng văn hoá công ty và thật sự sản phẩm của chúng ta đang phấn đấu đến sự hoàn thiện, có ưu có khuyết là chuyện bình thường, nên khi chào mời, ta chỉ cần nhấn mạnh đến cái ưu, chẳng ai bắt ta phải khai ra cái khuyết. Ông bà chẳng nói “Tốt khoe, xấu che” đó sao. Xấu mà nói tốt mới là nói láo. ( Tuy nhiên, với thực phẩm, thuốc men, cần phải nói rõ những tác dụng phụ của các món hàng)!…

 

Nói láo có mang tội không? Có đó, bao nhiêu gia đình tan gia bại sản vì nghe lời nói láo, hứa hẹn suông. Bao cô gái nhẹ dạ bị mất tình mất tiền bởi trái tim lừa lọc. Bao nhiêu dân tộc bị khốn đốn vì sự dối trá của chủ nghĩa, của lý thuyết, của ngọn cờ!…

 

Nói láo là điều không nên. Chúa hay Phật cũng có lời răn như thế. Một xã hội mà người dối người, anh dối em, cha mẹ dối con, trên dối dưới, dưới dối trên…, tắc sẽ loạn và chẳng mấy khi thể chế đó sẽ bị lụi tàn, đất nước sẽ bị bại hoại và lệ thuộc!…

 

Mong sao con người biết ngượng mồm khi nói láo, quan biết giữ lời hứa với dân. Mong sao chúng ta có một nền giáo dục chân thật không cần thành tích, không câu nệ hình thức để thành dối trá như hiện nay. Dối hay đi với trá. Khi nói dối, không tự nhận mà đổ lỗi cho những nguyên nhân khác (trá). Những lũ, lụt, ngập hại miền trung những ngày qua và những nguyên nhân mà nhà nước đưa ra là sự “trí trá” cho những nguyên nhân đích thực. Dối cũng đi đôi với lừa. Nói dối, nói láo đến khi thành niềm tin của người khác thì sẽ biến thành lừa đảo…

 

NQC

16.10.22