Lần đầu
tiên tôi gặp Đinh Cường là vào một buổi xế trưa đầu hè 1974. Tôi và Lê Thành
Nhơn ra phi trường Nha Trang đón Cường về nhà, chuẩn bị cho một cuộc triển lãm
cá nhân do đại học Duyên Hải tổ chức. Chúng tôi trở thành bạn thân từ đó. Cùng
với Lê Thành Nhơn, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Huy Tưởng chúng tôi làm việc chung
với nhau ở Duyên Hải trong một số chương trình nhân văn, chia sẻ những ước mơ
đẹp về một tương lai cần có cho những thế hệ tiếp nối đào tạo từ ngôi trường
này. Thời gian sinh hoạt chung với nhau khá ngắn nhưng đã để lại nhiều kỷ niệm
khó quên.
Sau 1975,
đại học Duyên Hải không còn nữa. Lê Thành Nhơn đi tỵ nạn ở Úc, sau đó tôi đi
Mỹ. Hơn hai mươi năm sau tôi mới gặp lại Cường, chị Tuyết Nhung, và các cháu,
sang định cư ở Virginia. Tôi có phụ với Phạm Nhuận và một số bạn khác tổ chức
cuộc triển lãm đầu tiên của Cường ở Mỹ. Từ đó, chúng tôi gặp gỡ nhau khá thường
xuyên. Tôi ngờ rằng đời sống ở Mỹ có thể tốt cho các cháu nhưng không chắc nó
hợp với Đinh Cường, vốn sống nặng về nội tâm, quen gần gũi những bạn bè thân
tình từ thuở còn trẻ. Tuy vậy, tôi vẫn thấy được nơi Cường một thái độ nhẫn
nại, thâm trầm trong cố gắng giữ cân bằng giửa đời sống một con người bằng
xương, thịt phải đương đầu với những vấn đề rất thực tế của xã hội Mỹ với đời
sống của một nghệ sĩ có một thế giới rất riêng tư. Một thế giới của nghệ thuật,
của tình bạn, của những nơi chốn luôn gắn liền với cuộc đời mình, như Huế, như
Sài Gòn, như Dran, như Bình Dương,... và của hồi tưởng, nói chung. Thỉnh
thoảng, tôi vẫn cảm nhận được nơi Cường ít nhiều chao đão trong nỗ lực cân bằng
đó.
Đinh
Cường là một tài danh lớn của hội họa Việt Nam, và là một bạn hiền, bạn tốt của
hầu hết họa sĩ, văn thi sĩ được biết đến, thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Lớp
già, không còn trên trần gian nữa, như Bùi Giáng, Nguyễn Tuân, Bùi Xuân
Phái, Mai Thảo, Võ Phiến, Võ Đình, Thái Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, … Cùng trang
lứa, như Trịnh Công Sơn, Lê Thành Nhơn, Bửu Ý, Bửu Chỉ, Hải Phương, Nguyễn Đức
Sơn, Lữ Quỳnh, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, ... Lớp trẻ hơn, như Trần Vũ, Nguyễn
Thị Thanh Bình, Hoàng Ngọc Tuấn, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Hoài
Thư, Nguyễn Đình Thuần,... Không giống như nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, Đinh
Cường rất trân trọng công trình của người khác, một cách đặc biệt. Hầu như tất
cả được Cường vẽ chân dung hay phác họa chân dung, hay làm thơ đề tặng, không
phải chỉ một lần, mà có người, rất nhiều lần. Có lẽ Đinh Cường là người họa sĩ
nổi tiếng duy nhất của Việt Nam đã viết sách, rất công bình, với nhận định sâu
sắc và từ tốn, về những họa sĩ thuộc lớp đàn anh đã có công lớn cho hội họa
Việt Nam, bằng tác phẩm của họ hay bằng công trình đào tạo tài năng cho
các thế hệ sau.
Có một
điều tôi muốn thổ lộ ở đây, vì, có thể, nó cũng giống với tâm trạng nhiều bạn
bè khác hay của nhiều người xem tranh, đọc thơ Đinh Cường. Dù luôn luôn là bạn
tốt, trong suốt một thời gian khá dài, tôi với Cường sống trong hai thế giới
khác nhau, phần trùng hợp không lớn. Thế giới của tôi khá bình dị, gần với thực
tế, không có những lực đè nén để buộc tôi phải chìm đắm vào những lớp sâu của
tâm hồn. Tôi thích thơ của Đinh Cường, tôi ngưỡng mộ tranh của Đinh Cường. Tôi
cảm được có một giá trị cao nơi tác phẩm của bạn tôi. Bố cục, màu sắc, hình
họa, và tính trừu tượng rất đặc thù. Tôi cũng cảm được rằng ở đây dường như có
một chút phối hợp hài hòa giửa Modighiani với Picasso, và trên hết là của chính
tài năng và tâm hồn của Đinh Cường, rất riêng. Tuy nhiên, dù ngưỡng mộ, tôi vẫn
cảm thấy một chút xa cách. Chẳng hạn, tôi biết được, thấy được những thiếu nữ
trong tranh Đinh Cường đẹp, rất đẹp, nhưng tôi không thấy gần với họ, không có
cảm giác mình đụng được những con người như thế. Cho đến khi, tôi bắt đầu vẽ,
bắt đầu xa rời dần cái thực tại bình thường của đời sống hằng ngày để đi vào
cái thực tại của nội tâm. Lúc đó, những thiếu nữ của Đinh Cường cũng bắt đầu
rời khỏi những con đường nhỏ của cố đô Huế năm xưa, hay rời khỏi những nấm mồ
hoang sau nhà Bồ Tùng Linh, để đi vào thế giới riêng của tôi, như những con
người rất thật. Cả cái nhà thờ con gà ở Đà Lạt, những phố xá, núi đồi trong mù
sương ở Dran, hay anh da đen thổi kèn đồng ở Mỹ, v.v., đều như thế. Tất cả
khiến cho cái thế giới nội tâm của tôi nhộn nhịp lên, làm cho đời sống giàu
hơn.
Người vẽ
tranh, người làm thơ Đinh Cường chắc chắn có được một niềm hạnh phúc lớn khi
bằng nổi đam mê, tài năng, trí thông minh, và sức làm việc kiên trì để tạo nên
những tác phẩm để đời, ưng ý. Niềm hạnh phúc đó không mấy ai khác có được. Tuy
nhiên, khi tập tểnh bước vào cái thế giới của nghệ thuật, tôi cũng bắt đầu hiểu
ra rằng mọi thứ không hẵn đơn giản như thế. Không hẵn chỉ có cái hạnh phúc đó.
Nó còn có đau đớn, dằn vặt. Nó phải như thế nào để có chuyện Van Gogh tự cắt lỗ
tai ông. Đam mê càng lớn, ước vọng càng cao, càng dễ thấy cái giới hạn của sức
lực mình. Ráng tạo một tác phẩm như ý rất thường khi không khác như lao đầu vào
một cuộc chiến của nội tâm. Dù xung quanh có bao người thân yêu, có bao bạn bè
tốt, cuối cùng cũng chi có một mình mình thôi phải đương đầu với nó. Nỗi cô đơn
rất khó tả.
Thường
tình là như vậy, huống chi, khi biết mình mắc thêm một chứng bệnh trầm kha. Lúc
đầu, bạn tôi vẫn giữ nguyên cái an nhiên, tự tại thường tình, và tin tưởng
nhiều vào khả năng của y học. Vẫn vẽ nhiều, vẫn viết nhiều, vẫn gặp gỡ bạn bè
thường xuyên, như không có gì xảy ra. Chấp nhận những đau đớn của chemo như
điều không thể tránh. Cho đến khi, cơ thể yếu hẵn dần. Lúc đó, theo dõi
những bài thơ trên blog Phạm Cao Hoàng, những bài thơ được viết ra như viết
nhật ký, tôi có cảm tưởng nửa khuya nào bạn tôi cũng thức dậy. Ngó qua khung
cửa sổ, nhìn bóng đêm, nhìn vầng trăng. Rồi, nhìn lên kệ sách. Rồi đi tìm những
cuốn sách, những bài thơ của bạn bè. Rồi viết cho người này, người nọ, cho
những người còn sống, cho những người đã chết. Thi thoảng còn từ ký ức phác họa
vài chân dung của bạn bè. Tôi cảm phục sức làm việc phi thường, ý chi cống hiến
thanh thoát, nhưng đồng thời, tôi cũng cảm nhận được nổi cô đơn cùng cực của
bạn. Nói như Đinh Trường Chinh, "cô đơn đi vào bóng tối".
Chỉ trong
ba năm sau cùng, Đinh Cường đã đăng 875 bài thơ cùng với một số lượng tranh
tương tự, theo ghi nhận trên blog của Phạm Cao Hoàng. Chúng ta không cần
phải trở về thi ca đời Sơ Đường, đọc Lý Thương Ẩn để cảm thán với câu
"xuân tàm đáo tữ ti phương tận" mà Nguyễn Du dịch là "con tầm
đến thác vẫn còn vương tơ". Chỉ cần đọc hết một phần những bài thơ đó, xem
hết một phần những bức tranh đó, cũng đủ kinh hoàng với sức nhả tơ của một con
tầm như chúng ta biết.
Họa sĩ
Đinh Cường đã cống hiến cho hội họa Việt Nam một tài sản lớn. Nhà thơ Đinh
Cường đã làm thơ rât nhiều, như một cách thể hiện cái vi tế và phong phú của
đời sống, rất đặc thù, Tôi nhớ, có một câu nói ở dâu đó, "nhân tài như lá
mùa thu".
Một chiếc
lá mùa thu rất đẹp vừa rơi xuống!
TRƯƠNG VŨ
Maryland, ngày 12 tháng 1 năm 2016