Ernest Miller Hemingway (1899 – 1961)
Nhà văn Mỹ, sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn,
nhà báo, và người yêu chuộng thể thao, săn bắn. Lý thuyết “Băng trôi” (Iceberg
theory) (lý thuyết về kỹ thuật viết văn) của ông đã ảnh hưởng lớn trong văn
chương hư cấu của thế kỷ 20. Đời sống giang hồ phiêu lưu của ông cũng tạo ra một
số người hâm mộ qua nhiều thế hệ. Giải Nobel năm 1954 đã trao tặng về tay ông với
sự nghiệp văn chương bảy cuốn tiểu thuyết, sáu tuyển tập truyện ngắn, và ba tác
phẩm văn xuôi khác: A Moveable Feast (hồi ký), Death in the Afternoon, và The Dangerous
Summer.
Sinh quán ở Oak Park, Illinois. Tham dự trận
chiến thế giới lần thứ nhất.
Tiều thuyết đại biểu:
1925, In Our Time
1926, The Torrents of Spring
1926, The Sun Also Rises
1929, A Farewell to Arms
1933, Winner Take Nothing
1937, To Have and Have Not
1940, For Whom the Bell Tolls
1950, Across the River and Into the Trees
1952, The Old Man and the Sea
1964, A Moveable Feast
1970, Island in the Stream
1985, The Dagerous Summer
MỘT NƠI TRONG LÀNH ĐẦY ÁNH SÁNG
Đã rất muộn, mọi người rời khỏi quán cà phê,
ngoại trừ một ông già ngồi dưới bóng tàn cây, cành lá lấp ló ánh đèn. Ban ngày,
đường phố bụi mịt mù, nhưng ban đêm sương xuống, bụi lắng đọng. Ông già thích
ngồi khuya vì điếc tai, lúc này, trong đêm yên vắng, ông cảm thấy khác biệt. Hai
bồi bàn trong quán biết ông già đã ngà ngà, tuy là khách hàng thường xuyên,
nhưng họ hiểu, nếu ông say quá sẽ bỏ đi mà không trả tiền, vì vậy, phải canh chừng.
“Tuần trước, ông ta tự tử hụt.” Một anh bồi
nói.
“Tại sao vậy?”
“Tuyệt vọng”
“Về chuyện gì?”
“Không có gì.”
“Làm sao anh biết là không có gì?”
“Ông có rất nhiều tiền.”
Họ cùng nhau ngồi ở chiếc bàn sát vách gần cửa
quán, nhìn ra sân thượng, nơi tất cả các bàn đều trống ngoại trừ chỗ ông già ngồi
dưới bóng cây lay động nhẹ trong gió. Một cô gái và một người lính đi ngang
qua. Ánh đèn đường chiếu lấp lánh con số bằng đồng trên cổ áo anh ta. Cô gái
không đội mũ bước vội vàng bên cạnh.
“Lính cảnh vệ sẽ bắt anh ấy.” Một anh bồi
nói.
“Chẳng ăn thua gì nếu anh ta tìm được những
gì anh theo đuổi, phải không?”
“Bây giờ, tốt hơn anh ấy nên rời khỏi đường
phố. Lính cảnh vệ sẽ nhìn thấy, Họ vừa đi qua năm phút trước đây.”
Ông già ngồi trong bóng tối cầm ly gõ nhẹ vào
đĩa. Anh bồi trẻ lật đật đi đến.
“Ông cần gì?”
“Một ly brandy nữa.”
“Ông say rồi.” Ông già nhìn anh. Vừa nói anh vừa
bỏ đi.
“Ông ấy sẽ ngồi suốt đêm,” anh nói với đồng
nghiệp. “Giờ này, tôi buồn ngủ rồi. Tôi chưa bao giờ được ngủ trước ba giờ
sáng. Đáng lẽ ông ta nên chết tuần trước.”
Anh bồi lấy chai brandy và cái đĩa nhỏ khác từ
quày hàng, đi đến bàn ông già. Anh đặt đĩa xuống rồi rót đầy ly rượu. Nói với
lão điếc tai.
“Đáng lẽ ông nên tự sát chết tuần trước.”
Ông già dùng ngón tay ra hiệu, nói. “Thêm một
chút nữa.”
Anh bồi rót thêm. Rượu tràn, chảy leo xuống
thành ly vào lòng đĩa. “Cảm ơn,” ông già nói. Anh bồi cầm chai rượu đi vào
quán. Ngồi xuống với cạnh anh bồi kia.
“Ông ấy say rồi.”
“Đêm nào mà chẳng say.”
“Ông này muốn tự tử vì chuyện gì?”
“Ai mà biết.”
“Tự tử bằng cách nào?”
“Treo cổ.”
“Ai cứu ông?”
“Cô cháu gái.”
“Tại sao?”
“Sợ cho linh hồn ông.”
“Ông có bao nhiêu tiền?”
“Nhiều lắm.”
“Chắc ông ở tuổi tám mươi.”
“Đại khái, ông phải ở khoảng tuổi đó.”
“Tôi muốn đi về. Chưa bao giờ được ngủ trước
ba giờ sáng. Chẳng biết ông này ngủ lúc mấy giờ?”
“Ông ta thức vì ông thích như thế.”
“Ông một mình, còn tôi thì không. Có vợ đang
chờ sẵn trên giường.”
“Ông ta cũng đã từng có vợ.”
“Bây giờ, dù có vợ cũng như không.”
“Không biết được. Ông ấy có thể khá hơn nếu
có vợ.”
“Có cô cháu chăm sóc cho ông. Anh nói, cô ấy
đã cắt dây treo cổ cứu ông.”
“Ừ.”
“Tôi không muốn già như vậy. Tuổi già thật tồi
bại.”
“Không hẳn. Ông già này trông rất sạch sẽ. Uống
rượu không đổ giọt nào. Ngay cả lúc đã say. Thử nhìn xem.”
“Tôi không muốn nhìn, chỉ muốn trở về nhà.
Ông ta không quan tâm gì về những người phải làm việc.”
Ông già nhìn khoảng sân qua chiếc ly trong, rồi
nhìn qua hai anh bồi. Đưa ly rượu ra.
“Một ly brandi nữa.” Anh bồi vội vã đi đến.
“Hết rồi.” Nói bằng giọng cộc lốc mà những
người ngu ngốc thường dùng để nói với người say hoặc người ngoại quốc. “Đêm
nay, không bán nữa. Đóng cửa ngay bây giờ.”
“Một ly nữa.”
“Không. Hết bán.” Anh bồi lấy khăn lau mép
bàn rồi lắc đầu.
Ông già đứng lên, chậm rãi đếm các đĩa, lấy
chiếc ví da đựng tiền lẻ trong túi, thanh toán tiền rượu, để lại một pezota tiền
boa.
Anh bồi theo dõi ông đi xuống đường phố, một
ông lão đi chập choạng với lòng tự trọng.
Anh bồi không vội đi về hỏi anh kia. “Sao anh
không để ông ấy ở lại uống rượu?” Họ đang lấp đóng mấy mảnh cửa. “Chưa quá hai
giờ rưỡi mà.”
“Tôi muốn về ngủ.”
“Thêm một giờ nữa có sao đâu?”
“Đối với tôi dài hơn đối với ông ấy.”
“Một giờ đều giống nhau.”
“Anh nói chuyện giống người già. Ông ta có thể
mua chai rượu về nhà uống.”
“Không giống nhau.”
“Không, không giống.” Anh bồi có vợ cũng đồng
ý. Anh không muốn mang tiếng bất công chỉ vì muốn vội về nhà.
“Còn anh? Không sợ phải về nhà trước giờ nghỉ
việc?”
“Anh đang gây với tôi phải không?”
“Không, bạn ơi, chỉ đùa thôi.”
“Không,” anh bồi muốn về sớm vừa nói vừa chồm
lên kéo cửa sắt xuống. “Tôi rất tự tin. Tôi biết mình muốn gì.”
“Anh có tuổi trẻ, có lòng tự tin, có công việc
làm. Anh có tất cả.” Người bồi lớn tuổi nói.
“Còn anh, thiếu thứ gì?”
“Tất cả ngoài trừ việc làm.”
“Anh cũng có tất cả những gì tôi có.”
“Không đúng. Tôi chưa bao giờ có lòng tự tin
và tôi không còn trẻ.”
“Thôi đi. Đừng nói chuyện tào lao nữa. Lo đóng
cửa đi về.”
“Tôi thuộc loại người muốn ở lại quán cà phê,
với tất cả những ai không muốn đi ngủ, với những ai cần đèn sáng suốt đêm.”
“Tôi muốn đi về ngủ.”
“Chúng ta khác nhau.” Anh bồi bàn lớn tuổi vừa
nói vừa thay đồ chuẩn bị đi ra.
“Không chỉ thao thức về tuổi trẻ và tự tin, mỗi
đêm, tôi miễn cưỡng đóng cửa vì e rằng có ai đó sẽ cần quán cà phê.”
“Ông bạn ơi, có những quày rượu mở cửa suốt
đêm.”
“Anh không hiểu. Đây là quán cà phê trong
lành và dễ yêu thích. Đèn sáng đủ. Ánh sáng lúc nào cũng tốt và bây giờ có cả
bóng lá cây.”
“Chào anh.” Người bồi trẻ nói.
“Ừ, chào bạn.”
Vừa tắt đèn vừa tiếp tục nói chuyện với mình.
Dĩ nhiên, chỗ nào cũng có đèn nhưng chỗ đó chưa chắc đã sạch sẽ và dễ chịu.
Không cần nhạc. Chắc chắn, không cần nhạc. Cũng không thể đứng trước quày rượu
với sự trang trọng cho dù nơi đó là chỗ duy nhất mở cửa trong giờ này. Vậy thì
sợ chuyện gì? Không phải vì sợ hãi hoặc khiếp đảm. Đó là sự không có mà anh ta
đã biết quá rõ. Mọi thứ đều là hư không. Người cũng là hư không. Chỉ có ánh
sáng là tất cả thứ gì cần thiết với sự trong lành và trật tự nhất định. Một số
người sống trong hư không nhưng chưa bao giờ cảm nhận được. Nhưng anh biết tất
cả chỉ là hư không tiếp theo hư không và tiếp tục hư không nối dài hư không.
Nghệ thuật hư không trong hư không. Hư không là tên gọi của vương quốc hư không
sẽ là hư không trong hư không như là ở với hư không. Cho chúng ta hư không này
hư không hàng ngày và hãy hư không chúng ta hư không của chúng ta như chúng ta
hư không hư không của chúng ta và hư không của chúng ta không ở trong hư không
nhưng dẫn chúng ta từ hư không; dù sao vẫn hư không. Nửa hư không cả hư không,
hư không ở cùng chúng ta. Anh mỉm cười đứng trước quày rượu với máy pha cà phê
bằng áp suất hơi sáng bóng.
Người bán rượu hỏi. “Anh uống gì?”
“Hư không.”
Anh bán rượu quay lưng. “Thêm một thằng
điên.”
Anh bồi nói “Một ly nhỏ.”
Người bán rót rượu.
Anh bồi tiếp chuyện. “Đèn rất sáng, cảm giác
dễ chịu, nhưng quán rượu không được sạch bóng.”
Người bán rượu nhìn anh ta nhưng không nói
gì. Đã quá khuya để bắt đầu một câu chuyện.
“Anh có muốn uống thêm một ly Copita?”
“Không. Cảm ơn bạn.” Vừa nói vừa bỏ đi ra.
Anh không thích quày và quán rượu. Một quán cà phê trong lành, đầy ánh sáng
hoàn toàn khác biệt. Bây giờ, không suy nghĩ gì thêm, anh trở về nhà, vào phòng
ngủ. Nằm lên giường. Sau cùng, trong ánh sáng ban ngày, anh sẽ ngủ. Anh tự nhủ,
có thể chỉ là bệnh mất ngủ. Nhiều người cũng mắc phải bệnh này.
NGU YÊN dịch từ nguyên tác Tiếng Anh A CLEAN, WELL-LIGHTED PLACE