Tuesday, October 4, 2022

2612. PHƯƠNG THẢO HUYỀN Những con sáo nhỏ


 Tôi không biết nói gì về những người bạn nhỏ, những cô cậu học trò ngày nào của tôi. Hai tiếng biết ơn thôi, chưa đủ nghĩa. Bởi vì ở đó, tôi nhận được rất nhiều, nhiều lắm. Không chỉ là sự kính phục với người thầy dạy học, mà còn là sự ấm áp của một tình thân. Các em đối với tôi không phân biệt trai gái, qua từng năm học. Bạn bè đồng nghiệp  thường trêu bảo tôi là người có nhiều đệ tử nhất. Thật vậy, bên tôi lúc nào, bao giờ cũng có những con sáo nhỏ đó.

          

Nhớ ngày mới ra trường, nhận nhiệm sở ở một vùng ven biên. Các em nam sinh đã làm đỏ mặt cô giáo trẻ, thay phiên nhau chất vấn lý lịch cá nhân. Nhưng rất mau, tôi là người duy nhất được các em mời tới tham dự buổi tiệc chia tay, để lên đường nhập ngũ. Nói sao hết cảm xúc ngày nầy. Thời điểm của năm 1974 sôi động, trên khắp chiến trường đều vang tiếng súng, người tôi yêu dấu còn miệt mài ở chốn ba quân, tôi nói được gì với các em ngoài câu chúc lành.

          

Từ thuở đi học cho đến ngày ra trường. Bước chân vào đời, tôi còn được sống trong sự nuông chìu bảo bọc của gia đình và của Anh. Cho đến ngày đất nước hoàn toàn thay đổi. Mọi người chung cùng mệnh số. Thanh niên cả nước đi tù. Anh đi tù. Cũng như mọi người đàn bà miền Nam VN, tôi phải chuẩn bị cho mình và đứa con mới mười tháng tuổi, một đời sống mới. Tôi cảm thấy lo sợ, mất tự tin, lúng túng. Tôi có gì ngoài số vốn học hành trong trường, một ít kinh nghiệm trong giảng dạy. Cuộc đời chông gai, sóng gió bên ngoài, tôi chưa từng đương đầu, chưa phải là đối thủ nếu phải chịu đựng. Tôi không có tiền để nhảy ra thương trường và cũng chẳng yêu thích gì về mặt nầy. Bấy giờ, chỉ còn tiếp tục việc dạy học để mưu sinh, ở yên chỗ thăm nuôi chồng, và dạy con nên người.

          

Tôi tiếp tục con đường mình đi, nhưng với mọi sự bắt đầu. Cái gì cũng khác ngày trước. Tôi cố quên hết những bài thơ, câu văn ngày nào, để nhồi nhét vào đầu óc những câu giáo khoa viết sẵn. Vậy mà, các em học sinh của tôi cũng thông cảm, và càng đến gần tôi hơn.

          

Ngày trước, các em đến với tôi vì tôi còn trẻ, tự nhiên, không kiểu cách. Tôi thật sự trân trọng những ý kiến của các em, nên chúng tôi gần gũi và thông cảm nhau. Các em muốn được tâm tình, muốn được hiểu biết…Nhưng bây giờ, các em đến gần tôi, nhằm vào việc chia sẻ những cơ cực về mặt tinh thần lẫn vật chất của tôi. Tôi biết cái thế của mình. Các em cũng biết vai trò tôi hôm nay. Là những nhẫn nhục chịu đựng qua ngày đoạn tháng. Tôi biết lắm. Tôi hiểu rất rõ những tâm tình ấy. Làm sao tôi quên được những ngày lao động đầu tiên. Vét kinh trên tận biên giới Kampuchia, đi tàu gần một ngày, đêm ngủ ngoài trời, mưa ướt cả lều, sáng dậy ra đồng. Khi nhìn thấy tôi trong bộ bà ba đen, đầu lại quấn khăn, tay cầm chiếc xẻng, tụi học trò chủ nhiệm bảo cô vẫn không giống người nông dân. Các em muốn cho tôi đừng buồn, nhưng lại càng làm tôi khó chịu. Các em lăng xăng làm hết mọi việc cho tôi. Tôi phát cáu, vừa tức, vừa cảm động, bật khóc. Tôi chưa đủ sức hòa vào đời sống lao động, chân lấm tay bùn…Các em lặng thinh, một vài tiếng nói nhỏ nhẹ. Thôi cô, đừng buồn làm gì, rồi sẽ quen đi. Tôi biết chứ, rồi sẽ quen đi, hay rồi sẽ quên đi mọi thứ mọi điều.

          

Làm sao tôi không nhớ, những đêm đi dạy Bình dân học vụ. Đường khuya vắng, buồn tênh lẫn sợ sệt. Với Lê, Lý cận kề để an tâm băng qua sân vận động trước khi đến trường. Những Huỳnh, Nguyễn theo sau nói cười cho quên ngày tháng. Trong tình thân các em, tôi thấy mình tìm gặp lại cái hạnh phúc ngày nào. Ngày xưa ấy, bên cạnh Anh, tôi như một công chúa nhỏ, chẳng phải lo lắng gì. Anh chu đáo dặn dò khi ở xa, và làm tất cả cho tôi khi về phép. Anh tập cho tôi thói quen phụ thuộc vào Anh. Tôi không thể tưởng tượng được, mình sẽ như thế nào khi không có Anh bên cạnh. Vậy mà, điều không tưởng ấy lại xãy ra. Và tôi vẫn có thể đứng vững, lại gồng gánh thêm Anh, con và cha chồng.

          

Tôi thật không thể được, nếu không có ba mẹ, anh chị em yêu thương đùm bọc, lo cho từng gói quà khi đi thăm nuôi chồng, săn sóc con thơ khi tôi dạy xa nhà. Bên cạnh đó, bạn bè và các em san sẻ, an ủi tôi về mọi mặt. Những trái bầu, bí, ớt, cà, xanh tươi là công lao của thầy trò chúng tôi trên những luống đất cằn cỗi, bên cạnh khu nhà tập thể. Mỗi buổi chiều, sau giờ tan trường, các em thay phiên nhau vào chăm sóc, để chúng tôi “ cải thiện đời sống”.

         

Tôi bây giờ, phải loay hoay với mấy đồng bạc trên tay, để mua thức ăn về cho một tập thể giáo viên trong khu. Một ký cá linh để kho một nồi với thật nhiều nước. Một ký rau muống, luộc lấy nước làm canh, rau chấm nước cá, dầm ớt thật cay lấp đi mùi tanh. Hoặc một nồi canh giá hẹ tàu hủ cho rẻ tiền. Anh Đức bảo tôi, sao lần nào đến phiên, chị cũng cho ăn cỏ vậy? Tôi cười trừ, nghèo mà anh. Và tôi làm sao quên được, những buổi ăn đầy tình cảm gia đình trong nhà Huỳnh. Khuôn mặt dì Sáu hiền từ, bé Nhan dễ thương, gắp cho tôi thật nhiều thịt, để bù lại những ngày kham khổ. Ở đây, tôi có một đời sống gia đình tạm gởi, nhưng ấm áp vô cùng.

          

Làm sao tôi quên được. Những khuôn mặt của các em, một hàng ngũ mới, cũng những con sáo bao quanh, khi đổi về trường cũ quê nhà. Ở đâu tôi cũng có một tình thân, có những niềm vui, cùng những lo âu hãi sợ. Làm sao tôi quên được cái đêm giao thừa năm ấy, một mình bên đứa con nóng sốt. Điện không có, dưới ánh đèn dầu leo lét. Tôi lo sợ không biết làm sao. Nước đá không có, chỉ đắp nước lạnh. Thuốc men không phải dễ kiếm ở tình hình lúc bấy giờ…Nghe tiếng gõ cửa, tiếng gọi cô ơi. Tôi mừng rú lên. Học trò đi chơi khuya, đi xông đất nhà cô, hay gì đi nữa, lúc nầy tôi cần có người phụ giúp.. Mở cửa.Khuôn mặt ba đứa học trò thân thương. Thấy nhà cô còn đèn cúng, giao thừa mà nên vào thăm cô cái giờ rất ư là đầu năm…muốn nói tiếp, nhưng thấy khuôn mặt tôi và cháu bé, chúng đâm hoảng. Tôi không muốn đưa bé đi bệnh viện lúc nầy, nên một đứa ở lại, hai đứa chạy về nhà cầu viện. Cũng may, gia đình hai đứa bán thuốc tây, cái nghề nhiều người sống theo tình hình lúc bấy giờ. Một lát sau, thuốc men đủ đầy.Tôi cũng không còn biết gì hơn, cho bé uống thuốc theo lời dặn của người ơn. Trong đêm khuya, cái đêm giao thừa đáng nhớ của một đời làm mẹ. Không có ai, không còn ai lúc nầy, chỉ có tình nghĩa cô trò.

          

Những ngày không có Anh kề bên. Tôi có các em, có đời sống bên gia đình các em. Đã tạo cho tôi một tình cảm chân thật trong đối xử. Cuộc đời có những bất hạnh, nghiệt ngã chung, nhưng ở đâu tôi cũng có hạnh phúc. Đó là sự sống thật lòng.

          

Ngày xưa. Chị Hạnh đến với tôi, có thể vì hoàn cảnh sinh kế nuôi thân. Tôi đến với các em vì nghề nghiệp. Ở chị Hạnh, tôi được yêu thương tuổi nhỏ. Ở các em, tôi là người cô, khác gì chị Hạnh. Khác chăng, tôi được đền bù từ những con sáo sắp bước chân bay nhảy ra cuộc đời. Các em đã đứng chung về một phía của người thua cuộc, của bất hạnh bất ngờ đổ xuống trên vai một người đàn bà.

          

Bây giờ, tôi không còn đứng lớp gần gũi các em. Mỗi người mỗi ngã, chí hướng, sự nghiệp. Thật ra, có muốn cũng đâu cưỡng nổi thời gian, huống gì những đổi thay trong cuộc đời mạng số. Chị Hạnh ra đi từ thuở ấu thời, không bao giờ trở lại để biết tin nhau. Tôi cũng ra đi, biết bao giờ sống lại một thời xưa cũ trên miền đất quê nhà. Ở đây không còn là cô của ai, không còn bên tôi những thật thà, thẳng thắn trong nghĩ suy của tuổi mới lớn. Có chăng là những bất chợt tình cờ, từ một tiếng gọi cô của người học trò cũ. Còn có tiếng gọi, xưng em, là còn có hoài niệm một thời đã qua.

          

Tôi biết chính mình, tôi mang ơn từ những tình cảm biếu không ngày đó, để hiểu một điều. Ở đâu, chúng ta cũng có một tấm lòng bao dung rộng mở, một con người với nỗi từ tâm. Tấm ảnh chị Hạnh của tôi. Và em, một tấm ảnh cô trò ngày cũ. Biết đâu sẽ chung cùng câu nói. Bây giờ cô chỉ còn trong trí nhớ rất xa.


PHƯƠNG THẢO HUYỀN