Thursday, September 29, 2022

2608. PHƯƠNG THẢO HUYỀN Một thoáng Văn Khoa.

Trường Đại Học Văn Khoa - Ảnh: Google images

Một giọng nói ngọt ngào vang lên: " bồ cho tớ đứng cạnh nhé?" Tôi nhích người sang bên, nhưng không còn chỗ nữa, và đưa mắt nhìn. Chu choa ơi, một khuôn mặt ngời sáng, ánh mắt long lanh như có nụ cười trong ấy, hai má hồng tươi, kèm theo nụ cười thật không sao quên được...Tôi lẩm bẩm: " sao có người đẹp vậy chứ?" Tiếng nói vẫn bên tai:" bố tớ đang đứng cạnh chiếc xe bên dưới, nếu nhìn thấy mấy cái đuôi nầy thì chết mất..." Tôi lại đưa mắt nhìn chung quanh. Trên bậc thềm chuyển tiếp của cầu thang trường, ngoài tôi và cô gái ấy, chỉ thấy toàn là nam sinh viên, tự dưng tôi nhích lại gần cô hơn, và sau đó lại tự cười mình...

 

Không biết từ bao giờ, tôi có thói quen đứng nơi đây nữa? Trường tôi, ngoài giảng đường thật lớn dành cho sinh viên mới ( vậy mà chứa không đủ nữa, còn nạn bè bạn vào trước, phân phối tập vở để giữ chỗ cho nhau..) còn có chiếc cầu thang đá rộng rãi, để bọn chúng tôi tuôn tràn ra về. Thông thường, những người đi xe gắn máy, rồi xe đạp, kế mới tới người đi bộ...lần lượt ra cổng. Trước cổng trường, có những xe đủ loại của phụ huynh đến rước.

 

Nơi chúng tôi đứng có thể nhìn bao quát cả sân trường, thấy cả người đến đón ( nhưng họ sẽ không nhận ra chúng tôi, vì mãi mê nhìn từng khuôn mặt đang líu lo ra cổng)


Cách đó không lâu, đang cười nói với Giao, tôi giật bắn mình khi bàn tay bị nắm, bên cánh cổng trường một khuôn mặt thân thương, nụ cười tươi  với chiếc đồng tiền quen thuộc trên má.

 

-Ồ, anh về bao giờ? Sao không thư em biết?

- Vừa lên tới là đến đây ngay, có vậy mới biết có ai đưa đón em mình.

 

Sợ tôi giận nên anh nói thêm:

- Nhà binh mà em, làm gì biết trước, tính trước được. Vừa về hậu cứ là vù lên thăm em ngay. Nhớ em quá.!

 

Tôi thẹn thùng rút tay lại, bản tính anh ít chịu biểu lộ cái tôi mình nhiều (như sợ thiên hạ cười cho) nên tôi biết anh đang vui lắm. Thật vậy, cả buổi ấy anh huyên thuyên đủ chuyện, từ chuyện nhỏ sang chuyện lớn, anh bảo muốn nắm tay tôi khi băng qua đường, có được không? Anh không muốn mất em...( Sau nầy mới biết, anh vừa vượt qua cõi chết trong chuyến hành quân, anh bị đì bởi người chỉ huy trực tiếp...Tội nghiệp anh!)

 

Sau khi đưa tôi về nhà trọ để báo tin, chúng tôi về nhà chị của anh thăm viếng. Chiếc velo solex đưa chúng tôi đi khắp nơi, từ nhà sách Khai Trí, sang các shop bán hàng lưu niệm, đến cửa hàng thời trang, bên trong đang bày trí những chiếc áo dài model.

 

- Em đừng may những chiếc áo dài như vầy nha.

- Sao vậy anh?

- Áo gì ngắn ngủn, lại không eo iết chi, chẳng đẹp tý nào....

 

Eo ơi, tôi không dám nhìn anh. Vậy mà, Giao bảo tôi thật xinh, khi mặc chiếc áo tơ màu hồng vừa may như thế cơ.

 

Dương Đăng Quỳnh Giao, cô bạn thân thời Văn Khoa của tôi.

 

Cô bé người Huế, nho nhỏ, trắng xinh, có đôi mắt một mí của người Nhật, đang nhìn tôi và đưa tay ra:

- Tớ là Giao, bạn của Xuân Lan, giờ là bạn của nhau nha.

 

Giọng nói đặc sệt Sài gòn, không gì khó nghe như Lan đã bảo. Tự dưng, tôi thấy thật gần gũi với cô bé, và ấm áp trong ngày khai giảng đầu năm của trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.

 

Nhớ lại ngày ghi danh cách đây không lâu. Muội, Nở và tôi, ba đứa từ nhà quê lên thành phố, nhìn cảnh nhộn nhịp của ngôi trường rộng lớn, cách nói năng hào phóng của các bạn chung quanh, và nhất là khi nghe “ tiếng Tây của mấy người học trường Tây” nói với nhau... chúng tôi vô cùng nản chí, thấy buồn cho Thầy Giao, Thầy Quý có học trò quá tệ, định bỏ về...Thì một giọng nói miền Nam vô cùng thân thiện cất lên: “ Chào các bạn đến ghi danh!” Một cô bé tươi cười đang đến gần, và sau đó, theo lời giải thích của cô, chúng tôi lần lượt ghi danh năm “Dự bị”, kèm theo lời cám ơn ríu rít với người đồng hương.

 

Đang thả hồn theo ngày tháng cũ, bỗng thấy cô bé “ngày ấy” tiến tới, nhưng một tràng tiếng Huế thật chuẩn đang hướng về Giao, bạn tôi trả lời bằng giọng Sài gòn chính hiệu. Sau đó, tôi được biết, Giao chỉ dùng giọng Huế với gia đình và người thân thôi. Va cũng sau đó, tôi lại thưởng thức được giọng nói thuần Bắc của cô bạn “ngày ấy”, trong buổi  tranh nhau rãi tập để dành bàn học ...

 

Giao như một búp bê VN trên những hàng công nghệ, bán ra nước ngoại. Hắn chỉ mặc áo dài màu nhạt ( xanh, hồng...) với chiếc quần tơ trắng. Trông thanh thoát, xinh xắn làm sao. Bé bỏng nhưng đầy nghị lực và tình thương mến chân thành.

 

Những buổi tan trường, Giao đi xe đạp về nhà, nên chúng tôi chỉ có được chút nấn ná bên bậc thềm trong sân trường, cười cười, nói nói, cùng nhau. Và cũng nơi đây, tôi đã gặp một nhân dáng tươi đẹp, đáng yêu (giống cô ca sỹ nỗi tiếng sau nầy) vừa từ Đà Lạt vào.

 

  Đi một đàng, học một sàng khôn” Câu người xưa nói quả không sai. Chỉ mới một năm thôi, chỉ ở khuôn viên trường, bên bậc thềm kỹ niệm, trước cánh cổng trường...tôi đã gặp bao người tài hoa, bạn tốt, chuyện buồn vui, để một đời không quên.

 

Văn Khoa, với hàng hàng, lớp lớp nam thanh nữ tú, ra vào mỗi năm...Vẫn là nguồn nhớ!!

                       

 Phương Thảo Huyền.