Đó
là con đường thẳng và dài nhất của quê Nó. Bắt đầu từ tiệm rượu Vĩnh Phong Long
kéo dài đến sân bay, dọc theo liên tỉnh ….Con đường dài mang đến ba tên : Trần
Hưng Đạo, tên vị danh tướng, được kéo dài từ trên tiệm rượu, qua dãy nhà Mỹ,
thành CB, đến chợ gà bên cạnh chiếc cầu sắt. Một chiếc cầu sắt khác, bên cạnh
bến phà Châu Giang, và Viện Chủng Sinh, xuống nữa là Nhà Thờ, kéo dài tới sân
bay mang tên vị vua nhà Lê ( Lê Lợi ) Khoảng giữa hai cầu sắt là con đường mang
tên vị vua nhà Nguyễn. Đường Gia Long, với những tà áo trắng e ấp bởi gió Cồn
Tiên đưa vào, thướt tha trên nhịp cầu ở những buổi tan trường, đã làm nên bao
vần thơ thời ấy. Nối tiếp là chốn lao xao của đời thường : Chợ Cá với không khí
bán buôn, sinh động ở buổi mai. Và chiều lại, ánh mặt trời phản chiếu trên dòng
sông Hậu một màu rực đỏ, từng chiếc phà đưa rước trên bến đò Châu Giang, vẽ
thành bức tranh tuyệt mỹ. Đêm đến, hai hàng cây bên đường châu đầu nhau, thầm
thì tâm sự, gió nũng nịu xen vào, tạo tiếng động làm chim trong tổ giật mình
bay vụt lên. Không chỉ có vậy, con đường Gia Long còn có ngôi Chùa Ông, Đình
Thần. Có Bưu Điện, sân Tenis. Có Tòa Hành Chánh, Tòa Án. Có Sân Vận Động, Bệnh
Viện. Và có chiếc cầu sắt mang tên Cầu Lò Heo với quán cháo lòng thật nổi
tiếng.
Đường
Gia long. Con đường có ngôi nhà mang số 49. Nơi đó, ở mỗi chiều có người con
gái luôn ngóng trông, từng cánh thư từ KBC 3013 theo lời hẹn ước. Hình ảnh chú
phát thư trên chiếc xe đạp với nụ cười thân thiện, cái lắc đầu nhẹ của chú làm
buồn giăng mắt ai, và má đào phơi phới khi từ xa nhìn thấy chú gật gù. Chú là
người công chức rất mẫu mực, luôn đúng giờ và mang lại niềm tin yêu cho chúng
nó, những cô cậu đang tập làm người lớn. Cũng ở nơi đó, cách mấy năm thôi, mấy
nhóc con mỗi sáng nào cũng nhâm nhi bánh mì thịt của Bà Hai bán trước tiệm giày
Văn Xê, bánh mì bình dân nhưng không chê đâu được, mà lại mắc ghiền. Bà Hai bán
rất đắt, bên cạnh Bà thỉnh thoảng có hai cô cháu gái rất xinh, mặc màu trắng
như áo của Bà, trông rất thanh nhã…
Ở
thời gian đó, nền kinh tế nước nhà đang phát triển, bên dòng sông Hậu hiền
lành, việc bán buôn cùng nước bạn cũng thuận chèo mát mái.Trên bờ tràn đầy hàng
hóa từ các nơi tới, dưới sông tàu bè tấp nập chuyển hàng đi. Các bến đò luôn
bận rộn với các chủ ghe. Các địa danh Bình Di, Vĩnh Xương, An Phú…trở nên quen
thuộc trên các tờ hóa đơn. Các nhóc được dịp chạy nhảy trên những bao hàng bày
la liệt, thỉnh thoảng thò tay móc mấy trái chà là trong các bọc bị rách, chia
nhau ăn trong niềm vui tuổi nhỏ. Rồi khi chiều xuống, vỉa hè trống vắng, người
lớn bắt ghế ngồi chơi, tụi nhỏ chạy nhảy, bày đủ trò, đủ kiểu ra đó, cho đến
khi đèn đường bật sáng, tiếng gọi vào nhà vang lên ơi ới, không gian yên tịnh
trả lại cho màn đêm.
Từ
ngôi nhà ấy, đứa con gái mới lớn bày đặt làm thơ viết văn gởi báo. Và lần đầu
tiên, lại thật bất ngờ, cô bạn văn thơ chưa từng biết mặt, Hoải Dân từ Phú
Nhuận tìm đến vào một đêm khuya mà không hẹn trước. Nó thật sự lúng túng và lo
sợ trước đôi mắt dò hỏi của Má, nhưng may mắn Ba đã nhẹ nhàng bảo dọn cơm và
mời bạn ngủ đêm. Nó thầm cám ơn Ba. Nó nhớ đây không là lần đầu tiên Ba đã giải
vây cho Nó. Vào một trưa hè nắng hanh hanh, vừa nghe tin có bạn tìm, nó chạy ào
xuống lầu. Ơ kìa! một gả con trai ăn mặc tươm tất đang đứng đợi ( chuyện lạ
nha, từ trước đến giờ, nó chưa bao giờ thấy ai cả gan vậy, lại đi một mình nữa
)
-Có
chuyện gì ? ( Nó lúng túng chẳng biết xưng hô ra sao )
-
Cho vô nhà đi, sẽ nói sau ( Hắn ta cười cười trả lời )
Nó
không biết tính sao vì nhà cửa chật chội, lại thêm sợ Ba la, và đủ thứ khác mà
lần đầu tiên Nó gặp phải…
-
Sao không vào trong, đúng giữa nhà nói chuyện à ( tiếng Ba vang lên làm Nó bớt
lo )
Sau
khi ngồi yên nơi phòng Ba thường tiếp khách hàng. Hắn đặt lên bàn một phong
thơ. Nó chới với và nhìn xung quanh ( lại thư gì nữa đây, Ba gặp là chết ) Hắn
bảo mở ra xem đi. Trong đó là hai tấm ảnh chụp chung của ba đứa con gái
mặc áo dài trắng, tay ôm cặp. À thì ra, cái hôm được nghỉ hai giờ chót, Nó cùng
hai đứa bạn lên xe lam vào cúng Chùa Bà Chúa Núi Sam. Theo dòng người đi Lễ
Hội, chúng nó cũng leo núi, đi loanh quanh không mục đích. Mệt và khát vì có
chuẩn bị chi đâu, tình cờ gặp được hai chàng quen với bạn Nó, rồi họ làm quen,
và chụp cho tấm hình làm kỷ niệm. Chuyện đã lâu vậy mà bây giờ…May mà sau đó Ba
không la rầy . Chắc Ba nghĩ Nó đã lớn ( !! ) Nó lại thấy không đúng lắm, mới
Tết vừa qua, chị Nó từ Sài Gòn về, mấy anh nhà đối diện nhìn sang, vậy mà Ba đã
bảo chị phải vào trong, chắc Ba nghĩ Nó xấu nên không ngại chứ gì.(!!)
Cũng
ngôi nhà ấy, với balcon trên lầu, là chốn thần tiên của Nó khi đêm về. Gió thổi
nhẹ, bầu trời đầy sao, dưới sông một dãy đen ngòm nhưng tràn đầy sức sống. Hàng
đèn vàng vọt hai bên đường mang chất liêu trai, thi vị hóa cuộc sống của đứa
con gái mới lớn. Hay mơ, lắm mộng, hòa quyện trong không gian chữ nghĩa tạo nên
câu văn mật ngọt, lời thơ trữ tình. Nó mê man trong thế giới ảo của hai người
yêu nhau và đang nhớ về nhau. Không một chút kinh nghiệm, mà đã trải bày tâm sự
nghe như rất thật, trên những trang giấy ở mỗi đêm về. Và cũng trên balcon đó,
Nó không còn cô độc, balcon kế bên nhà vừa có chủ. Cô bạn láng giềng mới dọn
tới cũng là bạn học cùng lớp. Trước đây, chúng nó cứ ganh tị nhau từng điểm số
trong lớp học nên không sao kết thân được. Bây giờ lớn một chút, lại ở
gần nhau, cùng một tâm trạng muốn khám phá thế giới bên ngoài, nên dần dần
chúng nó như dính chặt vào nhau.
Thu
Cầm, đứa con gái duy nhất trong một gia đình đã có bốn con trai, nên tất cả
tình yêu thương đều đổ vào cô bé, nhưng sao, cô bé vẫn thấy cô đơn trong nỗi
niềm, vẫn thấy cô độc trong bộn bề của gia đình. Cầm có khuôn mặt trái soan,
những nét rất chuẩn của mắt, môi, sóng mủi dọc dừa, làm tăng vẻ thanh tú. Cô bé
ít nói, nhưng bù lại có nụ cười rất tươi ( biết bao chàng trai đau tim vì nụ
cười nầy !! ) Điểm đặc biệt là Cầm không bao giờ hỏi “ TẠI SAO ?” khi tụi nó
bên nhau, với gương mặt rạng rỡ hay u buồn của Nó. Hình như con bé biết hết mọi
chuyện đã xảy ra, hoặc cóc cần biết để khỏi làm đau lòng người khác. Vậy mà tụi
nó hiểu nhau. Vậy là tụi nó thân nhau.
Giữa
chúng nó đa số là im lặng. Sự im lặng đúng nghĩa, trong màn đêm dày đặc, thấp
thoáng vài ánh sao trên trời, bức tường ngăn cách hai balcon, bóng hai con gái
đổ dài theo màu đèn vàng vọt. Cho đến thật khuya. Không một lời trao đổi. Và
bao giờ, Nó cũng là người thua cuộc, là người lên tiếng đầu tiên, phá vỡ khung
cảnh êm đềm mà sâu lắng kia. Nó đã vào nhà. Cô bé vẫn còn đứng đấy. Với tâm
trạng nào đây cô bạn??
Mai
Lang. Một mắt nai khác ở thời xưa đó. Bộ ba chúng nó. Con bé ở cách chúng nó
một hẻm nhỏ, nhưng gặp nhau mỗi ngày. Chưa kể những buổi trong trường, chúng nó
có gặp nhau nhưng ít chơi chung, mỗi đứa giao tiếp với các đối tượng mình yêu
thích, sôi nổi ngoài sân trường, vui cười thoải mái, hay yên lặng bên cửa lớp
ngắm mây trôi, hoặc thầm thì tâm sự cùng nhỏ bạn khác. Đôi khi không cùng về ở
buổi tan trường tùy tâm trạng đổi thay. Chúng nó ngày xưa là thế đấy. Không
giống ai, không giống một tình bạn thân thiết nào. Vậy mà mấy chục năm qua, trong
lòng Nó, cũng như hai bạn Nó, khi gặp lại vẫn là cảm giác của ngày nào, không
thay đổi. Chúng nó không ôm nhau, không ríu rít, không chảy nước mắt. Nhưng
nghẹn trong tim, ngọng ở lời, im lặng như ngày nào.
Đó
là điều mà Mai Lang rất ghét, con bé bảo hai đứa bây khùng quá rồi. Và mỗi lần
vậy là con bé kéo cả hai ra khỏi nhà, loanh quanh ngoài phố, nơi đến duy nhất
lúc đó là quán nước đá của anh chi Đặng, bên hông trường Nữ Tiểu Học của bọn
chúng. Ở đó, cả khung trời kỷ niệm ùa về, tụi nó có ly chè đậu đỏ bánh lọt thật
tuyệt vời ở trước mặt, có âm thanh “ khoai mì chuối, khoai mì chuối muôn
năm..”, hay tiếng lao xao, ríu rít của tụi nó khi trống trường vang vọng. Rời
đó, tụi nó vòng ngang trường cũ, cố tìm một cái gì vừa mới xảy ra nhưng
đâu rồi. Chúng nó băng qua Toà Hành Chánh, xuôi theo dòng xe, chầm chậm trên
đường đến bờ sông của Công Viên Tỉnh. Nhìn bên kia là Châu Giang, với những cô
gái Chàm thật xinh xắn, với những quả táo xanh nho nhỏ, với những con đường đầy
bóng mát, đã lôi cuốn biết bao cô cậu học trò TKN có giờ nghỉ sang chơi. Đi
thêm mười bảy cây số đường bộ là đến Tân Châu, quê hương xứ lụa nổi tiếng vô
cùng, vậy mà vẫn là bí mật đối với tụi nó lúc nầy. Thơ thẩn một lát, chúng nó
lại quay về. Ngang qua Bưu Điện, xuyên suốt đường Chợ Cá ( lúc nầy đã được dọn
sạch ) Đến nhà xong, bắc mấy chiếc ghế ngoài sân, cầm chiếc ca nhôm chạy sang
quán cà phê đối diện ( Mỹ Phương, Ngọc Phú, Văn Ngàn…) Đây mới là điều bắt nhớ
của chúng sau bao nhiêu năm xa cách. Chỉ nhớ. Tiếng muỗng nhỏ được Mai Lang
khuấy đều trong ca nhôm nghe lanh canh, tiếng va chạm của từng viên nước đá như
đang cãi nhau. Chuyền tay, uống từng ngụm cà phê đắng, nuốt trọn vị ngọt tuổi
thơ, và miên man tâm sự. Cho đến khuya. Chia tay. Và hẹn ngày mai.
Tuổi
thơ trinh nguyên. Với cây cầu sắt hai buổi đi về trong chiếc áo học trò. Gió
thổi bay bay vạt áo làm mờ mắt ai. Những buổi cùng dạo trên đường, mà người nào
đó đã cắc cớ đặt tên, “ Con đường mang tên em”. Những tràng cười hồn nhiên,
sảng khoái trước hiên nhà. Hay ở những phút yên lặng bên chiếc balcon buồn bã.
Tất cả qua đi. Thật nhanh. Với tốc độ chóng mặt.
Trái
đất tròn. Sau khi ổn định ở ba chốn khác nhau, chúng nó đã liên lạc lại. Qua kế
hoạch hẹn nhau tại quê nhà không thành, tại Mỹ cũng không được, bởi Thu Cầm bỏ
chúng nó ra đi sau cơn bạo bệnh. Nó còn nhớ cánh thư đầu tiên từ Úc gởi sang
Hoa Kỳ. Nhìn nét chữ thân thương của mấy mươi năm cũ, mắt Nó đã thấy cay cay,
dù chưa đọc được câu nào. Rồi những câu dặn dò, những lời an ủi của người đi
trước nói với kẻ đến sau. Thấm thía nhất là: “ Cái lạnh ở đây rất tàn khốc,
không là cái hây hây của gió Đông bên nhà, mơn man đôi má mầy vào dịp Tết, để
mầy có dịp khoác lên mình chiếc áo len xanh ngắn tay, diện đẹp với áo cổ lọ màu
đen yêu thích. Mầy biết không, cái lạnh theo gió luồn vào từng khe hở của thịt
da, mầy không có thời gian lựa chọn, mặc thật nhiều vào, mặc cho thật ấm, từ
đầu đến cổ, xuống cả tay chân, trùm kín mít và chạy vội vã tới cửa hàng, tới
hảng xưởng…Nơi đó không có nụ cười thông cảm, không có vòng tay ấm áp. Rét run
trong nỗi cô độc lẫn cô đơn…” Nó có cảm giác bạn nó đang tự nói với chính mình.
Và cuối bức thư, là điều mà Nó không bao giờ quên, ray rứt với nỗi buồn…: “Mầy
cần gì cứ nói, tao sẽ giúp hết sức mình. Đừng như tao, bây giờ tao đã có và
cũng đã mất một thứ khác quan trọng hơn.”
Nó
cần gì ư ? Nhiều thứ lắm. Làm lại từ đầu ở một nơi hoàn toàn xa lạ, ngôn ngữ
chưa thông, tay nghề không có, nên lắm gian truân. Nó không sợ những khó khăn
từ bên ngoài, Nó không ngại những vất vả từ công việc. Nó chỉ sợ cô đơn. Cái
lạc lõng trong lòng Hợp Chủng Quốc này làm Nó sợ. Chỉ cần nghe tiếng nói quê
hương, dù Nam, Trung, Bắc, Nó cũng ấm lòng ( như ngày xưa lên Sàigòn học, chỉ
biết là người Châu Đốc, thì dù là trai hay gái, Nó cũng chịu làm quen, như thân
tự bao giờ ).
Nhớ
lại như trước đây, Nó cứ chờ điện thoại từ bên Úc. Nó cần nghe lại tiếng nói
ngày xưa, cần được cười vui thoải mái sau những ngày làm việc mệt nhọc. Nó biết
bạn Nó có thêm một bé trai khi định cư xứ người. Bạn Nó nói chuyện nhiều hơn
trước, tự tin và bặt thiệp của người làm thương mãi, nhưng giọng nói có hơi
khác ( lúc đó Nó nghĩ chắc tại đường dây điện thoại ) …Vậy mà, một buổi sáng
nào đó, đang trong cơn say ngủ, Nó nghe tiếng điện thoại reo, một giọng nói
nghẹn ngào: “ Cầm mất rồi!” Nó không tin tai mình, bởi từ lâu bạn Nó không bao
giờ nói về sức khỏe, về cơn bệnh mình đang mang. Mầm bệnh được tích lũy từ
những lao lực, trong công việc tìm sống cho gia đình, ăn uống qua loa, dè sẻn
mọi tiện nghi cho cá nhân, tất cả dành cho người thân yêu. Cầm ơi, sao mầy khổ
vậy !! Nụ cười mầy tươi lắm mà, không đỡ nổi kiếp nạn sao? Mầy không chịu cho
tao biết để tao tìm cách sang bên ấy, nhìn lại mầy sau mấy chục năm ly biệt,
giờ trở thành vĩnh biệt.
Đã
lâu lắm rồi, Nó không nhìn lại ngôi nhà cũ, con đường xưa chỉ nhìn được một
đoạn khi đi về thăm quê. Cầm đã ra đi thật xa, xa khuất trong tầm tay với. Đôi
khi Nó và Mai Lang gặp nhau nơi quê nhà, thăm bè bạn, tâm sự lung tung. Nhưng
chúng nó chưa một lần đi chung lại con đường ngày xưa ba đứa tung tăng. Giờ
không còn lon cà phê, tiếng khuấy đá leng keng, húp chung từng ngụm đăng đắng
như ngày nào. Đã hết rồi, ngôi nhà trên phố, với hai balcon liền nhau, không
bao giờ thấy lại hai bóng hình con gái, lặng lẽ bên nhau, thì thầm. Tất cả chỉ
còn là nỗi nhớ.
Phương Thảo Huyền.