Thật ra, tôi và họa sĩ Vũ Hối
không có bà con máu mủ gì. Nhưng mà đã từ lâu, từ thuở còn bé, khoảng 8, 9 tuổi
gì đó, tôi đã gọi ông là cậu Hối rồi. Nguyên nhân là: Vũ Hối quê ở làng Dương
Đàn (quê tôi gọi là Diên Đàn), tên xã hồi VNCH là Kỳ Long, Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông
có người chị lớn lấy chồng về quê tôi, bà là vợ ông Trịnh Tường, một giáo viên
tiểu học. Nhà ông Trịnh Tường và nhà tôi gần nhau, cho nên con trai ông Trịnh
Tường là Trịnh Tộ, bạn thân của tôi, thường gọi ông là cậu Hối, nên tôi bắt chước
gọi theo.
Tôi biết tên Vũ Hối từ ngày
đó.
Cũng những năm tôi được 14,
15 tuổi, một hôm, Trịnh Tộ đem đến khoe với tôi một cuốn Thế Giới Tự Do, trong
đó có đăng hình ông Vũ Hối. Ông được đi thăm nước Mỹ, được mời vào tòa Bạch Ốc để
vẽ hình cho tổng thống Kenedy. Tôi thấy điều đó thật hãnh diện. Cầm tờ báo Thế
Giới Tự Do trên tay, nhìn ông Vũ Hối bận đồ đẹp, lịch sự, đứng bên mấy bức
tranh của ông được giải thưởng, tôi thấy nễ trong bụng quá.
Thời gian như nước chảy qua
cầu, thời cuộc cũng xoay chuyển, 30-4- 75 đến làm thay đổi bao nhiêu cuộc đời.
Tôi vào tù vì tội sĩ quan chế độ cũ, còn họa sĩ Vũ Hối cũng vào tù vì tội văn
nghệ sĩ phản động. Sau này qua Mỹ, gặp ông Vũ Hối, nghe ông nói đã bị cai tù
đánh hư một con mắt, và ông được hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc bảo trợ ông
qua Mỹ.
Khoảng 2001, tôi có viết một
hồi ức có tên là "Ký Ức Mẹ, Đi Về Phía Hoàng Hôn" đăng sâu rộng trên
các báo Việt Ngữ ở Mỹ, sau đó được trích đăng trong nhiều tờ báo ở Úc, Pháp...
trong đó có đoạn như sau:
"Trong những ngày phát động chiến dịch cải
cách ruộng đất, tôi luôn nhớ những đêm tối có những tiếng loa vang vang khắp
thôn xóm. Tiếng loa thông báo hôm nay có đấu tố tên địa chủ nào, ở đâu, và kêu
gọi đồng bào đi tham dự đấu tố. Tôi còn nhớ hai lần mẹ tôi đã đi. Mẹ tôi bỏ hai
ngày làm ruộng cùng dân chúng trong xã lên đến tận xã Kỳ Long, nơi có cuộc đấu
tố ông Vũ Ấn, được gọi là “tên địa chủ ác ôn” (ông Vũ Ấn là cha giáo sư Vũ Ký
và họa sĩ Vũ Hối) và cuộc xử tử ông Hồ Đệ, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng."
Không
biết ông Vũ Hối đã đọc bài đó ở báo nào nên có cảm tình với tôi. Sau đó, họa sĩ
Vũ Hối từ tiểu bang Maryland gọi điện thoại cho tôi, tôi gọi ông bằng cậu, như người cậu ruột thịt của
mình vậy, và ông cũng xưng là cậu với tôi.
Dù
nói chuyện qua điện thoại, tôi cũng có nhận xét là giọng nói của ông nhẹ nhàng.
Trong lần nói chuyện đầu tiên, tôi đã có cảm tình vì nghĩ ông rất hiền, vui vẻ,
cởi mở.
Sau
đó mấy tháng, họa sĩ Vũ Hối có dịp qua Cali, tham dự họp đồng hương Quảng Nam,
hay ra mắt sách, triển lãm thư họa gì đó. Ông gọi điện thoại cho tôi và trong một
buổi sáng đẹp trời ở Nam Cali, tôi đến đón họa sĩ từ nhà người bà con ông ở, rồi
đưa ông đi ăn phở, uống cà phê, tâm sự.
Đối
diện với một họa sĩ mà tôi đã phục, đã mến yêu từ thuở thiếu thời, đến bây giờ
cũng mấy mươi năm sau, gặp ông bằng xương bằng thịt, tôi vô cùng sung sướng và
cảm động.
Tiểu
sử ông được tóm gọn như sau:
"Vũ Hối là một họa sĩ nổi tiếng khắp nước, ông đã là một tên tuổi lớn của nền văn
học nghệ thuật nước nhà và quốc tế. Ông được mời vẽ chân dung tổng thống Hoa Kỳ
John F. Kennedy, vẽ chân dung Đại tướng Creighton W. Abrams. Đã nhận Giải Khôi
Nguyên Hội Họa Quốc Tế năm 1963 tại Hoa Kỳ. Sáng lập trường phái Luân Vũ Họa
(Paintings In Motion) và Thư Họa (Handwriting Painting).
Tên tuổi của Vũ Hối cũng đã đi vào
Bách Khoa Tự Điển Larousse, bộ tự điển nổi danh nhất của Pháp và thế giới
Có tên trong Văn Học Tự Điển thời Việt
Nam Cộng Hòa."
(theo Đằng Giao, báo Người Việt)
Thế
mà khi ông ngồi trên xe tôi chở đi, ông nói chuyện giọng Quảng Nam đã pha giọng
nam, rất hiền hòa, từ tốn và luôn luôn xưng cậu với tôi. Ông biết nhà tôi ở
Quán Rường, biết mẹ tôi là bà Khiêm, biết cha tôi là ông Khái, nhà có bức tường
bằng quánh bao quanh, mỗi khi ông từ Diên Đàn xuống thăm người chị ruột ở gần
nhà tôi...Ôi, chuyện ở quê, chuyện ngày tháng cũ...hai cậu cháu ngồi cà phê nói
hết không hết lời.
Rồi
cậu Hối về lại Maryland, cậu lại điện thoại qua cho tôi, nói tôi gởi bài Ký "Ức
Mẹ - Đi về phía hoàng hôn" cho cậu, để ông gởi đăng báo bên đó. Tôi về gởi
cho cậu liền, sau đó cậu gởi tôi tờ báo Kỷ Nguyên Mới, có đăng bài đó của tôi.
Trong
thời gian 15 năm, khi cậu còn khỏe, cậu đã đi qua Cali khoảng trên dưới 10 lần,
lần nào tôi cũng được gặp cậu. Khi cậu đến nơi là ông gọi cho tôi, cậu Hối đây, cậu mới qua hồi hôm, con đến chở
cậu đi uống cà phê nhe. Thế là tôi liền lên xe đi chở ông đi uống cà
phê...đều đều như vậy. Trong đó có 2 lần tôi chở ông về nhà tôi "nhậu"
chơi. Một lần tôi có mời nhà văn Phạm Phú Minh và nhà thơ Thành Tôn cùng dự...Buổi
họp mặt rất vui vẻ, thắm đượm tình văn nghệ và đồng hương.
Qua
những lúc không có ông, tôi thường lục tìm đọc lại những tác phẩm của ông. Những bài thơ ông đã viết, những hoạ
phẩm ông đã triển lãm, những bức thư họa ông viết được treo trên tường, trên liễn,
trên đĩa sứ, khắp nơi.
Có
lẽ đã từ lâu, tôi ảnh hưởng của thơ mới, giọng thơ, lời thơ, ngôn ngữ thơ của
các nhà thơ mới... Nên tôi chỉ cảm nhận thơ Vũ Hối nhìn về khía cạnh ý nghĩa và
văn phong, rất hiền hòa, nhẹ nhàng, thật thà.
Ví
dụ như bài:
Men
chiều Cali
Vẽ cả trong tranh khung trời lộng gió
Vẽ cả men tình, một độ lên ngôi
Nâng niu ta vẽ cành hoa Nhân Ái
Những đóa hoa cười, nở mãi trên môi!
Nắn nót tình thơ, khung trời lộng gió
Mười ngón tay hoa, vướng nhạc bỗng trầm…
Ta về đâu ướp lạnh miền Đông Bắc
Nhớ Cali, từng vạt nắng hanh vàng
E ấp hành trang: men chiều kỷ niệm
Phong kín gửi người: nỗi chứa chan!
Vẽ người thương, giữa khung trời lộng gió,
Vẽ mình ta, ngồi đếm nỗi cô liêu
Vẽ cánh chim rừng, một trời lạc xứ
Cali ơi! Xin gởi nồng ấm men chiều!
(từ
báo Người Việt)
Về hội họa và thư pháp cũng vậy, tôi đã xem những bức tranh chụp lại của Vũ Hối như Mộng Hòa Bình vẽ những con chim bồ câu bay lên từ tay một thiếu nữ. Bức tranh vẽ bút pháp nhẹ nhàng, không cầu kỳ khó hiểu. Về Thư pháp có nét chữ lạ, có sắc thái riêng.
Như
vậy, với Vũ Hối, một tâm hồn bình dị, nhẹ nhàng, hiền hòa, hòa nhập vào cuộc sống
cộng đồng, nên ông đã thu hút cảm tình của nhiều người, nhất là cộng đồng Quảng
Nam ở khắp nơi. Những người đồng hương từ già đến trẻ, từ những bạn thuộc lớp
Văn Học Nghệ Thuật hay không, ông đều vui vẻ tiếp chuyện, thăm hỏi ân cần, chụp
hình kỷ niệm. Cho nên tôi rất không ngạc nhiên khi thấy những bạn tôi ở khắp mọi
nơi, như San Jose, Texas, Maryland, nam Cali, khi họa sĩ Vũ Hối mất, họ đã post
lên trên FaceBook nhiều hình chụp với ông để tiếc thương và có những lời lẽ cảm
tình nồng hậu.
Nhân Sĩ Quảng Nam
Gia
đình họa sĩ Vũ Hối là một gia đình theo Việt Nam Quốc Dân Đảng từ lâu, và trên
bước đường đấu tranh cho một Việt Nam - Dân Tộc Độc Lập,
Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc
- gia đình ông đã bị cộng sản giết một số anh em, (đâu khoảng bảy, tám người).
Đường lối đấu tranh của ông là một đường lối đấu tranh ôn hòa nhưng bất khuất. Họa
sĩ Vũ Hối, một đời hoạt động văn hóa, để lại một gia tài thơ văn, hội họa, thư
họa...cho bà con cùng quê, cho cộng đồng. Ông chưa làm hội trưởng một hội đồng
hương ở địa phương nào cả, nhưng nói đến ông, ai cũng biết, ai cũng quí mến
ông, yêu thương ông, kính nễ ông.
Tôi
nghĩ con người sống trên đời rồi sẽ mất đi, nhưng ông đã để lại tiếng tốt, tiếng
thơm cho hậu thế. Ông xứng đáng được gọi là Nhân Sĩ Quảng Nam.
Gặp cậu lần cuối.
Cách
đây khoảng hơn 5 năm, cậu từ Maryland qua Nam Cali. Cậu đến nơi là điện thoại
cho tôi ngay. Tôi cũng tới nhà cậu ở đón cậu đi uống cà phê như thường lệ. Cậu
nói cậu sang để ra mắt tập sách 60 năm Văn Học Nghệ Thuật Vũ Hối. Buổi ra mắt
sách tại Viện Việt Học ngày...giờ.. Và mời tôi tham dự.
Tôi
nói với cậu tôi sẽ tham dự.
Đến
giờ hẹn, tôi đến Viện Việt Học, thì thấy cửa phòng sinh hoạt đóng im ỉm, không
có một bóng người. Tôi bèn gọi điện thoại cho cậu thì điện thoại không liên lạc
được. Đành chịu. Từ đó, tôi không liên lạc được với cậu nữa.
Đến
năm 2018, tôi có dịp đi chơi ở Mayrland, nhân cơ hội này, tôi quyết tâm đi tìm
thăm cậu. Tôi rủ nhà văn Nguyễn Đình Từ Lam (đang ở Maryland) cùng đến thăm cậu
theo địa chỉ của cậu cho mỗi khi tôi gởi sách báo qua cho cậu. Đến nơi, nhà cậu
của là một người khác, dò hỏi thì cậu đã dời đi, không ai biết địa chỉ mới. Thế
là tôi không gặp cậu nữa rồi.
Rồi
đến nay, được tin cậu mất (lúc 5 giờ 15 phút ngày 19/08/2022, tại
Maryland), lòng tôi với bao thương tiếc
không nguôi.
Xin
vĩnh biệt cậu. Chúc cậu sớm về Cõi Phật.
Thương Tiếc Họa sĩ Vũ Hối, một tài hoa Quảng Nam, một nhân sĩ Quảng Nam, đúng nghĩa.
Trần Yên Hòa