Căn gác rộng bốn mét vuông. Hai cửa sổ chiếm
hai bên vách. Phần còn lại chỉ đủ chỗ treo một bức tranh, một tập lịch và chiếc
đồng hồ. Chiếc bàn rộng kê sát góc. Trên mặt bàn, ống đựng bút, cái gạt tàn,
bao thuốc lá, hộp quẹt. Bên phải ghế ngồi, một chồng sách chất cao. Dưới gầm
bàn lại mấy thùng chứa sách.
Chủ căn gác vừa tròn sáu mươi, nguyên là một nhà giáo. Hàng
ngày, khi người vợ cũng là một nhà giáo còn đến trường, ông ta phải chăm sóc mội
trăm con gà công nghiệp: cho gà ăn, thay nước uống, lượm trứng. Ông ta chỉ lên
gác ngồi vào ban đêm, sau khi nghe xong bản tin buổi chiều.
Trên bàn, còn một vật phải kể đến. Ấy là pho
tượng nhỏ bằng chì, cao chừng một tấc, nguyên ông ta nhặt được mấy năm trước,
thấy hay hay giữ lại. Một đêm, bất chợt ông ta nhìn kỹ pho tượng. Đây là một
chiến binh bại trận. Chiếc nón chóp nhọn hất ngược ra sau. Tay trái cụt vào
phía trong khuỷu. Bàn chân trái dẫm lên, cố giữ chiếc khiên chỉ còn nửa. Đầu
gối phải hơi quỵ. Tay phải buông xuôi nhưng vẫn cầm chặt chiếc giáo gãy lưỡi…
Trong đường nét đơn sơ, lờ mờ của khuôn mặt, ông ta nhận ra người chiến binh
đang cắn răng chịu đựng đau đớn, cả về tinh thần và thương tích trên cơ thể.
Sáng ra ông tìm một vuông nỉ nhỏ màu đỏ, lót dưới pho tượng, cảm thấy như người
thương binh sống hơn, có hào khí hơn.
Từ đó, những giây phút nghỉ ngơi giữa chữ nghĩa, ông
ta ngồi tựa người thư thả thở khói thuốc nhìn pho tượng. Có khi ông ta mân mê
cánh tay cụt, mũi giáo gãy, muốn pho tượng biểu lộ sự đồng cảm như ông ta đã
đối với pho tượng, song tuyệt nhiên pho tượng bằng chì ấy vẫn lặng lẽ, dửng
dưng, chìm đắm trong kỷ niệm xa xưa nào.
Hôm khai quật phế tích Chùa Bà, có người đem
tặng ông ta một pho tượng vũ công Chiêm Thành. Cô vũ công hình như bằng đồng,
cao cũng gần bằng người thương binh, được chạm khắc công phu, tỉ mỉ hơn, hai
gót chân chụm lại, bàn chân mở ra, hai tay đưa cao, ngẩng mặt lên, tươi tỉnh.
Ông ta tìm một vuông nỉ nhỏ màu xanh, đặt cô vũ công lên đó, bên cạnh pho tượng
chì.
Ít lâu sau, ông ta ngờ ngợ, qua đêm trên mặt bàn có chút gì thay đổi, thứ tự hơn, sạch sẽ hơn, chẳng hạn bao thuốc lá được đặt ngay ngắn, cây bút được đóng nắp lại, những mẩu cát bụi không có. Một đêm, do ly rượu nồng uống với người bạn buổi chiều, ông ta gục xuống mặt bàn ngủ thiếp. Giữa giấc bỗng nghe có tiếng động nho nhỏ, tiếng nói nho nhỏ như là tranh luận. Ông ta hé mắt nhìn, và rất đỗi ngạc nhiên.
Giọng người thương binh
chậm rãi :
- Tôi coi đó là chuyện thường, trong bao
nhiêu chuyện thường ở đời, tôi có quyền chấp nhận và không chấp nhận. Tôi yêu
ông ấy một số điểm, đồng thời ghét ông ấy một số điểm. Nói chung là tôi không
có sự ràng buộc nào với ông ấy. Còn cô, xin tùy cô…
Người vũ công bước ra khỏi vuông nỉ xanh. Cô
phải khom người xuống mới đẩy nổi chiếc quẹt ga đến nằm song song sát bên bao
thuốc. Bỗng cô thét lên thất thanh. Ông ta choàng dậy. Một con chuột từ mặt bàn
phóng theo song cửa sổ. Hai pho tượng vẫn đứng yên nơi vị trí cũ. Ông ta cúi
nhìn xuống. Nét mặt cô vũ nữ chưa hết vẻ hoảng hốt. Cô hơi run run. Chợt ông ta
mỉm cười. Quả là mình đã bị ảnh hưởng những chuyện liêu trai, đem chắp nối giữa
mộng và thực.
Đêm sau, muốn khám phá những bí ẩn về hai pho
tượng, ông ta mắc chiếc võng vải lên gác, mười giờ tối mang kính râm đi nằm,
định bụng sẽ thức để quan sát mọi điều. Thế nhưng chờ đợi mãi không thấy gì,
ông ta ngủ quên. Nhiều đêm liên tiếp như vậy, sáng ra ông ta cứ ngờ ngợ: trên
mặt bàn có chút gì thay đổi?
Mấy tuần lễ trôi qua.
Lần ấy… chừng một giờ sáng. Cô vũ công nói:
- Dẫu sao…ông ấy, anh và tôi, nơi căn gác này
là cùng sống dưới một mái gia đình. Và dẫu sao…ông ấy là chủ của chúng ta.
Tiếng người thương binh:
- Cô là vũ công cung đình, quen thân nô lệ,
sẵn sàng đặt quan hệ chủ tớ. Điều đó không hợp với một chiến binh như tôi.
- Dù muốn dù không, anh và tôi, đều là vật sở
hữu của ông ấy. Ông ấy chẳng đã bày tỏ sự ưu ái, đã trải thảm đỏ, thảm xanh
dưới chân chúng ta đấy sao?
- Lẽ ra ông ấy phải để tôi được chôn vùi mãi
mãi trong lòng đất, cũng như cô ngàn năm yên nghỉ dưới phế tích Chùa Bà. Ông ấy
đưa tôi lên đây để làm gì? Tôi không thích, không quen đứng trên thảm đỏ. Chỗ
của tôi ngoài chiến trường, là rừng núi, là tiếng loa kêu gọi, tiếng kèn xung
trận, tiếng thét xông lên…
- Làm sao tắm hai lần trên một lưu lượng? Anh
còn có đủ sự tráng kiện ngày ấy không? Chúng ta ở đây, bên nhau, âu cũng là
Định Mệnh. Đêm đã bắt đầu chuyển sang ngày, anh có nghe chăng, một giọt nồm nhè
nhẹ? Hãy đi một vòng, song song với bước đi của thời gian mà lắng tai tìm hiểu.
Đằng kia có một khối đá, chúng ta đến xem…
Cô vũ công bước lại, quàng tay qua vai người
thương binh. Chân phải của pho tượng chỉ hơi khập khiễng. Hai pho tượng sánh
nhau đi trên mặt bàn, có lúc im lặng, có lúc thì thầm điều gì ông ta không nghe
được. Trở về giữa mặt bàn, họ dừng chân bên quyển vở mở rộng hai trang giấy
trắng, chặn một viên đá hình bầu dục. Người thương binh mừng rỡ nói lớn:
- Ồ, khối đá! Loại đá đen được nắng mưa sông
suối bào mòn gọt láng thế này phải ở tận thượng nguồn và đã già nua lắm. Nơi đó
biết bao nhiêu là đá. Chúng tôi đã từng nằm gối đầu lên đá, gươm giáo một bên,
chờ giờ xuất kích.
Tiếng cô vũ công:
- Vậy anh hãy tưởng tượng trang giấy này là
bãi cát ven sông. Thử một lần gối đầu lên đá và mơ giấc mơ xưa.
Cô vũ công giúp người thương binh nằm xuống,
gối đầu lên đá. Cô đem vuông nỉ xanh đắp lên người anh rồi quay đi, chừng năm
bảy bước, ngoái nhìn. Người thương binh tung vuông nỉ xanh ra, đứng dậy đến bên
cô, rụt rè nắm tay cô. Vài tích tắc trôi qua như là để họ nhìn vào mắt nhau.
Rồi cô vũ công ngả đầu trên vai người thương binh, tay phải anh quàng qua ôm
cô, cánh tay trái vung vẩy, trông thật đáng thương.
Họ bắt đầu hôn nhau thì ông ta nhắm mắt lại,
không muốn xoi mói giây phút thiêng liêng riêng tư của người khác. Lòng ông ta
thầm nghĩ: Xin chúc hạnh phúc. Ta sẽ tác thành cho hai bạn.
Ông ta thức dậy muộn, tự trách mình sao đã
ngủ quên và ngủ quên lúc nào. Trên quyển vở hai pho tượng nằm bên nhau, đè lên
vuông nỉ đỏ, vuông nỉ xanh phủ kín nửa thân. Ông ta lại phân vân: Đêm rồi đã
xảy ra câu chuyện như thế chăng? Hay vẫn là sự liên tưởng, chắp nối giữa mộng
và thực? Người thương binh đã ôm lấy cô vũ công, họ đã hôn nhau và âu yếm nằm
bên nhau? Hay cơn gió sớm buổi sang ngày xuyên qua cửa sổ đã thổi văng hai pho
tượng cùng hai vuông nỉ? “Ta sẽ tác
thành cho hai bạn” ! Ông ta tự cười cái ý nghĩ trẻ con của mình. Làm sao ông ta
có thể tác thành cho họ được? Nếu họ có linh hồn thì việc họ gặp nhau là do một
căn duyên nào đó của Trời Đất, chỉ có Trời Đất mới tác thành cho con người, chứ
con người hôm nay làm sao tác thành cho những kiếp đời hàng trăm năm trước?
Ông ta đặt hai pho tượng lại chỗ cũ, dùng
viên đá chặn giấy đè lên giữa hai vuông nỉ để phòng gió thổi. Cũng là để, nếu
pho tượng có hồn thì người cựu binh có thể tìm thấy ở đó nét chấm phá của dáng
dấp núi rừng, đầu nguồn mạch suối, nơi đã từng là chiến trường oanh liệt. Đêm
đêm, ông ta lại bày một chút bề bộn, để khi cô vũ công thu dọn, hai pho tượng
có cớ nói về ông ta. Ông ta cũng chú ý chọn những vật nhẹ nhàng, những việc nhẹ
nhàng, như chiếc nắp bút không đóng, vài chiếc kim găm vung vãi, để cô vũ công
đỡ vất vả. Sáng ra, ông ta cứ ngờ ngợ : Có chút thay đổi gì trên mặt bàn chăng?
Hay cái thứ tự này đã được sắp xếp gọn trước khi đi ngủ?
Bẵng đi một thời gian bận nhiều công việc.
Một buổi tối ông ta cầm hai pho tượng lên lau
bụi. Ông ta có cảm tưởng cô vũ công đẹp hơn, duyên dáng hơn, nụ cười hàm tiếu
đã trở thành mãn khai. Người thương binh cũng bớt đi nhiều vẻ đăm chiêu xa
vắng. Chân phải không còn quỵ xuống nữa, đã gần đứng thẳng được. Cau mày nhớ và
nghĩ, rốt cuộc ông ta cũng không giải đáp được nỗi phân vân: Có phải vậy chăng?
Hay việc đầu gối của pho tượng chì quỵ xuống chỉ là cảm giác hoàn toàn chủ quan,
ta ngỡ vậy vì khi nhặt được đã sẵn định kiến, đinh ninh rằng đây là pho tượng
miêu tả một chiến binh bại trận đau khổ?
Trần Huiền Ân
(2001)