Friday, September 2, 2022

2571. TRẦN HUIỀN ÂN Nhân mùa khai giảng, nhớ chuyện ĐIỂM TỐT – ĐIỂM XẤU


Hai mươi tuổi tôi bước vào ngành giáo. Nhiệm sở đầu tiên là một ngôi trường Tiểu học thôn quê, cho nên sau này tôi vẫn nói “xuất thân là anh giáo làng”. Một loạt giáo làng tốt nghiệp sư phạm năm đó, tuổi hai mươi, non choẹt, nhưng được phụ huynh học sinh mến trọng, thường trực tiếp đến nói chuyện, xin thầy rèn cặp con em họ một cách khắt khe. Học sinh nhiều cỡ tuổi, làm giấy tờ lại, tuy năm sinh bằng nhau, nhưng có đứa lớn đứng cao bằng thầy, có đứa bé nhỏ, có thể so sánh chúng như con chim chiền chiện.

Hồi có có một loại điểm là “điểm linh hoạt”, nói nôm na là “điểm tốt – điểm xấu”. Sĩ số đông, có lớp đến 60, theo tổ chức “hàng đội tự trị” chia ra từ 4 đến 6 đội. Mỗi em Đội trưởng giữ một bảng “Điểm linh hoạt” ghi tên đủ các đội viên. Khi em nào có ý kiến hay, làm được điều tốt, thầy khen, cho “1 điểm tốt” thì Đội trưởng vạch 1 nét đứng nơi tên em ấy. Khi em nào phạm lỗi, thầy phạt “1 điểm xấu” thì Đội trưởng vạch 1 nét ngang. Điểm tốt, điểm xấu đều loại trừ được nhau nên các dấu cộng (+ chữ thập) coi như bằng 0. Cuối tháng, Đội trưởng nộp bảng Điểm linh hoạt cho thầy. Tùy theo quy định của thầy, số điểm linh hoạt này sẽ được cộng, trừ vào điểm trung bình. Thông thường 10 điểm tốt được cộng 0,1 vào điểm trung bình, 10 điểm xấu bị trừ 0,1 điểm trung bình. Do điều này, học sinh rất ham “linh hoạt”, rất sợ điểm xấu, thầy cô thì phải thận trọng, không dám phung phí điểm thưởng, điểm phạt. Thưởng phạt nhiều quá, cuối tháng biết tính sao?

Lớp dạy đầu tiên của tôi, học sinh nông thôn, hiền lành thật thà, mọi việc trường lớp đều hết sức sẵn sàng, không câu nệ, suy bì. Và rất sợ hai tiếng “điểm xấu”. Một em, khi bị điểm xấu, khóc òa nức nở , lên xin thầy “thà đánh con 10 roi”. (Học trò, không cần biết nhỏ hơn thầy mấy tuối, vẫn cứ xưng con một cách tự nhiên). Tôi cầm lòng không được tha cho. Thế rồi cái trò xin điểm ấy diễn ra tiếp tục, có đứa khóc, có đứa rơm rớm, có đứa buồn xo, tiền lệ đã có, tôi phải tha.

Nhưng tha hết, chúng sẽ dễ ngươi, coi thường kỷ luật! Tôi đành bày chuyện “án treo”. Điểm tốt vẫn thưởng, điểm xấu rất hạn chế. Tôi nói: Đáng lý thầy phạt em điểm xấu, nhưng lần này tha, lần sau sẽ không tha. Như vậy, trong một tháng, học sinh nào 2 lần vi phạm lỗi nặng mới bị 1 điểm xấu, 10 điểm xấu mới bị trừ 0,1 điểm trung bình, thì không ảnh hưởng đến vị thứ. Phụ huynh học sinh thôn quê rất coi trọng vị thứ. Điểm trung bình có thể thấp nhưng vị thứ cao là họ vui.

Ngày nay, học sinh khắp nơi học đúng theo độ tuổi, được tiếp xúc nhiều, linh hoạt hơn. Không biết cái chuyện điểm tốt điểm xấu này có còn hay không? Hồi bắt đầu đi dạy, tôi rất sợ đến lúc nào đó sẽ thành “ông giáo già” không đủ uy và tín khi đứng trên bục giảng, trước mặt học trò. May hay không, tôi chỉ ở trong ngành giáo 18 năm, chưa đến lúc già? Nay thỉnh thoảng cũng được gọi bằng thầy, tự xét đó là cái “hàm”, hoặc một từ nói về nghề nghiệp trong quá khứ.

Nhưng quá khứ không chịu ngủ yên, vẫn hay thức dậy, khua động mọi ngõ ngách, bắt ta nhớ về “chuyện đời xưa”, lúc làm “anh giáo làng”  một ngôi trường quê, có chuyện điểm tốt điểm xấu này.

Trần Huiền Ân (3-9-2022)