Những tiếng lóc cóc …lóc cóc…đang đều đều đột nhiên dừng lại. Ngón tay gõ xuống nghe nhẹ hẳn, cần chữ không mổ lên. Ông ta nói :
- Rồi…rồi…
Là chỉ nói với chính mình , chỉ đủ mình nghe, nhưng nếu có người nhà bên cạnh thì ai cũng hiểu, hỏi lại :
- Máy đánh chữ lại hư, phải không ?
- Rồi…rồi…
Ông ta đáp và ngồi thẳng lưng dựa vào thành ghế, chưa vội xem chữ nào bị gãy . Lâu nay chuyện đó đã thành chuyện thường .
Chiếc máy đánh chữ từ trước tới giờ vẫn là người bạn thân thiết không thể rời xa của ông ta. Hồi mới lên tám, sống theo người cha trong cơ quan huyện, mỗi khi có máy đánh chữ rảnh là ông ta xin các chú, các anh cho đánh chơi. Lúc ấy chỉ có một máy đánh chữ Việt có dấu, còn toàn là máy đánh chữ Pháp hiệu remington không dấu, hầu hết đã cũ, có khi chữ này hỏng phải đánh chữ khác tạm thay. Do đó, cho tới lúc trưởng thành ông ta quen với lối đánh “mổ cò”, tuy cũng nhanh không kém thiên hạ, trình bày văn bản chẳng thua ai, nhưng thay vì dùng mười hay tám ngón tay, ông ta chỉ sử dụng có hai ngón trỏ.
Đầu năm 1975, ông ta mua được chiếc máy đánh chữ loại “xịn”, cuộn ruban hai màu đỏ đen, cũng đáng tự hào với bạn bè. Đến tháng tư, một đồng nghiệp là nhà giáo có tuổi, Hiệu trưởng Tiểu học tư thục, báo cáo với chính quyền, ông ta phải mang máy đem nộp. Tiếc như đứt ruột nhưng không dám giữ. Cá nhân không có quyền sở hữu các loại máy móc. Radio còn phải giấu giếm.
Những năm sau, trên đường phố thị xã có ba người đánh máy thuê. Họ có xin phép nhưng chưa được duyệt cấp, nên thỉnh thoảng ông này tố cáo ông kia . Máy chữ của họ bị Phòng Văn hóa thu giữ tạm thời, rồi trả, rồi thu, năn nỉ, xin xỏ, lại trả. Một người đánh máy thuê thấy cứ như thế thì phiền hà quá, đem bán rẻ máy và ông ta mua được. Nỗi mừng còn hơn hồi có chiếc máy đánh chữ xịn rất nhiều. Ngoài việc đánh những bài thơ, truyện ngắn, thỉnh thoảng ông ta làm giúp tờ đơn, y sao văn bằng, chứng từ cho bà con quen, nhận được những lời cảm ơn thật tình chân thành, thêm một niềm vui.
Một hôm, ông Tổ dân phố nhà ở đầu hẻm tạt vào, thấy ông ta đang đánh máy. Ông Tổ dân phố già có một thời làm nhân viên chụp ảnh cho Ty Cảnh sát, sợ cũng mang tiếng là cảnh sát , để gỡ cái tiếng ấy, luôn luôn tích cực trong công tác mong bù đắp lại. Ông Tổ dân phố già ghé hôm trước thì hôm sau ông Sáu thợ hồ nhà bên cạnh ngoắc ra nói nhỏ :
- Này , anh Tám ơi, tôi nghe ông Mười nói bữa nào vào “hốt cốt” đó…
- Hốt cốt cái gì ? Ông ta hỏi.
- Máy đánh chữ. Ông Sáu thợ hồ đáp.
Chiếc máy đánh chữ bị hốt cốt thật. Ông ta không biết có phải do Tổ dân phố không, chẳng dám hỏi, chẳng dám nói… Hôm họp dân, ông Khu phố trưởng (cấp trên của tổ) cũng là người có dính dáng đến ngành cảnh sát chế độ cũ, đưa sự việc ra như một lời cảnh cáo.
Tưởng như thế là qua, chứng nào tật ấy, ông ta lại mua máy đánh chữ.
Lần này ông ta hết sức cẩn thận. Để tránh những lời bép xép trẻ con, việc có máy đánh chữ phải kín đáo với mấy đứa cháu nhỏ trong nhà, không cho chúng biết điều gì. Khi cần, đợi đến tối, đóng hết cửa lại, khóa cổng… mới đánh máy. Đánh xong cất vào tủ đứng.
Ông ta tạm bằng lòng cho tới lúc… một buổi sáng dậy sớm tập thể dục, ông Chín nhà phía trước nói :
- Hồi hôm thức khuya, nghe đánh máy lóc cóc cả đêm mà sáng vẫn dậy sớm, anh Tám giỏi thiệt.
Ông ta giật mình. Máy đã quá cũ, khô dầu, tiếng kêu trong đêm, nhất là trên căn gác nhỏ, nghe càng rõ, càng xa, dễ lọt vào tai các toán dân phòng tuần tra. Nguy thật! Ông ta cố gõ nhẹ, song có cảm tưởng càng gõ nhẹ tiếng máy càng lớn hơn, vang lên dội vào mái tôn như thách thức, trêu chọc. Chỉ những đêm mưa mới thật yên tâm. Tiếng mưa vỗ vào mái tôn ào ào ầm ầm lấn át hết mọi âm thanh…
Thật tội nghiệp chiếc máy, quá cũ! Không ít lần những tiếng lóc cóc đang đều đều đột nhiên ngưng lại, ngón tay gõ xuống nhẹ hẳn, cần chữ không bật lên, một lò xo đã bị đứt… Phải tạm xếp lại để sáng mai đem sửa .
Bỏ máy trong cái giỏ lác xách đi, hoặc bao lại đặt sau xe đạp. Nào ai biết được! Mua ram giấy, hộp carbone , cũng phải kín đáo gói lại, bọc lại, đừng để trống trải…
Chiếc máy cũ có nhiều tật như người già mắc nhiều bệnh. Bây giờ ông ta đã quen hết tật của nó… Ruban không nhảy, chuông không kêu, thước lên dòng không cân hai bên… Ông ta có thể tự điều chỉnh, tự sửa. Nhưng khi đứt lò xo thì phải mang đến thợ. Người thợ này đã quen các tật bệnh của máy, thấy ông ta khệ nệ bưng vào là biết ngay, hỏi :
- Chữ gì nữa đây ?
Và thanh minh :
- Sao lạ kỳ … Loại máy này thép tốt lắm chớ, xài thật bền… mà sao…
Đến lượt ông ta thanh minh ngược :
- Chắc là tại tôi đánh nặng tay, không sao… anh sửa giúp gấp gấp, chiều tôi lấy.
Kể ra người thợ cũng có cảm tình với ông ta và là chủ cũ của chiếc máy tự thấy có trách nhiệm phần nào nên luôn dành cho ông ta cái điều gọi là ưu tiên, sửa máy chữ cho ông ta trước.
Đến thời mở cửa, rồi kinh tế thị trường, những giàn máy vi tính nhan nhản, nhiều người có, nhiều tiệm “dịch vụ“. Người ta in thơ tặng nhau, thư từ có khi dùng vi tính, chẳng ai thèm bận tâm đến máy đánh chữ. Bây giờ ông ta mới được thoải mái, có thể đánh máy bất cứ lúc nào và khi sửa máy có thể để trần như vậy ôm đi hoặc đặt sau xe đạp không cần bao phủ che đậy, nhưng đã thành thói quen rồi, ông ta vẫn e ngại có người nhìn thấy, đêm đêm vẫn giật mình bởi tiếng đánh máy vang lên quá lớn…
Nhiều người khuyên ông ta :
- Máy vi tính bây giờ có bao nhiêu đâu, rẻ mạt, rẻ như cho. Anh gắng mua một cái cũ cũ vài ba triệu mà dùng. Tiện lắm. Viết bản thảo trên vi tính, đọc lại sửa chữa trên vi tính, khỏi mất công.
Ông ta đáp :
- Để coi, để coi…rồi phải cố gắng tính…
Nhưng rồi vẫn lóc cóc gõ máy đánh chữ.
Đến lúc máy hư khá nặng. Người thợ sửa không muốn làm công việc này nữa, tốn công mà tiền ít nên cứ hẹn rày hẹn mai…
Trong khi chờ đợi, buổi chiều mưa buồn, ông ta nhắn mấy đứa con rằng : Chắc đến sau tết thế nào cũng mua máy vi tính, cần có sự tiếp sức. Ông ta nói là nói vậy, cũng như nhà chật thì tỏ ý muốn sửa nhà, không có xe thì tỏ ý muốn mua xe, thật ra chuyện mua máy vi tính còn nhiều mộng mị, mới là mầm mống manh nha, chưa thực sự hình thành trong đầu óc.
Vậy mà… chiều hôm sau cửa hàng bán máy vi tính cho mang đến, cùng với thợ lắp đặt, mọi chi phí con ông ta đã thanh toán .
Căn gác rộng đúng bốn mét vuông, nơi làm việc hàng ngày của ông ta, mùa đông lạnh và ẩm, không đủ tiêu chuẩn bảo quản máy móc, ông ta phải tạm xa, dời xuống dưới nhà, lúc nào cũng ồn ào tiếng nô đùa của đám cháu và thường có khách đến chơi. Ngồi trước máy vi tính sạch sẽ, sáng sủa, bàn tay thao tác nhẹ nhàng… ông ta cảm thấy như có điều gì bâng khuâng, tuy không hẳn là nhớ về những ngày tháng cũ. Cái cảm giác không vui, không buồn, không hào hứng lắm nhưng cũng không phải hờ hững trước mọi sự việc đã là cái cảm giác thường trực nơi ông ta từ nhiều năm nay…
Bây giờ đã gần khuya… Trời lạnh nhưng không mưa, cũng không có tiếng gió rít bên ngoài. Ông ta thấy lặng lẽ quá, thầm mong có tiếng lóc cóc của chiếc máy đánh chữ cũ phá tan sự bình yên có phần nặng nề trong im vắng, bước lên căn gác nhỏ.
Thiếu hơi người, không khí căn gác ẩm mốc, mặt bàn rin rít, đưa bàn tay sờ lên chiếc máy đánh chữ nghe ươn ướt… Ông ta ngồi xuống, lau khô mặt bàn rồi chậm rãi cẩn trọng mở máy đánh chữ ra lau bên trong, cài một tờ giấy, vặn trục… Tiếng máy không còn lóc cóc lóc cóc mà nghe “công cốc công cốc” chát chúa. Ông ta dừng tay lại, thoáng sợ hãi như năm nào sợ toán dân phòng tuần tra nghe thấy. Rồi chợt nhớ cảm tưởng một nhân vật của Alan Paton khi thức đợi bình minh, cái bình minh không còn sợ hãi sự nô lệ và nô lệ sự sợ hãi… chẳng biết bao giờ mới đến.
Chợt văng vẳng có tiếng hát ru …
Nắng ba năm ta không bỏ bạn
Mưa một ngày bạn vội bỏ ta …
Đây là tiếng bà ru cháu, không phải mẹ ru con hay chị ru em. Lớp mẹ và chị hôm nay đâu biết hát ru. Câu hát này còn dùng làm câu đố, có thể giảng nhiều nghĩa, ông ta thích nhất cái nghĩa nó là bóng của ta.
Hôm đi chơi thành Tây Giai ở Thanh Hóa, cũng vào một ngày mùa đông, mưa nhỏ lất phất, lúc đi hết bốn cửa thành trở lại trung tâm ngồi bên đôi rồng đá rạn nứt thì trời chợt hửng nắng, những bóng người đổ dài lên vệ cỏ ven đường, ông ta chợt nhớ câu đố này. Nắng ba năm ta không bỏ bạn, mưa một ngày bạn vội bỏ ta…chính là bóng của ta. Chỉ có bóng của ta mới khắng khít chung thủy với ta như thế, nó luôn luôn theo sát bên mình ta dưới ánh mặt trời. Nhưng … là lời người trách bóng hay lời bóng trách người? Người bỏ bóng hay bóng bỏ người? Mỗi bên đều có lý riêng để giải thích, biện minh … Chung quy cũng bởi tại trời, khi nắng khi mưa, để cho người và bóng khi gần khi xa… Ông ta có cảm tưởng như chiếc máy đánh chữ cũ kỹ mỏi mệt rã rời đang nói với ông ta như thế, khác với hôm ở thành Tây Giai đôi rồng đá rạn nứt chỉ đóng vai trò để ông và bóng hỏi nhau.
Trở về chiếc máy đánh chữ, ông ta với máy đúng là như hình với bóng. Những ngày khốn khó bữa cơm gạo chỉ một ít, phần chính là khoai sắn. Nhào bột mì làm bánh, khi ăn còn thấy sót vài con mọt. Những bài thơ, những truyện ngắn viết về cái ấm lạnh của quê hương Vân Hòa. Những ngày lên miền núi qua đỉnh Mor Ping mây trắng giăng đầy. Tiếng hát hào sảng của người dân chài. Ông lái đò già nơi bến sông trưa nắng chang chang… Bao nhiêu hình ảnh được ghi lại trên giấy từ chiếc máy đánh chữ cũ kỹ này. Những vui mừng khi thấy ý tưởng của mình thể hiện khá trọn vẹn. Những lo lắng lẽ ra không đáng có, giờ này người ta gọi là “bối cảnh lịch sử”, nghĩ lại cứ như chuyện đùa… Tình sâu nghĩa nặng biết bao. Một tứ thơ thoáng hiện.
Ông ta vặn cao trang giấy trong máy đánh chữ , gõ lên đó câu thơ vừa nghĩ. Tiếng công cốc công cốc không còn gây cảm giác sợ hãi cố hữu ông ta cho rằng mỗi người làm dân đều có, ít ra là nó ẩn trong tận cùng sâu kín của cõi lòng. Trái lại, âm thanh khô giòn đã gây một sự phấn khích… nhờ đó, ông ta có câu thơ thứ hai, thứ ba, rồi làm được hai khổ một bài thơ thất ngôn…
Đột nhiên ngón tay đang gõ xuống say sưa nghe nhẹ hẫng, cần chữ không đập lên, một lò xo đã đứt. Dòng tâm cảm đang trào dâng, ông ta tháo tờ giấy, vơ cây bút bi, ghi nhanh những dòng chữ nguệch ngoạc…
- Ngày mai lại phải đi sửa rồi, dù dùng hay không dùng cũng phải sửa, sửa rồi cất, để thỉnh thoảng đôi khi …
Ông ta nghĩ như vậy và quen trong tư thế cũ, ngồi thẳng dậy, tựa lưng ra thành ghế…
(2000)
Trần Huiền Ân