Shabnam Nadiya
nhà văn và dịch giả ở Bangladesh.
Theo học đại học Jahangirnagar tại
Bangladesh. Dời sang Hoa Kỳ để đeo đuổi việc học. Tốt nghiêp MA văn chương Anh
tại đại học Dhaka và MFA tại Iowa
Writer’s Shop.
Giải PEN/Heim Translation Grant (2020)
Steinbeck Fellowship (2019)
Himal Southasian Short Story Prize (2019)
Truman Capote Fellowship (2012)
Hiện đi dạy và làm nghiên cứu văn học.
NHỮNG ĐỨA CON CỦA ISHWARI
Ishwari là con sông duy nhất mà tôi thực sự
nhìn thấy một cách chân thật nhất. Một số người cũng gọi là sông Isri. Một
ngày, ông nội giải thích. Allah ở bậc trên, còn vị nữ thần này ở cấp bậc thấp
hơn. Tên của nữ thần biểu hiện cho sắc đẹp và uy quyền của bà. Dadajan (ông nội)
kể nhiều chuyện tuyệt diệu về nữ thần, cơn thịnh nộ, nỗi buồn, tính hào phóng,
lòng tham của bà gây hứng khởi tràn ngập nhịp điệu trong lời nói của ông và xâm
chiếm trí tưởng tượng của tôi suốt thời thơ ấu.
Chúng tôi sống ở Dhaka, nhưng Dadajan còn ở
Noapara, ngôi làng của tổ phụ. Ông là người cao lớn, vòng ngực phù hợp với một
người đàn ông xứng đáng, có địa vị trong đời sống. Khi cười, đôi mắt gấp nếp
nhăn, nhưng đôi khi ông muốn nhăn, lại không được. Bộ râu gần như bạc trắng,
tuy vậy, vài sợi đen đã khẳng định máu trẻ trung vẫn còn lưu chuyển trong huyết
mạch. Ông luôn luôn đội chóp mũ trắng giặt sạch và tẩm hồ cứng. Ông chưa bao giờ
phải mua, bà tôi tự tay đan cho ông.
Chúng tôi đi thăm ông hai hoặc ba lần mỗi
năm. Ngược lại, ông thăm viếng chúng tôi thường xuyên. Ông đến với một người
đàn ông kéo xe chở dừa, có thêm chậu đất chứa đầy cá sống, mỗi năm hai lần, chở
nhiều bao tải lớn đầy gạo từ ruộng trồng của ông. Còn bản thân, ông mang đến
nhiều câu chuyện. Luôn luôn là những chuyện về Ishwari, con sông đang nuốt chửng
đất đai như một bà điên sắp chết đói.
Dadajan nói, “Đó là một người đói. Bà sẽ ăn
thịt ông nội ngay từ trong nhà ra đến ngoài đường.”
Những cơn sóng thịnh nộ của Ishwari đã nhận
chìm một số đất đai rộng lớn, phần nhiều trong số đất đó thuộc về ông tôi.
Bà Ishwari rửa sạch nhà cửa, ruộng đồng; chỉ
trong vài ngày cả làng xóm biến mất. Ông nói, nhưng Ishwari cũng trả lui, “Bà
nhai đi nhai lại rồi phun ra. Không báo trước nơi nào vùng đất sẽ nổi lên, màu
mở và tốt lành hơn trước.”
Tuy nhiên, chính những cơn nôn mửa này đã khiến
Dadajan gặp các khó khăn. Nhiều người mong ước sẽ chiếm những vùng đất tốt này
khi còn trong bụng của Ishwari, cho dù họ có phải là người được quyền sở hữu
hay không. Thường xuyên sự phân xử đòi hỏi và thậm chí phải đến tòa án để xem
vùng đất tân thủy lập thuộc về ai. Dadajan vẫn hay đến hỏi ý kiến của cha tôi về
những vấn đề như vậy: với tư cách là con trai duy nhất, tất cả những thứ này, một
ngày nào, chắc chắn thuộc về cha. Tôi thường ngồi trong lòng Dadajan, chìm vào
giấc ngủ thoải mái, khi họ bàn thảo về mảnh đất nơi này hoặc mảnh đất nơi kia. Nghe
nói về bạo lực và sự ngoan cố của charuas, char-bandhas (dân sống trong vùng đất
thủy tân lập), khi những người này cố gắng giải quyết chủ quyền của các vùng đất
vừa xuất hiện, tôi học hỏi được quyền người tranh chấp và các vi phạm luật lệ về
tranh chấp đất đai.
Bất cứ lúc nào chúng tôi đến thăm, tôi luôn
luôn đi theo Dadajan trong những việc buôn bán lặt vặt, Tuy nhiên, nhớ có một lần
duy nhất ông dẫn tôi đi xem vùng đất thủy tân lập. Lúc đó mùa đông, mùa dòng
Ishwari khô cạn nhất. Dadajan hẹn gặp một số người ở một vùng đất mới thành
hình. Đi một phần đường bằng kosha nhỏ (thuyền nhẹ) của Dadajan chỉ dùng cho những
việc riêng. Khi chiếc thuyền hẹp trượt dọc theo lòng sông tối tăm, tôi mong thấy
lại dòng nước trong giữa mùa mưa.
Có hai kamlas (người giúp việc) đi theo chúng
tôi. Abdul Chacha và Alam Chacha. Họ là những người đáng tin cậy trong số người
làm công. Họ là anh em và những người trong gia đình họ cũng làm việc cho chúng
tôi, qua nhiều thế hệ.
Người anh lớn, Abdul Chacha giúp việc cho
Dadajan kể từ khi anh biết đắp đất bùn khô cứng để sẵn sàng cho các cánh đồng
trồng trọt. Anh đã đi theo ông tôi khắp nơi. Trên vai luôn luôn đeo một chiếc
dù đen và túi vải đựng các món cần thiết. Còn Alam Chacha, lúc đó, có trách nhiệm
đưa tôi đi, (thêm một chiếc dù đen) loanh quanh mỗi khi Dadajan dẫn tôi theo
trong lúc làm những việc vặt vãnh, cốt để khoe tôi, đứa con trai duy nhất của con
trai duy nhất của ông, (cháu đích tôn). Alam Chacha chèo kosha một mình đến cuối
khúc sông.
Ông nội nói giọng làu nhàu, “Babu (người Ấn
có học thức) bây giờ chúng ta phải đi bộ.” Ông dẫn đầu, sải bước với cây gậy bịt
bạc nơi tay cầm. Abdul Chacha theo sau cầm dù che. Tôi ngồi trên vai Alam
Chacha. Anh phải cầm chiếc dù cao hơn bình thường để che vừa đầu tôi. Chắc hẳn
là khó chịu, có lẽ, làm anh đau mỏi, gánh đứa bé trai sáu tuổi đi xa không phải
là trò đùa. Nhưng anh không hề phàn nàn, hoặc tỏ vẻ khó chịu. Hoặc có khi anh
không hài lòng nhưng tôi không nhận ra, cảm giác an toàn trong sự lãng quên vô
cảm của tuổi trẻ.
Hai bên bờ sông lác đác cỏ và kaash khô, giống
như tóc mọc lởm chởm của người già được tẩy trắng bởi nắng. Dãy bờ sông xanh
tươi hoàn toàn biến mất. Trên đường đi, cây cỏ thưa thớt dần, trong khi hai bờ
sông hẹp lại, hòa mình vào cát trắng. Mặt trời mùa đông nhợt nhạt đã tìm thấy một
nơi duy nhất để sống trong vinh quang trước đây và không hề tỏ ra thương xót,
đó là cát trong lòng sông, nơi mặt trời chói lóa dội lên đôi mắt cậu bé: Mọi thứ
chung quanh tôi bừng sáng. Dường như là khung cảnh của một thế giới không thể
tưởng tượng, như thể đang bước vào giấc mơ. Ngay cả, âm thanh trong thế giới
này nghe như đã thay đổi. Đã mất rồi tiếng vỗ đều đều của Ishwari. Sự nhộn nhịp
lặng lẽ của các gia đình từ các ngôi làng đi buổi sáng, về buổi chiều, bên sông
nay đã là chiêm bao xa vời. Thay vào đó, tôi chỉ nghe tiếng lạo rạo nhịp nhàng
liên tục của cát khi bị đạp dưới chân và tiếng kêu chói tai của một con diều
hâu lượn vòng tròn trên đầu chúng tôi.
Ishwari, một khúc đã cạn hết nước, bị mùa
đông hút mất. Con sông giống con thằn lằn già mệt nhọc nằm phơi bụng dưới nắng.
Tôi không hiểu, làm sao ông tôi và hai người
giúp việc có thể định hướng đang ở đâu, rồi sẽ đến đâu, một hành trình dường
như dài vô tận, đối với tôi khi lê bước mãi trong ánh nắng chói lọi không thay
đổi. An toàn trên vai Alam, có vẻ như chính tôi đang trở nên mệt mỏi theo từng
bước chân anh.
Đột nhiên, một màu xanh xốn xang mở ra trước
mắt. Mọc lên nhà cửa cây cối. Khi đến gần, Mặc dù trông khá mới, nhà cửa chỉ xây
cất như căn nhà bò của chúng tôi. Họ dựng lên hết sức đơn giản, vách bằng thanh
tre cột dây, che bằng chiếu. Rất dễ dàng tháo dỡ và ráp lại. Tuy nhiên, ngay cả
chuồng bò của chúng tôi, cũng lợp bằng thiếc, đây chỉ là nhà lợp tranh.
Có con nít đùa chơi trước cửa lều. Hầu hết ăn
mặc rách rưới, màu sắc không thể xác định, một số trần truồng ngoại trừ đeo tấm
talisman (bùa hộ mạng) và tabijes (tấm vải nhỏ che phía trước) cột vào eo bằng
sợi dây đen kiểu truyền thống. Chúng ngừng chơi và chú ý nhìn khách lạ. Abdul gọi,
“Này, đứa nào biết Kamrun Munshi không?” Cả đám trẻ đứng im. Anh gầm lên,
“Không nghe hả. Gọi Kamrun Munshi, cho ông ta biết Chowdhury Shaheb ở Noapara
đang chờ ở đây.” Đám trẻ chạy tán loạn như bầy chim sẻ.
Di chuyển vào bóng mát vài cây chuối sát hàng
rào của khu định cư trong khi chờ đợi. Alam hạ tôi xuống đất. Vài phút sau, một
người đàn bà xuất hiện. Đầu và một phần mặt được che bởi phần cuối của bộ áo
sari cũ tả tơi. Một số phụ nữ khác tụ tập ở xa xa, rướn cổ cố gắng nhìn chúng
tôi cùng một lúc rán che đầu. Người đàn bà đứng trước mặt Dadajan, đặt tay lên
trán chào, “Salaam Aleikum.” (Chúa ban sự bình an cho bạn.) Ông tôi ân cần
nghiêng đầu chào lại.
“Rồi sao?” Tiếng Abdul Chacha nói cộc lốc,
không phải cơn gió trốt tung cát dưới chân bà. Bà trả lời điều gì, giọng nghe
không rõ. Abdul ra lệnh, “Này bà, nói lớn lên. Kamrun Munshi đang ở đâu?”
Bà hơi ngẩng đầu và lập lại, “Anh ấy đi chợ.
Giờ này, những đàn ông …”
“Vậy bà là ai?” Tôi ngạc nhiên, Abdul đang
nói chuyện, tại sao lại tỏ vẻ tức giận với bà?
“Tôi là vợ của Munshi.” Trả lời nhỏ nhẹ.
“Vợ! Ô, bà là của anh ta. Người charus …”
“Abdul,” Giọng nói bình tĩnh của Dadajan xen
vào. “Không cần phải như vậy.” Lập tức Abdul cúi đầu, lui lại sau lưng Dadajan.
“Vậy bà là vợ của Karum? Được rồi, tôi là Akram Chowdhury ở Noapara. Chúng tôi
đi từ xa, với cháu trai của tôi. Bà có nghĩ là chúng ta có thể ngồi xuống trong
một bóng mát nào và uống nước không? Chồng bà đi vắng thật là đáng tiếc. Tôi muốn
bàn chuyện làm ăn với anh ấy.”
Người trùm khăn cúi đầu, quay đi với lời mời
mọc thì thầm, nghe không rõ. Đi vào sân nhà bà. Những phụ nữ khác đeo theo sau
lưng chúng tôi, họ nói chuyện nhẹ nhàng như dòng nước xoáy.
Vào đến sân nhà, vợ của Munshi đặt một chiếc
jolchouki bằng gỗ cho Dadajan ngồi. Chiếc ghế đẩu thấp cũ kỹ và hư hao theo mưa
nắng, nhưng nét chạm khắc tinh xảo vẫn chứng minh nghề thủ công tận tâm đã tạo
ra nó. Bà lên tiếng nói một điều gì, lập tức các phụ nữ khác bỏ đi. Những người
còn lại tập trung đứng sau lưng bà, tương tựa như chúng tôi sắp kiểm tra căn
nhà đổ nát. Trong sân, mọi thứ gọn gàng với một góc chứa đầy phân bò khô, bã
mía và đống giẻ rách không hiểu để dùng làm chất đốt hoặc để bán. Một sợi dây
phơi đồ giặt, từ trong nhà kéo căng ra đến cây chuối, treo chiếc áo sari sọc
xanh đỏ, cũng cũ rách như áo bà đang mặc. Vài con gà gầy còm đang loay hoay
không biết làm gì.
“Có vẻ như bà đã ổn định đời sống khá tốt, “
Dadajan lên tiếng với vẻ một người chủ ngồi trên ghế đẩu. Ông chỉ cây gậy vào
các con gà, “Chúng nó đẻ nhiều không? Bà có gà trống để làm giống không?”
Có chút thiếu lịch sự trong giọng nói và cách
nói của ông, không quen thuộc đối với tôi cũng như vùng đất nắng lung linh mà
chúng tôi vừa đi qua. Trong khi ông đang nói, những phụ nữ bỏ đi lúc trước, bây
giờ quay trở lại. Một người bưng chiếc ghế thấp, một số còn lại bưng thức ăn.
Bà đặt chiếc ghế gần chân ông nội rồi ra dấu cho tôi ngồi lên. Hai chiếc cốc
thiếc được đặt gần đó với một ít đồ ngọt và một chiếc bát thiếc móp méo đựng dừa
nạo. Nếu chỉ cung cấp nước không cho khách là điều không thể chấp nhận, ngay cả
những người nghèo như thế này.
Bà đến đứng cạnh tôi, dùng tay ra hiệu rồi
nói giọng dịu dàng, “Babu, ăn đi.” Chéo áo sari rơi khỏi đầu, lần đầu tiên tôi
thấy khuôn mặt bà rõ ràng. Với vẻ đẹp của phụ nữ đồng quê đã phai tàn theo tuổi
tác và lao động. Tôi chọn món đồ ngọt màu nâu có kem và mút nó, vị ngọt giòn
tan ra trong miệng. Ông nội cầm cốc nước, nhấp một ngụm. “Nước mát lắm, Babu, uống
đi con.” Tôi uống chiếc cốc kia. Nước ngọt. Dadajan chép miệng, hỏi, “Kamrun
Munshi đi đâu? Để vợ trẻ một mình ở đây. Nhưng người đàn ông khác đâu?”
Đột ngột, đám trẻ nhỏ xuất hiện, những gương
mặt quỉ quái ló ra từ sau lưng các phụ nữ, theo dõi từ một góc nhà. Họ im lặng
nhìn chúng tôi cũng như những người mẹ.
“Giờ này trong ngày, các đàn ông đều vào
làng.”
“Anh Munshi đi vào khu chợ để làm gì?”
“Chúng tôi có ít trứng, một số rau, và cá từ
sông Ishwari. Anh đi bán để mua gạo.”
Dadajan nhìn những mảng đất màu sậm ở hướng
tây và nói, “Trứng, rau. Tôi thấy bà đã bắt đầu trồng, Dưa hấu, cà chua, súp
lơ. Hay lắm, đất sẽ được nêm chặt. Như vậy, bà đã khá ổn định. Có bao nhiêu người
ở đây?”
Bà nhìn xuống và dùng ngón chân cào lên đất,
“Trong nhà tôi?”
“Không phải,” Dadajan sốt ruột, vẫy cây gậy.
“Tất cả mọi người, Bao nhiêu?”
“Ô, Vài hộ gia đình,” bà trả lời một cách mơ
hồ. Dadajan nhìn Alam Chacha, rồi nghiêng đầu ra hiệu. Alam lặng lẽ bỏ đi, băng
qua sân đến khu định cư. Chung quanh nghe tiếng côn trùng kêu râm ran.
Dadajan mỉm cười, “Này, cô em, các người vừa
dọn đến đây. Tôi biết sẽ rất khó khăn, dân đại lục thường không hiểu những trở
ngại của cuộc sống vùng tân thủy lập. Nhưng tôi, sống dưới sự quan phòng của
Allah. Tôi phải dùng hết khả năng trong đời mình để thực hiện hữu ích, công
bình và công lý cho người khác.”
Bà Munshi nhìn xuống đất vừa nói nhẹ nhàng
nhưng rõ ràng, “Chúng tôi làm việc tuy rất khó khăn nhưng chúng tôi làm theo sự
hướng dẫn của Allah.”
Dadajan gật đầu, “Đúng, đúng vậy, phải như thế.
Nhưng có rất nhiều loại người trong thế giới của Allah. Sẽ có những người nói rằng
vùng đất này chưa sẵn sàng để định cư, các người chưa có quyền sống ở đây. Các
vùng đất mới nổi lên phát sinh ra nhiều tranh chấp về quyền sở hữu. “ Ông vuốt
râu, “Tôi, tôi là người đơn giản. Tôi để cho luật của Allah và luật của đất cho
biết thứ gì thuộc về tôi và tôi nên có thứ gì. Nhưng những kẻ khác không phải lúc nào cũng
thận trọng như vậy. Đó là điều tôi muốn nói chuyện với Kamrun Munshi.” Khi ông
nội ngừng lại, có một khoảng trống im lặng. Bà Munshi quay nhìn những đứa trẻ lấp
ló. Chúng đã quen dần sự khác biệt và tiến đến gần khách lạ hơn.
Dadajan tiếp tục, “Có những kẽ thiếu suy nghĩ
về những việc như đốt phá vài ngôi nhà, nhổ những cây đang trổ trái, uy hiếp và
đe dọa những người dân vô tội. Họ tự cho rằng những thứ họ phá hoại, cuối cùng
chỉ thuộc về dân tân thủy lập. Tôi không nói như vậy là đúng, chỉ đơn thuần là
họ nghĩ mà thôi. Tuy nhiên, thật là tội nghiệp khi những người làm việc chăm chỉ như các
người lại bị thiệt hại.” Dadajan ngừng lại lần nữa. Ông lấy một miếng naru
trong chiếc bát trước mặt, rồi nhấm nháp trên chiếc đĩa phẳng màu nâu. Đột ngột
lên tiếng, “Các người phải nói với bất cứ ai đến đây rằng các người sống ở đây
vì tôi. Họ sẽ không còn làm phiền các người nữa.”
Bà Munshi bất chợt ngẩn mặt lên, lần đầu
tiên, nhìn thẳng vào ông tôi, “Nhưng không có ai làm phiền chúng tôi cả.”
Dadajan bỏ hết miếng naru vào miệng nhai ngấu
nghiến, “Họ có thể chưa nhưng đừng xem thường, họ sẽ đến.” Ông nhấp một ngụm nước
rồi cầm lấy bánh ngọt batasha. Định cắn một miếng, bà Munshi nói, “Chúng tôi đã
từng sống trong những vùng đất mới trước đây, dân chúng tôi biết cách đối phó.”
Dadajan mỉm cười, “Dĩ nhiên, họ biết. Nhưng
những gì tôi nói sẽ giúp các người sống dễ dàng hơn. Nhắn Kamrun Mushi đến bàn
thảo với tôi. Rồi anh ta có thể nói với người khác.” Ngừng một khoảng im lặng,
thay vì đưa bánh vào miệng, ông tôi bẻ vụn nửa mảnh bánh batasha hình mặt
trăng, để vụn bánh rơi xuống đất. “Con cá mà các người nói, con cá mà anh ta đi
bán, cá trong sông Ishwari không chỉ dành cho mọi người. Hầu hết dòng sông và
việc đánh cá trong vùng, tôi làm chủ cho thuê. Dadajan tinh nghịch lắc ngón tay
trỏ chỉ về phía bà, “Anh ta bắt bầy cá ở đâu?”
Bà mím môi như thể những lời nói đã thoát ra
miệng quá nhiều.
Ông chỉ cây gậy vào những con gà đang vô tình
tiến lại gần hơn, “Tôi sắp đến gặp nhân viên hành chính. Là một người dân địa
phương, tôi cảm thấy có trách niệm quan phòng những vùng đất mới nổi này. Tôi
phải nói với họ, không cần phải lo lắng, vì tôi đã cho những người tử tế định
cư ở đây. Tôi phải cho họ biết, có tất cả bao nhiêu nhà, bao nhiêu người và bao
nhiêu gia súc. Họ cần phải biết những điều quan trọng này. Bà có gà con phải
không, nuôi để bán?” Bà hơi do dự, rồi gật đầu.
Ngay khi ông vừa hỏi, “Mỗi tháng bà có được
bao nhiêu con?” Alam Chacha trở lại với con gà trống trên tay, anh đứng sau
lưng chúng tôi.
Ông nói, “Thần Boro Amma sẽ muốn nấu món
morag-polao với gà cho thiếu gia.”
Bà nội luôn luôn nấu món này cho cha tôi khi
ông đến thăm. Thông thường bà đã làm sẵn hai hoặc ba con gà chờ chúng tôi đến.
Có lẽ, lần này bà đã quên.
Dadajan mỉm cười khoan dung rồi vuốt râu,
“Con trai tôi, đứa con duy nhất, dẫn cả gia đình về thăm cha mẹ già. Nó lớn lên
ở đây, nhiều đàn ông gần như là anh em với nó. Họ luôn luôn cẩn thận canh chừng
nó một cách chu đáo khi nó về đây.” Ông dang hai tay, lòng bàn tay hướng lên trời,
“Họ thương quí nó như anh em và giúp nó tất cả những gì có thể làm.” Ông quay lại
Alam Chacha, “Tại sao anh không trói chân gà lại, sẽ dễ dàng hơn khi xách đi.”
Bà Munshi nhìn con gà đăm đăm không chớp mắt
trong khi Dadajan nói. Đột nhiên, bà lên tiếng với giọng rõ rệt, “Dĩ nhiên, Con
trai duy nhất, dĩ nhiên, anh ta phải được ăn gà. Không cần phải trả tiền cho
chúng tôi. Đây là quà tặng của vùng tân thủy lập nghèo khó này.” Bà trở về im lặng
như thể những lời nói đã làm bà mỏi mệt, bà đã nói hết những gì cần phải nói
trong chừng mực của ngày hôm đó.
“Bây giờ, chúng tôi phải quay về. Nhắn Kamrun
Munshi đến gặp tôi.” Ông tôi nói rồi sải bước về lối đi bên lùm cây chuối, vung
gậy lên như một thái độ không quan tâm. Đầu gậy chạm bạc tinh xảo lấp lánh dưới
ánh nắng ra vẻ sang trọng. Bất thình lình, cây gậy tuột khỏi tay rồi đập vào mặt
một thằng bé đứng sát lối đi, đang nhìn chúng tôi rời khỏi. “A, a, Thật tội
nghiệp, bé con có đau lắm không?” Thằng nhỏ ở trần khẽ rên rỉ rồi lảo đảo về
phía người đàn bà đứng im lặng. Không có ai đến ôm nó, thậm chí, không một ai
đoái hoài nó.
Dadajan hỏi vợ của Munshi, “Có phải con bà
không?” “Abdul, đưa cho đứa trẻ 10 taka (tiền Bangladesh). Tội nghiệp quá. Này,
em bé, mua sôcôla nha, OK? Babu, lại đây. Chúng ta phải đi.”
Bà không trả lời, cũng không di động để nhận
tiền từ Abdul. Dadajan bỏ đi. Abdul chờ một lúc rồi thả tiền xuống đất, đi theo
ông tôi. Alam Chacha đã đưa tôi lên vai, chuẩn bị hành trình trở về.
Chúng tôi đi ra trên đường cũ, khi tôi hỏi,
“Tại sao không có ai đến ôm đứa nhỏ, có mẹ nó ở đó không?” Ông tôi trả lời,
“Dân vùng đất mới là như vậy. Họ di chuyển chung quanh rất nhiều lần, đất mà họ
đang định cư chỉ tạm thời, không có vấn đề gì nếu ở đó lâu ngày hoặc từng tháng
một. Vì vậy, họ trở nên khác biệt với chúng ta. Họ níu chặt đời sống tạm. Allah
đã rất nhân từ ban cho chúng ta đời sống nhẹ nhàng, không có hậu quả gì. Còn họ,
không có tình cảm gia đình thích đáng, ngay cả cho con cái.”
Con gà trống kêu quác một lần rồi hạ xuống
thành tiếng éc trong cổ họng, nó gục đầu xuống vai trái của Abdul Chacha.
“Họ là như vậy. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng
làm một số việc cho họ trong khả năng của mình. Dưới mắt Allah, tất cả con người
là một, tất cả chúng ta đều bình đẳng.” Tôi còn nhớ ông tôi nói như vậy khi chiếc
thuyền lướt nhẹ trên mặt sông. Nếu hành trình đi có vẻ dài và gian khổ, chuyến
trở về dường như vô tận như dòng nước Ishwari lừ đừ.
Đối với tôi, dường như chỉ là ánh sáng mặt trời
lung linh và cát đốt cháy chuyến đi thăm vùng đất mới đó, ghi vào tâm khảm.
Vùng tân thủy lập mà tôi đã thấy, bây giờ, đã chết như ông nội. Chỉ có câu chuyện
hồi tưởng của tôi mang lại sự sống cho người đàn bà vùng đất mới. Sự sáng tỏ của
những hình ảnh đó làm mờ những ký ức tuổi thơ khác mà tôi khao khát vô cùng được
sống lại. Trong một thời gian dài tôi vẫn nghe tiếng quạt nước đều đều của mái
chèo. Nhớ ông tôi thường vuốt râu với vẻ hài lòng lặng lẽ rồi nói, “Tất cả
chúng ta đều là con của Ishwari.”