*ĐƯỜNG LÊN ĐÔNG BẮC
Chúng tôi ra khỏi Hà Nội hồi 4 giờ 30 sáng.
Sương mỏng bàng bạc khắp nơi. Phong cảnh nhuốm một hương sắc thái bình, yên tĩnh.
Rồi ruộng lúa rõ đậm màu xanh khi mặt trời lên. Từ Thái Nguyên nhiều đoạn đường
phố trải dài với hàng dâu da nở đầy hoa trắng.
Nắng
rực rỡ trên đỉnh đèo Phủ Thông, rọi sáng, giảm bớt phần heo hút cho những xóm
nhà mái lợp ngói âm dương hoặc fibrociment cũ kỹ đen sẫm. Ruộng bậc thang bờ nối
bờ cao thấp nhịp nhàng, rải rác những khóm tre non, những con suối nhỏ róc rách.
Trên sườn núi vẫn là bạt ngàn hoa chẩu. Xuống đèo Nà Phặc nghe thấy mùi phân trâu,
cái mùi quen thuộc của mọi miền đồng quê Việt Nam.
Nghỉ trưa trên
đỉnh Đèo Gió, ngôi quán mang tên theo tiếng địa phương “quán Phong Phin” nhưng
chiêc cầu phía trước tên theo Hán Việt “cầu Nam Sách”. GS Tô Ngọc Thanh thời
trai trẻ đã có 13 năm sống ở vùng cao,
cho chúng tôi nghe một tràng tiếng Thái ông rất thông thạo để chủ quán đem
ra mời mọi người thưởng thức món mắm cà giòn ngọt, món ớt đỏ thắm và món măng
chua đậm đà thật thích khẩu.
Không như Miền
Nam Trung Bộ liên sơn trùng điệp nhấp nhô, núi dẫu cao vẫn có những đỉnh tròn,
những triền thoai thoải, chân nối liền chân. Quần sơn ở đây có thể nói theo ngôn
ngữ thời thượng là đa dạng. Gần bên đường phần lớn tập hợp nhiều ngọn núi độc lập
bên nhau, hình viên trụ, đỉnh nhọn như chót vót đâm lên trời. Xen vào đó những
thung lũng nhỏ trồng bắp mới kín lá, mướt xanh. Đôi chỗ có dãy núi dài thì bị
chia cắt bởi nhiều hang hốc ăn sâu vào sườn trông hun hút. Xa xa núi in lên nền
trời chỗ đậm chỗ nhạt như dáng răng cưa không đều, có thể tưởng tượng đó là hàng
kỳ trên lưng của cả bầy đại long uốn lượn.
* TỪ NHỮNG BÀI HỌC NGÀY XƯA
Quốc
lộ số 3 đưa chúng tôi đến Cao Bằng. Cửa ngõ thị xã là chiếc cầu bắc qua Bằng
Giang. Tên sông gợi nhớ bài học địa lý thời niên thiếu. Những sông Bắc Giang, sông
Bằng Giang, sông Kỳ Cùng. Bốn cung núi: dãy Sông Gâm, dãy Bắc Sơn, dãy Ngân Sơn,
dãy Đông Triều châu đầu lại Tuyên Quang và ngó về Tây Côn Lĩnh. Các cao điểm Pia
Ya, Pia Ouac… gần 2.000m nổi bật lên trong tổng thể thiên nhiên hùng vĩ.
Thời nhà Lý, Cao
Bằng và Lạng Sơn là châu Quảng Nguyên. Năm 1076, sau khi đại bại trước Lý Thường
Kiệt, Quách Quỳ lui về đóng ở Phú Lương, châu Quảng Nguyên còn thuộc nhà Tống.
Năm 1078 vua Lý Nhân Tông sai sứ đưa voi sang cống và đòi lại Quảng Nguyên. Năm
sau, khi đã được ta trao trả những người châu Khâm, châu Liêm, châu Ung bị Lý
Thường Kiệt bắt khi tấn công sang Trung Hoa, vua nhà Tống giao hoàn Quảng Nguyên.
Nhưng vì có tin đồn rằng châu này nhiều vàng, người Tống tiếc của nên có câu thơ:
Nhân tham Giao Chỉ tượng. Khước thất Quảng Nguyên kim. Sự kiện này được Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và
Phạm Đình Toái ghi chép: Lại còn hối hận
một chương. Tham voi Giao Chỉ, mất vàng Quảng Nguyên.
Hiện nay Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới
chung với Trung Quốc dài nhất so với các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam
(312/1.463km).
* CỠI NGỰA XEM HOA
Thị
xã Cao Bằng không rộng, đường đi có những đoạn tuy không như Đà Lạt cũng đủ là
dốc, có đoạn gạch lề đã cũ, có đoạn còn nhiều đất đá, nhưng nhờ nhiều cây xanh
cao, nhiều nhà kiến trúc đẹp, công viên xinh xắn, tạo cho thị xã một không khí
thanh tịnh, bình an, khiến cho con người cảm thấy yên tâm khi thả bước dạo chơi.
Chợ
Sông Bằng nằm ngay trung tâm thị xã, đầy đủ các mặt hàng. Nhiều chủ nhân từ Hà
Nội lên đây kinh doanh mang theo cái cốt cách Thăng Long hòa nhập cùng cốt cách
bản địa. Có một dãy phố hớt tóc. Những người thợ bày dụng cụ bên nhau dưới mái
hiên dài, khách ngồi nơi ghế chờ cũng có, ghé dừng xe đợi cũng có. Một dãy phố
khác liên tiếp nhiều tủ hàng bán kính đeo mắt, đồng hồ, làm chìa khóa. Bảng quảng
cáo ghi: SỬA CHỮA ĐỒNG HỒ - PHÔ TÔ CHÌA KHÓA. Mấy cảnh này không thấy ở Miền
Nam.
Từ
thị xã Cao Bằng đến huyện lỵ Trùng Khánh 63km, 26km nữa đến thác Bản Giốc ở hướng
đông bắc. Đường qua huyện Quảng Uyên. Nhánh sông Bằng Giang quanh co theo chân
núi. Vẫn là núi nhọn, rừng xanh, thung lũng rất xanh, chỗ này ruộng lúa, chỗ
kia trồng tam giác mạch, cây thuốc lá, có đám ruộng đầy những khối đá đen, trông
tưởng như một nghĩa trủng. Phở vịt quán Trọng Còn là món được nhiều người ưa
chuộng, kể cả khách đi đường và dân sở tại. Có món mác mật, là tên một loại quả
làm tương chua, ăn với phở. Người Kinh lên đây lấy vợ người Tày, sinh con đặt
theo họ mẹ để được hưởng quyền lợi của sắc tộc thiểu số. Nhà xây vách đá và “táp-lô”,
hàng rào đất bắp cũng xây táp-lô. Gà và heo con bày bán ở chợ và dọc đường, chở
trên honda, xe đạp. Ở chợ Chí Viễn huyện Trùng Khánh thuốc tây bán trong hiệu vàng.
Thác
Bản Giốc trên sông Quây Sơn trong địa phận xã Đạm Thủy huyện Trùng Khánh, rộng
300m, từ độ cao 53m những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi. Giữa thác
có một mô đá rộng phủ đầy cây xẻ dòng thành ba luồng nước. Dưới chân thác, mặt
sông trải rộng, trong và phẳng lặng, bờ bên này là những thảm cỏ xanh biếc, bờ
bên kia là những vạt rừng nay thuộc Trung Quốc, nhiều nhà tầng ẩn hiện màu mái đỏ.
Nếu đem so sánh với Thác Khói (Drei Sap) ở Đăk Lăk thì Bản Giốc không hoành tráng
bằng, cũng không thơ mộng bằng vì thiếu vẻ bàng bạc mờ ảo do khói nước tung lên
bao phủ. Nhưng Bản Giốc nổi tiếng bởi vị trí địa lý tạo nên vai trò thời sự.
Không
xa thác Bản Giốc là động Ngườm Ngao thuộc Bản Gun cùng trong xã Đạm Thủy. Núi
cao, đỉnh phẳng. GS Tô Ngọc Thanh giảng: ngườm là hang, ngao là cọp. Người hướng
dẫn cho biết: Theo số liệu của đội khảo sát Hoàng gia Anh năm 1995 thì ngườm dài
2.144m, có 3 cửa chính, cửa vào là Ngườm Luồm = hang gió. Bước vào hang không
khí đổi khác ngay, hơi ẩm ướt, lạnh se se, nhẹ nhàng, dễ chịu. Chúng tôi đi
theo lộ trình khoảng 1.800m, ra ở cửa thứ hai. Có chỗ rộng thênh thang, dưới chân
từng nếp vân dài lượn sóng, có chỗ phải cúi người, lách mình. Thạch nhũ trong động
nhiều màu sắc, tạo nhiều hình dáng giống như Phật Di Lặc, con sư tử, con lạc đà,
hình trụ, hình nấm, hình hoa sen để người ta tha hồ tưởng tượng ra các cảnh tiên
nữ tắm suối, gội đầu, chải tóc… Ở cửa ra có bia khắc ngay trên mặt đá. Vẫn theo
người hướng dẫn thì năm 1921 có một quan ba người Pháp và hai quan người Việt đến
đây xem xét tận hang sâu. Chúng tôi lần dò tìm đọc, nhưng bia đã mòn hết, chỉ
nhận ra mấy chữ “capitaine”, “armée” và ở dưới cùng hai dòng quốc ngữ khá
rõ: VI VĂN ĐỊNH - HOÀNG HUY GIAO.
* VÀ NGỒI XE XEM HOA
Theo
chân ca dao Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có
nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh chúng tôi đến Lạng Sơn bằng con đường
58 năm trước xảy ra các trận đánh lớn Đông Khê, Thất Khê, làm hổ danh các đại tá
của quân đội Pháp: Charton, Lepage, Contans khi rút quân chạy dài.
Quốc
lộ số 4 trong địa phận Cao Bẳng đang nâng cấp, buổi chiều trời mưa, đôi đoạn xe
lắc lư lội giữa bùn lầy. Sang Lạng Sơn đường tốt, trời tạnh mưa, một ít nắng vàng,
đồng rộng hơn, qua khỏi Thất Khê đi dọc sông Kỳ Cùng, phong cảnh trở lại với dáng
dấp trung du. Con người như được hít thở trong bầu không khí thoáng đãng hơn,
không bị núi rừng chế ngự. Thành phố Lạng Sơn đường phố ngang dọc, người đi lại
đông đảo, tấp nập, nhờ tỉnh có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu nội địa và các cặp chợ,
tức là chợ tại biên giới, mỗi bên đều có chợ.
Thị
trấn Đồng Đăng cách thành phố Lạng Sơn 14km. Chợ Kỳ Lừa ngay trong lòng thành
phố. Núi Mẫu Sơn cách thành phố 30km, cao 1.541m. Hai ngày nữa đến tiết lập hạ,
đỉnh núi không còn bị sương mù bao phủ, sừng sững hiện lên cao ngất. Điều đáng
tiếc là nàng Tô Thị đã bị nung vôi cho hóa kiếp, bây giờ chỉ là một pho tượng
phục chế. Phục chế là nói chữ cho hay, nói thật gọi là đồ giả. Núi quá nhỏ, có
lẽ như thế để tương xứng với người phụ nữ chân yếu tay mềm chờ chồng hóa đá. Thơ
Vũ Dzũng trong bài Chuyến đi dài từ
nam ra bắc có câu: Nàng Tô Thị đứng trông về biên ải. Ngàn năm còn chờ
đợi bóng chinh phu… Dầu sao thì nàng cũng đã sống đến ngàn năm, tuy tầm vóc
không được bằng các bậc vọng phu thạch ở Trung Bộ: Thanh Hóa, Bình Định, Khánh
Hòa. Đá trông chồng ở Thanh Hóa có vẻ mỏi mệt, buồn bã, trái lại Mẹ Bồng Con trông chồng trên đỉnh núi làm
ranh giới cho hai tỉnh Khánh Hòa/Đăk Lăk cao đến 2.021m, vững chải, uy nghi như
thách thức trước thời gian mưa nắng gió bão, đứng ở đồng bằng Tuy Hòa vẫn nhìn
thấy thật rõ. Động Tam Thanh gần núi Tô Thị, có Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam
Thanh. Nổi tiếng nhất là Tam Thanh, trong dãy núi có hình đàn voi phủ phục. Lại
đáng tiếc ngôi chùa phía trước bây giờ tô vẽ lòe loẹt nhiều màu sắc!
* TRONG BÓNG TỊCH DƯƠNG
Theo
truyền thuyết chín chúa tranh vua
trong dân gian thì ngày xưa cả vùng này và Quảng Tây (Trung Quốc) từng tồn tại
một nước Nam Cương do Thục Chế đứng đầu đóng đô ở Nam Bình, nay thuộc huyện Hòa
An, Cao Bằng. Sau đó con Thục Chế là Thục Phán sáp nhập Văn Lang và Nam Cương
thành nước Âu Lạc. Đầu thế kỉ XI, Cao Bằng là trung tâm của tiểu quốc tự trị do
Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao đứng đầu, đóng tại thành Nà Lữ phía tây thị xã ngày
nay. Như vậy từ thuở nào đó Cao Bằng đã có cái thế của một trung tâm chính trị
và văn hóa. Năm 1592 nhà Mạc rút lên mạn ngược, lại đặt thủ phủ ở Cao Bằng. Để
giữ yên phần lãnh thổ còn lại của Bắc triều, nhà Mạc đã xây nhiều thành lũy kiên
cố, ở Cao Bằng, Lạng Sơn và Tuyên Quang.
Thành
ở Tuyên Quang án ngữ bên bờ sông Lô, di tích là 2 cổng thành ở phía tây và phía
bắc cùng một số đoạn tường. Thành ở Lạng Sơn gần núi Tô Thị, bao quanh ngọn đồi,
còn lại một cổng thành và mấy đoạn tường. Đứng bên trong nhìn ra, trước mặt là
thung lũng ruộng lúa, rồi đến làng xóm sầm uất, tiếp đến là núi. Thành ở Cao Bằng
thì không còn, nay gọi là đền vua Lê, diện tích 37,5 ha, cách thị xã 11km, thuộc
làng Đền xã Hoàng Tung huyện Hòa An. Theo các nhà nghiên cứu địa phương thì khi
chạy lên đây, nhà Mạc lập cung điện tại thảnh Nà Lữ của Nùng Trí Cao, gọi là Gò
Long. Khi nhà Lê bình định, năm 1862 Trấn thủ Cao Bằng Lê Văn Hản đổi thành đền
thờ vua Lê. Ngày nay, dấu vết chỉ là hai con đường phía đông và nam cao hơn mặt
đất một ít, vài ba phiến đá khối chữ nhật, dài khoảng 1m, rộng từ 50 đến 80 phân,
dày 20 đến 30 phân. Chỗ như hào sâu là cổng thành, bên ngoài mỗi cổng một ụ đất,
có lẽ là điếm canh hay trạm quan sát để kịp thời báo động chăng? Đền vua Lê cũng
đổ nát hết, bậc đá đi lên đầy cỏ rác, tường sập từng mảng, để lộ chỗ vá víu.
Trong đền một lư hương lớn đặt trên bệ. Bên ngoài một cây ngọc lan cao, những cây
đa cây si thấp hơn.
Người
dân Cao Bằng rất sùng kính Nùng Trí Cao. Ông được thờ tại đền Kỳ Sầm, dưới chân
núi Khau Sầm, thuộc Bản Ngần xã Vĩnh Quang huyện Hòa An. Qua cổng đền, sân rộng
lát gạch, gặp ba cây cổ thụ và hai hàng
trắc bá diệp thấp đứng hai bên đền như chầu hầu. Lối vào đền có 21 bậc,
chia làm 3 đoạn, ngăn cách nhau bởi một bậc dài hơn. Gian trong, chính giữa thờ
Nùng Trí Cao, một bên thờ hoàng mẫu, một bên thờ Na Phi hoàng hậu, bài vị chữ
quốc ngữ bằng giấy thủ công kim tuyến cắt dán có phần vụng về. Câu đối nơi cửa
chính coi Nùng Trí Cao như một ông vua chưa làm xong việc lớn: Đế nghiệp vị thành nhân dĩ lão. Vương phong giáp tích quốc đồng hưu.
Ông vua này chịu tước phong của vua nhà Lý. Tuy có người bảo vệ chăm sóc, đền Kỳ
Sầm vẫn nhuốm vẻ hoang vắng lặng lẽ.
Người
dân Cao Bằng thờ phụng nhiều vị thần, có khi thờ chung hai vị khi sinh thời đối
nghịch nhau, như đền Phúc Tăng thờ chung vị tướng nhà Lê họ Hoàng phụng mạng
triều đình đem quân lên đánh nhà Mạc rồi ở lại đây sinh cơ lập nghiệp, cùng với
vị tướng nhà Mạc tử trận ở Lũng Pản. Việc này do Tri phủ Hoàng Đức Mỹ chủ trương
từ đầu thế kỷ XX thể hiện tinh thần hòa hợp, coi chiến tranh là tai trời nạn nước.
Câu đối ở đền ghi: Tôn kính công thần tâm
kính phụng. Kết đoàn hương bản nghĩa
đoàn viên.
* RƯỢU UỐNG THÌA
Bạn
bè ở Cao Bằng mời nhau món bánh ướt cuốn nhân thịt băm, ăn với giò, Miền Trung
gọi là chả lụa. Một bát nước canh nêm hẹ mới múc ra nóng hổi, cho bánh cuốn và
giò vào đó. Có thể đập thêm trứng gà lên cái bánh cuốn đang tráng, bọc lại, lòng
đỏ còn màu hồng đào. Bữa ăn thường có rau ngải cứu xào thịt bò, coi như vị thuốc.
Xôi cẩm hai màu hồng và tím than, thơm, dẻo. Giữa mâm đặt một đôi đũa để khi cần
san sẻ thức ăn thì dùng đến. Đây là một nét hay trong văn hóa ẩm thực. Ở Lạng Sơn
còn có món khoai sọ hấp với nhân đậu xanh, thịt thỏ hấp điểm những hạt đậu phụng
rang bên ngoài. Và lúc nào cũng có rượu trắng. Rượu Mẫu Sơn là thương hiệu có
uy tín.
Các
bà, các cô đều có tửu lượng cao, liên tục chạm ly mời hết người này đến người
khác, uống xong bắt tay nhau. Trong chỗ thân tình còn mời nhau uống bằng thìa.
Rượu rót ra bát lớn, dùng thìa múc. Chợt nhớ bài thơ Tự trào của TchyA Đái Đức Tuấn làm năm thi sĩ 60 tuổi, trước đây tôi
đọc mà không hiểu câu kết. TchyA từng sống ở vùng cao Bắc Bộ, viết nhiều truyện
đường rừng. Nay tôi hơn ông (lúc ấy) trên 10 tuổi, gặp chuyện rượu uống thìa,
chẳng biết hiểu như thế có đúng, hay là suy diễn thô thiển, nông nổi? Ngẫm thấy
thân phận mình cũng giống thơ ông nên
xin mạn phép linh hồn thi sĩ chép lại: Cũng
sáu mươi à? Bác Tẩy-Xia! (TchyA) Văn
chương tưởng đã tống ra rìa. Nước non khoái mãi thi cùng phú. Thời thế phai dần
tóc với ria. Hồ hải đòi phen vào lộn bến. Tang bồng mấy độ bắn lầm bia. Thế rồi
vẫn sống mà vui thú. Để chuốc quỳnh tương rượu uống thìa./-(5-2008)
Tái
bút: Bài này viết hồi mười bốn năm trước. Nay Cao Bằng đã
“lên” thành phố, nhiều thay đổi. Riêng tôi, nhớ về Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn nhớ
hình ảnh và kỉ niệm thời ấy – chưa xưa nhưng cũng đã hơi xưa.(8-2022)
Trần Huiền Ân