Lời Dẫn Nhập: Bài viết về TS Eric Henry
với dự kiến ban đầu kết hợp với Chân Dung Phạm Duy. Nhưng rồi, riêng phần Phạm
Duy đã dài tới ngót 50 trang giấy, nên Chân Dung Eric Henry phải tách ra một
bài khác, vẫn mong bạn đọc có cái nhìn kết hợp hai chân dung do tính bổ sung
của hai nhân vật Phạm Duy và Eric Henry trên chặng đường tìm hiểu nền Tân nhạc
Việt Nam cùng với các bước gian truân để hình thành và xuất bản bộ Hồi Ký tiếng
Anh The Memoirs of Phạm Duy, dự trù sẽ do Cornell University
Press xuất bản. Tưởng cũng cần nói thêm,Thư viện Đại Học Cornell là nơi còn lưu
trữ đầy đủ nhất di sản 20 năm Văn học Miền Nam 1954-1975, và “ngọn lửa phần thư” của những người Cộng sản
Việt Nam muốn tận diệt nền văn hóa
ấy đã không sao lan tới được.
ERIC HENRY VÀ TÔI
Lần đầu tiên tôi gặp TS Eric Henry, cách đây 5
năm (2017), và ngạc nhiên khi biết Eric –
là một cựu chiến binh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng lại rất “ít chất
lính”. Bước vào lứa tuổi 20, tới hạn quân dịch Eric quyết định đơn giản: nhập
ngũ làm bổn phận một công dân, sau đó trở về đi học lại. Ngay trong thời gian quân ngũ, Eric
vẫn rất ham đọc, và đã có được một số hiểu
biết về nền văn hóa Đông
phương, đặc biệt là Việt Nam và Trung Hoa. Eric có năng
khiếu về ngôn ngữ, nói tiếng Việt khá thông thạo và tinh tế, không có âm hưởng
thứ tiếng Việt tục tằn của mấy chú GI’s học được từ các quán bars trong thời
gian phục vụ ở Việt Nam. Tới một đất nước chiến tranh lại có nhiều tôn giáo như
ở Việt Nam, Eric cũng đã học được cách trả lời dí dỏm và an toàn cho mấy câu
hỏi dễ phân cách lòng người, như “Anh theo đạo gì?” -- “Tôi theo đạo vợ”, và đạo vợ mặc nhiên
được công nhận như một thứ đạo phổ quát cho đám đàn ông lính tráng lúc đó, cho
dù khi sang Việt Nam, Eric vẫn đang còn là một thanh niên độc thân.
Khi biết tôi cũng là người cầm bút, mới vỡ lẽ ra Eric đã đọc cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, từ một ấn bản tiếng Việt do Nxb Văn Nghệ California tái bản năm 1987. Eric cho biết vẫn giữ cuốn sách đó trên kệ sách và anh cũng rất quan tâm tới người Thượng trên Cao nguyên. Do “văn kỳ thanh”, chúng tôi đã dễ dàng nói chuyện với nhau hơn.
Eric Henry cho biết anh mê nhạc Phạm Duy, đã thích thú đọc và dịch xong toàn bộ Hồi Ký 4 tập dài hơn 1500 trang của Phạm Duy trong vòng hơn một năm. Bản dịch ấy đã được Cornell University Press nhận xuất bản từ 2009, bốn năm trước ngày Phạm Duy mất nhưng cho đến nay cũng đã 13 năm (2009-2022) cuốn sách ấy vẫn còn ở dạng bản thảo.
Hình 2a: trái, Eric
Henry, 27 tuổi, sau khi hoàn tất khóa học tiếng Việt 12 tháng tập trung /
intensive tại Defense Language Institute,
Fort Bliss, El Paso, Texas. Eric được
gửi sang Việt Nam phục vụ trong ngành quân báo Sư Đoàn 25 Kỵ binh (25th Infantry Division) đóng ở
Củ Chi. Hình chụp năm 1970, Eric bảo: “Thuở ấy
tôi nói được tiếng Việt nhưng chưa bắt đầu học tiếng Tàu”; phải, Ngô Thế Vinh,
28 tuổi là quân y sĩ quân lực VNCH, hình chụp năm 1969, sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện Lực Lượng Đặc Biệt và
Nhảy Dù tại Động Ba Thìn, gia nhập binh chủng Mũ Xanh LLĐB (Green Beret /
Special Forces), sau này là Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.
Hình 2b: 42 năm sau chiến tranh Việt Nam, cựu chiến binh Hoa Kỳ Eric Henry nay là một học giả và cựu chiến binh VNCH Ngô Thế Vinh nay là một
bác sĩ trong một VA Hospital, cả hai đều bước qua ngưỡng tuổi “cổ lai hy” gặp
nhau ở Huntington Beach, California, nhân chuyến đi của Eric sang gặp những
người con trong gia đình Phạm Duy – để thảo luận về một hợp đồng với Cornell
University Press tiến tới xuất bản bộ sách The Memoirs of Phạm Duy, một dự án
mà Phạm Duy khi còn sống đã rất ao ước nhưng chưa thực hiện được cho đến ngày
Phạm Duy mất (27/01/2013). [photo by Phạm Lệ Hương, tư liệu Ngô Thế Vinh]
Hình 3: Tiếp đón anh Eric Henry tại nhà chị Phạm Lệ Hương, Huntington Beach California, từ trái: Ngô Thế Vinh, Nguyễn Duy Chính, Phạm Phú Minh, Eric Henry, Bùi Bích Hà, Trần Huy Bích; phải: Eric Henry đang ngắm bức tranh Mẹ và Con của họa sĩ Lemur. (photo by Phạm Lệ Hương và Ngô Thế Vinh).
ERIC HENRY NĂM NĂM SAU
Mới đây năm 2022, khi vào thư mục của Cornell University Press tìm mua bản tiếng Anh bộ Hồi Ký Phạm Duy để tặng một người bạn Mỹ vốn rất quan tâm tới văn hóa Việt Nam, nhưng không thấy, tôi liên lạc với Eric và được biết cuốn sách vẫn chưa xuất bản, với lý do là sau khi Phạm Duy mất, không có di chúc chỉ định quyền thừa kế cho riêng một người con nào, nên cho đến nay, vì chưa có sự đồng thuận của tất cả 7 người con trong gia đình Phạm Duy, Cornell University Press vẫn chưa thể xuất bản bộ Hồi Ký The Memoirs of Phạm Duy.
Và tiếp theo đó là một chuỗi emails trao đổi với Eric Henry cho thấy những bước gian truân của Eric với bộ Hồi Ký Phạm Duy, và tôi có hứa với Eric sẽ làm những gì có thể làm được trong khả năng để bộ Hồi Ký The Memoirs of Phạm Duy có thể sớm ra mắt.
NỀN TÂN
NHẠC VIỆT NAM VÀ ERIC HENRY
Hình 4: Hình chụp Nhạc sĩ Phạm Duy và Tiến
sĩ Eric Henry trong quán cà phê Nirvana / Niết Bàn, 29 đường Phùng Khắc Khoan, phường Đa
Kao, quận 1, Saigon; với ghi
chú của Eric: “Buổi
sáng 9 tháng 7, năm 2005 -- tôi
đến Nirvana để gặp một nhà báo làm việc cho tạp chí Người
Viễn Xứ, cô Quỳnh Lệ
nói là muốn phỏng vấn tôi. Khi bác Phạm Duy được biết là tôi sẽ đi đến đó thì ngay lập tức tình nguyện tháp tùng để
giúp tôi trả đáp những câu hỏi của cô Lệ”. [photo by Quỳnh Lệ, tư liệu Eric Henry]
Đó là tháng Bảy năm 2005, chỉ mới hai tháng sau “ngày về của Phạm Duy”, khi trả lời một câu hỏi của phóng viên Quỳnh Lệ: Giáo sư nhận xét và đánh giá thế nào về nền âm nhạc Việt Nam? Eric Henry đã đưa ra một nhận định khá bất ngờ và thú vị:
Trịnh Y Thư -- anh bạn vong niên của tôi, một nhà thơ, một nhà văn, một tay đàn guitar classic có hạng, một dịch giả uy tín qua các tác phẩm cổ điển, anh nổi tiếng ngay với tác phẩm Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), cuốn tiểu thuyết khó dịch của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002 — anh cũng là người viết Lời Tựa cho Tuyển Tập Chân Dung II Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa (2022), Trịnh Y Thư đã rất tâm đắc với nhận xét của TS Eric Henry về nền tân nhạc Việt Nam. Trịnh Y Thư viết:
Thưa anh Ngô Thế Vinh, ý kiến của Giáo sư Henry là rất
chính xác. Nhạc Việt nói chung mang nhiều tính hoài niệm (nostalgia), và có lẽ
đó là tính cách chung của người Việt, luôn luôn thương nhớ cái gì thuộc về quá
khứ, một quá khứ đôi khi được chắt lọc qua một lăng kính. Do đó, âm nhạc nặng
tính trữ tình, không thực, vì phải vận dụng trí tưởng tượng nhiều. Nhạc ít nói
về hiện thực, về đời sống thật ngoài đời, về tương quan giữa con người với con
người hay giữa con người với thiên nhiên, ngoại cảnh. Giữa thời chiến tranh
khốc liệt, nhạc nói về cuộc chiến có rất ít, chỉ có mấy ca khúc phản chiến của Trịnh Công
Sơn, và một vài bài phổ thơ của Phạm Duy là hết...
Về mặt kỹ thuật
sáng tác, nhận định Giáo sư Henry đưa ra cũng rất đúng. Đa số nhạc sĩ Việt Nam
sáng tác theo cảm quan trực cảm, ít ai triển khai một bài nhạc theo quy trình
hàn lâm. Nhạc đi theo ca từ, đôi khi chỉ là phương tiện để diễn đạt ca từ. Vài trường
hợp ngoại lệ là Cung Tiến, Vũ Thành... Điểm đặc biệt là nhạc Việt chú trọng
phần nhiều đến giai điệu, bài nào có giai điệu hay, du dương, trữ tình, bài đó
ăn khách. Đó là lý do nhạc Việt rất nghèo hòa âm, một khúc nhạc thường chỉ
chuyển cung (modulation) 3, 4 lần là xong bài.
Tuy nhiên, theo quan điểm Giáo sư Eric Henry, thì tất cả những điều trên lại là ưu điểm của nhạc Việt, bởi nó là sự lệch chuẩn, nó đi chệch ra ngoài những khuôn khổ (đôi khi rất khuôn sáo) thông thường... Trịnh Y Thư
Sau khi được đọc ý kiến của Trịnh Y Thư, Eric có thêm một bình luận cho rằng, “cách đánh giá của anh Trịnh Y Thư không gần với cách đánh giá của tôi”. Eric viết như sau:
Cám ơn Anh Vinh đã cho tôi thấy những nhận xét về nền âm nhạc Việt Nam của anh Trịnh Y Thư. Phản ứng của tôi là mặc dầu anh ấy thấy các đặc tính của âm nhạc VN mà tôi đã đưa ra với cô Quỳnh Lệ không phải sai lầm, nhưng tôi vẫn thấy là cách đánh giá của anh ấy không gần gì với cách đánh giá của tôi—tại vì anh cho là những đặc tính ấy đều là khuyết điểm, còn tôi cho là ưu điểm! Tôi đã nghiên cứu không ít về các nền âm nhạc của những nhà nước Đông Á, Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Phi Luật Tân lẽ dĩ nhiên có một số ca khúc tuyệt đẹp—nhưng vẫn không nhiều bằng nước Việt Nam—và bề sâu sắc cũng không bằng! Tôi có khi nói với người ta là người Việt là người Ý Đại Lợi của Viễn Đông!
Cũng vẫn Eric Henry, khi nói tới nhạc sĩ Phạm Duy thì anh rất say sưa. Eric nhận định:
Qua sự nghiên cứu của tôi, tôi thấy rằng nhạc Việt Nam là một môn học, mà trong đó nhạc Phạm Duy là một môn học nữa. Nói về số lượng tác phẩm, sự đa dạng và phẩm chất thì nhạc Phạm Duy chiếm tỉ trọng gần phân nửa. Do vậy, nếu như tác phẩm của ông không được phổ biến thì nền âm nhạc Việt Nam sẽ chịu một sự hụt hẫng nhất định nào đó. Tôi nghĩ ông ấy là một trong những người nghệ sĩ yêu nước. Mà phần đông những người Việt Nam sống ở nước ngoài cũng rất yêu nước. Nếu tính về lịch sử thì những người theo Quốc Dân Đảng cũng là người yêu nước, chứ không chỉ riêng Việt Minh. Những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách rất cởi mở thông thoáng đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi nghĩ là chính quyền Việt Nam sẽ cho phép phổ biến các ca khúc hay của nhạc sĩ Phạm Duy.” [5]
Qua thực tế hiện nay, cũng để thấy rằng, Eric Henry không chỉ là quá lạc quan mà còn là lạc quan quá sớm khi cho rằng, “chính quyền Việt Nam sẽ cho phép phổ biến các ca khúc hay của nhạc sĩ Phạm Duy.” Qua bài viết này, tôi muốn nói với anh Eric Henry rằng: chỉ khi nào một đất nước Việt Nam bước vào thời kỳ dân chủ, có một nền văn nghệ tự do, thì lúc đó âm nhạc Phạm Duy mới có thể cất cánh và bay bổng.
BƯỚC GIAN TRUÂN CỦA ERIC HENRY
VỚI THE MEMOIRS OF PHẠM DUY
“Lịch sử của các nỗ lực của tôi để xuất bản sách The Memoirs of Phạm Duy, giống như lịch sử của chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô – là một đoạn lịch sử vô cùng dài và vô cùng phức tạp. Bắt đầu từ đâu để kể cho rõ rành đây?” [ trích dẫn email của TS Eric Henry, gửi Ngô Thế Vinh ngày 04/05/2022 ]
Eric Henry đã gặp nhạc sĩ Phạm Duy như thế nào?
Eric Henry kể: “Cuối mùa hè năm
2003, khi tôi đang đi thăm Tiểu Sài Gòn, gặp nhà báo Đỗ Ngọc
Yến, chủ bút tờ báo Người Việt, đã
giúp tôi làm quen với gia đình Phạm Duy.
Hình 5: trái, năm 1975, Phạm Duy gặp Đỗ Ngọc Yến trong những ngày đầu tỵ nạn tại Hoa Kỳ; từ trái, Đỗ Ngọc Yến, Thái Hằng, Đỗ Quý Toàn, Phạm Duy, Lê Tất Điều; phải, năm 2002, Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập nhật báo Người Việt, tiếp Phạm Duy trong cuộc Hội luận về Nhạc Phạm Duy tại Little Saigon. Eric Henry kể, chính nhà báo Đỗ Ngọc Yến đã giúp tôi làm quen với gia đình Phạm Duy. [tư liệu Phạm Duy, và Phạm Phú Minh]
Lần đó Phạm Duy đang đi thăm Việt Nam (2003) chưa về, cho nên tôi chưa có cơ hội gặp ông, nhưng tôi đã làm quen với anh Phạm Duy Hùng, là con thứ ba của nhạc sĩ. Khi gặp nhau ở nhà cha tại Midway City, chúng tôi nói chuyện 2 tiếng đồng hồ về nhạc của người cha, và lần đó tôi cũng được biết là Duy Hùng là người đàn ghi-ta rất giỏi. Anh ấy mời tôi đưa ra nhan đề của bất cứ ca khúc nào của nhóm Beatles, và bảo đảm là anh sẽ trình diễn được trên ghi-ta. Vậy nên tôi đưa ra tên bài “Across the Universe” của John Lennon, và anh Hùng, không chút nào do dự, đã đàn và hát cho tôi nghe bài ấy một cách toàn vẹn lắm—không có âm nào đánh sai.
Năm tháng về sau, tức là tháng Giêng năm 2004, khi tôi đi Cali lần nữa, tôi mới được gặp Phạm Duy lần đầu tiên. Sau đó hai tháng, tôi đã gặp mặt với ông lần nữa, và sau hai tháng, tôi đã đề nghị với ông (bằng một bức thư gửi qua bưu cục) là tôi dịch Hồi Ký Phạm Duy sang tiếng Anh.
Bức thư là như thế này:
Thư gửi Nhạc sĩ Phạm Duy:
Kèm theo đây là ba
chương mở đầu của Hồi Ký I dịch sang tiếng Anh—xin mời Ông coi thử. Tôi thấy
rằng bốn quyển Hồi Ký của Ông là
một tác phẩm có giá trị tối cao đối với bất cứ ai muốn hiểu thêm về Việt Nam
trong thế kỷ vừa qua.
Nếu Ông thấy cách
phiên dịch của tôi trong mấy chương này chấp nhận được, thì tôi sẽ tiếp tục
làm, và sẽ đi tìm một nhà xuất bản để in ra về sau -- tôi thấy là sự đồng ý của Ông sẽ giúp tôi nói chuyện với các nhà
xuất bản -- nhưng nếu Ông không muốn tôi làm công
việc này -- có lẽ Ông đã có người phiên dịch rồi,
chẳng hạn -- thì tôi sẽ ngừng tay ngay.
Tôi thấy việc phiên dịch dòng văn của Ông rất thích thú và không khó khăn lắm -- nếu mỗi buổi tối tôi dành một tiếng đồng hồ cho công việc này thì trong vòng 3 đến 5 ngày tôi đều dịch xong một chương được, và khi nào gặp chỗ khó hiểu, thì tôi có thể đi tham khảo với một số người bên đây. Tiện đây, xin cho Ông biết là mùa hè này tôi sẽ ở Việt Nam với 10 sinh viên từ 13 tháng 6 đến 12 tháng 8—vị trí là “Nhà Khách Phạm Ngọc Thạch,” Saigon—và sau đó tôi sẽ có mặt ở quận Cam từ ngày 12 đến ngày 17, tháng 8. Hy vọng việc sáng tác Mười Bài Hương Ca đang tiến triển tốt đẹp, thuận lợi. Dư âm của mấy bài đó vẫn trong tai tôi.
PHẠM DUY: VÌ
TÔI LÀ TARZAN
Mỗi lần tôi / Eric Henry gửi email đến ông / Phạm Duy để đặt ra vài câu hỏi đối với Hồi Ký, thì ông đều gửi hồi âm rất nhanh -- có khi chỉ cần đợi một hai tiếng đồng hồ thôi. Có lần tôi đã gửi một số câu hỏi đến ông, và trên email đó nói là tôi biết rằng ông lúc ấy rất bận với việc tổ chức một cái show -- cho nên tôi thấy là ông không cần trả lời nhanh -- tôi chờ đợi được, không sao. Sau một hai tiếng, tôi nhận được thư hồi âm của ông. Trên đó ông nói, “Đúng như anh nói, tôi hiện giờ bận lắm, nhưng tôi vẫn trả lời nhanh được, tại vì tôi là… Tarzan!”. Sau đó, trên một bức thư khác của ông có câu: “Anh thấy không? Tarzan* vẫn đong đưa trong rừng!"
*Ghi chú của người viết: Tarzan là một nhân vật điện ảnh hư cấu, mô phỏng theo cuốn tiểu thuyết “Tarzan of the Apes” xuất bản 1912 của Edgar Rice Burroughs. Tarzan là câu chuyện một đứa trẻ hoang được đàn khỉ đột nuôi dưỡng và lớn lên trong rừng rậm Phi châu, sau trở thành một tráng sĩ dũng mãnh của rừng xanh; cho dù có được tiếp xúc với xã hội văn minh nhưng Tarzan vẫn chọn trở về với thiên nhiên hoang dã, vượt qua bao hiểm nguy, sống như người vượn tự do tung hoành trong rừng sâu. Tarzan đã từng là người hùng của nhiều thế hệ thiếu niên thế kỷ trước.
PHẠM DUY: ĐỂ
TÔI NHẢY THEO
Khi mới bắt đầu làm quen với Phạm Duy, tôi – Eric Henry hứa với ông là sẽ làm hai việc: lời hứa thứ nhất là tôi sẽ làm trọn việc phiên dịch bốn quyển Hồi Ký của ông, lời hứa thứ hai là sẽ tìm được một nhà xuất bản cho tác phẩm đó ở bên Mỹ.
Một năm sau tôi đã hoàn tất việc phiên dịch, và bốn năm sau đó tôi đã tìm được một nhà xuất bản, là Southeast Asian Publications của Đại Học Cornell – sau này là Cornell University Press. Rồi tôi trở về Việt Nam để làm một bộ chú thích với hơn 1,500 footnotes về những nhân vật và địa danh trong Hồi Ký và để ký một hợp đồng với Phạm Duy và Đại Học Cornell.
Khi sắp ký hợp đồng, Phạm Duy chợt nhớ là ông có một hợp đồng khác với Công ty Văn hóa Phương Nam mà ông đã ký vài năm trước, nói là Phương Nam có quyền tuyệt đối buôn bán những tác phẩm của Phạm Duy -- nhưng Hồi Ký không phải là một bài ca, chắc là ông có thể ký một hợp đồng với Đại học Cornell không sao.
Nhưng khi ông tham khảo với Phương Nam về việc này, thì ông khám phá ra là từ ngữ “tác phẩm” không chỉ bao gồm tác phẩm âm nhạc mà bao gồm tác phẩm văn chương nữa. Như vậy ông không có quyền ký hợp đồng với Cornell.
Điều này khiến tôi
– Eric Henry thất vọng nặng nề, và tôi viết thư cho Phạm Duy,
nói nửa đùa nửa thật là nếu không có cách xuất bản bản tiếng Anh cuốn Hồi Ký, thì tôi sau
này sẽ chỉ có nước nhảy xuống sông tự tử thôi. [Sic]
Trong thư hồi âm của Phạm Duy, ông nói là tôi không phải quá bận tâm về việc này. Chắc là trong tương lai sẽ có cách xuất bản Hồi Ký bằng tiếng Anh. Và ông đã đề nghị với tôi một vài kế hoạch để đạt đến mục đích đó.
Và cuối cùng Phạm Duy đã có một tái bút như thế này: “Khi nào ông quyết định nhảy xuống sông,
xin cho tôi biết nhé – để tôi nhảy theo!” Điều ấy cũng cho thấy tính hài hước và thái độ
luôn luôn lạc quan của nhạc sĩ Phạm Duy.
MỘT TIỂU SỬ DO ERIC HENRY TỰ VIẾT
Cùng với bài viết về “Những Chân Dung Phạm Duy”, tôi có dự định viết thêm Chân Dung của TS Eric Henry. Khi được tôi yêu cầu một tiểu sử do chính Eric Henry viết, anh đã trả lời tôi qua một email (Chủ Nhật ngày 8/05/2022):
“Tôi coi lại tiểu sử mà tôi đã viết cho BBC nay bổ sung thêm và sửa chữa như sau: Tôi sinh năm 1943 [15/03/1943], bố mẹ tôi đều là nhạc sĩ nhà nghề. Thời thơ ấu đã tập dương cầm và dưới ảnh hưởng của song thân đã có cách hiểu biết và yêu dấu được nhạc cổ điển phương tây. Từ năm 1960, tôi bắt đầu đánh dương cầm và dạy dương cầm làm sinh kế, nhưng chưa biết gì hết về nước Việt Nam, huống chi nhạc Việt Nam. Năm 1968 tôi nhập vào lục quân Mỹ và được huấn luyện tập trung cấp tốc 12 tháng về tiếng Việt.
Đến năm 1970, tôi được đóng ở Việt Nam (Củ Chi, Xuân Lộc, rồi đến tỉnh Quảng Trị) với lục quân Mỹ. Ngoài vai trò thông dịch, tôi còn phỏng vấn nói chuyện với khá nhiều tù binh của Bắc quân. Thuở đó tôi làm quen với Truyện Kiều và một số tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, Duyên Anh, nhưng vẫn không biết nhiều về nhạc phổ thông Việt Nam. Có lần tôi chép ra cái giai điệu của bài “Tôi Đưa Em Sang Sông” (Nhật Ngân sáng tác). Tôi cũng đã nghe nói một chút về tên tuổi của Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Như thế là hết.
Và tôi đã rời Việt Nam mùa hè năm 1971. Sau đó tôi làm nghiên cứu sinh (graduate student) về văn chương Trung Quốc ở Đại học Yale. Năm 1980 bắt đầu dạy Trung văn, hồi trước tại Dartmouth College, và từ 1982 trở đi tại University of North Carolina. Năm 1995, tôi bắt đầu mở lớp Việt ngữ ở Carolina, và từ năm 1999 bắt đầu coi những video Paris by Night. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy là trong những ca khúc Paris by Night, có khoảng 40 phần trăm có giá trị nghệ thuật; vả lại, lối hát của nhiều ca sĩ trên đó hấp dẫn lắm, điêu luyện lắm!
Từ năm 2000 trở đi tôi đã không ngừng tìm hiểu bằng mọi cách về âm nhạc Việt Nam. Và mấy năm gần đây cũng đã tìm cách hiểu được một chút về văn hóa ca hát của Nhật Bổn, Đại Hàn, Trung Quốc, Đài Loan, và Phi Luật Tân. Khoảng năm 2002 trong khi đi thăm một nhà sách Việt Nam – nhà sách Thế Hệ ở Falls Church, Virginia, tôi đã thấy, mua, và đem về nhà, quyển I Hồi Ký của Phạm Duy, và đã thấy ngay rằng đây là một tác phẩm có giá trị tối cao đối với bất cứ ai muốn hiểu thêm về Việt Nam trong thế kỷ vừa qua…
Về quá trình học vấn của Eric Henry, được người viết trích dẫn từ: Eric Henry Curriculum Vitæ, University of North Carolina.
Học Vấn:
Tiến Sĩ / Ph.D. 1979, Văn Chương Trung Quốc / Chinese Literature, Yale University, Department of East Asian
Languages and Literatures. Dissertation title: “Chinese Amusement:
An Introduction to the Plays of Li Yü” / Lý Ngư
Thạc Sĩ / M.Ph. 1976, Văn Chương Trung Quốc / Chinese Literature, Yale University, Department of East Asian
Languages and Literatures. Research paper title: “On the Nature,
Structure, and Evolution of the Chin Yun Ch’iao chuan, a
popular novel of the Early Ch’ing”
Cử Nhân / B.A. 1972,
Văn Chương Anh / English
Literature, Amherst College, summa cum laude. Senior thesis title: “On Doan Truong Tan Thanh”, the National Poem of the Vietnamese”
Other education:
1977–78: One-year
intensive language study at the International University Program for Chinese
Language Studies at the Stanford Center in Taipei
1968–69: One-year intensive language training in Vietnamese at the Defense Language Institute Support Command, Fort Bliss, Texas
Những tác phẩm đã xuất bản:
Sách viết:
Chinese Amusement: The
Lively Plays of Li Yü 李漁 (Lý
Ngư): Henry, Eric. Hamden,
CT: Shoe String Press (Archon Books), 1980, xvi, 288 pp.
Sách Dịch:
Garden of Eloquence; a translation
of Shuō Yuàn 說苑 (Thuyết Uyển) in bilingual
format with textual notes; commissioned by the editorial board of The Culture
and Civilization of China (a joint program of the American Council of Learned
Societies and Washington University Press). Shuō Yuàn (Thuyết Uyển) is a collection of 718 items, of which most
are historical narratives, compiled by Liú Xiàng 劉向 (Lưu Hướng) and presented to the throne in 17 BCE. Seattle: University of Washington Press, 2022
In Whose Eyes; a translation, with Nguyễn Quang Dy and
Wayne Karlin, of Chuyện Nghề Của
Thủy by Trần Văn Thủy and
Lê Thanh Dũng (2013), Amherst: University of
Massachusetts Press, 2016, xv, 219 pp.
Những Chương
Sách và Bài Báo
“Running Amok in Early China”; in Behaving Badly in Ancient China edited by Norman Rothschild and Leslie Wallace; Honolulu: University
of Hawaii Press, 2017, pp. 171-188
“Some East Asian Popular Song Lyrics” Southeastern Review of Asian Studies 33 (Jan. 2012)
“Evidence for a Usurpation in Sòng” Warring States Papers 1 (2010), pp. 227-230
. “A Note on Chūnqiū Shìyǔ 春秋事語 (Xuân Thu Sự Ngữ) Item 5” Warring States Papers 1 (2010), pp. 55-58.
“The Submerged History of
Yuè” Sino-Platonic Papers, pub. by Victor Mair, Univ. of Pennsyvania, no.
176 (June, 2007)
“Bước
Đường Lữ Thứ,” (“Footsteps of a Wayfarer”) Carolina Việt Báo 22 (Oct. 2006), pp. 79 – 84 (in
Vietnamese; consists of cross-cultural observations prompted by travel in China
and Vietnam)
“Phạm Duy và lịch sử Việt Nam hiện đại” (a translation by Phổ Tịnh of the
article below); posted on the website TALAWAS (2005)
“Phạm Duy and Modern Vietnamese History,” Southeastern Review of Asian Studies 27 (2005), pp. 89 – 105
Tân Nhạc: Notes Toward a Social History of Vietnamese Music in
the 20th Century / Một vài ghi chú về lịch sử xã hội âm nhạc Việt Nam. Michigan Quarterly; 44.1 (winter, 2005), pp. 135-147
Anachronisms in Lüshì Chunqiu 呂氏春秋 (Lữ Thị Xuân Thu)
and Shuōyuàn 說苑 (Thuyết Uyển); Early Medieval China, vol 9 (2003), pp. 127-138
“Chinese and Indigenous Influences in Vietnamese Verse Romances
of the 19th Century” Crossroads 15.2 (2001); pp. 1 – 40
“The Social Significance of Nudity in Early China,” Fashion Theory 3.4 (Dec., 1999), pp. 1-12
“Junzi yue 君子曰 (Quân-tử viết) Versus Zhongni yue 仲尼曰 (Trọng-nê viết) in Zuo zhuan (Tả Truyện)”; Harvard Journal
of Asiatic Studies 58.1 (June,
1999), pp. 125-161
“Chu-ko Liang 諸葛亮 (Gia Cát Lượng) in the Eyes of His Contemporaries,” Harvard Journal of Asiatic Studies 52.2
(Dec., 1992), pp. 589-612
“The Motif of Recognition in Early China,” Harvard Journal of Asiatic Studies 47.1 (June, 1987), pp. 5-30
“On the Nature of the Kieu Story,” Vietnam Forum (Yale University Council on
Southeast Asian Studies) 3 (Winter-Spring 1984), pp. 61-98
Những Bài Điểm Sách
Poetic Transformations:
Eighteenth-Century Cultural Projects on the Mekong Plains, Claudine Ang; Harvard University Asia
Center, 2019, in China Review International, 25.1 (2020)
The Commentarial Transformation of
the Spring and Autumn, Newell Ann Van Auken; Albany; SUNY
Press, 2016, in Dao: A Journal of Comparative Philosophy, Fall 2018
The Kim Vân Kiều of Nguyễn Du (1765 – 1820), translated by Vladislav Zhukov;
Canberra; Pandanus Books, 2004, in Journal of Vietnamese Studies 3:1 (Winter 2008), pp. 240-245
Persons, Roles, and Minds: Identity
in Peony Pavilion and Peach Blossom Fan, Tina Lu, Stanford University Press, 2001; 2001; in CLEAR [summer, 2002]
Guanzi: Political, Economic, and
Philosophical Essays from Early China; A Study and Translation. Volume II. By W. Allyn Rickett. Princeton: Princeton
University Press, 1998; in Journal of Asian Studies [1999]
Những Sách Chưa Xuất Bản:
Sách Viết:
“Historical
Narrative in Early China”
(a study of genre and content among the narratives collected in Zuo zhuàn, Guó yu, Zhànguócè, and Shijì; 336 pp.) Zuo zhuàn 左傳 (Tả Truyện), Guó yu 國語 (Quốc Ngữ), Zhànguócè 戰國策 (Chiến Quốc Sách), and Shijì 史記 (Sử Ký)
“Readings in Chinese Historical
Legend” (course
textbook; 543 pages)
“Xin xù Summaries” (detailed summaries of the 176
narratives of the extant Xin xù 新序 (Tân Tự),
with notes on sources and allusions; a research tool; a collaboration with
Professor Anne Kinney)
“Chinese Phrase Lexicon.” Approx. 10,000 phrases, proverbs,
and short classical passages cross-referenced by lexical item; computer
document in process of expansion.
“Vietnamese Proverb Lexicon.” Similar in scope and concept to the
above, but more focused on proverbs; computer document in process of expansion.
Sách Dịch:
From classical
Chinese:
“Stories from
the States” (a bilingual edition of Guóyǔ 國語 (Quốc Ngữ)
with introduction and notes; approx. 1,000 pp. Guóyǔ 國語 (Quốc Ngữ) is a collection dating from c. 300 BCE consisting of 243 historical narratives)
“Chronicle of the States of the
Eastern Chou,
Vol. I” (a translation, Chinese to English, of the first forty chapters of Dong Zhou liè guó zhì; 東周列國志; (Đông Chu Liệt Quốc Chí) 762 pp.
From Vietnamese:
Memoirs (Hồi Ký) by Phạm Duy, four volumes (approximately 1,200
pages); Volume One: Coming of Age in the
North; Volume Two: The Resistance; Volume Three: The Period of Division; Volume
Four: My Sojourn Abroad.
More than 1,500 detailed footnotes on persons, places, and events, to be published by Cornell University
Press.
Hình 6a: trái, bìa sách In Whose Eyes, do University of Massachusetts Press xuất bản, 2016 là bản dịch tiếng Anh cuốn hồi ký Chuyện Nghề của Thuỷ; phải, với lời đề tặng: “Thân tặng Bác sĩ Ngô Thế Vinh, bạn đồng đội của tôi - Eric Henry, ngày 28/05/2022. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Hình 6b: trái, bìa cuốn sách Thuyết Uyển / Garden of Eloquence của Lưu Hướng, sách dày 1232 trang, do TS Eric Henry dịch và giới thiệu, University of Washington Press, Seattle xuất bản 2021; phải, trang sách đề tặng với 3 ngôn ngữ Việt, Hoa, Anh. Eric Henry còn có tên Việt Nam là Vũ Văn Hòa* – Hòa là tên của GS Nguyễn Đình Hòa, tác giả bộ từ điển Anh Việt mà Eric luôn luôn ôm theo khi anh bắt đầu học khóa tiếng Việt ở El Paso trước khi sang chiến trường Việt Nam. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
* Nửa thế kỷ trước, khi bắt đầu học tiếng Việt tại Defense Language Institute ở Fort Bliss, Texas, tôi đã mời người xung quanh gọi tôi là “anh Hòa”, vì thuở đó tôi hay sử dụng một cuốn tự vị của một học giả cùng tên: Nguyễn Đình Hòa. Sau đó vài tháng, khi thấy là cần đến một tên đầy đủ hơn, tôi chọn “Văn” làm tiếng đệm, vì đó hình như là thói quen của nhiều gia đình Việt Nam—và sau đó tôi chọn “Vũ / Võ” làm họ, tại vì âm thanh của “Vũ Văn Hòa” nghe lại hình như… êm tai. Sau khi bắt đầu trở về từ Việt Nam và xã giao thường xuyên với người Việt, thì tôi đã dần dần chấm dứt sử dụng tên “Hòa”, vì cảm thấy là người Việt không có vấn đề nào cả với tên “Eric”. Nhưng khi nào tiếp xúc với người Hoa thì tiếp tục dùng tên “Vũ Văn Hòa”, vì thấy là họ thích cách gọi Vũ Tiên Sinh (武先生) không thích cách gọi Eric Tiên Sinh “Eric 先生” cho mấy.
Đọc lược qua số tác phẩm của Eric Henry, tôi đã rất ngạc nhiên và hỏi Eric là thời giờ đâu và cả bí quyết làm việc của anh ra sao để có thể viết được nhiều tác phẩm như thế? Eric trả lời tôi ngay:
Anh Vinh thân quý,
Tôi thấy Anh là vị tác giả “đa sản 多產, prolific -- chữ của Eric” bằng tôi -- và trái với tôi, anh có một nghề khác đi song với nghề viết văn: nghề làm bác sĩ! Nhưng nếu Anh có hứng thú hỏi tôi có bí quyết gì để có cách viết nhiều, thì tôi sẽ trả lời như thế này:
Tôi vốn là người làm biếng. Nhưng đồng thời tôi cũng là người rất thích tuân thủ thói quen. Nếu muốn hoàn tất một tác phẩm, thì phải lập thành một bộ thói quen nào đó -- như mỗi ngày viết một trang văn, chẳng hạn. Nếu giữ thói quen đó suốt một năm, thì khi đến cuối năm mình sẽ có 365 trang -- đủ để tạo thành cả một cuốn sách!
Tuy vậy, cái thú vật yêu quý nhất của tôi trong giới vạn vật là con lười (sloth) của Châu Nam Mỹ. Ước gì có thể treo mình xuống liên miên từ một cành cây như thú vật ấy! Thân quý, Eric
ERIC HENRY VÀ THE MEMOIRS OF PHẠM DUY
Và rồi những emails trao đổi tiếp theo giữa Eric và tôi đều có liên quan tới chặng đường 13 năm gập ghềnh của bộ sách tiếng Anh The Memoirs of Phạm Duy cho đến nay vẫn chưa có thể xuất bản.
Email 1: Anh Bác sĩ Ngô Thế Vinh thân kính, [
May 4, 2022 ]
Rất cảm ơn Anh quan tâm đến việc xuất bản sách phiên dịch Hồi Ký Phạm Duy. Lịch sử của các nỗ lực của tôi và các người "đồng minh” để xuất bản sách này giống như lịch sử của chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô — là một đoạn lịch sử vô cùng dài và vô cùng phức tạp. Bắt đầu từ đâu để kể cho rõ rành đây?
Một lần, Phạm Duy và tôi sắp ký hợp đồng với Cornell S.E. Asia Publications vào năm 2009 để xuất bản sách này – nhưng một công ty VN mang tên là Phương Nam không cho phép – tại vì Phạm Duy mấy năm trước đã ký một hợp đồng với Phương Nam và dành cho công ty ấy độc quyền xuất bản và phổ biến tất cả sản phẩm của Phạm Duy, gồm có cả sản phẩm thuộc lãnh vực văn chương (như Hồi Ký, chẳng hạn).
Về sau, vào năm 2012, vài tháng trước khi qua đời, Phạm Duy đã thực hiện được một
sự thay đổi trên hợp đồng này, nói là độc quyền này của Phương Nam chỉ hữu
hiệu trên đất Việt Nam mà thôi, chớ không hữu hiệu trong lãnh vực của các
nước khác. Biện pháp này đã giải quyết vấn đề với Phương Nam, nhưng chưa giải
quyết được vấn đề với những người con của Phạm Duy -- đặc biệt là với Duy Đức, người con trai út của Phạm
Duy.
Xin lỗi, tôi phải tạm ngừng viết, và tôi sẽ giải thích thêm vào buổi chiều ngày mai. Kính thư, Eric
Email 2: Anh Vinh thân mến, [ May 5, 2022 ]
Ngoài Duy Đức ra, một nhân vật khác trong việc này là Tina Phạm, luật sư của gia đình Phạm Duy — tôi đã từng trao đổi thư từ với Tina từ năm 2009. Duy Đức lúc nào cũng làm theo ý kiến của Tina. Theo Tina, Duy Đức nên đòi hỏi nhà xuất bản Cornell bảo đảm là họ sẽ “indemnify” (bồi thường) gia đình Phạm Duy nếu họ bị công ty Phương Nam kiện. Nhưng Sarah Grossman, tổng biên tập của Cornell nói với tôi là Cornell không thể phát hành một văn kiện “bảo đảm" như thế. Sarah Grossman đã phát hành giùm tôi một văn kiện khác tuyên bố là Nxb Cornell sẽ tuyệt đối không tìm cách bán tác phẩm này trên đất Việt Nam. Nhưng Tina và Duy Đức chưa thỏa mãn với lời hứa chính thức này của Cornell.
Eric Henry sau đó đã liên lạc với Ban Giám Đốc Cty Phương Nam, và bây giờ Cty Phương Nam đã có giám đốc và phó giám đốc mới. Eric Henry đã nhận được thư hồi âm của Trịnh Hải Phương, phó giám đốc Phương Nam.
Kính chào ông Eric Henry,
Tôi là Trịnh Hải Phương, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Sách Phương Nam, có nhận được thư của ông Eric Henry đề nghị cho phép xuất bản bản tiếng Anh "Hồi ký nhạc sĩ Phạm Duy" ở Mỹ. Sau khi chúng tôi kiểm tra lại nội dung hợp đồng độc quyền khai thác các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy thì nhận ra công ty Phương Nam chỉ độc quyền khai thác trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Do đó công ty Phương Nam không giữ quyền khai thác tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Về đề nghị của ông thì thuộc quyền
quyết định của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy, những người thừa kế. Do đó ông có thể
liên hệ với gia đình nhạc sĩ Phạm Duy để trao đổi.
Trân trọng, Trịnh Hải Phương
Nhận được thư này, tôi gửi thư hồi âm như sau:
Kính gửi Ông Trịnh Hải Phương,
Và Ông Phương đã trả đáp như thế này:
Kính gởi ông Henry,
Cám ơn ông đã hồi âm, công ty
Phương Nam chỉ góp một phần nhỏ trong
việc phổ biến những giá trị nghệ thuật của nhạc sĩ Phạm Duy đến với người
dân Việt Nam.
Cá nhân Phương Nam cũng rất cảm kích
công việc anh đã làm cho nhạc sĩ Phạm Duy và hy vọng tập hồi ký được
sớm xuất bản.
Trân trọng, Trịnh Hải Phương
Như vậy, Công ty Phương Nam không những không phản đối việc này, mà còn hy vọng là The Memoirs of Phạm Duy được sớm xuất bản.
Email 3: Anh Vinh thân quý, [
May 7, 2022 ]
Cám ơn Anh gửi cho
tôi thấy thiếp chúc mừng 1996, và bức thư 1995 mà đều mang bút tích của cố nhạc
sĩ. Tôi sẽ tiếp tục cung cấp chi tiết về vụ tìm cách xuất bản The
Memoirs of Phạm Duy. Thân ái, Eric
…
Cám ơn Anh liên lạc với Duy Minh, Duy Cường và Duy Đức. Tôi thấy là Duy Cường, giống như tôi, rất muốn thấy Cornell xuất bản The Memoirs. Thân ái, Eric
Email 4:
Anh Vinh thân quý, [ May 10, 2022 ]
Nay
mai, tôi sẽ viết thêm một chút về vụ xuất bản “The Memoirs”. À,
suýt quên: 3 bản hợp đồng mà tôi đã gửi cho Anh không chút nào “classified”. Muốn
trích dẫn câu
nào, xin tùy nghi! Chúc
Anh thoải mái, yên tâm. Thân ái, Eric
…
NGÔI NHÀ MỚI CỦA PHẠM DUY
Hình 7a: trái, ngôi nhà mới 3 tầng trong cư xá Lê Đại
Hành, phường 13, quận 11 nơi Phạm Duy đã sống tám năm còn lại cuối đời, từ
trái: Phạm Duy Minh, Phạm Duy, và kiến trúc sư tân trang căn nhà. Nếu không có
gì biến động, căn nhà này sẽ thuộc quyền sở hữu của gia đình Phạm Duy sau 20
năm 2005 – 2025. [nguồn: photo by Nguyễn Phong
Quang]
Hình
7b: Dọn đến ngôi nhà mới, Phạm
Duy Đại Lực Sĩ -- chữ của Nguyên
Sa, vẫn miệt mài làm việc với dàn máy điện
toán Macintosh ở tuổi đã gần 90. [Photo by Nguyễn Phong Quang]
Hình 8: Hình chụp tháng
8 năm 2006 tại căn nhà Phạm Duy trong cư xá Lê Đại Hành, từ trái, Eric Henry dịch
giả Bộ Hồi Ký Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm Duy lúc đó 85 tuổi, Harry Diakoff là bạn
tấm cám của Eric, cũng rất mê nhạc Phạm Duy. Harry Diakoff đã quay phim hai cô
bạn gái dùng vũ điệu để diễn giải hai ca
khúc của Phạm Duy là: Ngày Trở Về, và Ru Con, khi được xem khúc phim ấy, Phạm
Duy tỏ ra rất hứng thú. [tư liệu và ghi chú của Eric Henry]
BA BỨC THƯ NGÔ THẾ VINH GỬI
NHỮNG NGƯỜI CON NHẠC SĨ PHẠM DUY
Qua điện thoại, tôi liên lạc được với Phạm Duy Minh, người con trai thứ hai của nhạc sĩ Phạm Duy, đang sống nơi căn nhà của cha ở Midway City. Tôi có nói với Duy Minh về ý nghĩa to lớn của bộ Hồi Ký tiếng Anh đối với sự nghiệp của Bố Phạm Duy khi được University Press của một Đại Học danh giá là Cornell nhận xuất bản. Đây cũng là điều mà Phạm Duy khi còn sống đã rất mong ước.
Nhưng rồi qua Duy Minh – nay là con cả
trong gia đình sau khi Duy Quang mất, tôi được biết là tất cả bảy anh em – cùng
có quyền thừa kế giống nhau, nếu chưa có sự đồng thuận tuyệt đối 7/7 thì chưa
thể có một hợp đồng với Đại Học Cornell. Và sau đó Duy Minh đã cho địa chỉ
email của ba người: Duy Minh, Duy Cường và Duy Đức để tôi có thể trao đổi liên
lạc.
Mặc dù đang rất bận rộn, nhưng do sự trân quý sự nghiệp âm nhạc / văn hóa của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi đã không ngần ngại chia sẻ những ý nghĩ tâm huyết với Duy Minh, Duy Cường, Duy Đức và các Anh Em trong gia đình Phạm Duy, chỉ với mục đích duy nhất là làm sao vượt qua tất cả những trở ngại hiện nay để bộ Hồi Ký The Memoirs of Phạm Duy sớm được xuất bản.
Và sau đây là vắn tắt nội dung ba bức thư ngỏ, trong đó tôi xưng Anh với những người con của nhạc sĩ Phạm Duy, vì tất cả đều nhỏ tuổi hơn.
Tôi có nhắc, là mấy năm cuối đời Bố Phạm Duy đã quan tâm và kỳ vọng rất nhiều về bộ Hồi Ký bản tiếng Anh nếu được xuất bản ở Mỹ. Năm 2012, một năm trước khi Phạm Duy mất, trong một cuộc phỏng vấn Ông còn hãnh diện nhắc bộ sách The Memoirs of Phạm Duy. Đến nay 2022, 10 năm đã trôi qua, bản tiếng Anh ấy vẫn còn nằm ở Đại Học Cornell như một bản thảo. Và người dịch cuốn sách ấy là Tiến Sĩ Eric Henry, mà mấy Anh Em cũng đã từng gặp, Anh ấy năm nay cũng đã 79 tuổi rồi, với tuổi đã cao như vậy, nếu có vấn đề gì về sức khỏe đột ngột xảy ra cho Anh ấy, thì bao nhiêu công sức của Anh Eric Henry và của Bố Phạm Duy sẽ có nguy cơ bị rơi vào quên lãng! Sẽ rất đáng tiếc!
Tôi cũng nhắc
tới điều mà Duy Minh và mấy Anh Em có thể e ngại
là có vi phạm bản Hợp Đồng với Công ty Văn Hóa Phương Nam, nhưng
điều đó không có -- vì trước khi Bố Phạm Duy mất, bản hợp
đồng với Phương Nam ghi rõ chỉ hiệu lực trong lãnh thổ Việt Nam!
Và như vậy, tiếng nói quyết định cuối cùng để The Memoirs of Phạm Duy có thể được Cornell University Press xuất bản là nơi 7 anh em -- những người con thừa kế di sản Phạm Duy.
Tôi đã đề nghị Duy Minh, Duy Cường, Duy Đức và tất cả mấy Anh em trong gia đình nên cùng nhau bàn bạc để có một quyết định đúng vì sự nghiệp lâu dài của nhạc sĩ Phạm Duy. Vì thời gian sinh học thì không phải là bất tận. Tôi cũng nhắc cho Duy Minh, Duy Cường, và Duy Đức cùng các anh em trong gia đình nhạc sĩ Phạm Duy thêm một văn kiện từ Đại Học Cornell / attachment của "Sarah Grossman bảo đảm là Nxb Cornell sẽ tuyệt đối không bán The Memoirs of Phạm Duy trên đất Việt Nam."
Cho dù ngay từ ban đầu, Nhạc sĩ Phạm Duy đã đồng thuận làm việc song hành với TS Eric Henry để hình thành được bộ sách tiếng Anh đồ sộ The Memoirs of Phạm Duy. Nhưng nay do Bố Phạm Duy đã mất, Nxb University Press Cornell vẫn cần thêm một giấy cho phép / Permission của những người con thừa kế di sản Phạm Duy, tôi cũng đã gửi kèm theo eMail thứ 3 này một mẫu bản thảo / draft lá thư cho phép ấy. Một thủ tục đơn giản nhưng quan trọng để Đại Học Cornell có thể khởi sự in bộ sách The Memoirs of Phạm Duy. Bản thảo gợi ý đó như sau:
To: Eric Henry
Cc: Cornell University Press
I, Phạm Duy Minh, the son of the
Vietnamese song composer and author Phạm Duy, am the copyright proprietor (representing both myself and my six brothers and sisters), of the musical and literary works of my father, including his four-volume
set of Vietnamese-language memoirs, Hồi Ký Phạm Duy. I, Phạm Duy Minh, hereby grant
you permission to promote your annotated English
translation of this
autobiographical work, which I have seen and approved.
With this letter I certify as well that I grant you permission to publish this work with Cornell University Press.
Signed,
Phạm Duy Minh
“Và rồi tôi có nhắc tới ngày 27.01.2023 sắp tới đây sẽ là Ngày Giỗ thứ 10 của nhạc sĩ Phạm Duy. Ngày Giỗ sắp tới ấy sẽ có thêm rất nhiều ý nghĩa nếu trên bàn thờ Bố Phạm Duy, thay vì chỉ có hoa trái nhang đèn, sẽ là một bộ sách The Memoirs of Phạm Duy, điều mà Anh Vinh biết chắc chắn là nhạc sĩ Phạm Duy đã rất ao ước lúc sinh thời!”
Một cuốn sách được xuất bản bởi một Đại Học danh tiếng như Cornell, sẽ được lưu trữ nơi các thư viện lớn trên thế giới, để từ đó có thể mở ra các cuộc nghiên cứu, đây không chỉ là niềm tự hào của Bố Phạm Duy mà còn niềm hãnh diện cho các thế hệ thứ 2 thứ 3 của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy. Hãy không để dự án lớn này bị "đứt gánh giữa đường” để sau này chỉ còn lại là sự hối tiếc!
Bằng mọi giá, Duy Minh Duy Cường Duy Đức và Các Anh Em
cần có nỗ lực "tạo thuận" cho giấc mơ của Bố Phạm Duy
trở thành hiện thực, để rồi ra, Duy Minh Duy Cường Duy Đức và Các
Em sẽ không phải thốt nên câu là "rất tiếc"...
Last but not least, Think Big nha mấy Anh Em!
Các emails này tôi đều có gửi cho Anh
Eric được đọc, trong một email thứ ba không rút ngắn, có thêm đoạn này:
…
Thập niên 1970, khi anh Vinh họp một Hội nghị Sinh Viên Á Châu bên
Nhật, anh Vinh thấy các bảng hiệu rầm rộ quảng cáo cho cuốn
phim "Love Story" mô phỏng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên
của Erich Segal: câu catchphrase ấy là: "Love means never having to
say you're sorry / Yêu là không bao giờ phải nói câu là anh rất
tiếc". Anh Vinh lúc này thì nghĩ tới tình yêu thương của những đứa con đối với Bố
Phạm Duy. Bằng mọi giá, Duy Minh và Các Em cần phải "tạo
thuận" cho giấc mơ của Bố Phạm Duy trở thành hiện thực, để rồi
ra, Duy Minh và Các Em sẽ không phải thốt nên một câu là "rất
tiếc".
Đó là những điều tâm huyết mà Anh Vinh muốn chia sẻ với Duy Minh, Duy Cường, Duy Đức và các Anh Em.
Eric Henry viết:
Anh Vinh thân quý, Thiệt ra, tôi rất thích draft email [3] mà Anh đã gửi cho tôi thấy ngày hôm qua — trong khi đọc, tôi thấy là cách viết của nó hùng biện đến độ “chuyển trời rung đất”, có đầy đủ sức lực khiến thần quỷ rơi lệ, tuy vậy, nếu Anh thấy là draft mới nhất sẽ hữu hiệu hơn, thì tôi cũng xin tuân theo. I trust your judgement.
Với 3 bức tâm thư được gửi đi và đã đến người nhận, nhưng rồi vẫn là sự im lặng của những người con Nhạc sĩ Phạm Duy.
Không biết ngày mai của bộ Hồi Ký ấy sẽ ra sao: Que Sera, Sera… Và rồi trong sự tin cậy, Eric Henry sau đó cũng đã gửi tôi một copy bản thảo bộ sách The Memoirs of Phạm Duy như "Của tin gọi một chút này làm ghi." [Nguyễn Du]
PHẠM DUY – ERIC HENRY VÀ HUẾ
Trong một bài viết thay lời chúc mừng thượng thọ Phạm Duy 90 tuổi (2011) nhan đề Phạm Duy và Huế, Đặng Tiến viết:
“Nhạc sĩ Phạm Duy không có quan hệ dây mơ rễ má gì với đất Huế và người Huế, nhưng xứ thần kinh đã để lại trong nhạc phẩm anh nhiều âm hưởng và hình ảnh sâu đậm, đặc biệt sau bốn lần ghé Huế: 1944 khi đi hát rong; 1946 sau cách mạng tháng 8, từ chiến khu Nam Bộ về Bắc; 1948 trong kháng chiến chống Pháp; và 1953 khi về thành.”
Không phải chỉ có 4 lần ghé Huế, Phạm Duy đã có rất nhiều lần ra Huế sau thập niên 1960, khi cường độ chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn khốc liệt nhất, cũng là thời gian Phạm Duy viết 10 bài Tâm Ca. Riêng Nguyễn Đắc Xuân có ba bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc: Để Lại Cho Em, Nhân Danh, Chuyện Hai Người Lính. Bài Tâm Ca Số 5 – Để Lại Cho Em, là một dấu ấn đặc biệt của giai đoạn ấy.
Cuộc gặp gỡ giữa Phạm Duy – Nguyễn Đắc Xuân, và tôi sau này nơi căn nhà bên bờ sông Hương ấy được ghi lại trong Chương XVII cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, với nhân vật hư cấu tên Vy, một sinh viên Phật tử tranh đấu chính là Nguyễn Đắc Xuân và một nhạc sĩ nổi danh về Dân Ca là Phạm Duy.
Đôi lần vào Sài Gòn, Nguyễn Đắc Xuân đều có tới tòa báo Tình Thương, Xuân đích thân đem theo một bài viết hay đôi bài thơ để được chọn đăng trên tờ báo Tình Thương.
Khoảng tháng 4/1965, khi ấy tôi đang là Tổng thư ký tòa soạn báo Sinh Viên Y Khoa Tình Thương, Nguyễn Đắc Xuân, trong một chuyến vào thăm các Thầy ở chùa Già Lam, có tới tòa soạn 103 Nguyễn Bỉnh Khiêm gần đài Phát thanh Sài Gòn, trao tay một bài viết nhan đề: Bài Âu Ca của Phạm Duy, sau đó bài được chọn đăng trên báo Tình Thương số 17, phát hành tháng 5/1965. Nguyễn Đắc Xuân rất mê nhạc Phạm Duy và nhất là phần ca từ, Xuân viết: “lời nhạc của anh hay hơn cả thơ”. Nguyễn Đắc Xuân cũng có làm thơ, Bài Tâm Ca số 5 sáng tác năm 1965 của Phạm Duy phổ từ bài thơ “Để Lại Cho Em” của Nguyễn Đắc Xuân.
Hình 9: Bài Âu Ca của Phạm Duy, của Nguyễn Đắc Xuân được đăng trên báo SVYK Tình Thương số 17, tháng 5/1965. Trong cùng năm, Phạm Duy sáng tác bản nhạc Tâm Ca Số 5 phổ từ bài thơ Để Lại Cho Em của Nguyễn Đắc Xuân. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Một năm sau đó, tháng 5/1966, tôi gặp lại Nguyễn Đắc Xuân ở Huế trong chuyến ra Chùa Từ Đàm, cùng Chủ Nhiệm Phạm Đình Vy thực hiện cuộc phỏng vấn 96 Phút với Thượng Tọa Thích Trí Quang.
Khi ấy, Nguyễn Đắc Xuân là sinh viên năm cuối ban Việt Hán Đại học Sư phạm Huế và là Đoàn trưởng Đoàn Sinh viên Quyết tử Huế, được coi như một thành phần chủ chốt của Phong trào đô thị đấu tranh của cộng sản nằm vùng nấp bóng Phật giáo, sau đó bị lộ diện và truy lùng, Xuân trốn vào sống trong các chùa và sau đó thoát ly vào mật khu của cộng sản từ cuối 1966.
Tới Tết Mậu Thân 1968, thì Nguyễn Đắc Xuân xuống núi, lộ nguyên hình là một cán bộ cộng sản và đã có mặt ở Huế trong suốt chiều dài tấn thảm kịch Tết Mậu Thân, nơi diễn ra vụ thảm sát hơn ba ngàn thường dân Huế với các nấm mồ chôn tập thể.
Sau 1975, với công lao cách mạng ấy, đảng viên cộng sản Nguyễn Đắc Xuân được phong làm cán bộ Tuyên giáo Thành ủy Huế, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam,
rồi sau đó được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Thành phố Huế và kiêm nhiệm
nhiều chức vụ khác.
Và từ 1966 cho tới nay 2022, chưa bao giờ
tôi gặp lại người sinh viên quyết tử năm xưa – nay Xuân có thêm danh xưng là “nhà
Huế học”, có người còn dễ dãi gọi Nguyễn Đắc Xuân là sử gia. Ở tuổi 85, Nguyễn
Đắc Xuân (sinh năm 1937), không còn là hình ảnh gầy ốm của một sinh viên “hàn nho”
thuở nào, và khi gặp phóng viên Phan Đăng, báo Công An Nhân Dân, Nguyễn
Đắc Xuân với giọng hãnh tiến: "Tôi xây
nhà được nhờ viết sách. Cho con cái đi học nước ngoài nhờ viết sách. Sống khỏe
nhờ viết sách." [Báo Công An
Nhân Dân PV nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân, 25.03.2019]
Nguyễn Đắc Xuân – nhân danh một nhà
Huế học, đã nói về Cố đô Huế như sau: “Không
đâu êm ả, phẳng lặng tựa như mặt nước sông Hương nhưng cũng không ở đâu sóng lũ
dữ dội như ở Huế. Khách đường xa đến Huế ai cũng thấy đời sống chậm, khoan
thai, họ không hiểu Huế là nơi có những biến động không nơi nào trên nước
mình sánh được.”
Và biến động “không
nơi nào trên nước mình sánh được” vẫn là vụ
thảm sát Tết Mậu Thân 1968 – kéo dài suốt 26 ngày hay đúng hơn 624 giờ -- mà
mỗi giờ là giờ thứ 25 / La Vingt-cinquième Heure của mỗi người dân Huế sống sót
-- và trong “mắt bão” Tết Mậu Thân đó, tên tuổi Nguyễn Đắc Xuân luôn luôn được
nhiều phía nhắc tới, như một tác nhân và là nhân chứng sống.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN “ĐỎ” VÀ NHẠC “VÀNG”
Mùa Hè 2017, 4 năm sau ngày Phạm Duy
mất, TS Eric Henry được mời ra nói chuyện ở Nhạc Viện Huế, với đề tài ban đầu
là: “Nhạc Á Đông, nhạc Phạm Duy” sau phải đổi là “Lịch sử nhạc phổ
thông Việt Nam và các nước láng giềng”, tên Phạm Duy không được chính thức ghi
trên Poster trong sự kiện văn hóa ấy. Eric Henry qua một email, đã kể cho tôi
nghe diễn tiến trước và sau chuyến đi Huế ấy:
“Khi nói với khán thính giả, tôi – Eric Henry muốn kể lể cho họ nghe một mảnh đối thoại ngày nào giữa tôi và Phạm Duy. Phạm Duy đã hỏi tôi, “Ông nghĩ gì về nhạc vàng?” Trả đáp của tôi lúc ấy là: “Tôi thấy nhạc vàng là một loại nhạc chân thật.” [khi nghe câu ấy, Phạm Duy đã không nói gì, nhưng có vẻ nửa đồng ý nửa bất đồng ý.]
Khi tôi thảo luận về việc này với Nguyễn Đắc Xuân, anh Xuân đã “cảnh cáo” tôi là trong một nơi công cộng như Nhạc viện Huế, tôi không được nói là nhạc vàng là loại nhạc “chân thật” – vì nếu nói thế, thì mỗi người nghe sẽ hiểu là bên cạnh nhạc chân thật phải có một loại nhạc “không chân thật” nữa – và mỗi người sẽ hiểu ngay là nhạc “không chân thật” là cái gì: nhạc đỏ.
Cho nên tôi – Eric Henry đành phải theo lời dặn Nguyễn Đắc Xuân và tự kiểm duyệt. Trong khi diễn giảng trước khán thính giả, tôi chỉ nói: “nhạc vàng là một loại nhạc mà biểu tỏ cảm tưởng chân thành về đời sống của người bình thường”. Tôi rất là không thích câu ấy — quá thiếu bề thẳng thắn, thiếu bề trung thực!
Trong buổi nói chuyện, TS Eric Henry đã nói được những nét cơ bản về tân nhạc tại Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á, và cả Đại Hàn, Trung Quốc.
TS Eric Henry chủ yếu nhấn mạnh đến nền tân nhạc Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là nhạc sĩ Phạm Duy, TS Eric Henry đã nhận xét: “Nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy đa dạng như các bức tranh của danh họa Picasso”.
Hình 10: trên, TS Eric Henry trên sân khấu của Học Viện Âm Nhạc Huế, trong một buổi thuyết giảng: ngày 07/06/2017 về chuyên đề với tên ban đầu là: “Nhạc Á Đông, nhạc Phạm Duy” sau phải đổi là “Lịch sử nhạc phổ thông Việt Nam và các nước láng giềng”; dưới, TS Eric Henry đang trình diễn piano bản nhạc “Thuyền Viễn Xứ”. Riêng với hai ca khúc kể chuyện “Chiếc Cặp Tóc Thơm Tho" và "Tình Sầu”, tôi chỉ trình diễn từng đoạn để giúp thính giả hiểu cách cấu trúc trong hai bài đó. [tư liệu Eric Henry]
Trong
bài diễn văn tôi – Eric Henry, cũng
kể một truyện ngụ ngôn, “Hai đứa bé” để biểu tỏ sự khác biệt then chốt giữa nhạc Phạm Duy và nhạc Trịnh Công Sơn. Có lẽ đây là phần duy nhất
trong bài có mùi vị buồn cười. Câu chuyện ấy như
sau:
Có lần, khi đi thăm
Phạm Duy ở nhà của ông tại Midway City bên Cali, tôi đang ngồi bên cạnh
ông trên ghế sô-pha, và chúng tôi bắt đầu nói chuyện về sự khác biệt giữa nhạc
của ông và nhạc Trịnh Công Sơn. Nhân dịp ấy, tôi nói với ông là đề tài này
thường hay khiến tôi liên tưởng đến một truyện cười, mà tôi xin kể ra cho ông
nghe. Lúc ấy tôi hơi sợ là truyện này có thể khiến ông thấy mếch lòng, nhưng
tôi không sợ lắm, tại vì tôi biết Phạm Duy không những thông minh tột độ, mà còn
là người có óc khôi hài, cho nên chắc sẽ có sức thưởng thức được. Truyện là như
thế này:
Hai Đứa Bé: Có ngày một cặp vợ chồng đi
thăm một bác sĩ tâm lý. Họ hết sức lo âu tại vì hai đứa con trai của họ đều có
một bệnh tâm lý nặng nề. Một đứa bé thì lạc quan tuyệt đối, lạc quan quá
độ, lạc quan vô lý. Còn đứa bé thứ hai có một thứ bệnh tật đối nghịch—bé ấy bi
quan tuyệt đối, bi quan quá độ, bi quan vô lý.
Sau khi bác sĩ nghe xong, ông
ta nói, “Được rồi, tôi có một phương pháp điều trị hai đứa ấy. Cái quá trình
điều trị mà tôi định sử dụng sẽ kéo dài ba ngày. Xin ông bà trở lại đây ngày
mai với hai đứa bé. Ngày kế tiếp, khi vợ chồng trở lại với hai đứa con, thì bác
sĩ đã chuẩn bị xong hai căn phòng khác nhau. Một căn phòng đầy đồ chơi. Đồ chơi
ấy có rất nhiều thứ, được làm một cách rất tinh vi, và có nhiều màu sắc vừa
sáng vừa đẹp. Còn căn phòng thứ hai, thì đầy cứt ngựa. Chỉ có cứt ngựa thôi,
không có gì khác bên trong.
Và bác sĩ cho đứa bi quan dọn
vào phòng đồ chơi và ở lại đó ba ngày, trong khi đứa lạc quan ở lại phòng cứt
ngựa ba ngày. Sau thời gian chỉ định đã qua, các người lớn bước vào phòng
đồ chơi, và thấy là đứa bi quan đang khóc liên miên với những giọt nước mắt lớn
rơi xuống mặt.
Bác sĩ hỏi em:
“Em sao thế? Em không thích đồ
chơi này sao?”
Và em trả đáp:
“Những đồ chơi này thật là
đẹp, thật tinh vi, thật đáng quý. Và chính vì thế tôi cảm thấy đau buồn vô
cùng. Vì tôi biết rõ là những đồ chơi này không thể tồn tại vĩnh viễn. Một ngày
sẽ đến khi tất cả đồ chơi này sẽ bị tan vỡ hết.” Nói xong, em bé khóc lần nữa,
với vẻ bi thảm hơn trước.
Rồi các người lớn bước vào
phòng cứt ngựa. Họ thấy là bé lạc quan có vẻ hết sức vui sướng. Nó đang reo vui
và đang nhảy liên miên từ một góc phòng đến một góc phòng khác.
Bác sĩ hỏi:
“Em sao thế? Cứt ngựa xung
quanh không khiến em thấy chán sao?”
Và em trả đáp:
“Cứt ngựa thật nhiều như vậy, thì chắc chắn có một con ngựa thực sự ở đâu đó!” Và em ấy tiếp tục nhảy và reo vui.…
Xin hỏi quý vị cảm thấy như thế nào—đứa bé nào là Phạm Duy, và đứa bé nào là Trịnh Công Sơn? Khi kể ra truyện này cho Phạm Duy nghe, tôi thấy là cái chi tiết mà ông tâm đắc nhiều nhất là chi tiết cứt ngựa, nhưng sau khi nghe, ông không tỏ ra ý kiến nào về sự so sánh mà tôi đã muốn đưa ra.
Sau truyện “Hai đứa bé”, tôi - TS Eric Henry - bàn bạc về hai ca khúc kể truyện của Phạm Duy: “Chiếc cặp tóc thơm tho” và “Ngày xưa một chuyện tình buồn” [Hương Ca số 9 và số 4], và đã đi sâu phân tích từ chủ đề, ca từ, cấu trúc, giai điệu, 2 ca khúc điển hình ấy trong số 10 bài Hương Ca của Phạm Duy được sáng tác mấy năm cuối ở hải ngoại, trước khi Phạm Duy chọn về sống ở Việt Nam.
Riêng các sinh viên ở nhạc viện Huế hoàn toàn không có phản ứng nào cả—lý do là họ đang ngồi với hằng trăm bạn đồng học, xen lẫn với công an văn hóa và trong một hoàn cảnh công khai như vậy—làm sao mà có đầy đủ can đảm để đặt ra bất cứ câu hỏi hoặc nhận xét nào đấy? Rất tiếc là không thể có cuộc gặp mặt riêng tư với một số nhóm nhỏ sinh viên—nếu đã làm như thế được, thì chắc là kết quả sẽ khác hẳn.
MỘT CHÚT RIÊNG TƯ
Được Eric Henry tặng sách, như một đáp lễ, qua Amazon tôi gửi tặng Eric bộ sách Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa. Chỉ 3 ngày sau, tôi nhận được email hồi âm của Eric:
“Hoan hô! Amazon đúng hẹn rồi! Tôi vừa nhận được Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa, Tập 1 và Tập 2. Trong khi coi Tập 2, tôi hài lòng và quan tâm đặc biệt khi thấy là Anh đã chú ý nghệ thuật tạo hình trong những bài viết về họa sĩ Tạ Tỵ và hai điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ và Mai Chửng. Tôi cũng muốn thấy những gì mà Anh đã viết về John Steinbeck. Tôi suốt nhiều năm hết sức đam mê ngôn ngữ đẹp do Steinbeck tạo ra trong tiểu thuyết (gần như đầu tay) của anh: Tortilla Flat. Có hai quyển sách của Anh, tôi bây giờ có cơ hội được giáo dục về nhiều khía cạnh của văn hóa Việt Nam. Đây là một niềm vui lớn!”
Rồi
là một email tiếp theo:
“Tôi đã coi lại tập Chân Dung 1, và thấy là ngoại trừ các
bài viết về Hoàng Ngọc Biên, Đinh Cường và Nghiêu Đề, có bài viết về họa sĩ
Nguyên Khai nữa. Tôi rất muốn biết thêm về những người đã “cống hiến cả
cuộc đời của mình cho nghệ thuật” này.
Giống như Anh, tôi suốt nhiều năm đã được cái may
mắn trở nên khá thân mật với nhiều người “bất thường tầm -- vẫn chữ
của Eric”. Tiếc thay, họ đang dần dần trở thành “người
của trăm năm cũ” rồi. Tôi nên bắt chước Anh và thử viết một tập “chân
dung” để vinh danh họ.”
Và chẳng thể ngờ, cũng từ đây giữa hai chúng tôi nảy nở ra mối tương quan mới, với một dự án mới: TS Eric Henry dự định sẽ dịch sang tiếng Anh hơn một ngàn trang toàn bộ hai tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa của tôi. Tôi cũng hiểu rất rõ rằng, Eric cũng đang còn bận rộn với bao nhiêu công trình dở dang khác của anh.
“Vạn sự khởi đầu nan”, chúng tôi vẫn nói với nhau như thế. Tôi còn nói thêm câu: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Ngay hôm sau, tôi lại nhận được một email khác của Eric:
Anh Vinh thân quý, Dưới đây là hình chụp của cụ Nguyễn Bá Học (1857 - 1921),
tác giả danh ngôn “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà
khó vì lòng người ngại núi e sông”. Câu đó tôi đã ngâm đi ngâm lại suốt năm mươi mấy năm vừa qua, là một phần căn bản của cuộc sống Eric Henry.
Không lâu sau đó, tôi nhận được một chương sách dịch đầu tiên Chân Dung Mặc Đỗ của bộ sách tiếng Anh dự tính có nhan đề là: Creative World of the South Vietnam 1954 - 1975. Và rồi liên tiếp sau đó, cứ mỗi hai tuần hay mười ngày, tôi lại nhận được bản dịch một Chân Dung mới. Và hôm nay là Dương Nghiễm Mậu: “Forty Years of Dương Nghiễm Mậu And the “Autobiography of Nguyễn Du” cũng là Chân Dung thứ sáu vừa được Eric dịch xong, cùng với một lá thư của dịch giả Eric Henry, mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc, thay cho một kết từ của bài viết này.
Anh Vinh thân quý, Anh thật là “nhà báo của các nhà báo – Eric dùng cụm từ trong bài viết về Chân Dung Như Phong”. Đối với Anh, thế giới này không có cách giữ được bất cứ việc bí mật nào — sợ là chẳng bao lâu nữa sự hiểu biết của Anh về quá khứ Eric Henry sẽ vượt qua chính Eric Henry!
Tôi bây giờ đang nghĩ về một bức thư mô tả các tác phẩm của Anh cho một nhà xuất bản. “Chân Dung tập 1” tôi tạm gọi là: "The Creative World of South Vietnam, vol. 1: Eighteen Literary, Artistic, and Cultural Portraits”. Tôi đã làm một danh sách cho các nhà xuất bản dễ thấy nội dung là như thế nào (và sẽ làm một danh sách tương tự cho tập 2): Tôi bắt đầu suy nghĩ về việc liên lạc với các nhà xuất bản. Eric
Để hoàn tất bản dịch hơn một ngàn trang sách, rồi tìm được một nhà xuất bản Mỹ trong dòng chính như University Press, còn là cả một chặng đường dài gian truân, như qua một câu thơ Tản Đà:
Hai vai gánh nặng con đường thời xa, và rồi chúng tôi cùng chúc cho nhau, giữ sao cho chân cứng đá mềm.
Và cả hai chúng tôi cũng không bao giờ quên, là làm sao bằng mọi giá sớm xuất bản cho được bộ sách The Memoirs of Phạm Duy, một trong những ước mơ của nhạc sĩ Phạm Duy nay vẫn còn đang dang dở.
NGÔ THẾ VINH
Little Saigon, 08/08/2022
THAM KHẢO
1/ “Phạm Duy and Modern Vietnamese History.” Eric Henry. Southeastern Review of Asian Studies 27 (2005), pp. 89 – 105.
2/ The Memoirs of Phạm Duy. Translated from the Vietnamese by Eric Henry. To be published by Cornell University Press.
3/ The curious memoirs of the Vietnamese composer Phạm Duy. John C. Schafer. Journal of Southeast Asia Studies. Feb 2012. The National University of Singapore, 2012.
4/ Tìm hiểu Nhạc Phạm Duy / Understanding Phạm Duy’s Music. Nhiều tác giả. Lưu hành nội bộ. [nguồn: Phạm Duy, tháng Giêng 2007]
5/ Phỏng Vấn GS ngôn ngữ học Tiến sĩ Eric Henry. Quỳnh Lệ. Người Viễn Xứ, 17/07/2005.