Năm mươi năm trước, chỗ ấy là bãi tha ma. Trừ
tiết đông chí và tiết thanh minh có người đến tu tảo mộ phần, suốt những tháng
ngày còn lại hoàn toàn vắng vẻ quạnh hiu. Gặp khi trời động, gió chạy cát bay,
ngọn cỏ lắc lư, cành cây lảo đảo, trông càng ghê rợn.
Bốn mươi năm trước, số di cốt được cải táng,
các tháp canh quân Pháp xây dựng trong chiến tranh được ủi phá. Chỗ ấy là ngoại
vi của khu thương mại, gồm những ki-ốt xinh xắn, bày bán sách báo và hàng tạp
hóa.
Hai mươi năm trước, chỗ ấy thành bến xe. Ban
ngày từng hàng người xếp dài chờ mua vé, ban đêm là nơi nghỉ ngơi của hành
khách, nửa thức nửa ngủ đợi khuya dậy tiếp tục xếp hàng. Điện không đủ sáng,
leo lét đó đây ánh đèn của các gánh quà đêm.
Hơn năm năm trước, chỗ ấy được chọn để xây dựng
công viên trung tâm thành phố. Giữa những cỏ hoa, một pho tượng mỹ nhân ngư ngẩng
đầu nhìn trời, tay vươn cao, ngực để trần, tóc xỏa xuống lưng, phần thân cá
ngâm trong hồ nước.
Hôm đổ móng xây tượng, chợt có nhà sư già đi
qua. Đây là nhà sư tu khổ hạnh trong chùa Hang trên đỉnh Tà Lãnh, mỗi năm phải
một lần xuống núi vào chợ khất thực. Nhà sư trông gầy gò nhưng còn khỏe, những
chân tóc trên đầu bạc trắng, tương phản với gương mặt nhăn nheo đen sạm. Chiếc
áo choàng chắp hàng trăm mảnh đã phai hết màu vàng. Nhà sư đứng lại, bảo rằng vẫn
còn nằm dưới nơi này một thiện nữ ngày xưa, và xin tụng một hồi kinh, để cho
linh hồn người chết nếu chưa siêu thăng thì cũng nhẹ bớt phần nào sự đè nén bởi
bê-tông cốt thép, mong rằng quên được nỗi oan khiên của tình trường, dẫu gặp
phút giây hiển hiện cũng chỉ làm những việc hiền lành.
Mấy tuần hương thắp lên. Nhà sư quỳ dưới nắng
trưa giữa vôi gạch ngổn ngang. Tiếng chuông, tiếng mõ, giọng tụng kinh trầm
tĩnh, thanh thoát. Mọi người chung quanh cũng đều quỳ xuống chắp tay.
*
Chiến
tranh chấm dứt khi anh hai mươi tuổi. Không được tiếp tục ngồi nơi giảng đường
Đại học, anh gia nhập thanh niên xung phong, đi phá rừng, đào kênh, xây nhà. Xuất
sắc trong lao động, linh hoạt khi giao tiếp, anh được điều động về thành phố
làm việc văn phòng. Rồi ba lần theo gia đình vượt biên, ba lần ở tù, nhà cửa bị
tịch thu, cha mẹ về quê, anh sống trên đường phố với chiếc xe ba-gác, ban ngày
là phương tiện vận chuyển để kiếm sống, ban đêm đậu dưới tàn cây, che bạt, mắc
màn làm chỗ ngả lưng.
Bây
giờ bốn mươi tuổi, anh đã có được mấy năm thâm niên trong công việc bảo vệ công
viên. Một vòi nước bằng nhựa, dẫn đi chỗ này chỗ khác tưới cây. Một chiếc giỏ,
một cây đinh ba để nhặt rác. Mấy chiếc kéo lớn nhỏ để cắt cành tỉa lá. Suốt
ngày anh lẩn quất trong cây cỏ, trong những màu hoa rực rỡ. Có khi, vài con bướm
đậu bình yên trên mũ, trên vai khi anh đi lại làm việc.
Buổi
trưa, anh nằm trên băng đá, đặt tờ báo phủ mặt. Buổi tối, một be con rượu bọt,
anh ngồi với mỹ nhân ngư. Khi đã ngà ngà anh tựa vào thân tượng. Mơ hồ anh nghe
tiếng hát. Tiếng hát rõ dần. Nhân ngư đang ru anh bằng bài Nắng chiều. Đêm nào nhân ngư cũng hát một bài ấy và chỉ hát một lần.
Anh ngủ thiếp chập chờn trong tiếng hát, có ánh nắng trải vàng trên ruộng lúa
nương dâu và những màu mây xa lạ…
*
Khi
chị hai mươi tuổi, chiến tranh chấm dứt, mang theo cả cuộc tình của chị, cũng
là lẽ sống cả đời chị. Người yêu của chị tử trận trong ngày máu lửa cuối cùng.
Bất chấp nỗi sợ hãi của hai gia đình, mặc dù chưa một lần nghi lễ tối thiểu, chị
tình nguyện đến để tang với danh nghĩa vợ để tang chồng. Chị chỉ khóc một lần,
khóc thảm thiết, trồi lặng đi, lạnh lùng, thản nhiên. Vứt bỏ hết sách vở, xa
lìa hết bạn bè, hai năm tròn tuần nào chị cũng ra thăm mộ người yêu. Những năm
sau đó, ít nhất một tháng chị đến mộ thắp hương một lần, ngày kỵ, ngày tết đem
theo bó hoa tươi. Từ nghĩa trang băng qua một động cát đến cánh đồng. Sau khi
ngồi bên mộ chàng chị đến đó, tựa vào gốc cây bút cao hai tay kê sau gáy. Gió
trời vòng lại, hạ thấp, hát cho chị nghe bài hát thuở nào chị thường hát khi
chia tay chàng.
Xuân
sắc trôi nhanh theo ngày tháng. Năm ba mươi tuổi có người ngỏ lời cầu hôn. Chị
lặng lẽ lắc đầu.
Bây
giờ bốn mươi tuổi. Chị đã trải qua gần năm năm nấu bếp cho nhà hàng. Những thực
khách lúc phải đi ra phía sau, thỉnh thoảng thấy chị cười rạng rỡ, đôi má ấm hồng.
Nhưng chị chỉ cười với bếp lửa, rời khỏi nơi ấy nét mặt chị lạnh lùng xa vắng.
Hơn
mười một giờ đêm, nhà hàng đóng cửa. Chị chải lại mái tóc, buộc gọn, đi đầu trần
ra về. Chị ghé vào công viên. Tất cả vắng lặng. Chị ngồi xuống góc băng đá, hai
tay kê sau gáy, nhìn lên tán lá tối sẫm có điểm xuyết những chấm sáng nhỏ nhoi.
Chị đợi chuông đồng hồ nhà thờ lớn đổ mười hai tiếng.
*
Câu
chuyện về tiếng hát nhân ngư anh giữ riêng mình, không nói cho ai biết. Nhưng rồi
trong thành phố khá nhiều người biết. Những nhân viên trực đêm ở một cơ quan gần
đó quả quyết, mỗi đêm, liền sau khi đồng hồ nhà thờ lớn điểm mười hai tiếng,
nhân ngư cất tiếng hát, bài Nắng chiều.
Đêm nào cũng chỉ hát bài đó và hát một lần, giọng nghẹn ngào, thổn thức. Có người
còn nói, rõ ràng họ thấy, nhân ngư cúi đầu xuống để mái tóc đổ ra phía trước, rồi
ngước lên, hai tay vuốt ra sau. Hình như nhân ngư muốn bước đi, song nửa phần
thân cá không thể rời khỏi hồ nước. Một số nam nữ thanh niên tò mò, lúc đi chơi
khuya về qua công viên cũng xác nhận: Quả có một người đản ông nằm ngủ trên bệ
nhân ngư, và tiếng hát tan vào trong gió, cao vút, đứt quãng. Tất cả chỉ đứng
bên ngoài, từ xa nhìn vào, không ai muốn đến gần. Có người do tôn trọng mối u
tình nào đó của nhân ngư. Có người e ngại nhân ngư sẽ không hát nữa. Cũng có
người sợ, biết đâu hồi kinh cứu khổ của nhà sư chưa đủ cảm hóa linh hồn người
thiện nữ năm xưa, nay nhập vào nhân ngư, một sự hiểu lầm dễ gây việc chẳng
lành.
*
Đêm
ấy, anh không say mặc dù uống nhiều rượu, rượu nặng hơn mọi lần. Điều gì xui
anh thao thức? Rồi anh đi dạo trong công viên, thơ thẩn từ khóm hoa này đến
chòm cây nọ. Chợt tiếng chuông đồng hồ nhà thờ lớn ngân lên trong không gian
khuya khoắt nhẹ hẫng. Anh dừng chân, đếm theo. Khi làm âm vọng ngân nga của lần
thứ mười hai vừa dứt, anh liền nghe ở ngay gần kề: Qua bến nước xưa lá hoa về
chiều…Anh nhìn pho tượng nhân ngư. Tiếng hát không phải từ đó, mà phía sau
lưng. Nay em về qua sân nắng chạnh nhớ
câu thề tim tái tê… Anh quay lui mấy bước. Nơi góc băng trong cùng, dưới
tàn cây hơi tối, một người đàn bà hai tay kê sau gáy, ngực hơi ưỡn lên, đôi mắt
nhắm lại. Chị hát như nhập định. Nay em về
nương dâu úa giọng hát câu hò thôi hết đưa… Ban đầu anh hơi ngạc nhiên, rồi
định thần nhìn kỹ. Hình như là người nấu bếp ở nhà hàng Điện Ngọc, anh có biết
mặt…
Bài
hát chấm dứt. Chị mở mắt nhìn, thấy anh, thoáng hơi hoảng hốt. Anh đến trước mặt
chị, nói:
-Chị
đấy ư? Vậy mà cứ tưởng… Xin lỗi đã quấy rầy chị, nhưng thật tình tôi không hề
có chút ý nghĩ không hay về chị.
Chị
đứng dậy, cúi đầu cảm ơn, chào anh và vội vã như trốn chạy.
Đêm
sau, đêm sau nữa, nhiều đêm sau nữa, anh không dám uổng rượu, ngồi bên tượng
nhân ngư chờ đợi. Không hề có tiếng hát. Anh cũng không dám bước lại nơi băng
đá đêm nào chị đã ngồi. Anh sợ không gặp chị, lại sợ sẽ gặp chị trong tình huống
không vui.
Rồi
anh đến nhà hàng Điện Ngọc. Không thấy chị. Hỏi thăm cô phục vụ, anh được biết
chị đã xin nghỉ việc, bảo rằng trở về làng quê chăm sóc mẹ già.
*
Câu
chuyện tiếng hát nhân ngư cũng dễ dàng bị lãng quên trong thành phố nhỏ. Cho đến
một hôm, trong buổi liên hoan của công ty nọ, có ai đó nhắc lại. Ông trưởng ban
quản lý công viên cũng là khách được mời. Khi mọi người tranh nhau kể lại những
lời đồn đãi và đưa ra nhiều giả thuyết vì sao tiếng hát không còn, mỗi người một
cách ức đoán theo suy nghĩ riêng, ông chỉ ngồi hút thuốc, mỉm cười. Cuối cùng
ông nói một cách quả quyết và nhắc lại muốn tất cả tin chắc, bởi cảm thấy nhiều
người im lặng bày tỏ thái độ nghi ngờ:
-Thật
ra là do tôi. Tôi phải suy nghĩ nhiều lắm. Còn đó tiếng hát nhân ngư, thành phố
ta có một chút không khí Liêu Trai cũng hay. Nhưng không ai lường được, nếu có
điều gì khác hơn nữa xảy ra. Thôi thì đành vậy. May mắn gặp lại nhà sư già trên
núi Tà Lãnh xuống chợ khất thực, tôi đã nhờ ngài tụng một hồi kinh, cầu nguyện
cho linh hồn nhân ngư, chắc là do linh hồn người thiện nữ nằm dưới chân tượng
nhập vào, được siêu thăng. Quả là ứng nghiệm, nàng đã quên đi cái u uẩn cõi trần,
đêm đêm không còn cất lên nỗi sẫu khi một mình trở về chốn cũ trong ánh nắng chiều…
(1996)