Không
biết sao khi nghĩ về Má, thì hình ảnh người con gái có mái tóc “ bum bê”, khuôn
mặt thật sáng, trắng mịn, với đôi mắt long lanh, trong bộ đồng phục của cô học
sinh trường Tàu, lại hiện ra. Đó là tấm ảnh Má ngày xưa ở nhà ngoại mà tôi tình
cờ nhìn thấy, Má ngồi trên chiếc xe kéo, ngây thơ đến trường mỗi ngày. Nhà
Ngoại tôi nằm trên bến Lê Quang Liêm, Bình Tây, ngó xuống dòng kinh, nơi mà mỗi
ngày ghe tàu chở lúa gạo từ các tỉnh miền Tây đậu lại, và dĩ nhiên là Ngoại
buôn bán lúa gạo lúc bấy giờ, và đó cũng là định mệnh của Má sau này.
Má
tôi, người con gái lớn của Ngoại, đứa con gái mà Ông cưng nhất nhà, tuổi đời
chưa đến hai mươi đã bỏ cuộc vui để đi lấy chồng, sau câu quyết định của Ông.
Bà tôi phản đối, các cậu, dì và cả Má tôi ngẩn ngơ. Bởi người đàn ông đó chỉ là
một trong số những khách hàng rộn rịp tới lui ở dưới nhà, nơi mà Má và các dì không
được tới xem. Bởi người đàn ông đó, lớn hơn Má tôi đến mười một tuổi. Bởi người
đàn ông đó (quan trọng nhất mà Bà tôi phản đối) là người góa vợ và có tới bốn
người con nhỏ. Chắc hẳn Má tôi buồn lắm, vì làm con gái mới lớn, chưa kịp vui
với bạn bè, chưa kịp vẽ ra chân dung người tình trong mộng (?) Lại xinh tươi,
học giỏi…Ông Ngoại chỉ nói một câu khi đưa ra lệnh quyết định. Đó là người ông
đã chấm: Một người hiếu đễ với cha mẹ, uy tín trong thương trường, chân thành
với bạn, bao dung với người làm, là đủ làm rể quí của ông, ngoài ra không kể.
Vậy
là Má tôi chia tay với tất cả mình có: tuổi trẻ, mộng mơ và đàn em nhỏ… để về
làm vợ người ta ở tận một vùng xa xôi gần biên giới Campuchia. Không biết ngày
đám cưới Má có khóc không? Chắc phải có, những giọt nước mắt lo âu của người
con gái chưa biết gì về người chồng tương lai, giọt nước mắt sợ sệt, luyến tiếc
từ một nơi thành thị đủ đầy về nơi xa hun hút. Và Má có cười tươi không? Khi
thấy đoàn ghe kết hoa rước dâu thật tưng bừng. Lúc đến nhà, Má có sợ không? Khi
mọi người tìm tới để coi cô dâu Sài Gòn như thế nào. Cuối cùng là Má thế nào
nhỉ? Khi Má gặp Bà Nội và bốn người anh chị khác mẹ của con. Đúng, người cưới
Má là Ba của tôi.
Suốt
thời gian làm vợ, làm dâu, làm mẹ kế, chắc phải khó khăn và đau buồn lắm. Bởi
Ba là người lấy sự nghiệp làm đầu. Bởi Bà Nội rất yêu thương các cháu còn thơ
dại mà mất mẹ sớm. Bởi Anh Chị được cưng chiều hết mực. Chắc cũng có lúc Má lấy
nước mắt làm bạn qua đêm. Chắc cũng vì sợ Ngoại buồn nên đôi khi Má phải im
lặng. Con thật sự không hiểu được những nỗi niềm này. Bởi vì đến thời con, tuy
Ba còn chút “ phong kiến” nhưng Má thật sự dân chủ ở mọi phương diện. Con chỉ
thấy ở Má một sự hoàn chỉnh của người đàn bà Châu Á. Má lo cho chồng, cho con,
cả cháu và người xung quanh nữa. Mỗi lần hè, Má đều dẫn tụi con về Ngoại, và
mỗi khi Má có mặt là nhà Ngoại vui hẳn lên, các cậu, dì đều về nhà. Đủ cả trò
vui, đủ cả thức ăn uống, Má lo toan tất cả, không lời phàn nàn, con cháu đều bu
bên Má. Trên căn lầu nhìn xuống con kinh tàu hũ, dưới nhà không còn rộn rịp như
ngày xưa, nhưng bên trên chan chứa ân tình của cô tiểu thư ngày ấy.
Má
thường hay nói với con. Làm người phải có một nghề trong tay để không phụ thuộc
vào chồng, phải cố gắng học để đi làm việc, vợ chồng phải có ngày cuối tuần để
ở bên nhau, chứ bán buôn tiền thì có, nhưng đâu có thì giờ cho nhau, còn gì là
hạnh phúc nữa. Không ngờ những điều ấy con đều có và đã giúp con nhiều ở sau
này. Cám ơn Má của con. Má không học chữ Việt, chỉ nghe chúng con đọc bài thôi
, vậy mà Má đã đọc được báo, Má xem cả những chuyện kiếm hiệp của Kim Dung và
say mê theo dõi từng ngày, Má viết cả toa kê hàng cho Ba. Má của con thật thông
minh. Má cũng có nói, duyên ai nấy gặp, Má không ép, nhưng các con phải chịu
trách nhiệm ở sự lựa chọn của mình. Và Ba đã nhường Má trong các cuộc hôn nhân
của tụi con.
Khi
đứa thứ hai của con ra đời, Má bảo không thể chăm sóc cho cháu được (nhưng vẫn
giữ khi con nhờ) lúc đó con hơi buồn, bây giờ thì đã hiểu (sức người đã kém đi,
dù tuổi đời chưa bằng Má lúc đó) Con xin lỗi Má. Má đã lo cho gia đình con quá
nhiều. Từ việc thăm nuôi chồng con, cho đến việc mang cơm hay món ngon vào nhà
cho ba chồng con, khi con bận dạy ở xa. Cả việc chăm sóc con gái con. Nói sao
hết những gì Má đã làm…
Con
không biết ngày ấy giữa Ba Má có tình yêu hay không? Nhưng từ khi con biết đến
giờ thì Ba Má con rất là hạnh phúc. Ba không làm một điều gì để Má có thể trách
được, và ngược lại Má cũng rất lo cho Ba. Má Ba lúc nào cũng có nhau. Má còn
nhớ không ở ngày Ba mất, Ba đã nói gì với Má. Má kể con nghe là: Tao đã ngủ một
giấc, nghe ba mày nói là bà đừng buồn nha, tôi đã không cho bà được gì hết. Tao
tưởng ổng mớ nên bảo thôi ngủ đi ông, mai hãy nói, nào dè, ổng nói lần chót với
tao. Sáng dậy là ổng đã mất.
Sau
đó, Má cũng ít nói luôn. Má sống với câu nói cuối cùng của Ba thêm mười một năm
nữa. Ba Má cùng mất ở tuổi chín mươi. Ba Má đã gặp nhau ở một nơi nào đó, có
hoa thơm cỏ đẹp, có không khí trong lành, Ba trong bộ đồ lớn màu trắng, Má
trong chiếc áo đầm, tay trong tay như ngày đám cưới. Và Má nói với Ba rằng: Ông
yên tâm, ông đã cho tôi rất nhiều rồi, tôi rất vui vì đã làm vợ ông.
Phương Thảo Huyền
(Những Mẩu Vụn- Nối)