Không biết từ bao giờ tôi nhận ra tình
thương Ba dành cho tôi? Ở một lần về, sau mấy năm định cư xứ người, cái đêm hôm
tôi đang soạn đồ đạc cho chuyến trở về Mỹ, tôi nghe tiếng động dưới bếp,
nhìn lên đồng hồ đã thấy hai giờ sáng, ai làm gì vào giờ nầy? Tôi chạy xuống
lầu xem sao.Ba
đứng đó, bên cạnh bếp lò nghi ngút khói:
- Ba đang làm gì vậy?
-Ba nấu cháo cho con ăn, trước khi lên
xe đi Sài Gòn.
Nỗi nghẹn ngào dâng lên, nước mắt lưng
tròng, nói không ra tiếng. Ba tôi đó, người Ba mà Má tôi thường bảo là chỉ đứng
bên ngoài phòng sanh, hỏi trai hay gái, nếu trai thì bước vào, còn gái thì quay
về (ở mỗi bận Má đi sanh).
Nhưng hình như không phải lần đó. Mà là
ở buổi chia tay năm nào khi gia đình chúng tôi lên đường theo diện HO. Mấy lần
hai cháu năn nỉ ông bà ngoại đưa ra Sài Gòn để kéo dài thêm thời gian gần nhau,
nhưng Ba Má nhất định không, bảo là trong người không khoẻ, mẹ con tôi chỉ biết
rưng rưng. Hôm sau, khi sắp ra phi trường, thì Ba xuất hiện, Ba bảo: “ Thấy tụi
con bỏ quên mấy bức tranh, nên Ba bao xe đem lên cho”. Người cha già tám mươi
hai tuổi, lặn lội qua hai chiếc phà, vượt hai trăm bốn mươi lăm cây số đường
dài, chỉ để đưa con cháu mình mấy bức tranh!!! Ba ơi, con thật sự không hình
dung được Ba đã thương con đến thế, con muốn ôm Ba thật chặt, muốn
nói là con rất thương Ba, nhưng con bất động, con không dám, dù lòng con rất
muốn. Bởi vì trong con, Ba rất tôn quí, con vừa kính nể Ba, vừa thương yêu Ba.
Ba tôi. Người mà Má tôi hay kể cho chị
em tôi nghe và luôn bắt đầu là: Có ai mà mới mười mấy tuổi đầu đã được giao
chìa khóa cửa tiệm ? Thật đó, dù có hai người anh trai , nhưng khi Nội mất, Ba
tôi được giao tất cả sản nghiệp, luôn cả việc chăm sóc Bà Nội, cùng người cô
bệnh hoạn của tôi. Việc hiếu đễ với Bà, tôi chỉ nghe nói ( bởi Bà mất khi tôi
còn quá nhỏ), nhưng với người em gái bệnh hoạn, Ba đã không phụ lòng kỳ vọng
của Nội, chính tôi đã chứng kiến cảnh Ba Má lo lắng cho cô như thế nào. Vào
những năm bảy mươi mấy, khi bọn Khờ Me Đỏ rót xuống hàng loạt pháo vào Châu
Đốc, mọi người đều di tản về Long Xuyên, tôi từ Tân Châu xin phép về thăm gia
đình. Không một chiếc xe lôi nào dám chạy lên chợ ïcả (lúc đó phà Châu Giang
cập bến dưới hảng nước mắm) Tôi phải năn nỉ và trả tiền thật cao, mới có một em
trai chịu chở, trên đường chỉ có một chiếc xe tôi, thỉnh thoảng nghe tiếng rít
của pháo ( kinh nghiệm cho biết nghe tiếng rít là đã qua) hai chị em quá sợ,
may mà không có gì để tôi phải ân hận. Cuối cùng lên đến Chợ Cá, cậu nhỏ bảo
thôi không chở nữa, chị cũng nên quay lại đi, không còn ai đâu, và vòng đầu xe
lại, tôi chỉ kịp nhét tiền vào túi áo em, rồi chạy vào hiên phố cạnh Chùa Ông.
Từng bước chậm chạp tôi theo chiều dài con phố mà về nhà, bởi tôi linh cảm có
người đang chờ tôi, con đường ngày nào ngắn và đông vui, bây giờ chỉ có mình
tôi và dài kinh khiếp…Tôi gõ cửa, nhìn Ba.
-Sao con về đây?
-Sao cả nhà không đi vậy Ba?
-Má con và bé Thanh đang đợi con ở LX,
con mau đi, ở đây nguy hiểm lắm.
-Con muốn Ba và cô cùng đi, nếu không
con cũng không đi.
Ba quay mặt đi và nói: “ Ba già rồi, vả
lại…” Tôi biết vì cô tôi nên Ba không muốn đi đâu cả, sợ làm phiền người khác,
dù sinh mạng mình đang bị đe dọa. Tôi không muốn Ba thấy nước mắt tôi rơi, nên
chạy nhanh lên lầu. Từng mảng ánh sáng phát ra từ lỗ những viên ngói bị pháo,
tạo những hình thù kỳ dị trên sàn nhà, chiếc tủ áo dài bị ran mặt kính dầy năm
ly, gach ngói chưa kịp quét dọn , tạo nét thê lương trước cái nhìn buồn tủi của
tôi. Tôi trở xuống lầu, đến bên cạnh cô mình đang ngủ, cô nắm tay tôi, không
líu lo như ngày nào, ánh mắt cô đầy vẻ sợ sệt, tôi không dám nhìn cô, vội đưa
cô ổ bánh mì thịt, cô vui mừng và quên đi tất cả. Và Ba đã ở bên cô, nuôi cô
cho đến ngày cô tôi mất (1982).
Trước mắt Má, Ba là người rất có uy tín
trong thương trường. Lúc còn mua bán lúa gạo, dù tình thế ra sao, khi đã thoả
thuận giá xong là Ba không thay đổi. Lúc đổi sang bán rượu, nước ngọt, Ba không
cho người làm chọn riêng những chai la ve trái khóm để làm giá, hay lên giá
hàng khi vào dịp Tết. Vì vậy mọi việc làm ăn đều tốt, mọi người đều hảo cảm với
Ba. Và nước suối Vĩnh Hảo đã chọn Ba làm đại lý cho họ. Tôi còn nhớ những ngọn
đèn xanh đỏ quảng cáo chớp tắt liên hồi, gắn bên hông nhà. Ba là niềm hãnh diện
của chúng tôi.
Khi rời quê lên tỉnh để lập nghiệp.
Người bạn cũng là người bà con xa rủ Ba hùn hạp, sau đó tìm cách qua mặt Ba. Ba
biết nhưng không nói gì, đến khi chia lời, Ba đã đưa thêm phần tiền để ông nuôi
con, ông ấy chắc hối hận nên xin rút lui. Ba sử việc thật tế nhị. Những điều Má
nói, cùng những việc Ba làm, lúc nào cũng muốn viên tròn cho người ta. Ngày Má
về làm vợ Ba, Ngoại có gởi theo một cô gái nhỏ để giúp việc nhà, sau đó lớn
lên, Ba Má đem gả cho người làm trong nhà, cả gia đình họ đều ở với chúng tôi
đến ngày anh ấy mất (1974). Một anh người làm khác, rất được Ba Má và chúng tôi
thương mến, cũng chính tay Ba Má đứng ra cưới vợ cho anh và giúp anh ra làm ăn
( những ngày cuối đời của Ba Má, đều có anh hiện diện, và bây giờ mỗi lần tôi
về, anh đều đến thăm) Tôi đã đổ rất nhiều nước mắt cho những chân tình trên và
mong mọi sự an lành đến với anh.
Ba tôi,với dáng người cao to, gương mặt
nghiêm nghị, ít nói đùa, khiến người đối diện e dè. Ngày còn bé tôi không dám
lại gần Ba, chỉ quanh quẩn bên Má hay chị vú. Mỗi lần nghe tiếng tằng hắng của
Ba từ xa, là tôi nín lặng, tay chân dư thừa. Tôi nghĩ Ba không thích con gái
thì làm gì thương được tôi. Và tình thương tôi dành cho Ba, mãi đến một đêm (có
lẽ năm lớp Nhất) tôi đói bụng, xuống bếp định tìm gì để ăn, chợt thấy đèn trước
nhà còn sáng, lần theo đó, tôi thấy tấm lưng Ba trong chiếc áo thun trắng đang
cặm cụi ghi chép, thỉnh thoảng giơ tay đập muỗi. Tự dưng, nước mắt tôi rơi, tôi
thấy thương Ba vô cùng, tôi tự hứa với mình sau nầy lớn lên tôi sẽ cố gắng làm
ra thật nhiều tiền để Ba không còn cực nữa. Và cũng từ đó tôi thấy mình hơi gần
với Ba.
Thanh Thanh, đứa con gái bé bỏng, mới
mười tháng tuổi đã xa cha. Bé là cầu nối, là điểm phát hiện bóng mát đời tôi.
Má nói hoài: “Tao chưa thấy ba mầy lo cho đứa con nào như đứa cháu nầy”. Bé
được Ba cho ngủ chung, Ba thay tả cho bé, Ba dỗ bé ngủ, Ba cười tươi khi nghe
bé nói chuyện ngô nghê. Ba cho tiền để mẹ con tôi đi thăm nuôi cha nó và ân cần
han hỏi đủ điều. Ba làm tôi muốn khóc. Ba đâu khô khan như tôi tưởng. Ba thương
mẹ con tôi lắm mà!
Lần về thăm nhà trước khi Ba mất, tôi
đớn đau khi nhìn thấy Ba chỉ còn là bộ xương khô, thịt da của Ba ngày xưa đâu
cả, ở tuổi 90, tay chân Ba đã cứng,không đi đứng được, trong đôi mắt Ba có nước
mắt long lanh (lần đầu tiên tôi thấy Ba rơi lệ) nhưng sao tôi không biết lau
nước mắt và ôm chầm lấy Ba, mà chỉ lẳng lặng ngồi bên bóp đôi chân Ba và không
nói được gì. Để rồi từ đó tôi không còn trông thấy Ba nữa.
Nếu có ai hỏi. Tôi thương ai nhất trên
cõi đời nầy. Tôi sẽ bảo là Ba Má, đáp không cần suy nghĩ, không cần hậu quả.
Bởi vì ai cũng có thể làm mình đau lòng, nhưng Ba Má mình thì chỉ biết cho ra
và ủ ấm những đứa con yêu. Làm tất cả những gì họ có thể làm.
Nếu tình Mẹ bao la như những dòng nước
biển, trôi đi khắp mọi nơi. Thì công Cha như ngọn núi cao vời vợi, nhìn thấy
ngoài tầm tay với, ngỡ rất xa, nhưng thật gần, thật thắm thiết.
Phương Thảo Huyền
(Những Mẩu Vụn- Nối)