1
Mỗi mùa xuân sắp về, trong cái
nắng tàn đông hanh hao đến ứa nước mắt, con người thường hay có những ước mơ
đẹp về tương lai.
Mơ mộng là phù phiếm, có đó mất đó.
Còn tệ hơn một làn khói thấy. Nhưng mơ mộng cũng là phúc trời cho. Là thần khí,
duyên cơ nơi mỗi con người. Có khi sướng rơn người vì mơ ra cái chưa hề tới,
không/khó thể xảy ra trong đời thực.
Trong khó khăn của ngày ngày, chỗ hiểm
nghèo định mệnh, người ta hay mơ thoát. Một nơi, mặt đất luôn rung rinh, bởi
động đất bão tố, sóng thần lở núi; hoặc bầu sinh linh xã hội mịt mù những tối
tăm, vắng nụ cười; lúc con người bị tẩy xóa phần nào những riêng tư trước đám
đông thường hằng - đã bao phận người đêm đêm luôn giật mình, nỗi hoang mang là
rõ thật - ấy là lúc không phải tuyệt cùng thất vọng, nghĩ về cái chết, mà là
lúc rất giàu giấc mơ.
Những triệu con người luôn mơ/ước/mộng
về một mùa xuân đúng là Xuân sẽ tới. Bao thân phận nhỏ nhoi sẽ thoát khỏi âm u
xanh xao, những bế tắt lưu niên đã trở nên ám ảnh siêu hình.
Hồn linh một nắm cỏ bồng, xao xác
trong gió nắng, trong âm vang của đêm ngày là mông lung gãy đổ. Mơ thoát? Là
một cách từ biệt cái tình trạng bao la xám màu của suy đồi, lạc nẻo.
Có những miền đất mà mỗi con người
phải bằng lòng sống qua ngày trong thân phận “Cũng đành.” Nên, ngó biển xanh để
tìm một lối ra. Ngó lên trời cao nghĩ lung mình đang ngồi trên chuyến bay hạnh
phúc. Như Tản Đà rỗng túi xưa kia, đứng chỗ sân ga nhìn con tàu chuyển bánh, mơ
tưởng rằng mình đang ngồi trong chuyến tàu ấy, bon bon chạy về nơi xanh thoáng
chân trời. Chao ôi, bao mơ ước nơi mỗi con người đã từ lâu hiền lành, bừng cháy
bất ngờ, rồi, đã thu nhỏ lại, cằn cỗi. Như giọt máu sót. Khô đen trên cái xác
dĩ vãng. Như bầy ong bị tàn phá tổ, hàng hàng xác đen cháy cánh, nằm bò rải
rác, rỉ rả chờ cái chết.
Rất nhiều mơ/thoát, nhưng ít ai dám mơ
tưởng một sớm mai bỗng dưng một đôi cánh mọc ra từ hai bờ vai. Để chính mình
bay đi. Đi đâu cũng được, miễn đạt đỉnh ước mơ. Đến đâu cũng được, miễn là miền
hạnh phúc. Hãy cứ Mơ Thoát/ Bay Đi.
**
Cô Mơ Bay, cô ấy sắp bay.
Bằng đôi tay làm cánh.
Mơ Bay có sở năng chịu đựng sự đơn
độc, từ khước những giao tiếp. Ngồi quán cà phê một mình. Từ lâu không hề dự một lễ tiệc, dù đó là đám
giỗ ông nội, đám tang của bà dì. Nhưng sau đó cô thường ngồi một mình trên những
ngôi mộ thân yêu này, với nỗi nhớ. Ngày Tết nhứt cô không ở nhà cùng cha mẹ đón
Xuân. Sẽ thoát đi, thoát ra, biến vào một đâu đó, đến một đâu đó, cao nguyên
chẳng hạn, bờ biển chẳng hạn.
Cô ít khi sử dụng cái gì có máy nổ. Từ
nhà đi bộ ra phố thị, ung dung bên cái bị rết đan bằng thổ cẩm; chạng vạng tối
Mơ Bay về nhà thường không bật đèn, cô ngồi trong bóng mờ một mình; lúc này cô
bảo: “Nghe không gian rộng thêm ra, những u uẩn có dịp hòa tan trong mơ hồ.”
Không phải Mơ Bay xa lánh mọi người
trong cõi ta bà này vì cô xấu xí, tàn tật. Chẳng méo mồm thâm môi lé mắt đi cà
thọt. Chẳng phải mập thùng phuy, chẳng khô đét kiểu gái chậm chồng. Mơ Bay rất
đẹp, học giỏi, trưởng thành trong một gia đình nền nếp, giàu gia hạnh.
Mơ Bay còn trẻ. Mộng ước của cô lớn
lao, ngoài giới hạn. Thông thường, những ý tưởng lớn lao của tuổi trẻ luôn lồng
trong đó cái hoang mơ, hư tưởng.
Cô
hiểu rằng, với đôi tay có ngày cô sẽ bay như chim. Hoặc mái tóc cô, sẽ là đôi
cánh. Tư tưởng sẽ biến cô nhẹ tênh. Ý chí là nhiên liệu.
Mơ Bay sẽ bay ngọt ngào. “Anh ạ, vì em có một đôi cánh vô hình. Siêu nhiên là lực đẩy em lên
cao.”
**
Mơ Bay giải thích nguồn gốc loài người
một cách hài hước, đầy chất u-mặc. Nhất định rằng loài người không là hậu duệ
của tinh tinh, khỉ, vượn. Muôn triệu năm trước loài người chính là loài chim.
Vì ham rong chơi trên mặt đất, ham
suối trong, rừng xanh và thích tắm biển nên chim sa đà vào kiếp đi bộ. Đôi chân
chim dần dà bự ra như chân người, và đôi cánh teo lại thành đôi tay. Cô mơ một
Cuộc-Bay,
chính là phục hồi một kiếp chim.
Mơ Bay chìa bàn tay ra, bảo rằng mười
ngón tay thon dài, chìa hỉa kia của cô, chính là những sợi cánh của lông chim
biến thể theo quy luật thích ứng.
**
Có thể cô Mơ Bay điên. Nhưng điên thì
đã sao. Bấy nay điên cả trái đất. Điên từ ngón tay bóp cò tới đường đi điên của
hòn bom trái đạn. Núi rừng điên, suối nguồn điên, thì đã sao. Điên thập loại
chúng sinh. Nghệ sĩ hà, cũng điên lung. Trong mênh mông một cõi người sống đó,
thở đó; sớm tối đi về cánh cửa mở khép, chẳng ai hiểu/thấy thiên đàng ra sao. Chỉ
lúc ngoẻo củ tỏi trong hòm gỗ, ta mới nghe loang thoáng bên ngoài, chỗ nhang
khói lời cầu chúc “Được đến thiên đàng” của bọn người thương tiếc.
Người ta đã có thể đưa Mơ Bay vào nhà
thương điên, như xưa kia Mai-a đã từng vào. Có những nhà thương điên dành cho
những con người cực tài năng, tuyệt minh mẫn.
Có những cánh cửa sắt thay vì nhốt
những con vật, lại mở toang ra nhốt con người.
II
Mơ Bay, một ngày, nhất định hiện thực
hóa giấc mơ của mình.
Cô ngồi trong quán nước, sông trôi
ngoài kia, bên kia bờ xa hãy còn hàng cây xanh, những mái nhà lấp lánh nắng.
Những ghe đò, thuyền máy từ nhánh sông này ra cửa biển bồng bềnh vì cơn gió lớn
lúc thủy triều đang lên.
Có một con nước lên trong hồn Mơ Bay.
Có một dòng thác trắng cô thấy khi
nhìn dòng người bâng khuâng trên con đường cuối năm, tàn mùa.
Giọng nói cô ấm áp. Đôi mắt cô biết
cười. Nhưng màu tóc đen u ẩn của cô chừng như lạnh lạnh. Trong tôi, cô như lưu
tồn cơn ma đêm của hư hoang. Sao hôm nay Mơ Bay có cái cách của một bà Bóng. Sẽ
tan hồn trong tiếng nhạc cà giựt một khí hậu nhang khói, chỗ lên đồng. Khí hậu
của giao hợp âm dương. Nửa khơi dục của thân hình nữ uốn éo, chìa mông lắc
ngực, một nửa kia âm u thần bí từ ngôn ngữ kinh tụng.
Thủy triều lên, một Bà Bóng trong tôi.
Mơ Bay nói. Mơ Bay tâm sự. Tiếng cô
nói hình như không đi từ miệng cô tới lỗ tai người nghe trước mặt. Nó lang
thang, vòng vo. Như ai nói ở xa kia trong trà trộn đủ thứ tạp âm đời, quanh
đây.
Tâm sự của cô, như âm vang đi tới từ
cái ghế đá, hốc cây, từ viên gạch lót đường. Như đất đai đau, đành cất tiếng.
Đôi mắt Mơ Bay là khá hoang mị. Chừng như cả tinh lực kia đang chìm trong cái ý
tưởng rất hư hoang mà cô diễn bày:
“ Em
là thiên thần sờ nắm được giấc mơ. Phải dựng mộng dậy. Gắn xương cốt cho mộng.
Mỗi cơn mộng phải là một Có Thực. Như
cây trên đồi. Như vật thể hiện ra quanh đây. Mộng phải thấm được nước. Bốc cháy
khi gặp lửa. Ta nói thì mộng phải biết nghe. Ta thổ lộ niềm mong ước, mộng phải
OK. Anh ạ, ‘Nó,’ cái vô hình hiện ra đó. Giấc mơ, ‘Nó’ đang bước tới. ‘Nó’ chào
và bắt tay em.”
Tôi nói:
“Bắt tay được với một Cái-Trống-Rỗng,
thì phải đáng rùng mình.”
Mơ cười:
“ Chính
giấc mơ nó sử dụng em. Cũng như anh, anh nhà văn ạ, anh bị huyền hư sử dụng.
Rồi anh sẽ vẽ lại giấc mơ của em qua những giọt màu có thật.”
Một ngày cận Tết, những mầm hoa đang ủ
hương trong búp. Chờ vỡ òa trong nắng đầu xuân. Mơ Bay nói: “Khi những nụ mai
tàn, em bay.”
Sao là tàn một mùa nở rộ, em mới bay?
**
Có một người đàn ông bước chậm rãi lên
thang lầu. Bước vào phòng ngủ. Đã quen cái cách của Mơ Bay, ông không bật đèn.
Qua ánh sáng đèn đường rọi vào ông thấy một sự bày biện khá lạ lùng. Mền gối
chăn mùng giày dép, áo quần đồ trang điểm của Mơ Bay được thu gom vào cái bao
tải bự. Ngoài, có hàng chữ: “Đồ ve chai.”
Có một là thư dằn trên mặt bàn:
“Anh
ạ, em Ra-Khỏi rồi. Hồn ra khỏi. Xác em là ve chai trong bao tải.
“
Hồi đầu em trèo lên ngọn cây sọ khỉ, nhưng cành lá nhiều quá không cất cánh
được. Em lên nóc một cao ốc, nhìn thành phố bên dưới như một bãi tha ma trắng,
những nhà cao tầng là những ngôi mộ lớn, em lại thôi, cất cách nơi này chẳng
thơ mộng chút nào.
“Em
lên cao nguyên. Bên vực thẳm giữa hai hẻm núi, em bay. Anh yên chí, em không hề
rơi xuống vực sâu. Chính đôi mắt ta nhìn hẻm núi thăm thẳm bên dưới. Sợ hãi
kia, thay vì đầu hàng rơi xuống, sẽ giúp em mạnh mẽ bay lên cao.
“Anh
sẽ thấy trong trời mùa Xuân này một con chim lạ. Em đấy. Khi một con chim biến
ra một con người là số phận không may. Con người biến được thành con chim mới
là hạnh phúc, là ân sủng của Tự do.
Hôn
anh.
Em
của anh
Mơ
Bay”
III
Giấc mơ bị bể sọ não.
Một cái vô hình bị thương tích.
Một cái vô hình đang được chỉnh sửa.
Rất mong manh hồi sinh.
Có tiếng máy lạnh ro ro chỗ phòng hậu
phẫu. Toàn thân Mơ phủ chăn trắng. Một cái đầu, qua hai vai, được băng bó kỹ
lưỡng, chừa ra hai con mắt nhắm. Hai lỗ mũi được chụp một cái gì đấy gọi là cho
thở ô-xy. Vùng miệng được chặn một cái gì đấy gọi là để thương-tật-nhân khi
động kinh không tự cắn đứt lưỡi. Một cái bình nước gì trong vắt treo tòn teng
gọi rằng truyền nước biển.
Hình như có gãy cần cổ.
Bà mẹ ngồi cạnh giường. Buồn bã than
thở khi có một người, mà bà biết có liên hệ tới những điều không tưởng của con
gái mình, tới thăm. Bà nói:
“Nhà văn ơi, mong ông tha cho con nhỏ
nhà tôi. Nó mơ hoang, mà gặp ông, nhà sáng tác, thì gia đình này rặt màu bị
gậy. Hãy cho chúng tôi xa cách với văn chương. Hãy trả Mơ Bay về với cái thực
tế dù thô bạo, đắng cay và buồn phiền này.”
Nhà văn ngồi im lặng. Ông bâng khuâng
nhìn vào cái có tứ chi màu trắng, tuồng như là cái thi hài.
Thi
hài miệng ngậm một cơn mơ không thành.
Một
cơn Mơ trắng.
Trong khí hậu ông đang ngồi hít thở đủ
kiểu cho bớt ngột ngạt, trong xã hội nhạt màu ông đang sống, mới hôm qua, cái
thi hài trắng này tràn đầy hy vọng thoát ly. Mơ rằng được cất tiếng hát nơi xa
kia, được viễn mộng bắt tay, OK ôm vào lòng. Mơ kia, là hiện thân của thiên
thần, là cô đọng của khí thiêng, giờ đây đang hấp hối.
Hồn Mơ hòa trong hơi ê-te. Xác Mơ dưới
lưỡi dao mổ phạch cái não cái tủy để soi ngắm dưới ánh đèn cấp cứu.
“Anh
có thấy đường bay của con hạc vàng kia không? Anh ạ, em sẽ bay thanh thoát. Em
nhẹ lướt như mây. Em sẽ tường thuật anh hay khi em nhìn về trái đất dưới kia
nhỏ nhoi như một hòn bi xanh [xao]. Khi anh không còn bắt được đường truyền tín
hiệu của em thì anh nên mừng là em đã thoát ra được ngoài vùng ‘phủ sóng’ của
cái xã-hội-mang-nhãn-hiệu-người.”
**
Cha cô Mơ ngồi xa hơn. Mái đầu bạc.
Đôi mắt sâu, u uẩn. Có thể cô Mơ là cái thừa kế của một cuộc đời ẩn mật này.
Người cha nhìn nhà văn. Nhìn con người
đang trôi hoang giữa hai bờ, bên này Mơ, bên kia là Mơ Bay, người cha nói:
“ Anh là nhà văn. Anh có thể vẽ ra
thần linh, điều động ma quỷ. Một tay viết tài tình, đa mộng tưởng của anh, như
anh, mà ra. Lần này, mong anh chỉnh lại nhân vật của anh đi, trong đó có con
gái tôi. Anh có thể dùng những giọt mực huyền ảo, vẽ lại được những giấc mơ của
mình một cách khác kia mà. Đâu cần có Mơ Bay nhà chúng tôi anh mới thực hiện
được cuộc đào thoát của anh ra khỏi cái vực thẳm siêu hình này. Tôi không phê
phán rằng anh đúng sai, tốt xấu, chỉ mong cái phúc huệ của nhà tôi.”
Nhà văn từ tốn:
“Đa tạ. Tôi sẽ sửa lại bản thảo. Nhưng nhặt Mơ ra khỏi trang chữ thì tôi còn
gì để viết. Bóng tối chính là nền. Âm bản là phản chiếu kỳ ẩn. Đôi khi
mồ-hôi-nước-mắt-luống-cày-tiếng-chim-núi-non-suối-nguồn, chúng từ trang viết
biến ảo đi ra. Cõi đời, cuộc sống có thật đã biến hình thay dạng qua ngọn bút. Tôi chỉ là phần hồn của Mơ. Đúng ra Mơ là
ngọn đèn, tôi ánh sáng. Đèn tắt, chẳng còn tôi.”
Cha cô Mơ tâm sự:
“Nhà văn có thể nhặt ánh sáng từ vô
cùng chỗ tối tăm kia mà. Văn chương nghệ thuật hóa biến thực hư cả rồi. Con gái tôi bây giờ không là con của chúng
tôi nữa. Anh ạ, nó là nhân vật của anh. Nó là ảo khi chúng tôi đã từng nuôi nó
bằng sữa tươi, tình thương và hy vọng.
“Xưa kia, trước khi Mơ ra đời, tôi
trói thân trong thân phận một người tù trong sâu núi rừng. Ngày trở về, cũng như anh, thay vì ra đi, chúng ta một lòng ở lại xứ sở
này. Chúng ta hiểu ra thử thách, yêu quê hương nên không đi tìm Thiên Đường bất cứ nơi đâu.
“Chúng
ta chấp nhận một cuộc sống trong thân phận đã định, vì yêu cánh đồng, mái
tranh, nội cỏ này. Yêu cả cái linh hồn đã không bỏ ta đi, chúng
hãy còn sớm tối trong nhau.
“Vợ tôi mang thai Mơ trong những ngày hoang mang. Mơ ra đời, được
ông bà ngoại nuôi dưỡng. Một đứa trẻ ngày ngày chạm mặt với những Nỗi-Già, tóc
trắng của ngoại. Ngày ngày, với Mơ, xã hội càng lạ lẫm. Cái bất hạnh của Mơ Bay là quá thông minh, giàu mộng tưởng, rất dị ứng với sự trì độn của xã hội vây quanh, và cả chính
mình. Sự đáng kính của tuổi trẻ hôm nay là chống lại sự đồng lõa, đồng hóa”
**
Bà mẹ khui một chai nước suối đặt
trước mặt nhà văn. Ông ta đã từng bao phen chết hụt vì những tai nạn đỏ màu.
Như con mèo bị tưới nước sôi, sợ cả nước lạnh. Bây giờ ông ớn cả màu trắng,
ngay cả màu nước suối.
Màu
trắng là nơi chứa chấp, ẩn mình của vạn màu sắc. Là nơi để sắc màu trá hình.
Cũng là nơi chốn lưu đày, để sắc màu tự hủy.
Nhà văn tự nhủ.
“Giả dụ dùng một phương tiện chiết lọc
tốc độ ánh sáng để chúng, những sắc màu ẩn mình trong màu trắng trở về sơ
nguyên, thì giấc Mơ trắng của Mơ Bay sẽ là màu gì? Mơ Bay không thể trả lời.
Nhưng thể thái ấy chắc sẽ hiện ra bảy màu cầu vồng.
“Trong
những chiều mưa xưa, nắng quái đã lọc màn mưa, hóa ra cái mống cầu vồng nơi
chân trời. Thưở nhỏ, tôi hay chạy về phía ấy, phía cái hào quang sắc màu trong
màn mưa thưa. Thấy bảy sắc cầu vồng rất gần, thật gần, mà chạy mãi chẳng bao
giờ bắt gặp. Càng chạy tìm, cái mống, nhịp cầu huyền ảo kia càng lùi xa mãi...
“Đó
chính là cái khoảng cách cố định để ánh sáng đủ thời-không lọc màu đưa vào đôi
mắt của chúng ta, khi chúng ta không đủ thần thông thu ngắn khoảng cách để bắt
được cầu vồng. Với lịch sử, đó cũng là cái khoảng cách mang tính hố thẳm để
xương máu người biết rõ sự thử thách, sự tồn vong. Trong cái khoảng cách định
mệnh đó bao nhiêu đứa trẻ trốn tìm, bao nhiêu tuổi trẻ hóa thân.”
**
Nhà văn ngồi hơi cúi xuống. Ông hiểu
đôi chân mình đang trên mặt đất. Nhưng não thùy đã lìa xa cái nơi cần cắm rễ
sinh tồn.
Người cha nhìn Mơ, cái
chừng-như-một-thi-hài-trắng, nói với nhà văn:
“ Mộng
tưởng của nhà văn đó. Bây giờ nó là cái hiện thực thương tích kia. Nghệ thuật
vẽ ra những định mệnh, tạo ra bao ước vọng. Nhưng nghệ thuật cũng đánh lừa
chúng ta.
“ Giờ
đây tôi đã rất phân vân. Chúng tôi nên
thương Mơ xương thịt gia đình tôi,
hay nên yêu cô Mơ sáng tạo của nhà văn, một cô Mơ đẹp hơn cả những giấc mộng
bình thường. Chúng tôi tự hỏi,
rằng nên yêu quý Mơ tầm thường trong đời thực, hay nên trân
trọng cô Mơ Bay giàu lý tưởng, yêu tự
do, muốn ra khỏi Cõi tầm thường, như Mơ trong những trang viết của anh.”
Nhà văn nói:
“ Thưa
ông, là mong manh bọt nước cả.”
Người cha thân mật hơn:
“ Nhưng không có cái bao la sóng vỗ
trong tâm linh anh làm sao có chút bọt bèo này. Nhà văn ạ, anh đã rất tài tình.
Nhưng trong tài tình nó có cái hững hờ, cái ác.”
**
Có mây mù giăng ngoài xa khung cửa
kính bệnh viện. Người cha lại hỏi:
“ Anh
viết văn bằng gì?”
Nhà văn cẩn trọng và trầm tĩnh. Vì câu
hỏi, trong suy nghĩ của nhà văn, nó không gợi ra hình tượng của viết và mực,
của máy đánh chữ, hay cái laptop. Không
phải là viết, mà là tra vấn cái Viết Văn. Không là cái phương tiện hành động mà
truy tìm cái uyên nguyên, cái ngẫu nhĩ tương phùng giữa Mộng và Thực. Nghĩ
vậy, nên câu trả lời của ông sẽ có khi treo móc vào khoảng trống. Nhà văn nói:
“ Bằng
thế giới ảo.”
Người cha lại hỏi nhà văn:
“ Vậy
hôm nay là ngày mồng tám Tết, có bọn trẻ nhỏ áo mới đùa vui, có cơn mưa Xuân đổ
ở xa xa kia ngoài khung cửa kia, có là ảo?”
Nhà văn có vẻ sầu mộng trả lời:
“ Do
nơi mỗi tâm thức. Con người ngoài nhục nhãn hãy còn tâm nhãn, tuệ nhãn. Có thể
đó là cái có thực trong một Mặt Đất luôn Mùa Đông. Mặt Đất ấy không muốn chuyển
mình.”
Người cha cười nhẹ, giọng ấm áp:
“ Chúng
tôi là những con người tầm thường giữa tục lụy, có một lằn mức nhất định khó
thể vượt qua. Đó là độ hiểu biết, khó thẩm
thấu tâm hồn cao vượt của những nghệ sĩ. Nhưng
nhà văn ạ, băng bó, cứu chữa xong, tôi sẽ mang Mơ của tôi về bằng một chuyến xe
có thật. Mơ
có thể bay bằng Đôi Cánh Ảo của nhà văn, nhưng Mơ sẽ trở về trong sự âu yếm chúng tôi bằng một đôi chân có
thật.”
Nhà văn buồn bã đứng dậy đi về phía
khung cửa kính soi nắng. Quả là có thật xa kia một cơn mưa bụi giữa lòng mùa
Xuân.
Ông nhắm mắt và thấy Mơ Bay đang bay
lơ lửng trong không. Trời vừa nắng vừa mưa trong mưa bụi. Mây liêu trai, và gió
cỏ lau. Nàng bay, thơ mộng lãng đãng như giấc mơ nghệ thuật trong thế giới
Chagall. Mái tóc nàng tung về sau như một làn khói đẩy nàng lên cao. Tự dưng
ông cảm thấy một nỗi nhớ mơ hồ. Một đám khói của tâm linh nhắc nhở.
“Anh
ạ, em có một đôi cánh vô hình, một lực siêu nhiên sẽ đưa em Ra Ngoài...” Ông hiểu: “Mơ của tôi vẫn còn Bay.”
Đồng Ông Cộ - 2009