Thursday, July 14, 2022

2522. YSRAEL Truyện ngắn của nhà văn đảo Dominica JUNOT DIAZ - NGU YÊN dịch và giới thiệu.

Nhà văn Junot Diaz (1968-...)

Junot Diaz (12, 31, 1968 -  ) Nhà văn người đảo Dominica, di trú tại Mỹ. Giáo sư dạy sáng tác ở massachusetts Institude of technology (MIT) và chủ biên tập văn chương cho Boston Review. Thành viên cố vấn cho Freedom University.

Tâm điểm tác phẩm của Diaz là kinh nghiệm về di dân, nhất là cuộc di dân của dòng Latino.

Sinh quán tại Santo, Dominican Republic. Cùng với gia đình, di dân qua tiểu bang New Jersey khi lên sáu tuổi.  Tốt nghiệp cử nhân Nghệ thuật ở đại học Rutgers. Tốt nghiệp MFA ở đại học Cornell. năm 1995, ấn hành tác phẩm đầu tay Drown, tuyển tập truyện ngắn.

Nhận giải Pulitzer năm 2008 cho tiểu thuyết The Brief Wondrous Life of Oscar Wao. Nhận giải MacArthur Felloship năm 2012. 

Những giải khác như:

2002: PEN/Malamud Award

2007: Salon Book Award

2007: National Book Critics Circle Award

2007: Center for Fiction First Novel Prize

2007: Los Angeles Times Book Prize (Fiction) finalist

2008: Fellow of the American Academy Rome Prize

2008: Dayton Literary Peace Prize

2008: Anisfield-Wolf Book Award

2009 International Dublin Literary Award shortlist

2011: The Nicolas Guillen Philosophical Literature Prize, Caribbean Philosophical Association

2012: National Book Award, finalist

2012: Publishers Weekly Best Books

2012: Kansas City Star Top 100 Books

2012: New York Times 100 Notable Books

2012: Goodreads Choice Awards

2012: Story Prize, finalist

2013: Sunday Times EFG Private Bank Short Story Award,

2013: Frank O'Connor International Short Story Award longlist

2013: Andrew Carnegie Medal for Excellence in Fiction finalist

2013: Honorary Doctorate (Doctor of Letters), Brown University

2013: Norman Mailer Prize

2017: Inducted into the American Academy of Arts and Letters

 


YSRAEL


(Ghi: Tác giả giữ nguyên văn một số chữ theo ngôn ngữ địa phương. Dịch sang tiếng Việt với ý nghĩa tiếp cận sự tương đương.)


1.

Chúng tôi trên đường đi đến colmado (thương xá) để làm vài việc lặt vặt, một ly bia cho tío (cậu tôi), khi Rafa đứng yên và nghiêng đầu, giống như nghe được một tin nhắn mà tôi không nghe, một thứ gì đó từ xa chiếu đến. Chúng tôi đã gần đến colmado, người ta có thể nghe được tiếng nhạc, tiếng lè nhè thoải mái của giọng nói những người say. Mùa hè năm đó, tôi được chín tuổi. Anh tôi, mười hai. Anh là người muốn gặp Ysrael, vừa nhìn về hướng Barbacoa anh vừa nói. Chúng ta nên đến thăm đứa trẻ đó.


2.

Mỗi cuối mùa hè, Mami (mẹ) thường đưa tôi và Rafa đi campo (cắm trại). Bà làm việc dài giờ ở hãng sản xuất sô cô la. Không có thời gian, không còn sức lực để chăm sóc chúng tôi trong những tháng nghỉ học. Rafa và tôi ở lại với cậu, trong một ngôi nhà gỗ ở ngoại ô Ocoa, những bụi hồng nở hoa rực rỡ quanh sân như những điểm sáng trên la bàn, những cây xoài tỏa rộng cành lá trải bóng mát như tấm chăn lớn, nơi chúng tôi nghỉ ngơi và chơi domino, nhưng trại hè không giống như ở barrio (vùng, quận, khu phố) trong Santo Domingo. Trong trại không có gì để làm, không có gì để xem. Không có truyền hình, không có điện. Rafa lớn tuổi hơn nên đòi hỏi nhiều hơn. Mỗi buổi sáng thức dậy, anh đều tỏ ra bực bội, không hài lòng. Anh đứng trước sân, mặc quần đùi, nhìn ra dãy núi, sương mù tụ lại như màn nước, hàng cây Bìm Bịp rực đỏ như lửa cháy trên núi. Anh nói, “như cứt.” Tôi hùa theo, “thúi hơn cứt.”

Anh nói, “đúng quá. Khi nào trở về nhà, chắc tao nổi điên, chinga (tao sẽ cà chớn) với bọn con gái và cà chớn với tất cả mọi người, Tao sẽ không ngừng nhảy nhót, giống như những anh chàng đã đoạt kỷ lục nhảy liên tục bốn, năm ngày.” 

Cậu Miguel có việc cho chúng tôi làm (chủ yếu là chẻ cũi đun nhà hun khói và xách nước về từ dòng sông) nhưng chúng tôi làm hết các việc này nhanh chóng dễ dàng như cởi áo quăng xuống đất, suốt các giờ rảnh còn lại, nhàm chán như tát vào mặt chúng tôi. Tìm bắt những con jaivas (cua nhỏ) trong các dòng suối hoặc dành nhiều giờ đi bộ băng qua thung lũng để ngắm gái, nhưng chẳng có cô nào. Chúng tôi cài bẫy bắt jurones (chồn?), nhưng chẳng con nào mắc bẫy, rồi tập những gà trống phản ứng mạnh hơn bằng cách tạt các thùng nước lạnh. Chúng tôi làm đủ mọi việc để bận rộn cho hết ngày.

Tôi không bận tâm về những mùa hè như vậy, và sẽ không quên chúng như Rafa. Khi về đến nhà ở thủ đô, Rafa có đám bạn riêng, một bầy tiguere (du côn) phá làng phá xóm, vẽ bậy chocha (hình tục tĩu) và toto (hình trẻ con) lên tường và vỉa hè.

Về đến thủ đô, anh hiếm khi nói chuyện gì với tôi, ngoại trừ nạt lớn, “Im đi, pendejo (ranh con).” Dĩ nhiên, ngoại trừ khi anh ta nổi điên, rồi sau đó, với khoảng 500 thói quen mà anh thích áp đặt lên tôi. Hầu hết những thói quen này đều liên quan đến tóc, kích thước của đôi môi. Anh giễu cợt với bạn, “nó là người Haitian (dân haiti). Này, ông Haiti, mẹ đã lượm ông ở biên giới và nuôi ông vì bà thương hại ông.” Nếu tôi ngu xuẩn đủ để nói xấu anh, về đám lông mọc sau lưng hoặc lúc mà đầu cu của anh sưng to bằng quả chanh, chắc anh đập tôi cho đến chết, thôi tôi bỏ chạy thật xa.

Sống ở thủ đô, Rafa và tôi đánh nhau nhiều lần đến nổi người hàng xóm phải dùng chổi đập vào giữa để tách chúng tôi ra, nhưng khi đi trại thì chúng tôi là bạn.

Mùa hè mà tôi chín tuổi, Rafa bỏ hết cả những buổi chiều để kể rất nhiều chuyện về  cuộc hẹn hò với chica (thiếu nữ). Không phải những cô gái trong trại hè cũng chổng mông như các cô ở thủ đô, anh nói, nhưng hôn họ cũng khá giống như vậy. Anh đưa các cô gái trại xuống dưới đập nước, bơi lội, nếu anh mắn, họ sẽ cho phép anh đưa cái đó vào miệng hoặc vào háng. Anh đã thịt La Muda gần một tháng trước đây, khi bố mẹ cô ấy biết được, đã cấm cô không được rời khỏi nhà, không biết bao lâu.  

Anh mặc cùng một bộ đồ khi hẹn hò với những cô gái này, chiếc sơ mi và chiếc quần mà bố đã gửi làm quà cho anh dịp Giáng sinh năm ngoái. Tôi đi theo, cố gắng thuyết phục Rafa cho tôi tháp tùng. Anh nói, “Quay về đi, vài giờ sau tao sẽ trở về, dẫn mày đi.”

Tôi không cần anh dẫn, chỉ cần anh chậm lại chờ tôi. Nếu tiếp tục đi theo, anh sẽ đấm vào vai tôi rồi phóng nhanh cho đến khi những gì còn có thể thấy là màu áo của anh lấp đầy những khoảng trống giữa cây lá. Một thứ gì trong tôi, chùng xuống như cánh buồm xếp lại. Tôi gào tên anh chừng nào anh càng phóng nhanh chừng ấy, những cánh dương xỉ, cành lá, và bông hoa run rẩy vì bị anh đánh thức.

Rồi sau đó, khi chúng tôi nằm vào giường nghe chuột chạy trên mái tôn, anh có thể kể cho tôi nghe những gì đã làm.

Tôi đã từng nghe tetas (vú), Chocha (bướm), và leche (khí). Khi anh kể, không nhìn tôi. Cô gái mà anh hẹn hò, mang dòng máu lai Haiti, nhưng rồi sau đó anh lại cặp với cô em. Một cô khác tin tưởng rằng, cứ tiếp tục uống nhiều Coca-Cola sẽ không bị đậu thai. Còn người đang mang bầu, chẳng quan tâm chuyện gì cả. Bắt tay lên sau đầu và bàn chân chéo nhau ở mắt cá, anh rất đẹp trai và nói bằng một khóe môi. Tôi còn quá trẻ để bắt kịp những gì anh nói, nhưng vẫn lắng nghe, để may ra có thể sử dụng trong tương lai.


3.

Ysrael là một câu chuyện khác. Ngay cả ở phía bên này vùng Ocoa, người ta nghe nói về anh ấy, chuyện như thế này, lúc còn bé, anh đã bị một con heo ăn mất cả mặt và lột cả da như lột quả cam. Anh là một đề tài để bàn tán, một cái tên khiến lũ trẻ sợ thét lên, kinh khiếp hơn cả Cuco or la Vieja Calusa (ông Ba Bị, yêu quái.)

Năm trước đó, tôi đã thấy Ysrael, ngay sau khi xây xong các đập nước. Tôi đang ở trong thị trấn la cà quanh quẩn, khi chiếc máy bay lướt qua bầu trời. Cánh cửa trên thân máy bay mở ra, người đàn ông bắt đầu quăng xuống nhiều bó lớn, khi gặp gió, vỡ ra thành hàng ngàn tờ rơi, chầm chậm lảo đảo như hoa bướm, đó là tờ quảng cáo các đô vật, không phải chính trị gia. Bầy trẻ bắt đầu la hét vào mặt nhau. Thông thường, các máy bay chỉ bao che phạm vi Ocoa, nhưng nếu còn nhiều tờ rơi, họ sẽ thả những thị trấn gần đó. Nhất là những trận đấu lớn hoặc những cuộc bầu cử quan trọng. Các tờ rơi bám trên cành cây nhiều tuần lễ sau. Tôi phát hiện Ysreal trong một con hẻm, đang khom lưng nhặt một xấp tờ rơi chưa bung ra khỏi dây cột. Anh ta mang mặt nạ. Tôi hỏi, “Anh đang làm gì đó?” Anh trả lời, “Anh nghĩ tôi đang làm gì?” Anh ta xách đống tờ rơi chạy biến vào cuối hẻm. Vài đứa trẻ trông thấy, đã rượt vây quanh anh, hò hét, coño (chửi thề), nhưng anh chạy thoát được.

Người ta nói, đó là Ysreal. Anh ấy đáng ghê tởm và có một người em họ ở đâu đây nhưng chúng tôi không thích người này. Gương mặt của Ysreal làm chúng ta lượm mửa.  

Khi về nhà kể lại cho anh tôi nghe. Anh ngồi bật dậy trên giường. “Mày có thấy được sau mặt nạ không?”

“Không.”

“Đây là chuyện chúng ta phải tìm hiểu.”

“Em nghe nói, ghê lắm.”

Đêm trước khi chúng tôi đi tìm Ysrael, anh tôi đã không thể ngủ được. Anh đá vào mùng và tôi nghe được tiếng lưới bị rách. Cậu tôi đang cười khoái trá với đám bạn ngoài sân. Một trong số gà đá của ông đã thắng lớn trong ngày hôm trước. Ông đang tính chuyện mang nó lên đá ở thủ đô.

Ông nói, “Mẹ kiếp, dân ở quanh đây không biết cá độ gì cả. Trung bình một campesino (nông dân) chỉ dám cá độ lớn khi linh cảm thấy mình may mắn, nhưng có được bao nhiêu lần như vậy?”

“Bây giờ, ông cũng đang cảm thấy may mắn.”

“Anh nói đúng. Đó là lý do tôi phải tìm cho mình một số người cá độ lớn tiền.”

Rafa nói, “Tao thắc mắc, không biết gương mặt Ysrael bị cắn mất bao nhiêu.”

“Anh ta còn đôi mắt.”

“Vậy là còn nhiều,“ anh xác định. “Mày nghĩ xem, lẽ ra con mắt phải là thứ đầu tiên mà con heo muốn ăn. Cặp mắt mềm và mặn.”

“Làm sao anh biết?”

“Tao đã liếm thử rồi.”

Có thể đôi tai. Có thể lỗ mũi. Có thể những thứ gì nhô ra khỏi mặt.

Mỗi người có mỗi ý kiến khác nhau về sự thiệt hại của Ysreal. Cậu tôi nói, không đến nổi nào, nhưng người cha rất nhạy cảm về việc bất cứ ai chế nhạo đứa con trai lớn của mình. Điều này có thể chứng minh trên việc đeo mặt nạ. Cậu nói, nếu chúng tôi nhìn thấy mặt anh ta, sẽ bị ám ảnh suốt đời. Cũng vì vậy, mẹ của chú bé thảm thương kia luôn luôn đến nhà thờ cầu nguyện suốt ngày. Tôi chưa bao giờ buồn quá vài giờ, ý nghĩ về cảm giác buồn kéo dài suốt đời làm tôi khiếp đảm. Suốt đêm, anh tôi cứ véo vào mặt tôi, xem tôi như trái xoài. Anh nói, “cái má nè, cái cằm nè, cái trán sẽ khó hơn, da căng quá.”

“Được rồi, ừ…ừ …”

Sáng hôm sau, lũ gà trống gáy vang trời đất.  Rafa đổ cái ponchera (bát pha rượu) vào đám cỏ, thu dọn giày dép ngoài hiên, cẩn thận để không giẫm lên đống hạt cacao của cậu tôi đang phơi khô. Rafa đi vào nhà hun khói thịt rồi bước ra với một con dao và hai trái cam. Lột vỏ xong, anh đưa tôi một trái. Trong lúc cậu tôi đang ho trong nhà, chúng tôi lên đường. Tôi dự đoán Rafa sẽ đuổi tôi về, nhưng lần này, đi đã xa mà anh không nói gì, khiến tôi càng lúc càng hớn hở. Đã hai lần tôi lấy tay bụm miệng để khỏi bật cười. Đi chầm chậm, vịn những cây nhỏ và trụ hàng rào cho khỏi té xuống con dốc gồ ghề. Khói bốc lên từ cánh đồng đã đốt cháy đêm hôm qua, đám cây chưa tàn rụi hoặc chưa gãy đổ đứng trong đống tro đen như những ngọn giáo. Dưới chân đồi, chúng tôi dọc theo con đường dẫn đến Ocoa. Tôi mang theo hai chai Coca-Cola mà cậu tôi giấu trong chuồng gà.

Chúng tôi cùng hai phụ nữ hàng xóm đứng bên thương xá chờ xe chở đi lễ. Tôi đặt hai chai Coca-Cola lên quày. Chico (cậu bán hàng trẻ) xếp tờ báo El Nacional của ngày hôm qua lại. Khi cậu ta xếp mấy chai đầy bên cạnh mấy chai rỗng, tôi nói, “Tôi muốn lấy tiền lại.”

Cậu trẻ chống khủy tay lên quày và nhìn tôi , “Có thật anh muốn lấy tiền lại?”

“Đúng.”

“Tốt hơn, anh nên đưa tiền này cho cậu anh.”

Tôi nhìn sửng các Patelitos (bánh ngọt) và Chi carron (bánh bít-quy) trong một lồng kính. Cậu ta đập những đồng xu trả lại lên mặt bàn. “Anh làm gì với số tiền này là tùy anh, tôi chỉ lo buôn bán.”

Tôi hỏi Rafa, “Mình cần bao nhiều tiền?”

“Tất cả.”

“Chúng ta có thể mua cái gì để ăn?”

“Để dành mua nước uống, chút nữa, mày sẽ khát ghê lắm.”

“Có lẽ chúng ta nên ăn”

“Đừng có ngu.”

“Hay là chúng ta mua vài cái kẹo cao su?”

“Đưa tiền cho tao giữ.”

“OK. Chỉ hỏi thôi mà.”

Rồi, Rafa nhìn ra đường, tập trung ý nghĩ, tôi biết nét mặt này hơn ai hết, anh đang có âm mưu.

Thỉnh thoảng, anh liếc nhìn hai phụ nữ đang trò chuyện hăng say, họ khoanh tay dưới bộ ngực lớn. Khi chiếc xe buýt đầu tiên dừng lại, các phụ nữ trèo lên. Rafa ngắm hai cặp mông tròn đang vội vã bên trong chiếc váy. Cobrado (người tài xế) chồm mình ra hướng cửa hành khách, “Lên không?” Rafa trả lời, “Đi đi, ông hói.” Tôi hỏi, “Mình còn chờ gì nữa, xe này có máy lạnh?”

“Tao chờ tài xế trẻ hơn.” Rafa nhìn xuống đường. Tôi đi đến quày hàng, gõ ngón tay vào tủ kính, cậu trẻ đưa tôi chiếc bánh ngọt, sau khi bỏ vào túi, đưa cho cậu ta một đồng xu. Cậu nói, “tiền trao cháo múc,” nhưng anh tôi không thèm nhìn. Anh đang đón chờ chuyến xe buýt tiếp theo.

Rafa nói, “Mày ra ngồi phía sau.” Còn anh, đứng chận ngay cửa lên xuống. Mũi giày ló ra ngoài, hai tay cuộn tròn ôm chặt đầu cách cửa. Anh đứng cạnh người tài xế, có lẽ, trẻ hơn anh độ vài tuổi. Anh tài xế cố gắng thuyết phục Ra fa ngồi xuống, nhưng anh lắc đầu với nụ cười quyết liệt. Để tránh cãi vã, anh tài xế gài số chạy tới, mở máy điện đàm. Bài hát La chica de la novela vẫn còn sắp hạng cao. Người đàn ông ngồi bên cạnh tôi nói, “Họ chơi vaina (bài này) cả trăm lần mỗi ngày, em có tin không?”

Tôi cúi xuống lấn vào chỗ ngồi, chiếc bánh ngọt chảy dầu thấm trên quần. Bật tiếng chửi thề, lấy chiếc bánh ra, chỉ táp bốn lần thôi, đã hết sạch cái bánh, Rafa không để ý.

Mỗi khi xe buýt ngừng lại, anh nhảy xuống, giúp hành khách mang những gói đồ đạc. Khi mỗi hàng ghế đã đầy người, anh hạ ghế phụ xuống đường giữa cho khách tiếp theo. Anh tài xế, cậu trẻ gầy gò và lai afro (người châu phi), cố gắng theo dõi Rafa nhưng cậu bận rộn liên lạc với máy điện đàm không thể thấy hết mọi chuyện. Hai người trả tiền cho Rafa, anh đưa hết cho tài xế, cậu này đang lo thối tiền lại. Người đàn ông ngồi sát bên tôi, có hàm răng lớn, đội fedora (mũ phết) sạch sẽ, hai cánh tay cuồn cuộn bắp thịt rắn chắc, nói, “Em phải cẩn thận những vết dầu dính như thế này.”

Tôi nói, “Những thứ này nhớt quá.”

“Để anh giúp em.” Ông nhổ nước miếng vào ngón tay rồi chà xát vết dầu nhưng sau đó ông bóp đầu cu của tôi qua lớp vải quần đùi. Ông mỉm cười. Tôi xô ông ra. Ông quay nhìn chung quanh xem thử có ai thấy không.

Tôi nói, “Đồ lại cái.” Ông ta vẫn mỉm cười. “Đồ bú cu.” ông ta im lặng bóp mạnh cánh tay tôi như cách các đứa bạn lén lút đưa tôi vào nhà thờ. Tôi thút thít. Ông nói, “Em ăn nói phải cẩn thận.” Tôi đứng dậy, đi ra phía trước. Rafa đập tay lên trần, chiếc xe chậm lại, anh tài xế nói, “Hai anh chưa trả tiền.”

Rafa nói, “Trả rồi.” Anh đẩy tôi xuống con đường đất đầy bụi. “Tôi đã đưa tiền hai người kia cho anh, có luôn tiền vé của chúng tôi.” Giọng anh như chán nản vì phải tranh cãi nhiều.

“Không, anh chưa trả.”

“Mẹ kiếp, trả rồi. Anh đã lấy rồi. Muốn biết, cứ đếm tiền lại.”

Không đếm tiền. Anh tài xế đưa tay nắm lấy Rafa, nhưng Rafa không chịu, anh hét lớn vào mặt tài xế. Dạy cậu trẻ cách đếm tiền.

Chúng tôi băng qua đường, chạy xuống một cánh đồng. Anh tài xế đang hét theo sau lưng. Chúng tôi núp lại cho đến khi nghe tiếng anh tài xế, “Kệ cha chúng mày.” 

Rafa cởi phanh áo ra, tự ngưỡng mộ mình. Tôi bắt đầu khóc. Anh nhìn tôi một lúc rồi nói, “Mày mít ướt quá.”

“Xin lỗi anh.”

“Mày làm sao vậy? Mình không làm gì sai cả.”

“Một chút nữa, em sẽ O.K.” Tôi dụi cánh tay lên mũi. Anh ta nhìn chung quanh như đang vẽ khung cảnh vùng đất. “Nếu mày không ngừng khóc, tao sẽ bỏ mày ở đây.” Anh tiến về hướng một chiếc lều, nhìn thấy dột nát dưới ánh nắng. 

Anh ta biến dạng. Có thể nghe tiếng nói trong trẻo vọng từ túp lều. Một đàn kiến đã tìm thấy đống xương gà dưới chân tôi, đang siêng năng đục đẽo phần tủy vụn. Đáng lẽ tôi bỏ về, như những lần Rafa đối xử như vậy, nhưng chúng tôi đang ở rất xa, khoảng tám, chín dặm. Tôi đuổi kịp anh ta ngoài chiếc lều. Đi khoảng một dặm. Đầu óc tôi trống rỗng và cảm giác lạnh.

“Hết chưa?”

“Hết rồi.”

“Mày luôn luôn mít ướt vậy sao?”

Tôi sẽ ngẩng mặt lên cho dù Chúa hiện ra trên trời đổ mưa xuống. Rafa khạc nước miếng. “Mày phải cứng rắn hơn. Cứ khóc hoài. Mày có nghĩ là cha chúng ta hay khóc? Sáu năm sau cùng, mày nghĩ là cha đã khóc hay sao?” Anh quay lưng lại với tôi. Chân anh đạp lên đám cỏ dại, đè gãy cả thân cỏ.

Rafa chận một cậu học sinh mặc đồng phục màu xanh da trời, da rám nắng, chỉ cho chúng tôi đường đi. Rafa trò chuyện với một người mẹ trẻ, có em bé đá đạp như người thợ trong hầm mỏ. Cô nói, “Phải đi thêm một chú nữa.” Khi anh cười, cô nhìn sang hướng khác. Chúng tôi đi quá xa, một nông dân tay cầm chiếc rựa, chỉ con đường dễ nhất để quay trở lại.

Rafa ngừng chân khi nhìn thấy Ysrael đứng giữa cánh đồng, đang thả diều, mặc dù có sợi dây, dường như anh ta không dính líu gì đến con vật màu đen trên cao đang bay lượn lui tới. Rafa nói, “Đúng hắn rồi.” Tôi cảm thấy bối rối,

“Chúng ta phải làm gì?”

“Theo sát. Chuẩn bị chạy”

Anh đưa tôi con dao rồi lon tong chạy xuống cánh đồng.


4.

Mùa hè năm trước, tôi đã ném vào lưng Ysrael một viên đá. Tôi đoán đã làm xương bả vai bị thương. Đám trẻ bạn la lối, “Mày ném trúng rồi. Mày ném trúng rồi.” Anh ta bỏ chạy, ưỡn người ra trước vì đau đớn. Một đứa trẻ khác suýt bắt được anh, nhưng anh đã lấy lại sức mạnh và chạy bay biến. Một đứa nói, “Nó chạy nhanh hơn con cầy Mangut.” Tất cả cười rồi quay về chơi bóng chày, quên mất anh ấy cho đến khi anh trở lại thị trấn lần sau. Lần này, chúng tôi bỏ hết mọi việc để rượt đuổi Ysrael. “Cho tụi tao xem mặt mày đi. Một lần thôi …”


5.

Ysrael cao hơn chúng tôi khoảng cái đầu, mập mạp có lẽ nhờ ngủ cốc sung túc của nông dân vùng Ocoa, họ đã thành lập một công ty góp vốn cổ phần. Một sản phẩm mới làm cậu tôi mất ngủ về đêm, lẩm bẩm ganh tị, “Ủy nhiệm sản suất! Ủy quyền cung cấp!.” Đôi dép của Ysrael làm bằng da cứng. Ăn mặc giống người ở Bắc Mỹ. Nhìn sang Rafa, thấy anh ta không hề nao núng.

Rafa nói, “Này anh, thằng em nhỏ của tôi không được khỏe. Anh chỉ giùm cho tôi tiệm bán hàng ở đâu, tôi muốn mua nước uống cho em tôi.”

“Có một vòi nước uống bên đường. “ Giọng Ysrael nghe kỳ hoặc như đầy nước bọt trong miệng. Mặt nạ được cắt may tay bằng vãi bông mỏng màu xanh lam. Không thể nào không nhìn thấy vết sẹo bao quanh mắt trái, hình lưỡi liềm màu đó láng bóng, có dòng nước miếng chảy xuống cổ.  

“Chúng tôi không ở quanh đây, không dám uống nước lạ.” Ysrael cuộn dây diều lại. Con diều đảo quanh, anh ta điều chỉnh bằng một cú giật mạnh.

Tô buột miệng, “Không tệ.”

“Chúng tôi không thể uống nước ở quanh đây, sẽ bị bệnh. Em tôi không được khỏe.”

Tôi mỉm cười và giả vờ đang yếu sức, việc này dễ thôi. Sẵn mặt mày đang dính đầy bụi bặm. Ysrael đanh lại nhìn chúng tôi.

“Nước ở đây tốt hơn ở trên núi.”

Rafa hạ giọng. “Chỉ đường giùm chúng tôi.”

Ysrael chỉ xuôi theo lối đi, “Đi theo hướng này, anh sẽ thấy tiệm bán hàng.”

“Có chắc không?”

“Tôi sống ở đây cả đời.”

Nghe được tiếng cánh diều nhựa rung trong gió, sợi dây kéo rút nhanh dần. Rafa không hài lòng, bắt đầu đi. chúng tôi đi một vòng dài quay trở lại. Lúc đó, Ysrael đã cầm con diều trong tay. Con diều không phải do người địa phương làm, nó được sản suất ở ngoại quốc.

Rafa nói, “Chúng tôi tìm không thấy tiệm nào cả.”

“Các anh thật ngớ ngẩn.”

Tôi nói, “Anh mua con diều ở đâu?”

“Cha tôi mua ở New York.”

Tôi reo lên, “Ô, hay thật, Cha chúng tôi cũng ở đó.”

Tôi nhìn Rafa, ngay lập tức, anh cau mày. Cha chúng tôi chỉ thỉnh thoảng gửi vài lá thư, áo sơ-mi hoặc quần jean vào dịp Giáng Sinh.

Rafa hỏi, “Anh đeo mặt nạ làm cái quái gì vậy?”

“Tôi bị bệnh”

“Nóng nực lắm.”

“Tôi không sao.”

“Anh có bao giờ tháo xuống không?”

“Không, chờ đến khi tôi giải phẫu xong, tôi sắp có cuộc phẫu thuật.“

“Anh nên cẩn thận, mấy bác sĩ này giết anh nhanh hơn các cảnh vệ.

“Họ là bác sĩ Mỹ.”

 Rafa cười nhạo. “Anh nói dối.”

“Tôi đã gặp họ mùa xuân năm ngoái. Họ muốn tôi trở lại năm nay.”

“Họ nói dối với anh. Có lẽ vì thương hại.”

“Anh có muốn tôi chỉ tiệm bán hàng ở đâu không?”

“Muốn chứ.”

“Đi theo tôi.” Ysrael vừa nói vừa lau nước miếng rớt trên cổ. Đến tiệm tạp hóa, anh đứng ngoài sân, chờ Rafa mua cho tôi chai Coca Cola. Ông chủ đang chơi domino với người giao hàng bia chai, không nhìn lên, dù vậy, vẫn đưa tay lên cao vẫy chào Ysrael. Ông ta có cách nhìn vô thưởng vô phạt của các người chủ tiệm tạp hóa mà tôi đã từng gặp.

Đi ra, tôi để lại chai nước ngọt cho Rafa uống, rồi đuổi theo kịp Ysrael đang đi trước. Tôi hỏi, “Anh có còn tham gia đấu vật?”

Anh ta quay lại, có điều gì lay động sau mặt nạ. “Làm sao anh biết?”

“Tôi nghe nói. Họ có đấu vật ở Mỹ không?

“Hy vọng là có.”

“Anh có phải là người đấu vật không?”

Anh tôi cười, tay quay chai nước. “Tôi là một đô vật rất giỏi. Suýt chút nữa đã đi thi ở thủ đô. “Muốn thử không, pendejo (anh ngốc)?”

“Không phải bây giờ.”

“Tôi không nghĩ vậy.”

Vỗ lên tay anh, tôi nói, “Năm nay, các máy bay chưa thả gì cả.”

“Còn quá sớm. Chủ nhật đầu tiên trong tháng Tám mới bắt đầu.”

“Làm sao anh biết?”

“Tôi ở đây đã lâu.” Chiếc mặt nạ co giật. Tôi nhận ra, anh đang cười. Đột nhiên, anh tôi vòng tay qua đập mạnh cái chai lên đầu Ysrael. Chai vỡ tung. Cái đáy chai dày văng xa quay quay như cái kính cận điên rồ. Tôi la lên: “Chết mẹ rồi, Chúa ơi.” Ysrael ngã nhào vào một cột trụ rào bên đường đã lún sẵn. Thủy tinh vỡ vụn dính dầy mặt nạ. Anh quay lại hướng tôi rồi ngã sấp xuống. Rafa đá vào người anh ta. Ysarel dường như bất động. Tay lên mặt đất như đang cố sức nhỏm dậy. Anh tôi nói, “Lật nó lại.” Chúng tôi lăn Ysrael ngửa ra. Như một người điên, Rafa giật chiếc mặt nạ và ném bay xoay tròn vào bãi cỏ.

Vành tai trái của Ysrael còn một chút. Có thể nhìn thấy một phần lưỡi gân guốc qua một cái lỗ hổng trên má. Không có đôi môi. Đầu anh ngửa ra sau, mắt chỉ thấy tròng trắng và dây gân lòi ra trên cổ. Khi còn sơ sinh, anh đã bị con heo đi vào nhà cắn. Những tổn hại tuy đã cũ nhưng vẫn làm tôi nhảy nhỏm, la lên, “Rafa, thôi đi, bỏ đi.” Rafa cúi xuống dùng hai ngón tay xoay đầu Ysrael qua lại.


6.

Chúng tôi đi trở về ngang qua tiệm tạp hóa, thấy người chủ và người giao hàng đang cãi cọ, những phiếm bài domino lách cách trong tay họ. Tiếp tục đi, sau một, có thể hai giờ, chúng tôi gặp xe buýt. Leo lên và đi thẳng ra ngồi phía sau. Rafa khoanh tay nhìn cánh đồng và những căn lều lướt qua bên đường. Bụi, khói và người gần như đông cứng bởi tốc độ.

Tôi nói, “Ysrael sẽ không sao đâu.”

“Đừng tưởng bở.”

“Họ sẽ sửa mặt cho anh ta.”   

Một bắp thịt co thắt giữa hàm sai và vành tai, anh tôi nói một cách mệt mỏi, “Yunior (ranh con), Họ sẽ làm không làm điều gì không tốt cho anh ta.”

“Làm sao anh biết?”

“Tao biết mà.”

Tôi gác chân vào sau lưng ghế phía trước, đẩy một bà già. Bà quay lại nhìn. Bà đội chiếc mũ lưỡi trai, một mắt bị kéo mây trắng. Xe buýt chạy về Ocoa, không phải hướng nhà. Rafa ra dấu cho xe ngừng. Anh nói nhỏ vào tai tôi, “Chuẩn bị chạy.”

Tôi trả lời. “O.K.”