Bà nào có chồng mà khoe "Chồng tôi
tốt, lịch sự với tôi 'Phu phụ tương kính như tân', hoặc chồng tôi yêu thương
tôi như 'Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy' thì đúng là người đàn bà đó đã bị chồng
lừa dối hoặc họ tự dối lòng, dối người. Thực ra, chả bà nào chê chồng mình với
bạn cả vì biết bạn mình nghe thế sẽ mở cờ trong bụng, tuy có đôi lời an ủi,
nhưng thật tâm rất khoái trá, và chỉ năm phút, sau khi chia tay, người bạn thân
thiết đó sẽ gọi ngay cho các bà bạn khác
để kể lại và Thế hả? với nhau, cùng
sung sướng với nhau. Lý do đơn giản là bà nào lại chẳng muốn bạn mình khổ hơn
mình, nghèo hơn mình và cũng muốn điên cái đầu vì đang nghi ngờ thằng
chả có mèo như mình.
Tôi
là người thành thật, chả gì phải che dấu, sĩ diện hão về chồng tôi cả. Nhưng những
gì tôi kể sau đây sẽ không như những chuyện mà bà nào cũng gặp. Mèo mả gà đồng
thì ông nào chả có, mấy ngày không tắm, người thối rum, là chuyện bình thường.
Tôi
chỉ xin kể một vài chuyện nhỏ về chồng tôi, để bạn ngán ngẫm cho những người
đàn ông chẳng giống như mình tưởng. Đó là tính ba trợn của chồng tôi.
Ba mẹ tôi gốc Huế chính cống. Ba tôi là
quân nhân, cả gia đình phải theo ba tôi đi khắp các tỉnh vì công tác, cho đến
khi ông bị thương, rồi về làm việc ở tiểu khu một tỉnh miền Trung, mới được coi
là tạm ổn định. Tỉnh lỵ là một thành phố nhỏ, êm đềm, sát bờ biển nhưng cũng có
con sông nhỏ chảy ngang qua. Năm đó tôi học đệ nhất. Con gái tuổi đó thường rất
mơ mộng chuyện tình yêu, nhiều đứa đã có người yêu, đứa chưa có người yêu thì
thả hồn trong mấy bài thơ lãng mạn. Anh anh, em em, nhớ nhung, giận hờn, đau khổ,
chán nản...đủ thứ linh tinh. Người ta bảo các cô gái Huế mơ mộng, lãng mạn lắm.
Tôi là dân "Huế rặc nhưng lại là người rất thực tế, tôi ghét
chuyện tán tỉnh, liếc mắt đưa tình hay văn chương thi phú gạ gẫm nhau. Bạn bè bảo
tính tôi giống con trai, không bao giờ nói chuyện tâm tình như bọn chúng. Vậy
mà có một anh chàng, xui xẻo, lại nhè tôi mà trồng cây si.
Chuyện
xảy ra vào một buổi sáng mồng một tết.
Hôm đó tôi và các bạn đi chùa Tỉnh Hội để lễ Phật và hái lộc đầu xuân.
Khi chúng tôi đang xúm xít quanh mấy chậu hoa, dưới mấy cây mai trong sân chùa
thì xuất hiện một anh chàng lạ hoắc. Anh ta ăn mặc lịch sự, mặt mũi cũng không
đến nỗi tệ tuy người hơi cao quá khổ (Sau nầy tụi tôi gọi anh chàng là Từ Hải.
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao) Anh chàng đến chỗ bọn tôi và nói với tôi
"Cô làm ơn làm gãy một cành hoa" Tôi nhìn anh ta ngạc nhiên "Ông
nhờ tôi bẻ hoa cho ông à? Thì ông tự bẻ hoa đi, ông cũng có tay mà!" Anh
chàng khoát tay "Xin cô làm gãy cành hoa, sẽ có chuyện hay lắm!" Các
bạn tôi vây quanh, xôn xao "Chuyện gì mà hay lắm?" Chàng ta giải
thích "Các cô là tiên trên trời xuống thế gian đi chơi xuân, rồi cô này
làm gãy một cành hoa, nhà chùa sẽ bắt cô trói vào gốc cây, lúc đó tôi làm thư
sinh, cởi áo ra đền cành hoa gãy để cứu cô" Tôi kêu lên "Trời đất! Tụi
bây coi. Áo ông nầy cũ xì, cho không ai thèm lấy, mà đòi cởi ra chuộc
tao?!" Rồi tôi vênh mặt lên hỏi "Nhà sư đâu có đây?" Anh ta chỉ
tay về phía hiên chùa "Nhà sư kia kìa! Tôi đưa nhà sư đứng chờ sẵn đó rồi,
tôi còn có sợi dây để đưa cho nhà sư" Đốp chát với con trai thì tôi đâu có
ngán. Thế nên tôi bảo "Xin chia buồn với ông. Kiểu "ve gái" đó
xưa rồi, tôi không cảm động đâu. Chuyện làm gãy cành hoa thì ông nên biết, dù tụi
tôi có bê hết mấy chậu hoa nầy về, nhà chùa cũng chẳng nói tiếng nào. Còn nếu
ông cho rằng tụi tôi là tiên thì ông chịu khó đứng đó, mấy cô tiên nầy bay lên
trời đây!" Các bạn tôi có vẻ ái ngại cho anh chàng nhưng cũng theo tôi kéo
nhau ra khỏi cổng chùa. Chàng ta đã không bị quê mà còn kêu lên "Một
không!" Ý nói bị thua một điểm.
Thành phố nhỏ, mọi người đều biết rõ nhau, nay xuất hiện anh chàng kỳ quái đó khiến bọn con gái trong thành phố đánh một dấu hỏi to tướng. Nhưng chỉ mấy hôm sau là biết rõ gốc gác chàng ta. Đó là một anh công chức mới ra trường, làm phó quận ở một quận miền núi không xa tỉnh lỵ. Kể ra, với danh phận đó thì không đến nổi tệ, nhưng chàng ta không hợp nhãn tôi, người đã cao nhòng mà lại đi hơi khòm về phía trước, giống như người tiền sử, trong khi tôi lại là cô gái đẹp trong trường, hơn nữa tôi chẳng biết yêu là gì cả! Không hiểu sao, anh chàng lại quen thân với gia đình một đứa bạn của tôi. Hắn bảo tôi "Chàng ta kết mầy lắm. Cứ hỏi thăm về mầy mãi" "Nhắn với anh ta rằng. Tao không ưa anh ta. Tao không muốn bị ai tán tỉnh, làm phiền" Ấy vậy mà anh chàng lại dám tỏ tình trước thiên hạ. Đúng là liều mạng!
Thành phố tôi ở sản sinh khá nhiều văn
nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng đa số đều sống tại Sài Gòn, chỉ thỉnh thoảng họ về tổ
chức những buổi biểu diễn ca nhạc hoặc bình luận văn thơ rất thú vị. Một lần,
có mấy ông 'nhà thơ' về thuyết trình về truyện Kiều. Sáng hôm đó, vào ngày Chủ
Nhật, chúng tôi rủ nhau đến hội trường để nghe cho vui và cũng để xem mặt mấy
ông thi sĩ nầy ra sao.
Đề tài là "Thơ Văn Cổ Trung Hoa Ảnh
Hưởng Như Thế Nào Đối Với Truyện Kiều Của Nguyễn Du" Nghe cũng không đến nổi
chán, nhưng sau đó diễn giả lại giới thiệu một nhà thơ khác lên dẫn chứng cụ thể
bằng những câu thơ cổ Trung Hoa so với những câu thơ trong Truyện Kiều. Chúng
tôi kinh ngạc khi thấy anh chàng tiền sử đã tán tỉnh tôi ở chùa Tỉnh Hội hôm
trước, lên diễn đàn. Mọi người vỗ tay lấy lệ vì không tin tưởng mấy.
Anh chàng chẳng cầm tài liệu, giấy tờ
gì để đọc cả. Thoạt tiên, anh ta báo rằng sẽ không trích dẫn điển tích, vì đã
có sẵn trong các sách giáo khoa rồi. Anh ta chỉ
trình bày những câu thơ Kiều trùng ý, nghĩa là gần giống những câu thơ của
các thi sĩ ngày xưa của Trung Hoa, anh ta cho rằng không phải cụ Nguyễn Du
trích ra từ đó, mà chính là những tâm hồn thi sĩ rung động giống nhau trước một
hoàn cảnh tương tự. Khán giả vỗ tay rào rào. Anh chàng vênh mặt lên và cười chứ
không tỏ vẻ khiêm nhường gì cả! Sau đó anh ta vừa muốn trổ tài vừa như thách thức
khán giả khi nói rằng "Tuy không nhớ hoàn toàn, nhưng tôi có thể dẫn ra một
câu thơ cổ chữ Hán tương tự trong bất cứ câu Kiều nào mà quí vị nêu lên"
Chưa dứt lời đã thấy rất nhiều cánh tay dơ lên "Ở đây tai vách mạch rừng.
Thơ chữ hán nói ra sao?" "Tự cổ cách tường tu hữu nhĩ. Trong tập Tái
Sanh Duyên" "Đầy vườn cỏ mọc lau thưa (?)" "Lục mãn tiền
đình thảo bất chừ. Trong Tống thi" Thế là mọi người nhao nhao, lần lượt hỏi
và anh chàng bình tỉnh trả lời.
"Nao nao giòng nước uốn quanh (?)" "Khê hạ nhất hoằng lưu
thủy bích. Trong Tô Ngọc Tuyền" "Ba thu dồn lại một ngày dài ghê
(?)" "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề. Trong kinh Thi"
"Trải qua một cuộc bể dâu (?)" "Kỷ kinh thương hải tang điền biến.
Trong Thi Lâm"...
Anh chàng trả lời như máy khiến mọi người
sửng sốt trước trí nhớ phi thường đó. Trong gần một giờ, anh ta không vấp câu
nào cả! Cuối cùng anh chàng ra dấu là xin được trả lời một câu chót để trả lại
buổi thuyết tình cho người kế tiếp. Một người hỏi "Tiễn đưa một chén quan
hà. Thơ cổ Trung Hoa có câu nào tương tự không?" Anh chàng trả lời tỉnh bơ
"Đó là câu Khuyến quân cánh tận nhất bôi thủy
của Vương Duy" Người kia la lên "Nhất bôi thủy là một chén nước, ai lại
rót nước tiễn người ta lên đường bao giờ. Thường thì mời rượu chứ. Sao kỳ vậy?"
Anh chàng làm bộ suýt soa "Xin lỗi! Đúng là nhất bôi tửu. Nhưng tôi vừa
nhìn thấy cô Thủy ở cuối hội trường nên nhập tâm, nói lộn là nhất bôi thủy"
Mọi người quay ra phía sau nhìn tôi và cười ồ lên. Tôi ngượng đỏ mặt, kéo cả bọn
ra khỏi hội trường. Mấy đứa bạn tíu tít "Anh ta tỏ tình với mầy đó!"
Tôi bực mình "Làm trò cười cho người ta thì có! Tao chỉ ghét thêm" Một
đứa láu táu "Mi chê thì nhường cho tao" "Ừ, cho mi đó. Tao không
thèm!" Có lẽ tưởng rằng tỏ tình trong buổi thuyết trình lần đó khiến tôi
hãnh diện và cảm động nên anh chàng tự tin. Một buổi sáng chủ nhật, cả nhà đang
ăn điểm tâm thì nghe tiếng gõ cửa. Cô em út tôi ra cửa rồi quay vào nói
"Chị Thủy, có người hỏi thăm" Tôi vừa ló mặt ra, thấy anh chàng bèn
thụt lùi lại, bảo cô em "Ra nói, chị đang cho mèo ăn, lâu lắm, nếu chờ được
thì mời ngồi" Mọi người hình như có biết chuyện xảy ra ở hội trường nên ai
cũng mỉm cười nhưng không nói gì. Mẹ tôi sai cô em đem trà ra mời khách. Ba tôi
phải ra tiếp khách. Tôi vẫn cứ nhẩn nha, ăn xong, tôi đi đánh răng súc miệng,
vào phòng riêng thay một chiếc áo khác, tô chút phấn hồng lên má, kẻ tí son
môi, chải lại mái tóc rồi mới ôm con mèo, yểu điệu ra phòng khách.
Anh chàng vội đứng dậy chào, mắt mở to
vẻ kinh ngạc, có lẽ không ngờ tôi đẹp quá. Ba tôi đứng lên vào nhà trong. Tôi
ngồi xuống ghế đối diện, hơi cúi xuống vuốt ve con mèo để anh ta được dịp ngắm
sắc đẹp của tôi. Khi tôi ngẩn lên thì anh chàng vội nhìn nơi khác, mặt ngơ ngơ
như người bị hớp hồn, hai tay vặn vẹo với nhau mãi rồi cầm cái tách không còn
trà đưa lên miệng. Tôi thấy tội nghiệp bèn nói "Hôm rồi, anh thuyết trình
hay lắm, nhưng sao lại đem tên cô Thủy nào đó ra mà nói khiến cho mọi người cười.
Giống vở kịch vui" Nghe tôi khen, anh chàng mừng lắm "Mấy người bạn
tôi nhờ tôi lên tiếp sức cho buổi nói chuyện đỡ nhàm" "Có lẽ anh phải
học thuộc lòng bài thuyết trình đó mới nói được thông suốt như thế?" Anh
ta cười, coi bộ lên tinh thần "Sao cô biết hay vậy? Nhưng cũng có mấy lần
tôi suýt quên" "Anh không thành thật. Tôi thấy anh trả lời nhanh như
thế, chứng tỏ anh thuộc tất cả các câu thơ đối chiếu trong truyện Kiều"
Anh ta hào hứng, vừa làm như tín cẩn tôi "Xin cô đừng nói cho người khác
biết. Không có cách nào tôi thuộc hết được? Tôi chỉ cần nhớ những câu mà các bạn
tôi sẽ hỏi thôi" Tôi ngạc nhiên "Bộ anh chuẩn bị sẵn và dặn trước các
bạn anh phải hỏi những câu cò mồi à? Rủi người khác hỏi thì sao?" Anh ta lại
cười một cách ranh mãnh "Có ai rộng miệng hơn mấy thằng bạn tôi đâu. Nếu
người khác đưa tay thì tôi không chỉ. Nhưng xin cô đừng cho ai biết. Họ chửi
tôi đánh lừa họ thì tôi chỉ còn nước bỏ xứ nầy mà đi nơi khác" "Tôi
không hiểu anh đánh lừa người khác để làm gì. Lại đem tên cô Thủy nào đó ra làm
trò cười. Người ta tưởng lầm là anh nói về tôi" Anh ta đỏ mặt, trông như đứa
bé ăn vụng bị bắt gặp "Xin lỗi! Lần sau tôi sẽ không nói tên cô trước mọi
người nữa!" Đúng là câu xin lỗi của cậu học sinh tiểu học nói với cô giáo!
"Có lẽ anh muốn các cô gái ở đây nể phục anh? Nhưng tôi thì không bao giờ,
nhất là khi anh vừa nói cho tôi nghe chuyện anh đánh lừa thiên hạ. Như vậy rõ
ràng anh chẳng thuộc thơ cổ Trung Hoa bao nhiêu. Bây giờ tôi đưa ra nguyên một
đoạn thơ Kiều, gồm tám câu. Nếu anh không trưng dẫn được bằng các câu thơ Trung
Hoa thì từ nay coi như tôi không hề quen biết anh. Xin anh đừng tiếp tục làm
phiền tôi nữa" Anh chàng ngẩn ra "Làm gì có đủ hàng nghìn câu Kiều
tương ứng với thơ cổ Trung Hoa! Cô lại đọc tám câu liên tục, làm sao mà tìm ra
nổi?!" "Thôi được, tôi đọc chỉ bốn câu Kiều, anh cố nhớ xem sao? Nghe
đây "Tưởng người dưới nguyệt chén đồng. Tin sương luống những rày trông
mai chờ. Bên trời góc bể bơ vơ. Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?" Nghe
xong, anh chàng sáng mắt lên, nhưng làm bộ suy nghĩ cho ra vẻ vất vả. Rồi vừa
mím mím cười vừa đọc "Nguyệt hạ hoài nhân cảm khái trung. Sương kiều vọng
đoạn tín nan thông. Thiên nhai, hải giác tri hà xứ. Sa thảo tiêu tiêu bán nhiễm
hồng" "Tôi thành thật khen anh có trí nhớ tốt" "Như vậy từ
nay tôi được tiếp tục làm phiền cô. Phải không?" "Cũng không. Vì tôi
chỉ mới hỏi có bốn câu. Còn bốn câu nữa" "Xin cô hỏi tiếp"
"Tôi chẳng dại mà hỏi tiếp. Rủi anh trả lời được thì phiền tôi lắm. Nhưng
tôi chỉ khen trí nhớ của anh thôi. Sau khi anh tiết lộ bí mật, tôi thấy anh chỉ
là một người bình thường chứ chẳng có gì gọi là tài hoa để bọn con gái chúng
tôi để ý" Anh chàng sửa lại thế ngồi, vẻ căng thẳng vì bị chạm tự ái
"Người thế nào là tài hoa. Cô nói thử, tôi sẽ chứng minh tôi rất tài
hoa" Tôi đưa anh chàng vào ngã bí
"Chẳng hạn như người ta bảo
anh là thi sỹ mà tôi chẳng thấy anh thơ thẩn gì bao giờ. Nếu làm thơ hay ắt mọi
người đã biết tên" Anh ta ưỡn ngực, khoe khoang "Tôi làm thơ hay lắm
nghe! Nhưng tôi chỉ để bút hiệu thôi. Tôi không muốn nổi danh. Tuần tới sẽ có
vài tờ báo đăng thơ, để tên thật của tôi. Tôi xin được đề tặng cô trên bài thơ
để chứng minh đúng là thơ tôi sáng tác" "Để tặng tôi mà thơ anh không
hay cũng là cách hạ uy tín tôi. Nhưng tôi cũng xin báo trước là tôi không bao
giờ để mắt đến văn chương, thi phú nên dù thơ anh có hay ho đến cỡ nào cũng
không làm tôi xiêu lòng đâu, anh đừng hy vọng nghe!" Ngồi nói chuyện linh
tinh cả buổi sáng, nhiều dịp tôi cho anh ta biết là tôi chỉ xem anh ta là người
quen biết thôi. Khi thấy tôi nhìn chừng đồng hồ trên tường, anh ta biết ý rút
lui.
Về chuyện thơ thẩn, quả nhiên ít lâu sau, vài
tờ báo ở Sài Gòn đăng mấy bài thơ có lời đề tặng tôi. Các bạn tôi lại suýt soa
thơ hay, nhưng tôi không quan tâm. Và anh ta, có lẽ cũng biết vậy nên không thấy
đến nhà tôi nữa.
Một lần đi với các bạn ngoài phố, gặp
anh chàng. Anh ta dừng lại và hỏi tôi "Cho mèo ăn chưa mà đi chơi
đó?" "Cho rồi mà hắn không chịu ăn" Anh ta ngạc nhiên "Sao
vậy?" "Hắn chờ ông về ăn luôn" Bọn bạn không nhịn được cười,
nhưng anh chàng vẫn tỉnh bơ "Nói hắn cứ ăn trước, đừng chờ đợïi mất
công" Rồi anh ta đưa hai ngón tay lên và nói " Một đều nghe!"
Mùa hè năm đó, tôi thi tú tài hai bị hỏng.
Tôi buồn và chán đời quá. Cái mộng làm cô sinh viên đành dời lại sang năm. Chỉ
chờ có thế, anh chàng nhờ mai mối đến năn nỉ với mẹ tôi. Mẹ tôi có vẻ bằng
lòng, nhưng còn hỏi ý kiến trái bom nổ chậm là tôi. Lúc đó có cả bà mai dong ở
đó, tôi trả lời thẳng thừng "Con không ưa anh ấy, con thà làm gái già còn
hơn" Mẹ tôi ngượng quá, nhưng bà mai dong vẫn tươi cười "Anh ta có
nói với bác là con không ưa anh ta, nhưng vẫn nhờ bác. Bác phải đến" Bị từ
chối, anh ta vẫn không bị quê, gặp tôi ngoài đường, lại đưa ba ngón tay lên và
nói "Hai một!"
Rồi thì các bạn tôi, đứa lấy chồng, đứa
vào Sài Gòn học đại học. Tôi lại phải ôn bài để thi lại lần nữa. Khổ nổi, không
hiểu sao, bài cũ mà học mãi lại thành bài mới. Càng học càng lẫn lộn, càng
quên, nên tôi thi lại hỏng. Mẹ tôi hy vọng tôi chán sẽ chịu lấy chồng. Theo ý
bà, tôi lấy ai cũng được, chứ tôi cứ đi vô, đi ra trong nhà mãi khiến bà đau
tim. Anh chàng kia đúng là ma mãnh, nghe tin tôi thi hỏng là mở chiến dịch tấn
công ngay, vì biết trong lúc buồn chán như thế, sự kháng cự của tôi tất sẽ yếu
đi rất nhiều. Thế rồi bà mai dong lại lò dò đến, miệng cười một cách tự tin. Sợ
bị bốp chát lần nữa, bà mai đề nghị mẹ tôi hỏi riêng tôi. Tôi trả lời yếu xìu
"Mạ nghĩ ra một lý do nào đó để từ chối, như chuyện tuổi tác không hợp hay
vấn đề tôn giáo chẳng hạn" Mẹ tôi hỏi tuổi anh chàng rồi đi coi thầy. Sau
đó mẹ tôi bảo với bà mai dong rằng thầy bảo phải hai năm sau làm đám cưới mới hợp
tuổi. Thêm nữa, bà bảo vì gia đình là tín đồ Phật giáo thuần thành, nên muốn
làm rể, anh ta phải qui y, học kinh Phật, đi chùa lễ Phật đến khi nào xét thấy
là người có đạo hạnh mới nói đến chuyện cưới xin. Mấy hôm sau, bà mai dong trở
lại hớn hở bảo rằng cậu ấy chịu qui y, chịu chờ mấy năm cũng được.
Buổi chiều đầu tiên được mời đến dùng cơm với
gia đình, anh chàng được xếp ngồi cạnh tôi. Anh ta bình tĩnh, lễ phép, ít nói
và như không để ý đến tôi nhưng thỉnh thoảng gắp thức ăn bỏ vào chén cho tôi.
Tôi lí nhí cám ơn. Mấy đứa em tôi cứ liếc nhìn tôi mím cười. Ba tôi nói chuyện
với anh ta thân mật như quen biết nhau từ lâu lắm. Sau bữa ăn, hai người kéo
nhau ra phòng khách tiếp tục chuyện trò, giống như khách mời của ba tôi, còn
tôi thì rút vào phòng riêng.
Chuyện
đi chùa qui y, xin pháp danh, ngày rằm, mồng một đến chùa Tỉnh Hội lễ Phật, tụng
kinh...anh ta ngoan ngoãn tuân hành theo lệnh của mẹ tôi, nhưng đi đâu cũng có
mẹ tôi đi theo. Đi chơi phố hay đi coi hát với anh ta thì tôi không được phép.
Chẳng phải mẹ tôi khó tính, nhưng bà sợ tôi đổi ý bất tử, từ chối anh ta thì
mang tiếng một đời chồng, mất duyên con gái. Điều lạ là anh ta vẫn nhẫn nại chịu
đựng, coi bộ còn siêng chuyện tu tâm dưỡng tánh hơn yêu cầu nữa. Nhiều lần, sau
khi lễ Phật, tụng kinh, anh ta xin ở lại chùa, ra sau hậu liêu (nói là) nghe
nhà sư trẻ giảng kinh Phật. Mẹ tôi hài lòng lắm, nhưng tôi lại nghi ngờ có điều
gì bí ẩn, chứ người láu lỉnh như anh ta mà lại mê kinh kệ thì khó tin.
Nhưng cũng không lạ bằng chuyện sau
đây. Khoảng hai tháng, sau khi qui y, một buổi sáng anh ta đến nhà, tôi ra tiếp
ở phòng khách. Vừa thấy vẻ mặt nghiêm trang, tôi đoán có gì bất thường đây? Quả
nhiên anh ta nói với tôi, giọng rề rà, giống hệt của nhà sư thuyết pháp
"Khi biết rõ vạn pháp đều là hư huyễn, con người sẽ giải thoát khỏi mọi xiềng
xích của chấp thủ ràng buộc" Rồi giải thích cho tôi nghe rằng "Nhờ đi
chùa nghe kinh, anh đã giác ngộ. Thấy cuộc đời sắc sắc, không không, anh không
còn ham muốn chuyện công danh, sự nghiệp, vợ con. Vài tháng nữa anh sẽ xin đổi
về vùng Hà Tiên, Châu Đốc, rồi anh sẽ xin từ chức, cạo đầu lên núi Tà Lơn, lập
cái am nhỏ làm ông sư. Nhờ em thưa lại với mẹ, anh xin từ nay không đến nhà nữa,
xin coi anh như người đã lánh khỏi bụi trần, không màng chuyện thế gian"
Tôi nghe thế, vội chạy vào kêu mẹ tôi ra. Với mẹ tôi anh ta cũng trình bày đại
khái như vậy. Nói xong anh ta xin cáo từ không kịp cho mẹ tôi nói tiếng nào. Từ
đó, anh ta biệt tích, không đến nhà, ngoài đường cũng không gặp? Ba tôi chỉ cười và bảo "Cuộc đời sắc sắc,
không không. Cứ để yên cho nó tu thành chánh quả" Mẹ tôi mất tinh thần hơn
cả tôi nữa. Bà thở dài, bối rối. Cuối cùng bà sai thằng em tôi đón xe thồ lên
quận gọi anh ta về gặp mẹ tôi gấp. Vừa gặp mặt anh ta, mẹ tôi nói ngay
"Thôi, con khỏi qui y, đừng đi chùa, đừng tụng kinh, gõ mõ, đừng gặp mấy
thầy nữa. Con xin phép về trong Nam, mời ba má con ra đây ngay. Mạ cho làm đám
hỏi, đám cưới chung một lần cho tiện" Anh chàng coi bộ không hăng hái lắm,
cứ nại chuyện tuổi tác, rồi không hợp ngày tháng. Mẹ tôi gạt ngang "Đừng
tin ba cái chuyện mê tín đó. Bên Tây, bên Mỹ có ai coi thầy bói khi lấy vợ, lấy
chồng đâu mà chúng cứ mạnh khỏe, giàu có hơn mình. Con cứ nghe lời mạï, về quê
mời ba má con ra đây. Mọi việc chuẩn bị, mạ ngoài nầy lo cho" Thời bấy giờ,
đám cưới ở Việt Nam không giống như hiện nay, ít rườm rà nhưng người dự tiệc cưới
đông lắm. Bà con, bạn bè ngồi chật cả nhà hàng. Lúc cô dâu chú rễ đi chào
bàn
nghĩa
là đến
từng bàn để cám ơn quan khách thì chàng dặn tôi "Em cẩn thận khi đến bàn bọn
bạn của anh. Nhớ trả lời sao cho chúng không chọc ghẹo được" Bạn chàng là
mấy ông sỹ quan trẻ trong tiểu khu hoặc các đơn vị tác chiến như nhảy dù, thủy
quân lục chiến. Mấy ông trời con nầy thì khỏi nói. Sống nay chết mai nên hễ có
dịp dừng quân trong thành phố là nhậu nhẹt, ca hát tưng bừng. Ăn nói thì ẩu tả
hết biết. Thế nên, vừa đến bàn các ông là có người lên tiếng ngay "Xin hỏi
cô dâu. Tụi tôi đây, đứa nào cũng đẹp trai, con nhà giàu học giỏi, trồng cây si
cô mấy năm nay, sao cô không để mắt đến lại chọn anh bạn tôi làm chồng?"
"Thưa mấy anh. Mấy anh quả có đẹp trai học giỏi, nhưng chẳng có anh nào
xin cưới tôi cả!" Cả bàn vỗ tay, gõ chén và cười ầm ĩ. Một người khác hỏi
chú rễ "Nghe nói chú rễ đi tu rồi sao còn cưới vợ?" "Tôi định đi
tu nhưng thấy nhà cửa bề bộn quá. Áo quần không ai giặt, cơm nước không ai nấu,
ngày nào cũng gặm bánh mì gãy răng..." Ông ta kêu lên "Chú rễ lầm to
rồi! Tôi vừa li dị vợ tôi cũng vì chuyện nhà cửa bê bối..." Tôi đỡ lời chồng
tôi "Tôi về sẽ phụ với ảnh làm cho nhà cửa bề bộn hơn, gặm bánh mì nhiều
hơn"
Tôi không có máu tếu, nhưng từ khi hai
đứa tôi được gia đình cho phép, thường đi chơi với nhau, tôi phải phát huy tinh
thần cảnh giác với những câu nói ba trợn của chàng và giáng trả đích đáng. Nhờ
thế hai đứa tôi rất ăn ý nhau.
Cưới xong, chồng tôi đưa tôi về quận, ở
một căn nhà sau quận đường. Bữa đầu, ông thiếu tá quận trưởng mời cơm nhân viên
quận và chi khu để giới thiệu gia đình mới là chúng tôi với họ. Ai cũng cười
vui vẻ và bảo "Bà phó chuẩn bị điên cái đầu vì ông phó đi thì vừa. Ông ấy
nói tếu dữ lắm, gì cũng tếu được!" Nhân dịp đó, ông quận trưởng kể lại
chuyện ngày đầu, chồng tôi đến nhận nhiệm sở "Sáng bữa đó, ông phó (chồng
tôi) xuống xe đò trước cổng quận rồi xăm xăm xách cái cái cặp đi vào quận đường.
Nghĩa quân gác cổng chận lại hỏi Anh kia đi đâu
đó? Ông
phó
bảo Em
đi
xin việc
Tay nghĩa
quân
lắc đầu Việc
chi trong ni mà xin? Ở đây chỉ cấp giấy tờ thôi. Đi chỗ khác mà xin việc Ông
phó
làm
ra vẻ ngây thơ Nghe nói trong ni cần người
làm phó quận, nên em vô xin làm phó quận Tay nghĩa quân
trợn mắt lên Anh giỡn chơi sao? Phó quận học sói đầu
chưa làm được. Anh bằng cấp chi mà đi xin việc đó? Dạ
em có bằng đốc sự Đốc tờ thì qua bên bệnh xá quận mà xin
việc Ông
phó
làm
bộ năn nỉ Em đi xin việc thiệt mà! Có giấy tờ đàng
hoàng. Đây giấy nầy đây. Nhờ anh vô đưa cho ông quận, nếu anh không đưa vô thì
em đi vêà, anh chịu trách nhiệm nghe! Tay nghĩa quân
nghe nói
trách
nhiệm sợ quá mới cầm tờ sự vụ lệnh trình tôi và thưa Có
cậu học trò đưa tờ giấy nầy, nói xin việc làm với thiếu tá
Tôi
vội chạy ra đón ông vào. Ông ta mới ra trường nên trông như cậu học trò, lại mặc
áo trắng quần xanh nữa, tay nghĩa quân lầm cũng phải. Trên đời, tôi chưa thấy
ai đi nhận nhiệm sở kiểu đó bao giờ!"
Thường
thì, sau giờ làm việc, tôi đã sẵn sàng để phóc lên chiếc gắn máy cùng chàng chạy
linh tinh khắp các làng xóm, len lỏi qua các lũy tre, ruộng đồng, dừng dọc đường
chọc ghẹo, chơi đùa với bọn con nít rồi chạy về thành phố ăn cơm hàng cháo chợ.
Tuyệt đối, chẳng bao giờ thấy chàng héo lánh tới chùa chiền, nhắc tới kinh kệ.
Tôi hỏi, chàng bảo "Được vợ rồi thì tu làm gì nữa!" "Nhưng sao hồi
đó anh mê kinh kệ đến nổi ở lại chùa nghe giảng kinh, lại còn bảo sắc sắc,
không không, không cần vợ con, còn đòi lên núi Tà Lơn lậäp am tu hành?" Chồng
tôi thản nhiên giải thích "Anh ở lại chùa để đánh cờ tướng với sư ông chứ
nghe kinh kệ gì đâu? Còn chuyện sắc sắc, không không là do ba em chỉ cách để
anh được cưới em cho nhanh" Tôi kinh ngạc "Em có thấy anh chuyện trò
gì với ba em bao giờ. Mà hai người đâu có thân mật đến độ bày kế cho anh?"
"Chỉ làm mặt lạ lúc anh đến nhà thôi. Anh thường vào tiểu khu cùng ba em
đi uống cà phê. Anh phải gây cảm tình với ba em trước, ba em chịu anh lắm mới
bày mưu cho anh, chứ anh làm sao nghĩ ra sáng kiến kỳ diệu đó!!" Thật hết
chỗ nói! Không ai ngờ được hai người đàn ông đó lại đi đánh lừa ngay cả đến những
người thân yêu nhất của mình?! Từ đó, tôi chẳng bao giờ tin những gì chàng nói.
Ngay cả đến chuyện văn chương thơ phú, cũng chẳng thấy chàng nhắc đến. Một lần
tôi hỏi "Chắc hết yêu em nên anh không còn làm thơ nữa?" Chàng lại tỉnh
bơ "Được vợ rồi thì thơ thẩn làm gì cho mất thì giờ, lại phải mang ơn người
ta" "Làm thơ đăng báo mà chịu ơn ai?" Chàng làm bộ thiểu não
"Anh mà thơ thẩn gì! Anh nhờ thằng bạn thi sĩ làm thơ rồi để tên anh là
tác giả, còn đề là anh tặng em..." "Bạn anh tên gì? Cho em biết địa
chỉ được không?" "Đừng xài xể người ta, người ta làm ơn mình mới nên
vợ chồng" "Em đâu có xài xể anh ta. Em hỏi địa chỉ để cuốn gói theo
anh ta!" Chàng cười "Thiệt hay giỡn đó cha nội? Nếu em nói thiệt thì
chờ anh giết hắn rồi em đến phúng điếu" Chồng tôi chuyên chọc ghẹo tôi chứ
chưa bao giờ nói chuyện gì nghiêm trang, nhất là khi chỉ có hai đứa thì chàng kể
chuyện tiếu lâm. Gặp bất cứ gì chàng cũng có sẵn một chuyện vui để kể, đi ngang
qua nhà thờ là có ngay một chuyện về ông cha, ngang qua chùa là có ngay một
chuyện về nhà sư.
Một hôm chúng tôi dừng xe gắn máy trong
một xóm quê. Có con gà trống rượt con gà mái. Tôi mắc cỡ nhìn chỗ khác, nhưng
chàng cứ khều tôi "Nhìn kìa, mấy con gà đánh nhau" "Kệ nó. Đi
cho rồi. Lẹ lên" Hai con gà rượt nhau, náo loạn cả khu vườn. Chàng nói
"Để anh kể cho em nghe một chuyện cổ tích. Ngày xưa các loài vật trên trần
thế đều nói được tiếng người. Nhưng loài vật thường để lộ thú tính chứ không
che dấu như loài người. Đã vậy, mỗi khi làm chuyện bậy bạ, chúng đem kể cho
nhau nghe một cách thích thú. Thượng đế nghe các thần báo cáo, bèn ra lệnh cấm,
hễ đứa nào nói chuyện bậy bạ thì sẽ phạt nặng tất cả các loài thú. Thế là từ đấy,
tất cả các thú vật đều bị thượng đế trừng phạt, chúng không nói được tiếng người
nữa" Tôi tò mò "Nhưng chúng nói bậy bạ gì mà bị thượng đế phạt như vậy?"
"Số là như thế nầy. Một hôm thượng đế đi dạo chơi, qua một xóm nhà thôn
quê. Ngài thấy một con gà trống rượt con gà mái chạy có cờ. Con gà mái chui
rào, nhảy lên đụn rơm, phóng qua đống củi...Vậy mà con gà trống cứ đuổi theo,
càng lúc càng gần. Cuối cùng con gà trống bắt được con gà mái và đè xuống. Con
gà trống xong việc mới buông ra, bỏ đi. Lúc đó con gà mái mới la chói lói
"Vừa đau vừa rát! Vừa đau vừa rát!" Con gà trống thì vỗ cánh gáy. Đời
chỉ có thế mà thôi! Gà con thấy thế, sợ quá, chạy núp vào bụi
cây, kêu thất thanh "Khiếp, khiếp! Có con chó con chạy ra hỏi Đâu,
đâu?.
Tôi
ngượng
đỏ mặt, ngắt véo chàng "Nói chuyện bậy bạ!" "Thì chúng nói bậy bạ
như thế mới bị thượng đế phạt, không cho nói tiếng người. Nhưng em phải nhớ một
điều. Dù thượng đế có độc tài bao nhiêu cũng không cấm được súc vật hành sử quyền
tự do tư tưởng của chúng" "Bộ muốn triết lý gì đây?" "
Không triết lý gì cả. Vấn đề là hai con gà đó nghĩ gì khi rượt đuổi nhau. Em biết
không?" "Anh nghĩ bậy bạ thì có chứ gà vịt mà biết suy nghĩ gì!"
"Đừng xem thường loài vật. Tại sao con chó vẫy đuôi mỗi khi thấy người
trong nhà và sủa khi thấy người lạ? Đó là tình cảm. Hai con gà đó cũng có suy
nghĩ, tình cảm như anh với em vậy" "Tôi biết ông sắp nói bậy gì đây?
Nhưng chỉ nói chúng suy nghĩ gì thôi nghe. Không được nói bậy" "Được
rồi! Nó như thế nầy. Trong lúc rượt đuổi nhau, cậu gà trống nghĩ rằng "Nếu
mình rượt con nhỏ nầy mà bắt không được nó thì coi như mình chạy thể dục, đâu
có sao!" Còn chị gà mái vừa chạy vừa nghĩ "Không biết mình chạy có
nhanh lắm không? Sợ ảnh rượt không kịp! Hay là mình làm bộ mệt và nằm xuống?..."
" Lại nói bậy nữa! Thôi nổ máy xe, đi kiếm gì ăn. Đói bụng rồi!"
Nhiều khi nhớ lại những chuyện chàng đã
kể, tôi phì cười một mình!
Nhưng
cười lắm thì cũng có lúc khóc. Đó là ngày Miền Nam sập tiệm, năm 1975, chàng đi
tù cải tạo. Tôi nhớ chàng, tôi khóc. Nghe tin có tù cải tạo chết, tôi cũng khóc
vì lo cho chàng. Tôi mang cái bụng bầu về ở với mẹ và các em tôi. Ba tôi cũng
đi tù cải tạo. Các em tôi nghỉ học. Con trai thì đứa sửa xe đạp, đứa mua bán Răng
vàng,
bạc vụn, mắt kiếng, đồng hồ.... Con gái tụi tôi làm
bánh, vấn thuốc điếu đi bỏ mối cho các bà bán bên đường. Tôi với mẹ tôi ngồi đầu
chợ, mua rồi bán tại chỗ bất cứ gì người ta đem đến, từ đôi dép cũ đến chiếc áo
mới, quạt máy, đồng hồ, đủ thứ linh tinh. Khi sinh thằng con, tôi nghỉ chợ ít
lâu rồi cũng mang nó theo ra ngồi lê lết đầu đường xó chợ. Nó vừa chập chững biết
đi, tôi hy vọng chàng về để nhìn con biết đi, vậy mà chẳng thấy. Khi con biết
nói, tôi tập cho con vòng tay Thưa ba, chàng vẫn chưa về. Khi con bịnh, tôi ngồi
ôm con suốt đêm, mong chàng về tiếp tay để tôi được ngủ một chút. Vậy mà chàng
vẫn chưa về! Người ta đày chàng ra tuốt ngoài Bắc, lên vùng rừng thiêng nước độc,
tôi chẳng gặp được chàng. Hai năm sau mới được thư chàng, tôi lại khóc. Tôi bán
chiếc nhẫn đám hỏi, bán luôn chiếc nhẫn cưới để có tiền xe, tiền quà ra Bắc
thăm chàng. Thằng con tôi mừng lắm vì được cho đi theo thăm ba. Khi gặp chàng,
tôi ngạc nhiên không hiểu nhà tù cho ăn thứ gì mà chàng cao quá, như cây tre miễu!
Nhưng khi thấy chân tay chàng khẳng khiu, má tóp lại...tôi mới biết là vì ốm
quá nên tưởng như cao thêm. Ngồi trong nhà thăm nuôi, thấy chàng từ trong trại
tù đi ra, tôi bảo thằng con "Con đến vòng tay thưa ba con, là người cao nhất"
Trời sinh cũng lạ, hai cha con nhận ra
nhau ngay! Tôi đứng nhìn chàng mà người cứ run lên, nước mắt chảy dài. Những
người thăm nuôi ngồi một dãy, đối diện với người thân là tù, giữa là một bàn
dài, trên bàn để thực phẩm thăm nuôi. Hai cha con thủ thỉ với nhau, rồi chàng
cười, cười tự nhiên chứ không phải cười chọc quê tôi như trước đây. Tôi đã nghĩ
trước biết bao chuyện sẽ kể cho chàng, vậy mà chưa nhìn cho vừa mắt, chưa kịp
nói gì cả, cán bộ coi tù báo đã hết mười lăm phút thăm nuôi. Tù đứng dậy bước
lui mà mặt còn ngoảnh lại. Người thăm nuôi thì khóc...Thôi, tôi muốn kể chuyện
vui.
Hơn sáu năm sau, hôm đó là trưa hăm ba
tháng chạp, đưa ông Táo về trời. Cả nhà đi vắng, chỉ mình tôi với thằng con lui
cui dưới bếp, bỗng nghe tiếng gõ cửa. Tôi dẫn thằng con lên nhà trên, thấy một
ông đứng sau cánh cửa hỏi vọng vào, giọng "Huế" (bắt chước) "Cỏ
ai tong nhà khôn? (Có ai trong nhà không?) "Có tôi. Ai hỏi chi đó? Ông
ta lại hỏi "Cỏ vợ con tui tong ni khôn?" Tôi ngạc nhiên "Ai hỏi
chi lạ rứa? Vợ con ông mô có ở đây?" Chàng thò mặt vô, nhăn răng cười
"Vợ con đây nì!" Tôi ôm chàng khóc, thôi, nước mắt nước mũi tùm lum.
Thằng con tôi đứng nhìn, rồi chợt nhận ra kêu Ba!
Tôi
ôm
chàng
khóc
đã
đời
mới biết người chàng hôi rình. Tôi bắt chàng đi tắm rồi cầm cái tô bự, dẫn thằng
con ra đầu đường mua tô phở. Tôi thêm cơm nguội vào tô phở cho được nhiều và ngồi
nhìn hai cha con thay phiên nhau xúc cơm ăn theo lối "Ba một muỗng, con một
muỗng!"
Tưởng
đi tù cộng sản về chàng sẽ đàng hoàng
không
ngờ, tính ba trợn vẫn không chừa. Hễ có dịp là chọc ghẹo tôi. Tôi là dân đầu đường
xó chợ mấy năm nên tôi biết cách đối phó, tôi đáp chát thẳng thừng, vậy là
chàng chịu thua. Chàng hành nghề đạp xích lô, người chàng cao nên trông chiếc
xe như dẹp lại. Vậy chứ hễ khách nào chịu nói chuyện là chàng cúi xuống cho gần
tai khách, miệng tía lia. Nhiều bà ngồi trên xe cười nghiêng ngửa như bị thọc
lét. Tôi tức lắm nhưng chỉ để bụng, sợ nói ra chàng sẽ chế giễu.
Năm đó ba tôi cũng được thả về. Bấy giờ
thì sự thân mật giữa hai người không cần phải che dấu để đánh lừa người trong
nhà như trước ngày tôi lấy chồng. Chiều nào hai người cũng lai rai bên xị rượu
đế, chén
bố, chén con, thúc giục lắm mới chịu vào ăn cơm. Mấy năm
sau thì có vụ tù cải tạo đi Mỹ theo diện HO.
Cả nhà tôi đều đi Mỹ cùng một lần. Tôi
và chàng sản xuất thêm được hai thằng nhóc nữa. Ba anh em chúng nghịch ngợm
không thua gì ba nó, khiến cho ông bà ngoại chịu không thấu. Những người đi HO
đến Mỹ thường được hưởng trợ cấp tị nạn khoảng tám tháng. Đó thời gian để học
tiếng Anh. Ba mẹ tôi đã già, chẳng thèm đi đâu cả, mấy bạn lính, bạn tù thường
kéo đến thăm, ngồi chật cả căn phòng thuê trong một chúng cư. Vợ chồng tôi cũng
ở một căn riêng. Buổi sáng đón xe bus đi học, trưa về. Chồng tôi gặp được bạn học,
bạn tù, tụ tập trò chuyện vui vẻ, vô tư, tưởng như ở Mỹ là thiên đàng, khỏi cần
làm vẫn có ăn. Các ông còn hẹn nhau đến nhà nhậu nhẹt. Xứ Mỹ, thực phẩm rẻ đui,
mua về chế biến, nấu nướng, thêm chai rượu, kết bia là mặc sức. Các ông cứ luân
phiên, hết nhà nầy đến nhà kia.
Từ ngày đi tù cộng sản về, rồi qua Mỹ,
các ông bị xếp hạng sau chó và mèo, các
ông thất thế, xếp re, các bà vợ lợi dụng tình hình, lên làm chủ gia đình. Tiền
bạc các bà thâu tóm nên mới có chuyện thỉnh thoảng tôi tặng chàng vài chục đô,
góp vui với bạn bè. Nhiều khi tôi quên móc túi là chàng la cà, nói quanh co tìm
cách xin tiền. Chuyện nhậu nhẹt của các
ông làm các bà bực lắm, không phải tốn kém hay ồn ào mà là sau khi các ông nhậu
xỉn về nhà làm phiền các bà. Rất nhiều chuyện về các ông say xỉn được báo chí mỉa
mai, vậy mà các ông không biết xấu hổ mà còn đem khoe. Bà bạn tôi kể lại một
chuyện mà tôi chẳng tin được. Đó là ông chồng cận thị nặng của bà ta. Một đêm
nhậu say về, mò vô phòng, lầu bầu với vợ "Cái bóng đèn trong cầu tiêu bị
cháy, sao em không kêu thằng quản lý cho bắt cái khác" Bà vợ hỏi "Anh
vô đó làm gì?" "Thì vô đi tiểu" Sáng ra mới biết rằng ông ta tè
ngay vào tủ áo quần gần đó! Lần khác, khuya về ông ta lại khen vợ "Em mới
cho bắt cái đèn tự động trong cầu tiêu thật là tiện lợi. Vừa mở cửa là đèn sáng
trưng" Bà vợ kêu trời "Thôi chết! Ông tè vô tủ lạnh rồi!" Các
ông cứ nhậu xỉn, chẳng cần biết ngày mai. Chỉ có bọn đàn bà chúng tôi là lo xa,
không biết hết thời gian trợ cấp sẽ làm gì mà sống đây? Tiếng Mỹ thì bọn phụ nữ
chúng tôi đâu có rành như mấy ông, thế nên khi về nhà, lúc rãnh rỗi, tôi đem
quyển Anh Văn Thực Hành ra mà học. Một hôm đi nhậu về, thấy tôi ngồi học, chàng
bảo "Em nên nhớ, tiếng Anh trong sách khác với đàm thoại rất xa. Khi nói
chuyện, cần phản xạ thật nhanh, không được suy nghĩ. Anh thí dụ cho em thấy.
Bây giờ anh hỏi, em phải trả lời ngay, giống như cái máy mới được. Anh hỏi dễ lắm.
Em chuẩn bị nghe! Cám ơn tiếng Mỹ nói sao? Nhanh lên!" Tôi
nhanh miệng trả lời "Thanh kiu (thank you)" "Đúng rồi Cám
ơn, ông
nói
sao? Nhanh lên!" Tôi
lại nhanh miệng trả lời "Thanh kiu, du (thank you, you!)" Chàng hả họng
ra cười "Đó, em thấy chưa? Anh nói có sai đâu!" Tôi nổi xùng ném cả
quyển sách vào chàng và bỏ vào phòng. Chàng theo vào, ngồi bên cạnh. Tôi xô ra,
chàng lết lại gần rồi ôm vai tôi, nói gì đấy, tôi chả thèm nghe. Lạ thật, lần
nào cũng vậy, đang giận mà chàng ôm một lúc là tôi hết giận ngay! Chàng tỉ tê
"Anh xin lỗi. Ra đây anh chỉ cho em mấy câu thực hành, đừng thèm học trong
sách, mất thì giờ" Thực ra thì lỗi đâu ở chàng, nhưng thỉnh thoảng tôi lại
giận để được chàng dỗ dành. Rồi thì tôi lại ra bàn học, chàng ngồi bên cạnh
"Ở Mỹ người ta ít khi chào nhau bằng những tiếng như mo ning, i vơ ning
(morning, evening) hay xơ, mêm (sir, ma ùam) rắc rối. Anh chỉ em một câu thôi,
chào buổi sáng, buổi chiều, chào ông, chào bà, chào em bé...cũng dùng một câu
là đủ" Tôi cảnh giác "Đừng có xạo tôi mấy câu như nô
xì
ta hoe
(no star where) là không sao đâu
hay ai
đu
sao, tôi
đu
theo...Xưa
rồi!" Chàng long trọng "Không có đâu. Học ra học, chơi ra chơi. Để
anh viết ra, em đọc sẽ hiểu ngay" Rồi chàng viết lên giấy "Are you
hoinash?" và nói "Em cứ học thuộc câu này, gặp người Mỹ, chỉ xài câu
nầy vừa nhanh vừa dễ. Lúc nào, nơi nào cũng xài được. Nếu hai người trở lên thì
dùng số nhiều là hoinashes" Tôi hỏi
"Nhưng chữ "hoinash" nghĩa là gì?
Chàng
đi
ra cửa, mở cửa và đứng ngoài cửa thò đầu vào "Chữ đó mà cũng không biết.
Hoinash là hôi nách. "Are you hoinash? Mầy có hôi nách không?" Tôi ra
khóa cửa lại, không cho chàng vào nhà cho đến khi mấy đứa con đi học về, tôi mới
ra mở cửa, thấy anh chàng ngồi dựa lưng vào tường, ngủ ngon lành. Sau nầy, nhiều
lần chàng gạ tôi để chàng dạy tiếng Anh cho tôi, nhưng tôi bảo "Cám ơn.
Ông vô nhà thương điên mà dạy cho họ"
Trong thời gian lãnh trợ cấp, các ông
đi làm thêm lãnh tiền mặt, giành giụm để mua mỗi ông được một chiếc xe cũ. Chồng
tôi cũng tha về một chiếc. Một buổi sáng chủ nhật chồng tôi dặn "Cả nhà
không được đi đâu, chờ ba đem xe về đi chơi" Khoảng chín giờ sáng, nghe tiếng
're re' như dế kêu trước nhà, tôi dòm qua cửa sổ, thấy chàng đang đứng chống nạnh
bên một chiếc xe cũ, coi bộ oai phong lắm. Tôi vội bảo bọn nhỏ "Ra coi xe
ba mới đem về kìa!" Lũ trẻ ùa ra, reo hò, mừng rỡ, tôi cũng tò mò ra xem.
Chàng mở cửa xe "Mấy đứa ngồi hết phía sau. Phía trước để mẹ ngồi"
Tôi nói "Để vào thay đồ đã" "Không cần. Chạy một vòng chơi chứ
có đi chợ hay đến nhà ai đâu" Sau khi cả nhà ngồi vào xe, chồng tôi bắt đầu
biểu diễn "Coi đây nè!" Không biết chàng bấm chỗ nào mà cửa xe nghe
'khè khè' và kiếng xe bỗng hạ xuống, rồi lại ' khè khè', cửa kiếng lại kéo lên
"Coi kiếng chiếu hậu nè!" Rồi 'cộc cạch, cộc cạch' nho nhỏ, kiếng chiếu
hậu ở ngoài xe bỗng quay phải, quay trái rồi vễnh lên, quặp xuống, giống như ma
làm. Chồng tôi giải thích "Xe cộ đời nay có cái tiện lợi ở chỗ điều khiển
bằng 'điện tử' (?), khỏi tốn sức lao động. Mấy đứa con có thấy cái nút chỗ tay
dựa chưa? Bấm tới, kiếng chạy lên, bấm lui, kiếng chạy xuống. Làm thử coi? Đúng
rồi! Còn kiếng chiếu hậu chỉ có người lái xe điều khiển nó mới quớt
(work)"
Chồng tôi bắt đầu cho xe ra đường, chạy
lòng vòng ngoài phố, trong lúc đó mấy đứa nhỏ ngồi ghế sau cứ bấm nút cho cái
kiếng xe cửa sau chạy lên, chạy xuống. Chồng tôi chăm chỉ lái xe nên không để
ý. Được một lúc thì tôi nghe tiếng thì thầm phía sau "Chết. Tao mét ba, mầy
làm hư rồi. Kiếng không chạy lên nữa!" Chồng tôi hỏi "Cái gì đấy?"
Bọn nhỏ im re! "Ba cho xe ra xa lộ nghe. Ngồi cẩn thận!" Chiếc xe rời
khỏi đường nhỏ, bắt đầu nhập với giòng xe đang lao vun vút hai bên. Chồng tôi
cũng nhấn ga. Chiếc xe gầm lên, phóng tới như con sư tử băng mình trên sa mạc
hoang vu. Nhưng chỉ được một quãng nó như đuối sức, chạy chậm dần (nhưng vẫn tiếp
tục gầm rú). Nó giống mấy cô cậu hát cải lương, gần chết mà vẫn ngóng cổ lên ca
đủ sáu câu mới chịu gục xuống.
Tôi nhận thấy, chiếc xe nầy, chồng tôi
mua, tinh thần chiến đấu thì cao, nhưng về mặt thể chất thì không khá lắm. Giống
mấy ông già trong trại cải tạo được thả về, chẳng xài được vào việc gì cả! Xứ Mỹ tự do nên chiếc xe muốn ngừng chỗ nào
thì nó ngừng. Đang trên xa lộ, rồi thì nó bỗng khò khè như lên cơn suyễn rồi khục
khặc ho và ỳ ra đó. Chồng tôi tấp xe vào bên lề. Chàng giở nắp xe, rờ rờ sợi
dây, ống nước có vẻ thợ thuyền lắm, rồi lại mở máy. Chiếc xe cười khặc khặc mấy
tiếng rồi tắc thở vĩnh viễn. Cả nhà xuống xe, đứng nép bên đường, nhìn chiếc xe
với cái nắp xe chống lên như con quái vật đã chết, mồm há ra. Giả sử như nó có
linh hồn, có lẽ linh hồn nó đang đi đi, lại lại trước mặt chúng tôi, nhìn chúng
tôi mà cười mỉa mai, khinh bỉ Cái đồ mạt rệp mà cũng đòi xe với cộ!
Thời may có chiếc xe cảnh sát dừng lại, ông ta giúp chúng tôi gọi xe tô (tow) về
nhà. Rồi lại tô đi sửa! Bao nhiêu tiền dành giụm đem bỏ vô chiếc xe cũ. Mà tiệm
sửa xe nào cũng như chiếc tàu há mồm, bỏ tiền vào bao nhiêu cũng không đủ, xe
chạy ít lâu cũng lại nằm đường. Chồng tôi là người tốt bụng, định kêu bạn bè
cho chiếc xe, nhưng tôi cản lại "Muốn bị chúng đập cho một trận hay sao mà
đem cho người ta!?" Lại phải tốn tiền kêu xe tô đến kéo đi vất bỏ.
Chẳng phải chỉ riêng chồng tôi mà hầu
như mấy ông đi HO qua cũng đều như thế cả. Khổ nỗi là mấy ông nghe người bán tả
chiếc xe cũ của họ cứ như xe của mấy ông hoàng các xứ dầu lửa Trung Đông không
muốn xài xe quá đát Xe còn rất tốt, nhưng tôi thích đi xe mới,
sang trọng hơn. Anh cần xe thì tôi lấy tượng trưng. Đồng hương mới qua, tôi muốn
giúp đỡ
Sau nầy mới biết rằng cái giá tượng trưng đó là cái giá cắt cổ. Chẳng có ông bà
Việt Nam nào có xe đang chạy được mà bán đi để mua xe mới cả. Nó banh
xà
rông đến
độ hết thuốc chữa nên người chủ mới gạ bán cho mấy anh mán ngơ ngáo, trên rừng
mới xuống là mấy ông HO mới đến Mỹ.
Trở
lại chuyện ông chồng thân yêu của tôi, chiếc xe đã dạy cho chàng một bài học là
đừng tin, đừng chờ ai giúp đỡ cả. Ở xứ Mỹ nầy không thể cứ cà rỡn mà sống được.
Phải làm như con trâu, phải kiếm tiền trước đã rồi muốn đùa vui gì thì đùa. Thế nên chàng bàn với
tôi là chàng sẽ cày hai jobs, để tôi rãnh rang đi học một nghề. Chàng bảo tôi
nên học nghề hớt tóc để đè đầu, đè cổ thiên hạ cho bỏ ghét. Chàng dậy lúc năm
giờ, đi làm đến chiều, về ăn chút đỉnh lại đi làm tiếp, khuya mới về, lặng lẽ lục
cơm, ăn xong lăn ra ngủ. Không có ngày lễ, chủ nhật hay vacation gì cả. Cái máy
nói tếu hết điện rồi! Mặt chàng dài thòng, méo xẹo vì vất vả và mất ngủ. Tôi học
nghề về là đi chợ, nấu ăn, lo việc gia đình, tối còn đi học thêm tiếng Anh
(ESL) nên ít khi gặp chàng.
Tôi
học nghề hớt tóc đến một năm rưỡi, thi tốt nghiệp xong còn phải thi ở tiểu bang
mới có giấy phép hành nghề. Nghe tôi thi, lấy bằng xong, chàng mới cười, hai
con mắt coi bộ sáng lên vẻ tinh nghịch của cậu học trò phó
quận
ngày
trước.
Chàng đã giảm bớt thời gian làm việc để ở nhà mà chọc ghẹo tôi và mấy đứa con.
Sống với chàng mấy mươi năm, tôi đã lây
cái cách nói không giống ai, nên giao thiệp với người khác, tôi thường gây ngạc
nhiên cho họ khi trả lời bằng những câu tréo cẳng ngỗng, chẳng nghiêm trang,
đôi khi quá
bậy.
Chẳng hạn đi ăn đám cưới thì bảo là đi đóng hụi chết,
đi
phúng
điếu
người quá cố, tôi cứ quen miệng như chàng, nói là đi
chia thịt!.
Nhưng
rồi một hôm, tôi long trọng mời chàng ra khỏi nhà. Nguyên nhân như thế nầy. Tôi
có bằng hớt tóc rồi nên đi xin việc. Một tiệm hớt tóc nhận tôi vào làm thử. Tôi
về báo cho chàng tin đó. Chàng hăng hái giảng cho tôi một bài dài về cách giao
thiệp với khách hàng "Người Việt mình thường nói Tiếng
chào cao hơn cổ Người Mỹ rất thích người lịch sự, hay
chào hỏi. Em mới ra nghề, làm gì cũng có sai sót, cứ "sorry!" là họ
vui lòng. Những bà Mỹ già khó tánh nhất, phải cẩn thận! Nhưng nếu em biết đánh
trúng tâm lý, chẳng hạn nói là Lúc trẻ có lẽ bà đẹp lắm nên bây giờ
trông bà vẫn còn đẹp là bà nào cũng thích" "Ở
thị trấn mình cũng có người Việt. Lúc còn ở Việt Nam, em thấy đàn ông, con trai
Việt Nam hớt nhiều kiểu kỳ cục lắm. Người thì xù
lông
nhím,
tóc
dựng đứng lên, người lại cạo có nửa cái đầu, người thì hớt kiểu kinh
hoàng,
những kiểu đó không có trong catalogue thì em phải hớt cách nào?"
"Người Việt ở Mỹ ít khi để ý đến đầu tóc. Có kiểu cọ lắm thì cũng theo
catalogue cho giống Mỹ. Nhưng đơn giản nhất là sau khi hỏi khách có phải là người
Việt không? Nếu phải thì chỉ cần hỏi một câu Cắt dài hay cắt ngắn
đây?
Rồi cứ thế mà cắt ngắn, cắt dài" Tôi nghe chàng giải thích nên yên tâm. Những
ngày đầu, gặp người Mỹ tôi chỉ cần lịch sự, khen họ đẹp, mái tóc họ chọn rất hợp
với khuôn mặt là ai cũng dễ dãi, vui vẻ. Một buổi chiều, có một người khách Á
Châu bước vô, tôi theo lời chàng, hỏi có phải là người Việt không? Ông ta gật đầu
nói phải. Tôi hỏi tiếp "Cắt dài hay cắt ngắn đây?" Ông ta trợn mắt
lên kinh ngạc. Tôi hỏi lại lần nữa" "Cắt ngắn hay cắt dài?" Ôâng
ta mới hiểu và phá ra cười và nói "Tôi thì chỉ trung bình thôi. Không ngắn
không dài" Ngồi vô ghế ông ta vẫn còn cười.
Chiều đó, tôi về nhà soạn hết áo quần,
giày dép, mền gối, kể cả cái bàn chải đánh răng của chồng tôi, tất cả dồn vào một
cái bao, để trước cửa. Khi thấy ông chồng ba trợn đi làm về, vừa bước xuống xe
là tôi đưa ngay cái bao vật dụng đó và xổ một câu tiếng Mỹ I
love toilet you go go! (tôi yêu cầu anh đi đi!)ø. Chàng ôm mấy gói
"tư trang" bỏ vào xe và lặng lẽ lái đi.
Bạn
thử đoán xem, tại sao tôi đuổi chàng đi?
PHẠM THÀNH CHÂU