Wednesday, July 6, 2022

2514. TRẦN HOÀI THƯ La Strada


La Strada là cuốn phim làm chấn động một thời tuổi trẻ chúng tôi.

 

Người đã giới thiệu chấn động ấy là giáo sư Nguyễn Nam Châu. Ông giới thiệu La Strada trên tạp chí Đại Học Huế cách đây gần 70 năm. Nêu không có NNC thì cuốn phim cũng như mọi cuốn phim khác, vì lúc ấy chúng tôi là học sinh trung học, không đủ ý thức, nhận định về triết học, và những hòn ngọc trân châu từ cuốn phim.

 

Ra hải ngoại. hâu như tên Nguyễn Nam Châu không còn trong ký ức. Phải đợi đến khi đọc bài của nhà văn Thế Phong nói xáu NNC , chê NNC thậm tệ như đạo văn, hay mượn tay Phạm Công Thiện để "phang" NNC không biết viết nhận dịnh, tham khảo... Tôi không tin. Một giáo sư đại học lại có những việc làm hạ cấp như vậy sao? Bản chất thám báo một thời của thời trổi dậy. Tôi phải tìm ra sụ thật. Nguyên Nam Châu là ai ? Những nhận định của nhà văn Thế Phong, Phạm Công Thiện có đúng không?

 

Và ngày và đêm với vòng quay của bánh xe lăn, thay vì dùng kinh nghiệm chiên trường, tôi dùng những lời cầu nguyện. Cái khó là thư viện Cornell không cho phép vào kệ ngăn để lục tìm. Chúng tôi chỉ suy luận và cầu nguyên, để nhờ người giúp mượn những bộ sách từ bên trong ra phòng dành cho khách.

 

Vậy mà cũng xong. Nhưng chứng liệu chụp, những bài của NNC đăng trên nhiều báo, không phải chỉ tạp chí Đại  Học Huế, mà còn trên tạp chí Văn Hữu nữa.

 

(Xin xem TQBT số 88 tháng 2-2020 chủ đề Nguyễn Nam Châu)

 

Bạn bè tôi chia sẻ niềm vui khi tôi báo sẽ làm TQBT số chủ đề về NNC. Lữ Kiều Thân Trọng Minh viết:.

 

“Cám ơn Trần Hoài Thư đã tìm hiểu tác giả Nguyễn Nam Châu, người đã ảnh hưởng đến tôi, đến các bạn Nhóm thứ năm hàng tháng (Quốc Học 1960), một thời mà đã 60 năm. Bài viết của NNC về Fellini với phim LA STRADA vẫn còn làm tôi xao xuyến mỗi lần nhớ lại. Hình như tôi đã nhắc nhiều lần nàng Gelsomina trong những bài văn thời trẻ của mình, nhờ NNC đó.”

 

Lữ Kiều không trích dẫn. Tôi xin thay mặt bạn trích dẫn dùm:

 

” Thì thôi, hãy hát ca lời vui, nếu còn hát được. Lời vui, cho cuộc tình ích kỷ để tàn lụi. Lời vui, cho sự tìm kiếm con đường. Con đường. (La strada: cô nàng Gelsomina khi từ biệt chàng Zampano vũ phu, đã chết mòn cùng cây kèn của nàng (1) – Con đường nào? Ôi, một lần nọ, trong đêm, tôi đã giật mình thảng thốt – Hay con đường mình đi là cõi hư vô?)” (trích Chàng Nho sinh dưới gốc tùng – Thử bút)

 

…Trong góc nhà thờ, buổi chiều thứ tư hiu hắt, người con gái quì gối và nhìn lên. Người đàn ông ngồi cạnh nàng. Tiếng phong cầm trầm vang xao xuyến, như vọng từ lòng đất.

 

(Khúc nhạc nào vậy, có phải khúc Toccata của Bach trong phim La dolce vita. Ôi – Fellini, người nghệ sĩ bi thảm của thời đại chúng ta, người đã nhìn thấy hơn ai cả những chiếc cầu gãy trong đời mỗi người. Phải không, Zampano? Phải không, Gelsomina? )(1)

 

(1)) La Strada, tác phẩm điện ảnh của Fellini, ảnh hưởng lên suy nghĩ của thế hệ chúng tôi, thế hệ sau thế chiến thứ hai.

 

Hôm nay, tôi xin báo tin bạn là tôi đã tìm ra bài viết của Nguyễn Nam Châu mà bạn nhắc trong điện thư. Tôi đang đánh máy để chuẩn bị cho TQBT số tới đây.

 

Vừa đánh máy mà vừa rưng rưng. Con đường của Fellini là con đường mang ý nghĩa triết lý của kiếp nhân sinh :

 

Con đường cũng như cuộc đời, tự nó không biết khởi điểm tự đâu, mà cũng không rõ sẽ ngừng lại chỗ nào. Nó bắt đầu từ cuộc đời của những kiếp người. Người ta vào cuộc đời như người ta khởi sự lên đường. Có lần ta tạm biết mơ hồ mục-đích của cuộc hành-trình và thoáng thấy mình sẽ có ngừng lại ở điểm nào đó trên con đường, nhưng người ta không biết hết được những điều mình sẽ gặp gỡ trên nẻo đường muôn hướng đó, bởi vì Con Đường cũng có nghĩa là sự Gặp Gỡ giữa muôn vàn ngả đường. Cuộc đời cũng thế : Cuộc đời là sự gặp gỡ giữa các tâm hồn. (trích từ bài viết của NNC)

 

Còn con đường của thế hệ chúng tôi thì khác. Chỉ đầy những ụ mô mìn chông. Ngay cả trong tâm hồn, nó mang nhiều vết sẹo:

 

Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo

Vết sẹo ngoài da và vết sẹo trong hồn

Không phạm tôi mà ra tòa chung thẩm

Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân

Thơ THT)

 

Cái chung của con đường của Fellini và của chúng tôi là sự gặp gỡ của những tâm hồn. Với Fellini, cuộc đời như con đường lớn tạo nên những sự gặp gỡ rất tình cờ của những tâm hồn không cần đồng điệu, cảm thông. Gã Điên, Zampino, Gelsomina là ba mẫu người tính tình khác nhau như một trời một vực. Con đường đã dẫn đưa họ đi, không cần biết khởi hành hay bến cuối. Dù không mìn chông như những con đường của miền Nam trong thời chiến, nhưng nó có những ụ mô mà bô hành phải trải qua để chống chọi và tranh đấu với cuộc đời và cuối cùng đều dẫn đến một cửa biển, một cù lao. Còn con đường của chứng tôi, – dành riêng cho đám yêu mến chữ nghĩa văn chương – thì khác. Có bao nhiêu cù lao đấy. Có bao nhiêu cửa biển đầy. Nhưng phủ trên đấy là cái đẹp, ở quá trên cái bầu khí quyển bị ô nhiêm.

 

Đó là con đường văn chương.

Có phải vậy không, bạn ta ?

TRẦN HOÀI THƯ