Một người làm ruộng cho gia đình tôi
là chú sáu Quắn. Chú ở dưới miệt Kỳ Anh, tức là dưới vùng biển Tam Ấp, tên
thường gọi là xóm Đồng Rạ hay là Đầm.
Mẹ tôi không biết duyên do nào đã biết
chú và nhờ chú, đến mùa cấy hay mùa gặt là chú lên nhà tôi ở lại suốt mấy tháng
để làm việc.
Chú sáu Quắn là một thanh niên to con,
cao ráo, lực lưỡng, đẹp trai. Mỗi lần chú gánh lúa từ ruộng về, chú thường ở trần trùng trục. Tôi nhìn từ xa, đôi chân
chú săn chắc, vồng ngực nở nang, mái tóc hớt ngắn để lộ cái đầu to, dù trời có
nắng đến mức độ nào chú vẫn để đầu trần, không hề đội mũ hay nón gì cả.
Chú ăn cơm rất nhiều và nhanh. Ở nhà
quê bữa ăn đâu có thức ngon vật lạ gì cho cam. Mẹ tôi nấu một nồi cơm đầy, có
khi độn thêm khoai lang tươi, khoai lang khô, hay bắp, ăn với một dĩa mắm cơm
hay mắm nục được muối mặn chát, một rổ rau sống đủ loại rau trộn chung vào, như
rau cải cay xắt nhỏ, bắp chuối, tần ô, tía tô, và một loại rau đặc biệt nữa gọi
là rau sân. Cây rau sân không trồng nhưng mọc hoang trên bờ rào, cành cây lớn có
gai mọc chen chúc nhau. Rau sân chỉ ăn được những mầm xanh tía, rau có mùi thơm
rất dễ chịu, hơi gây gây nhưng nồng nàn lắm. Trong một rổ rau lớn mà có trộn
thêm một chút đột rau sân thì có ngồi từ xa cũng ngữi được mùi thơm thoang
thoảng. Thêm một tô canh rau muống xắt nhỏ nấu loảng để chan húp cho dể trôi
cơm. Bữa cơm chỉ có thế mà ai ăn cũng ăn ngon lành, chan, húp, nhai, nuốt, sột
soạt suốt cả bữa ăn.
Riêng chú sáu Quắn thì ăn rất im lặng, một chén cơm chú và vào miệng rồi nhai, nuốt, đâu hai, ba
lần là hết, xong, chú gắp một con mắm to bỏ vào miệng, chú lại nhai gọn như
không nhai, chú nuốt lẹ rồi bới chén
cơm khác. Chú chan canh cũng im lặng như ăn, không húp sì sụp như mọi người mà
như chú nuốt trộng, rất nhẹ nhàng và gọn. Một bữa ăn chú bới khoảng sáu, bảy
chén cơm đầy, thế mà lúc nào chú cũng bỏ đủa trước.
Những lúc nhà nông nhàn rổi, nhà tôi
không có việc làm thì chú về lại quê Kỳ Anh. Chú đi cất lưới bắt cá hay đi
giăng câu. Kỳ Anh là một xã sát biển, ở đây ai cũng biết bơi rất giỏi, giăng
câu rất nghề. Chú sáu Quắn cũng vậy, những ngày kiếm được cá nhiều, chú mang cả
thúng cá lên chợ Quán Rường bán, riêng nhà tôi, chú lựa những con cá to, ngon,
đem biếu. Những lúc như vậy, mẹ tôi thường cho lại chú mấy lon đậu đen hay đậu
xanh.
Tôi coi chú như người nhà, có lúc tôi
leo lên vai chú để chú vác công kênh đi chơi, vác đi long rong đi trên đường
làng từ xóm này qua xóm kia, hay đi qua các bờ ruộng. Ngồi trên vai chú tôi
thấy tôi như người khổng lồ, sung sướng lắm.
Chú chưa có vợ con gì, dù đã hăm mấy
tuổi. Mẹ tôi có làm mai cho chú mấy đám mà không thành. Mấy cô gái quê tôi thì
chê quê chú nhà quê hơn quê tôi, chê chú là “nậu đầm”, ai mà muốn gã con xuống
“đầm”?. Có lẽ quê chú ở gần biển, nên lúc thủy triều lên, nước biển tràn vào
nhà, khi nước rút đi để lại đất bùn dơ dáy, như một cái đầm lầy, nên người ta
gọi là “đầm” chăng? Chú cũng không thấy thế mà buồn, gương mặt chú lúc nào cũng
tươi cười, vô tư, thản nhiên lắm.
Mà đúng quê chú là “đầm” thiệt và chú
cũng là dân “nậu đầm” thiệt.
Tôi nói vậy vì có một lần, do công
việc cần kiếp, mẹ tôi sai tôi xuống kêu chú sáu Quắn lên làm việc. Tôi một mình
đi bộ từ nhà tôi đến ngã ba Chiên Đàn, rồi hỏi thăm người ta xuống “đầm”. Người
ta chỉ đến đâu, tôi đi theo đó. Qua một trảng cát rộng, đi rát cả chân, vì tôi
lội bộ bằng chân không chứ đâu có guốc giép gì. Tôi bước trên trảng cát như đi
qua sa mạc, không một bóng cây, chỉ có những hàng dương liễu lơ thơ. Cát nóng
trong buổi trưa nắng cháy, thế mà tôi lầm lũi đi, đên cả mấy tiếng đồng hồ mới
tới nhà chú sáu Quắn, nên bàn chân dộp lên, đau rát lắm.
Nhà chú đúng là một cái chòi. Bà mẹ
chú đôi mắt bị “nheo”, có lẽ vì gió cát và nước mặn thổi suốt ngày nên ở đây ai
cũng bị “nheo” mắt - đôi mắt cứ nhíu nhíu, đầy nước mắt và ghèn.
Nhà chú đúng là cái chòi, mấy miếng
tranh gát trên mái và được che chắn chung quanh bằng những tấm mành mành. Mẹ
chú đi bắt ốc mò cua, được chút gì thì đem lên chợ Chiên Đàn bán mua gạo và
thức ăn. Hai mẹ con sống heo hút trong cái chòi nhỏ bé đó.
Thấy tôi xuống kêu chú lên nhà tôi đi
làm, chú mừng lắm.
Giọng chú xăng xái:
- Ê cu em. Mi đi một mình xuống đây hả?
Ai chỉ đường cho mi.
Tôi liếng thoắng:
- Thì tui hỏi người ta.
- Trời ơi, cái chưn mi đỏ kìa, sao không
nói mẹ mi mua cho đôi giép.
- Tui đi chân không quen rồi, đi giép
không được.
- Thôi ngồi đó đi, tau nướng cho củ
khoai ăn rồi tau cỏng về.
Chú vào bếp nướng cho tôi củ khoai
lang, rồi chú cỏng tôi lên lưng, vì chân tôi bị cát nóng sưng dộp lên từng mảng
đỏ. Chú cỏng tôi trên lưng đi băng băng qua cái nổng cát dài, băng băng qua mấy
con suối, rồi lên đi đường bộ đến nhà tôi một mạch mà chú không mệt tí nào.
Chú có một cái tài là trèo cây và bắn
chim. Khu vườn nhà tôi trồng rất nhiều cây to, cành cây là xum xuê mát cả một
khu vườn. Mùa hè thì mát lắm, nhưng đến mùa đông thì quê tôi thường hay bị bão,
lụt, nên cha mẹ tôi nhờ chú sáu Quắn leo lên chặt những cành cây to hoặc đốn
hẳn cây nào quá già. Lúc này chỉ có cưa tay chứ chưa có cưa máy, nên công việc
đón cành, cắt lá rất khó khăn. Những cây to, muốn cưa cành thì chú phải leo
tuốt lên trên cao, rồi ngồi bám vào một chỗ nào chú thấy chắc chắn và chú bắt
đầu cưa. Tôi đứng phía dưới nhìn thấy chú treo trên cao như vậy, chỉ nhìn cũng
đủ thấy ngợp thở rồi, huống hồ gì chú từ trên cao ngó xuống, thế mà chú tỉnh bơ
như không. Còn chú bắn chim thì thật là thiện xạ. Trong những khu vườn mùa hè,
chim chóc bay kêu ríu rít trong những chùm cây rậm, những con chim cu đậu tuốt
trên ngọn những cây gòn, thế mà chú đứng dưới dùng ná cao su nhắm bắn, không
sai chạy một li.
Chú còn có một ngón nghề nữa là chặt
tre. Nhà tôi có một hàng tre dài cao vút, rậm, mọc khít nhau. Nhiều bụi tre
đứng từ ngoài nhìn vào không biết cây tre xuất phát từ đâu. Nhìn từ bên ngoài,
cha tôi muốn chặt mười cây này, cây này…vì cha cần tre vót nan để đan gàu giai,
gàu sòng hay đan thúng, mủng, rổ, rá hay làm lạt cột. Cha tôi chỉ mười cây thì
chú sáu đón ngay mười cây đó ngay chốc, không sai cây nào.
Nói con gái quê tôi không ưng chú thì
cũng đúng. Họ không yêu chú vì nhà chú quá nghèo. Con gái về làm dâu xứ “đầm”
quanh năm suốt tháng sống với bùn lầy nước đọng thì ai cũng ớn, nhưng nhìn chú
sáu với thân thể cường tráng của một lực điền như vậy, thì cô thôn nữ nào không
mê.
Trong đó có mối tình với chị Mỹ Ly.
Mỹ Ly là tên của cô sáu Cần, con ông
Học gần nhà tôi.
Nhà cô Cần cách nhà tôi chỉ có cái bờ
rào tre và một đường mương thôi. Cô Cần mười tám tuổi, không đẹp nhưng có
duyên. Cô có khuôn mặt bầu bầu, hàm răng trắng đều xinh xắn.
Một lần cô Cần gặp chú sáu đang chặt
tre bên hàng rào nhà tôi, giáp với vườn ông Học, thấy chú sáu là người lạ,
nhưng trông cường tráng, khoẻ mạnh, đẹp trai, nên cô Cần lân la lại gần hỏi
chuyện:
- Anh chặt tre cho cậu Khiêm hả?
Chú sáu trả lời:
- Ừ thì chặt tre.
- Chặt làm gì?
- Thì đan bồ.
- Đan bồ làm gì?
- Nghe ổng nói đan bồ đựng lúa, chứ để
lúa ở ngoài, chuột ăn hết.
-Anh tên gì?
- Sáu Quắn.
- Tên gì lạ kỳ, tóc anh đâu có quăn.
- Thì cha mẹ đặt vậy.
Thế là hai người quen nhau.
Cô Cần là một thôn nữ, nhưng cũng có
chút máu học đòi thành thị. Cô có chiếc xe đạp dàn đầm, một ngày chạy đi đi về
về từ Quán Rường xuống Tam Kỳ học may. Cô Cần biết thoa son đánh phấn, biết làm
duyên với chú. Sau này cô còn phi dê mái tóc cho quăn tuýt lên và bịt một hàm
răng vàng sáng chói, thật đúng là “cười lên đi cho răng vàng sáng chói”. Về sau
cô bỏ tên Cần quê mùa để lấy tên là Mỹ Ly.
Trong một buổi văn nghệ ở đình An Mỹ,
cả hai cùng đi coi. Buổi văn nghệ có anh Lương diễn kịch, chú Trà diễn tuồng, chị
Khiêm ca tân nhạc Gạo Trắng Trăng Thanh cũng hay lắm.
Duyên đâu mà khán giả đi xem cũng hai,
ba trăm người, mà chú sáu lại đứng gần chỗ cô Cần.
Khi cô hai Khiêm lên hát bản Gạo Trắng
Trăng Thanh, đến đoạn... Đêm chơi vơi gạo
cười tươi, như chuyền hơi ấm ấm lòng người…hò hô hò… thì tay chú sáu và cô
Cần đã nắm chặt lấy nhau.
Mối tình của chú sáu Quắn và cô Cần
chỉ đến đó.
Một hôm, cô Cần hỏi:
- Quê anh Quắn ở đâu vậy?
- Ở Đồng Rạ chứ đâu.
- Đồng Rạ là dưới “đầm” hả?
- Chứ đâu nữa.
- Dưới đó bùn lầy không à, làm sao
sống, làm sao mang giép, mang guốc.
- Thì sinh ở đó thì sống ở đó thôi.
Cô Cần từ từ rút tay chú sáu ra khỏi
tay mình và lẳng lặng bỏ đi.
*
Đó, chú sáu Quắn làm ruộng cho nhà tôi
là vậy, hiền từ, dễ thương là vậy, mà khi “giải phóng” đến quê chú, chú cũng
phải theo, cũng vác súng AK, cũng đi bắn sẻ, đi đắp mô, đủ hết.
Và cuối cùng, chú phải lãnh một viên
đạn M16 của lính biệt lập ông Liệu, phục kích đón lỏng mấy ông du kích tối tối
mò về.
Mẩu đạn M16 ghim vào lồng ngực chú,
nhìn phía trước như một vệt mực nhỏ, nhưng nhìn phía sau lưng, một vòm da thịt
rộng bị phá nát, máu đóng thành vũng. Lính phe quốc gia còn đặt dưới lưng chú
một quả lựu đạn đã rút chốt, để đồng bọn chú có tới lấy xác chú, thì sẽ bị nổ,
sẽ bị chết thêm. Cũng may, cái trò nầy du kích gặp hoài nên rút kinh nghiệm, bỏ
mặc chú sáu Quắn nằm đó, không ai giám mò tới.
Xác chú được để mấy ngày, ruồi nhặng
bay đậu đầy, rồi nắng gắt làm mùi hôi bốc lên thúi kinh khủng. Dân chúng nghe
mùi hôi thúi không chịu nổi nên than vản, khiến trung đội trưởng nghĩa quân
phải ra lệnh cho một anh nghĩa quân viên lấy dây buộc vào chân chú, rồi chạy ra,
đứng từ xa mà kéo xác. Khi xác chú nhích lên thì một tiếng nổ ầm long trời lỡ
đất bùng lên. Xác chú bay tả tơi, quần áo banh hết, rơi lả tả, da thịt, tay
chân rơi ào ào, tứ tán.
Đúng như lời một bản nhạc “người chết
hai lần, thịt da nát tan.”
Chị Cần nghe tin chú Sáu chết, có khóc
thầm mấy tuần rồi cũng quên.
Không ai biết về mối tình đó, chỉ có
tôi, chị sáu Cần kể cho tôi nghe, khi tôi lớn lên chút...
Trần Yên Hòa