Ở
hải ngoại, ông Việt Nam nào có phước lắm mới có được vợ Việt Nam. Người đàn bà
Việt Nam là biểu tượng của người vợ hiền, đảm đang, chung thủy, tiết kiệm... là
tấm gương sáng cho tất cả phụ nữ khắp thế giới noi theo. Vợ tôi lại là tấm
gương sáng nhất trong các tấm gương sáng đó. Nói vậy để quí vị biết là tôi hạnh
phúc, sung sướng đến cỡ nào! Nếu kể ra đây tất cả các đức tính cao quí của vợ tôi,
sợ quí vị không có thì giờ đọc, nên tôi xin đơn cử một đức tính mà bà Việt Nam
nào cũng có, đó là tính tiết kiệm.
Nhưng
tiết kiệm là gì?
Là
đọc báo mà thấy chợ nào có bất cứ món gì "xeo" (on sale: giảm giá) là
chạy đi mua ngay (kẻo hết). Có những ngày chủ nhật, vợ tôi kêu tôi dậy từ sáng
sớm, đi giáp vòng các chợ có hàng "xeo", đến chiều thì vừa đầy chiếc
xe van. Tôi phải vác vào, chất đầy nhà, đến độ muốn vào nhà, tôi phải leo qua
những bao gạo hiệu con voi, con cá, con chuột, leo qua những thùng nước mắm hiệu
một con cá, hai con cua, năm con bạch tuột,bò qua những thùng dầu bắp, dầu đậu
nành, những thùng mì gói, bột, đậu, đường, rồi khăn tắm, khăn trải giường, đồ
chùi son nồi, kem đánh răng...(dĩ nhiên tất cả đều quá hạn expired date). Xin
quí vị tưởng tượng đến một cái kho tích trữ đồ cứu trợ bão lụt miền Trung chất
tùm lum, vất bừa bãi khắp nơi là biết ngay. Nhưng không phải đầy nhà rồi thì
ngưng đi mua "xeo" đâu. Vẫn tiếp tục. Vợ tôi giải thích cho tôi biết
"Một bao gạo tiết kiệm được một đô. Một trăm bao, tiết kiệm được bao
nhiêu? Ông tính đi!" Tôi làm bộ kinh ngạc "Một trăm đô! Tôi đâu có ngờ.
Tưởng chỉ một đô, mà thành trăm đô. Bà coi báo, xem còn chợ nào "xeo"
thì nên mua về, để dành. Kinh tế suy thoái, tiết kiệm được đồng nào quí đồng
đó" Vợ tôi khoái lắm nhưng làm vẻ nghiêm trang "Ông thử đi mượn một
đô xem có ai cho mượn không? Phải tiết kiệm từng đồng, để khi cần thì có mà đem
ra xài"
Chuyện
các báo đăng hàng "xeo" thì vợ tôi rành lắm, chợ nào, xa cách mấy vợ
tôi cũng biết rõ đường đi lối về (để chỉ đường cho tôi), trừ những chợ mới khai
trương, vợ tôi không biết đường, phải hỏi các bà bạn. Với tôi, muốn đến đâu, giở
bản đồ ra là biết hết, nhưng tôi đâu có dại. Có biết, tôi cũng lắc đầu, để khỏi
chở bả đi, hơn nữa, phải để bả hỏi bạn
bè rồi bả chỉ đường, bả mới lên mặt được! Thương vợ thì phải làm sao cho vợ lúc
nào cũng giỏi hơn mình, thông thái hơn mình.
Sau
đây là một chuyện điển hình về một buổi đi chợ mua hàng "xeo" của vợ
tôi. Tôi kể trên báo nầy cho quí vị nghe mà không sợ bị vợ đánh đập vì vợ tôi,
hễ cầm đến tờ báo là tìm mấy trang quảng cáo có hàng "xeo", cắt cúp
bon (coupon: phiếu giảm giá) để dành, ngoài mục hàng "xeo", báo có
đăng tin trời sụp bả cũng không "ke" (care: quan tâm đến).
Tiểu
bang Virginia, nơi tôi ở, nếu kể cả các vùng phụ cận như thủ đô Washington DC,
tiểu bang Maryland thì có khoảng bốn chục nghìn người Việt nhưng không biết cơ
man nào là chợ Á Đông, là những chợ bán đủ thứ, kể cả những món mà chợ Mỹ không
có như mắm ruốc, mắm bồ hóc (brohoc), mắm nêm...là những thứ mà mở ra thì người
Mỹ bỏ chạy, tưởng là bom bẩn của bọn khủng bố. Kể ra, có một chợ Á Đông gần nhà
cũng tiện, cần gì, chỉ lái xe đi mươi phút là có ngay. Nói là "chợ"
nhưng sự thực là một tiệm chạp phô lớn, kiểu siêu thị nhỏ ở Việt Nam, do một
gia đình, thường là người Tàu Chợ Lớn, đứng ra kinh doanh. Khoảng mấy năm trở lại
đây, thấy dễ ăn, người Tàu (Đài Loan, Trung Cộng), người Đại Hàn (Nam Hàn) nhảy
ra lập công ty, mở những chợ đồ sộ, gì cũng có, giá rất rẻ để thu hút khách
hàng và để "lấy thịt đè người", cố giết chết những tiệm chạp phô của
người Á Đông. Quả nhiên, các tiệm chạp phô nầy chết dần, như cây thiếu nước,
héo tàn, sống lây lất hoặc dẹp tiệm.
Hiện
nay thì chợ Đại Hàn bành trướng khắp nơi, thu hút chẳng những khách Á Châu như
Lào, Thái, Miên và cả người Ấn Độ, Phi Châu, Nam Mỹ vì giá rẻ hơn các chợ Mỹ,
tuy phẩm chất hàng hóa thường quá tệ. Nhưng những di dân, rất dễ tính, miễn rẻ
là được.
Nói
chuyện đi chợ xứ Mỹ nầy thì bà nào cũng giống nhau. Quí bà sai quí ông đi chợ về
là bị quí bà đem cái rì xít (receipt: phiếu tính tiền) ra đọc, nếu thấy bị ăn
gian thì đay nghiến cả tháng trời, vì
các ông mua gì cũng không bao giờ nhìn đến cái rì cít. Với các bà thì đừng
hòng. Bà nào vào chợ, bốc món nào bỏ vô xe đẩy là nhớ cái giá như gõ vào máy tính
trong đầu. Đi một vòng, ra chỗ trả tiền, các bà đã tính nhẩm ra ngay tổng số tiền
phải trả. Khi người ta chọt giá món hàng vào máy tính tiền là các bà đứng nhìn
không rời mắt, thấy khác lạ là chận lại ngay, đừng hòng ăn gian. Chưa xong đâu,
đi chợ về, các bà còn lục mấy cái rì cít cũ ra để so sánh giá cả từng món hàng.
Chợ nào bán mắc hơn, chỉ vài xen (cent: xu) là các bà nhảy nhỏm lên như bị kim
châm vào mông, rồi gọi ngay đến bà bạn còm ròm và khuyến cáo "Chị Như Quỳnh
đó hả? Em là Tuấn Vũ đây. Em mới đi chợ A. về. So lại mấy cái rì xít của các chợ
khác mới lòi ra bị nó bán cắt họng. Chị nghĩ coi. Nó bán bó hành tới năm mươi
xen trong khi chợ B. chỉ bán có bốn tám xen. Chị đừng đi chợ đó nữa nghe chị!
Chủ nhật nầy chị có đi chợ C. không? Nghe chị Thái Hòa nói có bán trứng xeo,
hai mươi xen một hộp. Em sẽ gọi chị đi chung cho vui, nếu em không đi được, chị
mua giùm em hai chục hộp trứng nghe". Tôi không dám có ý kiến! Bả cấm cha
con tôi ăn trứng vì nhiều cà rôn (cholesteron), lại đi mua trứng ung về làm gì
không biết?
Một
buổi sáng chủ nhật, tôi đang lơ tơ mơ trên giường thì vợ tôi cất giọng the thé
"Đi chợ!". Tôi vùng dậy, chạy u vô phòng vệ sinh, đánh răng, rửa mặt,
mặc quần áo, mang giày, lấy chìa khóa xe ra ngồi trên thềm nhà chờ vợ. Độ hai
giờ sau, trang điểm xong, vợ tôi ỏng ẹo đi ra, tôi chạy ra xe, mở cửa cho người
đẹp lên ngồi rồi mới lên xe mở máy, chờ lịnh vợ. Vợ tôi ra dấu ra đường, tôi
cho xe chạy từ từ. Vợ tôi móc xeo phôn (cell phone: điện thoại cầm tay) "A
lô! Chị Tuấn Ngọc đó hả? Em là Tuấn Vũ đây. (Tôi xin giải thích là "chị Tuấn
Ngọc" không phải là ca sĩ Thái Thảo (vợ Tuấn Ngọc) và vợ tôi cũng không phải
ca sĩ Tuấn Vũ. Hễ bà nào mê ca sĩ nào thì tự xưng (biệt hiệu) ca sĩ đó. Có dịp
tôi sẽ kể về các bà "ca sĩ dỏm" nầy cho quí vị nghe). Dạ. Chị chỉ
giùm em đường đến chợ Mạt Lo (Martlow). Chợ mới khai trương, em không biết đường.
Ông xã em hả? Con gà rù chị ơi, làm sao biết đường! Đi đâu em cũng phải chỉ đường
phát mệt. Em nghe chị Ngọc Hạ nói ở đó có "xeo" gạo Hoàng Gia, rẻ được
năm mươi xen (cent), còn nước mắm, trứng nhiều thứ lắm. Phải không chị? Bây giờ
chị chỉ đường cho em nghe! Dạ. Từ nhà em đi thẳng trên đường Men Rít (Main
street), qua bảy cây đèn (vợ tôi ra dấu cho tôi tiếp tục chạy tới). Sao chị? Thấy
Mắc đó nơ (McDonald) quẹo phải, năm cây đèn nữa, thấy Xe vờn i le vờn (tiệm
Seven-Eleven) quẹo trái. Sao nữa chị? Rồi mười lăm cây đèn nữa thì thấy bảng Mạt
Lo. Chị nói sao? Từ nhà chị đến đó chín
mươi may (mile)? Nhà em gần nhà chị thì cũng khoảng đó. Hơi xa, nhưng không
sao, bữa nay nghỉ làm, em đi tới chiều cũng không sao. Vì gia đình, vì chồng
con, mình phải hi sinh, xoay xở, dè xẻn từng xen, vậy chớ mấy ông chồng đâu có
hiểu, thấy vợ tiết kiệm thì mỉa mai. Ông xã chị cũng vậy hả? Đúng rồi! Chỉ biết
cà phê cà pháo với nhau, nói chuyện tầm bậy, tầm bạ thì giỏi lắm nhưng về nhà
thì vô dụng hết sức. Cám ơn chị. Ô mây ga! (Oh My God!: Trời đất!) Em chạy qua
được mấy cây đèn rồi cũng không nhớ nữa! Dạ, bye chị!" Vợ tôi bỏ phôn vào
xách tay, hỏi tôi "Ông đã biết đường chưa? Hay phải chờ tôi chỉ đường?"
Tôi làm vẻ ngoan ngoãn "Bà nói chuyện, tôi phải chú ý nghe để nhớ đường chớ!"
Bả nhìn tôi cười, giọng kẻ cả "Tôi hỏi người ta cốt cho ông nghe để ông nhớ
mà đi cho đúng đường" Tôi nói vậy cho bả không nghi ngờ chứ chợ nầy tôi đã
đến nhiều lần rồi. Tôi còn biết đi đường tắt cho khỏi kẹt xe nữa. Đó là nhờ cô
Trít (Trish Thùy Trang dỏm).
Cô
Trít nầy là bạn vợ tôi, thỉnh thoảng các bà tụ tập đến nhà cô Trít để hát ca rô
kê, tôi chở vợ tôi đến và làm khán giả. Là khán giả duy nhất nên hay dở gì cũng
phải "xin một tràng pháo tay thật lớn". Quí vị tưởng tượng xem. Một
buổi trình diễn văn nghệ, ca sĩ thì nhiều mà khán giả chỉ mình tôi nên nhiệm vụ
của tôi thật nặng nề. Tôi vỗ tay đến độ phải đi bác sĩ để "băng bột",
nhưng hễ thấy tay tôi vừa khỏi là tổ chức ca rô kê để tôi làm khán giả, lại
"một tràng pháo tay thật lớn", lại đi bác sĩ! Nhưng tại sao chỉ mình
tôi là khán giả? Chồng mấy bà kia đâu? Mấy ông kia khôn hơn tôi và có lẽ ít sợ
vợ hơn tôi, nên chở vợ đến nhà cô Trít là vất vợ đấy, lái xe chạy mất tiêu. Tôi
mà làm như thế thì có nước ngủ ngoài đường. Trường hợp cô Trít, tôi có âm mưu,
nên khi cô hát, tôi vỗ tay hơi nhiều một chút, chỉ vài lần đặc biệt thôi là cô
Trít hiểu liền, chờ vợ tôi quay đi là cô ta tặng riêng cho một nụ cười và một
cái liếc mắt tình tứ, xiêu đình đổ quán. Khi cô đến, đưa bánh hay mời trà, bình
thản hỏi chuyện gì đấy nhưng lại đụng chân vào đùi tôi. Xin thưa là cô nầy đẹp
nhất trong các bà, người cao ráo, chân tay ngon lành, thân thể mát mẻ và đặc biệt
là ở tuổi hồi xuân mà không có chồng. Thế nên mỗi khi chúng tôi, làm như vô
tình, đụng chạm nhau thì tôi như bị điện giật, tê tái cả người. Chỉ cần tả chừng
đó thôi cũng đủ cho quí ông thông cảm và quí bà (độc giả) biết ngay là sau đó
chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng vợ tôi thì không biết. Chẳng ai biết! Vậy mới là
chuyện hay! Nhưng tôi cũng xin thưa là tình cảm giữa tôi và cô Trít nầy hoàn
toàn ngây thơ, trong trắng.
Mỗi
thứ hai, tôi xin với xếp về sớm một giờ, ghé nhà cô Trít để vấn an cô và để góp
ý với cô về cách ăn mặc, sao cho giống ca sĩ thần tượng (Trish Thùy Trang) của
cô để chuẩn bị cho buổi ca rô kê sắp tới.
Buổi
gặp gỡ diễn ra như sau. Cô mở cửa đón tôi, chúng tôi cúi chào như mấy người Nhật
đóng phim (nhưng cô mặc đồ ngủ chứ không mặc Kimono) rồi cô bước lùi nhường lối
cho tôi vào nhà, mời tôi ngồi xuống xa lông, đối diện với cô. Cô rót trà mời
tôi. Chúng tôi uống trà và trò chuyện. Xong tuần trà, cô vào phòng (tôi vẫn ngồi
yên, không theo cô vào phòng cô), thay trang phục giống như cô Trish Thùy Trang
(thật) thường mặc khi trình diễn, đi ra, xoay người mấy vòng, tôi cho ý kiến.
Dĩ nhiên tôi phải khen nức nở. Cô lại vô phòng, thay trang phục khác để tôi tiếp
tục khen... Một giờ sau, tôi cáo từ. Chúng tôi lại cúi chào theo kiểu Nhật. Tôi
bước lùi ra cửa. Lại cúi chào nhau lần nữa, rồi tôi lên xe. Đọc đến đây, quí bà
sẽ lắc đầu còn quí ông thì xùng gan "Vừa thôi! Xạo vừa thôi. Cúi chào kiểu
Nhật, khen áo quần đẹp, uống trà suốt môät giờ rồi đứng lên ra về. Vậy ông đến
làm gì?" Tôi đã thưa là tình yêu của chúng tôi thanh cao, trong trắng như
thuở học trò mà!
Tôi
có nói, tôi biết đường là nhờ cô Trít nầy, vì nhà cô gần chợ Mạt Lo và vì cô có
thói quen, thỉnh thoảng, cô gọi điện thoại, bắt tôi đến nhà cô ngay tức thì, để
đưa cô đi chợ! Tôi đang làm việc, lại xin phép xếp đi nửa giờ. Nhưng đến nơi,
chúng tôi chỉ cúi chào nhau theo kiểu Nhật, ngồi (yên) uống trà độ nửa giờ rồi
chia tay chứ không đi chợ. Bao giờ cũng thế. Thực ra, tôi có đưa cô Trít đi chợ
Mạt Lo đó mấy lần (trong lúc vợ tôi còn ở sở làm) nên tôi biết rành chợ nầy lắm.
Xin
trở lại chủ đề "tiết kiệm" của vợ tôi.
Tôi
lái xe đến đúng chợ Mạt Lo nhưng làm bộ không thấy cái bảng hiệu nên cứ chạy thẳng
để vợ khỏi nghi và để cho bả "ta đây" biết đường. Bả la lên "Yêu
thơn! Yêu thơn! (U-turn)". Tôi làm như phục tài bả, ngoan ngoãn trở đầu
xe. Xe vào sân chợ, vừa ngừng là vợ tôi phóc xuống, ra lịnh "Tôi một xe
(xe đẩy). Ông một xe". Tôi hiểu ngay. Vì trong quảng cáo, có những món
hàng "xeo" bị giới hạn số lượng cho mỗi khách hàng. Tôi mua riêng, vợ
tôi mua riêng, như vậy sẽ mua được gấp đôi. Vợ tôi cầm tờ quảng cáo hàng
"xeo" đi vào chợ, vừa đọc vừa dáo giác tìm. Tôi đẩy xe theo sau. Hễ bả
bỏ vào xe đẩy của bả hai chai nước mắm hiệu con chuột thì bỏ vào xe tôi hai
chai, xe bả năm thùng mì ăn liền hiệu con cóc thì xe tôi cũng có năm thùng, mười
hộp trứng gà (ung!) thì tôi cũng có như thế...Đến chỗ bán gạo xeo, chúng tôi phải
chờ. Một dọc, cả chục bà đang chờ đến lượt để hì hục vác gạo bỏ lên xe đẩy. Hầu
hết là các bà Việt Nam. Bà nào cũng có một ông chồng với một xe đẩy riêng. Nếu
dịp khác, các bà sẽ chào hỏi, chuyện trò rôm rả, nhưng lúc nầy thì tinh thần
các bà rất căng thẳng, mắt đăm đăm nhìn đống gạo "xeo" đang vơi đi với
tốc độ chóng mặt, khiến các bà cũng chóng mặt theo. Nếu ở Việt Nam, các bà đã xốc
tới, huých người nầy, lấn người kia để đến gần đống gạo, nhưng vì ở Mỹ nên các
bà đành hậm hực nhích từng bước, lòng lo lắng, không biết đến lượt mình có còn
gạo không? May sao, đến lượt chúng tôi, gạo vẫn còn nhiều. Chúng tôi đẩy xe ra
quày tính tiền. Biết tôi vô sản, vợ tôi lén nhét cho tôi tờ trăm đô và dặn nhỏ,
không cho cô tính tiền nghe, sợ bị làm khó dễ "Mua xong, đưa lại tiền thối
cho tôi".
Vì
gạo mua "xeo" đó hiệu Hoàng Gia (Royal Rice) là gạo rất đặc biệt
(theo như quảng cáo), rất quí hiếm nên vợ tôi nảy ra sáng kiến. Mua xong chúng
tôi ra xe nhưng vợ tôi không cho tôi nổ máy xe. Ngồi một lúc, bả ra dấu, chúng
tôi bước xuống, vào chợ lần nữa, mỗi người một chiếc xe đẩy, nhưng bả bảo phải
đi cách xa ra để người ta không biết, tưởng mình là khách mới vào. Bả đi thẳng đến
hàng gạo và chúng tôi sắp hàng nối đuôi với những người khác. Nhưng vừa đến lượt
thì gạo hết. Vợ tôi nổi xùng, đến ban quản lý khiếu nại. Bả to tiếng bằng tiếng
Anh, ban quản lý vì kém sinh ngữ, không biết bả nói gì nhưng hiểu ngay, vội đưa
bả vào kho chứa gạo. Một cái kho mỗi bề ít ra cũng một trăm mét, chất thứ gạo
Hoàng Gia đó tới nóc. Ông quản lý hỏi vợ tôi có cần thì ông ta cho xe tải chở đến
nhà, mấy trăm bao cũng có, đã bán giá "xeo" lại được đít kao
(discount: bớt giá) nữa. Vợ tôi cười hỉ hả, chỉ nhận có hai chục bao. Công nhân
chất gạo vào sau xe cho chúng tôi. Bữa đó, chiếc xe van đời Bảo Đại của chúng
tôi bị một phen quá tải. Nó xịt khói tùm lum, gầm rú như xe tăng, mà chạy như
xe bò, nhưng cũng lết được về nhà. Tôi cũng bị một trận quá tải vì vác gạo vô
nhà, muốn xỉu vì kiệt sức nhưng tôi vẫn vui vẻ vì đã giúp vợ thực hành tiết kiệm
cho gia đình.
Về
nhà vợ tôi đem cái rì xít ra tính toán và hí hửng bảo tôi "Rẻ được hai
mươi đô". Tôi định nhắc bả nhớ là lái xe đi, về gần hai trăm miles, đổ hai
lần xăng, mỗi lần bốn mươi đô, nhưng sợ bả giận, tôi làm thinh.
Vợ
tôi bắt phải để thứ gạo Hoàng Gia đó vào một chỗ riêng. Tuần sau là đưa ông Táo
về trời rồi nên vợ tôi gọi điện thoại đến các bà bạn, hỏi ai chưa mua được gạo
Hoàng Gia thì bả tặng một bao "Ăn lấy thảo, tiền bạc chẳng bao nhiêu. Chị
trả tiền em giận chị". Tôi có nhiệm vụ chở thứ gạo Hoàng Gia đó đến nhà
quí bà. Các ông chồng của quí bà ra vác vào. Ông nào cũng ngoan ngoãn, hiền
lành như tôi nhưng chúng tôi biết nhau quá rõ. Trông cù lần, con gà chết như thế
chứ ông nào cũng thủ đắc vài con mèo để rảnh rỗi đi ngắm mèo giải sầu. Dĩ nhiên
là những con mèo cô đơn kiểu như cô Trít của tôi. Tôi cũng nhân dịp vợ sai chở
gạo Hoàng Gia tặng cô Trít, trên đường đi, tôi gọi cho vợ tôi báo là dọc đường
có "tai nạn xe khủng khiếp quá, đường bị kẹt, cả giờ sau chưa chắc đã đi
được!" Vậy là tôi đến "với" cô Trít cả giờ mà vợ tôi không nghi
ngờ.
Chiều
hăm ba tháng chạp âm lịch, là ngày đưa ông Táo về trời. Tôi đi làm về sớm. Vợ
tôi gọi điện thoại, bảo mở bao gạo Hoàng Gia ra, nấu nồi cơm để bả về cúng đưa
ông Táo.
Tôi
mở bao gạo, lấy cái lon nhựa, đong ba lon vào nồi cơm điện như vợ dặn rồi bưng
nồi đến vòi nước, mở nước để vo gạo. Nước vừa ngập gạo thì không biết đâu ra những
con vật bé tí, nhỏ hơn hạt mè, đen thùi nổi lên, ngọ ngoạy, dính chùm nhau, đen
kịt mặt nước. Ba lon gạo Hoàng Gia, e có đến một lon những con mọt đen đó. Tôi
dùng tay gom được một nạm đầy mọt, bỏ thùng rác rồi quậy gạo, chúng lại nổi
lên. Tôi mở nước, nghiêng nồi cho chúng trôi ra với nước. Làm vài chục lần thì
chúng trôi ra gần hết. Tôi bưng nồi cơm để vào cái nồi lớn, đậy nắp, mở điện
lên nấu. Bỗng thấy nhột ở cổ, tôi đưa
tay lên gãi và vuốt. Trong tay tôi có mấy con mọt đen. Tôi đến chỗ bao gạo
Hoàng Gia đã mở thì thấy chúng bò ra, bám đen cái bao ni lông trắng. Nhiều con
cất cánh bay lên. Tôi nhìn lên tường. Bốn bức tường quanh nhà đen nghịt những
sinh vật bé tí đó. Tôi lấy dao rạch tiếp mười mấy bao gạo Hoàng Gia còn lại, mở
banh ra. Bao nào cũng đầy mọt đen. Chúng bò ra, bay lên, giống như ta đốt giấy,
những tro giấy màu đen bay lên theo ngọn lửa.
Tôi
ra hiên nhà ngồi gãi và bắt những con mọt đen đang bò lung tung trong áo, trên
cổ, đặt chúng lên bàn tay, ngắm chúng để chờ vợ tôi về.
PHẠM THÀNH CHÂU