Chúng ta đều biết rằng Belarus
là một nhà nước toàn trị, tuy mức độ cai trị không khắc nghiệt như ở Nga nhưng
vẫn là độc tài hơn hầu hết các nước ở Châu Âu. Tuy nhiên văn học Belarus lại là
một lĩnh vực không liên hệ bao nhiêu tới những cam kết chính trị của nhà nước
Belarus trong nỗ lực hỗ trợ cuộc chiến của Putin tại Ukraine. Những bài thơ được
dịch từ tiếng Belarus sang tiếng Anh đang phổ biến trên nhiều mạng trong học giới
Hoa Kỳ cho thấy một khuôn mặt văn học Belarus rất mực thơ mộng của một dân tộc đang
tìm tới chân, thiện, mỹ.
Belarus có khoảng 9 triệu dân,
thủ đô là Minsk, từng là một phần của Liên Xô cho tới năm 1991 tới tách ra, được
cai trị bởi Tổng Thống Alexander Lukashenko từ năm 1994 (quá lâu, tới 28 năm nắm
quyền tối cao). Biên giới Belarus vây quanh bởi Nga, Ukraine, Ba Lan, Lithuania
và Latvia. Hơn 40% trong 207,600 cây số vuông (80,200 dặm vuông) là rừng.
Belarus bị Thế Chiến 2 tàn phá, mất 1/3 dân số và hơn ½ tài nguyên kinh tế.
Hơn 70% trong dân số 9.49
triệu dân sống ở thành thị. Hơn 85% dân số là sắc tộc Belarusian, hầu hết còn lại
là sắc tộc Nga, Ba Lan và Ukraine. Belarus có 2 ngôn ngữ chính thức: tiếng
Belarus và tiếng Nga. Tôn giáo lớn nhất là Chính Thống Giáo Nga.
Văn học Belarus khởi nguồn từ
kinh điển Thiên chúa giáo bằng văn tự Cyrillic vào Belarus từ thế kỷ 11 tới thế
kỷ 13, được dịch ra tiếng Belarus từ thế kỷ 16. Trong thời kỳ bị Đức phát xít
chiếm đóng, nhiều nhà văn, nhà thơ Belarus phải lưu vong; nhiều người trở về trong
thập niên 1960s. Sau đây, chúng ta sẽ đọc thơ của bốn thi sĩ Belarus để nhìn thấy
những góc trời độc đáo của từng người.
Volha Hapeyeva (sinh năm
1982 tại Minsk) là một nhà thơ, nhà văn, dịch giả, và nhà ngữ học. Bà có văn bằng
Tiến sĩ về ngôn ngữ đối chiếu, đang dạy tại hai đại học ở Minsk và Vilnius (thủ
đô của Lithuania). Bà đã xuất bàn nhiều tập thơ, tập truyện, và kịch kể từ
1999. Bà cũng dịch thơ và tiểu thuyết từ tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc
và tiếng Nhật. Sáng tác của bà được dịch
sang hơn một chục ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức. Bà được
nhiều giải thưởng văn học. Sau đây là hai bài thơ, dịch từ một chuỗi bài không nhan
đề của Volha Hapeyeva (tạm đặt tên theo số, để không lẫn vào nhau). Cả hai bài thơ
đều liên hệ tới “chữ” (word) – một ảnh hưởng từ Kinh thánh Thiên chúa giáo: Khởi
thủy là Ngôi Lời, và Lời ở cùng Thượng Đế (John 1:1 viết: In the beginning was
the Word, and the Word was with God…). Nơi đây chúng ta dịch “word” là “chữ” để
có nghĩa trực tiếp và gần với cuộc đời, vì “lời” có nghĩa trừu tượng hơn. Thơ của
bà viết rất đơn giản, như mang hơi thở đạo vào đời.
BÀI I
và nàng đã mơ thấy chữ
và nàng đã tỉnh thức
và nàng không thể nhớ được
và chữ đó đơn giản và tự đủ nghĩa
làm cho thế giới này bật sáng và tịch lặng
như dường nếu bây giờ mọi thứ được biết
và mọi thứ đã trở thành rõ nghĩa
được giải thích và là chứng cớ
và nàng muốn nhớ chữ đó
và trong khi tìm kiếm, nàng đã học ngôn ngữ
lưỡi nàng chạm vào nướu
-- của chính nàng và của những người khác --
nàng lắng nghe chim và nghe tiếng cây
nàng lắng nghe tiếng thầm thì và nghe những con ong
nàng lắng nghe sự im vắng và nghe không một chữ
và nàng trở về các thành phố
và ngồi đó trong im lặng
như để không làm hoảng sợ chữ e lệ của nàng
và giữa đám đông nàng đã thấy những người khác
và đã gọi họ --- chữ, có phải người đó chăng?
và nhiều người trong đó đã trả lời nàng
và nàng tin nhiều người trong đó
bời vì nàng muốn tin, bởi vì nàng đã quá mệt mỏi
bởi vì nàng đã không ngủ quá lâu
và nàng bắt đầu ngờ vực có phải chữ của nàng đã từng hiện hữu
bất kể ai nàng đã hỏi, không ai từng nghe tới nó
chỉ một lần có ai đã nói
chữ này sẽ là chữ cuối cùng
và khi bạn nhớ nó, bạn sẽ quên tất cả các chữ khác
và sẽ tự thân bạn trở thành một chữ.
.
BÀI 2
có ai đang đốt những trang
thơ
trong căn gác của vũ trụ
có lẽ như một dấu hiệu phản kháng
bởi vì những con chim cứ quên các dòng chữ trong những bài hát của chúng
bây giờ và rồi đưa vào [các ca khúc] tiếng run rẩy của các dây điện
hay bắt chước tiếng máy đều đặn của các toa xe lửa
hay có thể đây là cách nhanh nhất để im lặng tới được những người nghe
im lặng
trong đó ý nghĩa của tất cả các tự điển trên thế giới được giấu kín
và quá nhiều ý nghĩa khác
nhẹ nhàng như thế
ý nghĩa như thế
tuyết màu tro này
bên ngoài cửa sổ
chỉ cần chưa tới một phút
nhưng với tôi, nó sẽ là vô tận.
Dmitry Strotsev (sinh năm
1963) là một nhà thơ được nhiều giải thưởng, và là một nhà xuất bản. Ông là tác
giả 17 tập thơ, và là người giữ gìn “trường phái thơ Minsk” một phong cách kết
hợp các nhà thơ sáng tác bằng tiếng Nga tại Belarus. Strotsev tốt nghiệp ngành
kiến trúc, cư ngụ ở Minsk, cũng nổi tiếng trong các bài tiểu luận về văn hóa. Hồi
tháng 10/2020, ông bị bắt cóc trên đường phố trong khi đang đi bộ về nhà và rồi
bị tống giam 13 ngày vì tham dự các cuộc biểu tình phản đối Tổng Thống Lukashenko
không chịu xuống chức bất kể thua phiếu bầu cử. Ông được tổ chức Vaclav Havel
Library Foundation trao giải thưởng “2021 Disturbing the Peace Award to a
Courageous Writer at Risk” (Giải thưởng quấy rối hòa bình 2021 cho một Nhà văn
Can đảm trong Nguy khốn). Ngày 10 tháng 3/2022, Strotsev đưa ra một tuyên ngôn phản
đối Putin xâm lăng Ukraine. Dmitri Strotsev là tác giả 17 tập thơ. Bài thơ đầu
tiên dưới đây nói về cái đói. Bài thơ thứ nhì dưới đây nói về những que diêm là
ông làm khoảng một hay hai tuần sau khi được nhà nước Belarus thả ra khỏi tù.
TẶNG ALEXANDER SKIDAN
trong công viên mùa thu
những đôi mắt đói
thức ăn thừa
trên một tờ báo
giữa chúng ta
những con thú thở
gầm gừ trong một cái chuồng
tiếp tục lộ xương sườn
giống chó chăn cừu lang thang
giữa chúng ta
hãy nói lên, hãy nói lên
Tôi là
chung phận
với mi.
Ngày 14 tháng 9/2009.
.
NHỮNG QUE DIÊM
Bước ra ngoài
tìm những que diêm
.
rời nhà
vì bất kỳ nhu yếu phẩm nào
.
trang phục
cần trọng
.
gọn gàng như thể
bạn có thể biến mất trong mươi,
mười lăm ngày.
.
bạn không bao giờ biết
nơi đâu móng vuốt khủng bố
sẽ chụp lấy bạn.
.
cặp mắt dò xét liên tục
có thể thấy bạn
bất kỳ nơi đâu.
13.11.2020
Hanna Komar sinh năm 1989, là
một nhà thơ, dịch giả và nhà hoạt động, đã ấn hành ba tuyển tập thơ, trong đó có
một tuyển tập song ngữ nhan đề “Recycled” và một tuyển tập thơ-tài-liệu (docu-poetry).
Bà tham dự nhiều cuộc biểu tình vì dân chủ năm 2020. Phần lớn, bà làm thơ trong
tiếng Belarus, rồi dịch sang tiếng Anh. Bà từng bị bắt hồi tháng 8/2020 khi toàn
quốc biểu tình, nhưng không bị giam lâu. Bà là Tổng Thư Ký PEN Belarus (Văn Bút
Belarus) và trong tình trạng được PEN America mô tả là thường trực cơ nguy bị bắt.
Thơ của bà phần lớn nói lên kinh nghiệm khi là một thiếu nữ, rồi một phụ nữ, trưởng
thành trong một đất nước tộc trưởng phụ hệ. Sau đây là hai bài thơ nói lên những
cảm xúc đó.
SAU ĐÓ
chim bay ra
chim non
từ trong tổ nhìn theo:
chim vỗ hai cánh
đuôi chim xoay,
quạt không khí
chân trời nghiêng đi
thế giới chung quanh
chật lại trong một quả trứng.
nếu chim không quay lại
vỏ trứng sẽ là nhà.
.
BỊ BUỘC LẠI
Bị buộc lại bởi sữa mẹ đóng
cục,
bên viền váy của mẹ
bên chiếc tách rạn nứt
dọc theo đóa hồng,
bên cánh hoa
trao cho mẹ không từ người chồng,
bị buộc lại bởi người chồng của mẹ
trong khi ông bị buộc lại bởi ký ức
về cái đầu gà mà thân phụ ông
chặt đứt trước mắt ông, làm sao
bạn không thể bị buộc lại sau đó, mà
đột nhiên đó là bạn
hay đó là đầu của bạn
bị buộc lại bởi một cái trứng
bởi hàng rào chuồng
bởi một hạt ngũ cốc, bởi đỉnh cao
bởi tên của người cha
bởi sữa đóng cục từ ngực mẹ
biên giới
của váy mẹ…
Bây giờ bạn biết rồi
tôi là thứ quái vật nào.
hãy cho tôi tự do
hay là chạy.
Valzhyna Mort sinh năm 1981
tại Minsk, thủ đô Belarus, hiện đang sống tại Hoa Kỳ. Mort học Đại học Ngữ học
(State University of Linguistics) tại Minsk. Tốt nghiệp Thạc sĩ Sáng tác Văn học
tại đại học American University. Mort nổi tiếng khắp Châu Âu về các buổi đọc thơ
trực tiếp trước công chúng. Mort được nhiều giải thưởng về thơ. Tập thơ đầu tiên
của bà là “I'm as Thin as Your Eyelashes” (Em gầy như lông mi của anh), ấn hành
tại Belarus năm 2005. Nhưng trước đó, vào năm 2004, bà được giải thưởng Crystal
Vilencia Award vì trình diễn thơ xuất sắc ở Slovenia. Bà cũng được nhiều giải
thưởng thơ khác. Thơ và các bài tiểu luận của bà thường xuyên đăng trên các báo,
như The Best American Poetry, The New Yorker, The New York Times, The Financial
Times, Poetry, Poetry Review, Granta, The White Review, The Baffler và nhiều nữa.
Mort dạy ở đại học Cornell University và viết trong 2 ngôn ngữ: Anh văn và
Belarus. Thơ của bà được dịch ra hàng chục ngôn ngữ. Bài thơ sau đây của bà
mang dấu ấn chiến tranh đè nặng lên dân tộc Belarus.
.
BELARUSIAN I
ngay cà các bà mẹ của chúng
tôi cũng không biết cách nào chúng tôi ra đời
cách nào chúng tôi đã chui ra giữa hai chân mẹ và bò vào thế giới này
cách mà bạn bò ra khỏi đống đổ nát sau một trận bom
chúng tôi không thể nói được trong chúng tôi đứa nào là gái hay trai
chúng tôi ăn đất mà cứ ngỡ đó là bánh mì
và tương lai chúng tôi
một vận động viên thể dục dụng cụ trên một dây chỉ mỏng của chân trời
đang trình diễn nơi đó
ở âm vang cao nhất
đứa con gái tội nghiệp
.
chúng tôi lớn lên trong một đất nước nơi
trước tiên, cánh cửa nhà bạn bị một dấu phấn ghi dấu
rồi đêm về, một cỗ xe chạy tới
và không ai còn thấy bạn nữa
nhưng ngồi trên những cỗ xe đó không phải
là những người đàn ông vũ trang cũng không
phải là một kẻ lang thang tay cầm lưỡi hái
đó là cách những thân quyến tới thăm chúng tôi
và lôi chúng tôi đi trong khi che mặt
.
hoàn toàn tự do chỉ có trong nhà vệ sinh công cộng
nơi chỉ tốn chút tiền và không ai bận tâm chúng tôi làm gì
chúng tôi chống lại nắng mùa hè, tuyết mùa đông
khi chúng tôi khám phá ra chúng tôi chính là ngôn ngữ
và lưỡi chúng tôi đã bị cắt đi, chúng tôi bắt đầu nói chuyện bằng mắt
khi đôi mắt chúng tôi bị chọc thủng, chúng tôi đã nói bằng hai bàn tay
khi tay chúng tôi bị chặt đứt, chúng tôi nói bằng các ngón chân
khi chúng tôi bị bắn vào chân, chúng tôi gật đầu để nói là vâng
và lắc đầu để nói là đừng, và khi họ ăn sống đầu chúng tôi
chúng tôi bò ngược trở lại bụng của các bà mẹ đang ngủ của chúng tôi
như dường chui vào hầm tránh bom
để được sinh ra lần nữa.
.
và nơi đó, trên chân trời, người vận động viên thể dục dụng cụ của tương lai chúng
tôi
đang phóng người xuyên qua cái vòng lửa cháy
của mặt trời.