Monday, June 13, 2022

2489. PHẠM THÀNH CHÂU Truyện ngắn TÔI MƠ LÀM NHÀ VĂN



Tôi mơ làm nhà văn. Tác phẩm đầu tay của tôi là lá thư tình tám trang học trò. Gửi đi rồi bị trả về với lời phê bên lề Văn chương sến, đơn bị bác. Thời đó chữ  sến dùng chỉ các cô giúp việc, họ thích những bài hát nỉ non, những câu vọng cổ mùi mẩn nhưng rỗng tuếch. Lá “Đơn xin tình yêu của tôi trước khi trả lại, đã được chuyền tay nhau đọc và phê bình khắp trường Trần Quí Cáp.

Hội An là thành phố cổ thuộc tỉnh Quảng Nam, nhỏ chút xíu, chẳng mấy chốc tôi nổi danh, chúng gọi tôi là Thằng Sến. Mà người tôi yêu, cô Lê Thị Thanh, là một cô bé lớp đệ ngũ tóc dài, mắt đen, rất dễ thương và có chiếc miệng hơi móm. Mà tôi lại yêu cái miệng móm đó mới chết chứ! Bị cô phang cho một câu "Văn chương sến...". Từ đó tôi không bao giờ viết thư tình. Yêu ai tôi nhờ người khác nói giùm.

         Tôi muốn thành nhà văn vì mấy ông thi sĩ, văn sĩ là thần tượng của bọn học trò. Tôi xấu trai, học dở, nên chỉ có cách là làm văn sĩ họa may các người đẹp mới để mắt đến. Thế nên sách báo nào nói về văn chương tôi đều tìm đọc, nghiền ngẫm, rồi thử theo sách dạy. Nhưng chỉ viết đến trang thứ hai là tôi tịt, không có cách nào làm cho nhân vật suy nghĩ, hành động đúng như ý tôi. Nó cứ ỳ ra đó, như một tượng gỗ không hồn. Tôi đoán có nguyên nhân gì đây? Thời đó, Hội An có một anh chàng, thỉnh thoảng có truyện đăng trên báo, nhất là báo Tiếng Chuông ở Sài Gòn, trang trong có mục Cuộc thi truyện ngắn. Thế giới người mù kẻ chột làm vua, anh ta được nể phục lắm. Trong giới học trò làm thơ thì nhiều chứ viết truyện rất hiếm. Tôi tìm cách làm quen với anh văn sĩ nầy. Một lần tôi xin gặp anh để hỏi về bí quyết viết văn. Thấy được trọng vọng, anh chịu liền. Anh bảo.

- Viết văn là một thiên tài (Ý anh muốn nói anh là thiên tài!) Chả ai dạy, chả ai học được. Tiếp theo là phải có cái gì trong lòng muốn nói ra. Sau cùng đừng viết sai chính tả, sai văn phạm.

Tôi tâm sự là tôi mê một cô bé tức là tôi có cái gì trong lòng cần nói ra, vậy sao thư tôi tỏ tình bị trả lại? Anh bảo.

- Mầy phải viết cho đúng sự thật, người ta chột mắt, mầy viết đôi mắt long lanh, đi cà thọt thì bảo dịu dàng, uyển chuyển. Nó chưa đập guốc lên đầu mầy là may.

Tôi chán tôi quá!

         Thi hỏng tú tài hai, tôi vào trường sĩ quan Thủ Đức rồi ra đơn vị tác chiến, vài giòng gửi về ông bà già nhắc chừng rằng tôi còn sống cũng không có thì giờ viết, hơi đâu mà văn với chương. Tôi học hành thì dở chứ đánh nhau chả hề thua, thấy ăn không được bỏ chạy coi như huề. Ấy vậy mà đến năm bảy lăm tôi cũng phải vất súng, đi tù. Ra tù, tôi ở lì tại Sài Gòn, không hộ khẩu, không nhà cửa, bán vé số, ngủ vỉa hè. Rồi tôi lấy vợ. Vợ tôi chẳng có tóc thề, cũng chẳng ngây thơ, yểu điệu. Ả là người lam lũ. Tôi và ả đến với nhau mà không hề bận tâm đến đẹp hay xấu. Hai đứa như hai giề lục bình trôi lang thang tình cờ dính vào nhau. Nguyên nhân, tù về, tôi đặt một bàn vé số bên đường. Gốc cây bên cạnh là bàn vé số của ả. Đúng ra tôi không có quyền giành khách vì ả buôn bán trước tôi từ lâu. Nhưng thay vì nhảy chồm lên gây gỗ, ả lại giúp tôi trong bước đầu hành nghề còn lọng cọng. Ả là con gái đầu của một lão trung tá còn trong tù. Tôi biết được vì cái tật hay khoe của ả Bố tôi trung tá đấy, còn trong tù ấy! Làm như cả nước chỉ có bố ả là trung tá đi tù! Thực ra bàn vé số nào cũng giống nhau, vậy mà ả lại có nhiều khách, người thì cười nói, người thì nhăn nhó, lầu bầu...Sau nầy mới biết là ả còn bán số đề nữa, kiếm ăn khá lắm. Tính tôi ham vui, có bạn tù đến rủ là bỏ đi uống cà phê hoặc uống rượu. Mỗi lần như thế, tôi phải gửi bàn vé số cho ả coi chừng. Một lần, nhân trong người còn chút hơi men, tôi gạ gẫm.

- Hai bàn vé số mình hùn nhau làm một, coi bộ khỏe à nghe!

- Định giao hết cho tôi, còn ông đi tán phét với bạn bè rồi về chia lời?

- Không có đâu. Ngày cho tôi hai bữa với vài đồng uống cà phê là đủ.

 Ả ngạc nhiên.

- Trước giờ anh ăn uống ở đâu?

- Làm sao mà nhớ được, gặp đâu ăn đó. Bây giờ khổ hơn trước nhiều. Trước kia ăn có người nấu sẵn, ngủ có người canh gác.

- Bộ anh làm lớn lắm sao?

- Ở tù thì lớn nhỏ như nhau. Tôi nói lúc tôi đi tù, có lính gác chung quanh nhà tù, ăn thì có nhà bếp nấu sẵn.

Thế là ả hỏi tôi đủ thứ chuyện, từ lính tráng đến chuyện ở tù, chẳng khác gì công an chấp pháp. Hôm sau, buổi sáng ả để trên bàn vé số của tôi gói xôi.

- Chẳng phải tôi thương anh đâu.

- Vậy chớ thương ai mà lại cho tôi ăn xôi?

- Tôi thương bố tôi. Anh kể chuyện trong tù, tôi thương bố quá!

- Thương bố thì gửi xôi cho bố, sao lại cho tôi?

- Thì tôi thương lây qua anh vậy đó. Anh nầy kỳ cục, ăn đi, đừng hỏi nữa!

Tôi không nhớ diễn tiến cuộc sống chung của tôi với ả ra sao, nhưng mùi kênh Nhiêu Lộc bốc lên mỗi buổi chiều khi nước rút vẫn còn là một ám ảnh. Cả năm mạng người - mẹ ả và hai em - cùng chung sống trong một căn nhà sàn ọp ẹp, đong đưa như chực đổ ụp xuống con kênh toàn sình lầy, rác rưởi đen ngòm. Nhưng chả có ai phàn nàn hay mặc cảm điều gì. Ả an ủi tôi.

- Chịu cực ít lâu, có anh phụ với em, mình tìm căn nhà khá hơn. Trước ở cư xá sĩ quan, sau bị tịch thu nhà, chưa ngủ đường, ngủ chợ là may rồi.

Tôi là gánh nặng của ả chứ phụ được gì, họa chăng phụ cho căn nhà đong đưa nhiều thêm!

Ít lâu sau có vụ H.O, ả điều khiển, chỉ vẻ cho tôi cách chạy hồ sơ xuất cảnh, dĩ nhiên tốn kém ả móc hầu bao chứ tôi chỉ có cái mạng mộc. Chuyện H.O ả nói như máy, đơn giản là khách nào đến, hỏi được là ả hỏi sa đà. Ả còn biết cả chuyện lên máy bay qua Thái Lan phải đem theo quạt giấy vì trên máy bay nóng lắm. Qua đến Mỹ, chỉ một tháng sau, ả có việc làm lãnh tiền mặt. Ký cóp được đồng nào, gửi hết về Việt Nam. Lần nào viết thư cũng lau nước mắt, hỉ mũi lia lịa, ả bảo nhớ mẹ nhớ em, thương bố quá. Thư ả viết đơn giản như nói chuyện mà tôi đọc lại mủi lòng, so với loại văn chương ba xu của tôi trong bức thư tỏ tình tám trang ngày nào quả là một cách biệt lớn. Ít lâu sau tôi cũng xin việc làm, tôi về báo cáo, có hai nghề có thể làm được. Một là làm phu trường, tức là dọn vệ sinh các trường học, ả phán.

- Bói ra ma quét nhà ra rác, có làm cách mấy chúng cũng chê được.

Việc thứ hai là ngồi két cây xăng, ả sáng mắt lên.

- Được đấy! Em có thấy rồi, nhàn lắm. chỉ "No sir, yes sir, thank you..." rồi lấy tiền. Tính anh chậm chạp, cứ từ từ, không có khách thì ngồi chơi. Nhưng anh nhớ tìm cây xăng nào ế khách, càng ế càng khỏe.

Theo sách lược của ả, tôi kiếm được một chỗ làm, quả thật quá nhàn nhã. Làm được một tháng, ả ngắm nghía, sờ nắn tay tôi.

- Anh coi bộ lên cân, trắng ra. Để em mua bánh kẹo đem theo ăn cho khỏi buồn miệng.

Không buồn miệng nhưng tôi buồn tay chân. Ngồi trong chuồng cu, chẳng khác gì con búp bê bị đặt vào hộp kính trong các cửa hàng, tôi chợt nghĩ đến giấc mộng hằng ấp ủ. Tôi làm nhà văn!. Người ta bảo Văn chương là tình yêu Vậy thì tôi phải chuẩn bị một chuyện tình có đủ yêu đương, xa cách, tái ngộ, hạnh phúc...Nhân vật nữ dĩ nhiên phải đẹp. Nhưng tả người đẹp thế nào? Tôi cố nhớ lại những cô gái mà tôi mơ tưởng. Ngoài cô Thanh,  tôi còn yêu cô Kín, một cô Tàu lai. Nói lai cũng không đúng, cha mẹ cô tàu rặc, nhưng cô nói tiếng Việt còn giỏi hơn tiếng Tàu. Cô là con chủ tiệm kem Thái Sơn ở Hội An. Hễ có đồng nào trong túi là tôi và vài đứa bạn chờ lúc cô ra trông hàng kéo vào mua, đứng hỏi chuyện linh tinh cả giờ. Cô thường trả lời một cách nghiêm trang, mắt không nhìn lên. Ai nói câu nào tức cười lắm cô cũng chỉ mím miệng lại, trông càng xinh. Cô đẹp chẳng thua Lý Lệ Hoa, tài tử Tàu nổi tiếng thời đó. Có chuyện tình cờ lạ lùng là khi ở Mỹ, một lần từ Virginia qua Maryland thăm bạn, tôi ghé vào một tiệm chạp phô, nghe bà bán hàng nói tiếng Việt giọng Quảng Nam, tôi hỏi thăm mới biết là cô Kín ở tiệm kem Thái Sơn ngày xưa. Cả hai mừng rỡ nhìn đồng hương nhau. Bây giờ thì cô đã là phụ nữ sồn sồn, nhưng vẫn còn chiếc mũi dọc dừa và hai má đồng tiền phinh phính. Cô không làm nghiêm nữa mà còn cảm động khi nghe kể chuyện tôi trồng cây si trước tiệm của cô.

- Em không nhớ rõ anh vì lúc đó có nhiều anh đến hỏi chuyện mỗi khi em ra trông hàng. Ông bà già cứ canh chừng và dặn không được cười. Nhưng có một anh hễ nói là em tức cuời, có phải là anh không?

Tôi vội nhận  lấy phần thưởng.

- Chính tôi đây chứ ai!

- Anh cũng biết, thời đó ở Hội An, con gái và cả con trai nữa, người Tàu phải lập gia đình với người Tàu. Có yêu thương người Việt cũng đành chịu đau khổ mà thôi.

Chính câu nói đó đã thành một đề tài ướt át cho tôi sáng tác. Tôi sẽ dựng một chuyện tình, trong đó tôi và cô Kín yêu nhau nhưng trở ngại gia đình, đành phải xa nhau. Nơi xứ người tình cờ gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Hay quá đi chứ! Tôi còn cho hai nhân vật ôm nhau, hôn hít, linh tinh đủ thứ...Có hậu như thế người đọc mới thích.

 Thế là tôi cặm cụi sáng tác trong lúc không có khách hàng. Viết được mấy trang, tôi đọc lại, thấy mình viết quả là rất hay. Xong, tôi chép lại sạch sẽ và để ý tìm một tờ báo có tiếng tăm để gửi chuyện đi. Trong lúc chuẩn bị, tôi đem tác phẩm về nhà, cất kỹ vào hộc bàn, không cho vợ biết. Chuyện nầy ả không rành, chỉ đến khi nào báo đăng bài, tôi sẽ đem về khoe cho ả phục lăn. Ả thương yêu tôi thực, nhưng đánh giá tôi thấp, lúc nào cũng lo lắng, săn sóc tôi như một em bé, tôi phải điều chỉnh sự suy nghĩ của ả về tôi.

Người ta bảo Văn mình, vợ người thật không sai, tuy chưa gửi bài đi, nhưng mỗi lần đọc lại là mỗi lần tôi thấy mình viết quá hay. Đọc chuyện người khác thì tôi nghĩ Chuyện thế nầy, quá tệ mà cũng đăng!, đôi khi tôi không thèm đọc chuyện người khác vì cho rằng dở hơn của tôi. Đối với bạn bè, tôi cảm thấy đã vượt trên họ, khi nói chuyện, tôi thường tỏ vẻ trịch thượng, kênh kiệu, tưởng chừng như đã ban cho họ cái hân hạnh được là bạn tôi, một nhà văn lớn. Dĩ nhiên chẳng hai hiểu thái độ đó, khiến tôi bực mình. Và tuy chưa có giòng chữ nào trình làng mà tôi đã tưởng tượng biết bao độc giả ngợi khen, những nhà phê bình viết bài ca tụng, rồi các em gái lãng mạn yêu tôi, tìm hiểu về tôi. Lúc đó tôi sẽ làm gì? Trước hết phải có một tấm ảnh trông cho thật nghệ sĩ. Tôi sẽ để râu tua tủa, để tóc bồm xồm, cầm ống vố, ngồi vênh mặt lên cho thợ ảnh lấy góc cạnh. Và cũng có thể một họa sĩ danh tiếng  - phải  danh tiếng tôi mới chịu - sẽ vẽ nghệch ngạc vài nét về tôi, các báo sẽ đăng hình kèm với tác phẩm của tôi. Và nếu có phỏng vấn tôi sẽ làm ra vẻ khiêm nhường. Tôi sẽ nói gì về văn chương của tôi, về triết lý của câu chuyện, sâu sắc ra sao? Ôi, cái tôi của tôi sao mà vĩ đại thế! Xin  thông cảm cho tôi, nhà thơ nào mà không mơ được các em chép thơ vào tập, các nhạc sĩ phổ nhạc, nhà văn nào mà lại không có chương trình ra mắt sách, muốn dịch sách mình ra ngoại ngữ cho cả thế giới biết văn chương của mình, có khi còn dám nghĩ đến cái giải Nobel nữa cũng nên! Dĩ nhiên, tất cả chỉ mới ở trong giấc mơ, trong tưởng tượng chứ cái tác phẩm văn chương đầu tay của tôi vẫn còn nằm trong hộc bàn ở nhà.

         Tính tôi ham vui, bạn bè rủ đâu cũng đi. Tôi thường qua Maryland vì có nhiều bạn, đôi khi trò chuyện quên cả ngày giờ. Một hôm về khuya, thói thường lúc nào vợ tôi cũng dọn sẵn thức ăn trên bàn, bỏ vô máy hâm vài phút là vợ chồng cùng ăn, nhưng lần nầy, bàn trống, bếp lạnh. Vô phòng thấy ả nằm một đống, xây mặt cô vách.

- Có gì ăn không em?

Vẫn yên lặng.

- Có gì bất mãn cho anh nhịn đói đây? Nói anh nghe!

Ả úp mặt vào gối, hai vai bắt đầu rung lên.

- Anh đi ăn nhà hàng, có người nuôi rồi, cần gì tôi nữa.

- Từ sáng đến giờ chỉ mấy lon bia với con khô mực, nhà hàng nhà họ gì đâu.

Ả xửng cồ, ngồi bật dậy, trừng mắt nhìn tôi căm hờn.

- Đừng nói láo. Ông theo con đĩ ngựa đó, tình cũ nghĩa xưa, đâu cần đến tôi.

Rồi ả khóc ngất, khóc mùi mẫn. Tôi kinh ngạc.

- Ai mét bậy bạ với em gì đó?! Con đĩ ngựa nào, ở đâu, anh có biết gì mà em nói vậy!

- Còn ai nữa! Con mẹ chạp phô già khú đế, cái miệng dẻo quẹo bên Maryland chứ ai. Tôi còn biết hai người đi đâu, làm gì với nhau nữa kia, còn chối nữa à?

Tôi càng ngạc nhiên.

- Thì người quen biết, gặp hỏi chuyện thôi. Người ta có chồng con đàng hoàng, đừng nghĩ bậy bạ. Anh thề với em...

- Thề cá trê chui ống! Tôi qua bên đó, đến tận nơi, xem thử nó là người thế nào mà ông mê nó. Cái thứ già quắc, thấy muốn ói mà ôm ấp. Nè, đừng có đụng vào người tôi. Tôi ghê tởm ông quá rồi, ông đi cho khuất mắt.

- Nói thực anh nghe, có chuyện gì xảy ra? Có bao giờ anh không thương em, đi theo người nào đâu?

- Có phải ông với con chủ tiệm chạp phô bồ nhau lúc còn ở Hội An không?

- Làm gì có, người ta người Tàu, mình người Việt, bồ bịch nhau sao được.

- Không được mới phải xa nhau. Bây giờ gương vỡ lại lành, giọt máu rơi còn đó...

Bấy giờ tôi mới hiểu ra. Ả đã đọc chuyện tôi viết, có lẽ lúc tình cờ dọn dẹp nhà cửa. Ả rất siêng chuyện nhà, đi làm về là giặt giũ, nấu nướng, chùi nhà, xếp quần áo...ả làm không ngơi tay trong lúc tôi nằm khểnh xem TV, đọc sách, báo.

- Anh biết rồi, đó là chuyện ngắn anh viết gọi là sáng tác văn chương. Em chẳng hiểu gì cả.

- Sáng tác gì, người thật, chuyện thật mà sáng tác. Ông còn xưng tôi trong đó nữa.

Rồi thấm ý, ả càng khóc nức nở. Tôi dỗ dành

- Em phải thông cảm cho nhà văn họ phải lấy một ít ngoài đời, rồi thêm thắc vô cho hay, họ phải có bao nhiêu người đẹp, bao nhiêu mối tình, bao nhiêu chuyện éo le. Thế vợ ông nhà văn nào cũng ghen như em thì ai chịu thấu.

Nói gì ả cũng không chịu, sau tôi phải thề sống thề chết là chỉ yêu thương mình ả thôi. Ả là người đẹp nhất trên đời, còn mụ chủ tiệm chạp phô thì xấu không thể tưởng...ả mới tạm nguôi ngoai. Tôi dẫn ả vô phòng  rửa mặt mũi, lại còn hôn ả một cái nữa ả mới chịu xuống bếp nấu gói mì ăn liền. Tôi đi tìm đứa con tinh thần của tôi, nhưng hộc bàn trống trơn.

- Tập chuyện của anh đâu rồi?

- Xé rồi!

- Sao lại xé đi. Công trình của người ta cả tháng trời. Thôi được để anh dán lại, chép lại. Em bỏ nó đâu?

- Giục thùng rác rồi.

- Thùng rác nào?

- Xe rác đem đi rồi.

Đức ghen của vợ tôi, e hơn cả Hoạn Thư, vì Hoạn Thư ghen với người có xương thịt đàng hoàng và rõ ràng có linh tinh với chồng mình. Đằng nầy vợ tôi ghen cả với vật vô tri nữa. Một lần tôi vờ ôm cái gối hôn và nói Gối đẹp quá, yêu gối quá! Không nói một tiếng, ả chộp ngay cái gối , lấy dao rạch nát teng beng và bỏ thùng rác sau hè.

Trở lại cái chuyện ngắn của tôi, tôi có thể nhớ lại, chép lại nhưng ả giao hẹn.

- Không được nhắc tới chuyện đó. Không được qua Maryland.

- Bộ em giận nhân vật trong truyện lắm sao? Được, để anh cho cô ấy chết cho em hả dạ.

- Nó chết ông lại càng nhớ thương nó. Đã nói không được là không được.

 Tôi hân hoan.

- Anh viết em đọc phải nổi xùng lên, như thế là anh viết rất hay, thành công rồi, nhà văn lớn rồi đấy!

- Hay cái khỉ mốc, viết dở ẹt. Cứ viết và gửi đi xem, cũng vô thùng rác thôi.

- Sao em lại ghen? Nó phải gợi hình gợi cảm...

- Gợi cái khỉ khô. Tôi qua Maryland tìm, thấy rõ có thực. Ông lại hay qua đó. Tôi rình, bắt được, tôi chém cả hai. Đồ gian phu dâm phụ!

Khi ghen thì ả chẳng thèm giữ lời. Cái gì cũng nhịn tôi được, riêng mục ghen tương là ả phủ đầu, chiếm thượng phong liền. Chả lẽ tôi bỏ ả theo nghiệp văn chương, rồi ai nấu cơm, dọn giường, chiều chuộng tôi? Tôi còn khám phá ra là ả chẳng phải cù lần đâu. Trong cuộc sống, ả đón ý tôi rất tài, về mọi thứ, cho nên tôi phải cẩn thận, rủi ả bỏ tôi, tôi sẽ là một tên homeless chứ chẳng chơi.

Nhưng tôi là người mưu kế, tôi đã có cách, tôi sẽ viết nhưng không đem tác phẩm về nhà và đề tên tác giả khác, ả không biết được. Câu vợ tôi phê Hay cái khỉ mốc, viết dở ẹt đã làm mất tinh thần văn nghệ của tôi. Ả là người chân thật, không phải vì giận mà nói thế, cho nên tôi đã bớt máu tự tôn. Lần nầy tôi viết và gửi ngay đến một tờ báo địa phương. Cộng đồng Việt Nam ở Mỹ có hai loại báo. Báo địa phương, phát hành trong vài tiểu bang gần nhau, thường tặng không cho người đọc. Báo sống bằng quảng cáo, chuyên đăng tin tức, bình luận là chính. Loại thứ hai phát hành khắp nước Mỹ và thế giới, bán chứ không tặng. Nội dung, chất lượng không khác với báo địa phương nhưng nặng về văn học, nghệ thuật. Tôi gửi chuyện đến báo địa phương, hy vọng vì ít bận tâm đến nghệ thuật, họ sẽ cho đăng. Tôi gửi đến tờ báo X., nhưng cả tháng trời mà chẳng thấy đăng! Tôi gọi đến tòa báo hỏi. Chẳng ai biết bài của tôi ở đâu, gửi khi nào, đề tài, tác giả là gì? Tôi giận quá, đòi gặp ông chủ nhiệm, chủ bút gì cũng được. Tôi nghe tiếng lao xao trong điện thoại rồi có người nói.

- Tôi là chủ nhiệm báo X. đây. Vâng, tháng trước chúng tôi có nhận được bài của ông. Vâng, tôi đọc rất kỹ, chuyện rất hay, cấu kết rất vững, tình tiết bất ngờ, văn rất chải chuốt, nhiều âm diệu... Nhưng rất tiếc bài không hợp với chủ trương của báo chúng tôi. Xin ông vui lòng gửi đến báo khác. Và nếu có những sáng tác mới xin cứ gửi đến chúng tôi, nếu hợp, chúng tôi sẽ cho đăng ngay.

Tôi nghe khoái quá, hết cả giận. Có lẽ ông ta chỉ đọc vài giòng chuyện của tôi là vứt vào thùng rác đúng như vợ tôi nói, nhưng ông cứ khen búa xua, vậy là tôi vui lòng, lại phục ông ta là người có con mắt tinh đời, biết thưởng thức văn chương của tôi. Nhưng quái lạ, tôi gửi đến các báo khác, cũng chẳng thấy đăng?! Có lẽ, tuy chủ trương khác nhau nhưng báo nào cũng có một sọt rác giống nhau!

         Nhờ thấm nhuần triết lý Thất bại là mẹ thành công nên tôi vẫn tiếp tục đẻ những đứa con văn nghệ, tiếp tục tìm cách cho trình làng. Lần nầy, khôn hơn, tôi gửi một chuyện ngắn đến một tờ báo văn học nghệ thuật, ngoài những lời khen tặng tờ  báo, tôi còn kèm theo một chi phiếu đặt mua một năm báo. Có lẽ kẹt cái chi phiếu nên ông chủ bút cho đăng, coi như bài cậy đăng! Tôi gửi tiếp một chuyện ngắn nữa, cũng kèm một chi phiếu một năm báo, mua để tặng một người bạn, dĩ nhiên không phải bạn trai. Thế là chuyện của tôi lại xuất hiện trên tập san đó. Nghe một năm báo tưởng nhiều chứ chỉ có mấy chục bạc thôi. Mà các cô bạn được tôi tặng báo, chỉ cám ơn về tờ báo chứ chẳng nói năng, bình luận gì về văn chương của tôi đăng trong đó cả dù tôi thường gợi ý.

- Tôi thấy chuyện ngắn của cây viết Ba Trợn (tức là tôi) đọc được lắm, (chị, cô, bà) đọc chưa? Thấy thế nào?

Dù biết tôi là tác giả, nhưng quá dở, tìm mãi không ra điểm nào khả dĩ để mà khen, mà nói láo thì ngượng miệng, nên họ thường nói lảng sang chuyện khác.

Trở lại chuyện mụ vợ Hoạn Thư của tôi. Vì tôi viết nhưng không để tên thật, muốn chắc ăn, mỗi khi báo gửi đến tôi bảo.

- Anh đăng chuyện trong nầy.

Ả không thèm nhìn tôi.

- Người ta mà đăng bài ông, tôi đi đầu xuống đất.

Vậy là tôi yên tâm. Nhưng có lẽ vì thấy tôi ngồi ngoài cây xăng, làm việc mà cứ viết lách mãi, nên ả sinh nghi. Trước giờ chưa hề cầm đến tờ báo, nhưng sau nầy tôi thấy thỉnh thoảng ả có đọc.

Một buổi tối, khi đi ngủ, ả nhẹ nhàng hỏi.

- Anh có viết thư, gửi quà về Việt Nam cho người yêu cũ chưa? Cho nó chút ít kẻo tội nghiệp, tình cũ nghĩa xưa. Khi nào về Việt Nam đã có sẵn một em chờ đợi, dẫn đi chơi...

Có lẽ tưởng tượng lúc tôi dẫn em đi chơi, ả tức, không kèm được, nhào đến ngắt véo tôi khắp người, mắt cứ long lên trông phát khiếp. Tôi ngạc nhiên.

- Em nào, ở đâu? Anh có về Việt Nam lần nào đâu?

- Con nào? Con mặt mụn, tối ngày phấn sáp, ở nhà lầu ngay trước đường Trương Minh Giảng chỗ ông ngồi bán vé số. Nó có ngắt bông ngọc lan đưa cho ông qua hàng rào không? Ông có nắm tay nó không? Tôi đâu có ngờ! Biết vậy tôi chẳng thèm lấy ông nữa, mang tiếng giành chồng người ta!

- Này đừng có ghen bóng ghen gió, bằng chứng đâu?

Ả vùng dậy, lấy tờ báo, giở cái chuyện ngắn, dí vào mặt tôi.

- Cái gì đây? Ông tả đúng y bon, tôi đọc biết ngay. Còn câu nầy, chỉ có ông mới thường nói mà thôi Vợ chồng muốn gì cứ vô phòng đóng cửa lại. Cứ hôn hít giữa đường, kỳ cục!

Tôi chịu thua! Nguyên nhân khi xem TV thấy hôn hít tôi bực mình thường nói câu đó. Vậy mà ả tìm ra trong cả một tập sách dày mới tài. Thì ra con người tôi, thói quen và cả những câu nói thường ngày của tôi đã thuộc về ả tự lúc nào rồi. Ả biết hết! Tôi hiểu ra chỉ vì ả yêu thương tôi mà thôi. Trong một chuyện ngắn khác, tôi kể chuyện ngoài miền Trung, người ta nói tiếng Huế, ăn cơm hến...Ả chưa hề ra đó bao giờ, vậy mà ả biết ngay.

- Trước tôi ông có một đời vợ rồi phải không? Tại sao bỏ người ta? Ông bị thương, người ta vô quân y viện chăm sóc, nuôi nấng, khi lành bịnh ông dụ dỗ người ta, ăn ở với người ta xong rồi đi thẳng. Ông là đồ đểu cáng! Lại còn viết Lấy chồng đời chiến binh, mấy người đi trở lại Người ta chết trận, người ta không trở lại, còn ông thì quất ngựa mo. Hay quá mà!

Tôi chối biến, lại làm mặt giận vì bị vu cáo. Ả tức quá.

- Ông cửi áo quần ra tôi chỉ cho. Ông viết bị một băng đạn, ba phát vào đùi, một phát vào bụng. Cái gì đây? Mấy cái sẹo đây? Đếm coi!

Rồi hầu như tất cả những chuyện tôi viết ả đều tìm ra cả. Mỗi chuyện ngắn, ai viết cũng thế, đều có những nhân vật, những chuyển biến tâm lý trong từng hoàn cảnh riêng...Mụ vợ tôi thì không thèm để ý đến, vì ả đâu có thưởng thức văn nghệ, văn gừng gì. Ả đọc một chuyện là tìm kiếm xem có phải tôi là tác giả không, sau đó xem nhân vật nam có làm gì nhân vật nữ không? Nếu có hôn hít, ôm nhau mùi mẩn là ả xé ngang chỗ đó, chờ tôi mới bước chân vào cửa là ả cứ thế mà đánh đập, ngắt véo tôi, đôi khi lấy chổi lông gà rượt tôi chạy khắp nơi, vừa rượt vừa chửi.

- Đồ con dê, đồ đàn ông mà mất nết...Đi theo nó” đi, đừng về nhà nữa!...

         Tôi muốn viết vì đó là thú vui duy nhất của tôi chứ không muốn nổi danh như trước đây tôi ước ao, vì tôi biết văn chương của tôi chả hay ho gì. Tôi để nhiều tên khác nhau, tôi không muốn ai để ý đến, cả vợ tôi nữa, người mà đáng lẽ cùng tôi thưởng thức thú vui đó, lại quay ra hành hạ tôi vì tánh hay ghen. Nhưng vì yêu thương ả nên tôi không muốn ả buồn tội nghiệp. Cuối cùng, sau bao đêm tỉ tê, giải thích, vợ tôi  có phần thông cảm, nhưng ả bảo.

- Anh muốn viết gì thì viết, nhưng chuyện không được liên hệ chút xíu nào đến anh cả. Không được xưng tôi, không ôm ấp, hôn hít, vuốt ve nó”. Đọc mấy chỗ đó em tức muốn nghẹt thở.

- Được rồi, anh viết về người khác. Họ yêu nhau chân thành, chuyện có hậu nên họ lại gặp nhau. Nhưng theo em, họ cưới nhau có được không?

- Đám cưới thì được, nhưng cưới ngoài đường, không có chuyện dẫn vô phòng, bậy bạ.

- Cưới ngoài đường là sao?

- Thì anh viết đám cưới có cô dâu, chú rễ, có đốt pháo, quần áo đẹp...Rồi có công chúa, hoàng tử, có vua, hoàng hậu. Dân chúng đứng coi tùm lum, có sao đâu?

Tôi thở dài ngao ngán.

- Không có hôn hít, ôm nhau, làm sao mà chuyện hay được!

- Sao không hay? Tại anh viết dở quá. Có biết bao chuyện hay, muốn bao nhiêu em kể cho, rồi anh viết lại.

 Mà ả kể hay tuyệt, tôi viết cũng hay, biết bao nhiêu là chuyện...Nhưng chẳng báo nào đăng cả, dù lúc nào gửi bài, tôi đều kèm một chi phiếu mua một năm báo.

 Bây giờ trẻ con nói tiếng Mỹ, đọc sách Mỹ, tiếng Việt chúng không rành. Người lớn thì không phải tuổi để đọc chuyện của tôi.

Tôi viết chuyện cổ tích.

PHẠM THÀNH CHÂU