Mẹ tôi
mất lúc tôi lên sáu. Giờ đây, hình ảnh người Mẹ chỉ còn trong trí nhớ. Ở đó nó
bàng bạc một chốn vắng xa. Có chăng là những lúc nghe ba tôi kể lại, hay anh
chị nhắc tới. Bức hình đen trắng chụp gia đình, quấn khăn tang trắng năm1954,
trong đó người con trai út là tôi ngồi ở hàng phía trước. Mấy chục năm qua,
sang xứ người tôi mang theo, như một phần đời giữ lại. Ba tôi bây giờ không
còn, các anh chị kẻ trước người sau cũng ra đi phân nửa trong tổng số gia đình.
Những khi nhìn lại, một quãng đời qua, nó lặng lẽ như nỗi cô độc ở chính mình.
Tôi còn
nhớ thời gian mẹ tôi nằm ở nhà thương. Danh từ nhà thương là danh từ được nhắc
tới, hơn là danh từ bệnh viện như sau nầy. Cho đến bây giờ tôi không còn nhớ
các người phục vụ, y tá trong nhà thương. Hình ảnh rõ nét trong đầu óc trẻ thơ
ở tôi là hình bóng các bà phước mặc áo đen trắng, đội nón xoè tới lui, săn sóc
bệnh nhân. Có lẽ mẹ tôi nằm lâu, tôi lại là đứa bé quen thuộc. Các bà phước coi
như người trong đạo, đeo vào cổ tôi chiếc thánh giá dạy tôi cầu nguyện. Có thể
để làm vừa ý thuận lòng các bà phước, vào ra gặp gỡ. Ba tôi để vậy, cho đến
ngày mẹ tôi mất đi.
Ở quãng
đời sau, cho đến cuối đời, ba ở vậy. Ba nhắc về mẹ, kể chuyện như một kỷ niệm.
Qua đó tôi sống trong sự nhắc nhớ buồn vui. Nhìn thấy những đứa bé hàng xóm còn
mẹ. Tôi tự an ủi với chính mình. Tôi cũng có một người mẹ, cũng được yêu thương
nuông chìu, trong chuyện kể. Đôi khi nhìn gia đình bạn ở tuổi thơ láng giềng,
thấy tình cảnh không khí ấm cúng, đủ đầy, rộn ràng tiếng cười yêu thương. Tôi cảm
thấy thua thiệt, để từ đó tôi biết buồn một mình, biết sống trong sự cô độc,
yên thân.
Gia đình tôi chỉ có một người chị. Cho đến năm tôi học đệ thất, chị đi
lấy chồng về Sàigòn. Các anh lớn có gia đình ở xa. Sống với ba, chỉ còn có hai anh em tôi ở lại. Nhà không có đàn bà, không có ai
đảm trách phần nội trợ. Ba còn phải đi dạy một buổi. Chuyện cơm nước coi như ăn
cơm tháng dài dài, nhiều nơi, nhiều chỗ, ở tiệm có, ở nhà người nấu có. Ngon,
dở, mặn, lạt, thịt ít, mỡ nhiều, khen chê coi như đủ kiểu. Năm nầy tháng nọ kéo
dài, cho đến mãi về sau lớn lên ra đời lập thân. Tôi ăn cơm người ngoài nấu
ròng rã trên mười năm. Một gia đình, không có người đàn bà, không khí, nhà cửa
cũng khác đi. Không có người mẹ, chúng tôi cũng tập tành làm mọi chuyện cho
mình, lo thân, lo quần áo, giặt giũ, đơm nút áo, nút quần. Không có mẹ, phải
làm nhiều chuyện. Tôi có mặc cảm với bạn bè, biết mắc cỡ, biết đạp xe tránh
đường, sợ bắt gặp mỗi lần đi xách cơm, khi đi học về. Rồi theo thời gian trong
ngôi nhà ít người. Cái không khí vắng lặng, trật tự đâu đó cũng quen. Tôi thấy
mình ít nói, ít đùa chơi với bọn trẻ hàng xóm. Ở tuổi thơ lúc đó, tôi muốn mình
thành người lớn.
Tôi không
thể hình dung, nói chuyện với phần tự tin của một cậu bé con nói về mẹ mình.
Tôi chỉ nhớ những gì liên quan, nhắc nhớ đến người Mẹ. Tôi còn nhớ ngày đi dò
danh sách trúng tuyển niêm yết, kết quả thi tú tài phần 2. Về nhà báo tin đậu
với ba, người đang nằm trên võng đọc báo. Ba tôi mừng lắm. Câu đầu tiên người
nói. Mẹ mầy còn sống, nghe tin nầy chắc mừng lắm.(Sao bỗng dưng ba nghĩ đến mẹ
trong hoàn cảnh nầy, tôi tự hỏi). Rồi người đứng lên thay quần áo. Tôi hỏi ba
đi đâu vậy? Ông nói đi báo tin cho mấy ông bạn mừng. Bạn ba tôi là những ông
thầy giáo đồng nghiệp. Người đi như thể làm nhiệm vụ của mẹ tôi, lấy cái niềm
vui rộn ràng khoe với hàng xóm. Hình ảnh nhỏ nhoi tầm thường đó, không hiểu sao
nó lại làm tôi bồi hồi mỗi lần nhắc đến. Nuôi con côi cút, ba tôi còn giữ vai
trò của một người mẹ ít nhiều săn sóc con, mua quần sắm áo.
Trong những bài tôi viết trước đây, có người nói tôi đưa hình ảnh
người cha rõ hơn bóng dáng người mẹ. Quả thật, như đoạn trên tôi đã nói. Người
mẹ một thời thơ ấu với tôi là những kỷ niệm đằm thắm, để rồi sau nầy khi biết
buồn, biết thiếu thốn, khát khao, tôi lại đặt lòng trìu mến thiết tha qua niềm
tin tôn giáo. Hình ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là một hình ảnh đẹp trong lòng,
trong tâm tưởng tôi. Từ lúc một thân một mình bước ra cuộc đời. Ở trời đất bao
la, có niềm tin yêu nào dỗ về che chở tâm hồn tôi, những khi lạc lõng khốn đốn,
những lúc hoạn nạn một thân một mình. Không phải không dưng mà tôi biết dựa vào
niềm tin đó. Thời còn học trung học, ba cho chúng tôi tham gia trong sinh hoạt
gia đình phật tử. Tôi biết đọc kinh, biết phật pháp, qua khóa học giáo lý, qua
kỳ thi quy y tam bảo, với hai thượng tọa Thích thiền Định, và Thích Hộ Giác
thời kỳ Hội Phật Học Nam Việt của thầy Mai thọ Truyền. Qua thời gian tuổi nhỏ
đó, rồi thôi.
Không biết có phải từ buổi đầu gieo hạt đó, dẫn dắt về sau nầy. Tôi hay có duyên với sách vở kinh sách đọc, nghe. Có thể vì vậy, ít nhiều tư
tưởng về thân phận con người bàng bạc trong cách dựng truyện.
Điều
thường tình trong cuộc sống, để tượng trưng cho hình ảnh một người Mẹ. Nhân gian lại hay dùng hình ảnh một người Mẹ già khổ cực, nghèo khó, pha chút nhà quê. Phải chăng điều đó dễ gây xúc
cảm, hơn là hình ảnh một người Mẹ còn trẻ, có học thức. Nói về người Mẹ, trong
xã hội đời thường, là nói về:
Hình
ảnh người mẹ buôn gánh bán bưng, tảo tần nuôi con.
Một người đàn bà nuôi
chồng lúc sa cơ thất thế
Một người đàn bà làm dâu một người đàn bà.
Một thời xuân sắc, rồi một
thời già
Một thời làm Mẹ lúc con còn
trẻ.
Một thời làm Mẹ già lúc về
sau.
Trước hay
sau, người Mẹ nào cũng có một tấm lòng, một sự yếu đuối ở bản chất đàn bà, mềm
lòng trước nghịch cảnh. Nhưng tựu trung, người Mẹ nào cũng có tính hy sinh,
quên mình để bảo bọc che chở cho con. Người đàn ông không có tính nhẫn nhục
chịu đựng, thức khuya dậy sớm pha sữa, ẵm bồng nuôi con trẻ. Chỉ có tình thương
ở người Mẹ, cái tình mẫu tử thiêng liêng cao quí, như một chức năng làm căn bản
cho gia đình. Những điều nầy nói ra, thật tình tôi không có một kỷ niệm sâu sắc
nào về mẹ mình. Tôi chỉ biết, nhìn thấy ở một tình thân gần gũi, ở người bạn
đời bên tôi, khi chúng tôi lập gia đình, khổ cực nuôi con, săn sóc, chịu đựng.
Bước ra
cuộc đời. Tôi không có những bà mẹ nuôi, như một số người đã nhận. Tôi có thêm
một bà mẹ ở ngày tôi cưới vợ. Tôi kêu bằng Má. Má vợ tôi là người phật tử thuần
thành, dù là người buôn bán, nhưng đi chùa, đọc kinh ở nhà không bỏ sót cữ nào.
Trong nhà, tôi thấy bức tranh Quan Thế Âm xưa cũ, mối mọt ăn giấy chung quanh,
chỉ còn nguyên vẹn hình Phật Bà. Má tôi vẫn giữ y như vậy, cho là điều linh
thiêng, cảm ứng. Thương con gái là thương luôn con rể như con mình. Má hay ép
tôi ăn, và mua bày biện đủ thứ. Má là người rộng rãi, không so đo tính toán,
móc tiền ra trả từ sáng tới tối, con cái ăn gì, ai đến nhà ăn bỏ đó. Má đều trả
hết khi họ đến thâu tiền. Má làm như có bổn phận phải bảo bọc tất cả mọi người.
Tôi cảm thấy khó chịu, vì tính tôi không thích ăn vặt, không thích lu bu chuyện
ăn uống. Có thể ảnh hưởng từ cuộc sống gia đình đơn độc, từ cuộc sống nhà binh.
Tôi muốn cái gì phải sòng phẳng trật tự đâu đó. Má lo lắng từ chút một cho mọi
người.
Sau nầy
khi có con cái. Tôi biết nghĩ lại, biết nhớ con những lúc không gặp, lo lắng
cho con dù khả năng nó làm được. Sợ con đói dù nó có tiền trang trải, mới cảm
nhận được sự suy nghĩ ở người có tuổi, ở người mẹ lúc nào cũng là bóng mát chở
che.
Một thời
lính tráng đi đó đây, nhiều nơi mọi chốn. Tôi không có nhiều bà mẹ nuôi, má
nuôi như một số người đã nhận. Người lính trong thời chiến chinh, hay trong xã
hôị ngày cũ. Ở người trẻ tuổi, lang bạt kỳ hồ, thường thấy xăm trên vai, trên
tay mấy dòng chữ Xa quê hương nhớ mẹ hiền. Hay đôi khi Hận kẻ bạc tình, hận đời
đen bạc. Ai là người bạc tình? Chắc phải là đàn bà. Nhưng không có một câu,
hàng chữ nào nói xấu về người Mẹ. Ngôn ngữ bình dân trong cái thế giới giang hồ
đó, tôi có chút thú vị khi nhìn thấy một câu xăm bằng mực tàu xanh trên cánh
tay với hàng chữ: Hận đàn bà, trừ má tui. Thấy qua rồi mắc cười. Vậy đó, dù có
giận căm căm trong lòng, có oán hận đàn bà phụ bạc, dở dang đi nữa. Họ vẫn biết
tránh né xúc phạm, bằng cách chống chế thêm ba chữ trừ má tui. Lời ngắn, ý gọn
chơn chất, trong tâm hồn một thanh niên, chắc hẳn dành cho một bà mẹ nhà quê
thật thà đâu đó, trong cuộc sống bình thường.
Ngày tôi
đi tù cải tạo, ở nhà Má đã nuôi vợ, nuôi cháu ngoại, đi thăm nuôi tôi. Má đã
cưu mang những năm dài ở một xã hội thiếu thốn. Nhớ tháng 4 năm 75, cận những
ngày mất nước, chúng tôi có cơ hội ra đi. Má không chịu đi, dành đứa cháu ngoại
đầu tiên có mấy tháng tuổi ở lại với má. Cũng vì tình cảm níu kéo, không ai
chịu bỏ ai. Kết quả là tất cả chịu chung một số phận .
Cho đến
ngày gia đình chúng tôi định cư nơi xứ người. Má vẫn còn nhanh nhẹn, khoẻ mạnh,
vui vẻ sống. Vậy mà, thời gian không đơi ai. Một lần trở về. Tôi không nhận ra
cái thân thể ngày trước, bây giờ Má ốm rút lại, nằm ngồi một chỗ, không còn đi
tới lui sinh hoạt được nữa. Má ít nói, chỉ ngồi nghe, góp vào ít lời. Rồi từ
phương xa, Má nghe điện thoại. Và rồi từ từ Má không còn muốn nghe nữa, khó
nghe, khó nói quá đi.
Má mất đi ở tuổi 90. Tang lễ đủ
đầy nơi quê nhà, bà con hàng xóm láng giềng. Bên xứ người, xa cách muôn trùng.
Đứa con gái của má khóc một mình bên chồng, bên con, bên cháu. Không có tổ chức
buổi lễ cầu siêu nơi chùa. Không có rước sư, thầy nào về tụng kinh. Tất cả
trong giản dị, thương tưởng. Bạn bè chia sẻ là niềm an ủi, quí trọng ở tình
thân trên xứ người, nơi mà cuộc sống không ai có thì giờ lo cho ai. Ở nhà, vợ
tôi, đứa con gái của Má cúng cơm, đọc kinh sám hối, kinh cầu siêu cho hương
linh Má siêu thoát, mỗi ngày mỗi buổi tự mình đọc kinh, cúng kiếng cho đến 49
ngày. Một hình ảnh đẹp, tự nó tôn nghiêm giản dị. Đứa cháu ngoại sáu tuổi đến
nhà, nhìn thấy nhiều lần, hình ảnh bà ngoại cúng cơm, ngồi dưới sàn nhà đọc
kinh. Cháu nói, tự nó. Chừng nào ngoại mất, con cũng sẽ làm như vậy. Câu nói
của một đứa trẻ thơ, trong hoàn cảnh nầy, nghe qua thấy bùi ngùi.
Mẹ tôi
mất lúc tôi sáu tuổi. Cái tuổi của một đứa trẻ không nhớ được nhiều.
Má mất
đi, lúc tôi đã là ông ngoại. Làm người ai không hiểu câu tử biệt sinh ly. Nhưng
làm người ai không đau ở nỗi đau mất mát, ở những lúc nhớ lại. Chúng tôi là
những người tầm thường, nên sống với tình thương gần gũi, thật gần với những bà
Mẹ, bà Má trong cuộc sống đời thường.
Mới đó,
Má mất đã giáp năm.