Người
lớn tuổi trí nhớ rất kém. Bạn thân, gặp mặt, lại ngớ ra, không nhớ anh ta tên gì?
Cầm chìa khóa xe trong tay mà cứ loay hoay đi tìm chìa khóa xe! Nhưng kỳ lạ nhất
là lại nhớ chuyện xưa rất rõ. Chuyện lúc năm, sáu tuổi cho đến thời đi học, đi
làm, lập gia đình, bạn bè, những biến động trong cuộc đời… thì nhớ từng chi tiết,
nhưng hiện tại lại chẳng nhớ chuyện vừa xảy ra! Tôi than phiền với ông bạn, thì
được trấn an.
- Quên, chứ không phải mất trí nhớ. Mất trí nhớ điển hình như câu chuyện sau đây. Bà già nói với con gái. “Sao tối nào cũng có một ông lạ hoắc vô phòng tao ôm hôn tao rồi đi ra?”. " Đó là chồng bà ta, là cha của cô con gái”
Thì ra, ai lớn tuổi cũng hay
quên và cũng nhớ rõ chuyện xưa. Cũng may, chuyện xưa còn nhớ đều là chuyện vui,
để nhiều ấn tượng đẹp, nhất là chuyện tình cảm. Chuyện buồn, chuyện rủi ro, tai
nạn, xui xẻo… không ai muốn nhớ. Kể chuyện nầy, tôi xin quí bạn đừng chờ đợi những
tình tiết lãng mạn, gay cấn, rồi kết cục có hậu hoặc chia lìa bi thảm. Chuyện nầy
chỉ để đọc cho vui thôi.
Đây là một chuyện tình thời
trung học, mà tôi đã kỳ công chuẩn bị, cố sao cho một cô bé lớp tám (đệ ngũ) hiểu
được nỗi “thổn thức” của lòng tôi. Chúng tôi học cùng trường công ở Hội An, một
tỉnh lỵ miền Trung. Tỉnh lỵ nhỏ, bọn trẻ biết rõ nhau, nhưng con trai đánh bạn
với con trai, con gái với con gái, không giống như bây giờ, chưa rụng răng sữa
mà đã cập kè nhau, làm chuyện người lớn. Trong bọn con gái mà tôi “trồng cây si”,
có một em rất dễ thương. Em tên Bình Minh. Tôi thích ngắm trộm em khi có dịp. Tuổi
em, con gái mười lăm, mười sáu, trong trắng, tinh khôi. Nước da trắng hồng, nụ
cười tươi, tóc đen tuyền phủ bờ vai, dáng đi uyển chuyển… đẹp ngây thơ như đóa hoa
sen hé nở trong nắng mai. Buổi tối, cùng các bạn lang thang trên các đường phố tù
mù ánh đèn vàng, khi ngang qua nhà em, tôi thường nhìn vào, thoáng thấy em là tôi
vui. Bọn bạn, thấy vẻ mặt ngu ngơ của tôi trước em là chúng biết ngay, nhưng chúng
không chọc ghẹo mà chỉ tội nghiệp tôi vì biết em chẳng hề cảm động tấm chân tình
của tôi. Lý do, theo chúng nghĩ, là tôi thì xấu trai mà em còn quá nhỏ, quá ngây
thơ, chẳng biết gì.
Tôi xin kể chuyện yêu em Bình
Minh, nữ sinh lớp tám nầy, như một kỷ niệm để bạn, có thể, sẽ bắt gặp mình
trong đó.
Tôi yêu cô nào mà không được
đáp lại là tôi hết yêu, nhưng với em Bình Minh thì tôi lại yêu mãi!
Tôi vốn là con mọt sách. Nhà
tôi nghèo, không có tiền mua sách, cuối tuần hoặc giờ rảnh, tôi ra nhà sách của
một thằng bạn, đọc sách cọp. Tôi đứng một góc tiệm sách, đọc ngấu nghiến, chỉ một
buổi có thể xong nửa tập, hôm sau ra đọc tiếp. Tôi đọc truyện ngắn, truyện dài,
truyện dịch rồi qua sách triết lý, chính trị… Tôi đọc gần hết tiệm sách. Nghĩa
là hễ thấy chữ là tôi đọc. đến nhà bạn, mượn được quyển sách hay, là tôi vừa đi
vừa đọc trên đường về nhà, đôi khi ngồi ngay vệ đường mà đọc. Thời đó, cả đến cái
nhãn Nhị Thiên Đường, cái gói Tiêu Ban Lộ, vỏ hộp Cứu Cấp Lục Thần Thủy (thuốc
bắc)… tôi cũng đọc. Tôi không được cái hân hạnh như anh chàng thư sinh bên Tàu,
(trong truyện “Thư Si”, mê sách) mê đọc sách đến độ người đẹp trong sách hiện
ra với anh ta để đền đáp tấm tình tri kỷ “Thư trung hữu nữ, nhan như ngọc”
(trong sách có người con gái mặt đẹp như ngọc) nhưng tôi cũng được người ta tặng
cho tôi biệt danh “Thằng cuồng chữ”, nghĩa là tôi bị bịnh điên nhưng “điên hiền”.
Lúc bấy giờ, khi hết sách đọc,
tôi đọc qua sách về tâm linh. Không ngờ, loại sách nầy mở ra cho tôi một chân
trời mới, đầy huyền bí. Trong tiệm sách có quyển “Thôi Miên Thuật”. Tôi chép vào
giấy, về nghiền ngẫm và thực hành. Tôi không nhớ tên tác giả nhưng nhớ rõ các
phương pháp thôi miên mà bấy giờ tôi tin lắm, quyết chắc mình sẽ là nhà thôi miên
tài ba. Tôi sẽ thôi miên em Bình Minh, để được em yêu tôi.
Quyển “Thôi Miên Thuật” chia
làm hai phần. Phần lý thuyết và phần thực hành. Phần lý thuyết đại ý nói rằng thôi
miên là dùng khả năng của ý chí điều khiển ý nghĩ của người khác khiến họ làm
theo ý mình. Bác sĩ người Đức Hans Berger khám phá ra rằng. Khi não bộ hoạt động
thì có những luồng điện phát ra, không phải điện vật lý mà là điện sinh học (Các
nhà khoa học đo được trong mỗi tế bào não có một dòng điện khoảng 90 milivols,
với 15-18 tỷ tế bào não ta sẽ có một dòng điện cực mạnh. Mỗi con mắt người có tới
130 triệu tế bào). Hiện nay các bệnh viện đã có máy đo điện sinh học ở não, ở
tim. Điện sinh học ở não cung cấp năng lực đặc biệt cho đôi mắt gọi là “nhãn lực”. Khi tập trung tư tưởng vào đôi
mắt, năng lực đó sẽ áp chế tinh thần đối phương. Con rắn thấy con mồi từ xa, như
con chuột chẳng hạn, đã dùng đôi mắt thôi miên khiến con mồi khiếp đảm, tê liệt,
không cử động được, đành đứng yên chờ chết. Ngoài đôi mắt còn có bàn tay. Những
ngón tay có thể phóng nhân điện. Bạn thử dùng ngón tay trỏ chỉ vào chỗ trán, giữa
hai lông mày của một người nào đó, đương sự sẽ thấy choáng váng. Đó là do nhân điện
đã phóng ra từ ngón tay, tác động lên thần kinh não bộ.
Tiếp theo là phần thực hành.
Phần nầy quan trọng nhất. Sơ khởi là tập “Nhìn mặt trời”. Buổi sáng, đứng hướng
mặt về phương đông. Khi mặt trời mọc thì phải chăm chú nhìn, đến khi chói mắt
thì thôi. Tôi thực hành được một tuần thì mắt tôi sưng đỏ lên, đổ ghèn (dử).
May mà tôi ngừng kịp, nếu không, tôi đã thành “Hiệp sĩ mù nghe gíó kiếm” rồi! Giai
đoạn tiếp theo là nhìn nhang. Buổi tối, học bài xong, đi ngủ. Tôi chui vô mùng
thắp một cây nhang, ngồi kiết già, cách cây nhang độ một mét, bắt đầu tưởng tượng
có những dòng sinh lực từ vũ trụ hội tụ vào đỉnh đầu, chuyển đi dọc theo sống lưng
xuống đan điền (dưới rốn), từ đó, đưa dòng sinh lực đi lên hai cánh tay và đôi
mắt. Để luyện thần, đôi mắt phải nhìn chăm chăm vào đầu cây nhang đang cháy đỏ,
không được nháy mắt, luyện cho thần lực trong đôi mắt có thể khống chế người khác,
đồng thời giương mười ngón tay, phóng “nhân điện” về phía đối tượng (tưởng tượng),
miệng thầm thì như niệm chú “Ta có thần lực
vô biên, ngươi phải tuân theo lịnh ta…” Đôi khi, tưởng tượng trước mặt là một
cô gái, tôi tập trung tư tưởng, nhìn điểm sáng của cây nhang, nói trong ý nghĩ
“Hãy yêu thương tôi! Hãy yêu thương tôi!”,
cứ làm như thế cho đến khi cây nhang tàn thì đi ngủ. Sau một tháng tu luyện, tôi
thử áp dụng “ngoài đời”. Sách dạy, đàn bà yếu bóng vía, dễ dùng nhân điện để sai
khiến. Một buổi tối, tôi ra đường. Đường vắng, thấy một chị đàn bà đi phía trước,
cách hơn mười mét, tôi đưa hai bàn tay hướng về chị ta, đăm đăm nhìn vào gáy chị
ta miệng lầm thầm ra lịnh “Hãy bước sang
bên trái theo lịnh ta. Bước ngay! Bước ngay sang bên trái theo lịnh ta!”... Gần
nửa giờ mà chị ta vẫn đi thẳng, chẳng quẹo đi đâu cả! Bạn mà thấy cảnh tôi đi lựng
khựng trên đường phố vắng như quỷ nhập tràng, hai tay đưa ra phía trước, miệng lảm
nhảm, mắt mở trừng trừng thì biết ngay đó là người bị điên nặng. Nhưng tôi không
nản chí, tôi vẫn tiếp tục luyện thần với cây nhang mỗi đêm khuya, vì tình yêu là
sức mạnh giúp tôi kiên trì theo đuổi giấc mộng sẽ làm xao xuyến quả tim em Bình
Minh dễ thương kia. Cho đến một buổi tối, cô bé đó đi trên đường phố với các bạn,
hướng ngược chiều với bọn tôi. Thường thì thấy em đi từ xa thì tôi ngắm, khi em
đến gần là tôi khớp, không dám nhìn em. Lần nầy, tôi tự tin là mình có thuật thôi
miên, nên tôi nhìn em đăm đăm, lầm thầm ra lệnh “Hãy yêu anh! Hãy yêu anh!” Quả nhiên, khi đến gần, em nhìn tôi nở nụ
cười. Tim tôi vui sướng đập liên hồi. Mấy đứa bạn đi chung bảo tôi.
- Em cười với mầy đó!
Từ đó tôi tin chắc là em đã
yêu tôi. Bước tiếp theo trong chương trình chinh phục em là gửi đến em lá thư. Một
buổi sáng chủ nhật, tôi lang thang trên đường phố thì gặp em đi với các bạn. Vì
tự tin, tôi dừng lại, nói với em.
- Tối chủ nhật anh đưa em quyển sách nghe.
Bọn con gái tò mò và ngạc nhiên vì cách giao tiếp công khai của hai đứa tôi. Lúc đó em cười, gật đầu. Ngay khi về nhà, tôi cặm cụi viết lá tình thư. Tôi viết dài lắm. Tôi viết nháp, rồi thêm bớt, sửa chữa, đọc đi, đọc lại, ngâm nga, lên bổng xuống trầm cho đến khi tự khen là một bức thư tình hay nhất thế gian, tôi mới chính thức viết vào tờ giấy màu xanh, màu của hi vọng. Sau khi đề ngày tháng vào đầu lá thư, tôi ghi một câu tiếng Tây “Loài người không có tình yêu như trái đất không có ánh mặt trời” (Viết đến đây, dù đã lớn tuổi mà nhớ lại, tôi vẫn còn mắc cỡ bởi câu thành ngữ đó. “Sến” không chịu được!) Càng sến hơn nữa khi cuối lá thư, tôi ký tên “Người Tình Si”. Tối chủ nhật tôi bỏ lá thư vào phong bì, để vào một tờ tạp chí khổ nhỏ, đến nhà em. Tôi lang thang, lên xuống trước nhà em cho đến khi nhà đóng cửa đi ngủ mà chẳng thấy em ra! Tối hôm sau, tôi áp dụng thôi miên thuật. Tôi đứng bên lề đường, đối diện nhà em. Dù không thấy em, tôi vẫn phóng nhãn lực vào nhà em, ra lịnh “Em Bình Minh. Hãy ra nhận thư. Hãy ra nhận thư!” Hơn cả giờ đồng hồ, nhà em lại đóng cửa đi ngủ cũng chẳng thấy em ra. Cả tuần, tối nào tôi cũng đi lên, đi xuống trước nhà em, dùng thôi miên thuật mà em vẫn biệt tăm. Thời may, một lần em đi đâu về, tôi mừng rỡ trao tờ tạp chí có lá thư cho em và nói.
- Tối chủ nhật sau trả lời thư anh nghe!
Em gật đầu, cầm lấy, đi vô
nhà. Chủ nhật sau, khoảng chín giờ tối, tôi đến trước nhà em. Em như chờ sẵn,
bước ra, đưa tôi tờ tạp chí. Tôi cầm lấy, đi như bay vì sung sướng, nhất là khi
thấy cái phong bì kẹp trong tờ tạp chí. Tôi về, để tờ tạp chí trên bàn học, ngồi
ngắm cái góc phong bì ló ra từ tờ tạp chí để thong thả hưởng cái sung sướng lần
đầu trong đời được một đứa con gái gửi cho lá tình thư. Tôi hạnh phúc đến độ ngồi
mỉm cười, đê mê cả giờ đồng hồ mới long trọng cầm cái phong bì, cẩn thận lấy lá
thư, mở ra. Ngay lúc đó cả người tôi rã rời, chán nản, không muốn thở. Tôi chỉ
muốn chết quách. Bạn biết sao không? Lá thư của tôi đã gửi em, em trả lại. Hèn
chi, tôi vừa đến là em chờ sẵn. Có thể em đã đưa lá tình thư của tôi cho cha mẹ
em đọc và họ bảo trả lại. Nghĩ đến đó tôi lại mắc cỡ, cố nhớ xem mình đã viết
những gì? Người nhà em đọc, đã nghĩ gì về tôi? Đau hơn nữa là em đã đưa lá thư
của tôi cho mấy đứa bạn đọc nên sau đó, gặp tôi ngoài đường chúng nói vu vơ như
hát “Hỡi người tình si!”. Bạn ắt còn
nhớ, trước đây, đã một lần, tôi kể chuyện, cũng viết thư gửi mấy em, rồi bị trả
lại. Vậy mà vẫn chưa tởn. Lần nầy cũng bị trả lại thư và cái cảm giác xấu hổ,
chán đời vẫn y chang như lần trước. Tôi không dám nhìn lá thư của tôi bị trả lại.
Tôi ngồi chết lặng cả buổi rồi thở dài “Kiểu
nầy phải chui xuống đất mới không gặp
ai!” Mà tôi ít ra đường thật, vì mắc cỡ và cũng vì phải học để chuẩn bị thi
tú tài một. Nhưng rồi tuổi trẻ ham vui và mau quên. Ít lâu sau, ra đường, gặp
em, em cười, tôi cũng cười với em. Em và bạn bè, có lẽ, đã quên mọi sự. Thi đậu
tú tài một, tôi học lớp mười hai (đệ nhất), là lớp cao nhất của trường trung học,
sắp vào đại học, sẽ là sinh viên, oai lắm, nên tôi vênh mặt, coi các cô như bầy
em nhỏ, khi chuyện trò thì ra vẻ “ta đây”, nhưng với em Bình Minh, tôi vẫn thấy
vui và sung sướng mỗi khi được nhìn thấy em. Thỉnh thoảng gặp nhau, chúng tôi đứng
lại chuyện trò đôi câu. “Đi đâu đó?” “Đến
nhà bạn” Tôi hỏi ngớ ngẩn “Đến chơi hả?”
“Đến học chung” Rồi em nói “Đi nghe!”
Tôi trả lời “Ừ!” Chỉ có vậy mà tôi thấy
yêu đời, càng siêng đi ngang nhà em, dù không thấy em, tôi vẫn vui thích, sung
sướng. Đậu tú tài hai, tôi vù ngay vào Sài Gòn để kịp nộp đơn thi vào đại học,
bỏ lại sau lưng thành phố tỉnh lỵ thân yêu và cô bạn gái dịu dàng, xinh đẹp. Cuộc
sống cứ quay cuồng theo thời gian. Năm 1968 (Tết Mậu Thân), có lệnh tổng động
viên, trước khi vào lính, tôi về lại quê nhà tìm cô Bình Minh, cô đang dạy học ở
một trường tiểu học quận lỵ. Tôi ngỏ lời xin được đưa ba mẹ tôi ra gia đình cô
làm lễ hỏi, sau đó sẽ tính chuyện làm đám cưới. Nhưng đời lính, miệt mài chiến
trận, hành quân liên miên, đâu có dịp về phép! Thế rồi, năm 1972 thất trận, tôi
bị bắt làm tù binh. Hơn mười năm, hết trại tù nầy đến trại tù khác. Tù tả tơi,
xơ xác, đôi khi chỉ muốn chết đi, nhưng kẻ thù lại muốn tù chết từ từ để thoả mãn
thú vui được ngắm những bộ xương biết đi. Ra tù, rồi qua Mỹ theo chương trình
HO, tha phương nơi xứ người. Mấy mươi năm trôi giạt. Bây giờ tôi (chúng tôi) đã
trên sáu mươi. Tuổi đời đã đè nặng trên tâm hồn lẫn thể xác mỏi mệt, rả rời. Thời
gian như những giọt nước tí tách, triền miên rơi vào bầu nhiệt huyết, dập tắt
những ước vọng, tự tin của thời trai trẻ sung mãn. Chuyện cô Bình Minh cũng biệt
mù tăm vào dĩ vãng.
Hằng năm, cứ mỗi lần Tết đến,
hội cựu học sinh trường của chúng tôi tổ chức Hội Ngộ Mừng Xuân ở tiểu bang
California, tôi ở tiểu bang khác cũng lặn lội đến chung vui. Bạn trai, thời học
trò, tôi còn nhớ mặt, dù đã quá thay đổi, chỉ cần xưng tên là nhớ ra ngay, Với
các bạn gái thì tôi chịu thua, lâu quá! Đã mấy mươi năm. Họ từ các cô gái ngây
thơ thành những người đàn bà lạ hoắc! Trước giờ khai mạc, chúng tôi tụ tập trước
hội trường, chuyện trò. Lúc quay vào, một ông bạn, chỉ vào một cô hỏi nhỏ.
- Ông còn nhớ em Bình Minh của
ông không?
- Chuyện cũ thì nhớ, nhưng
người thì không chắc, lâu quá!
Ông bạn cười.
- Tới hỏi xem, người đẹp ngày
xưa còn nhớ ra ông không?
Tôi đứng giữa lối đi, sau lưng
cô Bình Minh. Tôi nhận ra ngay cô ta. Thời gian và những biến động của thời cuộc
không xóa được những nét thanh tú, dịu dàng ngày nào. Tôi nhớ lại trước kia, vì
yêu cô mà tôi kỳ công học Thôi Miên Thuật để chinh phục cô. Bây giờ tôi thử lại
trò chơi cũ. Tôi nhìn chăm chú vào gáy cô, miệng thì thầm ra lệnh “Bình Minh. Hãy quay ra phía sau! Bình Minh.
Hãy quay ra phía sau!” Độ năm phút, cô đang chuyện trò với người bên cạnh bỗng
ngưng lại, nhìn quanh, rồi đứng lên, nhìn về phía sau. Thấy tôi, mắt cô mở lớn,
kêu lên.
- Anh Thành!
Cô bước ra khỏi dãy ghế, tiến
về phía tôi. Tôi cười.
- Xin lỗi! Tôi không phải tên
Thành. Chị là ai, coi quen quen. quen
Cô đập vai tôi, rồi với cả
thân tình, cô nắm tay tôi, kéo ra trước hội trường. Chúng tôi ngồi xuống một ghế
dài. Cô tíu tít.
- Anh qua đây khi nào? Em hỏi
nhiều người, ai cũng nói anh ở tiểu bang miền Bắc, ít khi về đây. Anh khỏe không?
- Gặp em là anh khỏe rồi. Còn
em ras ao? sao.
- Cũng như anh. Gặp được anh,
em vui mừng lắm. Gia đình anh ra sao? Được mấy cháu?
Tôi nói đùa.
- Vẫn độc thân nhưng sắp cưới
vợ. Vợ anh tên Bình Minh.
Cô ngước nhìn tôi, môi mím lại,
mắt long lanh như đang cười. Chúng tôi có biết bao nhiêu là chuyện để kể, để hỏi
han nhau. Những kỷ niệm của tuổi học trò như sợi dây vô hình kết hợp hai chúng
tôi thành đôi bạn thân thiết và tín cẩn nhau. Tôi nhắc chuyện cũ.
- Thật tức cười và cũng rất
ngây ngô khi anh viết thư gửi em. Nhưng đến bây giờ anh vẫn không rõ, lúc đọc
thư anh, em nghĩ gì?
- Anh làm em hết hồn khi thấy
lá thư của anh. Em run quá, sợ ở nhà thấy được thì chết. Em giấu dưới hộc bàn,
buổi tối, lúc học bài, chờ cả nhà đi ngủ, em đem ra đọc. Em đưa cho mấy đứa bạn
đọc. Có đứa đọc hai ba lần.
- Em đọc có rung động không?
- Em không hiểu anh viết gì,
bạn bè đọc cũng không hiểu, xúm nhau giải thích lung tung nhưng vui lắm.
- Rồi sao nữa?
- Mẹ em bắt gặp, la em, bảo
trả lại cho người ta.
- Sau đó quên luôn?
Cô trầm ngâm.
- Không hiểu sao. Ít lâu
sau, em mong được nhìn thấy anh. Em không nhớ anh viết những gì, nhưng em cảm động
lắm, vì biết anh để ý đến em, thương em. Hôm anh chuẩn bị vào Sài Gòn đi học,
anh gặp em, từ giã em. Lúc đó em chỉ cười mà không biết nói gì. Đi một quãng, em
bỗng thấy buồn quá, đứng khóc một mình. Mấy đứa bạn ngạc nhiên, không biết chuyện
gì. Anh hứa sẽ về thăm em mà anh đi biệt, chẳng về quê nhà lần nào. Em chỉ biết
theo dõi anh qua tin tức bạn bè. Anh chẳng thèm nhớ đến ai cả!
- Nhưng năm 1968 anh có về gặp
em.
- Em không hiểu sao, năm đó,
thình lình, anh đến tìm em nơi trường em đang dạy học. Anh đi xa, bộ không có cô
nào theo anh sao mà anh phải về gặp em? Rồi còn hẹn hò sẽ cưới em? -
- Anh vào Sài Gòn học sư phạm,
bốn năm, rồi đi dạy được một năm thì có lệnh tổng động viên, anh vào trường Bộ
Binh Thủ Đức, tốt nghiệp sĩ quan. Anh nhớ lại, chỉ có em là người bạn gái anh
tin cẩn nhất, nhiều cảm tình nhất. Anh nghĩ mình vào lính phải có một người yêu
để nhớ nhung và viết thư cho nhau, rồi sẽ cưới làm vợ.
- Bộ anh bị cô nào phản bội mới
về quê nhà tìm em?
- Đôi khi cũng quen biết vài
cô, thấy đẹp, cũng xao xuyến, nhưng tính anh hời hợt lắm, chỉ như cơn say, sau đó
quên ngay. Anh chẳng yêu ai, sau sực nhớ đến em.
Cô vùng vằng.
- Hóa ra anh chẳng yêu em mà
còn ngỏ ý muốn cưới em. Nãy giờ em chờ anh kể rằng anh thương yêu em, nhớ em.
Thật uổng công em yêu anh, nhận lời anh xin hỏi cưới em, rồi chờ đợi anh, bao
nhiêu năm!
Cô không lộ vẻ giận hờn mà nhìn
tôi hết sức dịu dàng. Tôi nói.
- Tình lính đơn sơ chứ không
lãng mạn. Khi anh ngỏ lời xin cưới em là anh coi em như đã là vợ anh rồi. Đời lính
luôn đối diện với máu lửa, với cái chết. Mỗi lần nghĩ đến những người thân yêu
là mỗi lần phân vân. Không biết khi mình nằm xuống thì những người thân yêu đó
sẽ ra sao? Thực tâm, họ không dám nghĩ đến, vì khi đã cầm đến khẩu súng là thần
kinh căng thẳng, chỉ biết xông lên, diệt kẻ thù để sống còn…
Cô tựa đầu vào vai tôi.
- Từ khi anh ngỏ lời xin cưới
em, em tự coi như chính thức đã là vợ anh. Thư anh gửi, em chỉ chờ được nghe
anh kể những gì xảy ra trong cuộc sống quân ngũ, như người vợ nghe chồng chuyện
trò. Đọc thư anh, em rất hạnh phúc, tưởng như có anh bên cạnh. Rồi sau đó, anh đưa
ba mẹ anh ra nhà em xin làm đám hỏi, hẹn sang năm sẽ về phép làm đám cưới. Chưa
cưới hỏi gì thì đến năm 1972, em nghe tin anh mất tích trong một trận đánh…
Tôi hỏi.
- Và em lấy chồng?
- Đâu có! Em là vợ anh mà.
Em chờ anh về với em. Em biết chắc, anh có chết đi cũng sẽ về với em trong giấc
mộng. Những lá thư hiếm hoi anh gửi cho em, em còn giữ đến bây giờ. Em tự trách
mình, lá thư đầu tiên anh tỏ tình với em, sao em lại không giữ lấy? Em ước có
được nó như ước được đứa con đầu lòng của anh với em.
- Sau năm 1975, chuyện gì xẩy
ra cho em?
- Em cùng gia đình vượt biên
qua Mỹ.
Tôi kể.
- Anh hành quân liên miên, định
khi nào được dưỡng quân thì về phép làm đám cưới mà chưa có dịp, nhưng sau đó, anh
bị thương trong một trận đánh, bị bắt làm tù binh. Mạng sống của mình còn chưa
biết ra sao, tâm trí đâu mà nghĩ đến người thân, coi như sẽ không còn gặp lại. Đi
tù về, sống lây lất, có nhớ đến em, cũng không biết em nơi đâu? Đôi khi nhớ đến
chuyện chúng mình, cứ tưởng như đã xảy ra từ kiếp trước của vòng luân hồi xa xăm,
mịt mù nào, và lời hẹn hò thành vợ, thành chồng cũng chỉ là lời vô vọng.
Cô thở dài.
- Ở Mỹ, em không được tin tức
gì về anh, nhưng em vẫn tin rằng chúng ta đang tìm nhau. Em vẫn chờ anh.
Đôi mắt cô bỗng long lanh
hai giọt nước mắt, cô lặng lẽ khóc như cô thiếu nữ có tâm sự buồn. Cô thở dài,
thì thầm.
- Đúng như lời anh nói. Anh
và em đã hẹn lời vợ chồng từ kiếp trước, kiếp nầy tìm nhau, sau mấy mươi năm, với
bao biến động của cuộc đời, đến khi gặp được nhau, thì anh và em, tuổi đã về
chiều, không biết có còn được hạnh phúc như những ước mơ của tuổi thanh xuân
thuở nào?...
Tôi nắm chặt bàn tay nhỏ bé
của cô mà không biết phải nói gì.
Tổ chức Xuân Hội Ngộ cựu học
sinh trường trung học của chúng tôi gồm hai phần. Tiệc Hội Ngộ và tiệc Chia
Tay. Tiệc Hội Ngộ trang trọng hơn, có phần giới thiệu các cựu giáo sư, các cựu
học sinh từ các tiểu bang, từ châu Âu, châu Úc, Canada đến, có diễn văn, ca nhạc,
kể chuyện, rất vui. Riêng tiệc chia tay, ở một nhà hàng khác, thân mật hơn. Các
cô đi một mình ngồi với nhau, các ông độc thân ngồi các bàn riêng để dễ chuyện
trò, nhất là các ông “Thần Ve Chai” (dân nhậu) uống rượu, bù khú chuyện bậy bạ,
tôi ở trong số đó. Trong khi chờ đợi nhà hàng dọn thức ăn lên, chúng tôi đang cụng
ly thì cô Hồng (tôi biết và nhớ tên cô) đến nói với tôi.
- Mời anh qua bàn tụi nầy có
chút chuyện.
Tôi lưỡng lự.
- Có chuyện gì quan trọng không?
- Mời anh qua gặp Bình Minh.
Tôi qua, thấy còn ghế trống
bên cạnh Bình Minh, tôi ngồi xuống. Thấy chỉ mình tôi là đàn ông nên các cô bắt
đầu chọc ghẹo tôi với cô Bình Minh.
- Anh chị định bao giờ làm lễ
cưới để tụi nầy làm phụ dâu đây?
Cô Bình Minh mỉm cười không
nói gì. Tôi nói.
- Lớn tuổi rồi. Chỉ coi nhau
như bạn thân thôi. Phải không Bình Minh?
Cô yên lặng gật đầu. Tính tôi
không hứng thú khi chuyện trò với phái nữ nên cứ ngồi yên. Các cô hỏi, tôi chỉ
trả lời từng câu.
- Anh ở tiểu bang nào?
- Tiểu bang Michigan, thành
phố Saginaw.
Cô Hồng ngạc nhiên, hỏi.
- Tôi cũng ở Michigan, thành
phố Saginaw mà sao không gặp? gặp?
- Tôi ở thành phố khác, mới
dọn đến.
- Đường nào?
- Tôi ở đường McCarty Rd.
Cô Hồng mừng rỡ.
- Tôi ở đường Weiss St. gần
nhà anh rồi. Tôi có mời mấy cô nầy lên Michigan, ở nhà tôi chơi mấy bữa. Khi nào
đi chơi, tụi nầy mời anh cùng đi cho vui.
Tôi lắc đầu.
- Tôi là đàn ông mà theo các
cô, các cô sẽ mất tự nhiên, mất vui. Hơn nữa, tôi ở Michigan đã lâu, tôi biết hết
rồi.
Chúng tôi trao đổi số điện
thoại cho nhau. Cô Hồng nói.
- Ở Michigan lạnh lắm. Anh cần
một người bên cạnh để sưởi ấm tâm hồn cô đơn.
- Trên đó lạnh thật, nhưng sống
một mình cũng quen.
Thấy chuyện hơi nhạt nhẻo mà
cô Bình Minh cứ ngồi yên, tôi đoán chừng, cô có điều gì giận tôi nên tôi xin phép
về chỗ và chào Bình Minh.
- Anh đi, Bình Minh nghe!
Cô ngước nhìn tôi với đôi mắt kỳ lạ, như vui, như buồn và gật đầu.
Như tôi đã thưa với bạn đọc ở phần trên. Chuyện tình của tôi
vừa nhạt nhẻo vừa không có hậu vì tính tôi đã hời hợt với phái nữ mà đời tôi lại
quá nổi trôi khiến tâm hồn thành chai đá, chán đời. Câu chuyện coi như chấm dứt
ở đây nếu không xảy ra một sự việc bất ngờ.
Khi tôi về Michigan được vài
hôm thì có điện thoại.
- Anh Thành hả? Hồng đây!
- Cô Hồng về hôm nào?
- Hồng về sáng nay. Gọi anh để nhờ anh một việc. Số là nhà Hồng chỉ có hai phòng mà tụi nầy có đến bảy cô. Ba cô một giường đã chật quá rồi, còn một cô, không lẽ nằm dưới đất, thấy tội nghiệp quá. Anh có thể cho “quá giang” một cô qua anh được không?
Tôi la lên.
- Trời đất! Tôi thì độc thân
mà cho một cô qua ở chung? Không được đâu. Mang tiếng chết!
Cô Hồng cười trong điện thoại.
- Thì anh qua ngủ chung với
tụi nầy, còn cô bạn thì ngủ một mình trong nhà anh.
- Giỡn hoài. Hai cô thì có
thể ngủ phòng riêng, để khỏi bị dị nghị.
- Chỉ một người mà thôi. Anh
chịu không?
- Không được đâu!
Đầu dây im lặng một lúc, giọng quan trọng.
- Bình Minh. Chịu không?
Tôi kinh ngạc.
- Bình Minh có ở đó à? Sao
không nói trước? Mà Bình Minh có chịu không? -
Bình Minh cũng không chịu. Cứ
“Em chả. Em chả!” mãi, tụi nầy mới nói.
Anh chị hứa hôn với nhau rồi. Mấy mươi năm chờ nhau, tìm nhau, bây giờ gặp lại
sao không chịu đến với nhau. Còn anh. Không có ai vô tình như anh. Bình Minh yêu
anh nhiều lắm. Chờ đợi anh. Anh có biết không? Hồng mà như Bình Minh thì không
thèm tìm kiếm, không thèm chờ đợi, lấy chồng quách cho bỏ ghét.
Vậy là tối đó, có tiếng gõ cửa.
Tôi ra mở cửa. Cô Hồng xách va li (của Bình Minh) vào để ở phòng khách rồi đi
ra, không nói tiếng nào. Sau đó hai cô bạn đầy cô Bình Minh vào và nói.
- Nhiệm vụ phù dâu của tụi nầy
xong rồi. Chúc cô dâu, chúc rể trăm năm hạnh phúc.
Sáu cô cứ đứng ngoài cửa nhìn
vào, cười nói rộn ràng một lúc rồi đóng cửa lại, lên xe đi. Cô Bình Minh đứng xây
mặt vô vách, im lặng. Tôi đến bên cô, ôm vai cô, xoay người cô ra, tôi thì thầm.
- Anh xin lỗi Bình Minh.
Cô vẫn im lặng.
- Cho anh hôn em. Được không?
Cô cúi mặt nhưng gật đầu. Tôi
ôm cô. Cả người cô run rẩy như con chim non, hai tay co lên trước ngực. Tôi hôn
lên trán cô, nâng mặt cô ngước lên, tôi hôn lên đôi má đẫm nước mắt của cô.
PHẠM THÀNH CHÂU