Nhà văn lưu vong, Abdulrazak Gurnah, từ quê
quán ở miền Đông Phi đến Anh Quốc năm 18 tuổi. Hành trình xa quê hương gần 55
năm với bút mực và sách đã mang lại cho ông giải Nobel văn chương 2021. Vượt
qua một số tên tuổi hàng đầu trong năm nay như Margaret Atwood ở Canada,
Lyudmila Ulitskaya ở Nga. Nhà văn Châu Phi trước ông lãnh giải Nobel văn chương
1986 là Wole Soyinka.
Lưu vong, danh từ này quen thuộc, Gurnah nói,
chuyện tị nạn, di cư “là những gì hiện diện với chúng ta mỗi ngày” - thậm
chí nhiều hơn cả khi ông mới đến tị nạn ở Anh, năm 1960. “Người ta đang chết,
đang bị tổn thương trên khắp thế giới. Chúng ta cần giải quyết vấn nạn này bằng
một cách tử tế nhất.” (Associated Press. 10, 07, 2021.) Nhận diện ý
thức và tâm tư trên, Viện Hàn lâm Thụy Điển cho biết giải thưởng này để công nhận
“sự thấu hiểu không khoan nhượng và nhân ái của Gurnah đối với những tác dụng
của chủ nghĩa thực dân và số phận người tị nạn.” Báo chí đề cao ông là nhà
văn có kinh nghiệm vượt qua các lục địa và các nền văn hóa, đã đưa vào tiểu
thuyết về tác động của di dân đối với cá nhân và xã hội.
Gần đây, Abdulazak Gurman đã nghỉ hưu từ công việc giáo sư chuyên về văn chương Hậu lục địa ở đại học Kent. Hôm thứ năm ngày 20 tháng10, ông đang đứng trong bếp tại nhà riêng ở vùng đông nam nước Anh. Điện thoại reng, bắt lên, nghe tin ông được giải Nobel năm nay. Thoạt đầu, ông tưởng là trò đùa. Ai đó muốn trêu ông mừng hụt. Ông thừa nhận, cùng bạn bè đã theo dõi tin tức Nobel mỗi ngày, nhưng không nghĩ, ông may mắn được vinh dự đó.
Gurnah, nhà văn kết nối con người và vùng địa
lý
Truyện của Gurnah mang tính điều tra những
câu chuyện trong đời sống lưu vong. Đồng thời, ông cũng quan tâm sâu sắc đến bản
chất chia rẽ từ sự thống trị của thực dân, sự phân biệt chủng tộc, sự bài ngoại
đối với ngoại quốc. Tác phẩm ông nêu ra những gì có thật để cung cấp cho người
đọc niềm tin vào bề xấu của bạo lực. Tâm lý kỳ hoặc trong việc hủy hoại đời sống
người khác mà họ cho là không quan trọng hơn của chính họ.
Tác phẩm của ông dường như yêu cầu người đọc
đừng đóng câu truyện lại, dù đã đọc hết. Đừng cảm tưởng như đã thu thập đầy đủ
kiến thức về vấn nạn chủng tộc. Mà mở rộng tầm nhìn đến những sự kiện mới, cập
nhật, của di dân, di trú.
Văn phong ông dí dỏm, châm biếm, tự phản biện,
gài nhiều quan điểm, tạo ra sức hấp dẫn. Nội dung truyện thường xảy ra ở Châu
Phi và nhiều nơi khác trên toàn cầu. Tạo ra khái niệm: Điều quan trọng là phải
tìm thấy người khác trong mối liên hệ với chúng ta, nhận thức được quyền sinh sống
của họ, kể cả khi họ chưa thuộc về một quốc gia nào. Ông đưa ra những thực trạng
như người di dân bị đe dọa khi tình trạng công dân được đặt ra. Hoặc sự hiếu
khách có điều kiện trong khi nhập cư. Tại sao người tị nạn, người di dân, hầu
như không có được phẩm giá, mà nhân loại chung đòi hỏi? Sự từ chối thừa nhận
nhân tính con người và những hậu quả khủng khiếp của nó là những chi tiết khám
phá trong truyện của Gurnah. (Tuyển chọn và tóm lược một phần bài viết trong
This Is Africa, Ngày 11 tháng 10, 2021.)
Anders Olson, chủ tịch Ủy ban Nobel văn
chương, gọi Gurmnah là “nhà văn hậu thuộc địa nổi bật nhất thế giới.” Nhà
văn này xuất thân từ Zanzibar, một địa điểm đa ngôn ngữ, mang tính quốc tế rất
lâu trước khi thời đại toàn cầu hóa. Olson nhận định: “Tác phẩm của ông ấy
cho chúng ta một bức tranh sống động và chính xác về một đất nước Châu Phi
khác, một nơi không quá nổi tiếng đối với nhiều người. Một khu vực ven biển mé
trong và dọc theo Ấn Độ Dương, mang dấu ấn bởi chế độ nô lệ, những hình thức
đàn áp của các chính thể, và bạo quyền của lục địa khác nhau như: Bồ Đào Nha, Ấn
Độ, Ả Rập, Đức, Anh …” Về tiểu thuyết,
Olson nhận xét: Các nhân vật của Gurnah “tìm thấy bản thân trong hố sâu giữa
các nền văn hóa … giữa đời sống bỏ lại sau lưng và đời sống trước mặt sắp đến.
Phải đối diện với sự kỳ thị chủng tộc và những định kiến không tốt, nhưng họ bắt
buộc phải im lặng trước sự thật hoặc biến chế lại tiểu sử để tránh xung đột
trong thực tế.” (Trích cùng Associtated Press.)
Trong cuộc nói chuyện với The Wright State
Guardian, 29 tháng 9 năm 2004, Gurnah
nói : “Tôi biết mình đến Anh viết văn trong sự ghẻ lạnh, bây giờ, tôi nhận
ra, chuyện đến từ nơi này và sống ở nơi khác đã là đề tài của tôi viết trong
nhiều năm qua, không phải chỉ vỉ tôi đã trải qua kinh nghiệm mà còn là những
câu chuyện của thời đại chúng ta đang sống.” Ông tự mô tả động lực thúc đẩy
ông phải viết là tìm kiếm “điều gì đó chưa nói, chưa từng nghe bao giờ.”
Đặc Điểm Về Sáng tác
Hầu như ít thấy nhà phê bình hoặc điểm sách
bàn thảo hoặc phân tích về phương diện sáng tạo trong sáng tác của Gurnah. Có lẽ,
mọi tập trung đều nhắm về trọng điểm trong văn chương đấu tranh kỳ thị và nhân
quyền.
Xét chung về các tác phẩm, người đọc sẽ nhận
thấy cấu trúc dàn dựng và kỹ thuật kể truyện của ông có nhiều điểm khác thường.
Ví dụ, trong tác phẩm Desertion, ông sử dụng
nhiều giọng tự sự khác nhau để trình bày ý tưởng. Mỗi giọng kể là một góc nhìn,
từ đó các sự kiện được quan sát và tường thuật. Các tường thuật viên gồm có:
Ngôi thứ nhất Tôi, chúng tôi; ngôi thứ hai; ngôi thứ ba, số ít; đám đông … Nhiều
góc cạnh tự sự sẽ nâng cao mức độ khách quan, làm sự việc xảy ra trung thực
hơn, dễ tin hơn.
Cấu trúc tự sự là một khung cấu trúc làm cơ sở
thứ tự cho cách thức trình bày cốt truyện và bối cảnh. Gurnah tìm thấy sự liên
hệ quan trọng giữa lời tự sự và cấu trúc tự sự. Dù là cấu trúc theo thứ tự thời
gian trên một đường thẳng hoặc cấu trúc ráp đoạn, ông đã thực hiện những thay đổi
này một cách độc đáo. Tác phẩm Desertion được đánh giá cao trên tác động giữa kể
truyện và cấu trúc tự sự. (Trích The
Narrative Voice in Abdulrazak Gurnah’s Desertion, Anne Minayo Mudanya. Trang
11-12.)
Trong tác phẩm nổi bật của ông, Paradise
1994, lọt vào danh sách rút gọn cho Giải thưởng Booker và Giải Whitbread, ông
đã sử dụng kỹ thuật tạo cho các nhân vật im lặng trước những sự việc đáng lẽ phải
thét gào, phản kháng. Sự im lặng không những tạo thêm nỗi đau buồn trong thế giới
câu truyện, mà còn tạo cho người đọc thương cảm và phản đối bạo quyền. Khi
Vijay Nair (2012) phỏng vấn ông về tác phẩm Paradise, Gurnah nói về nỗi buồn: “Kinh
nghiệm sống làm chúng ta đau buồn, càng trải qua nhiều kinh nghiệm chúng ta
càng bị đè nặng. Cuối cùng chúng ta trở thành giống như những người già, bị đè
nặng bởi những điều chúng ta không thể quên.” Thông điệp này được các nhân
vật trong Paradise truyền đi qua sự im lặng.
Ngoài việc sáng tác tiểu thuyết và truyện ngắn,
Gurnah còn đóng vai trò học giả, một học giả xuất sắc, đóng góp những luận văn,
tiểu luận, bài báo cho các tạp chí như Times Literature Supplement, Research in
Africa Literatures, World Literature Today … Tham gia các chương trình truyền
hình và đài phat thanh quốc tế như BBC,
chương trình Hardtalk … và những hoạt động
văn hóa văn học khác, như chủ tịch hội đồng giám khảo cho giải thưởng Caine,
năm 2003. Chủ biên cho Essays on African Wrting của Heinemann, năm 1993.
Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948. Quê quán tại
Zanzibar, bên bờ biển Tanzania, thuộc địa của người Anh. Giành lại độc lập năm
1963, tạo ra nhiều biến động, đưa đến cuộc cách mạng tháng Giêng năm 1964. Những
hình ảnh sâu đậm này đều xuất hiện trở lại trong những cuốn tiểu thuyết và những
truyện ngắn của Gurnah.
Ông rời quê hương đến Anh tị nạn, năm 1967, và
cư trú ở đó cho đến hôm nay. Tốt nghiệp
PhD tại đại học Kent và dạy văn chương Anh ở đại học này từ năm 1985.
Tác phẩm.
Tiểu thuyết:
Memory of Departure (1987), Pilgrims Way
(1988), Dottie (1990), Paradise (1994), Admiring Silence (1996), By the Sea (2001),
Desertion (2005),The Last Gift (2011), Gravel Heart (2017), Afterlives (2020),
Truyện ngắn:
"Cages" (1984), "Bossy"
(1994), "Escort" (1996), "The Photograph of the Prince"
(2012), "My Mother Lived on a Farm in Africa" (2006), "The
Arriver's Tale", (2016), "The Stateless Person's Tale",
Giới thiệu tóm lược truyện ngắn
“Escort” của Abdulrazak Gurnah
Người Dẫn Đường
(Ghi chú: Chữ nghiêng là dịch từ bản gốc. Chữ
thẳng là lời người dịch tóm lược.)
Tôi biết anh ta đã nhìn thấy tôi đang tiến lại
gần nhưng vì lý do nào đó, vẫn giả lơ. Dừng lại bên cửa sau của xe đang mở, chờ
anh ta nhìn lên. Anh gấp tờ báo đang đọc, trườn ra khỏi cửa, liếc nhìn tôi một
thoáng ra vẻ không ưa. Tôi đứng lặng người, lòng trống rỗng, lấy làm lạ. Có lẽ,
không phải không ưa thích, mà đơn thuần chỉ là bực mình theo thói quen không vừa
ý từ tình trạng sống mệt mỏi tẻ nhạt, một sự bất mãn. Nhưng cảm tưởng như không
ưa. Anh hất mặt, hơi đưa cằm ra phía trước, ngụ ý hỏi tôi muốn gì. Sau khi nghe
tên khách sạn, anh gật đầu, như thể bị bắt buộc, như thể anh mong đợi tôi nói
tên một nơi không thể đến. Ngồi phía trước bên cạnh anh, cảm giác thách thức một
con thú, nhưng cũng thừa nhận vẻ bực tức vì sự hiện diện của tôi đã gây ra. Ngồi
bên cạnh để anh có cơ hội thấy tôi không phải là người khó ưa như anh nghĩ. Tôi
không thể nào tránh khỏi việc phát hiện cơn giận của anh. […]
Giờ ăn trưa xe cộ đông đảo, lái chậm lại, anh
liếc nhìn cái cặp nằm trên đùi tôi. Rồi anh nhướng mắt nhìn thẳng vào mặt tôi.
“Ông từ đâu đến?” Uốn giọng lên xuống làm cho câu hỏi bớt đột ngột, nhưng vẫn
nghe ra âm thanh gầm gừ từ oán hận. Tuy thế, anh đặt câu hỏi như thể e ngại tôi
sẽ trì hoãn quyền được hỏi của anh. “Unatoka wapi?” Anh lại làm chiếc xe lảo đảo,
rồi dựa ngửa, đặt khủy tay lên cánh cửa xe. Anh gầy gò và căng thẳng. Khuôn mặt
uể oải ra vẻ bất cần đời. Tôi quay lại tỏ ý quan tâm đến câu hỏi. Có điều gì hằn
học, giằn vặt hiện lên khuôn mặt đang chuyển động đó, khiến tôi nghĩ rằng anh
đã trải qua một cuộc sống hiểm nguy và có khả năng hành động độc ác để xoa dịu
sự đau đớn của mình. Tôi cảm thấy sợ hãi và chán ghét sự tò mò. Chỉ muốn chuyến
xe đưa tôi đến nơi càng sớm càng tốt. Đáng lẽ, nên bỏ đi ngay lập tức sau khi
thấy cái nhìn cay đắng của người tài xế. Anh ta lại liếc nhìn cái cặp tay và
trên mặt thoáng nét cười chế giễu sự nghiêm trọng của người cạnh bên. Chỉ là
cái cặp nhựa rẻ tiền, tay cầm cứng và zip kéo vụng về. Có lẽ, chỉ còn dùng
trong vài tháng nữa, không cần phải bị quan sát kỹ như vậy.
“Nơi nào?” Anh vừa hỏi lại vừa gật gù chú ý
nhìn cái cặp tay.
“Uingereza,” Anh Quốc, tôi hạ giọng nhẹ
nhàng.
“Sinh viên?” Anh khịt mũi.
Có lẽ, ý của anh, tôi là một trong những người
đi làm việc thiện nguyện trên thế giới, rồi trở về với những câu chuyện xứ lạ
và cái cặp tay rẻ tiền. Phải chăng tôi là một trong những người thất bại đã làm
một điều đáng xấu hổ và liên tục gửi về những nghiên cứu với tính toán thông
minh để mang lại một ít tài sản trong những chuyến đi vui vẻ? Khuôn mặt anh ta
hớn hở đầy ác ý, chờ xem tôi lúng túng trả lời ra sao. Khi bắt đầu câu chuyện,
tôi dự đoán anh sẽ cho tôi biết, trong khi mọi người bỏ chạy, anh phải ở lại để
chăm sóc một gia đình bệnh hoạn, bất kể những kỳ vọng mà các giáo viên và các
người cố vấn đã đặt lên anh từ lúc còn nhỏ. Tôi nói tôi là thầy giáo. Lần này
anh khịt mũi nghe rất rõ ràng. Chỉ vậy thôi sao? […]
“Uingereza,” anh vừa hát vừa cua trái về hướng
bến tàu, nơi khách sạn của tôi. “Uingereza,” anh lập lại, “Một xứ sở xa hoa.”
Tôi hỏi: “Anh đã đến nơi đó lần nào chưa?”
Câu truyện Người Dẫn Đường kể lại cuộc gặp gỡ
tình cờ giữa một thầy giáo, công dân Anh, gốc người Swahihi, Châu Phi, trở về
quê hương trong một chuyến công tác, và một anh tài xế, người bản xứ, tên
Salim, tính tình nóng nảy, mặc cảm, nhưng có một quá khứ chứng tỏ là một kẻ chịu
chơi, một lãng tử. Trên đường đưa người đồng hương ở hải ngoại về khách sạn,
anh tài xế tỏ vẻ khinh thường và chế giễu người khách. Sau khi biết được người
khách hiện đang cư ngụ ở Anh, Salim kể lại, anh đã từng đến đó với một phụ nữ
Mã Lai, tên Betty, đã bỏ chồng đi giang hồ. Anh gọi là cô điếm Âu Châu. Cô thừa
hưởng một số tiền lớn, đưa tình nhân đi du lịch, Salim đến Anh, Pháp, kể cả Úc
Châu. Một cuộc tình sôi nổi, xa xỉ, và xác thịt. Không chỉ một mình Betty, anh
liên hệ tình dục với nhiều phụ nữ khác. Sống một chuỗi ngày giàu sang hả hê. Thầy
giáo hỏi: “Việc gì đã khiến anh trở lại nơi này?” Anh nói, đến một lúc nào đó,
bạn phải ngưng cuộc chơi, trở về quê nhà với dân tộc. Tiếp tục ở những nơi
khác, sớm hay muộn, sẽ trở thành thằng hề.
Trong vài ngày công tác ở Swahihi, ông thầy
giáo quen biết Salim nhiều hơn, anh ta thường xuyên đến khách sạn chuyện trò và
đề nghị đưa người khách đi chơi ở một câu lạc bộ trong làng. Trong khi trao đổi
câu chuyện, Sa lim thường trêu cợt, không ưa thích những người da trắng. Có lần
anh nói: “Thông thường họ không ra khỏi khách sạn cho đến khi xe taxi chúng tôi
chạy vào tận nơi. Ông có biết họ cho những con khỉ đầu chó mặc đồ gì không? ….
Mặc yếm vàng và thắt nơ đen. Tôi biết những người bản xứ phục vụ bên quày rượu
cũng mặc áo trắng, thắt nơ đen, và mang tạp dề màu vàng…”
Câu lạc bộ đêm mà Salim mô tả về ăn chơi hóa
ra chỉ là một căn phòng phía trước của căn nhà đầy bùn và nước, được thắp
sáng bằng ngọn đèn dầu. Hai người đàn ông khác đã có mặt ở đó, đứng dậy chào
đón như thể đang mong đợi chúng tôi. Người thanh niên tên Majid, người
trung niên tên Buda. Uống bia, ăn các món đặc sản. Một ngôi nhà tối trong rừng
nơi những người đàn ông tụ tập uống rượu bí mật.
“Họ sẽ mang thêm nữa,” Buda nói một cách trấn
an. Ông ta biểu lộ sự lẫn lộn giữa nóng nảy gần như khó kềm chế và ác tâm cáu kỉnh,
hờn giận mà tôi từng thấy ở Salim. Có lẽ, họ sẽ mang thêm đồ uống. Phải rất là
nghiêm túc, thậm chí bị ám ảnh, về thứ gì đó để trở thành người uống rượu trong
làng phố hồi giáo như thế này. Một nơi không thể uống rượu tùy thích và trước
sau gì cũng bị bắt gặp. Có lẽ, mặc cảm tội lỗi vì phạm pháp đã tạo ra sự tự
kinh bỉ rồi giận dữ, hoặc cần thiết phải tiêu thụ bất kỳ chất độc hủy hoại nào
sẵn có trong một nền văn hóa thiếu thốn tạo ra vẻ mặt ngoài khốn khổ. Hoặc có
thể, đó là sự oán hận không được giải quyết đã thúc đẩy những người này uống rượu
bất chấp mọi nguy hiểm. Làm sao tôi biết được?
Salim nói với vẻ hài hước, giọng khàn khàn, gật
gù nơi mặt bàn trống: “Tôi có thể thấy hai bạn không bận tâm buổi cầu nguyện
Maghreb hôm nay.” Hai người kia bật cười trước sự mỉa mai của anh ta. Salim
cũng cười nhưng miễn cưỡng, khuôn mặt nhăn trong thoáng chốc càng nhăn thêm. Tưởng
chừng anh đang bị đốt cháy. […]
Một cô gái ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu bước ra
từ phòng bên trong, bưng hai chai bia. Đôi mắt cô tận cùng vô cảm, cần phải cố
ý tập trung khi muốn nhìn thứ gì. Cô đặt một chai bia trước mặt tôi. Khi cô
nghiêng người, tôi nhìn qua vết rách trên áo dưới nách, thấy được một cơ thể đầy
đặn và tươi trẻ. Chai còn lại, mang đến trước mặt Salim. Anh sờ mông cô làm cô
nhăn mặt. Majid đột ngột nói: “Aziza, bạn chúng tôi đến từ Ulaya muốn em đó.” Bật
cười khạc ra hai tiếng lớn như chó sủa. Cô ấy quay nhìn tôi với một chút quan
tâm. Rồi đứng im chờ đợi như thể đón nhận chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Salim: “Dẫn cô ấy vào phòng đi.” Cười nhe
răng như một xác chết. Cô ta nhăn mặt. Tôi quan sát, khuôn mặt cô nhỏ và nhọn,
thân hình thon gọn trẻ trung, không thấy sự phản kháng nào trên đó. Tôi lắc đầu.
Ánh mắt cô sụp xuống. Majid cười rồi đứng lên. Cô gái quay lại đi vào phòng,
tay đã bắt đầu kéo áo lên, trong khi Majid lắc lư đi theo sau.
Rời khỏi câu lạc bộ ăn chơi nhầy nhụa, Salim
đưa thầy giáo đến dự một đám cưới. Xe ngừng lại lúc gia đình và bạn bè hộ tống
chú rể đến trước cửa nhà cô dâu. Hai người đánh trống gầy gò trông giống nhau,
chơi với vẻ mặt căng thẳng một cách thản nhiên, mắt họ hướng theo những tiếng ồn
ào đó. Ngôi nhà trang hoàng bằng lá dừa và dây đèn màu giăng ngang bức tường
phía trước. Bên trong vọng ra tiếng người phụ nữ hát, rôi đột nhiên, tiếng hát
chuyển thành một tràng reo hò vui sướng khi chú rể bước đến trước cửa nhà. Đám
đông người bu quanh, hét lên những lời lẽ thô tục trêu ghẹo chú rể. Thình lình
vỡ ra tiếng reo hò khi chú rẻ được thừa nhận, bước chân vào nhà. Tiếp theo là
thực phẩm và bia rượu dọn ra.
Trên đường trở về khách sạn, Salim nói:
“Cô dâu là bà con bên mé vợ tôi.”
Tôi chưa bao giờ nghĩ Salim có vợ. “Anh đã
kết hôn trước khi bồ bịch với Betty?”
“Vâng,” Xe chạy trên con đường thiếu ánh sáng
dẫn đến sân dịch vụ máy xe. Ngay cả trong ánh sáng lờ mờ đó, tôi vẫn có thể
nhìn thấy sự căm ghét, giận dữ trên mặt anh. “Tôi đã kết hôn từ lâu rồi.”
“Anh quay về đây là vì cô ấy.”
Những người sống với lòng cay cú, vì mặc cảm
thua sút, thất bại, lâu ngày, thường rơi vào tình trạng thường xuyên oán hận,
ghét bỏ, nóng giận, bực tức, để rồi trở thành cá tính. Và thể xác cũng sẽ gia
tăng bệnh tật. Salim thuộc vào trường hợp này. Thường khi, chịu đựng một thời
gian, người phụ nữ chăn gối sẽ có phản ứng. Salim mất vợ.
Cô tình nhân Betty cưu mang anh một thời
gian. Chia tay trong một trường hợp lạ kỳ. Mất Betty lại là một thất bại tiếp
theo. Sự thất bại khi có tuổi sẽ nặng nề thương tích dai dẳng hơn lúc trẻ. Khi
tự biết không còn cơ hội trở mình hoặc ngoan cố không muốn thay đổi hoặc ngu xuẩn
tự tin mình đúng, đổ lỗi cho số mạng, người đó tự hãm hại mình và lôi kéo những
người thương yêu họ chìm theo .
Anh cười khúc khích. Một lúc sau, với tiếng
xe gầm gừ trên con đường gồ ghề, anh nói: “Cuối cùng, cô ấy đã cho tôi một thứ
gì không rõ. Cô Mã Lai đó. Khi tôi ngủ với cô, tự nhiên hạ bộ tôi chảy máu. Đi
bác sĩ do Betty chọn. Khám xong, ông nói, không có bệnh gì, nhưng cô ta quyết định
không để tôi ở lại. Chẳng biết bệnh quái quỉ gì, nhưng bất cứ khi nào gần gũi
phụ nữ, máu lại chảy ra.”
Chúng tôi im lặng. Khi xe dừng bên ngoài
khách sạn, tôi hỏi: “Từ khi trở về đây, anh đã đi bác sĩ khám bệnh chưa?”
“Bác sĩ nào? Ở đây làm gì có bác sĩ.” Anh trả
lời, đăm đăm nhìn phía trước. Rồi chợt quay về hướng tôi, mở nụ cười dịu dàng,
ngây ngô. “Ngày mai, ông cho tôi đi với ông. Tôi sẽ gặp bác sĩ bên đó. Dẫn tôi
theo, tôi sẽ làm tất cả những gì ông muốn.” Anh nghiêng người về phía tôi, nụ
cười giờ đây đang tự cầu xin hiện lên trên khuôn mặt chai đá một cách lố bịch.
Từ mặc cảm của anh tài xế lái xe đối với người
đồng hương thành công ở hải ngoại, từ sự mâu thuẫn tự nhiên giữa người được xem
là may mắn và người tự cho mình số phận hẩm hiu, anh tài xế thay đổi thái độ đối
với ông thầy giáo. Vì sao? Vì sự hiểu biết và lòng tử tế tạo ra cảm thông. Dường
như bất kỳ những khó khăn xung đột nào, cũng có thể giải quyết ít nhiều bằng sự
cảm thông chân thành.
Ngày hôm sau anh lại đến để đưa tôi, mặc dù
tôi đã nói, sẽ tự mình ra phi trường. Vẫn lối trò chuyện kèm theo ác ý, ngạo
nghễ thường ngày và chế giễu bất kỳ chuyện gì lọt vào tầm mắt. Cho dù tôi cố gắng
thuyết phục anh thả tôi xuống trước phi trường rồi quay về, anh vẫn đậu xe để
đi bên cạnh tôi với tờ báo cuộn trong tay.
“Một cặp da giống như cái của ông, khoảng độ
bao nhiêu tiền? Lần tới, mang cho tôi một cái. Hoặc gửi cũng được, tôi bảo đảm
sẽ hoàn lại số tiền. Không phải ông cần tiền của tôi trong xứ sở xa hoa đó,
nhưng cho lúc trở về, một lúc nào, ông sẽ ngừng trò chơi này và quay lại cố
hương. Tất cả mọi người đều làm như vậy, nếu không, họ sẽ là câu chuyện cười
trong những xứ sở xa lạ.”
Chiếc cặp tay mà tác giả cài vào ngay từ đầu
câu truyện, cho người đọc cảm tưởng, anh tài xế có mưu đồ đánh cắp, hoặc kinh bỉ
ông thầy giáo hải ngoại làm dáng với cặp tay theo kiểu áo gấm về làng, đến đoạn
chót mới vỡ lẽ, đây là sự yêu thích. Anh tài xế cũng muốn có một cặp tay. Để
làm gì? Xóa một ít mặc cảm chăng?
Tôi bắt tay rồi đưa cho anh tất cả số tiền địa
phương còn lại. Anh nhìn xấp tiền dày cộm với vẻ ngạc nhiên. Tôi nói: “Hy vọng sức khỏe của anh mau
bình phục.” Anh cười toe toét: "Ông muốn nói cái gì?” Bỏ tiền vào túi. “Lần
sau, ông phải ở lại.” Anh quay lưng bước đi, vẩy tay nhưng không nhìn lui.