Người
về đem tới ngày vui
Mùa thu nắng toả Ba Đình
Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời.
Người về đem tới xuân đời từ đất nước cằn,
Từ bùn lầy cả cuộc đời vùng lên.
Bao công nhân tiền phong đưa nhân dân vùng lên.
Nhân dân theo từng bước cha già, hòa bình vui ngàn năm.
Cụ Hồ Chí Minh ánh dương vào trong ngục tù,
Tay công nhân của thế giới mới lên.
Cụ Hồ Chí Minh, đế quốc tan tành hết với sức dân trào cuốn.
Vinh Quang nhân dân Việt Nam.
Bao đau thương miền Nam trong con tim Việt Nam
Đang dâng lên làn sóng căm hờn và niềm tin thành công.
Cụ Hồ Chí Minh, ý muôn người trong một người,
Tên quê hương hồn đất nước Bắc Nam.
Cụ Hồ Chí Minh, đế quốc tan tành hết,
Vinh quang nhân dân Việt Nam.
Văn Cao, Ca Ngợi Hồ Chủ Tịch
***
Suốt
cuộc đời, đôi khi chỉ một hay đôi ba nghệ phẩm cũng đủ hoàn thành trọn vẹn sự
nghiệp của một nghệ nhân. Trường hợp đó đúng với Văn Cao. Nhắc đến ông, là nhắc
đến Thiên Thai, Trương Chi, Tiến Quân Ca. Nhưng nếu Thiên Thai réo rắc xa vắng đánh dấu một thời kỳ
lãng mạn của ảo mộng thì Tiến Quân Ca lại
là thực tế của một thời đại tàn nhẫn ngập máu và nước mắt. Văn Cao ở đâu giữa
hai cực điểm ấy? Đi kiếm câu trả lời, sẽ chỉ tìm thấy những đối cực: Phía bên
này ví ông với Lục Chỉ Cầm Ma, một nhân vật hư cấu trong truyện Chưởng sử dụng
Bát Âm Thiên Long đánh những ngón đàn làm tổn thương tâm thần người nghe; phía
bên kia không hiếm những tôn vinh Văn Cao là nghệ sĩ lớn nhất, vị thánh của các
cung bậc trần gian. Văn Cao ở đâu? Nhất định không ở vị trí của người đời gán
ghép, mỗi nghệ nhân đều chọn cho mình một thái độ sống, cách giao tiếp với cuộc
đời, trong đó, họ sống riêng với nghệ phẩm.
Văn
Cao ở thời điểm hôm nay nhìn lại, nghệ phẩm của ông vẫn nằm ở hai cực điểm: ảo
mộng và thực tế. Bởi Thiên Thai, trước nhất
là một giấc mộng. Giấc mộng không chỉ của riêng Văn Cao nhưng của cả đất nước.
Lên cõi tiên, nơi không còn đói khát, nơi hết khổ đau, nơi chỉ có hạnh phúc.
Văn Cao đã ước mơ và thay chúng ta diễn tả thành lời. Có lẽ chưa có một nhạc phẩm
nào khác Thiên Thai, biểu đạt thành công cho bằng giấc mơ của
dân tộc. Nhưng nếu tài hoa của nghệ nhân giữ cho âm hưởng của nhạc sống mãi, tiếng
réo rắc chưa bao giờ tắt, lâu lâu còn bất chợt vọng về, thì định mệnh của Thiên Thai cũng nằm trong nỗi xa vắng, thứ âm giai
mênh mang, âm điệu lưu luyến, vấn vương thường bắt gặp trong thần thái của các
sáng tác Văn Cao. Xa vắng, vấn vương là chỉ sự mất mát. Thiên Thai là một giấc mộng đánh mất. Nửa thế kỷ
trôi qua, chắc hẳn Văn Cao cũng đã nhận ra sự mất mát ấy, không còn nghệ phẩm
nào của Văn Cao vượt qua được Thiên Thai, cũng
không còn giấc mộng nào lớn hơn Thiên Thai, và chưa lúc nào giấc mơ của dân tộc
xa ngoài tầm tay bằng.
Viết Tiến Quân Ca, Văn Cao bước ra từ ảo mộng vào thực tế. Một
thực tế của sắt thép và máu. Mỗi nghệ nhân trong cuộc sống đều chấp nhận hủy hoại.
Ở bên này, rất đông người trách Văn Cao đã tự hủy đi rất nhiều khi phục vụ
chính trị. Làm Nghệ thuật phải khác với làm văn công. Vì sao Văn Cao chấp nhận
viết Dưới ngọn cờ Giải phóng, rồi ca khúc Ca Ngợi Hồ Chủ Tịch, xưng tụng “tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời…”? Với phía bên kia, Văn Cao vẫn luôn là một thần tượng,
dù trong cõi mộng hay cõi thực. Tiến Quân Ca như
tiếng sóng gầm, bừng bừng trỗ i dậy thác lũ của một dân tộc nô lệ. Quyết chiến!
Ra trận! Đổ Máu! Phía xưng tụng chưa bao giờ muốn kiểm tra những gì Tiến Quân Ca đem đến.
Nghệ
nhân đồng nghĩa với đam mê. Văn Cao bước ra từ ảo mộng vào thực tế cũng với tất
cả đam mê. Say sưa đem hết tài hoa để viết Sông Lô, Tiến Về Hà Nội, Gò Đống Đa là những hùng ca cùng với Tiến Quân Ca đã góp phần cho
chiến thắng. Từ đó, không thiếu những ý kiến cho rằng chúng ta nợ Văn Cao một
món nợ tinh thần. Từ lãng mạn đến hùng ca, đất nước đã yêu, đã mơ mộng, đã chiến
đấu bằng âm nhạc của Văn Cao. Đến đây, một cách thẳng thắn, Nốt Nhạc Trương Chi được viết với lòng quý trọng
nghệ nhân nhưng cùng lúc là để phản bác ý niệm về món nợ Văn Cao – trong đó có
món nợ Tiến Quân Ca.
Quốc
thiều của đất nước do biến động lịch sử đã có ít nhất ba bản: Tiến Quân Ca, Giải Phóng Miền Nam, Tiếng Gọi Công Dân mà
có lẽ nhiều mươi triệu dân Việt hôm nay không ai còn giữ được khách quan, trung
tính khi cảm nhận, vì sự trung thực đã bị biến dạng xuyên qua quá khứ của mỗi
vùng đất mình sinh sống. Dù cố gắng, nhưng chắc chắn những dòng chữ viết ra sẽ
thiên lệch, không biểu trưng cho tâm tình của tất cả, những ai sinh ra ở miền Bắc
hay theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sẽ ít chia sẻ. Do vậy, chỉ là tâm trạng
riêng của một người viết mà suốt quãng thời niên thiếu đã tập hát cả ba bản quốc
thiều này.
***
Trong
ba bản quốc ca sau cùng của đất nước, đối với thế hệ sinh sau trong miền Nam,
phải hát mỗi sáng thứ hai, thì có lẽ Tiến Quân Ca là
kém hùng tráng nhất. Khác với âm điệu dồn dập kêu gọi nức lòng liên tục không
ngớt trong Tiếng Gọi Công Dân của Lưu Hữu
Phước, Tiến Quân Ca mang nhịp điệu lê thê. Một trong những
lý do chính của sự lê thê ấy, là do nhịp nghỉ quá nhiều, gần như sau mỗi câu.
Nhịp ngắt trong Tiếng Gọi Công Dân vẫn có,
nhưng chỉ là nhịp ngắt giúp lấy hơi tiếp tục hát. Kể từ sau vế đầu “Này công dân ơi quốc gia đến ngày nguy biến…” gần
như Lưu Hữu Phước không cho phép người hát ngưng nghỉ một giây phút nào, “đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống/ vì tương lai quốc
dân cùng xông pha khói tên/ làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền/ Dù cho
thây phơi trên gươm giáo/ Thù nước lấy máu đào đem báo…” Những mệnh
đề theo nhau liên tục, mạnh mẽ, tiếp nối cuồn cuộn kêu gọi bừng bừng không dứt
cho đến giây phút cuối cùng. Tính chất kích động, hào khí và dũng cảm hy sinh rất
mạnh trong lời nhạc. Người hát như phải trút hết nhiệt huyết không dừng được. Tiến Quân Ca của Văn Cao hoàn toàn không có được
hùng khí đó, từ lời cho đến nhịp. Toàn bản nhạc là những nhịp ngưng nghỉ quá đều
đặn: “Đoàn quân Việt Nam đi (..) chung lòng cứu quốc (..) Bước chân dồn
vang trên đường gập ghềnh xa (..) Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước (..) Súng
ngoài xa chen khúc quân hành ca (..) Đường vinh quang xây xác quân thù (..) Thắng
gian lao cùng nhau lập chiến khu (..)” Tiến Quân Ca không đem đến hiệu ứng bốc cháy trong
lòng người hát. Không khiến thanh niên học sinh cảm giác phải lao đến trước, bất
chấp hiểm nguy để cứu tổ quốc. Sự khác biệt giữa Lưu Hữu Phước và Văn Cao còn nằm
trong hình ảnh nhạc. Nếu Tiếng Gọi Công Dân là
lời kêu gọi, khởi hành, lên đường, thì trong Tiến Quân Ca, âm
hưởng chung là mọi sự đã an bài, đã xong, chỉ còn lác đác tiếng súng xa trên đường
về mật khu để nghỉ ngơi. Và nếu mệnh đề cuối “Nước non Việt Nam ta vững bền” mang
ý niệm kiểm chứng nhiều hơn là mục đích phải đạt đến, thì mệnh đề đầu “chung lòng cứu quốc” giống một lời tự trấn an
nhau hơn là một khẳng định. Nếu trong Tiếng Gọi Công Dân là
kêu gọi xả thân, hy sinh, làm nhiệm vụ của mọi công dân trước
tình huống lâm nguy của đất nước, thì Tiến Quân Ca chỉ
là một hùng ca của một tập thể được xác định rõ rệt là quân đội, những công dân
khác không được nhắc đến. Tầm vóc và ý nghĩa của Tiến Quân Ca do vậy, không bằng Tiếng Gọi Công Dân. Tất nhiên bản gốc của Tiếng Gọi Công Dân là Tiếng Gọi Thanh Niên, nhưng một khi đã trời thành
quốc ca của miền Nam thì vĩnh viễn là Tiếng Gọi Công Dân.
***
Với “thu ru bến sóng vàng” trong Sông Lô là trường ca viết cho chiến khu Việt-Bắc,
hoặc những “dư âm mênh mông” trong Chiến sĩ Việt Nam, Văn Cao bước ra từ cõi mộng vào cõi
thực vẫn với tâm hồn nhiều lãng mạn, giàu cảm xúc, chứa chan vương vấn, luyến
lưu và hoài cổ. Tất cả ưu điểm làm nên nhạc tình Văn Cao đều dựa trên nỗi buồn
tiếc nhớ, những thương cảm, một chút hoài niệm, một chút xa vắng mà ý thức hay
không Văn Cao đã đem vào nhạc hùng. Khiến, người nghe luôn bắt gặp, dù rất mơ hồ
nhưng cũng đầy bảng lãng chất u hoài buồn bã thấm sâu trong nhạc hùng Văn Cao.
Những hùng ca chưa bao giờ thực sự hùng tráng. Nhưng dù không hùng tráng, Văn
Cao không viết hùng ca để kêu gọi hận thù. Ông viết hùng ca với tâm hồn một nghệ
sĩ.
Trở
lại với Tiến Quân Ca, nếu những đóng góp cho Mặt trận Việt Minh
trong giai đoạn chiến tranh Việt-Pháp là có thực, thì giai đoạn sau không còn
đúng nữa. Trong nội chiến Nam-Bắc vừa qua, bất kỳ nỗ lực nào cũng không thể gọi
là đóng góp, khi hậu quả chỉ là tương tàn và phân ly. Đất nước không kêu gọi
đóng góp để gây xương máu. Cuộc chiến trong Nam, ít nhiều là tự vệ. Tiếng Gọi Công Dân là tiếng kêu gọi tự vệ. Tiến Quân Ca lúc đó là tiếng kèn thúc thanh niên
vào chỗ chết, cho một ý đồ thôn tính. Kiêu hãnh với Tiến Quân Ca ở giai đoạn sau, là một kiêu hãnh phi
lý.
Sau
30 tháng 4, trong ba bản quốc thiều, có lẽ Giải Phóng Miền Nam cũng
của Lưu Hữu Phước là ít được chấp nhận nhất, bởi tính chất hung bạo, dã man,
kêu gào căm thù và chém giết. Tiếng Gọi Công Dân
bị khai tử nhưng Tiến Quân Ca cũng không còn
mang tính chất thiên liêng, âm vang giành độc lập của những ngày đầu kháng
Pháp. Nếu Giải Phóng Miền Nam đã được
hát trong sợ sệt gần như hãi hùng lúc ban đầu, thì Tiến Quân Ca về sau được hát với tâm trạng uể oải
nếu không là thờ ơ. Làm sao không dửng dưng hay không chán chường khi nhà có
cha, anh đi học tập không biết ngày tha, nhà bị đóng chốt đánh tư sản hay thuộc
diện đi Kinh tế Mới? Cuộc thống nhất hai miền đã không đem lại gì cho đất nước,
ngoài một bộ phận chiến thắng vụt giàu sang. Món nợ Tiến Quân Ca, do đó, chưa bao giờ là món nợ của 30 triệu
người miền Nam.
Viết
“Chúng ta nợ Văn Cao một món nợ tinh thần,” như cách viết của những người tả
khuynh, là một áp đặt và đánh tráo khổ đau. Nếu thực sự có một món nợ, thì
chúng ta nợ Buồn Tàn Thu, Suối Mơ, Trương Chi, Cung Đàn
Xưa … nhưng không nợ Tiến Quân Ca. Và,
sau nữa, khơi dậy khái niệm “món nợ,” là một khơi dậy sai lầm. Nghệ nhân khi đến
với cuộc sống, luôn đến bằng tâm tình hiến dâng, trao tặng thân xác, lẫn tâm hồn
để tạo dựng cái đẹp. Người viết tiểu thuyết, nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ, kẻ điêu
khắc khi tạo dựng tác phẩm không trả giá với cuộc đời, không đòi hỏi phải đền
đáp cân xứng. Văn Cao hẳn đến với cuộc đời trong tinh thần ấy. Ông không muốn nợ
ai, cũng không muốn ai nợ ông. Giống Trương Chi cất tiếng sáo cao vút giữa nền
trời đêm, trên mặt con sông Tiêu Tương lấp lánh ánh sao mờ đã không muốn người
đời nhìn thấy chân dung đích thực của mình, chỉ cống hiến giọng hát và tiếng
sáo cho không gian, để làm đẹp không gian, để cỏ cây, vạn vật thêm rung cảm.
Văn Cao giữa hai cõi mộng và thực, giữa Thiên Thai và Tiến Quân Ca, chính là Trương Chi ở nốt nhạc chiều bơ vơ lúc thu vừa sang. Một Trương Chi không được
đền đáp xứng đáng, dù tài hoa. Một Trương Chi có thể chết, có thể tự hủy nhưng
tiếng sáo không bao giờ tắt.
Trương
Chi đã tuyệt vọng khi va chạm thực tế, vì Mỵ Nương không đoái hoài. Văn Cao đã
không được trọng dụng mà còn phải gánh trong mình thêm bi kịch: Tiến Quân Ca của chính ông cất lên nơi nào, thì giấc mơ Thiên Thai của
ông tắt ngấm nơi ấy. Tiến Quân
Ca lan đến đâu, phát vang phố phường nào, hát vang chốn nào,
thì Thiên Thai biến mất chốn ấy.
Chúng
ta không nợ Văn Cao trong cõi thực nhưng yêu mến và tôn trọng giấc mộng Thiên Thai của Văn Cao ở cõi mơ. Giấc mộng vẫn xa
tầm tay dân Việt.
TV,
tháng 10-1992
Đánh máy lại và hiệu đính tháng 10-2017